Jan 14, 2025

Truyện ngắn

Song Sinh Số Phận
TiênSha-LêLuyến * đăng lúc 12:03:52 AM, Jun 17, 2020 * Số lần xem: 1114
Hình ảnh
#1

 

 

 

SONG SINH SỐ PHẬN

 

                                            Tặng Quỳnh Loan, con gái út của tôi.

        

            Loan nhìn cơn mưa phùn đầu mùa của quê hương sau chín năm xa cách. Lên tám, Loan đã theo cha mẹ sang Hoa Kỳ lập nghiệp. Ký ức tuổi thơ về quê hương đối với Loan quả thật mơ hồ quá, chỉ còn nhớ lõm bõm đôi điều nhưng đã gây ấn tượng sâu sắc, khó thể quên được.

            Sáng nay tình cờ Loan bắt gặp lại kỷ niệm hiếm hoi đó ở gánh xôi bắp của bà lão bán dạo.

            Loan cất tiếng gọi. Bà lão chạy băng ngang qua khoảnh sân nhỏ, đến chỗ Loan đứng dưới mái hiên nhà rồi đặt gánh xuống. Bà mở hai mảnh ni-lon che mưa ở hai đầu thúng xôi ra. Chừng như mảnh ni-lon đậy xôi còn lành lặn hơn cả mảnh che mưa trên thân thể gày gò của bà. Hạ chiếc nón lá cũ kỹ ở trên đầu xuống, bà giũ giũ cho rơi bớt những giọt nước mưa. Mái tóc của bà còn bạc hơn cả tóc của nội Loan. Bà kéo hai ống quần xắn móng lợn ướt đẫm đã ngả sang màu cháo lòng, rồi ngồi lên chiếc đòn gánh, bắt đầu xúc xôi bán.       Nhìn bà lão, Loan tự hỏi: “Có thật là vị chủ nhân nghèo nàn của gánh xôi bắp năm xưa đây không?” Ngày trước bà tuy có già nhưng cũng không đến nỗi tiều tụy như hôm nay. Bà lão ngày xưa dẫu nghèo tiền  nhưng lại thật giàu lòng thương người. Sáng sáng vẫn thường gánh ngang qua nhà và chịu bán xôi nợ cho cô bé tí tẹo mới lên năm, có cái ăn lót dạ để đi đến trường.

            Ngày đó gia đình Loan nghèo lắm, nghèo khủng khiếp. Ba mới ra tù còn bị quản chế, chưa có việc làm. Má buôn tảo bán tần chỉ đủ tiền đong gạo hàng ngày là may mắn lắm rồi. Anh chị của Loan còn bé quá chưa làm được việc gì. Gia đình Loan rất cô đơn chẳng có ai giúp đỡ, nên bà lão thương đứa bé gái đồng cảnh ngộ. Trong tấm lòng ngây thơ trong trắng như trang vở học trò của Loan vẫn mãi mãi in đậm hình ảnh cao thượng của bà lão nghèo bán xôi năm xưa, dẫu rằng hôm nay Loan đã lớn và cuộc đời đã thay đổi nhiều lắm rồi.

            Loan hỏi bà lão có còn nhớ cô bé năm xưa sống ở trong căn nhà nầy không? Bà lão lắc đầu. Loan kể cho bà nghe câu chuyện cô học trò tí hon sáng sáng vẫn thường được bà ghé bán xôi nợ. Bà lão vẫn lắc đầu. Loan ngạc nhiên nhìn kỹ. Đúng mà, không thể nào nhầm lẫn với ai khác được, nhưng sao bà lại không nhớ nhỉ? Mãi một lúc lâu sau bỗng bà lão như chợt hiểu ra. Ngước đôi mắt hom hem đục lờ bà kể rằng, người bán xôi cho bé năm xưa thật ra không phải là bà, mà là người chị song sinh của bà. Cụ đã chết hơn một năm trước đây vì tuổi già sức yếu, không kham nổi gánh nặng cuộc đời. Hiện nay bà thay thế chỗ bán xôi của chị, lây lất kiếm miếng sống qua ngày và để tiếp tục trả nợ áo cơm của kiếp con người.

            Loan òa lên khóc nức nở. Quả thật như thế sao? Con người đã song sinh, chả lẽ định mệnh lại oái oăm áp đặt chuyện song sinh cho cả số phận nữa hay sao? Loan làm sao dám tin điều đau khổ ấy lại là sự thật.

            Bà lão cầm nắm tiền cô bé trao cho trên tay, cũng bật khóc theo. Bà vừa cảm động mà cũng vừa xót xa, tủi thân cho số phận hẩm hiu của mình. Bà nghĩ, giá như cuộc đời nầy ai cũng có tấm lòng nhân ái như chị bà, như cô gái bé nhỏ thủy chung nầy, thì xã hội đâu đến nỗi nào đau khổ tủi buồn như hôm nay. Bà lão bán xôi chợt biết ơn người chị song sinh đã mãn phần của mình, một con người đã ươm giống tốt, hạt lành để cho bà được hưởng phúc lộc tốt đẹp hôm nay. 

 

            Loan lặng lẽ nhìn theo bà lão bán dạo. Gánh xôi nặng oằn trên vai, bà bước đi liêu xiêu trong gió rét buốt da. Cơn mưa phùn vẫn lạnh lùng tuôn đổ lê thê như không hề biết rằng có một con người già nua, tội nghiệp đang lặn lội kiếm sống từng ngày trong cô đơn và bão giông cuộc đời.

 

                                      Atlanta, Trọng Ðông 2000

                                         TiênSha-LêLuyến


 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.