Dec 21, 2024

Cổ Thi Trung Quốc

Kiệt tác Đường thi: Giai nhân - Hoàng Hoa biên dịch
Đỗ Phủ - 杜甫 * đăng lúc 11:51:34 PM, Aug 02, 2020 * Số lần xem: 1707
Hình ảnh
#1

 
 Giai nhân 佳人 • Người đẹp

Thể thơ: Ngũ ngôn cổ phong
Thời kỳ: Thịnh Đường

 

佳人

絕代有佳人,
幽居在空谷。
自云良家子,
零落依草木。
關中昔喪亂,
兄弟遭殺戮。
官高何足論,
不得收骨肉。
世情惡衰歇,
萬事隨轉燭。
夫婿輕薄兒,
新人美如玉。
合昏尚知時,
鴛鴦不獨宿。
但見新人笑,
那聞舊人哭。
在山泉水清,
出山泉水濁。
侍婢賣珠迴,
牽蘿補茅屋。
摘花不插髮,
采柏動盈掬。
天寒翠袖薄,
日暮倚修竹。


Giai nhân

Tuyệt đại hữu giai nhân,
U cư tại không cốc.
Tự vân lương gia tử,
Linh lạc y thảo mộc.
Quan Trung tích táng loạn,
Huynh đệ tao sát lục.
Quan cao hà túc luận,
Bất đắc thu cốt nhục.
Thế tình ố suy yết,
Vạn sự tuỳ chuyển chúc.
Phu tế khinh bạc nhi,
Tân nhân mỹ như ngọc.
Hợp hôn thướng tri thời,
Uyên ương bất độc túc.
Ðãn kiến tân nhân tiếu,
Ná văn cựu nhân khốc.
Tại sơn tuyền thuỷ thanh,
Xuất sơn tuyền thuỷ trọc.
Thị tỳ mãi châu hồi,
Khiên la bổ mao ốc.
Trích hoa bất sáp phát,
Thái bách động doanh cúc.
Thiên hàn thuý tụ bạc,
Nhật mộ ỷ tu trúc.


 

Chú thích

Chú thích 

  1. Tuyệt đại: cao vượt trên hết mọi người tại trong một thời kỳ, là độc nhất vô nhị.
  2. Giai nhân: người phụ nữ đẹp.
  3. U cư: lặng lẽ nơi khuê thất, điềm đạm giữ mình.
  4. Linh lạc: phiêu linh luân lạc.
  5. Y thảo mộc: ở trong rừng núi.
  6. Quan Trung: chỉ Hàm Cốc Quan khu phía Tây, tức Trường An.
  7. Quan cao: chỉ cấp bậc quan nhà gái cao.
  8. Cốt nhục: chỉ anh em gặp nạn.
  9. Chuyển chúc: chỉ thế sự biến hoá vô thường.
  10. Phu tế: người chồng, trượng phu.
  11. Tân nhân: thê tử mới lấy về.
  12. Hợp hôn: Hoa dạ hợp, lá sáng mở ra tối khép lại. Hoa xấu hổ.
  13. Uyên ương: Vịt uyên ương, trống mái một đôi, ngày đêm như hình với bóng không rời.
  14. Cựu nhân: người phụ nữ đẹp tự gọi mình.
  15. Mại châu: Vì cuộc sống khốn khó mà phải bán đi châu ngọc trân bảo.
  16. Khiên la: kiếm nhặt những cành cây đủ loại, hàm ý chỉ sự thanh bần của giai nhân.
  17. Thải bách: nhặt hái lá cây bách.
  18. Động: thường xuyên.
  19. Tu trúc: Cây trúc cao cao, hàm ý chỉ sự thanh cao của giai nhân.


Dịch nghĩa

Có một mỹ nhân hoa nhường tuyệt đại, sống ở nơi thâm sơn cùng cốc.

Nàng nói: Ta là con gái nhà giàu có, gia đình suy bại nên mới phải phiêu bạt, nương tựa nhờ cỏ cây.

Năm đó khi Trường An xảy ra loạn lạc thương vong, anh em đều chịu cảnh bị giết hại tàn khốc.

Quan to hiển hách thì có ích gì đây, không thể thu nhận gia quyến cốt nhục nhà ta.

Sự tình vốn là sa sút bất đắc dĩ, vạn sự đều giống như ngọn nến tuỳ ý gió thổi mà lung lay.

Chẳng thể ngờ trượng phụ lại bạc tình đến vậy, cưới thêm tân nương mỹ mạo như ngọc.

Lá dạ hợp nở khép còn có thời sớm tối, vợ chồng uyên ương quấn quít bên nhau.

Sớm chiều chàng chỉ còn cười với người mới, nào nhớ tới người cũ nơi này đang khóc thương?

Suối trên núi nước trong suốt nhìn thấu cả đáy, ra khỏi núi lại biến thành vẩn đục.

Thị nữ bán trang sức vừa trở về, nhặt cây lá tu bổ túp lều tranh.

Ngắt hoa dại, nhưng không thích cài lên tóc làm duyên, gom một vốc đầy lá bách trên tay.

Thời tiết lạnh lẽo mỹ nhân chỉ mặc chiếc áo đơn bạc, mặt trời xuống núi, nàng tựa vào cây trúc cao cao.

 
Giai nhân (Đỗ Phủ)


Bài thơ mang theo nội hàm hàm súc, dấy lên nhiều tư vị cho người đọc, xứng là một trong những tuyệt tác của Đỗ Phủ. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)

Hồng nhan thường bạc mệnh. Tô Đông Pha có câu thơ "Tự cổ giai nhân đa bạc mệnh". Bài thơ Giai nhân của Đỗ Phủ cũng viết về một hồng nhan bạc mệnh như thế.



Dịch thơ:

bản dịch của Trần Trọng Kim


Một trang quốc sắc tuyệt đời
Náu thân hiu quạnh ở nơi hang cùng
Kể rằng con cái nhà tông
Sa cơ phải lạc loài cùng cỏ cây
Quan trung loạn lạc những ngày
Anh em bị hại bởi tay hung tàn
Kể chi hiển trật cao quan
Thảm thay đến nổi xương tàn không thu
Tình đời suy có ai phù
Việc đời chi khác đèn cù xoay quanh
Lang quân cũng thói bạc tình
Coi người mới đẹp như hình tiên sa
Biết thời kia dạ hợp hoa
Cặp uyên ương nọ thường là ngủ đôi
Chỉ trông người mới vui cười
Nghe đâu tiếng khóc của ai cô phòng
Suối còn trong núi suối trong
Suối ra khỏi núi, suối trông đục ngầu
Sai tì đi bán hạt châu
Lều tranh rách nát phải khâu dây lài
Ngắt hoa mái tóc không cài
Vốc đầy lá bách, hái hoài không thôi
Lạnh lùng tay áo mỏng tơi
Trời hôm dựa khóm trúc dài thẩn thơ.


                ☆☆☆



Bản dịch của Nhượng Tống

Có con người đẹp tuyệt vời,
Nương cây nấp cỏ ở nơi hang cùng
Rằng: xưa con gái nhà dòng
Lạc loài từ thủa Quan Trung gặp nàn.
Anh em đều chịu chết oan,
Xương rơi, thịt nát, kể quan làm gì?
Tình đời ghét yếu, chán suy
Việc đời muôn đổi khác chi bóng đèn.
Ông chồng gan dạ bạc đen
Mà cô vợ mới như tiên non bồng.
Hợp hoan hoa cũng đèo bòng
Uyên ương chim cũng đậu chung cành dài.
Chỉ nghe vợ mới nô cười
Khóc than vợ cũ sụt sùi uổng công
Suối còn ở núi thì trong,
Suối ra khỏi núi vừa xong, đục rồi.
Con hầu đi bán gọc trai
Trở về dứt lá dọi ngoài mái tranh.
Bứt hoa chẳng gắt tóc xanh,
Ngắt quả bòn trắc để dành đầy tay.
Trời chiều vạt lụa mỏng bay
Lạnh lùng đứng tựa gốc cây tre dài.


              ☆☆☆



Bản dịch của Khương Hữu Dụng

Có người đẹp nhất đời
Náu thân chốn hang hóc
Xưng mình vốn con nhà
Lạc loài nương cỏ mục
Quan Trung xưa loạn lạc
Anh em bị giết chóc
Quan cao mà kể chi
Ruột thịt khôn đùm bọc
Tình đời ghét sa sút
Muôn việc đèn chao lắc
Chồng xưa đứa bạc tình
Người mới báu như ngọc
Dạ hợp còn nhớ giờ
Uyên ương nào lẻ cặp
Chỉ thấy người mới cười
Đâu nghe người cũ khóc
Ở núi nước khe trong
Ra núi nước khe đục
Con sen bán châu về
Giây bìm dọi nhà dột
Ngắt hoa chẳng giắt đầu
Hái bách tràm tay vốc
Trời lạnh áo mong manh
Ngày tàn tựa khóm trúc

Bài thơ này được viết vào mùa thu thời Đường Túc Tông năm thứ II (năm 759), là năm thứ 5 sau khi xảy ra loạn An Sử - là một trong những cuộc binh loạn lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc. Tháng 6 năm 758, Đỗ Phủ bị giáng chức làm Tư công tham quân ở Hoa Châu. Tháng 7 năm 759, ông từ quan và mang người nhà đến sống tại Tần Châu. Tại đây, ông sống chủ yếu dựa vào việc đi nhặt hái hạt dẻ, tự cung tự cấp. Chính vào mùa thu năm này, bài Giai nhân đã ra đời.           

Tác phẩm Đường Thi, của nhà thơ Đỗ Phủ
(Ảnh miền công cộng)

Bài thơ Giai nhân kể về một người phụ nữ đẹp sống trong thời loạn thế, bị trượng phu bỏ quên, phải sống trong sơn cốc, trải qua rất nhiều khó khăn để sống qua ngày. Nàng xuất thân thế gia, chỉ tiếc sinh không đúng thời, xảy ra loạn An Sử, huynh đệ vốn đang làm quan thì đều bị giết chết, trượng phu thấy gia đình nàng bị thất thế, liền bỏ rơi nàng, để nàng phải chịu sống cảnh lưu lạc, không nơi nương tựa. Tuy vậy, nàng không vì như vậy mà oán trách số phận. Nàng chọn một sơn cốc làm nơi che mưa che nắng, coi hoa lá cỏ cây là bạn đồng hành, quyết tâm giữ gìn danh tiết, phảng phất giống như con suối trên ngọn núi nàng đang ở, trong lành dịu mát. Dù rằng hoàn cảnh rất tằn tiện, nghèo túng, nhưng điều này càng làm nổi bật khí tiết thanh cao và sự trong sạch của nàng. Cả bài thơ mang sắc thái bi thương, buồn bã, tiếng kêu như mang theo cả nước mắt lẫn sự oan ức, kết hợp với cuộc sống được miêu tả rõ ràng, khiến cho ai đã nghe qua thì đều cảm động.

Bài thơ ngũ ngôn này chia thành 3 đoạn, mỗi đoạn 8 câu. Đoạn đầu tiên kể về việc gia đình giai nhân gặp phải đại nạn. Đoạn thứ hai nói đến sự bất hạnh của nàng khi bị trượng phu bỏ rơi. Đoạn thứ ba là sự tán thưởng giai nhân, tuy rằng rơi vào bất hạnh nhưng vẫn giữ được tiết tháo cao thượng. 

Tuyệt đại hữu giai nhân, u cư tại không cốc.
Tự vân lương gia nữ, linh lạc y thảo mộc.

(Có một mỹ nhân hoa nhường tuyệt đại, sống ở nơi thâm sơn cùng cốc.

Nàng nói: Ta là con gái nhà giàu có, gia đình suy bại nên mới phải phiêu bạt, nương tựa nhờ cỏ cây

Ngay hai câu đầu tiên đã đưa ra một nghịch cảnh, câu đầu là ngợi khen vẻ đẹp của một người phụ nữ, nhưng câu sau lại nói tới cuộc sống khổ cực của nàng. Câu đầu là tả về vẻ đẹp bên ngoài, câu sau điểm ra vẻ đẹp của nội tâm bên trong. Đồng thời, qua lời kể về sự túng quẫn của giai nhân mà bộc lộ rõ tiếng lòng cảm thán với thời cuộc của thi nhân. Bốn câu thơ là đứng từ góc độ người thứ ba mà viết, vừa tăng độ khách quan, đồng thời cũng lồng ghép thành công góc nhìn đồng cảm của tác giả.

Tranh vẽ Đỗ Phủ.
Tranh vẽ Đỗ Phủ. (Ảnh miền công cộng)

 

Quan trung tích tang loạn, huynh đệ tao sát lục.
Quan cao hà túc luận, bất đăc thu cốt nhục.

(Năm đó khi Trường An xảy ra loạn lạc thương vong, anh em đều chịu cảnh bị giết hại tàn khốc.

Quan to hiển hách thì có ích gì đây, không thể thu nhận gia quyến cốt nhục nhà ta.)

Từ câu này trở đi, ngôi kể đã chuyển sang ngôi thứ nhất, thể hiện ngữ khí can trường của người phụ nữ tuyệt sắc giai nhân. Năm đó chiến loạn xảy ra, Trường An bị đánh chiếm, huynh đệ trong nhà nàng bị giết hại. Chức quan dù có cao mấy, lúc này thì còn có ích gì đây? Sau khi tử bại còn không được nhận thi thể để mai táng cho đúng lễ nghi. Điều này đối với người xưa, thực sự là một nỗi nuối tiếc rất lớn. Nàng tuy rằng xuất thân danh gia vọng tộc, nhưng tới thời khắc quốc gia lâm nguy, trong phút chốc cũng giống như ngọn nến trước gió, tuỳ thời mà tắt:

 

Thế tình ác suy yết, vạn sự tuỳ chuyển chúc.
Phu tế khinh bạc nhi, tân nhân mỹ như ngọc.

(Sự tình vốn là sa sút bất đắc dĩ, vạn sự đều giống như ngọn nến tuỳ ý gió thổi mà lung lay.

Chẳng thể ngờ trượng phụ lại bạc tình đến vậy, cưới thêm tân nương mỹ mạo như ngọc.)

Bốn câu thơ trên như người phụ nữ gửi nỗi lòng vào đồ vật, cảm thán thói đời lạnh lẽo, vô tâm. Ví cơn gió bất định như thói đời xoay chuyển, quang cảnh xoay vần, vốn chẳng kiêng dè ai. 

 

Hợp hôn thượng tri thì, uyên ương bất độc túc.
Đãn kiến tân nhân tiếu, na văn cựu nhân khốc.

(Lá dạ hợp nở khép còn có thời sớm tối, vợ chồng uyên ương quấn quít bên nhau.

Sớm chiều chàng chỉ còn cười với người mới, nào nhớ tới người cũ nơi này đang khóc thương?)

Con người ấy vậy mà có thể vô tình bạc nghĩa như thế, có thể khiến người khác rơi vào sự thống khổ đến thế mà không mảy may gợn chút tâm tư. Để cho người bị ruồng bỏ nơi đây, lại có thể trong bi thương mà cố gắng gượng từng ngày. Nàng nhìn cảnh vật trước mắt, thấy chúng vẫn có thể vô tư như vậy mà sinh trưởng, đến hoa lá với thời tiết còn biết phối hợp nhịp nhàng như tri kỷ, uyên ương kia còn tìm thấy cho mình một người bạn đời bầu bạn, sớm tối bên nhau chẳng rời. Tức cảnh sinh tình, cảnh tượng đó càng làm gia tăng nỗi đơn độc, cô quạnh của người phụ nữ đang phải vật lộn một mình trong sơn cốc. Nhưng tới hai câu thơ sau, sự chua xót trong lòng nàng còn được đẩy lên tới đỉnh điểm, khi nghĩ tới ở nơi đó trượng phu đang “cười" với “người mới', còn “người cũ" nơi đây chỉ biết “khóc thương" cho số phận bản thân, bên ấy người ta có đôi có cặp, còn nơi đây còn ai đoái hoài đâu?

Thơ đỗ phủ
Bên ấy người ta có đôi có cặp, còn nơi đây còn ai đoái hoài đâu? (Ảnh qua Epoch Times)
Tại san tuyền thuỷ thanh, xuất san tuyền thuỷ trọc.
Thị tì mại châu hồi, khiên la bổ mao ốc.

(Suối trên núi nước trong suốt nhìn thấu cả đáy, ra khỏi núi lại biến thành vẩn đục.

Thị nữ bán trang sức vừa trở về, nhặt cây lá tu bổ túp lều tranh.

Hai câu đầu được coi là câu thơ rất đắt giá của Đỗ Phủ. Dùng cái mang tính chất tượng hình mà có thể diễn tả đầy đủ thứ mà dùng lời cũng khó có thể bộc lộ hết. Một câu thơ mở ra cả một không gian rộng lớn, trải dài. Dòng suối kia có lẽ đã chứng kiến hết thảy cuộc đời nàng, và có lẽ là vật khách quan nhất, phản ánh chính xác nhất lòng người: người đáng được hưởng dòng nước trong xanh thì sẽ được, người đáng chịu thứ vẩn đục thì cũng phải chấp nhận. Đồng thời, dòng suối cũng như tâm tư chủ quan của “giai nhân", muốn giữ mình trong suốt, thanh khiết như dòng nước trên núi, chứ quyết không muốn “hoà lẫn" với thứ nước đã đổi màu kia, dù rằng đều trên cùng một con suối, hay là, sống trên cùng một cõi đời, cũng vậy! Với nàng, “thanh" là gì? Là tình cảm thuỷ chung trước sau như một với chồng, là làm người “cũ" chứ quyết không làm người “mới", là sự tuân thủ lễ giáo nghiêm cẩn dù chỉ có một mình, là sống trong cảnh bần cùng nhưng tâm vẫn sáng... Còn “đục” là gì? Là thế nhân vì tư tâm mà hại người khác tan nhà nát cửa, là người chồng bạc bẽo ruồng bỏ vợ, là những người xem vật chất hữu hình còn đáng giá hơn phẩm chất con người... Có lẽ ai rồi cũng nghĩ rằng, rơi vào bước đường này, nàng cũng sẽ đánh mất khí tiết của mình, nhưng suy nghĩ đó biểu trưng cho sự “vẩn đục" của cái xã hội chứ không mảy may ảnh hưởng tới sự “trong sạch" của những người kiên định. Trong Tam nhật lan đình thi tự (Bài tựa cho các bài thơ trong tập thơ Lan Đình), Tôn Xước thời nhà Tấn có viết: “Cổ nhân lấy nước để hiểu tính cách, thực đúng là như vậy! Không phải lấy cái tĩnh lặng biểu thị cho sự trong sạch, lấy cái hỗn độn biểu thị cho sự vẩn đục hay sao? Tình bởi vì học tập chúng mà lay chuyển, vật bởi vì gặp chúng mà sinh cảm xúc".

Câu thơ thứ hai cho thấy rõ hoàn cảnh sống của giai nhân, phải bán dần trang sức để trang trải, nhặt từng cành cây vốc lá để sinh tồn, rất cực khổ. Chính là thêm một lần khắc hoạ chi tiết rằng người phụ nữ ấy đã phải đi tới bước đường gian khó thế nào để sinh tồn.

Câu thơ thứ hai cho thấy rõ hoàn cảnh sống của giai nhân, phải bán dần trang sức để trang trải, nhặt từng cành cây vốc lá để sinh tồn, rất cực khổ.
 

Trích hoa bất sáp phát, thải bách động doanh cúc.
Thiên hàn thúy tụ bạc, nhật mộ ỷ tu trúc.

(Ngắt hoa dại, nhưng không thích cài lên tóc làm duyên, gom một vốc đầy lá bách trên tay.
Thời tiết lạnh lẽo mỹ nhân chỉ mặc chiếc áo đơn bạc, mặt trời xuống núi, nàng tựa vào cây trúc cao cao)

Bốn câu này đã đóng lại câu chuyện buồn, họa lên bức tranh thoát tục và tuyệt thế của giai nhân, cảnh kia có ý, dáng kia có tình. Trong cái tư thái mỹ mạo, là cốt cách của mỹ nhân. Cái “mỹ" này, không phải chỉ là cái đẹp của nữ tính, mà cũng để chỉ cái đẹp của trong tư tưởng mà các văn sĩ thi sĩ cổ đại theo đuổi. Thơ thể hiện phẩm chất của người làm thơ. Cuộc sống có phần nghịch lý của người phụ nữ cũng giống như cây Bách đứng giữa giá rét mà không tàn lụi, như cành trúc thanh cao trước gió lay mà không đổ ngã, là cái khí chất ngạo nghễ với đời, là sự quyết tâm giữ trọn khí tiết trong sạch của người hiền đức. Cái xảo diệu ở đây là, không cần phải dùng tới nửa chữ để hình dung cái đẹp của nàng, nhưng ai cũng có thể tưởng tượng được sự phiêu dật và xuất trần của vị giai nhân ấy. Nàng mặc một chiếc áo đơn mong manh, đứng dựa vào thân cây trúc, cao và thẳng. Hình ảnh đó gợi lên rất nhiều xúc cảm tới người đọc, là một bức tranh tuyệt đẹp, bên trong lạnh lẽo, buồn thương, nhưng bề ngoài lại đứng ở vị thế thanh cao mà đối lập, cái “dựa" của nàng vào cây trúc không phải chỉ sự dựa dẫm, mà đúng hơn là sự “cùng dựa", là sự tương thông về phẩm chất sinh tồn. 

Cả bài thơ đều là lời trần thuật của giai nhân, duy chỉ có hai câu cuối, bỗng dưng như nét chấm bút, kết thúc cho bức tranh người và cảnh. Đây chính là cái hay của nhà thơ, không vì khẩu vị của người đọc mà thay đổi kết cục, mà dùng trí tưởng tượng lửng lơ, mơ hồ để kích thích vào khẩu vị của người đọc. Người ta vừa nghe thơ, vừa như được nghe kể chuyện, lại như được thưởng thức một bức tranh, là sự kết hợp của cả tai, trí óc, và đôi mắt, thực sự là một trải nghiệm thú vị đầy phong phú.

“Giai nhân" phản ánh chân thực hiện trạng xã hội thời bấy giờ, đồng thời bộc lộ khát khao muốn thoát ly của tác giả, là sự đối lập trong cái hiện thực tàn khốc khách quan, và tính cách thanh cao không chấp nhận số phận đã an bài thuộc về chủ quan của nhân vật. Cuộc sống càng cực khổ bao nhiêu, thì phẩm chất của giai nhân càng được đề cao bấy nhiêu. Bài thơ mang theo nội hàm hàm súc, dấy lên nhiều tư vị cho người đọc, xứng là một trong những tuyệt tác của Đỗ Phủ.

Hoàng Hoa (biên dịch)

Theo exam58.com

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.