Nov 22, 2024

Truyện dài

ÐÔI BẠN - chương 13 đến 15
Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam * đăng lúc 05:43:51 PM, Apr 19, 2009 * Số lần xem: 3397
Hình ảnh
#1

Chương 13

Phần II

Đến quán hàng nước bà Nhài, Trúc bảo Dũng:
-Đằng nào cũng chậm rồi. Ta rẽ vào Ý Dương thăm anh Cận và cho anh ấy biết tin. Anh nghĩ sao?
Dũng đáp:
-Tùy đấy. Nhưng về sợ tối.
Trúc nói:
-Đêm nay có trăng. Với lại đã lâu lắm chưa đến thăm anh Cận; không biết anh Cận có quen Tạo không?
-Hình như có. Nếu có quen thì vì Phương.
Tới nơi vừa gặp lúc cụ chánh Mạc và Cận đương ngồi ăn cơm. Cận đứng vội lên dáng dấp luống cuống, không kịp bắt tay Dũng và Trúc, chỉ sang gian bên cạnh, mời luôn:
-Hai anh ngồi chơi bên này.
Dũng hơi lấy làm lạ, không hiểu, cứ tiến đến gần bà chánh rồi vừa lễ phép vừa thân mật cất tiếng chào như mọi lần. Đứng nói chuyện một lúc lâu, chàng mới để ý nhìn vào mâm cơm, trong mâm chỉ có một đĩa dưa và một bát nước dưa vàng nổi trắng như bột phấn. Dũng lúc đó mới hiểu cử chỉ của Cận và vẻ mặt ngượng nghịu của bà Chánh khi đáp lại những câu hỏi thăm của chàng. Dũng cũng thấy ngượng, chàng vội quay mặt đi rồi bước sang gian bên, nói với cận:
-Anh sang ăn cơm đi.
Cận mời:
-Hai anh sang ăn cơm luôn thể.
Sợ Trúc nhận lời, Dũng phải nói ngay:
-Chúng tôi vừa ăn xong. Uống nước thôi. Đi nhiều khát nước quá!
Đưa mắt nhìn quanh, Dũng nhận thấy nhiều chứng cớ về sự sút kém của nhà Cận. Chàng đoán là có việc gì khác thường đã xảy ra và định bụng ít nữa sẽ hỏi Cận cho biết rõ.
Uống xong chén nước, Dũng bảo Trúc:
-Ta ra vườn chơi đi.
Cụ chánh nói:
-Lâu không thấy các cậu lại câu cá. Bây giờ khối cá to.
Trúc cười nói:
-Chắc là to hơn con cá anh... Xuân câu được độ nào.
Trúc nói khác đi vì không muốn nhắc đến tên Thái.
Như cái máy, Dũng đi về phía cây khế ở bờ ao. Chàng nhớ đến lúc đứng nói chuyện với Loan hôm Thái đi. Chàng tưởng như mình đã phải xa Loan gần một năm rồi và muốn được thấy mùi hoa khế để nhớ lại Loan hôm đó, sống lại cái giây phút thần tiên, đứng với nàng dưới gốc khế, mùa thu năm ngoái.
-Ai vào vườn hái trộm khế thế kia?
Tiếng nói thanh thanh và tiếng cười giòn của một người con gái làm Dũng và Trúc giật mình quay lại.
-À, ra anh Dũng, anh Trúc
Tuy đã lâu không gặp, Trúc cũng nhận ra tiếng Hà và ngạc nhiên hết sức vì cách ăn nói tự do của nàng.
Hà tiến lại gần, Trúc thấy nàng lớn khác hẳn trước. Cặp môi không cười mà vẫn tươi, hai vết lõm đồng tiền ở má và đôi mắt đen lánh, đuôi cúp xuống, có vẻ thơi ngây tinh nghịch khiến Trúc khi nhìn mặt Hà rồi không lấy làm lạ về cách ăn nói của nàng nữa: Một người có vẻ mặt, có dáng điệu như nàng thì tự nhiên lời ăn tiếng nói phải nhanh nhẩu và lơi lả như vậy. Dũng và Trúc thấy dễ thân với Hà ngay và đối với một người như nàng không thể giữ điệu bộ đứng đắn, trang nghiêm được.
Hai người cùng chạnh nghĩ đến Phương, hồi chưa bị bắt, nhanh nhẹn tươi cười đi hô hào các chị em buôn bán tầy chay một cửa hiệu Khách.
Dũng hỏi:
-Cô vừa đi đâu mà bồ hôi bồ kê thế kia?
Hà đáp:
-Em mới đi chợ về. Nhưng bán được đồng nào vui miệng ăn quá hết cả. Đến bực mình.
Trúc ngẫm nghĩ :
-Ngữ này rồi lại đến chí mạng như chị thôi chẳng kém gì.
Chàng nhìn Hà và thấy trong lòng dìu dịu, nảy ra một ý muốn thương mến mơ màng. Hai con mắt và đôi môi của Hà khi nàng cười nói, Trúc nhìn thấy có một thứ duyên vui đầm ấm. Trúc biết là Hà không đẹp lắm nhưng nếu chàng yêu thì Hà là một người con gái có đủ nhan sắc để chàng yêu được. Chàng nhìn Hà chăm chú đợi xem cái ý muốn thương mến của mình có mỗi lúc một tăng không.
Đương nói chuyện với Dũng, đoán là Trúc nhìn mình, Hà liếc mắt thật nhanh về phía Trúc xem có đúng không. Một lúc sau đưa mắt nhín Trúc lần thứ hai, thấy Trúc vẫn nhìn mình mà nhìn như có ý dò xét, Hà bắt đầu thấy nóng ở hai tai và ở hai gò má; nàng nói thong thả dần và mất cả vẻ mạnh bạo, tự nhiên khi mới gặp. Sau ngượng quá không chịu được nữa, Hà quay mặt đi ra phía cây khế để lánh Trúc. Nàng hỏi Dũng:
-Anh đã ăn được quả khế nào chưa?
-Chưa, vì chưa đến gốc khế cô đã kêu ầm lên là có trộm.
-Thế à? Càng hay vì anh đỡ mỏi cổ như chị Loan sáng ngày.
Dũng hỏi:
-Cô Loan vừa sang đây chơi?
-Chị ấy sang luôn, có gì mà anh lạ...Chị ấy sang, em mới biết là anh đi vắng mấy hôm nay. Đi biệt tăm biệt tích ở nhà chẳng còn ai biết đâu mà tìm. Không biết anh đã về qua nhà chưa?
-Chưa, định vào đây rồi mới về nhà.
Dũng đoán là Loan sang đây có ý muốn gặp chàng hay là bảo chàng về ngay vì có việc cần ở nhà. Chàng thầm nhắc lại câu hỏi Hà lúc nãy: "Cô Loan vừa sang đây chơi?" và khó chịu nhìn Hà ngẫm nghĩ:
-Mình hỏi thế chứ có lấy làm lạ gì đâu mà Hà lại cho là mình lấy làm lạ.
Hà nói:
-Cây khế nhà em chị Loan đến chơi bận nào cũng thích mê. Ăn ngọt, mát mà lại thơm. Ngọt nhưng hơi chua, chua một tí, gọi là đủ chua cho ngon thôi.
Nàng nhắm mắt, chau đôi lông mày và chép miệng để tả cho hết cái ngon của những quả khế.
Trúc cũng bắt chước Hà chép miệng nhắm mắt:
-Cô làm như thế đến tôi là người rất ghét khế cũng thích ăn.
Hà nói:
-Chị Loan bảo tôi rằng thứ gì anh cũng ghét mà hình như anh ghét nhất là phụ nữ.
Đứng trước Hà, Trúc thấy ái tình là một thứ không quan hệ gì, hình như nếu chàng muốn yêu Hà thì sẽ yêu ngay và Hà cũng yêu lại chàng dễ dãi như thế. Hai người yêu nhau rồi nếu hết yêu nhau nữa thì thôi, việc đó không phải là việc đáng làm cho ai đau khổ. Chàng nghĩ đến những nỗi băn khoăn, những sự cân nhắc đắn đo của Dũng với Loan và thấy ái tình đối với hai người đó cỏ vẻ cao quý và nghiêm trọng quá.
-Có lẽ vì tình cảnh éo le của hai người bị bao nhiêu thứ ràng buộc.
Cận ở trong nhà đi ra, bảo Hà:
-Chưa thấy người đã thấy tiếng nói.
Trúc tiếp theo:
-Mà chưa thấy tiếng nói đã thấy tiếng cười.
Hà nói với Cận:
-Cười cho vui nhà, còn hơn cả ngày cứ lầm lì, trông đến khó chịu, ăn mất cả ngon.
Nàng cười và tiếp theo:
-Có lẽ vì thế nên em hay ăn quà, chừa mãi không chừa được.
Hà nói cười tự nhiên quá nên Dũng và Trúc không thận thấy vẻ khó chịu của Cận về cô em gái ăn nói quá tự do.
-Thôi, cô vào mà ăn cơm, tôi còn để phần cơm đấy.
Dũng nghĩ ngay đến nồi cơm trộn khoai và bát nước dừa.
Hà nói:
-Xin phép hai anh.
Vừa nói xong, Hà quay mặt đi và cúi đầu ho rũ rượi. Nàng cười luôn theo và nói một mình:
-Chưa ăn đã sặc.
Trúc nhìn theo Hà đi nhanh nhẹn bên bờ ao, dáng người hơi gầy và mấy tiếng ho của Hà làm chàng thốt nghĩ đến Phương. Cận cũng vừa có cái ý nghĩ buồn rầu ấy vì không phải lần đầu Hà ho như vậy, nhưng muốn dối mình, chàng mỉm cười, nói:
-Chắc tại cô hàng quà nào mong chứ gì.
Khi Hà đi xa rồi, Dũng hỏi Cận:
-Anh có biết Tạo không?
Cận không đáp lại câu hỏi của Dũng, chàng nhìn hai người ngẫm nghĩ một lát rồi nói:
-Dáng chừng hai anh vừa lên đưa đám Tạo.
-Thế ra anh cũng biết à? Anh có quen Tạo không?
-Tôi biết, biết anh ấy ốm đã lâu, biết anh ấy mới mất hôm kia.
Yên lặng một lát, rồi Cận buồn rầu tiếp theo:
-Kể như anh ấy thì chết là thoát. Chúng tôi vẫn mong anh ấy chết ngay để khỏi ốm đau khổ sở mãi.
Duủng để ý đến hai chữ "chúng tôi" nhưng chàng không hiểu nghĩa.
-Chúng tôi biết anh ấy ốm mà đành chịu không thể lên thăm nom anh ấy được. Anh ấy cũng chẳng khỏi nào nhưng ít ra có người bên cạnh an ủi vẫn hơn. Song tôi chắc anh ấy cũng hiểu rõ địa vị khó xử của các anh em vì không thấy anh ấy viết thư cho ai cả.
Dũng nói:
-Anh ấy có viết thư cho tôi. Nhưng tôi và anh Trúc lên tới nơi thì anh vừa mất. Đi đưa đám, ngoài ông chủ ấp ra, chỉ có tôi và anh Trúc, không có ai nữa.
Lúc đó, Dũng mới hiểu nghĩa hai chữ "chúng tôi" là Cận và nhiều anh em nữa đã cùng Tạo có liên lạc mật thiết, vì sợ hỏng việc nên không đám đến đưa đám Tạo. Chàng nói:
-Tôi chỉ biết nhận được thư thì tôi không kịp nghĩ ngợi xa gần gì nữa cả.
Cận nói:
-Anh thì không sao. Anh đi như đi đưa đám một người quen. Anh đến tự nhiên được mà cũng chẳng ai nghi ngờ gì được anh.
Câu nói của Cận tình cờ lại nhắc Dũng nghĩ đến rằng chỉ vì gia thế cao sang nên bấy lâu chàng không được các bạn cho dự vào những cuộc hành động ngấm ngầm của họ.
Chàng ngỏ lời trách Cận:
-Từ độ anh Thái mất, tôi đã bảo anh đừng động chạm gì tới những việc ấy nữa, sao anh không nghe tôi?
Cận nói:
-Đâu có phải lỗi tại tôi, Vì chị Phương tôi nên tôi bị nghi ngờ oan uổng. Khi nọ đã nghi ngờ rồi thì tôi tưởng chỉ có mỗi một cách thôi: Phải làm thực những điều họ nghi cho mình. Vì không làm thực cũng phải chịu như làm thực. Như vậy tội gì...
Nghe Cận nói, chàng đoán được việc đã xảy ra cho Cận mới đây.
Cận nói:
-Có lẽ cũng chẳng bao lâu tôi không thể dạy tư được nữa, vì mất hết học trò... Muốn yên thân, nhưng không thể yên được.
Cận chép miệng lắc đầu nhìn Dũng và Trúc một lúc lâu rồi nói:
-Hai anh vào trong nhà uống nước. Tí nữa quên. Tôi độ này làm sao ấy, như người mất hồn.
Đi được một quãng. Cận quay lại nói:
-Chung quy chỉ tại cô Hà nhà tôi. Cô ấy táo bạo mà lại nhẹ dạ quá. Chưa làm được việc gì đã nói luôn miệng:"Ăn cơm nắm với muối chắc là ngon. Càng đỡ tốn quà".
Trúc mỉm cười và chú ý lắng tai nghe. Tự nhiên chàng thấy vui; có lẽ vì tại Hà đã coi sự sống và các công việc rất quan trọng như là những sự bông đùa không đáng quan tâm. Câu nói đùa "ăn cơm nắm với muối chắc là ngon", đối với Hà biết đâu không là câu nói thật. Thốt nhiên chàng đứng dừng lại, nhìn xuống đất. Một ý tưởng thoáng qua óc:
-Hay có lẽ Hà biết là mình sắp chết, mà cũng chết về bệnh lao như chị.
Hai con mắt long lanh sáng và đôi gò má đỏ tươi trong bột mặt xanh và hơi gầy của Hà làm chàng nghĩ tới vẻ mặt của nhiều người con gái ho lao chàng đã được thấy. Chàng nghiệm rằng người nào cũng có một thứ duyên quyến rũ và gợi người ta nghĩ đến những vẻ đẹp mong manh có nhiễm cái buồn xa xôi của những sự thương tiếc không bao giờ nguôi.
Trúc lấy làm lạ rằng sao cái ý tưởng thương hại vu vơ ấy lại làm cho chàng đau khổ đến thế. Chàng thấy có một cảm giác mới lạ không biết là buồn hay vui, hình như trong lòng chàng vừa nở ra một bông hoa màu biếc, sắc hoa gần lẫn với bóng tối mờ mờ tím một buổi chiều đông nào đã xa và rất buồn.
Lúc đó trời chưa tối hẳn nhưng bóng người đã thấy in trên sân trăng. Bên cạnh cái bờ nước con, mấy cái chỉnh sành treo úp những tấm mo cau cuốn tròn làm Trúc nghĩ đến những người con gái yên lặng đi theo sau một chiếc áo quan.
-Sao không thắp đèn treo lên, cô Hà?
Biết là đèn treo đã hết dầu từ lâu, nhưng Cận cứ hỏi vậy để Hà tìm cách trả lời. Hà nói:
-Hết dầu từ đời nào rồi còn gì. Em phải ăn mò. Đuợc cái chỉ có mỗi một món ăn nên dễ gắp không sợ lẫn.
Câu nói thẳng thắn của Hà khiến Dũng không lấy làm khó chịu ngượng ngập về sự nghèo nàn của nhà Cận. Dũng thấy Cận muốn che đậy cảnh nghèo của Cận cũng như chàng đã bao lần muốn giấu giếm cảnh giàu sỗ sàng của mình.
Trúc bảo Cận:
-Để sáng trăng thế này thì hơn.
Hà dọn mâm xong, ra ngồi ở bực cửa, gần ba người. Cụ Chánh vẫn ngồi yên trên phản. Dũng đoán là cụ đang giã trầu. Hà nói:
-Mấy người ngồi yên dưới bóng trăng tù mù thế này có vẻ một hội kín lạ lùng...
Cận ngắt lời em:
-Cô nói chẳng giữ gìn ý tứ gì cả.
Chàng đưa mắt nhìn vào trong nhà, ý muốn bảo Hà không nên để cụ Chánh nghe thấy những tiếng ấy. Dũng nhớ lại, hôm Thái đến rủ Cận, vì nhà còn mẹ già nên Cận phải cam tâm ở lại nhà bấy lâu. Chàng nhận thấy dây ràng buộc của gia đình bền chặt là chừng nào; cái chết của cụ chánh mà Cận với Hà không bao giờ dám mong đối với hai người sẽ là cách độc nhất để được hoàn toàn thoát ly. Dũng tin chắc rằng độ ba hôm sau, khi cụ Chánh mất, chắc sẽ không có ai biết rõ được Hà đi phương nào. Cụ Chánh còn thì dẫu phải nhịn đói, Cận và Hà cũng không thể bỏ đi nơi khác được. Dũng thấy cái ý muốn thoát ly gia đình của mình chưa biết đến bao giờ mới thành sự thực; chàng có nhiều sự ràng buộc hơn là Cận và Hà. Nhưng có một thứ ràng buộc chặt chẽ nhất là tấm ái tình của chàng với Loan. Chàng ngẫm nghĩ:
-Giá Loan cũng có tính liều lĩnh như Hà thì dễ xử đến đâu. Lại còn một thứ phiền nữa: Loan là con một.
Dũng quên cả những người chung quanh, ngước mắt nhìn sao trên trời và loay hoay tìm cách thoát ra khỏi tình cảnh ấy. Nhưng chàng chỉ thấy bối rối hỗn độn như những ngôi sao tản mạn trên bầu trời.
Bỗng Hà cất tiếng nói:
-À anh Dũng này, sáng nay chị Loan sang đây chơi.
Dũng giật mình quay mặt về phía Hà, hơi khó chịu:
-Cô vừa nói chuyện rồi.
-Thế à?
Nàng cười khẽ lên một tiếng, tiếp theo:
-Thế thì lại hết chuyện nói. Ngồi yên vậy.
Cận chợt thấy Trúc đăm đăm nhìn về phía Hà. Miên man, chàng nghĩ đến Phương và Tạo và buồn rầu nhớ đến hôm đưa đám Phương. Hôm đó chàng đã thoáng trông thấy Tạo quay mặt đi vội lấy tay áo gạt nước mắt.
-Biết bao nhiêu cặp tình nhân đâu khổ ngấm ngầm.
Ngồi yên một lát Hà lại cất tiếng nói:
-Nghe đồn anh Trúc vui tính hay nói đùa lắm. Sao hôm nay nghiêm trang quá thế?
Dũng nói:
-Tại cô nói mất hết cả.
Hà nói:
-Em phải cái tính hay nói nhiều quá. Ở nhà có hai anh em thì chỉ có một mình em hay nói thôi. Anh Cận em hễ khi nào mở miệng là chỉ cốt để bảo em: "Im ngay đi, Cô Thúy Kiều!".
Mấy người cùng cất tiếng cười và trở lại vui vẻ. Hà cười to nhất rồi nàng ôm ngực cúi mặt ho một thôi dài.
Thương Hà vì đoán nàng không còn sống bao lâu nữa, nên Trúc lại dần dần thấy ái tình là một thứ nghiêm trọng quá . Chàng sợ nên chàng lại tự nhủ mình rằng có cảm tình với Hà vì thương Hà chứ không phải vì yêu .
Trúc tự dối mình, chứ thực ra lúc đó chàng lẫn lộn không biết rõ hẳn lòng mình ra sao? Chàng cố lấy giọng thân mật như người anh nói với em, bảo Hà:
-Gió bắt đầu lạnh. Cô nên vào trong nhà ngồi hơn.

***

Chương 14

Phần II

Cô bé con bán hàng mở vung múc nước chè, làn khói nóng và thơm thoảng qua mặt khiến Dũng nhớ đến hôm nào ngồi cạnh Loan trong lòng ấm áp và nhìn ra cảnh chiều mờ sương thu.
Chàng nhận rằng hôm nay vô tình chàng lại ngồi nguyên chỗ cũ, trời tháng tám, tuy chưa rét lắm như hôm Thái đi, song những cơn gió nam thổi từ phía sông lên làm xõa tóc chàng ra rào rào trong lá cây gạo bên hàng nước, Dũng đã thấy hơi lạnh và nhiễm cái buồn xa xôi của những cơn gió heo may mới thổi về. Một năm gần qua.
Dũng cầm bát nước chè tươi vừa uống vừa nhìn Xuân ngồi trước mặt; chàng thấy Xuân khỏe mạnh hơn trước nhiều và có nước da sạm đen của một người dạn nắng gió.
-Anh đi được một năm rồi đấy.
Xuân vui cười đáp:
-Đã làm gì được một năm. Anh Thái đi, lúc bị bắt về thì còn ở Lao-Kay. Kể ra thì cũng gần được một năm.
Tên người bạn cũ chết một cách thảm thương tình cờ nhắc đến khiến Xuân cúi nhìn xuống đất; chàng thong thả nói:
-Mới có một năm đã bao nhiêu sự thay đổi. Anh Thái, anh Vượng, anh Tạo...
Dũng nhìn Trúc đương mãi chọn mấy quả na trong rá.
-Chỉ có tôi và anh Trúc là vẫn thế, chẳng thay đổi gì cả. Kéo mãi cái đời vô công rồi nghề tẻ ngắt.
Trúc nhấc lên một quả na to, còn nguyên cành lá, vui vẻ nói:
-Lá còn xanh thế này mới chín cây.
Cô bé nói tiếp:
-Quả nào thì cũng chín cây cả. Cháu vừa hái ở trong làng ra xong.
Trúc bữa đôi quả na và chợt nghĩ đến Hà, chàng bắt chước dáng điệu nàng, cũng nhắm mắt lại, cau đôi lông mày và chép miệng nói:
-Na làng Chàm ngon có tiếng. Thơm và ngọt.
Trúc nếm rồi đưa cho Xuân một nửa.
-Anh này bấy lâu ở bên Tàu chắc không được ăn. Anh ăn thử mà xem, cả mùa thu sẽ vào bụng anh .
Trúc bảo Xuân:
-Anh còn nhớ độ ở trọ nhà bà Hai Vận không?
-Đời nào quên được nhất là cô con gái bà ta, cô Hiền.
Trúc mỉm cười nói:
-Tôi thì tôi nhớ nhất cây na ở nhà bà ta. Cây na ngon lạ. Bà ta giữ gìn ghê lắm. Một hôm mình ăn trộm được một quả, phải đứng ngay ở gốc ăn, vì đem ra khỏi vườn, bà ta trông thấy mình ở vườn ra sẽ khám túi ngay.
Trúc nhìn cô bé con bạn nàng và chắc là nó chưa đến tuổi hiểu, nên mỉm cười nói luôn:
-Quả na suốt ngày phơi nắng, nhưng mùi na âm ấm và thơm phảng phất như môi một người yêu.
Dũng lắc đầu, nói:
-Anh này hỏng. Nói đùa nhảm nhí luôn mồm.
-Còn hơn các anh cứ đem mãi những chuyện buồn như chấu cắn ra nói. Tôi đã bảo đừng nhắc đến nữa. Chẳng ích lợi gì, chỉ thêm nóng đầu.
Sáng ngày, trong mấy giờ đồng hồ, ba người đã suy xét bàn cãi và dự định rất nhiều thứ. Trúc thấy ý Dũng muốn nhân dịp này cũng được đi theo sang Tàu với Xuân. Riêng về phần chàng, chàng chưa thấy muộn lắm, vì sang Vân Nam ở nước ấy buôn bán như Xuân, Trúc cho là không khác gì ở nhà.
Trúc nói tiếp:
-Tôi tưởng cứ theo như lối của tôi là hơn cả. Sống ngày nào biết ngày ấy; Ăn thật ngon ngủ thật kỹ. Nếu phải ở trong nhà tù thì cơm nắm với muối, ăn lại có một vị ngon riêng.
Chàng nhìn Dũng và nghĩ đến Loan, đến những băn khoăn do dự, chàng đoán Dũng đã phải trả giá mỗi lần có ý bỏ đi theo các bạn, chàng bảo Dũng:
-Anh còn nhớ độ chúng mình bãi khóa không? Chẳng biết anh thế nào chứ tôi thì lúc nào cần đến nhảy ra thì nhảy ra. Khi nào nhảy vào thì nhảy vào.
Dũng mỉm cười nói:
-Có khi nhảy vào không được nữa.
-Không nhảy vào được thì thôi. Cứ thế mà liệu cách sống. Nhưng lần này phải cẩn thận. Chúng mình vì nhày ra nên mới bị giam hãm. Lần này nhảy ra cũng là nhảy ra chỗ mờ mịt, không biết rõ, nhưng cần gì đời là thế, mình cũng có khi phải liều chơi.
Trúc bỗng lấy tay che miệng mỉm cười nói:
-Chết chửa? Chính tôi bảo không nên bàn tán nóng đầu vô ích mà chính tôi lại nói nhiều hơn cả. Đã bắt chước cô Ba rồi.
Xuân hỏi:
-Cô Ba nào mà thấy anh nhắc luôn đến tên từ hôm qua đến giờ?
-Hà em anh Cận. Bây giờ lớn lắm. Hình như cũng tập tành bắt chước chị.
-Chắc là có đầu Vùng của anh có lẽ nhiều người nhất đấy.
-Kém vùng Cỏ Am một ít thôi.Vả lại cũng không danh giá gì. Có danh giá thiỉ chỉ danh giá cho những người ở lại yên thân hay còn sống.
Xuân nói:
-Hai anh vào Ý Dương với tôi đã rồi về.
Dũng đáp:
-Anh vào thôi, tôi phải về ngay, thầy tôi đợi ở nhà.
Chàng mỉm cười, nói đùa:
-Phải về vì đi hai hôm đã nhớ nhà rồi.
Câu nói đùa nhưng cũng là câu nói thật. Dũng nghiệm ra rằng lần nào cũng vậy, hễ đi đâu một vài ngày là chàng đã nảy ra cái ý muốn về nhà, về nhà để được gần cạnh Loan. Gia đình, quê hương chung yêu mến, chính nơi đó là nơi chàng với Loan trong bao lâu đã cùng thở một bầu không khí, đã cùng ngắm những cảnh sắc thay đổi hết mùa này sang mùa khác, năm này sang năm khác.
Trúc muốn gặp Hà, ngập ngừng một lúc mới dám nói:
-Hay anh Dũng đi về một mình. Tôi đi với Xuân vào Ý Dương.
Trúc thấy Dũng đưa mắt nhìn mình thật nhanh rồi lại nhìn ra chỗ khác ngay. Chàng ngượng nghịu nói tiếp như muốn phân trần:
-Đã lâu chưa gặp anh Cận.
Đã lâu không gặp Cận, đi với Xuân đến thăm là lẽ tự nhiên, nhưng sao chàng lại cứ tưởng rằng Dũng không cho thế là tự nhiên. Chàng mỉm cười tụ nhủ mình:
-Có lẽ tại thế không tự nhiên thật.
Chàng mỉm cười lần nữa vì nghĩ đến trước kia nhiều lần chính chàng đã thầm trách Dũng cứ phải đo đắn mỗi khi nói đến Loan, hay giữ gìn, che đậy chỉ sợ người ta nghi ngờ mình. Chàng toan nói hẳn ra và dùng cách bông đùa để che ngượng:"Đã lâu chưa gặp anh Cận và cô Thuý Kiều lắm mồm lắm miệng", nhưng lần này chàng không thấy còn cản đảm nói đùa nữa.
Dũng không nghi ngờ gì Trúc cả, chàng chỉ mừng rằng Trúc đã nhận lời đi. Xuân không khẩn khoản mời chàng cùng đi lại Cận nữa. Chàng đã phải tìm hết cách làm thế nào về nhà kịp đêm Trung Thu. Chủ nhật trước khi người nhà của Thảo đem mấy cân bánh vào biếu bà Hai, Loan có nói với chàng:
-Thế nào anh cũng phải về kịp đêm Trung Thu, sang đấy ăn bánh của chị giáo... với em. Em có nhiều chuyện hay... hay lắm lắm
Nói xong Loan mỉm cười một cách ý nhị rồi đi cất bánh vào tủ. Nhìn dáng điệu của nàng hoạt động trước mắt, Dũng từ khi biết thương mến Loan, lúc đó lần đầu để ý đến tâm thân của người yêu, tấm thân chàng vẫn biết là thanh đẹp, nhưng chàng chỉ nghĩ đến thoáng qua chưa bao giờ ngừng lại như lần này. Dũng thấy Loan giơ bàn tay lên sau gáy; mấy ngón tay của nàng đương hững hờ vuốt mấy sợi tóc, bỗng đứng yên cả lại như chờ đợi: Loan suy nghĩ. Tự nhiên Loan quay nhìn Dũng nhắc lại lời nói bằng hai tiếng rất nhỏ:
-Anh nhé!
Nàng vừa mỉm cười vừa khẽ gật đầu luôn mấy cái và trông vẻ mặt Loan nhìn chàng lúc đó Dũng thấy nhiều hứa hẹn tuy chàng vẫn không biết rõ là những hứa hẹn gì và không dám chấc có phải thật thế không.
Dũng đợi ngày Tết Trung Thu đến như một đứa trẻ và từ hôm ấy chàng không sang bên nhà Loan nữa, sợ một lẽ gì sẽ đến làm mất cái hy vọng không căn cứ, rất mong manh, nhưng chàg thấy đẹp hơn là những hạnh phúc lớn ở đời.
Tuy biết trước là có lẽ đêm hôm ấy rồi không có gì cả nhưng khi nói chuyện với Xuân về việc đi, chàng vẫn nghĩ thầm:
-Đi đâu thì đi miễn là sau đêm Trung Thu.
Dũng bắt tay Xuân và Trúc rồi đứng nhìn hai người đi về phía làng Ý Dương. Chàng trả đèn cô bé, bước trên mặt đê.
Một cơn gió thổi mạnh khiến Dũng giơ tay giữ lấy mũ cho khỏi bay, bỗng chàng đứng dừng lại ngửng nhìn lên. trên đầu chàng cả một vừng sáng rung động, mặt trời thấp và ánh sáng mặt trời phản chiếu ở mặt sông lên rọi sáng cả đám lá gạo ở trên ngọn cây dương lay tới tấp trong gió.
***
Lũ trẻ trong nhà thấy Dũng về chạy ra reo lên. Lần đầu chàng không làm cho chúng thất vọng, đứng lại vồn vã, hỏi han, Hiền đương xếp cỏ trông trăng trên bàn, bảo Dũng:
-Chú về chậm quá. Cúng xong, cả nhà đợi chú mãi rồi mới ăn cơm.
Dũng nói:
-Phiền quá. Đã bao lần tôi nói tôi đi đâu thì mặc tôi; làm thế mất cả tự do riêng từng người.
Hiền nhìn Dũng:
-Tại chú tự do quá, thầy không bằng lòng.
Dũng vẫn biết là cha mình không bằng lòng từ lâu, câu nói nhẹ của Hiền thật ra không có gì cả, nhưng sao chàng lại thấy mình tức giận đến thế được. Chàng nói xẳng:
-Tôi có tự do của tôi. Tôi muốn sống thế nào thì mặc xác tôi.
Hiền mở to mắt nhìn Dũng nói:
-Ô hay!
Dũng muốn nói nữa để cho đỡ bớt nỗi tức bực vô cớ rạo rực trong lòng nhưng chàng cố igữ lại vì chàng sợ nói ra thành sinh chuyện với Hiền, người mà chàng vẫn yêu nhất trong nhà. Hiền nhìn Dũng và nghĩ đến những việc lôi thôi đã nhiều lần xảy ra giữa ông Tuần và Dũng; riêng nàng nàng cho là tại Dũng có tính cứng đầu hay cãi lại cha. Tuy Dũng vẫn có lý nhưng cử chỉ khác hẳn mọi người trong nhà của Dũng, nàng cho tự nó đã là một cái tội lớn rồi. Hiền không hiểu tại sao Dũng đối với cha lại không tỏ vẻ gì là sợ hãi, sự sợ hãi mà từ lúc lớn lên nàng vẫn có và cho là tự nhiên.
Bỗng Hiền nhớ lại điều gì và mỉm cười vui vẻ, nàng nói:
-Ô hay, chú quên rồi à? Hôm đi, chú dặn tôi mãi rằng thế nào hôm nay cũng về kịp ăn cỗ.
Dũng cũng nhớ lại rằng hôm đi, nghĩ đến lời mời của Loan, trong một lúc vui miệng chàng đã có nói sẽ cố hết sức về kịp ăn cỗ. Nghĩ vậy, Dũng hết tức tối. Chàng mỉm cười nói:
-Xin lỗi chị. Lỗi tại tôi nhưng vì quên mất nên không biết là mình có lỗi.
Hiền cũng vui vì đã có cớ để hai chị em làm lành với nhau. Nàng hối hận tự trách mình dã tỏ lời cự Dũng. Nàng vẫn biết Dũng tính thích tự do không muốn ai đụng chạm, thế mà đã nhiều lần bị ông tuần và nhiều người trong nhà xét nét, đã bao phen khó chịu rồi. Trong nhà chỉ có mỗi một mình nàng bênh Dũng. Có lẽ vì thế nên lời trách đầu tiên của nàng đã làm Dũng tức bực đến như vậy mặc dầu lời trách rất nhẹ nhàng.
Dũng cũng hối hận đã nói xẵng để làm phiền lòng chị. Chàng không muốn bỏ đi ngay, thấy cần phải đứng lại ít lâu để cho Hiền biết rõ là chàng đã thật hết giận để chuộc lỗi với Hiền.
Dũng nhìn chị xếp những quả hồng trên đĩa nói:
-Những quả hồng đỏ thắm trông đẹp quá nhỉ. Trông những quả hồng lại nghĩ đến cốm xanh, mà nói đến hồng với cốm lại nghĩ đến mùa cưới.
Hiền xếp xong ngửng lên, nghiêng đầu nhìn Dũng tưởng thấy một vẻ buồn thoáng qua nét mặt Hiền; có lẽ câu nói vô tình về mấy quả hồng đã nhắc Hiền nghĩ đến việc cưới của nàng đã vì đám tang bất ngờ xảy ra bên nhà Mạch phải hoãn lại cũng cả năm nay. Mỗi lần nghĩ đến thân phụ của Hiền, Dũng thấy buồn nản lạ thường. Dũng không hiểu có bao giờ Hiền nghĩ đến cảnh sống vô vị của mình không; hình như nàng không hề nghĩ ngợi lôi thôi, sống mộc mạc hồn nhiên yên lặng như một cái bóng trong gia đình. Nhà giàu sang mà nàng không được hưởng một tí gì về sự giàu sang, không được đi học, không được đi chơi đâu, quanh năm ở nhà hầu hạ mọi người, sống trong sự sợ hãi một ông bố nghiêm nghị và sống để chịu những sự hành hạ của hai bà dì ghẻ. Dũng vẫn hết sức che chở cho Hiền và các bà dì ghẻ vì sợ Dũng nên cũng không dám bắt nạt Hiền quá, nhưng Dũng cho rằng chỉ có nàng tự bênh vực được nàng thôi. Giá nàng có tấm ái tình như Hà thì có lẽ xảy ra nhiều cuộc xung đột lớn trong gia đình.
Hiền bằng lòng lấy Mạch là nghe lời ông Tuần, chứ thực ra không phải vì yêu Mạch. Nàng nhận lấy chồng vì đã đến tuổi phải lấy chồng và nàng mong mỏi về nhà chồng có lẽ để thoát khỏi cái cảnh đời hiện tại, để có một sự đổi thay. Dũng cho rằng về làm dâu nhà người khác, chắc Hiền sẽ khổ sở gấp mấy khi ở nhà mình.
Những ý tưởng ấy hiện ra hỗn độn trong trí lại càng làm cho Dũng hối hận rằng đã nói xẳng với chị. Chàng thấy Hiền nhìn chàng chăm chú, hai con mắt hiền lành của nàng có vẻ oán trách. Nàng nói:
-Chú đừng nghĩ ngợi gì mãi đấy. Hay là chưa hết giận chị.
Dũng đáp:
-Lỗi tại em, tại em định cố về để tối nay nghe hát. Ở nhà đã cho đi gọi người hát rồi đấy chứ? Đám nào đấy?
-Đám trên thôn Yên. Hai Tụng và Thiêm.
-À cô Thiêm, khá đẹp. Nhưng có chắc họ đến không?
-Sao lại không chắc. Thầy cho gọi họ thì bận gì cũng phải đến. Được vào đây hát họ thích mẹ rồi còn gì. Vả lại dám đâu không đến.
Dũng nhìn hị, hỏi ngớ ngẩn:
-Thế à? Sao thế chị?
Chính thực lúc hỏi chị về việc tầm thường ấy, là lúc Dũng đương tự hỏi anh để tìm câu trả lời cho một ý nghĩ vẫn quanh quẩn trong đầu. Chàng thấy ông Tuần và những người dân trong làng có liên lạc mật thiết với nhau, sống với nhau trong một sự hòa hơp ấy, chàng muốn phá đổ đi vì chàng thấy nó dựa trên sự bất công; người dưới bằng lòng sự hòa hợp đó vì họ đã chịu nhận họ là yếu, họ phải yên phận chịu nước kém và cho thế là tự nhiên từ đời kiếp nào rồi. Chàng thấy chàng trơ vơ đứng riêng hẳn ra ngoài.
Hiền mỉm cười đáp lại câu hỏi của Dũng:
-Ai biết được tại sao. Họ sợ thầy thì họ đến. Nhưng thôi, chú về ăn cơm đi.
Trước cửa nhà thờ, ông tuần, bà Hai và Đình, Thuận với mấy đứa cháu đương ngồi bên cạnh cái bàn rộng để đầy các thứ tráng miệng. Dũng yên lặng kéo ghế ngồi. Chưa ai nói ai, nhưng Dũng đã thấy khó chịu rồi; chàng khó chịu vì không sao bỏ được cái cảm tưởng rằng nội trong nhà chỉ có chàng bao giờ cũng là người cô đơn nhất vì không sống như mọi người khác. Thuận nói:
-Cô Hiền nói thế nào chú cũng về, thành thử đợi chú mãi, vừa mới ăn xong.
Nàng gọi người nhà bảo dọn riêng một mâm lên cho Dũng rồi mỉm cười nói:
-Chú Dũng lần này đi chơi lại nhớ nhà co giò mà về.
Dũng nhìn vào trong bàn thờ và cố nghĩ mãi không nhớ ra hôm nay giỗ ai. Chàng định vào lễ nhưng thấy Thuận nói có ý nhấp nhổm, chàng tức mình cầm đũa bắt đầu ăn ngay. Ông tuần nhìn Dũng một lúc lâu, thấy Dũng có vẻ cau có ông không muốn khó chịu về cách cư xử của
Dũng nhưng ông cũng không muốn nói một câu nào cần vui vẻ với Dũng sợ mọi người chung quanh đấy cho ông có ý dung túng cách ăn ở quá tự do của Dũng.
Ông gọi mấy đứa cháu lại nói chuyện với chúng và bảo lấy bao nến đem ra chia phần. Mấy đứa bé tranh giành nhau. Thằng Trung bị thằng Hưng tranh lấy phần nến, chạy lại gần Thuận khóc rầm lên. Tiếng kêu khóc rộn rã của lũ trẻ đã làm mất được sự yên lặng nặng nề đầy khó chịu lúc nãy.
Ông tuần mỉm cười, vuốt râu rồi ngả đầu vào thành ghế mây. Ông gọi thằng Trung đến lấy tay xoa nhẹ đầu nó, âu yếm dỗ nó nín. Dũng đói nhưng ăn không thấy ngon, chàng vừa thong thả và cơm vừa nhìn cha. Nhưng cứ hễ lúc nào chàng dịu lòng để cố tìm cách yêu cha thì chàng lại đau xót thấy những hành vi tàn ác của ông tuần mà chàng tưởng đã quên hẳn rồi hiện ra như bức rào ngăn cản. Chàng tức bực thầm nhắc lại câu đã bao lần thốt ra trong những khi muốn bỏ nhà đi ngay:
-Còn liên lạc gì nữa giữ mình ở lại đây?
Những lớp nhà gạch vây kín chung quanh sân, Dũng thấy tức tối trước mắt như những bức tường của một nhà tù giam hãm chàng. Người ta không thể sống mãi một cảnh đời tron gkhi người ta chỉ nghĩ đến việc thoát ra khỏi cảnh đời đó. Phải như Trường, Đình và nhất là Hiền bằng lòng nhận sống như mình đương sống mới có thể mong được yên ổn.
Chàng đã bao lần xung đột ấy với gia đình và có những sự xung đột chính vì từng giây từng phút chàng đã không muốn nhận cái cảnh sống trong gia đình, chỉ muốn thoát ra khỏi thật mau...
Đối với mọi người, việc chàng bỏ nhà đi sẽ là một việc hết sức vô lý. Nhưng nếu thật có lý ra thì chỉ có một cách là sống như Trường và Định. Trường, Định sống một đời có lý lắm. Dũng vẫn biết thế, nhưng chàng lại biết từ lâu - và biết hẳn rồi không còn nghi ngờ gì nữa - rằng chàng không tài nào sống như Trường và Định được. Chàng muốn cũng không được nữa vì thâm tâm chàng không cho chàng được như thế.
Sự trái ngược của thâm tâm chàng - mà chàng không đổi khác được - với cảnh sống hiện tại không cho phép Dũng tự do làm nảy nở được nhân cách mình. Ở lại thì chỉ có héo mòn dần đi, đau khổ mãi mà vô ích cho mình, cho cả một mọi người.
Dũng vớt quả hồng ngâm vừa gọt vỏ vừa nhìn Định đương bế đứa con nhỏ đặt lên trên đùi và rung đùi thật mạnh cho đứa bé thích chí cười. Thuận nhìn Dũng, Dũng giơ con dao lên dọa đứa bé, và cũng cố nhếch mép cười cho Thuận vui lòng.
Bỗng Dũng lặng người đi, mắt nhìn vào quãng không, chờ đợi một sự quyết định mà chàng biết sẽ quan trọng nhất trong đời chàng từ trước đến giờ. Chàng cầm dao cắt mạnh quả hồng làm đôi. Vô ý khuỷu tay chàng đụng vào một cái chén làm đổ lăn xuống sàn gạch và vỡ tan. Tiếng chén vỡ làm chàng thấy nhói ở quả tim. Dũng vừa quyết định bỏ nhà đi và lần này, lần đầu chàng thấy việc ấy là chắc hẳn, hình như tự nhiên phải thế, không cần lưỡng lự, đo đắn gì nữa.
-Giản dị như không... Muốn hành động muốn sống theo chí hướng chân thật của mình chỉ có một cách là thoát ra khỏi hoàn cảnh này. Làm gì có hai đường mà còn phải lôi thôi nghĩ ngợi.
Dũng không nghĩ đến cách rời khỏi gia đình mà vẫn còn liên lạc với gia đình. Đối với chàng phải cắt đứt hết các dây liên lạc, phải đoạn tuyệt hẳn mới gọi là đi phải như thế, chàng mới có cái cảm tưởng rõ rệt về sự đổi thay, về sự thoát thân. Đi mà còn vướng víu đến gia đình thì công việc làm của chàng ở nơi khác vẫn bị ảnh hưởng của gia đình, của hoàn cảnh cũ. Chàng muốn được như con bướm thoát khỏi cái kén tối tăm, bay lên nhẹ nhàng trong ánh sáng mặt trời, tự do đi tìm hoa trong các vườn xa lạ; bay đi và không nghĩ đến cái kén kia, không biết cái kén dính ở cành cây nào nữa.
Bóng người thấp thoáng sau bức giậu làm Dũng ngửng nhìn lên hồi hộp chờ đợi. Có tiếng Loan nói xen lẫn với tiếng Hiền. Tiếng nói của Loan mà Dũng nghe đã quen tai, chiều hôm nay chàng thấy lại có một vẻ thân mật yêu riêng. Lòng chàng thốt nhiên êm ả hẳn lại, lặng đón lấy một nỗi vui nhẹ đến dần dần như bóng chiều bình tĩnh đương dìu dịu tỏa xuống sân gạch rộng. Tiếng cười của Loan chàng nghe xa xôi như ở trong một giấc mơ.
Lạ nhất là nghĩ đến Loan mà cái ý bỏ nhà đi hẳn, chàng vừa quyết định lúc nảy không đổi khác. Có phần chàng lại muốn đi hơn vì lúc đó chàng thấy không lấy được Loan, không muốn Loan là vợ mình, thà rằng xa hẳn Loan ra vì xa tức là gần Loan, mãi mãi yêu Loan hơn và yêu không bao giờ hết.
Ở đời có mỗi một tấm tình yêu lúc nào chàng cũng sống trong sự lo sợ rằng sẽ không yêu Loan được nữa, một ngày kia khi đã đầy đủ, không còn có thứ gì phải xin Loan nữa. Chàng muốn lúc nào cũng cách Loan một bức giậu, nhưng bên tai vẫn được nghe tiếng thân yêu của người yêu; chàng muốn cả đời chàng được mãi mãi như những giây phút hy vọng của buổi chiều hôm nay, những giây phút hiện đương nhẹ qua, rung động trong sự đợi chờ không đâu.

***

Chương 15

Phần II

Dũng thở thấy nhẹ hơn mọi buổi sáng khác. Chàng sực nhớ ra rằng vào khoảng ba bốn giờ sáng trời đổ cơn mưa to. Trong khi mơ màng nghe tiếng mưa rào rào ngoài nhà, Dũng đã có chiêm bao thấy một chuyện gì vui lắm, nhưng nghĩ mãi Dũng cũng không nhớ ra là chuyện gì. Chàng chỉ biết rằng lúc đó chàng đã có một cái cảm giác rất dễ chịu của một người vừa được thoát thân. Chàng đi ra phía tủ gương thay quần áo, mỉm cười nói một mình:
-Có lẽ tại lúc nào cũng nghĩ đến việc đó.
Dũng lấy làm lạ rằng không phải đợi đến lúc bỏ nhà đi mới được thoát thân. Hơn hai tháng nay vẫn sống ở trong gia đình mà chàng đã thấy mình không còn liên lạc gì với gia đình nữa. Chàng muốn làm gì thì làm, muốn sống thế nào thì sống. Những sự tranh cạnh nhỏ nhen hàng ngày, những sự xung đột vì tư lợi, những lời khích bác lẫn nhau. Dũng thờ ơ coi như là không có liên lạc gì đến chàng nữa. Cả đến việc cưới vợ cho chàng, Dũng cũng không quan tâm; chàng mặc mọi người lo toan xếp dọn nhà cửa, Dũng mỉm cười tinh nghịch mỗi khi thấy xe ô tô ở Hà Nội về chất đầy các thứ mua dùng vào việc cưới.
Dũng đã hết sức nói với ông tuần để hoãn việc cưới lại năm sau nhưng không được. Cụ Bang nhất định bắt phải cưới ngay, vì năm sau là năm hạn của cụ: Điều mong ước cuối cùng của cụ là trước khi nhắm mắt được thấy Dũng thành gia thất.
Dũng vâng lời và ngày cưới đích xác định vào tháng Chạp. Ông tuần và mọi người trong nhà thảy đều vui vẻ; nhưng ông tuần không khỏi ngạc nhiên về thái độ của Dũng, những hôm trong nhà hội họp bàn đến chuyện chàng và Khánh, Dũng chỉ từ chối lấy lệ và để cho mọi người hiểu ngầm rằng chàng đã bằng lòng. Nếu không có sẵn cái ý định bỏ nhà đi thì thế nào cũng sẽ xảy ra một cuộc xung đột to trong gia đình về việc ấy.
Dũng không hiểu tại sao mình lại không bỏ nhà đi ngay; lạ nhất là từ khi định ngày cưới, Dũng thấy sống ở trong gia đình có phần dễ chịu hơn trước.
Biết mình đã quen sống cái đời an nhàn về xác thịt, có lúc Dũng giật mình lo sợ; biết đâu có ngày chàng không thấy cần phải đi nữa hay lúc cần phải có can đảm để rứt đi, chàng lại không có đủ can đảm. Thế rồi chàng sẽ lấy vợ, sẽ có những trách nhiệm mới, tâm tình sẽ thay đổi dần. Có lẽ chàng sung sướng và biết đâu lại không sống như thế mãi như là Trường và Định.
Có một điều giúp chàng vững tâm là tấm ái tình của chàng với Loan... Nếu người sắp làm vợ chàng là Loan thì có lẽ chàng sẽ bị cám dỗ. Chàng không thể đánh lừa Loan, phụ bạc Loan được mặc dầu chàng chưa có ngỏ một lời hứa hẹn gì với Loan cả.
Ngày cưới sắp tới nơi đối với chàng lại là một cớ thúc giục chàng bỏ đi để khỏi phụ Loan... Việc sửa soạn ngày cưới càng tiến hành bao nhiêu thì việc chàng bỏ nhà đi lại càng chắc chắn bấy nhiêu.
Dũng chỉ còn mấy tháng sống gần Loan, mấy tháng rất quý đối với chàng. Lòng chàng vui quá trời, mùa thu đẹp quá nên những lúc gặp Loan, chàng không hề để ý xem Loan đối với việc cưới của mình ra sao; chàng yên trí Loan đã hiểu chàng, đã biết là chàng sẽ bỏ nhà đi. Chàng tưởng Loan cũng nghĩ như chàng; hai người đã không sao lấy được nhau, còn mấy tháng sống gần gũi tội gì buồn bã để cả đời phải hối hận. Dũng không thấy Loan mảy may tỏ ý hờn giận chàng; trước thái độ lãnh đạm ấy, Dũng sinh nghi ngờ, cho là bấy lâu đã lầm tưởng rằng Loan cũng yêu chàng như chàng yêu Loan. Nhưng chàng không muốn tìm để biết rõ; vì biết rõ làm gì. Loan yêu chàng hay Loan thờ ơ đối với chàng đằng nào lúc đi chàng cũng khổ. Thà cứ để vậy sống trong một ảo tưởng đẹp đẽ, một ảo tưởng mà trọn đời, Dũng mong vẫn là ảo tưởng.
Đã hơn một tháng ngày nào Loan cũng sang dạy học lũ trẻ bên ông Tuần. Trước khi đi, Dũng cố sức lo liệu xong việc ấy để Loan có kế sinh nhai, chàng đi sẽ được yên tâm hơn.
Dũng không phải giữ gìn như trước mỗi khi gặp Loan, chàng chắc rằng không ai nghi ngờ nữa từ khi biết chàng đã bằng lòng lấy Khánh. Buổi sáng nào Dũng cũng đi qua nhà học để được trông thấy mặt Loan. Có khi chàng đứng sẵn ở vườn đợi Loan sang, rồi hai người trong buổi sáng lạnh, trong ánh nắng hồng nhạt muà thu cùng đi nói chuyện một quãng trên con đường trải đá sỏi.
Thỉnh thoảng một sợi tơ trời từ tên cao là là xuống lấp lánh; hai người sợ sợ tơ vương vào mình cùng giơ tay đón lấy rồi nhìn nhau mỉm cười khi thấy trong tay không có gì cả hình như sợi tơ vừa tan đi cùng với ánh sáng.
Dũng nhìn đồng hồ thấy kim chỉ tám giờ. Chàng lẩm bẩm:
-Hôm nay chủ nhật, không biết Loan có sang không?
Chàng ra mở rộng cửa sổ; trên lá cây còn ánh nắng lấp lánh làm Dũng phải nhíu đôi lông mày cho khỏi chói mắt. Một cơn gió lạnh lùa vào đượm mùi thơm hắc của hoa cau. Ngay cánh cửa, một buồng hoa cau màu vàng nhạt và sáng, vừa mở xòe ra khỏi bẹ, đẹp như một nỗi vui nở trong lòng người.
Có tiếng thì thầm nói chuyện trong nhà ngang.
Dũng đi vòng ra sân trước. Hiền vui vẻ gọi:
-Chú Dũng vào đây.
Dũng bước lên thềm, Hiền đương đứng trên sập, hai tay cầm hai góc một tấm mền vóc đỏ viền xanh hoa lý, Loan ngồi ghé bên sập ướm tấm bông vào mền vóc. Ánh đỏ của tấm chăn phản chiếu lên làm ửng hồng da mặt hai người.
Dũng mỉm cười nói:
-Tôi trông hai cô như hai người say rượu đỏ cả mặt.
Hiền nói:
-Hôm nay mới say vờ. Tháng sau cứ tha hồ say thật.
Dũng giật mình nhìn Loan ngơ ngác:
-Tháng sau rồi cơ à? Chóng quá. Thì giờ đi như bay.
Hiền ngấm nghía tấm chăn rồi đưa ra chỗ có ánh nắng bảo Dũng:
-Chú xem hộ xem liệu có vừa ý cô dâu không?
-Tôi biết thế nào được ý cô dâu.
Loan vẫn yên lặng ngồi cạnh giữ chặt lấy hai góc chăn để mền lồng bông vào vải. Nàng cũng vừa như Dũng giật mình và thấy ruột thắt lại khi nghe Hiền nhắc đến tháng sau Dũng cưới vợ. Nàng không muốn nghĩ ngợi về việc ấy, nàng đã cố hết sức cũng không hiểu được lòng Dũng hiện giờ ra sao. Mới đầu khi nghe chuyện, Loan vẫn yên trí là Dũng nói đùa vì đã từ lâu Dũng vẫn nói sẽ lấy Khánh mà nàng có tin là thật bao giờ đâu. Rồi nàng thấy ăn hỏi, thấy sửa soạn nhà cửa, mua các thứ dùng về việc cưới. Tin ông tuần cưới vợ cho con khắp trong làng và ngoài phố huyện đi đâu Loan cũng thấy nói đến như là một việc quan trọng ít khi xảy ra. Trước mặt Loan, họ bàn tán về Dũng và Khánh, ước đoán số ô tô sẽ dùng hôm đón dâu. Loan thấy mình như bé nhỏ không đáng kể đến. Nàng sợ hãi. Tuy đã biết trước là không lấy được Dũng, nàng cũng ngạc nhiên đau đớn.
Mỗi lần gặp Dũng, nỗi bực tức của nàng lại biến mất, Dũng đối với nàng vẫn ân cần như trước, có lẽ lạt hơn trước, nàng chỉ cốt có thế thôi và tự an ủi rằng việc lấy vợ không phải tự ý Dũng. Dẫu sao, nếu Dũng không từ chối hẳn được ít ra cũng phải tỏ ý phẫn uất. Loan thật không hiểu vì cớ sao Dũng đã bằng lòng một cách dễ dàng như thế.
Nàng tức Dũng rồi nàng tự dối mình rằng có lẽ Dũng đau khổ ngấm ngầm; nàng thương nàng nên nàng muốn tìm cớ để thương Dũng, cho là hai người cùng chung một số phận và cùng đáng thương như nhau cả. Có khi nửa đùa nửa thật hỏi Dũng thì Dũng chỉ đáp lại một cách mập mờ:
-Tôi lấy vợ tức là không lấy vợ.
Loan bối rối ít lâu rồi từ khi sang dạy học bên ông tuần, ngày nào cũng gặp Dũng, Loan không muốn nghĩ ngợi lôi thôi nữa. Còn thấy Dũng ở bên cạnh là nàng còn vững tâm, không lo sợ gì, không cần gì những việc xảy ra.
Dũng nói với Hiền:
-Bây giờ đã may chăn. Tôi sợ là sớm quá chăng?
-Sớm thì đã làm sao?
-Sớm quá tôi sợ lại để mốc ra mất.
Dũng nhìn Loan và mỉm cười nói như có ngụ ý:
-Vì không dùng đến.
Hiền nói:
-Trời độ này lạnh không sợ đâu
Loan mỉm cười vì chỉ thấy Hiền để ý đến nghĩa mộc mạc của câu Dũng nói; có lẽ Dũng muốn dùng câu ấy để tỏ cho nàng biết là Dũng không bao giờ lấy Khánh. Loan nhớ lại những lúc Dũng đứng đợi nàng trong vườn; nhiều lần Dũng ngập ngừng hình như muốn ngỏ với nàng điều gì lại thôi. Mọi ý nghĩ thoáng nảy ra làm cho lòng nàng xao xuyến như đám lá vàng gần đến ngày rụng trước một cơn gió thổi mạnh và đột ngột. Có lẽ Dũng sẽ đi trốn và sẽ rủ nàng cùng đi, hai người đều bỏ hết cả vì đã không thể nào không thể yêu nhau được, thì chỉ còn một cách trốn đi biệt để yêu nhau. Loan nhìn Dũng và thấy cái ý tưởng ấy không có gì là táo bạo liều lĩnh nữa nếu Dũng ngỏ lời tha thiết muốn nàng cùng đi thì chắc Loan sẽ có đủ can đảm...
Loan không sợ hãi gì khi nghĩ đến những sự trốn tránh ẩn núp, một cuộc đời sống biệt lập hẳn ra ngoài khuôn sáo tầm thường nếu lúc nào cũng có Dũng ở bên cạnh nàng.
Loan hồi hộp nghĩ đến những cái thú của một đôi tình nhân đã liều lĩnh quá rồi chỉ còn biết có yêu nhau, một đêm mưa gió trong một buồng trọ tồi tàn tình cờ gặp bên đường, lần đầu tiên nàng đã thấy những ý muốn về xác thịt rạo rực nổi dậy làm cho các mạch máu trong người nàng chảy mạnh hơn và đôi gò má nàng nóng bừng. Loan kéo về phía mình tấm chăn bông mà Hiền vừa lồng xong, cuộn tròn lại. Nàng chống khuỷu tay rồi nghiêng người đặt má trên tấm chăn bông. Một tia ánh nắng chiếu thẳng vào mặt khiến Loan lim dim mắt lại, những bụi vàng bay tản mạn trong ánh nắng. Đôi môi nàng tự nhiên hé mở , cười một cách yên lặng. Nàng đưa đi đưa lại gò má trên nền vóc ấm nặng:
-Ấm lạ, cô dâu nào đắp chăn tha hồ ấm.
Dũng ngồi xuống sập chỗ có ánh nắng chiếu vào, xoay lưng về phía Hiền. Câu nói có ngụ ý của Loan khiến chàng ngây ngất thong thả đưa mắt nhìn Loan từ đầu đến chân. Loan lấy làm lạ, hơi ngượng, nhẹ đưa bàn tay khép vạt áo lại, hai mắt làm như đương bận suy nghĩ điều gì để Dũng được tự do nhìn. Một lúc sau Loan khẽ nói:
-Anh ngồi thế che ánh sáng làm em thấy lành lạnh ở một bên má.
Dũng chú ý đến gò má của Loan và câu nói vô tình khơi chàng nghĩ đến cái thú được đặt một cái hôn đầu tiên trên má người yêu. Chàng thấy bóng người chàng in trên mình Loan như âu yếm ôm ấp lấy người Loan. Về phía sau, khung cửa sổ để lộ ra một khu vườn nhỏ, vài quả na màu xanh như ngọc thạch lẫn vào bóng trong xanh và êm lọt qua những cành na mềm lá xếp đều đặn. Nhìn mấy quả na, Dũng nhớ lại câu nói của Trúc:
-Những mùi na âm ấm và thơm như môi người yêu.
Dũng nhận ra rằng đến lúc sắp đi chàng bị những ý thèm muốn luôn luôn đến ám ảnh. Nghĩ vậy nhưng chàng vẫn không sao làm á được những tiếng khêu gợi tự nhiên của thâm tâm. Chàng lấy làm tức tối vì lẽ gì người mà chàng yêu nhất trên đời lại không có thể nào thành người bạn trăm năm của chàng được. Dũng mỉm cười.
-Thì chính tại mình muốn thế chứ tại ai đâu?
Loan hỏi:
-Anh nghĩ gì vui mà mỉm cười thế?
Dũng đáp liều:
-Tôi thấy mấy quả na kia ngon mà tiếc sẽ không được ăn.
Chàng giật mình vì biết đã nói lỡ lời. Loan sinh nghi hỏi:
- Tại sao thế?
Dũng đáp:
-Tại thế...
Không nói cho Loan biết hẵn là mình sẽ đi nhưng Dũng vẫn muốn Loan hơi nghi ngờ để thử ý Loan.
Loan nói:
-Anh hay trả lời mập mờ, đến bực mình thôi.
Thật ra Loan sung sướng thấy có nhiều chứng cớ về việc Dũng bỏ nhà đi. Loan nhìn Dũng rồi đứng hẳn dậy nói:
-Nào đi...
Hiền nói:
-Đã hết việc đâu mà đi. Cô giúp tôi một tay cho xong nốt chỗ này đã.
Loan mỉm cười lại ngồi xuống:
-Nào thì ở lại. Đi, ở lại, hai đường phân vân...
Dũng ngồi yên lặng một lúc lâu rồi thong thả nói như khuyên Loan:
- Cô nên ở lại...
Loan nhìn Dũng, hai mắt luôn luôn chớp có vẻ một người đương tự hỏi để tìm một câu trả lời quyết định. Nàng yên lặng khẽ gật đầu, rồi hai người, mỗi người nhìn một phía cùng có dáng suy nghĩ.
Một ý thoáng hiện ra làm cho Dũng bàng hoàng như người đương buồn sắp được nhắp chén rượu để quên mình đi trong chốc lát. Trước khi đi, thế nào chàng cũng sẽ tìm dịp để ngỏ cho Loan biết rằng chàng yêu Loan, tấm tình yêu ấy trong đời chàng cũng tự nhiên và cần cho chàng như không khí, như ánh sáng mặt trời cần cho sự sống. Chàng sẽ ngỏ cho Loan rõ nỗi đau khổ băn khoăn của chàng từ khi bắt đầu biết suy nghĩ đến nay; chàng được cái may sinh ra cùng một nơi với Loan, trong bao lâu được cùng sống với Loan, nhưng chàng lại không có cái may được yên tâm sống trong một gia đình mà từng giây từng phút chàng chỉ muốn thoát ra khỏi. Nếu Loan cũng yêu chàng thì tình yêu của Loan chắc sẽ an ủi được chàng những khi ở xa. Trước khi từ biệt hẳn nhau, hai người sẽ sống những ngày thần tiên và cái thú yêu nhau não nùng mong manh của những ngày cuối cùng ấy sẽ mãi mãi để lại một thứ hương thơm không bao giờ phai trong đời hai người.
-Quang cảnh vui quá nhỉ.
Tiếng Trúc làm Dũng giật mình, quay lại.
Trúc gác xe đạp ở bờ hè, ngả mũ bước vào nhà.
Loan nói:
-Trông anh Trúc dạo này đen tệ.
-Đen vì độ này gặt lúa. Phơi nắng ở ngoài ruộng cả ngày. Còn mười mẫu sáng trăng mới gặt. Hôm nay nhân rỗi lên mừng anh Dũng sắp cưới vợ.
Trúc vừa thở vừa nói lắp:
-Phóng xe đạp một hơi đến đấy. Mệt quá.
Dũng hỏi:
-Định đến đây thật hay vì ghi đông xe đạp quay về phía này nên đi về phía này?
Trúc nói:
-Định đến đây thật. Có một ngày rỗi, có dịp tốt tội gì không nhảy.
Dũng biết là Trúc muốn tỏ cho chàng hay rằng đã có dịp tốt để cho hai người bỏ trốn đi. Dũng nóng ruột muốn biết ngay nên kéo Trúc ra ngoài vườn. Trúc nói:
-Kiếm hai trăm bạc để sẵn đấy. Hôm qua Ngữ đến thăm tôi.
-Sắp đi rồi à?
Trúc ngạc nhiên nhìn Dũng:
-Sao?
Dũng luống cuống:
-Có sao đâu! Chưa định ngày chứ?
Trúc mỉm cười hỏi:
-Nếu không muốn nhảy nữa thì thôi, cũng được.
Dũng vội tìm cớ nói chữa:
-Không. Tôi sợ đi ngay thì chưa có tiền. Đào đâu ra hai trăm bây giờ.
-Đi ngay thì không đi ngay, nhưng cố nhiên là đi trước ngày cưới. Phải để sẵn tiền, bất thần đi lúc nào không biết trước được.
Dũng cúi mặt nhìn xuống đất. Trúc đột nhiên nói:
-Hay thôi vậy, anh nghĩ kỹ xem. Lần nhảy này hệ trọng không như lần trước đâu. Đời anh sẽ đổi khác hẳn. Mà đi là đi hẳn, không bao giờ quay về được nữa. Tôi không mất gì nhưng anh mất nhiều lắm. Cũng nên nghĩ kỹ.
Dũng nhìn về phía nhà ngang. Loan cũng đương nhìn ra dò xét hai người. Dũng nói:
-Cần gì phải nghĩ nữa vì cảnh đời về sau này mới đích thực là cảnh đời sống tự nhiên của tôi.
Thực ra lúc đó Dũng đương sợ. Chàng thấy việc chàng sắp làm có vẻ táo bạo quá. Không muốn nghĩ nữa, Dũng nói:
-Thôi ta vào kẻo cô Loan nghi ngờ.
Gần vào tới nhà. Dũng hỏi Trúc và cao giọng cốt cho Loan nghe thấy:
-Chủ nhật sau tôi sẽ rủ anh Lâm và chị ấy sang bên ấp xem gặt lúa. Anh bảo thổi sẵn ít cơm nếp.
Chàng nói thế là để dò ý Loan. Nếu Loan muốn đi, sáng chủ nhật sau nàng sẽ đến chơi Thảo thật sớm.
Dũng sẽ hiểu và nhân dịp ấy chàng sẽ ngỏ nỗi lòng chàng cho Loan biết.

hết: Chương 15, xem tiếp: Chương 16

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.