Dec 26, 2024

Tiểu luận - Tạp bút

Lối Nói Khoa Trương Trong Khẩu Văn Của Nguyễn Quang Lập Phần 3
Nguyễn Ngọc Kiên * đăng lúc 09:47:45 AM, Jul 20, 2018 * Số lần xem: 1260
 

 

 

 

3. Lối Nói Khoa Trương Trong Khẩu Văn Của

Nguyễn Quang Lập

Nguyễn Ngọc Kiên

SỬ DỤNG THÀNH NGỮ  BIỂU THỊ KHOA TRƯƠNG TRONG KHẨU VĂN NGUYỄN QUANG LẬP

Theo “Từ điển giải thích ngôn ngữ học” thì: “Thành ngữ là cụm từ cố định có tính nguyên khối về ngữ nghĩa, tạo thành một chỉnh thể định danh có ý nghĩa chung khác tổng số ý nghĩa của các thành tố cấu thành nó, tức là không có nghĩa đen và hoạt động như một từ riêng biệt ở trong câu.”

                                                     [7, tr.237]

1.                 Sử dụng thành ngữ mượn từ tiếng Hán

Thành ngữ, theo Từ điển tiếng Hán hiện đại (trang 160), là phân câu ngắn hoặc từ tổ đã  định hình, kết tinh đơn giản do thói quen mọi người dùng trong thời gian dài để lại. Thành ngữ tiếng Hán phần nhiều do bốn chữ tạo thành, thường đều có  xuất xứ. Có một số thành ngữ nhìn chữ trên bề mặt không khó lí giải như “小題做大”[tiểu đề tác thí] (việc bé xé ra to)后來居上”[hậu lai cư thượng] (sinh sau hơn bậc đàn anh). Có một số thành ngữ phải biết nguồn gốc hoặc điển cố thì mới hiểu được ý nghĩa, như 朝三莫四[triêu tam mộ tứ] (sáng thế này chiều thế khác/lòng chim dạ cá), 杯弓蛇影 [bôi cung xà ảnh] (lo sợ hão huyền) v. v.

                                                                       [8, tr.157]

Trong tác phẩm của mình nhà văn NQL đã sử dụng nhiều thành ngữ tiếng Hán. Ví dụ:

(1)  Mọi người ha ha ha, nói ôi giời mỗi mỏ dầu thối mà anh em choảng nhau, huynh đệ tương tàn

                                            (Chuyện đời muôn nẻo)

(2) Hầu hết những người anh Tường quen thân anh đều kể cho mình chuyện thâm cung bí sử của họ.

                                                                          (Kí ức vụn, tr.177)

Thành ngữ “sát khí đằng đằng” 2 lần được tác gỉa đổi lại trật tự thành “đằng đằng sát khí” trong Chuyện đời vớ vẩn và Kí ức vụn.

(3) Cụ chạy  theo nhịp 2/4, dậm giật dậm giật, hô một hai một hai, mặt đằng đằng sát khí, y như sắp xáp mặt quân thù.

                            (Chuyện đời vớ vẩn, tr. 241)

(4) Cái đêm hội thảo cuốn Học phí trả bằng máu của Nguyễn Khắc Phục, mấy ông mệ gộc và mấy ông đang cố gắng chứng minh mình là mệ gộc mặt mày đằng đằng sát khí, làm ầm ầm.

                                              (Kí ức vụn, tr.202)

Hầu hết đó là những thành ngữ mượn nguyên dạng rất quen thuộc với người Việt, không cần dịch mà ai cũng hiểu. Ví dụ:

(5) Có năm chúng nó về hằng hà sa số, cây trâm bầu nào cũng có vài trăm con đậu bám.

                                    (Kí ức vụn, tr.137)

(6) Cái sự nổ thiên hình vạn trạng, nhiều cấp bậc, nhiều trạng thái nhưng chơihung qui lại cũng chỉ hai loại, một thứ nổ để đùa chơi, vô hại, nếu có hại cũng chỉ hại mình chứ chẳng hại ai.

                                  (Chuyện đời vớ vẩn, tr. 392)

Có những thành ngữ hoàn toàn do người Việt sáng tạo ra. Chẳng hạn “thiên kinh vạn quyển”. Chúng tôi đã tra năm cuốn từ “Từ điển Hán – Việt” và cuốn “Hán ngữ Từ điển” do Bắc Kinh Thương vụ ấn thư quán ấn hành 2003, nhưng đều không có thành ngữ này. NQL đã dùng “thiên kinh vạn quyển” để ca ngợi nhà văn Đỗ Chu là người đọc nhiều, hiểu nhiều biết rộng:

(7) Lại nghe các anh lớp trên khen Đỗ Chu thiên kinh vạn quyển đọc anh thấy đó là thứ văn “ mật ngọt chết ruồi” lại càng phục.

                                    (Bạn văn, tr. 373)

Lần khác anh dùng “thiên kinh vạn quyển” để ca ngợi bạn anh -  nhà văn Nguyễn Việt Hà:

(8) Nó là thằng thiên kinh vạn quyển, lại nghiện đọc báo như nghiện thuốc phiện, thành ra chuyện trên trời dưới biển thứ gì cũng biết một ít, hễ động đến là nói, lắm khi thật nhức đầu nhưng không có nó cũng buồn.

NQL còn dùng các thành ngữ “hằng hà sa số ”,“thập tử nhất sinh”, “thân bại danh liệt” khi viết về dịch giả Đoàn Tử Huyến. Viết về Nguyễn Thành Phong anh dùng “bạch diện thư sinh”, NTP là người “nhân bảo như thần bảo”.

Có lần anh sử dụng thành ngữ Hán Việt trong một ngữ cảnh khác:

(9) Ra Hà nội cái, biết mình không đủ tiền mua nhà ngon, thuê ngay cái nhà xịn, mời dân có máu mặt Hà Thành đến nhậu một trận sơn hào hải vị, cho chúng nó lác mắt.

                            (Kí ức vụn, tr. 120)

Thành ngữ tiếng Hán có thể là những thành ngữ đã ra tiếng được dịch  ra tiếng Việt và được sử dụng rộng rãi. Chẳng hạn “long phi phượng vũ” dịch tiếng sang tiếng Việt là “rồng bay phương múa”. Ví dụ:

(10) Nhưng nơi tụ hội vẫn là đình làng. Đình làng Đông to lắm, con nít ôm cột đình không xuể, cao bốn, năm mét, toàn gỗ lim, chạm nổi rồng bay phượng múa rất đẹp.

                     (Kí ức vụn, tr. 137)

2.                 Sử dụng thành ngữ so sánh

2.1.                     Sử dụng thành ngữ so sánh ngang bằng dạng hiện có từ “như”

Cấu trúc “X như Y”

X  là danh từ; Y  là cụm danh từ NP

Cấu trúc hay gặp nhất trong khẩu văn của NQL là khi tác giả so sánh người nhiều tiền là tiền nhiều như quân Nguyên. Ví dụ:

(11)Anh thứ hai một doanh nghiệp trẻ nổi tiếng mới 32 tuổi đã là tổng giám đốc một tổng công ty danh tiếng tiền nhiều như quân Nguyên mỗi lần đón nó đi chơi anh lái con Mẹc bóng loáng đỗ xịch thiên hạ lác mắt.

                                              (Kí ức vụn, tr. 52)

Do khuôn khổ bài báo có hạn nên chúng tôi không thể liệt kê hết các ví dụ ra đây; bạn đọc  có thể tham khảo câu có chứa thành ngữ tiền nhiều như quân Nguyên ở các trang Kí ức vụn tr. 105; Chuyện đời vớ vẩn, tr. 298; Bạn văn; tr. 30.

Biểu thức: X như Y

X là S – V; Y là S – V. Các chữ viết tăt: S là chủ ngữ; P là vị ngữ; V là động từ.

Điển hình cho cấu trúc này trong khẩu văn NQL là:

 - mặt nghệt như ngỗng ỉa. Ví dụ:

(12) Nhưng chỉ độ mươi phút nửa tiếng lại nghe tiếng guốc dép đàn bà, vừa gõ cửa vừa nói anh ui. Cả hội lại đực mặt như ngỗng ỉa.

                                           (Chuyện đời vớ vẩn, tr. 92)

Thành ngữ này còn có thể gặp ở các trang Kí ức vụn tr. 234; Kí ức vụn; tr.129; Kí ức vụn 122; Bạn văn tr. 214; Bạn văn tr. 267, Bạn văn, tr. 204, Kí ức vụn , tr. 196.

-         như người nghiện thuốc phiện

(15) Nó là thằng thiên kinh vạn quyển, lại nghiện đọc báo như nghiện thuốc phiện, thành ra chuyện trên trời dưới biển thứ gì cũng biết một ít, hễ động đến là nói, lắm khi thật nhức đầu nhưng không có nó cũng buồn.

                             (Kí ức vụn, 214)

 Có chỗ anh lại biến tấu “hơn người ta nghiện thuốc phiện”, thành so sánh hơn. Ví dụ:

(16) Anh Nam nói anh Vu nghiện sách thiếu nhi hơn người ta nghiện thuốc phiện.

                                  (Bạn văn, tr. 32)

 

Biểu thức: V như N . V là động từ, N là danh từ.

- lồng lên như sói

(13) Nhưng là phở tái thằng cha láng giềng, cơm nguội để dành mấy chục năm chán lắm, ăn thì chả ăn nhưng hễ ai động đến thì lồng lên như sói.

                                           (Chuyện đời vớ vẩn, tr. 350)

Thành ngữ này có biến thể “tru lên như sói”. Ví dụ:

(14) Lắm người bị đồn shock đến nỗi hóa rồ, nhiều khi tru lên như sói.

                                                           (Chuyện đời vớ vẩn, tr. 389)

Người đọc có thể gặp thành ngữ này trong Kí ức vụn, tr. 276.

Những thành ngữ so sánh ngang bằng khác mà nhà văn NQL đã dùng: “như thài là gặp cứt chó”, “như nước đổ đầu vịt”. “trắng như trứng gà bóc”, “nhanh như tên bắn”, “như bắt được vàng”, “mặt xanh như đít nhái”, “nhanh như chớp mắt”, “như mặt mo”, “bán chạy như tôm tươi”, “nổi như cồn”,

2.2.                     Sử dụng thành ngữ so sánh ngang bằng dạng ẩn

Ví dụ:

(17) Cũng có đôi ba người nhận lời giúp, đến kì sách ra thì cứ thản nhiên đến lấy nhuận bút không đưa cho anh một xu, anh cũng phải ngậm bồ hòn làm ngọt, nhưng hầu hết đều giúp anh rất vô tư. Nhiều người vì giúp anh đã rơi vào tấn bi hài nửa cười nửa mếu.

Ở câu trên, nguyên văn thành ngữ là “như ngậm bồ hòn làm ngọt”. Ở đây, “như” đã bị ẩn đi

Riêng trong Kí ức vụn tr.122; tác giả biến tấu, bỏ chữ “như” thành cấu trúc so sánh ngang bằng dạng ẩn (Xem thêm mục 2.2.). Ví dụ:

 Mặt nó đực ngỗng ỉa.

2.3.                     Sử dụng thành ngữ so sánh không ngang bằng có từ “hơn”

X hơn Y

X có thể là tính từ; Y có thể là S - V

 - Tiêu biểu cho cấu trúc này NQL hay dùng là:

- mừng hơn cha / bố chết sống lại. Ví dụ:

(18) Đến kì sách ra người này lại phải đến lấy sách, lấy nhuận bút, rồi lại phải đưa cả phòng biên tập đi nhậu. Rách việc thế nên cậy được người đứng tên giùm thật mừng hơn bố chết sống lại.

Ta có thể gặp ở các trang Kí ức vụn, tr. 45; Kí ức vụn, tr. 290; Chuyện đời vớ vẩn, tr. 293, Bạn văn, tr. 215.

-         buồn hơn chấu cắn

Mật độ naỳ xuất hiện khá nhiều. Chẳng hạn, trong Lai rai world cup thành ngữ này có tần số xuất hiện hai lần. Chỗ thì anh viết mặt mày như chấu cắn chỗ thì anh viết buồn hơn chấu cắn, thành ra so sánh hơn -  không ngang bằng. Ví dụ:

(19) Đến khi Bỉ gỡ hoà 3 đều mọi người vẫn tin Liên Xô sẽ thắng, dè đâu thua chung cuộc 4-3, mọi người nhìn nhau ngẩn ngơ, buồn hơn chấu cắn.

                                    (Chuyện đời vớ vẩn, Lai rai world cup, tr. 294)

(20) Hôm thì mặt mày như chấu cắn, nói sư bố nó chứ, Đức hoà Tunisia 0-0 thế mới đau.

                    (Chuyện đời vớ vẩn, Lai rai world cup, tr. 288)

 Thành ngữ này có thể  tham khảo thêm Chuyện đời vớ vẩn, tr 289

2.4.                      Sử dụng thành ngữ so sánh không ngang bằng có từ “không bằng”

Biểu  thức “X không bằng Y”

(21) Anh Châu cười khì khì, cái thằng tài, mình không bằng cái móng tay nó.                                (Bạn văn, tr. 168)

 

2.5.                     Sử dụng thành ngữ có chứa yếu tố động vật

(22) Anh thì không, cần một con câu một con, không cần không câu, thời đói rách anh bỏ qua cái lợi lớn ấy nhẹ tựa lông hồng, thật phục quá đi mất.

                                          (Kí ức vụn, tr. 289)

Trong 3 cuốn Chuyện đời vớ vẩn, Kí ức vụn Bạn văn, NQL đã dùng các thành ngữ có chứa từ ngữ chỉ động vật  sau: “ngơ ngơ như bò đội nón”, “mật ngọt chết ruồi”, “nổi da gà”.

2.6.           Sử dụng thành ngữ có chứa từ, ngữ chỉ cơ thể người

(23) Thằng này cực giỏi, 7 tuổi đã thuộc hết tên cầu thủ giải bóng đá ngoại hạng Anh, lên đến 10 tuổi thì cầu thủ giải Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan nó đều thuộc hết, còn biết lai lịch cầu thủ đến tận chân tơ kẻ tóc. Kinh.

                          (Chuyện đời vớ vẩn, tr. 301)

(24) Năm đó đời sống văn nghệ đã thông thoáng hơn nhiều, nói như anh Tường (Hoàng Phủ Ngọc Tường) đất nước đang lăm le đổi mới, nhưng mời được anh Quán vào Huế không phải chuyện đơn giản. Anh Tường, anh Vĩ (Tô Nhuận Vĩ), anh Điềm (Nguyễn Khoa Điềm) chạy rạc chân, nói gãy lưỡi tỉnh ủy mới chấp thuận Hội Văn nghệ đón chính thức Phùng Quán.

                                          (kí ức vụn, tr. 286)

(25) Khi đó mới biết Tuyết Nga năm thứ hai Đại học đa có thơ in Văn nghệ quân đội; Xuân Hoài, Trần Hữu Thung khen đứt lưỡi, phục nó tốt  nghiệp cái là đem về Hội ngay.

                                        (Bạn văn, tr. 79)

(26) Một hôm anh Sơn phổ nhạc câu thơ này, theo điệu Lý năm canh, mình và Vinh Nguyễn cười lộn ruột.

                                    (Kí ức vụn, tr. 184)

Trong 3 cuốn Chuyện đời vớ vẩn, Kí ức vụn Bạn văn, NQL đã dùng các thành ngữ có chứa bộ phận cơ thể sau: “lo thắt ruột”, “vỡ mặt”, “lo sốt vó”, “đau nhói tim”, “chướng mắt”, “sợ toát mồ hôi”, “chỉ cách một sợi tóc”, “hộc máu mồm”, “sợ xanh mắt”, “thèm nhỏ dãi”, “thiên hạ lác mắt”, “cạy răng”, “nếm mật nằm gai” , “mồm loa mép giải”

2.7.                     Sử dụng thành ngữ có chứa các con số

Mục này chúng tôi không bàn nhiều về các thành ngữ NQL đã dùng kiểu như: “ba chân bốn cẳng”, “có một không hai”, “một trời một vực” mà chúng tôi bàn về một lối nói khoa trương con số của người Việt đã thành công thức kiểu như:

Mấy ông trẻ Tây học, là nói học thật chứ không phải lấy tiền bố mẹ đi du lịch như ối cô cậu trẻ như bây giờ, mười ông thì chín ông tự đắc về sở học.

                                   (Kí ức vụn, tr. 272)

(27) Cụ nói mười người đến xin chữ thì tám người xin chữ nhẫn, chẳng hiểu vì sao  

                                           (Kí ức vụn, tr.)

Thoạt nghe có vẻ rất phi logic, nhưng người Việt rất ưa lối nói này:

(28) Nói vậy thôi, đàn ông mười ông thì có đến chín ông rưỡi ghen vợ.

                                         (Chuyện đời vớ vânr, tr. 349)

(29) Các nhà thơ thường hay rượu, mười người thì có chín anh yêu rượu như con quí mồi như vợ. Chuyện say sưa của họ nhiều lắm, kể mãi không hết được, chỉ xin kể ra một số chuyện vui vui.

             (Bạn văn, tr. 119)

(30) Trường ca Ở làng Phước Hậu của anh đến nay lớp trẻ 10 đứa thì 9 đứa không biết, nhưng nó là trường ca bề thế nhất, đúng chất trường ca nhất, trước đó chỉ là những bài thơ dài, nhờ vậy đã mở ra tạm gọi một trào lưu trường ca ra đời sau 1975.

                                        (Bạn văn, tr. 119)

2.8.         Sử dụng thành ngữ có chứa các yếu tố siêu nhiên và các hiện tượng trời đất thần phật

Ví dụ:

(31) Nếu Bụt hiện ra nói một là con được giải Nobel, hai là con lành lặn, con chọn điều gì? Lập tức mình ôm chân Bụt mà kêu lên Bụt ơi Bụt ơi cho con được lành lặn.

                                (Kí ức vụn, tr. 130)

(32) Hồi đó mình biết mê bóng đá rồi nhưng chẳng biết tí gì bóng đá thế giới, có nghe nói đến bóng đá Brazin, đến ông Pele như nghe chuyện trời, nói thật cũng chẳng mấy quan tâm, có đến 99% không quan tâm chứ chẳng riêng gì mình. 

                                                       (Chuyện đời vớ vẩn, tr. 285)

(33) Khác nhau một trời một vực như thế, dạy nhau thế quái nào, hả?

                                                  (Bạn văn, tr.375)

 

2.9.         Các trường hợp khác

(34) Mình chẳng sợ, trên răng dưới ca tút, sợ gì, chỉ thương anh Đỉnh, anh Huân (Nguyễn Trí Huân, tổng biên tập) vì chuyện của mình mà vất vả tất tả ngược xuôi.

                                           (Chuyện đời vớ vẩn, tr. 68)

(35) Hu hu. Thế mới biết miệng lưỡi thế gian, giết người không dao là thế nào.

                                 (Chuyện đời vớ vẩn, tr.69)

Tiêu biểu cho loại này là các thành ngữ NQL đã dùng: “trên trời dưới bể”, “như đám mất sổ gạo” , “bố bảo”, “trên răng dưới ca tút”, “đinh tai nhức óc”, “chết cha”, “bỏ bà”, “rối canh hẹ”, “tan cửa nát nhà”, “trèo đèo lội suối”, “tên bay đạn lạc”. v.v…

(Còn nữa, kì sau đăng tiếp)

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cù  Đình Tú (2007), Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt, Nxb Giaó dục.

2. Đào Thản (1990), Lối nói phóng đại trong tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ.

3. Đinh Trọng Lạc (2005), Phương tiện và biện pháp tu từ tiếng Việt, Nxb Giaó dục.

4. Đinh Trọng Lạc, Nguyễn Thái Hòa (2006), Phong cách học tiếng Việt, Nxb   Giaó dục.

5. Hữu Đạt (2001), Phong cách học tiếng Việt hiện đại, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

6. Nguyễn như Ý (2002), Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

7. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Anh Việt, NXB Khoa học Xã hội

8. 汉语词典,(2003), 北京商务印书馆。

NGUỒN TƯ LIỆU TRÍCH DẪN

Nguyễn Quang Lập, (2009), Kí ức vụn, Nxb Hội nhà văn

Nguyễn Quang Lập, (2011), Chuyện đời vớ vẩn, Nxb Văn học

Nguyễn Quang Lập, (2011), Bạn văn, Nxb Trẻ

 

KÌ SAU ĐÓN ĐỌC

SỬ DỤNG SO SÁNH TU TỪ BIỂU THỊ KHOA TRƯƠNG

TRONG KHẨU VĂN CỦA NGUYỄN QUANG LẬP


 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.