Jan 14, 2025

Viết về tác giả & tác phẩm

Một Cuốn Sách Đáng Mong Chờ- Bốn Mươi Năm Thơ Việt Hải Ngoại
Trần Trung Thuần * đăng lúc 10:18:20 AM, Aug 21, 2017 * Số lần xem: 994
Hình ảnh
#1

                 
        
BỐN MƯƠI NĂM VĂN HỌC HẢI NGOẠI – MỘT CUỐN SÁCH ĐÁNG MONG CHỜ

 

*

 

Cuốn Bốn Mươi Năm Văn Học Hải Ngoại mà Bác Sĩ Nguyễn Đức Tùng là tác giả vừa phát hành tại Mỹ (có thể cũng trên nhiều nước khác nữa) có đáng là hay đúng là một cuốn sách nói về Thơ Việt Nam ở ngoài nước đáp ứng được niềm mong mỏi của nhiều người?  Cứ cho là “đáng là” để mừng, “đúng là” để vui.  Sự xa vắng hay lìa bỏ Quê Hương năm này là năm thứ 43, là đã quá lâu, đã quá buồn.  Cái buồn này khó vơi, chỉ ngày càng đầy thêm thôi, hy vọng vài ngàn năm nữa nó cũng chưa tràn!

 

Xưa, không xưa lắm, Nguyễn Du với tấm lòng hoài Lê, không theo phe Tây Sơn, đành theo phò triều Nguyễn, phải rời bỏ quê nhà vào Kinh (Huế) làm việc rồi lãnh nhiệm vụ đi sứ sang Tàu (Bắc hành), Nguyễn Du buồn khi mỗi bước chân đi.  Nguyễn Du nhớ nhà, nhớ quê nhà lắm lắm.  Nguyễn Du từng than mỗi lần ông có dịp đi ngang quê nhà Hà Tĩnh trên dặm đường Bắc Hành quá Quỷ Môn Quan (mà giới trí thức và sử gia Việt Nam gọi là ải Nam Quan), Nguyễn Du buồn:  Quê nhà cỏ lợt màu sương, đường xa thêm một tấc đường một đau!  Hễ đi là buồn.  Người mình có cái vốn sẵn là Buồn.  Cái vốn này không sinh lời bao giờ, nếu có lời thì toàn là lời than van, lời than thở…Nguyễn Du ở bên Tàu, có làm thơ (tập Bắc Hành Thi Tập), không ai xếp thơ làm ngoài nước là thơ-hải-ngoại vì chữ Hải Ngoại có ba nghĩa: 1, Ngoài Biển, nhan đề tập ký sự của Phan Bội Châu là Hải Ngoại Huyết Thư – sách viết bằng máu, trên biển, sau khi Phan Bội Châu qua Nhật “xem” tình hình thanh niên Việt học tập như thế nào (đầu Thế Kỷ 20).  Chữ Hải Ngoại, Phan Bội Châu dùng có nghĩa Ngoài Biển / Trong Biển / Trên Biển.  2, Hải Ngoại xưa trong Kinh Thư của Tàu không có chữ này, chỉ có chữ Hải Nội, có nghĩa Trong Biển, Trong Cõi Đời Này, có thành ngữ Hải Nội Chư Quân Tử, không bao giờ viết là Hải Ngoại Chư Quân Tử cả dù rằng Tứ Hải vi Gia, Tứ Hải giai Huynh Đệ.  3, Hải Ngoại, theo từ điển Pháp Việt của Đào Đăng Vỹ, Outre Mer, là Thuộc Địa, là xứ chiếm được, từ đế quốc (như Pháp, Anh, Bồ Đào Nha…)muốn đến đó đặt nền cai trị thì phải đi bằng đường biển, có nghĩa là xa lắm.  Tây nó nói Đông Dương (Indochine) là Outre Mer của nó vì nó làm chủ vùng lãnh thổ này, mình dịch ra thành chữ Hải Ngoại.  Việt Nam Cộng Hòa chưa đời nào xâm chiếm nước Mỹ, Canada, Australia, Pháp, Đức, Anh, Nhật Bản…sao chúng ta lại gọi những nước này Hải Ngoại của chúng ta?  Nước ta có thời tên là Đại Cồ Việt, Đại Việt, Đại Ngu, Đại Nam, tất cả các sử gia nức tiếng đồn đều không ai hiểu chữ Cồ, Đại Cồ Việt, là gì; họ hiểu rất rõ chữ Đại là gì…nhưng cứ vòng tay thưa với thế giới:  nước chúng em là Quốc Gia Nhược Tiểu, nghe mà xón!

 

Trong nước là Quốc Nội.  Ngoài nước là Quốc Ngoại.  Người mình ưa nói tiếng Tàu…bốn mươi ba năm nay, không hiểu sao người mình vẫn cứ hoài là dân nô lệ, vẫn cứ ưa nói tiếng Tàu…lai, tiếng Tào…lao!

 

Nhìn cái bìa sách, tôi thấy xốn mắt.  Bỏ tiền ra mua, chẳng đau lòng đâu bởi buồn trong dạ đã đau nhiều rồi.  Thấy sách mới, bề thế, bắt mắt thì mua.  Hơn nữa, gần trăm năm rồi không thấy có cuốn sách nào nói về thơ đáng đọc hơn cuốn Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh Hoài Chân xuất bản cuối  thập niên 1930 Thế Kỷ 20.  Đáng rồi Đúng, cuốn Bốn Mươi Năm Thơ Việt Hải Ngoại của Bác Sĩ Nguyễn Đức Tùng, đối với tôi là sách-đáng-đọc, là sách đúng-với-lòng-chờ-mong!   Nếu mấy chữ đó đồng nghĩa Sách Hay, là điều tôi rất mừng!

 

*

 

Về hình thức cuốn sách, tôi đã nói rồi:  bề thế.  Dài dòng thêm:  sách đẹp, dày 660 trang, xuất bản bởi Văn Việt ở Sài Gòn – California 2017 và nơi phát hành khắp thế giới là cơ sở kinh doanh Amazon của Mỹ.

 

Tôi có đọc trên website trannhuong trong nước, Thư Mời và Thông Báo của tác giả, Nguyễn Đức Tùng, về cuốn sách đó, như sau:

 

THƯ MỜI VÀ THÔNG BÁO

Nguyễn Đức Tùng

Thứ tư ngày 2 tháng 8 năm 2017 8:33 AM

 


Về Tuyển Tập Bốn Mươi Năm Thơ Việt Hải Ngoại

 

Kính thưa quý độc giả, văn hữu, các nhà thơ có mặt trong tuyển tập:

 

Chúng tôi vui mừng thông báo đến quý bạn, cuốn sách "Bốn Mươi Năm Thơ Việt Hải Ngoại" vừa được Văn Việt và Người Việt Books in xong, chuẩn bị ra mắt tại California. Sách hiện nay đã có mặt trên thị trường.

 

Có 53 nhà thơ có mặt trong tuyển tập:

 

1. Nguyễn Thị Hoàng Bắc, 2. Nguyễn Thị Thanh Bình, 3. Nguyễn Thanh Châu, 4. Nguyễn Hàn Chung, 5. Đinh Cường, 6. Nam Dao, 7. Hà Nguyên Du, 8. Thế Dũng, 9. Trần Nguyên Đán, 10. Trần Trung Đạo, 11. Phan Tấn Hải, 12. Pháp Hoan, 13. Luân Hoán, 14. Phạm Cao Hoàng, 15. Trần Nghi Hoàng, 16. Lê Thị Huệ, 17. Khế Iêm, 18. Đỗ Kh., 19. Lê Đình Nhất Lang, 20. Vi Lãng, 21. Du Tử Lê, 22. Trần Vấn Lệ, 23. Đinh Linh, 24. Trần Đình Lương, 25. Chu Vương Miện, 26. Vương Ngọc Minh, 27. Lâm Quang Mỹ, 28. Đỗ Quang Nghĩa, 29. Bắc Phong, 30. Đức Phổ, 31. Thường Quán, 32. Nguyễn Linh Quang, 33. Đỗ Quyên, 34. Lữ Quỳnh, 35. Như Quỳnh de Prelle, 36. Phan Xuân Sinh, 37. Hoàng Xuân Sơn, 38. Cao Tần, 39. Phan Ni Tấn, 40. Nguyễn Xuân Thiệp, 41. Vũ Hoàng Thư, 42. Trịnh Y Thư, 43. Nguyễn Đăng Thường, 44. Trangđài Glassey - Trầnguyễn, 44. Trần Mộng Tú, 46. Nguyễn Đức Tùng, 47. Cung Trầm Tưởng, 48. Huy Tưởng, 49. Lưu Diệu Vân, 50. Thi Vũ, 51. Nguyễn Lương Vỵ, 52. Ngu Yên, 53. Tô Thùy Yên

 

Một tác phẩm tập hợp tương đối đầy đủ các khuôn mặt thơ Việt hải ngoại trong hơn bốn mươi năm qua. Đây là kết quả của sự hợp tác đẹp đẽ hiếm có giữa những người viết trong nước và những người viết hải ngoại, vượt qua các rào cản về địa lý và lịch sử.

 

Chúng tôi hết sức cảm kích sự ủng hộ của độc giả, các nhà thơ và thân hữu trong thời gian qua.

 

Quý thi sĩ tác giả có mặt trong tuyển tập, xin cho chúng tôi biết địa chỉ để gởi tặng sách. Ngoài ra, quý vị có nhã ý ủng hộ hoặc đặt mua thêm sách tặng bạn bè, cũng xin vui lòng liên lạc bằng một trong hai cách sau:

 

- Nhà xuất bản Người Việt Books: 14771 Moran St, Westminster, CA 92683, USA, Tel: 714-892-9414, Fax:(Tòa Soạn) 714-894-1381, Fax: (Biên Tập) 714-893-7891, email: nguyen.phuong@nguoi-viet.com

 

- Nhóm chủ trương: ynhi1809@gmail.com hoặc bachnguyen@shaw.ca

 

Riêng quý độc giả muốn mua sách, xin vui lòng liên hệ trực tiếp với nhà xuất bản:

https://www.nguoivietshop.com/products/2843-40-năm-thơ-việt-hải-ngoại/

 

Ngày 3 tháng 9 năm 2017, từ 2 PM đến 4 PM, chúng tôi sẽ tổ chức buổi:

Ra Mắt Sách Và Đọc Thơ

tại hội trường báo Người Việt, 14771 Moran St, Westminster, CA 92683, USA, Tel: 714-892-9414, Fax: (Tòa Soạn) 714-894-1381

Đặc biệt với sự tham dự của một số nhà thơ tác giả, có mặt trong tuyển tập, đến từ California và từ nhiều nơi khác.

 

CHÚNG TÔI TRÂN TRỌNG KÍNH MỜI ĐỘC GIẢ VÀ THÂN HỮU

 

Văn Việt và Việt Books

 

*

Nội dung của bản Thông Báo / bức Thư Mời, trên, có mấy dòng, dù chỉ có mấy dòng, nói hết cái nội-dung-của-cuốn-sách:  “Một Tác Phẩm Tập Họp Tương Đối Đầy Đủ các khuôn mặt Thơ Việt Hải Ngoại trong hơn bốn mươi năm qua.  Đây là kết quả của sự hợp tác đẹp đẽ hiếm có giữa những người viết trong nước và những người viết hải ngoại, vượt qua các rào cản về địa lý và lịch sử”.

 

Sự hợp tác đây, theo tác giả, Bác Sĩ Nguyễn Đức Tùng, về trong nước thì tác giả có biết ơn hai thi sĩ Hoàng Hưng và Ý Nhi, về ngoài nước thì có sự đóng góp bài Tựa của Học Giả Bùi Vĩnh Phúc cũng là một thi sĩ đa năng:  có biệt tài dịch thơ chữ Anh ra chữ Việt, làm thơ Lục Bát, thơ Xuôi và thơ Tân Hình Thức. 

 

Nội dung nói rằng có 53 tác giả, tức 53 nhà thơ, đều ở nước ngoài, đa số ở Mỹ, ít ở Canada, Pháp, Úc, Đức, Ba lan, Tiệp Khắc…Con số 53 này bao gồm cả tác giả cuốn sách đồng thời là tác giả một mục thơ dành cho thi sĩ Nguyễn Đức Tùng.  Nếu Bác Sĩ Nguyễn Đức Tùng dám hy sinh mình thì chỉ có 52 tác giả thực thụ và tiêu biểu cho Thơ Việt Ngoài Nước Hơn Bốn Mươi năm nay.  Nhưng…rõ ràng có 53 tác giả thực đó mà vẫn chưa đúng: còn thêm Học Giả Bùi Vĩnh Phúc qua bài Tựa có dẫn chứng ba bài thơ của mình, ba bài đều khá dài, rất xuất sắc, coi như Bùi Vĩnh Phúc cũng là một phần “xương thịt” của cuốn sách Bốn Mươi Năm Thơ Việt Hải Ngoại, thì nên nói cho phải đạo:  Cuốn sách Bốn Mươi Năm Thơ Việt hải Ngoại Có 54 Tác Giả Tất Cả.  Cũng nên để ý:  con số thứ tự tên tác giả ghi trong Thông Báo & Thư Mời kia, không phải là số thứ tự để trong sách.  Chẳng hạn: trên thư mời, Chu Vương Miện được ghi: 25 – Chu Vương Miện, trong sách thì Chu Vương Miện đứng hạng 43.  Các con số này là các con số, không đề cao hay hạ thấp tác giả nào.

 

Cái bề dày của cuốn sách hơn sáu trăm trang, tác giả của nó, Bác Sĩ Nguyễn Đức Tùng dành riêng cho mình hết một phần tư hơn để đăng năm bài Tiểu Luận của mình về Thơ, gọi là Thơ Ca (hai chữ Thơ Ca hay Thi Ca thật tình tôi không hiểu, Thơ là Thơ còn Ca là chuyện khác.  Tác giả mấy bài Ca người ta cũng chưa hề gọi là Ca Sĩ, chắc những tác giả bài Ca cũng chưa định danh được cho mình?  Năm bài Tiểu Luận đó, tác giả, Bác Sĩ Nguyễn Đức Tùng gọi là Chương.  Chữ Chương có vẻ quan trọng lắm đây và mang tính hàn lâm rõ ràng.  Tôi nhớ Lâm Ngữ Đường có “phán”:  Viết văn là ghép Chữ thành Câu, nối Câu thành Đoạn, kết hợp Đoạn thành Chương và kết hợp các Chương lại thành Sách.  Nhưng đó là viết Văn bình thường, không hay; làm sao mà rút Sách thành Chương, rút Chương thành Đoạn, rút Đoạn thành Câu, rút câu thành Chữ, rút Chữ đến không còn Chữ nào…thì mới đáng là Văn Nhân!  Nguyễn Du, tiên sinh của Lâm Ngữ Đường nói gọn hơn:  Vô Tự Kinh Thị Như Chân Kinh”.  Kinh là Sách.  Điển là Sách.  Sách là xấp giấy được xếp, đóng, làm bìa…bề thế thôi!  Ai cũng biết Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Phật, Kinh Thánh…vì tất cả những cuốn Kinh đó đều là Cuốn Sách.  Còn Điển, bạn nghe hai tiếng Kinh Điển?  Bạn từng xem/tra Từ Điển mà!  Năm Chương Tiểu Luận của Bác Sĩ Nguyễn Đức Tùng, tôi đọc và tôi tự rút cho tôi được cũng kha khá cái hay, nhất là ở Chương Năm “Đi Tìm Tiếng Nói Mới”.  Ở Chương này, Bác Sĩ Nguyễn Đức Tùng dẫn dắt người thưởng thức thơ tới chỗ thưởng thức xác thịt đàn bà…khỏa thân hay ít nhất cũng thấy cái nịt vú.  Thơ Trần Mộng Tú thật hồi hộp, đi từng bước từng bước, sướng rên mé đìu hiu luôn:

 

Tôi bắt đầu tháo bỏ chàng

Như tháo đôi hoa tai ra khỏi tai

Tháo từng chiếc

Từng chiếc một

Hai tai đã khỏa thân.

 

Ố là là!  Thơ Ca Ca ca ha ha…khoái tỉ tê mê!

 

Bác Sĩ Nguyễn Đức Tùng dẫn một đoạn thơ của Đỗ Lê Anhdao, nhìn mà muốn rớt nước…miếng, mới thấy tiếng Việt của mình tiệt…vời:

 

Người tình nhắc tôi thường xuyên

Phụ nữ Việt Nam tứ đức

Công, Dung, Ngôn, Hạnh

Nhưng riêng anh thì vẫn lui tới mấy “quán cà phê bikini” đều đều

Tự do ngâm mộ những cô gái mặc áo dài may bằng loại vải “tơ mỏng”, lặp đi lặp lại khen khoa học hiện đại biết cách mô cấy vú nhân tạo.

“Em cũng nên đi sửa đi”, anh nói

Cuối cùng thì chúng tôi chia tay

Tôi cũng chẳng cần tìm hiểu coi có phải vì ngực tôi lép hay không.

Tôi không bao giờ tự sửa sang mình cho thích hợp với đòi hỏi của đàn ông.

Đôi khi tôi cũng mặc áo lót,  nhưng tôi không có ý định làm vợ.

 

Tôi lần lần / từ từ / chậm chạp hiểu được thơ ca là cái giống gì rồi, nhất là tới chỗ Bác Sĩ Nguyễn Đức Tùng nói về thi sĩ Đinh Linh viết về sự kiện 9-11:

 

Hắn có thân hình vạm vỡ

Với cả ngàn cái nứng lên

Làm rực bầu trời về đêm

Nhưng không gì nứng cao hơn

Đôi cặc sinh đôi.

 

Bác Sĩ Nguyễn Đức Tùng “trích dẫn” xong bèn đệm thêm câu tưng tửng:  “đã gây ra xúc cảm mạnh ở một số người đọc.  Có lẽ đối với họ bài thơ của anh là sự xúc phạm.”.  Tôi nói “tưng tửng” vì tôi không hiểu hai chữ “có lẽ” và hai chữ “xúc phạm”.  Có lẽ…là không hề chi?  Xúc phạm…là va chạm nhẹ nhàng?  Theo tôi, Bác Sĩ Nguyễn Đức Tùng đã giới thiệu với độc giả trong cuốn thơ của mình, có một họa sĩ tài ba, là họa sĩ Đinh Linh,  vẽ hình hài một con người quái…kiệt, có tới hai cái dương vật? 

 

Thế là vui!  Đọc một cuốn sách dày không thấy ngán, nhờ thế đó!

 

Năm mươi hai, năm mươi ba (tính luôn Bác Sĩ Nguyễn Đức Tùng), năm mươi bốn (tính luôn học giả Bùi Vĩnh Phúc) tác giả có tác phẩm in trong cuốn Bốn Mươi Năm Thơ Việt Hải Ngoại cho người đọc Một Sự Sảng Khoái Lạ Lùng.  Thơ của ai cũng thuộc loại tuyệt cú mèo, thí dụ thơ của Nam Dao:

 

TA CHÚC GÌ NHAU TRONG MÙA BẤT AN

 

(gửi đám ăn mày, không chỉ văn chương)

 

Thần linh bỏ cuộc

Đền thờ hoang

Bầy ngôn sứ nay câm

 

Còn đâu con người?

 

Còn đâu? Đám ngư dân nổ máy

Cắm đầu bỏ chạy

Chẳng phải sợ  quá ngày giúm cá đánh lên ươn

Biển nay cũng vạch đầy biên giới

Tàu tuần tra lạ hoắc đón đường

 

Còn đâu?  Cạnh những mỏ kim cương

Đất đá đào lên lổn nhổn

Đám đanh thuê bản xứ súng ngoại gầm gừ

Canh cho những ông chủ

Đang đợi mở xâm-banh

Hân hoan kết thu một năm lợi nhuận

 

Còn đâu?  Bọn như tôi như anh

Hàng hàng lớp lớp

Chen nhau ngày boxing day

Mắt dán vào những mặt hàng

Bán tháo

 

Lời và lẽ, bát nháo

Bầy ngôn sứ nay câm

Thế giới lửng lơ

Hải hạm khoe răng nanh

Pháo phòng không chỉa lên mặt trời

Cánh chim thép sà vào lòng biển

 

Trong khi bán đảo bên này

Đã lắp giàn tên lửa tầm xa

Trong khi bán đảo bên kia

Tiềm thủy đỉnh gắn đạn đầu nguyên tử

 

Trong khi tôi luồn vô em

Nhưng không cương cứng nổi

 

Còn đâu, con người?

 

Thế thì cho tôi hỏi

Ta chúc gì nhau trong mùa bất an?

 

Đó là bài thơ trong 6 bài thơ của Nam Dao được dẫn ra trong mục nói về thi sĩ Nam Dao, giáo sư Kinh Tế Học tại Đại Học Laval, Québec, Canada, đã có 14 tác phẩm in thành sách bán, trong đó có 4 tập thơ.  Nam Dao là sinh viên VNCH đi học nước ngoài trước 1975, với tư cách là du học sinh (là học sinh đi chơi?) ở lại tị nạn Cộng Sản, sau đó về nước phục vụ cho chế độ mới với vai trò cố vấn kinh tế dưới thời Võ Văn Kiệt, rồi hết hạn giao kèo lại trở về Canada…tị nạn tiếp.  Nam Dao được Bác Sĩ Nguyễn Đức Tùng trang trọng mở lời giới thiệu như thế này:  “Nam Dao là một người viết tiểu thuyết nổi tiếng, nhưng ít người biết anh cũng làm thơ và từ lâu.  Những mối quan tâm của anh nặng về lịch sử, xã hội, cộng đồng, điều này thể hiện rõ trong văn xuôi.  Tuy nhiên, trong thơ, chúng ta nhận ra một Nam Dao khác của tình yêu, của khắc khoải siêu hình, những bày tỏ cá nhân, và vì vậy, những ước vọng thầm kín.”  

 

Đọc mấy lời bình đó, tôi chịu thua.  Một là tôi dốt quá, tôi không hiểu sao Bác Sĩ Nguyễn Đức Tùng viết một câu kỳ cục:  Nam Dao là người viết tiểu thuyết nổi tiếng, nhưng ít người biết…”.  Mấy chữ tiếp theo chỉ là gở gạc?  Phần tiểu sử, Nam Dao viết 10 cuốn văn xuôi, có cả tác phẩm viết bằng chữ Pháp…mà chữ champagne ông lại phiên âm xâm banh, chữ xâm này trật lất, phải là sâm mới đúng, trong khi đó ông viết boxing day thì correct!  Có nên mạ kền bằng thơ Hàn Mạc Tử ngay chỗ này không nhỉ?  Vô tình để gió hôn lên má, bẽn lẽn làm sao lúc nửa đêm!  Thưa ông giời!

 

Tôi khoái cảm nhất hai câu :  Trong khi tôi luồn vô em  / nhưng không cương cứng nổi!  Hèn chi chính phủ Canada cho Nam Dao tị nạn “quài”.  Về Việt Nam hay đi đâu nữa thì chỉ còn nói tiếng Tàu thôi:  Ngộ mậu hẩu lớ!  Ngộ hết xí quách lớ!  Luồn vô em mà mềm xèo như cái bánh xèo, tội nghiệp lắm!  Hay cắt ra băm làm nhân bánh xèo? 

 

*

 

Đọc cuốn Bốn Mươi Năm Thơ Việt Hải Ngoại, phải nói là vui kể sao cho xiết!  Nó không là một cuốn sách “khảo luận” hay “biên khảo” mà nó là tác phẩm quần chúng, đọc để giải trí.  Chúng ta hãy đọc phần tiểu sử tác giả của từng nhà thơ, chúng ta sẽ khoái cảm làm sao đâu đó!

 

Đa phần tiểu sử tác giả trình bày gần như một kiểu:  giản dị, đơn sơ mà đầy đủ, có ít tiểu sử tác giả hơi dài và lắm chi tiết nhưng thấy chưa thỏa mãn người đọc tò mò (thí dụ Tiểu Sử của Chu Vương Miện), người đọc, cũng là người dân của một thời binh lửa, thắc mắc tại sao một hạ sĩ quan truyền tin lại phải xuất ngũ.  Binh chủng truyền tin coi có vẻ hiền nhưng nó không chấp nhận sơ xuất.  Ai mà sơ xuất…thì không thể cho xuất ngũ một cách bình thường thế mà Chu Vương Miện ra khỏi đó như ông Thầy Chùa thõng tay vào chợ!  Còn tiểu sử của nhà thơ Ngu Yên thật là độc đáo!  Bạn nghe nè:

 

“Ngu Yên tên Nguyễn Hiền Tiên.  Quê quán Bình Định gốc miền Kim Châu.  Kể rằng thân thế khởi đầu, 20 tháng 11, sinh vào năm 52.

 

Mặt mày trên mức xấu trai, học hành đại khái, ngày ngày rong chơi.  Nuôi hoài bão nhưng biếng lười, nên thường lấp liếm vài lời cuồng ngông.  Sinh ra tâm tính lông bông, lớn khôn chỉ giỏi bềnh bồng nổi trôi.  Giữa cơn binh loạn đổi đời, xuôi dòng tản lạc thành người lưu vong.  Tháng ngày trồi sụt long đong, vui buồn thơ động tiếng lòng nghêu ngao.”

 

Đọc phần tiểu sử trên, chúng ta nghĩ:  nếu nước mình ai làm thơ cũng có phần tiểu sử đẹp đẽ, truyền cảm như thế nhỉ…cần gì phải có thơ trích dẫn làm chi?  Tiểu sử đã là bài thơ.  Tác giả không biết đàn ông hay đàn bà (vì ảnh chân dung đính kèm để nhận diện có hai người đờn ông và hai người đờn bà, chắc tác giả là đờn bà nên mới có chuyện tháng ngày trồi sụt long đong?).  Cái vụ này là bất ổn nha!  Coi chừng huyết âm nó ầm ầm đấy nhé!

 

Cũng cái tiểu sử này, chúng ta nghi ngờ cuộc chiến tranh Việt Nam là “binh loạn” thôi, là nhẹ nhàng lắm, là cuộc cãi cọ giằng giai giữa Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ và Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu?  Hà cớ gì mà tác giả phải long đong?  Hà cớ gì mà thành người lưu vong để rồi cực lòng làm thơ cho mệt?  Vũ Hoàng Chương còn sống nhất định vỗ đùi ngâm:  “Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa, bị Quê Hương ruồng bỏ, giống nòi khinh!”.  May mà Vũ Hoàng Chương đã ra người thiên cổ…

 

*

 

Cuốn Bốn Mươi Năm Thơ Việt Hải Ngoại, tôi phục Bác Sĩ Nguyễn Đức Tùng ở điểm Bác Sĩ Nguyễn Đức Tùng dám minh xác về Thơ Tự Do:

 

Những người mới làm thơ có thể có chung một ý tưởng sai lầm rằng làm thơ tự do nghĩa là tự do.  Tự do có nghĩa là không có thể thơ.  Thật ra tự do là một thề, thể thơ tự do.

 

Vâng, cái gì hiện hữu trên cõi đời này cũng có hình thể cả, chỉ có những cái gì không nói ra, không vẽ ra…thì vô hình trung!  Thơ tự do đã được “sáng tác” bởi Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Phạm Công Thiện…từ cuối thập niên 1950 thế kỷ 20 ở Sài Gòn.  Bài nào cũng có hình thể - báo Văn Nghệ Tiền Phong hồi đó hay vẽ cái hũ nút và chua:  thơ Tự Ro.  Chúng ta có thể “tư duy” một đoạn thơ trong bài Ngày Sanh Của Rắn, tác giả là Phạm Công Thiện, nhé:

 

tôi chấp chới 
đắng giọng 
giữa tháng ngày mơ mộng 
nốt ruồi của hương 
hay nốt ruồi của rigvéda 
tôi mửa máu đen 
trên nửa đêm paris 
tôi giao cấu mặt trời sinh ra mặt trăng 
tôi thủ dâm thượng đế sinh ra loài người 
cho quế hương nằm ở nhà thương điên của trí nhớ 
mặt trời có thai! 
mặt trời có thai! 
sinh cho tôi một đứa con trai mù mắt 

 

Và đây, trọn vẹn một bài thơ danh giá của thi sĩ nổi tiếng Nguyên Sa:

 

Nhìn Em, Nhìn Thành Phố, Nhìn Quê Hương

 

Buổi sáng thức dậy, anh cởi bộ quần áo ban đêm

và cơn ác mộng
em còn ngủ
anh bỗng nhìn thấy em
như mới nhìn thấy em
như trời đất bỗng nhiên mùa xuân
như cánh tay bỗng nhiên rạo rực.

Em ngủ đi
ngủ cho ngoan
thành phố, dưới kia, đã thức giấc
có quan hệ gì
thành phố trống rỗng
thành phố nào đầy chiến xa đại bác
đầy non sắt đầy dây thép đầy mìn chông
mà không trống vắng
đám đông nào buồn bã
mà không cô đơn.

Mặt trời đã mọc
vẫn ở phía đông
nỗi đau xót và tủi nhục
của quê hương
vẫn ở bốn phía
chút nữa thức giấc
em sẽ thấy
tất cả vẫn còn đó
chiếc hẻm đưa tới đường
con đường đưa tới phố
ở đó
dù nắng
dù mưa
nắng như chưa từng có
mưa như chưa từng có
nhơ nhớp vẫn chạy cùng đường
vẫn tanh tưởi
mùi sắt
mùi lừa đảo
mùi xác chết
ở đó
dưới nắng
dưới mưa
em sẽ thấy
anh vẫn đi
vẫn cất lên những lời thô tục
nguyền rủa

Những lời thô tục và nguyền rủa
đập vào mặt cuộc đời
cuộc đời chó đẻ
thế kỷ chó đẻ
chiến tranh chó đẻ
anh đã nói với cuộc đời
theo em có điều gì để nói
có điều gì khác cần nói
nói với ai
nói ở đâu
nói ở phương đông
với loài rắn
nói ở phương tây
với loài quạ
anh đã lên tận miền băng giá
nói với loài gấu mùa đông
chút nữa em nhìn coi
thân hình anh tiều tụy

Đấy là anh đã làm đúng lời em dặn
mỗi ngày
anh mượn của hiệp sĩ thanh gươm
mượn ân sủng của nhà tu hành
mượn của mẹ lòng nhẫn nại
mỗi ngày anh soi gương
những võ khí em cho anh
trên má
trên môi
những hình tượng lạ kỳ
những hình tượng
mang lại sức khỏe vô biên
như tổ tiên anh
xâm hình thủy quái

Đấy là anh đã làm đúng lời thần linh
mỗi đêm trong chiêm bao
anh trở về đó
ai không muốn trở về đó
anh nghe thấy tiếng em hát
cùng với nỉ non của sóng
anh nghe tiếng em cười
với chân bước xôn xao
anh thấy chiếc thuyền đánh cá
có mùi muối mặn
nằm ngủ trong đêm
em nằm trong tay anh
em thấy không
em nhớ không
tiếng em dặn dò
tiếng gió đêm dặn dò
bao giờ trở về quê hương
anh sẽ mua một chiếc thuyền
chở em ra biển đông
và hôn em
cùng với tia mặt trời thứ nhất

Ôi, trái đất có nơi kỳ diệu đó chăng
cao hơn núi cao
sâu hơn biển sâu
lạnh hơn chốn giá băng
nóng hơn vùng nhiệt đới
nơi, lần đầu, nhìn thấy mắt em
cầm được tay em
thở được hơi em
nơi anh tìm ra loài cây kỳ lạ
vừa chạm tới lá
đã rung động tới cành
vừa trở gót ngó lui
quên nhìn hoa
đã mùa đông rã cánh,

Nơi, ngày anh làm thơ
sáng anh làm thơ
chiều anh làm thơ
ban đêm trong chiêm bao
anh thấy những hành tinh
đứng nhìn mắt em
những thảo mộc thơm ngát
đứng nhìn tóc em
những loài thú
run rẩy
lông mượt và dịu hiền
đứng nhìn thân thể em
rồi cám ơn anh
đã làm vinh quang cho vũ trụ

Ngủ đi em
ngủ cho ngoan
cứ ở nơi đó
chút nữa thức giấc
nếu muốn
em sẽ nhìn xuống phố
nhìn anh
đang đi
với những buồn bã
những thô tục và nguyền rủa
có sự thô tục nào không yếu đuối
có sự nguyền rủa nào không đớn đau

Em nhìn coi
mùa xuân đã trôi qua
mùa hạ đã trôi qua
mùa thu đã trôi qua
bây giờ là mùa đông
mùa đông ở trên vai
mùa đông trên thành phố
lá chết ở trên cành
cành chết ở trên cây
cây chết ở trên đường
thành phố
phải thành phố đó
thành phố chiến xa và đại bác
thành phố trống vắng
quê hương trống vắng
con giun xéo đã quằn
anh đi ở đó
mặt trời vẫn mọc ở phương đông
anh vẫn đi ở đó

mà vẫn còn yêu em.

Nguyên Sa

 

*

 

Bạn “thưởng thức” thơ Phạm Công Thiện rồi, thơ Nguyên Sa rồi, chắc bạn “nhất trí” đó là hai ông Tổ của Thơ Tự Do Việt Nam?  Nếu không là ông Tổ sao hai “quỵ” đó lại được “tấn phong” là Đại Thi Hào?  Hãy tự hào:  đất nước ta, dân tộc ta hơn người ta ở chỗ:  Thơ Tự Do là Thơ Có Hình Thể!

 

Cuốn Bốn Mươi Năm Thơ Việt Hải Ngoại là một cuốn sách bình thơ rất đáng mong đợi, nó đã ra mắt, sau năm năm ấp ủ có sự chỉ đạo từ hai thi sĩ trong nước là Hoàng Hưng và Ý Nhi. 

 

Trước khi khép lại cuốn sách, tôi cầu Trời khẩn Phật thương nhà thơ Du Tử Lê, phù hộ độ trì cho Dử Lê có bệnh hoạn gì cũng qua khỏi, chớ:  Đêm về theo vết xe lăn, tôi trăng viễn xứ hồn thanh niên, vàng thì thương quá! 

 

Thơ Việt Nam phải vạm vỡ, phải uy nghi, phải đi tới…tới chỗ đoạt quyền của đấng Tạo Hóa, cướp lấy Thời Gian, nói rỗn rảng um sùm như thi sĩ Trần Trung Đạo:  Ví mà tôi đổi thời gian được, đổi cả Thiên Thu tiếng Mẹ cười!  Ngon nha!  Tôi xưa nay chỉ nghe nói Đấng Tạo Hóa là người “sáng tạo” ra Vũ Trụ bao gồm Trái Đất, Chúng Sinh Muôn Loài, Không Gian, Thời Gian, nay có thi sĩ Trần Trung Đạo đại gia hơn Tạo Hóa, còn chi mà không mừng?  Ôi Thời Gian và đồng Dollar khi không mà cùng chung lò đúc tiền!

 

Bác Sĩ Nguyễn Đức Tùng, tác giả cuốn Bốn Mươi Năm Thơ Việt Hải Ngoại và tác phẩm đó, xứng đáng với lòng chờ mong của những người yêu Thơ, đón tiếp tác giả và tác phẩm trong ngày ra mắt Thơ long trọng.   Nhưng tôi dám đoan chắc:  Khi nào nước Việt Nam không Có Thơ nữa, khi nào dân tộc Việt Nam không thấy Thơ nữa…thì lúc đó giang sơn mới thật là giang sơn cẩm tú vậy!

 

Mà…bao giờ?  Biết có bao giờ?  Cho nên chúng ta hãy cứ chào đón cuốn Bốn Mươi Năm Thơ Việt Hải Ngoại của Bác Sĩ Nguyễn Đức Tùng với lòng biết ơn…rộng rãi!  Đừng làm như Tố Hữu:  “Tôi giẫm giày đinh trên phố Huế, lòng dửng dưng không chút cảm tình chi!”.

 

Trần Trung Thuần

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.