Jan 15, 2025

Thơ nối điêu

Huệ Thu Nối Ðiêu thơ Chúc Mai (*)
Chúc Mai * đăng lúc 12:45:40 AM, Jan 12, 2015 * Số lần xem: 5447
Hình ảnh
#1

NỐI ĐIÊU THƠ CHÚC MAI 

Tôi xin nhặt những câu thơ mà tôi rất thích
của Chúc Mai (hai câu đầu trong ngoặc kép)
để nối điêu thành bài thơ , tôi gọi là Thơ Nối Điêu (*) :


“Người về qua cửa phù vân
Nghiêng vai trút gánh phong trần đổ đi”
Ta về biết nhớ thương gì,
Đọc thơ vô ngã, có vì vô tâm ?
Làm sao có được thi âm ?
Tử Kỳ một khắc chưa lầm tương tri !
Ngày mai mình lại ra đi
Câu thơ gửi lại làm chi bây giờ ?

&&&

“Người ngồi hong nắng lặng thinh
Hong kinh vô tự, hong tình vô ngôn”
Ta cùng là kẻ đồng môn
Đọc thơ lòng bỗng bồn chồn là sao ?
Người ơi ! Một giấc chiêm bao
Mùa Xuân lại nhớ hoa đào năm xưa
Mình về Đà Lạt mùa mưa
Ngày mai khăn gói gió đưa bụi hồng.

&&&

“Thuyền trăng nhẹ lướt ơ hờ
Chở kinh vô tự qua bờ vô ưu”
Ai xưa ngựa gấm áo cừu (1)
Có còn bất oán, bất vưu không mình ? (2)
Ta ngồi đối bóng quên hình
Hát ngao mấy khúc vong tình bỗng quên
Ai về Đà Lạt thì lên
Rừng cây bóng mát, bạn bên bờ hồ.

(1)“Ngũ hoa mã thiên kim cừu”…
Lý Bạch trong bài Tương Tiến Tửu có viết mấy
câu thơ ý nói bán cả áo cừu để mua rượu đãi bạn

(2) Bất oán nhân bất vưu thiên = không oán
người không trách trời (Khổng Tử)

Huệ Thu
Đà Lạt, ngày 6 tháng 5 năm 2007

CHUYỆN XƯA

Em đi đã mấy mùa sen
Sen tàn lại nở sao em vô tình
Em đi sao rụng sân đình
Tôi gom hoa sứ một mình xót xa
Sau nhà cải chả ra hoa
Cau không đậu trái trầu già nhạt vôi
Lẽ nào… em lại quên tôi ?

Trassburg 01 2007
Chúc Mai

Chuyển thể Thất Ngôn :

Em đi đã mấy mùa sen nở
Sen nở lại tàn em dửng dưng
Hoa rụng sân đình em trở gót
Gom về hoa sứ thấy rưng rưng
Sau nhà cải vẫn không hoa nở
Vui nhạt trầu già cau ít vui
Ta đã quen nhau từ từ dạo ấy
Lẽ nào em đã lại quên tôi

Chuyển Thể Hát Nói :

Mưỡu:

Em đi đã mấy mùa sen
Sen tàn lại nở sao em vô tình
Em đi sao rụng sân đình
Tôi gom hoa sứ một mình xót xa

Nói :

Cũng là duyên phận
Yêu nhau rồi những giận chẳng bên nhau
Em lại đi hoa nở vườn sau
Gom hoa sứ để vì nhau tưởng nhớ

Hoa sứ tưởng là hoa “cắc cớ”
Cải không hoa xin chớ tưởng lầm nhau

Trầu già, già cả buồng cau
Ít vui để nhạt cả màu điểm trang
Quên nhau sao đã vội vàng

Huệ Thu

Chuyển qua thể Song Thất Lục Bát :

Đã lâu lắm sen tàn lại nở
Đã yêu nhau sao nỡ vô tình !
Em đi hoa rụng sân đình
Tôi gom hoa lại một mình xót xa
Ai hát đó lời ca nức nở
Mà đứng đây cứ ngỡ trời mưa
Vườn sau con bướm sang chưa ?
Trầu già cau héo lại vừa nhạt vôi !
Người xa hỡi còn tôi còn bạn
Có lẽ nào ngàn vạn quên nhau
Nhìn ra non nước một màu .

Chuyển qua Ngũ Ngôn

Đi đã mấy mùa sen
Sen tàn rồi lại nở
Em đi hay em ở
Sao lại nỡ vô tình
Hoa cứ rụng sân đình
Tôi gom hoa một mình
Để giữ làm kỷ niệm
Bông hoa càng them xinh
Vườn sau cải không hoa
Nhìn buồng cau lại già
Trầu bây giờ đang héo
Vôi nhạt tình đôi ta .

Đường Thi

Em đi chốc đã mấy mùa sen
Sen nở rồi tàn cảnh đã quen
Gom lá sân đình vun kỷ niệm
Đứng bên cành trúc nhớ liên miên
Sân sau cải cọc thôi đành chịu
Vườn trước cau khô chịu cảm phiền
Gặp lại nhau đây buồn chẳng nói
Lẽ nào em đã vội vàng quên !

Huệ Thu
Thung Lũng Hồng Đà Lạt, 05 07 2007


*****

Chú thích:

(*) Ý nghĩa của chữ Nối Điêu
(theo Thành ngữ Diển Tích Danh Nhân Tự Điển của Trịnh Văn Thanh):


Trong Hán Thư có câu: Điêu bất túc, cẫu vĩ tục , nghĩa là duôi chim điêu không đủ lấy đuôi chó nối vào, Điêu là chim diều hâu rất tô lớn dị thường(Có sách cho rằng con điêu là một loại chồn). Ngày xưa các quan ngự sử thường dùng lông đuôi con chim điêu làm chố mữ. Đến đời nhà Tấn việc phong quan chức quá bừa bãi, nhiều người không xứng đáng vẫn được phong chức Ngự Sữ, cho nên đuôi chim điêu không đủ để làm chóp mũ nữa. Cho nên, người bấy giờ mỉa mai và nói: nếu lông chim điêu không đủ để làm chóp mũ thì hãy lấy đuôi chó mà thế vào cho đủ! nghĩa bóng, những người bắt chước theo người khác một cách mù quáng vụng về buồn cười.
Về sau người ta dùng chữ "Nối Điêu" để nói một người làm thơ, người khác hoạ lại và có ý nhún nhường cho rằng mình bắt chước làm thơ một cách vụng về .

Trong Kiều có câu:

Hay hèn lẽ cũng nối điêu
Nỗi quê nghĩ một hai điều ngang ngang

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.