Dec 21, 2024

Tiểu luận - Tạp bút

Lão tử.( Tạp luận)
Võ Doãn Nhẫn * đăng lúc 05:04:56 AM, Mar 31, 2009 * Số lần xem: 1616
Hình ảnh
Lão Tử
#1



Vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thụ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử.
Ðó là( thập nhị nhân duyên(, mười hai nhân duyên trong Phật học, nhân duyên tiên khởi là vô minh , nhân duyên thứ mười hai tức nhân duyên cuối cùng là lão và tử, già và chết, không liên hệ gì với Lão Tử, tức Lý Nhĩ, tác phẩm của Ðạo Ðức Kinh(1).
Người gọi điện thoại cho tôi là Tùng, cháu gọi tôi bằng chú ruột, cho tôi biết đã từ Việt Nam trở về Mỹ; Tùng cũng cho tôi biết đã gởi điện thư một số hình ảnh theo thứ tự: Ngọc Bích, Võ Doãn Trung còn gọi Cả, Tùng, Ðài và Dũng.
Bích là con gái áp út của cậu mợ tôi. Nhìn chung, Bích là cô con gái có nhan sắc mặn mà duyên dáng nhất trong gia đình cậu mợ: nước da trắng hồng, đôi môi mọng đỏ, mái tóc đen huyền, giọng nói thanh tao nhỏ nhẹ, ngôn từ mềm mỏng rặt giọng Huế. Bích lại học khá, hơn cả trình độ học lực của người chị là Tường. Trước năm 1975, mỗi lần ra cố đô Huế làm giám khảo thí vụ, tôi được tá túc tạm trú ăn ở tại nhà cậu mợ tôi ở đường Mai Thúc Loan sát cửa Ðông Ba. Ngày ấy cậu làm trưởng ty Bưu Ðiện tại địa phương. Mỗi khi thong thả, cậu có bổn phận trau dồi thêm hai cô ái nữ bộ môn Pháp văn, môn sinh ngữ chính. Nhìn khuôn mặt người đà bà giờ đây đã quá tuổi xuân, tôi không tránh khỏi ngậm ngùi, Ngọc Bích bây giờ không còn trẻ nữa., dáng dấp dung nhan của tuổi quá xuân của người phụ nữ bắt đầu thấp thoáng. Tuổi xuân của Ngọc Bích dường như không được hạnh phúc cuộc sống lứa đôi. Mái ấm gia đình tan vỡ, anh đi đường anh, tôi đường tôi, Bích đành phải quay về thành phố Qui Nhơn là nơi thường trú của Tường người chị nương tựa. Cho đến ngày nay, Bích vẫn tự lập một cuộc sống riêng, không lứa đôi, không duyên nợ, nói cho đúng Bích đã có quá nhiều duyên nợ.
Tôi tiếp tục mở internet sang hình ảnh người chị của Bích: Tường. Thú thật, tôi quên mất chữ lót của Tường, nhưng rõ ràng tôi nhớ chữ Tường, phải được tiếp nối một chữ nào đó. Mộng Tường? Tôi nghĩ không phải, Mộng Tường là tên của một nữ giáo viên trường Nữ Trung Học NhaTrang. Phải chăng Tường chính là Bích Tường? tôi nghĩ có lẽ đúng, vì (bích(cũng là bức tường mỗi khi nhà trường lo tổ chức ban Báo chí viết ( bích báo (cuối năm và dán hay niêm yết trên bức tường, tương tự trong Tam Quốc chí nói lại trận Xích Bích vô tiền khoáng hậu khi Tào Tháo bị đại bại lúc các quân sĩ buộc các xích sắt vào những chiến thuyền mục đích để tránh sức gió. Xích Bích là bức tường lửa trong lúc chiến thuyền của quân Ngụy phát hỏa.
Nhìn ảnh Tường, gương mặt tròn đầy sáng láng hài hòa, tôi nghĩ cuộc sống của Tường mặc dù tuổi đã trưởng thành có thể an bình hạnh phúc. Tôi biết đời sống của cô em cô cậu đã trôi chảy một cách êm xuôi tựa dòng nước chảy; có thể một cách nào đó so sánh với cuộc song của hai chị em Thúy Vân và Thúy Kiều: cuộc sống người chị đầy phong ba sóng gió trong lúc cô em sống bình an thanh thản, chồng con vui vầy xum họp. Tôi nghĩ và tôi cho phép tin rằng trong hơn ba mươi năm qua, cuộc sống cơm áo vật chất của gia đình Tường đến giờ đã được ổn định: hai chị em Tường- Bích đã lái xe hơi từ Qui Nhơn vô Nha Trang chơi, người chị đã hài lòng số phận bởi đã yên bề gia thất.
Tám hoặc chín năm đằng đẵng trôi nhanh tựa nước chảy gầm cầu, mẹ tôi ra đi tôi phải bất hiếu vắng mặt không thể trở về quê nhà chịu tang, Bích gọi mẹ tôi bằng cô củng cố về từ Qui Nhơn tới NhaTrang chịu tang.( tôi nghĩ Tường không thể về được vì bận lo buôn bán).
Nhìn ảnh Tường và Bích ngồi bên nhau, thật khó phân biệt rõ ràng ai là chị, ai là em, mặc dù phong sương tuổi tác giống nhau trên gương mặt của cả hai người.
Những hình ảnh kế tiếp là hình của Trung, của Ðài, của Dũng, của Tùng, tất cả đều là anh em ruột bốn anh em trai và một em gái út: Ngọc Lan. Trung, họ và tên là Võ Doãn Trung, con đầu lòng, sinh vào năm Kỷ Sửu, vào lúc cha tôi tức ông nội tôi còn sinh tiền, lúc Trung vừa mới lọt lòng mẹ, ông nội tôi được sáu mươi mốt tuổi và cũng chính ngày hôm nay, Võ Doãn Trung được đúng tuổi tròn sáu mươi mốt. Nói cho đúng sách vở của cổ nhân, cha tôi, ông nội tôi đạt được tuổi thọ khi người tới tuổi sáu mươi mốt, Một người đàn ông hay đàn bà mất trước hoặc sau tuổi năm mươi chỉ đăng cáo phó hưởng dương, mặc dù họ đã (ngũ thập, tri thiên mệnh(, tuổi năm mươi, biết rõ mệnh trời.
Từ khi có sự có mặt Trung, từ lúc có một mụn cháu đích tôn, ông nội vui lắm, vui ra mặt, nghĩ rằng rồi ra, dòng dõi họ Võ sẽ được nối dõi tông đường. Tuy không trực tiếp thăm nuôi chăm sóc Cả- Trung còn được một tên móc nôi là Cả= ông nội thường bênh cháu nội ra mặt khiến người mẹ tuy hơi bất bình nhưng sức mấy dám phản đối những khi đứa con nổi cơn ngang bướng:
Hễ đứa nào chửi đánh thằng Cả, coi như đứa đó chửi tao, đánh tao.
Rồi Trung cũng được theo cha cắp sách đến trường, nhưng Trung có lẽ phát sinh từ thọ bẩm di truyền nên Trung học không khá nếu không muốn gọi là kém. Sau bậc tiểu học, sau kỳ thi tuyển vào lớp đệ thất ban trung học trường công lập thành phố dĩ nhiên thi trượt, người cha phải xin Trung vô học tại trường trung học tư thục Bá Ninh. Kết quả, học lực của Trung vẫn không khả quan, cuối năm học Trung phải thi lên lớp. Vào lúc bấy giờ, tôi đã theo học một trường đại học miền cao nguyên, tôi vẫn thường bận tâm khi thấy đứa cháu của mình học lực chậm chạp như vậy nhưng đành chịu.
Học lớp đệ nhị ban trung học nhưng thi tú tài phần một rớt, Trung bị động viên, được chuyển về tiểu khu tỉnh Kiến Phong, ít lâu Trung bị thương trong một cuộc hành quân trực thăng vận, bị thương ở chân được chở vô quân y viện tỉnh điều trị dưỡng thương. Lúc này Trung đã lập gia đình đã có một con. Sau năm 75, Trung bị đi học tập cải tạo hơn hai năm nhưng không đủ thời gian tối thiểu ba năm để được chính phủ Mỹ cho tù nhân chính trị qua Mỹ theo diện H.O., Trung ở nhà làm một anh nông dân chính hiệu tại thị trấn đồng bằng quận Hồng Ngự quanh năm suốt tháng làm bạn với cái cày cái cuốc.Từ lúc cháu ruột tôi tham gia đời sống quân ngũ, tôi ít khi có dịp thân cận gần gũi đứa cháu, ngoại trừ một lần Trung được phép về nhà kết hôn tại nhà hàng Ðồng Khánh ở phố Ðộc Lập, cô dâu là Thặng.
Hòi tưởng lại, tôi thấy thằng cháu nội Trung chỉ giống ông nội một đặc tính: hiền lành, nhút nhát, cầu an, yên phận thủ thường, không ham địa vị danh lợi, chức phận. Con nhà tông, không giống lông, giống cánh. Mỗi khi bà nội cùng con gái sau bữa cơm trưa rủ nhau bắt giắt ở tận Bến Bè xóm Hộ tận Phường Củi, ông nội đã bắt đầu để tâm... lo! Sau năm đình chiến Quốc Cộng 54, toàn bộ gia đình tôi được đoàn tụ xum họp vào dịp tết Nguyên Ðán, từ SàiGòn đến Qui Nhơn tụ về tề tựu đông đủ mừng tuổi cha mẹ ông bà tổ tiên, ông nội vui như mở hội, lòng xuân phơi phới, tự thưởng một ly Mai quế Lộ, ăn một miếng mứt gừng, uống một tách trà Liên Tâm.Ðược cái, ông nội Trung rất thương và... nể vợ, Trung cũng rất thương và rất nể cô dâu, Thặng. Mỗi lần trong gia đình có dịp đôi co chồng vợ lời qua tiếng lại, sự im lặng trước tiên là sự im lặng nhịn nhục của đức lang quân . Dĩ hòa vi quý. Một sự nhịn là chín sự lành. Chính vì thế mà sự gãy đổ trong gia đình không hề xảy ra. Một sự vui vẻ, một hỉ sự thường là hiếm hoi, ít lúc tôi thấy tận mắt Trung một nụ cười, ánh mắt phát hiện một niềm vui. Tôi chỉ chứng kiến tận mắt một nỗi vui mừng hớn hở khi Trung được nhà trường Bá Ninh chính thức thông báo kết quả sau kỳ thi lên lớp vào đầu năm học. Ngoài năm mươi năm từ ngày ông nội qui tiên, tuy tuổi tác của Trung mới từ ngoài nhìn mái tóc không thấy bạc nhưng rối bù xoắn tít như người Chà Và, trông chẳng khác chi một lão nông dân chính hiệu dày dạn nắng mưa, ánh mắt sâu và buồn một nỗi buồn như đà đánh mất quê hương. Hai gò má xương xẩu gầy gò, xin lỗi Trung, chú nhận xét đừng buồn, khiến tôi liên tưởng khuôn mặt Thị Nở của nhà văn Nam Cao: khuôn mặt ngắn đến nỗi bề ngang rộng hơn bề dài khiến hai má hóp lại vì răng không còn, gương mặt của Trung là như thế, như thế, ở đây và bây giờ (tôi đang sáu mốt, hơn sáu mươi năm trước, tôi vừa lọt lòng mẹ đỏ hỏn, khóc oe oe, ông nội tôi cũng vừa lẻ một lục giáp(.
Tóc ngời mai mốt không đen nữa,
Tuổi trẻ khô đi, mặt xấu rồi.
Hai câu thơ trên có lẽ là hai câu thơ của thi sĩ Xuân Diệu?
Có một kỷ niệm không lấy gì làm an ủi: tình thân thiết cật ruột giữa tôi với Trung, tình chú cháu xem ra không ruột thịt máu mủ cho lắm, khoảng cách vẫn còn khá xa ít khi hàn huyên kể lể tâm sự nhỏ to chia vui xẻ buồn. Ngày tôi ở Mỹ về Việt Nam chịu tang mẹ tôi mất bốn mươi chín ngày vì bị đột quỵ, Trung cũng về Nhatrang chịu tang bà nội, Trung chỉ lảng vảng từ xa nhìn người chú ruột không dám lại gần để thăm hỏi bệnh trạng như người xa lạ không quen. Nỗi buồn khi một người không may mắc bệnh hiểm nghèo lúc nào cũng mang tâm trạng cô đơn, có lẽ sợ bị nhiễm lây.
Nhưng người bệnh như tôi cũng có một chút an ủi. Vào bắt đầu đêm sau bữa cơm chiều, tôi một mình ngồi trên chiếc ghế gỗ, đưa mắt nhìn vào bóng tối mông lung, lòng buồn bực chán ngán, bệnh tình kể như nan y bất trị. Chợt có người phụ nữ trung niên thong thả đi vào nhà. Người đàn bà chăm chú nhìn tôi tươi cười, đoạn cất tiếng thưa:
Thưa chú.
Tôi định thần, không trả lời, chăm chú nhìn người đàn bà, ngờ ngợ; một phút sau, tôi cất tiếng, phỏng đoán:
Phải Thặng đó không?
Dạ phải, con Thặng đây. Thặng giải thích:
- Con được ngân hàng nhà nước cho đi chơi tập trung nửa tháng, từ Cao Lãnh ra Hà Nội thăm ( Lăng Bác(, xe Sàigòn chạy đêm ghé lại Nhatrang, con tranh thủ ghé lại thăm chú, sau đó con trở lại khách sạn Trường Sơn ngủ lại đêm nay.
Thặng, cháu dâu tôi, vợ Trung,sau đó xuống nhà dưới thăm họ hàng bà con giây lát rồi trở lại khách sạn Trường Sơn đêm ấy.
Chiều, tôi chống gậy bước xuống sân xi măng nhà tập đi như một thói quen, độ mươi phút, tôi ghé mông lên bục thềm xi măng nghỉ. Ngó mông quang cảnh đất trời, tôi chăm chú theo dõi một cuộn khói trắng: một chiếc máy bay phản lực đang di chuyển về hướng đông nam tuyệt nhiên không nghe một tiếng động. Tôi thẫn thờ nghĩ ngợi, có lẽ giờ này quê nhà đang chìm đắm trong giấc ngủ say mê mệt.
Vẳng vọng chiều hôm tiếng trống buồn,
Cảnh lòng thao thức mộng cô thôn.
Nhìn xem đàn én bay về núi,
Cám cảnh tha hương não mộng hồn.

Lưng trời lơ lửng mấy vừng mây,
Chiều đẹp nhưng lòng chẳng được khuây,
Cám cảnh tha hương đầu tóc bạc,
Nhớ đàn em dại tuổi thơ ngây.

Quê nhà cách biệt, mịt mù trông,
Bát ngát mây che, núi chập chùng.
Ðau đớn tâm hồn, ôi nức nở,
Non xa nước thẳm biệt nghìn trùng.

Tôi đi tìm lại một mùa xuân,
Nắng ấm chim ca ngát ánh hồng,
Ðã chết mùa đông xuân trở lại,
Dù không ngóng đợi khúc tương phùng.

Tôi đi tìm lại một mùa xuân,
Chợt tỉnh chiêm bao đượm giấc nồng,
Nửa giấc Nam Kha tường quét trắng,
Vừng mây ngũ sắc khói bềnh bồng.

Ðứa con trai kế tiếp là Ðài, Võ Doãn Ðài, em ruột của Trung. Nói nào ngay, Ðài là người con thứ ba, thai nhi thứ hai không may bị sẩy bởi người mẹ vô tình ăn phải mực xào. Ðàn bà gặp lúc có bầu mà ăn mực, mực luộc, mực nướng, mực xào, bụng người mẹ dễ bị đi đoong. Chưa được bốn tháng, vong hồn thai nhi được (thờ( trong chiếc trang thờ nhỏ, ngày vọng, ngày sóc, tức ngày mùng một ngày rằm đều được cắm một nén nhang không đèn, không nước, không bánh trái; ấy vậy mà vong linh thai nhi lại rất thiêng, mỗi lần vong linh nhập xác đều về nhập xác bà nội, vong linh cho biết ( ngày mai, sẽ có cô Bảy từ Sàigòn về Nhatrang chơi đó(.Cô Bảy là em ruột anh Ngộ, bố của Trung và của Ðài.Bà nội nói nhưng không biết bà nói, nói như cái máy, thông báo một mộng du, như thể lên đồng, như thể nhập xác. Thông báo xong, bà nội hồi tỉnh cơn mê, sinh hoạt bình thường, sự cố không có gì khác thường xảy ra, nhưng ngày hôm sau có cô em gái ruột anh Ngộ là chị Bảy từ Sàigòn ra Nhatrang nghỉ mát thật.Hiện tượng bí nhiệm? Cho tới ngày nay, vong hồn thai nhi còn ngự trị trong trang thờ ngày trước nữa không, hay là đã hóa kiếp thành một sinh linh khác, một cánh chim trời hay một tiên đồng đi theo phục dịch sai vặt một vị thần một vị thánh và người mẹ năm nay đã ngoài tám mươi còn nhớ gì vong linh thai nhi mệnh yểu?
Trình độ kiến thức của Ðài, xét ra không có gì uyên thâm xuất sắc. Lần thứ ba tôi cố chạy chọt lục lạo sao cho Ðài được vô học trường công lập, nhưng vì bản tính nhút nhát, một phần sợ liên lụy nên mãi đến lần thứ ba Ðài mới được vô học lớp đệ thất. Hình như cái số họ Võ phải chịu hỏng mất một mắt, phải hoặc trái tôi không nhớ. Như người anh thứ ba Võ Doãn Thuyên bị hỏng mất một mắt, phải trái không nhớ, nguyên nhân bị hỏng mắt anh Ba Thuyên, thật tình tôi không biết, mà tôi cũng không dám biết luôn vì sợ... sự thật; hãy để sự thật cho nó qua đi. Về sau, chị Ba tức vợ anh Ba cho biết vì sao anh Ba bị tật ở mắt: một lần anh Ba dùng khăn mặt lau mặt, chiếc kim may đã ghim sẵn ở chiếc khăn ấy rồi, con mắt anh bị đụng phải vật nhọn khiến anh Ba chỉ thấy một nửa ánh sáng.Bên họ mẹ tôi cũng có một người cháu ruột gọi mẹ tôi bằng cô, cũng có một mắt có tật vì có vảy cá, mới nhìn nom rất dữ( nhiều lần bởi lúc còn quá nhỏ nên tôi sợ không dám nhìn thẳng vào mặt anh ấy. Anh tên là Hai Trị, còn một tên nữa là Cường, Phan văn Trị hoặc Phan văn Cường, làm nhân viên sở Hỏa Xa, tiếng Tây gọi là Chemin de Fer, ngày nay gọi là sở Ðường Sắt. Anh Hai làm việc từ ga Nhatrang đến ga Ðại Lãnh, mỗi lần về nhà anh được nghỉ ít nhất ba hôm, hết hạn nghỉ, anh trở lại làm việc. Thỉnh thoảng, anh cũng lấy một món đồ làm quà ( cho Thằng Em( tức cho tôi như một quyển vở dày mấy trăm trang tha hồ học! Tôi còn nhớ một lần anh Hai biếu tôi một hộp tròn, bên trong có bánh xà phòng đánh răng, mở hộp đã thấy đã nghe mùi thơm phức, một bàn chải đánh răng và một mảnh bằng kim khí (nhôm?) sáng trắng dùng để nạo lưỡi cho sạch. Mở hộp nhìn bánh xà phòng dùng để đánh răng, tôi còn trông thấy bên trên có hiệu KOL. Bên trong trang nhật báo Tràng An, tôi thấy bên trong mục quảng cáo, tôi thấy ( Ở đâu không có KOL thì ở đó có răng sâu. Ở đâu không có răng sâu thì ở đó có KOL (
Ðài sinh năm 1952, năm Tân Mão, đến nay được 59. Tôi không nhớ Ðài bị hỏng một mắt phải hay mắt trái. Nhìn vô ảnh, mắt trái sụp xuống tận mí khiến đồng tử bị khép kín không trông thấy được gì; chỉ riêng mắt phải hình như được lắp mắt giả, khiến mắt nhìn không được tự nhiên. Ðài giờ này đã thấp thoáng tuổi già, ngồi trên ghế ở phòng khách thấy rõ dáng dấp trầm tư buồn rầu mệt mỏi, không một nụ cười khi người em Tùng trở lại cố hương, lúc người anh đang trên ghế tại phòng khách cũng trầm ngâm ưu tư những tháng ngày còn lại.
Tôi còn nhớ một hoài niệm về hậu quả việc hỏng mắt bên trái của Ðài.
Một chiều nọ sau khi đi học về, Ðài lầm lũi cuốn tập vở vô nhà, nằm vật ra bộ ván phẳng, lặng yên không nói năng gì.Tôi cũng vừa đi dạy về nên khá mệt, để mặc Ðài muốn làm gì tùy ý. Năm học đã trôi qua, tôi không thể cứu vãn vớt vát Ðài vô học trường công lập nên phải cho Ðài học lớp luyện thi đệ thất ở một lớp luyện thi Tân Văn, nghe đâu ở đường Trần Quý Cáp.Vì chưa quen không biết xông xáo mặt lì mày dạn nên tôi đành phải chào thua đứa cháu, mãi đến năm thứ ba, Ðài mới thi đậu vô lớp đệ thất trường công lập, tính ra những học sinh may mắn chuyên cần trình độ học lực căn bản thì năm ấy chúng nó sang lớp đệ ngũ từ lâu.
Trời đã thật sự ngả về chiều, trong nhà đã bắt đầu chập choạng tối, anh Ngộ về nhà từ lâu mà Ðài vẫn nằm co ro bất động trên bộ ván. Thấy sốt ruột, anh Ngộ kêu lên tiếng nhưng không lay dậy:
Ngủ gì mà ngủ dữ vậy? Bệnh hả?
Ðứa con trai cất tiếng thều thào:
Dạ không.
Không ngủ thì bệnh hả?
Dạ không.
Sau độ một phút, Ðài cất tiếng, loan báo một điềm bất tường cùng người cha:
Con mắt trái của con không thấy đường nữa.
Anh Ngộ đứng lại, tưởng như mình vừa mới nghe lầm:
Sao, mày nói cái gì? Con mắt của mày không thấy đường nữa hả?
Ðài nghẹn ngào, giọng lạc:
Dạ.
Ði ra ngoài này. Ngồi dậy giùm làm ơn tao nhờ. Tao lạy mày.
Ðài lồm cồm ngồi lên, bước xuống giường, riu ríu ra ngoài ánh sáng, mắt giờ đây mở một con, thị lực chỉ còn một nửa bên phải. Người cha Ðài cất tiếng hỏi và giọng nghe cũng lạc:
Ði học rồi mày giỡn nên cớ sự xảy ra như vậy, có phải không?Cái gì, vật nhọn gì đã đâm chọt vào mắt của mày?
Ðài thều thào, kể lể tâm sự khúc nhôi:
Con chỉ cầm một cây quạt máy nhựa, con chỉ quay chơi, rủi cánh quạt nhựa đụng vào mắt của con...
Rồi mắt của mày chảy máu, rồi mắt của mày không trông thấy gì, con ngươi bị hỏng, xong rồi, phải không? Mày muốn làm gì mày muốn cứ làm, tao không biết.
Anh Ngộ quày quả bỏ đi, không nói một tiếng, còn lại người vợ anh Ngộ chị dâu tôi, người đàn bà này cũng chỉ biết dẫn Ðài ra ngoài ánh sáng, giờ này con mắt trái của Ðài hoàn toàn thu lại vào bóng tối,lòng tôi riêng những nghi nghi hoặc hoặc nguyên nhân đơn giản chỉ bởi một cánh quạt nhựa duy nhất chạm phải con ngươi, mặc dầu tôi không dám nói thẳng mối hoài nghi đó. Từ lâu, tôi vốn biết anh Ngộ thường dỗi bỏ mặc những đứa con không may gặp phải một tình huống khó xử mà đứa con trai thứ ba, Tùng là một. Tôi không nhớ ngày mùng một Tết đốt pháo mừng xuân năm nào, tôi chỉ nhớ xuân năm ấy gia đình anh Ngộ chuẩn bị đón xuân khá kỹ, nào mua bánh mua trà mứt mua bông mai bông vạn thọ và nhất là anh mua một bánh pháo dài vừa pháo quân và nhất là pháo tống. Pháo quân to bằng ngón tay út, riêng pháo tống to bằng đầu ngón chân cái, khi pháo nổ to, vang động cả xóm, bởi thế chó nhà rất sợ đều lủi trốn dưới gầm nhà mỗi khi nghe pháo nổ.
Sáng mùng một Tết năm ấy anh Ngộ chuẩn bị đốt pháo đón xuân và mừng tuổi ông bà. Trong lúc đang rước và mừng tuổi ông bà tổ tiên, anh cho hai đứa con Ðài và Tùng ra sân đốt pháo. Xẹt xẹt, pháo quân nổ đì đùng, pháo tống chầm chậm nổ ( ầm( khiến những đứa trẻ ham vui và nhất là ham pháo đều bịt tai lại. Tết năm ấy pháo tốt nổ đều, kể cả pháo tống, trừ một tiếng pháo tống cuối cùng nổ chậm. Trên sân, xác pháo trắng đỏ nổ tan tác, chiếc pháo tống vẫn trơ trơ nằm bất động trông như tịt ngòi. Tùng nhặt lấy cầm lên chiếc pháo trên tay mân mê săm soi ngắm nghía, thình lình một tiếng nổ ( ẩm( vang động cả khu xóm khiến chính tôi cũng phải giật mình. Tôi dán mắt nhìn cánh tay phải, không, bàn tay phải của Tùng đang nắm chặt quả pháo tống, lúc ấy bàn tay như ngây như dại đi lạc trong mê hồn trận thần trí bay bổng một nơi vô định mộng du. Lúc này bàn tay phải của Tùng bị pháo nổ tung, xé toạc một phần gang bàn tay khiến máu đỏ chảy ròng ròng xối xả nom rất ghê sợ khiến tôi làm một khách bàng quan không thể điềm tĩnh đứng yên, trong lúc người cha vẫn bình chân như vại:
Chết cha mày chưa? Cho mày chết luôn.
Rồi ông quày quả lui vào nhà trong, khiến tôi liên tưởng đến đoạn văn ( Một cuộc đê vỡ ( của nhà văn hiện thực xã hội Phạm Duy Tốn khi quan huyện bực bội bốc một con bài tổ tôm xuống chiếu sau khi một hào mục lên tiếng (Bẩm, dễ có đê vỡ ). Quan huyện giật giọng:
Mặc kệ!( Sống chết mặc bây).
Tôi vội vã chạy vô nhà trong lục tìm lọ thuốc rượu cồn tẩy trùng, lấy bông gòn rửa qua vết thương trong lòng bàn tay của Tùng, nghĩ rằng vết thương sẽ làm độc nhiễm trùng bởi có thuốc pháo tống bên trong, ý nghĩ ấy nên tôi phải buộc lòng chở xe gắn máy tới bệnh viện đa khoa Nhatrang nhờ người băng bó cẩn thận vết thương. Khi tới bệnh viện nhiều người đã chen chúc lố nhố rồi, thì ra những trẻ con đã nghịch chơi pháo nên xẩy ra tai nạn, tôi nhờ ông Ðài nhà ở sát bên đường Lý Thánh Tôn nên mau mắn chữa giúp vết thương, chỉ băng bó ở bàn tay phải rồi cho về ngay. Tai nạn ngày Tết thường xuyên là pháo( nhất là hỏa hoạn), tai nạn xe cộ theo thống kê đã tăng khi mấy ngày xuân đã trôi qua.

Vợ anh Ngộ lấy nước muối rửa qua loa đại khái trên con mắt trái của Ðài, tình thế chẳng có gì hi vọng, mặc dù hi vọng cỏn con. Tôi nghĩ, không rõ ngày trước anh ba Thuyên tôi khi anh bị hỏng một mắt, anh có chạy chữa khẩn cấp tức thì hay không, bởi nếu đã bị hỏng một mắt rồi, liệu anh có phải phòng xa để tránh hỏng một mắt tiếp theo. Nếu cứ để bình yên không động chạm đến con mắt còn nguyên vẹn, con mắt ấy chắc chắn sẽ bị hỏng tiếp và như thế nạn nhân sẽ bị khiếm thị hoàn toàn: thần kinh thị giác sẽ bị động chạm kế tiếp. Tôi nói lên điều ấy cho cả nhà nghe, vợ anh Ngộ phải tức tốc thu xếp vô Sài gòn tại bệnh viện Chợ Rẫy giải quyết tình trạng khẩn trương không thể chần chờ, anh Ngộ ở nhà tiếp tục đi làm việc ở tòa án Sơ thẩm Nha Trang, riêng tôi bận việc thí vụ tại Sài Gòn, may có chị Ba từ Diên Khánh về nhà chơi thấy tình cảnh như vậy nên dì cũng sốt sắng giúp đỡ một tay gặp khi tối lửa tắt đèn.Kết quả: bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy đều đồng ý múc con ngươi tức đồng tử bên trái. Tôi thở dài, an bài số phận.
Tói hôm trước, tôi ghé bệnh viện thăm bệnh nhân, cốt để an ủi tinh thần, tự bản thân tôi bó tay không làm gì được. Chỉ một mình tôi và bà mẹ Ðài chờ đợi kết quả việc múc đồng tử. Tại giường nằm bệnh nhân, dì Ba ẵm Ðài vô phòng, kết quả coi như xong: mắt Ðài nhắm nghiền, không khóc lóc, không than thở. Dì Ba đặt bệnh nhân lên giường nằm nghỉ. Ðộng lòng trắc ẩn, tôi khẽ cầm tay bệnh nhân, tỏ lòng thương cảm không may hoàn cảnh bất hạnh không nói một ngôn từ nào. Mất một mắt coi như mất đi một nửa lẽ sống. Nhưng rồi về sau tôi viện một niềm an ủi: một thủ tướng Do Thái Moshé Dayian vốn là một viên tướng độc nhỡn từng gây xôn xao dư luận thế giới về tài điều binh khiển tướng trong quân ngũ. Ở tuổi thanh niên, Ðài được xếp vào loại bất khiển dụng, không còn hi vọng gì được tự hào tòng quân chiến đấu gìn giữ giang sơn tổ quốc nữa.

Sống, già bệnh, chết,đó là qui luật của tự nhiên, của lẽ đất trời không ai thoát. Bệnh rồi sau đó chết, ấy cũng là cái lẽ gần như thường tình của luật tạo hóa. Có những hiện tượng gần như không bình thường đôi khi xẩy đến: cái chết tự nhiên đến mà không bệnh tật chi cả. Trường hợp điển hình là thầy Hà xuân Tế và thầy Cung giũ Nguyên. Thầy Hà xuân Tế sau năm 75 qua Mỹ lúc nào tôi không biết, tôi chỉ nhớ tôi đã gặp lại thầy sau hơn năm mươi năm xa cách, lúc ấy thầy Tế đã từng là giáo sư môn Quốc văn mà tôi là môn đệ tại trường trung học tư thục Kim Yến. Tôi gặp lại thầy Tế tình cờ trong một buổi ra mắt sách của một ông bạn đồng hương. Ngày xưa, thầy vóc dáng chững chạc đường hoàng nói năng nghiêm túc đĩnh đạc, tôi gặp lại thầy trong một vóc sang thu nhỏ lại và thấp bé, khoác trên người một chiếc veston đen tôi nghĩ đã cũ, tôi xót xa khi nghĩ đến thân phận của tuổi xế chiều. Tôi chạy lại chào hỏi thầy, tự giới thiệu:
Thưa thầy, con tên là Nhẫn, Võ Doãn Nhẫn, học trò ngày trước đã từng học với con ở trường Kim Yến.
Thầy Tế nhìn tôi ngờ ngợ, hoài niệm xóa nhòa ngày tháng chất chồng:
Lâu quá! Lâu quá! Không nhớ.
Thầy Trương văn Như làm hiệu trưởng trường Kim Yến đó thầy, tôi cố gắng gợi một hoài niệm, hi vọng thầy nhớ lại, nhưng thật đáng buồn, ký ức đã thật sự chìm sâu trong sương mù lú lẫn:
Lâu quá rồi, không nhớ! Không nhớ.
Trong lúc chờ đợi nhóm phục dịch bày biện thức ăn vật thực, tôi vội vàng ghi số nhà và số điện thoại của tôi, hi vọng lúc rỗi rãi, thầy sẽ gọi nói chuyện nhắc lại những kỷ niệm ngày trước, sự thật đã không đạt được điều tôi hằng mong ước: thầy Tế không còn khả năng nhớ những hoài niệm thầy muốn nhớ, mà ví dầu thầy còn nhớ kỹ nhớ rõ những hoài niệm ấy, xét ra thầy cảm thấy sẽ không còn cần thiết để nhớ nữa.
( Kỷ niệm ích gì thời điểm ấy?
Cao niên ký ức lãng quên dần.(
Tôi hỏi thầy:
Hiện giờ thầy đang ở đâu?
- Tôi hiện đang ở trên Escondido, cùng với con trai tôi.
Tiệc đã dọn xong, thực khách xúm xít cùng ăn, tôi vội vàng trở về chỗ cũ, thầy Tế cũng xúm xít ăn. Lúc tôi đang ăn, tôi hướng mắt kín đáo theo dõi người thầy học cũ, thì ra thầy đã ra về từ lúc nào không từ giã không cáo biệt một ai, kể cả thằng oắt con học trò ngày trước.
Về nhà, tôi có ý chờ thầy Tế gọi điện thoại cho tôi nhưng biệt vô âm tín. Vào khoảng một tháng sau, khi đọc tin cáo phó trên nhật báo Người Việt: ông Hà xuân Tế đã đột ngột từ trần, thọ 94 tuổi. Tôi rất muốn biết thầy ra đi vì bệnh gì, nhưng theo lời thuật lại của người con, thầy không bị bệnh gì hết chỉ vì tuổi già sức yếu, thầy nói sống như thế là đã quá đủ, đã ( tri túc( và thầy không còn thiết sống nữa. Kể từ hôm ấy, thầy bắt đầu nhịn ăn, chỉ uống nước cho tới khi sức tàn lực tận, ngọn đèn cạn dầu tất phải tắt. Tôi nghĩ trong quá trình thập nhị nhân duyên sinh, lão, tử, không nhất thiết phải đi qua giai đoạn bệnh.
Thầy Cung giũ Nguyên cũng gặp tình huống giống nhau. Thầy mất năm ngoái, thọ một trăm tuổi, sau năm bảy lăm, thầy phải giải phẫu nhiếp hộ tuyến phì đại, phải mổ lần thứ hai vì bị nhiễm trùng, sau đó sức khỏe của thầy bình yên cho tới ngày hôm nay, tôi nghĩ thầy mất vì tuổi quá cao, sinh, lão, tử sống, già rồi sau đó chết không do bệnh.Sau ngày vợ thầy qui tiên, trong ngôi biệt thự già nua cũ kỹ chỉ còn mỗi một mình thầy quạnh quẽ, trước sau trong nhà ngoài cổng cũng chỉ một mình; thầy nghĩ gần tới phiên tới lúc thầy nhắm mắt xuôi tay, phòng khách phòng ngủ thư viện đã tới lúc người lữ hành cô độc sắp sửa hành trang khăn gói ra đi hoàn toàn tay trắng, tiền bạc châu báu không thể nào đem theo thì đã hẳn, riêng kiến thức không chắc có thể mang theo sẽ trở thành vô ích vô bổ trừ những tủ sách quý xen kẽ chồng chất. Chỉ mỗi một niềm băn khoăn canh cánh bên lòng, trong tôi: ý nghĩa của truyện dài Thái Huyền, hóa ra lúc chết, thầy Nguyên vẫn mang theo ý nghĩa sâu xa Thái Huyền xuống tuyền đài bởi có lẽ chắc tựa đinh đóng cột không người nào có thể hiểu được. Tôi nhớ cách nay độ vài năm, một nhóm cựu môn sinh sống ở hải ngoại có tổ chức một lễ ra mắt sách, chủ đề là Thái Huyền, nguyên tác là Le Boujoum, cũng xôm tụ đình đám rình rang. Những cựu môn sinh gồm có Trí Xóm Ðường, Sanh Càu Ké, Hoàng Bắc tiên phuông làm MC trong buổi lễ ra mắt Thái Huyền, Trương Hồng Sơn tức chuyên gia NASA, nhà văn Xuân Hoàng và sau rốt có tôi nhưng rốt cuộc rất may không có tôi: bị ngã bệnh gần chục năm bởi chứng đột quỵ, làm sao có tôi hiện diện trong buổi lễ ra mắt? Còn lâu mới tới thủ đô Washington nơi tôi chưa được một lần nào đến ngắm hoa anh đào nở mùa xuân.
Sau buổi lễ ra mắt và giới thiệu tác phẩm Thái Huyền, tôi mỏi cổ ngóng chờ nghe những bạn cựu môn sinh ( giải mã ( tường tận thấu đáo ý nghĩa uyên áo của Thái Huyền, thật sự họ đã lặng câm chìm sâu trong im lặng. Tôi tự an ủi bằng cách tự nhủ: hãy để Thái Huyền yên nghỉ. Nói nào ngay những cựu môn sinh ấy có thái độ ngụy tín,tưởng hiểu, kỳ thực chẳng hiểu gì. Nghĩa tử, nghĩa tận, gởi thầy Nguyên một bài thơ kính tặng thầy yên nghỉ an giấc ngàn thu, bài thơ cổ, Ðường luật luật trắc, vần trắc.
Thầy đã nằm trong miền đất lạnh,
Riêng thầy ngắm cảnh trong hiu quạnh.
Mưa dầm gió bấc rét lê thê,
Suối mát trăng thanh soi long lánh.
Bục cửa bèo trôi bóng ngựa phi,
Bức tranh vân cẩu mưa hư ảnh.
Nhân sinh khác đứng ngắm phù vân?( 1)
Kính chúc thầy về nơi lạc cảnh.
(1) Tác phẩm của chính tác giả, đời người tựa gió thoảng mây trôi.
(Ðồng thị thiên nhai, luân lạc khách(.Tôi mạo muội mượn một câu thơ trong Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị để nhại lại câu thơ(đồng thị cao niên thân trọng bệnh(.Cùng kẻ cao niên thân trọng bệnh. Tôi nhận thấy ở chỗ trung tâm Quantum, phần nhiều người già nào cũng có bệnh tùy nặng hay nhẹ, nhưng hầu hết người Hoa nào cũng có, không biết có phải vì phân biệt quốc tịch.Riêng một số người cao niên đã âm thầm lặng lẽ ra đi, tôi nhớ nhất bà Lâm, vợ chồng ông bà Dominique & Cécile, bà Elvelyn và một bà lão người Lào tôi không biết tên. Riêng bà Lâm cùng trạc tuổi tôi, ngoài bảy mươi, vừa mắc bệnh tiểu đường vừa huyết áp cao; bà vô bệnh viện Sharp giải phẫu tim được hơn tháng thì mất. Vợ chồng ông bà Cécile và Dominique chồng Ấn Ðộ vợ Pakistan, chồng ngoài tám mươi bị bệnh Alzheimer nặng, suốt buổi sinh hoạt không tập vật lý trị liệu chỉ vô phòng riêng để ngủ trừ giờ ăn trưa. Thỉnh thoảng tôi cũng chào hỏi vợ chồng nhà họ, độ vài tuần tôi không thấy họ đi sinh hoạt, hỏi, mới biết Dominique đã ra đi.Riêng bà người Lào gốc Việt ngoài tám mươi, nói chút ít tiếng Việt, mắc bệnh lú lẫn nhớ trước quên sau, nhà ở đường Ulric ( không nhớ số apartment), tính tình hiền lành năng động xuề xòa, thường đi đi lại lại lượm giấy rác dĩa giấy rồi vứt vô thùng rác. Cho đến một ngày kia, bà lão tự nhiên lặng lẽ ra đi không một lời trăn trối dặn dò, kỳ thực bà đã không thể trăn trối dặn dò với một ai thân thích bởi chết là hết. Bà chết ngay trong phòng khách( không có phòng ngủ?). Bà lão Elvelyn vừa già vừa yếu, khó lòng phỏng đoán bà vào trạc tuổi nào, tóc lưa thưa bạc trắng, mang kính lão, ngồi xe lăn một cách khó khăn, thường xuyên khóc giống đứa trẻ con mỗi khi tài xế tới đón xe bà đi, riêng bà không bao giờ tôi thấy ra ngoài phòng tập vật lý trị liệu dù chỉ qua quít chiếu lệ; cho tới một hôm tôi không còn thấy tài xế tới đón bà Elvelyn tới trung tâm Quantum nữa.Anh Hoàng Thuyên ở thị trấn Burbank chết tại phòng khách cách nay đã mấy năm; anh Trần Phước Hải ở gần thị trấn Santa Ana bị tai biến mạch máu não dễ đã nhiều năm, bị lần thứ hai rồi lần thứ ba, lần cuối cùng thì mất; anh Lư Quang Tánh tuổi ngoại thất tuần ở tại Santa Ana mất cũng vì chứng đột quỵ.

Trong thập nhị nhân duyên, ba nhân duyên giáp cuối là sinh,lão tử. Theo phương ngôn truyền thống cổ nhân gọi là sinh,lão, bệnh, tử. Có lẽ trong thập nhị nhân duyên,sinh, lão tử đi theo như bóng với hình, còn trong quá trình sinh, lão, bệnh, tử, phải một thời gian khá lâu trong giai đoạn chuyển tiếp.
Thập nhị nhân duyên sinh lão tử.
Tiền oan nghiệp chướng thời huyền sử.
Tu tiên luyện thuốc đạt trường sinh,
Lục đạo triền miên lão bệnh tử.
Nước Nhược Non Bồng dạo cảnh chơi,
Bồng Lai Lạc Cảnh cây đa ngủ.
Nghìn thu hết kiếp phải luân hồi.
Bồ Tát Quán Âm thành bất tử./.
(1)Cách nay hơn năm trăm năm, một người phát hiện mộ của Lão Tử không phải tác phẩm chính thức là Ðạo Ðức kinh mà chính là Ðức Ðạo kinh của Mã Vương Thôi, bản dịch từ nguyên tác là dịch giả Huỳnh Kim Quang.

Võ Doãn Nhẫn

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.