Jan 15, 2025

Tùy bút - Bút ký

Nguyễn Gia Trí trong diễn trình kiến tạo bản sắc dân tộc đầu thế kỷ
Nguyễn Gia Trí (1908-1993) * đăng lúc 02:21:36 AM, Mar 07, 2023 * Số lần xem: 1358
Hình ảnh
#1
#2
#3

*


Nguyễn Gia Trí trong diễn trình kiến tạo
                                     bản sắc dân tộc đầu thế kỷ 20


Nguyễn Gia Trí là họa sĩ của thời mỹ thuật Đông Dương mà nhắc đến ông là nhắc tới những tác phẩm sơn mài thấm đẫm hồn cốt Việt. Ông được mệnh danh là “cha đẻ những bức sơn mài tân thời”, thậm chí “vua sơn mài” của Việt Nam.

Viện Văn học vừa tổ chức tọa đàm “Tranh sơn mài Nguyễn Gia Trí trong diễn trình kiến tạo bản sắc dân tộc đầu thế kỷ XX” với sự tham dự của PGS-TS. Phùng Ngọc Kiên, TS. Đoàn Ánh Dương, TS. Nguyễn Mạnh Tiến và họa sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Vi Thủy.

Toạ đàm được tổ chức nhằm thảo luận về giá trị nghệ thuật của tranh sơn mài Nguyễn Gia Trí, cũng như tư tưởng nghệ thuật của ông trong diễn trình kiến tạo bản sắc dân tộc đầu thế kỷ XX. Diễn trình kiến tạo này từng là một trong những mối quan tâm chính của giới trí thức trẻ đương thời đối với văn hóa và nghệ thuật. 

Toàn cảnh tọa đàm "Tranh sơn mài Nguyễn Gia Trí trong diễn trình kiến tạo bản sắc dân tộc đầu thế kỷ XX" diễn ra sáng 20.2, tại Hà Nội.


Người tiên phong sáng tạo sơn mài Việt Nam

Nguyễn Gia Trí (1908-1993) là một trong những hoạ sĩ tiên phong đóng góp rất lớn cho phát triển nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại thế kỉ 20. Trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, ông được xem là người đi đầu trong việc tạo ra một khuynh hướng nghệ thuật hội họa mới: sử dụng và biến hóa chất liệu truyền thống (sơn ta) trong nghệ thuật vẽ tranh sơn mài, từ đó tạo nên những tác phẩm hiện đại mà vẫn đậm tính dân tộc, như: Cảnh nông thôn (1939), Vườn xuân và thiếu nữ (1939), Thiếu nữ bên hoa phù dung (1944), Thiếu nữ bên Hồ Gươm (1943-1944), Thiếu nữ bên đầm sen (1944)….

Hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí.

Năm 1939, họa sĩ Nguyễn Gia Trí đã có triển lãm tranh sơn mài cá nhân đầu tiên, gây bất ngờ cho giới mỹ thuật Hà Nội và công chúng khi trưng bày các tác phẩm sơn mài được sáng tác theo kỹ thuật riêng của mình.

Ngoài sáng tác, họa sĩ Nguyễn Gia Trí còn đưa ra ý kiến nhận xét về nghệ thuật tạo hình, đặc biệt là nghệ thuật sơn mài Việt Nam. Những ý kiến này đã được họa sĩ Nguyễn Xuân Việt ghi chép, tập hợp và in thành sách Nguyễn Gia Trí nói về sáng tạo, có giá trị với nhiều nhà nghiên cứu và giới mỹ thuật nói chung.

Trên báo Ngày Nay (số 146, tr.9) khi viết về cuộc triển lãm tại Trường Mỹ thuật Đông Dương về nghệ thuật sơn ta, Tô Tử viết riêng về Nguyễn Gia Trí: “Đến cuộc thí nghiệm của Nguyễn Gia Trí, lối sơn ta không còn là một mỹ nghệ nữa. Ở óc, ở tâm hồn người ấy ra, nó đã được nâng lên mỹ thuật thượng đẳng”.

Tại toạ đàm, hoạ sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Vi Thuỷ cho biết: “Trong hành trình sáng tạo, các hoạ sĩ luôn lựa chọn rất nhiều chất liệu khác nhau để vẽ như: sơn mài, lụa, sơn dầu… nhưng để yêu đến cùng, theo đến tận cùng với tranh sơn mài chỉ có danh hoạ Nguyễn Gia Trí. Cả cuộc đời của ông gắn bó với nghệ thuật tranh sơn mài. Những tác phẩm của ông đã trở thành mẫu mực của nghệ thuật sơn mài Việt Nam.

Tranh sơn mài của ông rất khác biệt, ông vẽ theo hướng tự do bay bổng, không lệ thuộc vào xu hướng chung mà mọi người đi theo. Và với ông khi vẽ tranh sơn mài, ông như được là chính mình, được sống trong thế giới riêng của một mình ông”.

               
                                                  Tác phẩm Thiếu nữ và hoa Phù Dung.


Là một người yêu thích hội hoạ, TS. Nguyễn Mạnh Tiến khẳng định: “Nguyễn Gia Trí là một dẫn chứng để những người yêu hội hoạ sơn mài học tập theo. Ông đã có công rất lớn trong việc tạo dựng hình ảnh nghệ thuật mới của Việt Nam trong giai đoạn đầu thế kỷ 20. Biến sơn ta thành kỹ thuật sơn mài đỉnh cao, quy trình vẽ đi ngược lại với vẽ tranh sơn dầu khiến cho người phương Tây cũng không thể hiểu được, từ đó, khẳng định tầm quan trọng của chất liệu này trong nền mỹ thuật dân tộc hiện đại.

Chủ đề tranh Nguyễn Gia Trí rất thân thuộc với người Việt Nam. Đó là phong cảnh thiên nhiên, núi đồi, sông suối, cây cỏ; là cảnh sắc, đình chùa, phong tục, tập quán, đời sống sinh hoạt hàng ngày của làng quê”.

Cùng với một số họa sĩ danh tiếng khác như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Cát Tường, Ngym (Nghi Am) Trần Quang Trân, các kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp, Nguyễn Gia Trí đã cộng tác chặt chẽ với nhóm trí thức trẻ của Tự Lực Văn Đoàn để góp phần quan trọng định hình nên diện mạo và xu hướng cho nghệ thuật và văn học, cho tư tưởng và xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 20, khi bước sang thời hiện đại.

Những tác phẩm để đời

Sinh thời, các tác phẩm của danh họa Nguyễn Gia Trí đã được các nhà sưu tầm tranh ở khắp nơi trên thế giới yêu thích và đặt hàng. Được ưa thích nhất là các tác phẩm sơn mài khổ lớn. Ở những bức tranh sơn mài có kích thước lớn, danh hoạ luôn mở rộng tầm nhìn thẩm mỹ, đặt cái cổ kính bên cạnh cái tân kỳ, cái lộng lẫy sang trọng cạnh sự giản dị mộc mạc, ý tưởng hy vọng đặt bên cạnh sự hoài niệm…

Một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của danh họa là bức sơn mài khổ lớn Vườn xuân Trung Nam Bắc được sáng tác vào giai đoạn đất nước còn trong khói lửa chiến tranh. Năm 1990, kiệt phẩm được UBND TP.HCM mua để trao tặng cho Bảo tàng Mỹ Thuật TP.HCM. Tranh được trưng bày và lưu giữ tại đây từ đó đến nay.

                         
                                                      Tác phẩm Vườn xuân Trung Nam Bắc.


Năm 2013, Chính phủ ra quyết định công nhận kiệt tác của danh họa Nguyễn Gia Trí là “Bảo vật quốc gia”. Rất tiếc trong quá trình tu sửa năm 2017, hiện nay bức tranh đã không còn được nguyên vẹn, bị hư hỏng khoảng 30%.

Ngoài ra còn có rất nhiều các tác phẩm có giá trị cao như bức bình phong Dọc mùng hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Dọc mùng được danh họa trình bày theo dạng bức sơn mài kiểu bình phong có kích thước lớn, thể hiện tranh ở hai mặt.

Cuộc đời hoạt động nghệ thuật của Nguyễn Gia Trí là tấm gương điển hình về một nghệ sĩ chân chính, với tình yêu tha thiết dành cho dân tộc và khát vọng hướng đến một thứ nghệ thuật toàn thiện toàn mỹ. Ông đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về mỹ thuật vào năm 2012.
 

Mộc Trà

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.