Jan 15, 2025

Viết về tác giả & tác phẩm

Tản Mạn Với Và Khi Em Khóc Thơ Hoàng Lộc
Châu Thạch * đăng lúc 02:50:12 PM, Jan 24, 2018 * Số lần xem: 1279
Hình ảnh
#1

 
(Hình trong tập "Em Tập Giết Người" của Hoàng Lộc)

 

 

 

 

Tản Mạn Với " Và Khi Em Khóc" Thơ Hoàng Lộc

Châu Thạch


VÀ KHI EM KHÓC

em ngồi khóc nơi nào cho thiệt bụng
gió tàn đông còn thổi xót bên đời
em muốn khóc một lần cho hết bụng
đậy tấm lòng, khóc mấy cũng không nguôi

cháu em hỏi vì sao dì khóc vậy
em nhanh tay quệt nước mắt và cười
con em hỏi sao lại nhè vậy mẹ
em lặng nhìn khói bếp, cắn vành môi?

thằng nớ hỏi vì sao em khóc vậy
em bảo cành hạnh phúc đã xanh hơn
nó ngó miết quanh nhà không hiểu nổi
điều em vui (cũng có thể em buồn)

chỉ anh biết vì anh vừa qua ngõ
em bất ngờ thấm mặn xuống mâm cơm...

HOÀNG LỘC



Bình luận: Châu Thạch

Vợ đi xa. Buồn. Gọi điện mời bạn đi ca-phê. Ai cũng từ chối. Mở máy tính lên mạng tìm thơ hay. Không có thơ hay. Buồn. Định tắt máy thì một bài thơ xuất hiện. Bài thơ “Và Khi em Khóc” của Hoàng Lộc. Hình như đây là một nhà thơ đã có tên tuổi từ thời MỸ NGỤY.
Vào bài khổ một:

em ngồi khóc nơi nào cho thiệt bụng
gió tàn đông còn thổi xót bên đời
em muốn khóc một lần cho hết bụng
đậy tấm lòng, khóc mấy cũng không nguôi

“Thiệt bụng” có hai cách nghĩ. Một là thiệt là thật, có nghĩa em khóc thật bụng, khóc không dã dối. Hai là thiệt là thiệt thòi, khóc cho sự thiệt thòi nghĩ trong bụng. Hiểu cách nào cũng hay mà hiểu cả hai cách thì lại càng hay. Hiểu cả hai cách thì em chọn chổ nào đó, ngồi khóc cho thật lòng cái nỗi thiệt thòi mà em đã dấu trong bụng lâu nay.
Đã khóc thì buồn rồi nhưng nhà thơ lại chơi một câu da diết kèm theo tiếng khóc nữa: “Gió tàn đông còn thổi xót bên đời”. Đọc thơ ai cũng biết là em đã lớn tuổi mà cái buồn như ngọn gió còn thổi lạnh trong hồn. Thế nhưng câu thơ cũng làm ta liên tưởng đến cơn gió tàn đông đang thổi lạnh ngoài kia trong khi em khóc.
Rồi thì “Em khóc một lần cho sạch bụng” nghĩa là em quyết định khóc luôn một lần cho đã thèm, cho vơi hết đau buồn ấm ức, chớ cứ cố nín, cố che đậy nỗi buồn thì “khóc mấy cũng không nguôi”
Một khổ thơ mà có hai chữ “bụng”. Không hay? Không, tôi thấy hay. Nhờ hai chữ bụng nầy mà tôi để ý đến bài thơ. Ông nhà thơ nầy thuôc loại dùng chữ thật đáo để, không sợ chê vì biết mình dùng chữ gây xốc khiến mọi người chú ý.
Đã thế khổ thơ đầu ông ta đánh động tánh tò mò của con người, tự hỏi trong lòng chuyện chi mà em nầy muốn khóc?. Vậy là nhà thơ thành công ngay khổ thơ đầu, kéo người đọc đi vào câu chuyện của mình một cách tự nhiên, tự nguyện và cảm thấy trong lòng mình có chi như thích thú.

cháu em hỏi vì sao dì khóc vậy
em nhanh tay quệt nước mắt và cười
con em hỏi sao lại nhè vậy mẹ
em lặng nhìn khói bếp, cắn vành môi?

Em đã khóc tự do rồi nên cháu thấy mà con cũng thấy, rồi vế sau cũng cho chồng thấy luôn. Cái tính cach khóc nầy cho thấy người nữ thuộc người có chiều sâu nội tâm và có một tâm hồn nhạy cảm. Nhà thơ diễn tả cái chiều sâu nội tâm em bằng cử chỉ khóc bên ngoài rất thật đến nỗi không còn chổ nào thật hơn nữa, khiến cho ta nhìn người nữ khóc thấy toàn bộ tánh chất nữ tính bộc lộ ra vừa dễ thương vừa đẹp lạ kỳ. Nhà thơ còn rành tâm lý nữ nhi nữa. Cháu hỏi thì cười. Cười vì là sự quan tâm đầu tiên chưa làm cho tủi lòng. Con hỏi thì “lặng nhìn khói bếp, cắn vành môi” cho thấy sự quan tâm thứ hai gây nên sự nghẹn ngào xúc động. Khổ thơ diễn tả sự ẩn chứa trong lòng gây nên sự biến chuyển tâm lý bằng nhừng cử chỉ bên ngoài thật trọn vẹn, hài hòa và chính xác.
Qua khổ thơ thứ ba tác giả dùng chữ “thằng nớ” để chỉ ông chồng của người phụ nữ. Cách gọi này nghe ngổ ngáo mà thật, nó không phải là cách nói của thi sĩ nhưng nó là cách tả chân cái ghen hậm hực trong lòng mình:

thằng nớ hỏi vì sao em khóc vậy
em bảo cành hạnh phúc đã xanh hơn
nó ngó miết quanh nhà không hiểu nổi
điều em vui (cũng có thể em buồn)

Hay quá, người nữ nầy vừa lanh như quạ vừa thâm thúy vô cùng, nàng trả lời cho chồng một câu lấp lửng siêu việt, làm cho người chồng vừa vui lòng nhưng cũng vừa thắc mắc trong lòng. Tuy thế, cái hay ở đây chính là cái hay của người làm thơ. Tác giả đã dựng nên một tình huống và một cách giải quyết tình huống khôn khéo, nhạy bén và thâm thúy nữa, làm cho tình huống tưởng đi vào ngỏ cụt lại thành ra nhẹ nhàng bay bổng tan ra trong cái “khó hiểu” của ông chồng.
Rồi cuối cùng, với hai câu thơ, nhà thơ chắp đôi cánh thật to cho con chim thi thơ sà xuống, lao vào trong bóng đêm u buồn miên viễn, nhưng mà nó lao xuống đẹp quá, đẹp đến nỗi nhìn nó hồn ta cảm như mình cũng mang đôi cánh đó trong ký ức lao vào đêm tối suốt cuộc đời :

chỉ anh biết vì anh vừa qua ngõ
em bất ngờ thấm mặn xuống mâm cơm...

Đọc câu thơ “Em bất ngờ thấm mặn xuống mâm cơm” tự nhiên tôi thấy mâm cơm nó ngon lên vô cùng. Hai câu thơ đã giải quyết những dấu hỏi trong đầu ta khi đọc ba khổ thơ trên, và ta thấy khổ kết lại của bài thơ vừa bất ngờ, vừa dí dỏm mà cũng vừa đậm đà một thứ “ngoại tình” không thể kết tội.
Bài thơ có hay hay không tùy cảm nhận của mỗi người. Với tôi nó đã cho tôi sự thích thú tối nay. Tôi thỏa lòng khi được đọc một bài thơ có ý lạ và tứ thơ và chữ dùng cũng lạ. Tôi viết tản mạn nghĩa là tôi nói bông lông cho thỏa cái vui trong lòng, xin thứ lỗi nếu có điều gì sai tật ./.
 

Châu Thạch

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.