Jan 14, 2025

Bài giới thiệu

Nhân kết thúc giải Word Cup 2018
Trần Phúc Châu * đăng lúc 10:37:37 AM, Jul 17, 2018 * Số lần xem: 1272
Hình ảnh
#1


Nữ Tổng Thống Croatia và đội trưởng Modric.

  

Nhân kết thúc giải Word Cup 2018

Trước khi khai mạc trận chung kết tôi ghi ý kiến trên trang FB của nhà văn Lưu Trọng Văn đang có mặt tại Paris đại ý như sau:

Dẫu tỉ số sẽ như thế nào, chiếc cúp vàng sẽ vào tay đội nào thì đội tuyển Croatia cũng là một đội vô địch.

Tôi thấy anh Văn và một số người cùng đồng ý với nhận xét ấy.

Sau trận thư hùng cúp vàng thuộc về đôi Pháp, Pháp rất xứng đáng để nhận vinh dự ấy.

Tuy nhiên đội bóng Croatia đã để lại một dấu ấn sâu đậm khó quên cho giới hâm mộ, những cầu thủ đấy tài năng mà đặc biệt là vị nữ nguyên thủ quốc gia, tôi khỏi thêm lời ngợi ca vì tất cả chúng ta ai cũng đã nhìn qua những diễn tiến trên truyền hình.

Theo tôi đội Croatia cũng là một đội vô địch, họ đã ghi vào lịch sử bóng đá một dấu son!

Xin giới thiệu bài sưu tập dưới đây như để hướng sự ngưỡng mộ của chúng ta về một xứ sở chỉ 4,7 triệu dân, đã làm cho quả bóng bay cao... bay cao ... cao đấn nổi chói hào quang cho mọi người khắp trên hành tinh cùng chia nhau ánh sáng.

Cám ơn anh Trần Phúc Châu về bài viết này.

Trân trọng,

Trần Quốc Phiệt

 

 

 

Nguồn gốc chiếc cà vạt của tình yêu và tự do.

Từ mấy tuần qua, nhờ bóng đá mà người Việt bỗng biết đến một dân tộc nhỏ, ít được báo chí và văn học nước nhà nói đến: Croatia (Người Croate tự gọi mình là Hrvat và nước Croatia được họ gọi là Hrvatsko).

Ở Đức, người ta biết đến Croatia từ năm 1991 vào lúc dòng người tỵ nạn từ Nam-Tư cũ đổ vào đây.
Ngày nay có khoảng 350.000 người Croatia định cư tại Đức, so với 4,2 triệu người trên quê hương họ.
Trong giới kỹ nghệ gia ta biết đến Mate Rimac, người đã khước từ hàng trăm triệu Euro, không chuyển công ty sang Đức, mà trụ lại ở làng Sveta Nedelja của anh, ngoại ô Zagrev.

Mate nói: Thế giới biết đến Stuttgart nhờ xe Mercedes và Porsche thì cũng nên biết đến làng tôi qua công ty Automobili. Thế giới phải biết về Croatia qua công nghệ cao chứ không phải chỉ qua bóng đá.

Quả vậy, giờ đây khi nghĩ đến Croatia, ai cũng bị chinh phục bởi bà tổng thống xinh đẹp, phúc hậu và giản dị. Video bà Kolinda Grabar-Kitarović vào thăm đội bóng nước nhà trong phòng nghỉ, ôm hôn từng cầu thủ một đang ướt đẫm mồ hôi, đã lan truyền khắp thế giới.

Nhưng không phải ai cũng biết rằng, chiếc cà vạt (Cravate) mà chúng ta đeo trong những dịp lễ hội, trong các nghi lễ, tiếp tân cũng ra đời từ xứ Croatia vào thế kỷ 17.(1)

Trong cuộc chiến tranh 30 năm (1618-1648), lính Croatia thiện chiến được vua Pháp Louis 13 sung vào đạo quân tinh nhuệ mang tên „La Royale Croate“ (quân hoàng gia Croatia). Những chàng trai dũng cảm này được các cô bạn gái tặng cho một chiếc khăn quấn cổ hình ca-rô đỏ trước khi ra trận. Hình tượng của chiếc khăn ca rô với cái nút của tình yêu sau này trở thành khăn quàng cổ cho các hiệp sỹ châu âu khác và người ta gọi nó là khăn Hrvat hay là khăn Croate. Từ „A là Croate“ người Pháp chuyển thành „La cravate“. Đầu thế kỷ 18, cái tên Cravate ra đời và trở thành mốt của giới quý tộc, thượng lưu.

Người Croatia tự hào về phát minh này của họ và năm 2008, nhà nước đã chính thức lấy ngày 18.10 là „Ngày Cravate“.

Từ năm 2010, một „Trung đoàn cà vạt“ (Kravat pukovnija) cũng được thành lập từ những người tình nguyện để kỷ niệm trung đoàn„La Royale Croate“ chiến đấu dưới cờ của Louis 13 và để diễu hành trong „Ngày cravate“ cũng như các dịp lễ hội khác.

Nước Croatia hôm nay ra đời từ đống tro tàn của cuộc chiến tranh Nam Tư 1991-1995 (3), dấu chấm cuối cùng của của các chế độ XHCN chuyên chế ở châu Âu.

Trong khi các chế độ XHCN ở Đông Âu đều bị xóa bỏ không đổ máu, (trừ biến cố tháng 12.1989 ở Rumani, do nhà độc tài Ceaucescu ra lệnh bắn vào công nhân biểu tình ở Timisoara), thì quá trình chuyển đổi thế chế ở Nam-Tư là cả một cuộc chiến tranh tàn khốc, đầy hận thù và chết chóc.

Tất cả các nhà nước XHCN ở Đông Âu đều ra đời dựa vào sự có mặt của Hồng quân Liên-Xô trên các lãnh thổ đó sau chiến tranh thế giới thứ hai. Nói cách khác là Liên-Xô đã giải phóng các dân tộc này khỏi ách phát xít của Hitler và giúp những người cộng sản ở đó xây dựng chế độ chuyên chính vô sản bằng súng của mình.

Do vậy, thái độ không can thiệp của Gorbachev đã góp phần tạo nên các chuyển đổi không đổ máu ở tất cả các nước này. Nếu không, các bể máu như Berlin 1953, Budapest 1956 và Praha 1968 có thể lặp lại.

Nhưng Nam Tư thì khác! Cái tên gọi Jugoslavia bắt nguồn từ chữ Juho = phía nam, còn Slavia = người Slavia, chung huyết thống với người Nga, Ba-Lan, Bulgaria, Hy-Lạp , Czech, Slowakia, Uncraine ….

Liên bang của các dân tộc phía nam Slavia, được người Việt gọi là Nam-Tư (phía Nam của Nga-La-Tư), ra đời 1918, sau chiến tranh thế giới thứ nhất là như vậy. Đây là một tập hợp lỏng lẻo của các dân tộc slavia, đa số theo đạo thiên chúa phái chính thống (Orthodox) và sử dụng chữ viết Kirilic của người Nga.

Hitler và Mussolini, được hỗ trợ bởi các lực lượng phát xít bán nước, đã chia nhau thôn tính Nam Tư và Hy-Lạp từ tháng 3.1941. Từ đó nhân dân Nam-Tư liên tục nổi dậy chống phát xít và ngọn cờ của họ là nhà ái quốc cộng sản Josif Broz Tito. Đội quân du kích 800.000 người của nguyên soái Tito là lực lượng duy nhất trong thế chiến II đã giải phóng đất nước mình không cần dựa vào đồng minh.

Với nòng cốt vũ trang đó, nguyên soái Tito đã xây dựng nên Liên bang XHCN Nam Tư và bàn tay thép của ông đã giữ cho 6 nước cộng hòa cùng hai tỉnh tự trị với hơn 10 chủng tộc và 3 tôn giáo (thiên chúa, chính thống và hồi giáo) không bị tan vỡ. Cũng với nòng cốt đó mà khi cả khối XHCN ở đông Âu đã sụp đổ như những căn nhà bằng quân bài và que diêm, Liên bang cộng hòa XHCN Nam Tư vẫn vững như bàn thạch.

Tuy chế độ XHCN ở Nam tư có khác so với tất cả các nước XHCN còn lại: không phụ thuộc Liên-Xô, mở cửa với phương tây, dân chúng tự do đi lại khắp thế giới, nền kinh tế hoạch toán tự quản v.v.. Nhưng chế độ chuyên chính một đảng và nền kinh tế nhà nước đã kìm hãm đáng kể sự phát triển của các dân tộc trong liên bang. Mặc dù phát triển ổn định trong hòa bình suốt 45 năm, thu nhập theo đầu người của Nam-Tư 1991 là 5500-6500 USD, so với 20.000 USD là mức trung bình ở Tây âu ngày đó.

Tất nhiên những dân tộc kiêu hãnh và văn hiến như người Croate đã không chấp nhận nền hòa bình tù túng đó. Và cuộc chiến tranh Nam-Tư tàn khốc đã bùng nổ, khởi đầu bởi yêu cầu độc lập của các dân tộc Croatia, Slovenia, Bosnia-Herzegovina. Kết quả của cuộc nội chiến này là sự hình thành của 7 nhà nước dân chủ, tam quyền phân lập: Serbia, Slovenia, Croatia, Makedonia, Bosnia-Herzegovina, Montenegro và đặc khu Kosovo do LHQ ủy trị.

Tôi nhắc lại sự kiện bi thảm trên để chúng ta thấy được cái giá của tự do và dân chủ.

Trong vòng hơn 22 năm được tự do, phát triển dân chủ và kinh tế thị trường, thu nhập đầu người của những nhà phát minh ra cái cà vạt đã tăng từ 6.500 USD (1994) lên 23.000 USD (2016). (Đặng Tiểu Bình có mơ cũng không dám!)

Bóng đá Nam-Tư, ngay từ thời Tito đã là một thách thức cho bất cứ cường quốc bóng đá nào. Các câu lạc bộ "Sao đỏ Belgrad", "Hajduk Split" hay "Dynamo Zagreb" đã từng tung hoành ở châu Âu. Đó là một sức mạnh có tính truyền thống. Nhưng chưa bao giờ, đại diện của các nền bóng đá Nam-Slavia vào được chung kết vô địch thế giới. Ngoài trình độ thể thao, tinh thần dân tộc là yếu tố quan trọng để vươn tới ngôi vị này.

Tất nhiên tinh thần dân tộc sẽ không thể có trong một dân tộc chấp nhận làm nô lệ.

Nhờ quyết tâm đến với dân chủ tự do, người Croatia đã làm nên lịch sử, lần đầu tiên đứng thứ nhì thế giới về bóng đá.

Cũng nhờ vậy mà chúng ta đã biết đến nữ tổng thống khả ái Kolinda, biết đến một doanh nhân ăn chay nhưng ý chí thép như Mate Rimac, đến một tiền đạo như Manzukic….

Vậy các chú rể Việt, mỗi khi thắt cà vạt để đi cưới vợ, hãy nhớ đến tình yêu của các cô gái Croatia.

Trần Phúc Châu

(Bài Hạ Thái sưu tập trên mạng xã hội)

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.
Một lời tâm đắc:
..................."Tất nhiên tinh thần dân tộc sẽ không thể có trong một dân tộc chấp nhận làm nô lệ."
...................