Jan 14, 2025

Tiểu luận - Tạp bút

Huế !!!
Hoàng Long Hải (Tuệ Chương) * đăng lúc 02:40:45 AM, Jul 30, 2018 * Số lần xem: 1399
Hình ảnh
#1

Huế !!!

 

hoàng long hải (Tuệ Chương)
 

Xứ Thừa Thiên trai hiền gái lịch,

Non ,xanh nước biếc, điện ngọc, đền rồng

Tháp bảy từng, Thánh Miếu, Chùa Ông

Chuông khua Diệu Đế, trống rung Tam Tòa

Cầu Tràng Tiền sáu “dịp” (nhịp) bắt qua

Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ đợi khác âu ca thái bình

(ca dao Huế)

           

 

 

Thương và ghét

            Nói chuyện “ghét” trước, cho nó qua lẹ đi, để sau đó nói chuyện thương, cho lâu dài, chỉ còn lại những dư âm hiền hòa, êm dịu, chớ nên để lại cái “bực mình” trong lòng mà làm chi!

 

            Nhìn chung, cũng giống như mọi nơi, mọi người, Huế đáng ghét, và có nhiều người đáng ghét. Nói như vậy là có người phản đối - theo cái chủ quan của người ta - Nói chung chung thì thương ghét tùy người, hoàn cảnh từng người, ai giống ai được?!

 

            Có người chưa từng đến Huế, chưa từng ở Huế một ngày nào mà đã lại ghét Huế rồi.

 

            Ấy là sao?

            Có gì đâu! Người ta có thể gặp người Huế đâu đó, như học chung một trường, ăn chung một mâm, ở chung một nhà… và ghét một người Huế nào đấy, rồi ghét… lây ra cả Huế. Cũng có khi chưa từng đến Huế, ở Huế, chưa gặp người Huế, nhưng nghe người ta nói, cũng sinh ra ghét Huế lây. Ấy là do… định kiến. Định kiến thì ghê gớm lắm, có khi giết người không gớm tay, như Việt Minh giết những người bị gán cho là “Việt gian”, khoảng các năm 1945,46,47… hay như bên Trung Đông hiện nay, nói chi tới thù ghét thì dễ sợ lắm. Bây giờ, trong nước vẫn tràn lan vậy!!!

 

            Kinh nghiệm:

            Một người chưa từng đến Huế, chưa từng ở Huế mà hễ nói tới Huế là “Tui không ưa được!” là nhà văn NTT (Xin dấu tên, kẻo mất lòng). Khi nào nói chuyện với ông, nới tới Huế là ông ta “xổ” ngay ra câu: “Huế mơ, Huế mộng, Huế muốn dộng, Huế mốn đâm”. Vậy là tôi đành ngậm họng. Tôi thấy cái định kiến trong lòng ông nhà văn nầy gh ê lắm, không “gỡ” định kiến ra được đâu, đành im đi cho xong.

 

            Nhưng tại sao ông ta có những suy nghĩ như thế?

 

            -Ông ta sinh và lớn lên ở Nha Trang. Người dân bản địa ở Nha Trang thì ít. Phần lớn dân Nha Trang là dân ngự cư, tức là người tứ xứ đến sinh sống, đông nhất là người Huế. Ông nhà văn của tôi, cũng dân ngụ cư Nha Trang, “gốc Quảng”. Khi ông còn trẻ từng “đụng chạm” với người Huế ở đây. Lớn lên, ông vô trường “Sư Phạm Qui Nhơn”. Trường nầy cũng không thiếu chi người Huế, trong số có cố nhạc sĩ TCS, lại có “đụng chạm” nữa hay sao? Ra trường ông được bổ dụng dạy ở Bảo Lộc, lại “sống” với những người Huế chung quanh, chung nhà với TCS. Tuy ở đây người Huế ít hơn, nhưng định kiến ở trong lòng ông đã “dày” rồi. Và cứ thế đời ông trôi đi, ở đâu cũng có gặp người Huế, cho đến ngày ông ta gặp tôi ở Mỹ thì còn gì để mà nói được đâu!!!

 

            Trịnh Công Sơn, trong một bài viết nào đó, hay tôi nghe Trịnh Công Sơn nói trên TV, kể lại rằng mẹ ông thường dạy các con phải ăn ở với người đời cho có “một tấm lòng”. Điều đó đúng đấy. Ăn ở cho có lòng là điều người Việt Nam thường dạy con, nhất là ở Huế. Cho nên, ngay từ nhỏ, tôi đã nghe câu hò, và, ít nhất là một lần, tôi đã nghe nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba “hò” câu hò đó, ở Tỳ Bà Trang: (nhà của ông, trên đường Cột Cờ):

 

                        Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội

                        Người xa người tội lắm người ơi!

 

            Mới đây, tôi có xem một đoạn YouTube, nhạc sĩ Xuân An, người phổ bài thơ “Tạm Biệt Huế” của Thu Bồn, trình diễn bài thơ nầy do ông phổ nhạc.

 

            Đoạn YouTube dễ làm cho người ta cảm động lắm, vì cách diễn tả của nhạc sĩ Xuân An rất hay. - Có nghĩa rằng ông hát nhạc do ông sáng tác mà, hay là chuyện thường tình. Độc giả thử nghe đi! Tôi sẽ trở lại câu chuyện nầy ở một phần sau - Tới khi Xuân An chuyển sang hò, và hò câu hò tôi vừa trích dẫn ở trên: “Người xa người tội lắm người ơi” thì tôi bị xúc động. Câu hò “Người xa người” bao gồm nhiều cái “xa” trong đời sống của người ta. Trai gái - yêu nhau mà đành xa nhau - vợ chồng chia ly, cha mẹ con cái xa nhau, bạn bè xa nhau. Có cái “xa” nào không làm cho người ta phải đau lòng để mà không cất tiếng than “Tội lắm người ơi!”

 

            Trong lịch sử tồn vong của dân tộc ta, trong bao nhiêu trận chiến xảy ra trên đất nước, nhất là kể từ khi Tây xâm lăng, kể riêng những thành phố lớn như: Đà Nẵng, Saigon, Hà Nội, Hải Phòng, Nha Trang, Đà Lạt… thì Huế là nơi hứng chịu nhiều cuộc chiến nhất, hai phe đánh nhau nhiều nhất, và chết chóc cũng nhiều nhất, kể luôn hai trận “Thất thủ Kinh Đô” và “Mậu Thân Huế”. Hàng ngàn người chết, chết đủ cách, tên bay đạn lạc, chết trận, đem bắn bỏ, chôn sống, để đói, cho chết dần chết mòn… với cả hàng ngàn người, không kịp chôn, không cần chôn, chết mất xác, không biết chết ở đâu. v.v…

 

            “Thất thủ kinh đô” thì Tây giết người Việt. “Mậu Thân” người Việt giết người Việt, lại là người Huế giết người Huế. Người Huế nào đã quên câu ca dao Huế “Người xa người tội lắm người ơi!”

 

            Nếu nói tới cảnh “Người xa người tội lắm” như trong câu hò nói ở trên, có trường hợp nào “tội” hơn không? Đau đớn hơn không?

 

            Vậy mà những tên Cộng Sản, những tên theo đuôi Cộng Sản cho là “đáng kiếp” (cho người chết và cho thân nhân họ?), cho rằng những người chết đó là “những con rắn độc”

 

            Ghét Huế, ghét người Huế đến cái độ như vậy thì với những tên Cọng Sản đó, còn gì nữa để mà nói cho mất công, uổng giấy mực. Không đáng cho ta nghĩ dến chúng, viết về chúng. Không đáng! Không đáng gì đâu! Bỏ đi!

 

            Với những người như anh em Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, một lời “khinh mạn” là đủ cho chúng phải đau, phải xấu hổ với tổ tiên, dòng họ. Một bãi nước bọt là đủ, không phải tốn giấy mực mà nói tới một “tấm lòng”.

 

 

&

 

 

            Riêng cá nhân tôi, tôi cũng có chuyện buồn vui với Huế nhiều!       

            Chuyện như thế nầy: Tôi bị coi thường là “Dân Quảng Trị”, mà dân Quảng Trị là “người quê”, so với Huế! (1)

 

            Sinh ra và thời niên thiếu ở Quảng Tri, “đi Huế” là niềm mơ ước của tôi khi tôi ở tuổi đó. Bấy giờ ông Bảo Đại còn làm vua - gọi là “Đức Kim Thượng” - tức là người “cao nhất” hiện tại - Trước 1945, tôi từng được bố tôi cho đi theo để “rước Đức Kim Thượng” khi ông đến “Hành Cung” trong thành cổ Quảng Trị.

 

            Và Huế nữa chứ: cung cấm, đền đài, lăng tẩm… có bao nhiêu điều tôi muốn biết, muốn xem và cầu Trường Tiền, núi Ngự và “Tế Nam Dao”, vua và hoàng tộc, quan lại, dân tình ăn mặc đẹp đẽ và nói năng lễ phép, dịu dàng…

 

            Tuy vậy, với người Huế, đôi khi, nghĩ tới, tôi không khỏi thấy buồn cười trong một vài lần đi ăn giỗ ở nhà ông bác.

 

            Ở Huế, việc kỵ giỗ, còn giữ “truyền thống tổ tiên”.

 

            Thông thường, người Huế cúng giỗ ở nhà, không tổ chức ở chùa. Chùa chỉ là nơi “gia chủ” để đến xin “một lễ cầu siêu” cho người đã chết. Giỗ, cũng như đám cưới, đám ma… không tổ chức tại chùa. Trong đám cưới, cô dâu chú rể; trong đám ma, quan tài người chết, không đưa đến chùa bao giờ. Ngoại trừ những nhà gặp “trở ngại”. Ví dụ:

 

            Gia đình ông Ngô Đình Khả chẳng hạn.

            Gia đình ông Ngô Đình Khả tuy theo đạo Thiên Chúa từ đời thân phụ là ông Ngô Đình Dinh, (còn có tên là Ngô Đình Niệm). Tuy nhiên, đây là một “gia đình Nho Phong”. Tôn sùng đạo Nho, giữ gìn Nho Phong, trọng lễ, nghĩa, liêm, sĩ… và tôn thờ “đấng” “Vạn Thế Sư Biểu” (là cụ Khổng đấy). Dĩ nhiên, trong số các con ông Ngô Đình Khả, việc “trọng Nho” nầy không có Tổng Gím Mục Ngô Đình Thục - ông nầy đã thờ Chúa thì không thờ ông Khổng, và ông Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Luyện vì “theo Tây học”.

 

            Do đó, tuy “theo Đạo” nhưng vẫn “thờ ông bà”. Thờ ở đâu? Ông Chúa và ông bà (người theo Đạo cho là ma) không thể thờ chung trong nhà được vì một bên là Chúa “là đấng thiêng liên” (Tạo hóa?) và một bên là ma, thuộc cấp hạ đẳng nên không thể “ở chung đời”. Nhưng gia đình nầy tôn sung đạo Nho, giữ gìn “truyền thống thờ ông bà” của dân tộc, nên phải có “ly hương ông bà!”

 

            Không thờ trong nhà được thì đem “gởi ở chùa” (2), tiếng người Huế thường dùng, được viết trong ngoặc kép. Ông Ngô Đình Cẩn làm một việc như người Việt thường làm: Có khó khan, trở ngại thì gởi ở chùa.

 

            Ngày giỗ, nhất là ngày giỗ lớn như giỗ cha, giỗ ông nội thì con cháu phải về đông đủ. Khi người chủ lễ, - như ông bác tôi là chủ lễ cho họ của tôi, thì các o (cô) tôi về đủ, các ông chú, và anh em chúng tôi về đủ - đang làm lễ thì con cháu đứng chung quanh bàn thờ “hầu kỵ”: Vòng tay, không được làm ồn, không nói chuyện. Bọn trẻ thường phải mặc “quốc phục” (áo đen may kiểu ta, quần cháo lòng), pha trà, châm thuốc lá cắm vào bát nhang…

 

            Sau đó là “ăn giỗ”, ngồi theo từng mâm (3) chuyện hầu kỵ của Nhất Linh).

 

            Rất nhiều gia đình người Huế ăn chay (4 ngày hay 8 ngày một tháng hoặc ăn chay trường (hay trường chay, không ăn mặn bao giờ) nên ngày kỵ, thường cũng “kỵ chay”. Kỵ chay cũng “ít tốn” hơn kỵ mặn. Thịt, cá đắt đỏ.

 

            Năm tôi đã lớn, “đi dạy” ở Huế, đến ăn giỗ nhà ông bác. Đang ngồi bên mâm cơm, bỗng bà chị con ông bác tôi nói:

 

            -“Ăn chay không phải ăn như rứa. Ăn ri nầy em: Gắp nhiều món, trộn chung với nhau, không ai ăn từng món như em”.

 

            Vừa nói, chị ấy gắp nhiều món trong mâm, bỏ vào chén cho tôi. Xong, chị ấy nói lớn cho mọi người nghe: “Tội nghiệp chưa! Hắn không biết ăn chay.”

 

            Không biết ăn chay là không phải người Huế. Người Huế “văn minh” hơn. Nói như thế, có nghĩa chị ấy chê tôi là người nhà quê, là “dân Quảng Trị”; Và cũng tỏ lòng thương hại tôi.

 

            Đó là một bữa “ăn kỵ đắng cay”. Tôi cũng không bực mình gì lắm đâu, dù bị chê là quê mùa, nhưng cũng là một kỷ niệm khó quên về sự kiêu hãnh của người Huế - kiêu hãnh vì văn minh, đài các, vì “con vua cháu chúa” hơn…

 

            Bên cạnh sự cay đắng đó, tôi vẫn nhớ hoài lòng tốt của chị. Năm 1949, tôi mới hơn mười tuổi, phải vào Huế ở nhờ nhà ông bác, tức là nhà chị ấy ở đường “Ô Hồ”, sau nầy có tên là đường Võ Tánh. Mỗi tuần ba lần: thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu, tôi phải mua “đồ ăn” thăm nuôi anh cả tôi bị tù ở “lao Thừa Thiên” sau nầy là “Phân Khoa Luật” của Đại Học Huế, (4) trước “Tòa Đại Biểu Chính Phủ”. Từ nhà chị ấy, trước “Hồ ông Mười” (sau nầy là trường Trung Học Gia Hội) lên tới “lao Thừa Thiên” là xa lắm. Hồi ấy chưa có xe buýt – bus) xe xích lô (Huế mới có một ít chiếc) - hay xe tay – (xe kéo) thì mắt lắm, tôi phải đi bộ, từ 5 giờ sáng để kịp giờ thăm nuôi lúc 7giờ). Chị ấy không bao giờ để cho tôi “đi bụng đói”. Chị dậy sớm hơn giờ tôi đi thăm, nấu một nồi xôi nhỏ, bắt tôi phải ăn một chén xôi xong rồi mới cho đi. Chị ấy nói: “Ra đường sáng sớm bụng đói, dễ “bị trúng gió”).

 

            Những chén xôi ấy cũng không bao giờ tôi quên. Tuy là chén xôi của chị tôi, nhưng cái tình chị em đó, cũng là tấm lòng của người Huế đối với người khác vậy.

 

            Cũng có một câu chuyện khác nữa, sau nầy tôi thường kể lại cho bạn bè nghe, như một chuyện vui. Câu chuyện nói lên được “tính vua quan” của người Huế.

 

            Biến cố Tết Mậu Thân vừa xong, tôi đi thăm các nhà bà con xa gần trong họ Hoàng của tôi đang cư ngụ ở Huế. Số bà con nầy khá đông, trong đó có “O hường”, chị bà con của ba tôi. Chồng bà, thời ông Bảo Đại còn ngồi trên ngai vàng, là quan to trong triều: “Hồng lô tự khanh.” Vì tên vua Tự Đúc là Hồng Nhậm, nên người Huế “kỵ húy”: “Hồng” đổi thành “Hường”. Gọi “O hường” là vì vậy. Đây là gia đình nổi tiếng ở Huế:

 

            1)-Chồng “o hường” là bạn đồng song với thân phụ Nguyễn Kim Thành, tức Lành, tức Tố Hữu. Thân phụ Tố Hữu thi hỏng, không “ra làm quan” được. Khi Tố Hữu học trung học (cấp hai) vì tình bạn, chồng “o hường” kêu Tố Hữu làm precepteur (giáo tại gia), dạy cho các con của ông là TĐP, TĐNg. Theo Cộng Sản, Tố Hữu viết những bài thơ phê phán giai cấp thống trị, giàu có xã hội VN thời bấy giờ, như bài “Vú em”(6). Vì vậy, những người Huế biết chuyện nầy, cho rằng Tố Hữu là người “phản phúc”, tức là nói xấu người đã từng giúp mình, “nuôi ăn học”.   

 

            Tôi đến thăm “O Hường” vì ông chú tôi bảo: “Tới thăm o hường một chút, nhà o bị canh-nông bắn sập phía sau. May không ai can chi.”

 

            Biết đây là “nhà quan”, “lễ nghĩa lôi thôi” lắm, nên tôi dựng xe Lambretta bên kia đường, dưới bóng cây trứng cá nhỏ, nói với vợ: “Em chờ đây một chút, anh ra liền.” Rồi tôi đi vào nhà o một mình.

 

            Thợ đang sửa lại góc nhà sau, chỗ bị đổ sập vì đạn pháo binh. “O hường” đang nằm trên cái ghế “trường kỷ” đặt phía gian nhà bên phải, tay cầm một cuốn sách, in nhìn bên ngoài khá quen thuộc, loại sách “truyện cổ” của nhà xuất bản Tân Việt ở Saigon hồi ấy, sách in các “truyện thơ” như  “Phạm Công / Cúc Hoa” hay “Thoại Khanh / Châu Tuấn”…

 

            Tôi cất mũ, đứng sát vào vách tường, nói:

            -“Thưa o!”

 

            “O hường” bỏ cuốn truyện đang cầm ở tay xuống bàn trường kỷ, từ từ ngồi dậy, bỏ cái “gương lão” xuống khỏi mắt, nhìn tôi một lúc, nói:

 

            -“Thưa o thì cất cái gương (kính đeo mắt, tiếng Huế) đi cái đã!”

 

            Tôi đeo kính cận thị có màu lạt, “o hường” tưởng tôi đeo kính mát. Với người Huế, đeo kính mát mà nói chuyện với người lớn tuổi hơn là “hỗn”, “vô phép”, “vô lễ” (7). Tôi vội vàng bỏ kiếng xuống, lòng nôn nóng vì vợ tôi đang đứng ngoài kia, giữa nắng trưa.  

 

            Thấy tôi bỏ kính xuống rồi, “o hường” hỏi:

            -“Ai đó mà “thưa o”!

 

            Tôi vội vàng làm “bản tự khai”. Vì ba tôi bỏ quê mà đi khi ông còn trẻ nên tôi phải khai tới tên ông nội, “o hường” mới biết tôi “con cái nhà ai ai”.

 

            Khi biết dòng dõi rồi, “o hường” bèn than vãn dữ:

 

            -“Trận ni thì thôi, “già” (nhà) o bị….”

            “O hường” kể chuyện “hư nhà”, hết “hư nhà” tới “hư sân”, “hư bếp”, “hư cầu tiêu”, hư  “buồng tắm” mà chẳng hỏi tới “gia đình” tôi một lời. Lòng tôi đã nôn nóng, lại càng nôn nóng dữ. Kể lể như vầy thì bao giờ mới xong, bao giờ thì vợ tôi mới hết “đứng giữa nắng trưa”.

 

            Chờ “o hường” dứt nửa chừng thì tôi vội cướp lới “Thưa o, con về”, rồi vội vàng phóng ngay ra cửa. Thấy vợ tôi đứng bên kia đường, tôi vội “toét miêng cười cầu tài” vì sợ vợ cằn nhằn “bắt đứng giữa nắng lâu dữ ri!”

 

(còn tiếp –

kỳ tới “Giọng Huế”. “Hai thương ăn nói mặn mà có duyên”)

 

hoànglonghải

 

 

 

(1)        Nói về dòng dõi thì gốc gác tôi là người Thừa Thiên.

            Năm 1558, khi chúa Nguyễn Hoàng vô Nam, có một người đàn bà đem bốn người con trai theo chúa. Không phải người đàn bà nầy đẹp, “sắc nước hương trời” gì đâu. Chúa bây giờ, sợ Trịnh Kiểm giết như Nguyễn Uông, anh ông ta, nên chúa xin vào “trấn thủ đất Thuân Hóa”. Chúa đi tìm đất sống, đâu phải chuyện ăn chơi mà đem “giai nhân” đi theo để sống đời hưởng thụ. Chúa cần người đi theo giúp chúa “lập nghiệp chúa” nơi ở mới. Vì người đàn bà nầy và bốn người con trai có nghề rèn, nên chúa đem bốn mẹ con đi theo để họ rèn dao, rèn cuốc canh tác khi vào tới nơi - tự kiếm mà sống, ai nuôi chúa và quan binh của chúa?” Và cũng để rèn khi giới cho binh lính của chúa khi cần đánh nhau.

 

            (2) “Gởi thờ ở chùa” vì: Những người bị giết vì chống Pháp, không thể thờ ở nhà, sợ mật thám Tây theo dõi, như trường hợp nhà anh hùng Trương Định ở Gò Công. Mất nhà vì nhiều lý do khác nhau. Bị “kẻ thù” săn đuổi…

 

            (3) Ăn giỗ ngồi theo từng mâm. (Xưa ít khi ngồi quanh bàn mà ngòi quanh mâm đặt trên bộ ván ngựa hay trên giường). Mỗi mâm từ 5 hoặc 7 người. Nhất Linh kể có ba ông đi ăn giỗ, ngồi chung một mâm. Thấy ít người, một ông khách khoái chí nói: “Ồ! Chúng ta “tam đa”. Một lúc, thêm một ông khác nữa tới, lại ngồi chung. Người phát biểu lúc nãy còn hứng chí: “Chúng ta “tứ quí”; cũng được”. Lại có một ông khách nữa, lại ngồ chung. Có người than: “Chúng tôi đâu phải “ngũ quỉ”.  Lại thêm một ông khách. Có người phản ứng: “Không thể làm “lục súc”. Lại thêm một ông nữa, xin mời vào ngồi chung cho khỏi “lục súc” mà thành “thất hiền”. Người khách cuối cùng không biết mời vào đâu, xin tiện vào đây cho đủ “bát tiên”. Bát tiên hôm ấy đói cả, không đủ cho bát tiên được no.

 

(4) Thời Ngô Đình Diệm, “nhà tù thành trường học”, khác với Việt Cộng đấy!  

(5)Vú em

Nàng gửi con về nương xóm cũ
Nghẹn ngào trở lại đẩy xe nôi
Rồi từ hôm ấy, ôm con chủ
Trong cánh tay êm, luống ngậm ngùi

Nàng nhớ con nằm trong tổ lạnh
Không chăn, không nệm ấm, không màn
Biết đâu trong những giờ hiu quạnh
Nó gọi tên nàng tiếng đã khan!

Rồi từ hôm ấy, dưới đêm sâu
Hồi hộp nàng ra vịn cửa lầu
Nhìn xuống ven trời dày bóng nặng
Tìm nghe trong gió tiếng con đâu

Gió vẫn vô tình lơ đãng bay
Những tàu cau yếu sẽ lung lay
Xạc xào động cánh đau lòng mẹ
Nghe tiếng lòng con vẳng tới đây!

 


Ta thấy nàng nghiêng mình rũ rượi
Gục đầu thổn thức trong bàn tay...
Bạn ơi, nguồn thảm sầu kia bởi
Số phận hay do chế độ này?


Huế, tháng 5-1938

 

            (7) Sau 1975, cán bộ Việt Cộng cũng thường bắt bẻ như vậy!

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.