Jan 15, 2025

Viết về tác giả & tác phẩm

Đọc tập thơ “Giấc Thụy Du”
Châu Thạch * đăng lúc 08:30:25 AM, Oct 03, 2017 * Số lần xem: 1235
Hình ảnh
#1

 

Đọc tập thơ “Giấc Thụy Du” của Trần Mai Ngân

 

                      Châu Thạch

 

Trông chờ vửa nóng ruột thì quà đến: Tập thơ “Giấc Thụy Du” của Trần Mai Ngân. Phải nói đây là món quà tôi mong đợi vì không dấu diếm gì khi nói, tôi là người mến mộ thơ Trần Mai Ngân. Tác giả cũng là người bạn thơ mà tôi có dịp gặp được một lần tại Vĩnh Long,  để lại cho tôi và các bạn tôi nhiều dấu ấn thân thương của một cô em gái tuyệt vời. Săm se tập thơ trên tay, nửa muốn đọc hết một lần, nửa muốn ngâm lại để đọc từ từ. Lý do vì hình thức tập thơ quá đẹp, còn nội dung thì biết chắc là hay vì Trần Mai Ngân, một nhà thơ mà tôi và hầu hết các bạn thơ của tôi đều từng khen ngợi.

 

Tôi nhớ có ai đó nói tập thơ nầy là thi ảnh. Quả đúng vậy. Tập thơ cầm vừa tay với 54 bài thơ in trên giấy tốt, chữ đẹp. Đặc biệt kèm theo mỗi bài thơ là hình ảnh của tác giả. Tác giả đã là một người đẹp, ảnh chụp lại nghệ thuật, từ đó cái đẹp của thơ và đẹp của người hòa quyện với nhau thật thú vị. 

Chỉ cần mở trang đầu tiên của sách, ta gặp ngay lời đề bạt, thì ta có cảm tưởng mình bước vào trong giấc thụy du rồi. Người viết xin trích lượt một vài câu thôi:

“Trong đêm tỉnh mịch, trong đêm u hoài tôi luôn thầm gọi yêu dấu” “Trong đêm như thế tôi làm thơ” “Mai nầy một sớm Thu hay Đông tôi sẽ thành tro bụi” “hãy nhớ đến cuộc tình của tôi nó là GIẤC THỤY DU có thật”.

 

Mở tiếp trang thứ hai, ta đọc ngay một bài thơ hay “Có những điều đốt mãi chẳng thành tro…” kèm theo hai tấm ảnh tác giả mặc váy đen hoa, quàng khăn đỏ vừa đoan trang lại vừa quý phái. Bài thơ có 12 câu, vui lòng cho tôi cắt bớt còn lại 6 câu, 6 câu nầy nói lên cái ý chính của thơ:

 

“Có những điều đốt mãi chẳng thành tro

Như vậy đó – bởi tình em bất tử”

“Một đóm lửa trên môi dù rạng ngời

Làm ấm áp và soi vào Đông tối”

“Vắn hay dài – Hoang vu hay đông đảo

…Có những điều đốt mãi chẳng thành tro!”

 

Chỉ cần đọc hai trang đầu ta có thể khái niệm hồn thơ trong “Giấc Thụy Du”, một hồn thơ chất chứa nhiều suy nghiệm với những băn khoăn của một giấc mơ dài trong cuộc đời hiện thực. Có người nói rằng chưa bình thơ mà khen là đi trước bạn đọc, áp đặt sự suy luận của bạn đọc. Nói như thế không đúng chút nào, vì người bình thơ cũng là bạn đọc, được quyền trằm trồ, khen ngợi, hoan hô trước khi kêu gọi mọi người đến xem cái đẹp với mình. Bởi thế, người viết không ngại chút nào khi nói “Giấc Thụy Du” có 54 bài thơ thật hoàn hảo.

 

Trần Mai Ngân viết về tình yêu, thì tình yêu như cơn mơ nhưng không huyễn hoặc, thắm thiết trong từng sát na và đẹp như trăng huyền ảo.

Bài thơ có 19 câu, người viết xin rút ngắn lại:

 

“Em biết

Trăng thu huyền ảo lắm”

“Em biết

Trong khúc quanh đồng vọng

Dư âm của dấu yêu”

“Em biết và em sống

Trong từng sát na yêu

Nghe hương đời tan biến

Rót trong nhau đủ điều!

Em biết và em sống! Em biết và em sống!”

             (Khúc Thụy Du)

 

Đọc bài thơ nầy tôi gần như bật lên tiếng khóc khi nhớ lại “những khúc quanh” của đời tôi “đồng vọng” tiếng yêu. Chỉ một tứ thơ trên cũng đủ làm cho bài thơ bay lên trời cao, huống chi còn “trong từng sát na yêu/ Nghe hương tan biến/ rót trong nhau đủ diều” và nhiều tứ thơ không thể nói hết trong bài bình thơ ngắn gọn nầy.

Trần Mai Ngân tương tư ư? Nỗi niềm chỉ bằng “hạt bụi” mà làm vàng cả thế gian: ( Bài thơ cũng được cắt gọn)

 

“Tương tư em hạt bụi

Tàn phai đóa hoa môi”

“Vàng cả thu không ngủ

Ngoài phố xe chạy vòng

Đường nhuộm vàng thinh không!”

  (Tương Tư Đêm Mầu vàng)

 

Với tôi cái tứ thơ “ngoài phố xe chạy vòng” đã lột tả hết tâm trạng của người tương tư. Những hình ảnh khác còn lại trong thơ chỉ là gam màu để hình ảnh chính nổi lên trong bức tranh màu vàng tuyệt  vời

Trần Mai Ngân Uống rượu ư? Tôi nhớ mình đọc thơ uống rượu đã nhiều, thơ hay thì có nhưng làm cho tôi xúc động thì không. Một lần nhờ đọc bài thơ uống rượu của Trần Mai Ngân, tôi xúc động cảm tác được một bài uống rượu, nhận được nhiều lời khen nức nở.  Hãy nghe cái say của Trần Mai Ngân trong chiều ba mươi tết. Bài thơ tuy dài cũng được cắt gọn lại còn mấy câu nhưng nỗi niềm của thơ chắc chắn kéo dài trong lòng ta khó mà quên được:

 

“Tiễn năm cũ

Tớ một ly, cậu một ly”

“Tà huy trên tóc cậu

Vàng cả lòng, Tớ nao nao”

“Tiễn năm cũ

Tớ, cậu không ai bịn rịn

Tớ một ly, Cậu một ly

Không nói nhau câu phân kỳ”

“Sao cậu lại lệ tràn mi

Nào

Tớ một ly, Cậu một ly!”

 

Chỉ mấy ý thơ thôi nhưng làm ta cảm thấy ly rượu tràn tình bạn thắm thiết, tràn nỗi buồn diệu vợi của thời gian trên mái tóc, tràn màu sắc của buổi chiều ba mươi tết trong tâm trạng của hai người và của cả trong ta một chiều ba mươi nào đó trong đời.

Trần Mai Ngân nói về mẹ ư? Tôi đọc xong bài thơ “Nói Với Mẹ Mùa Xuân” liền đến đứng trước di ảnh mẹ tôi  rất lâu vì cảm nhận được đôi mắt Trần Mai Ngân trong đôi mắt mẹ cô đã tỏa đầy hương trong thơ, nhờ đó tôi cũng thấy đôi mắt tôi trong đôi mắt mẹ tôi trên di ảnh đang thờ. Bài thơ cũng xin cắt bớt mổ số câu:

 

“Chiều nay về con cùng ngồi với Mẹ

Con nói nhiều và Mẹ chỉ lặng im”

“Chiều nắng tắt chẳng muốn rời xa mẹ

Đôi mắt con, đôi mắt mẹ vẫn nhìn”

“Năm sắp hết nhà mình sẽ đón Tết

Hoa đầy nhà hương tỏa mãi ngày xưa...”

 

Cái hay của bài thơ ở đâu? Ở chổ mắt Trần Mai Ngân và mắt mẹ trong nhau, ở chổ hoa ngày tết vẫn còn tỏa mãi hương ngày xưa dẫu rằng không còn mẹ nữa. Hai tứ thơ khác với mọi tứ thơ thường tình đã làm cho mắt kia âu yêm, mùi kia nồng nàn của Mẹ còn quyện mãi bên ta.

 

Trn Mai Ngân viết về đời ư? Có nhiều! Người viết không thể đem hết vào đây những bài thơ hay câu thơ mình tâm đắc. Chỉ nói rằng trong “Giấc Thụy Du” những bài thơ viết về đời không đem cái suy tư do học, do đọc mà có. Đó là những suy tư bởi một tâm hồn thơ trãi nghiệm trong đời sống của chính mình, nhờ đó ta đọc thơ như thấy những bức tranh “treo lên” đẹp và lạ trước mắt ta:

 

Treo trái tim với vạn lần thành ý

Cứ đong đưa một cõi đi về

Cơn mai dài ngộp thở bến mê

Và tỉnh giấc…Tôi ơi! độ lượng!

               (Treo…)

Ta như hoa – mai rồi cũng xa

Người như sương – mai rồi cũng tan

VẾT DẤU CŨ IN TRONG NẮNG MỚI

VƯƠNG ĐỌNG DƯ HƯƠNG VẪN NGỠ NGÀNG!

                     (Sương Và Hoa)

“Tôi khắc bức Phù Điêu

Lên Tâm tường vách em”

“Ai đọa đày bổn tôi

Tấm tường vách bạc tôi

Yết Đế ! Yết Đê!...Tôi

Ba La Tăng Yết Đê!!!

 

Bài thơ “Yết Đế! Yết Đê! Yết Đê!” có 20 câu, người viết xin cắt gọn lại còn sáu câu để chấm dứt phần trưng dẫn thơ trong “Giấc Thụy Du”. Đọc bài thơ ta thấy cái triết lý “qua bờ bên kía cùng reo vui” của Phật giáo khao khát biết bao trong lòng tác giả khi cuộc đời đã khắc bức phù điều đọa đày lên tâm hồn tác giả như “tấm tường vách bạc”. Đọc bài thơ ta cũng thấy Trần Mai Ngân viết về đời trong sự suy nghiệm bởi chính mình, mượn triết lý sống của đời làm bối cảnh để gởi cái ý tứ của mình vào đó, không nói lại cái của người.

Có người cho rằng bình thơ là thầy thơ, dạy cho người viết, dạy cho người đọc. Tôi không nghĩ thế, tôi nghĩ rằng bình thơ là ăn theo thơ, là đầy tớ thân tín của thơ, là người công kênh thơ lên để thiên hạ thấy và chiêm ngưỡng dung nhan của thơ. Vậy nên tôi bình thơ thì tôi là nô lệ của những nàng Ly Tao. Đừng bắt tôi chê, vì tôi không thể chê những nàng Ly Tao tôi yêu quý, tôi tôn sùng và tôi thấy cái đẹp trong cả  cái mà người đời cho là khiếm khuyết. Tất nhiên, khi tôi công kênh thơ lên, thì thơ ấy phải là nàng Ly Tao tuyệt sắc trong mắt tôi, và khi tôi chịu đặt nàng trên vai tức là tôi tự nguyện làm một giám khảo trung thực để chấm điểm nàng rồi.  

 

Với thơ Trần Mai Ngân trong “Giấc Thụy Du” tôi tiếc rằng không thể nói nhiều, nói nữa, nói cho hết cái mà tôi yêu mến trong thơ. Bài nầy tôi viết mau như bốc nóng mà ăn,  để thổ lộ cái háo hức của mình nên tất nhiên nó chỉ là những gì chỉ mới lướt qua trong mắt.

Ước mong còn nhiều cây viết kỳ cựu, tài hoa và bạn đọc thẩm mỹ yêu mến “Giấc Thụy Du” đi sâu vào bình luận thêm để cái hay được trưng bày, niềm vui thanh tao dạo chơi trong miền “trong trẻo vô biên”  được tăng lên. Cảm ơn ./.

                                                       Châu Thạch     

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.