Người Đi Lên Từ Muôn Vàn Khó Khăn!
Trần Quốc Phiệt
Thế mà chú ấy đã khuất bóng đời non bảy năm rồi, ngồi một mình ngẫm lại như mới ngày hôm qua. Tất nhiên thời gian rồi cái gì cũng sẽ phôi pha nhạt nhòa, nhưng vết bầm này thì hằn sâu quá kỹ.
Thật ra tôi chưa muốn khơi lại cái sự mất mát quá lớn lao đó, vì chẳng biết lấy gì để bù đắp vào được, đành phải cố gắng giữ thái độ bình thản bằng cách im lặng, nhưng dẫu không khơi lại thì chính nó vẫn cháy âm ỉ trong lòng.
Nhiều lần anh em trong gia đình gặp mặt, trước bàn thờ, nhìn vào di ảnh, chúng tôi không giao ước mà vẫn trùng hợp, cùng nhìn nhận một sự việc như nhau và không một ai nói một bất cứ điều gì về chú ấy. Ai cũng giữ kín trong lòng một nỗi xót xa ngậm ngùi, vì chắc chắn lời nói ra sẽ đi kèm theo dòng nước mắt.
Con gái đầu của chú ấy, đã vài lần nói với tôi về Ba cháu trong sự đau buồn thương nhớ, thật thấm thía với nỗi đau của cháu mình, nhưng còn lời nào để chia sẻ và an ủi. Tôi đành lảng tránh bằng câu trả lời “lâu rồi mọi sự sẽ phôi pha”, hãy sống bình thản cho những ngày kế tiếp, hãy mạnh dạn dấn bước tiến lên.
Nhưng hôm nay tôi đang chuẩn bị viết về chú em tôi theo yêu cầu của một đồng môn.
***
Năm 1953, giữa mùa đông rét buốt mưa dầm gió bấc ở cái xứ vốn đã nghèo nàn lại càng tiêu điều thêm bởi chiến tranh dai dẳng. Tại làng An Lưu, Quảng Trị, một chú bé vừa chào đời, hai ngày là phải xa mẹ, năm ngày kế sau, tại bệnh viện Quảng Trị, bà vĩnh viễn lìa trần. Chú bé tội nghiệp ấy được đặt tên là Trần Quốc Triền. Đó là đứa em bất hạnh của người viết bài này.
Vâng, đúng là chú em tôi có một cuộc đời không giống như mọi người, ngay từ tấm bé đã không hề được mẹ bồng bế trong vòng tay. Không hề thấy di ảnh mẹ mình, vì qua chiến tranh nhà tan cửa nát “Lửa bao lần bốc xám mặt quê hương…” Tất cả đã là tro tàn xác vụn tả tơi.
Trong chuỗi ngày tang thương u buồn đó, dưới căn nhà tranh vách đất lè tè, đã ấn sâu trong trí óc tôi, khi vừa lên tám, bao nhiêu điều không bao giờ quên được!
Làm sao tôi có thể quên được tiếng nấc nghẹn ngào của những người trong gia tộc mỗi lần nhắc đến mẹ tôi. Những bữa ăn đạm bạc, bên cạnh ngọn đèn dầu leo lút là một chén cơm và đôi đũa!
Làm sao tôi quên được tiếng khóc của chú em tôi thèm vú mẹ, và tiếng à ơi gà trống nuôi con lắc nôi dỗ dành, hòa trong âm thanh buồn bã của côn trùng réo gọi giữa những đêm dài buốt lạnh quạnh hiu!
Làm sao có thể quên được mỗi buổi chiều chị tôi, cô gái chưa đầy mười hai tuổi, phải bồng chú em đi quanh xóm để xin bú dạo!
Nhưng chưa hết, vài tháng sau, Ba tôi bị Tây bắt nhốt vào nhà lao Quảng Trị. Anh chị em côi cút đùm bọc lấy nhau, cháo rau qua bữa!
Tuổi thơ của chú ấy bắt đầu những ngày như thế đó, trước khi có cuộc sống bình thường để học hành thành đạt. Tất nhiên trong hoàn cảnh như vậy nuôi nấng cũng rất gay go, có điều may mắn là không ốm đau lặt vặt. Và đặc biệt nhờ Bà cô, húy danh là Trần Thị Hốt, chị của Ba tôi tận tình chăm sóc mem búng, đó là công lao trời biển, anh chị em chúng tôi khắc dạ ghi lòng. Hiện bàn thờ Bà cô Trần Thị Hốt được đặt trong nhà chú Trần Quốc Triền.
Trần Quốc Triền ngay từ nhỏ đã biểu hiện nhiều nét thông minh. Gia đình tôi các bà cô đọc thì phải đánh vần nhưng truyện Kiều lại thuộc vanh vách. Ba tôi thì thơ phú đầy mình, nên mọi giao du hằng ngày với bạn hữu, Chú ấy chỉ ngồi lắng nghe mà thuộc cả.
Ở bậc tiểu học là một học sinh xuất sắc trong trường, luôn chiếm vị thứ nhất tất cả các lớp. Năm cuối cùng ở bậc nầy, Thầy Trần Xuân Yên, Hiệu trưởng trường tiểu học ở địa phương, cũng là giáo viên lớp Nhất, rất thương và đặt tin tưởng ở trò Triền. Thầy Yên đã nói với Ba tôi rằng:“Thầy yên chí, kỳ này thi vào đệ thất, em Triền phải có tên thôi…”
Theo dõi việc làm bài thi của em mình, tôi phát hiện điều đặc biệt ở phần nhập đề luận văn để mở đầu cho lời bình giải câu ca dao “……” là có nhận xét sâu sắc, lối mở đề gợi sự tò mò cho người xem…và dự đoán là chú em tôi có khiếu văn chương. Khi đó tôi đang học Đệ Nhị ban văn chương ngôi trường lớn nhất ở tỉnh.
Đúng vậy, sau này Trần Quốc Triền cũng vào ngồi ban C. Học hành ra sao thì tôi không theo dõi nữa. Chỉ biết rằng chú ấy không hề rớt kỳ nào, cho đến khi vào Huế học Đại Học Sư Phạm Đệ Nhị Cấp ban Anh văn. Tốt nghiệp năm 1975.
Tuy sinh viên Trần Quốc Triền là một Phật tử nhưng được chấp nhận nội trú ở Cư Xá Sinh Viên Xavier, do Linh Mục dòng Tên Thiên Chúa Giáo sáng lập và điều hành, tại số 4 bis Lê Thánh Tôn, Huế, bốn năm liền, nhờ thông qua thư giới thiệu của hai vị Linh Mục giáo xứ Thạch Hãn, Long Hưng và thành tích trong học bạ các lớp bậc trung học.
Ngoại lệ đó đã được Cha Giám Đốc người Tây Ban Nha, kế nhiệm Linh Mục Jacques De Leff chấp thuận, khi xem kết quả học tập và lời phê của quý vị giáo sư từng phụ trách. Tại nơi này, chú em tôi đã được quý Cha tận tình động viên và giúp đỡ. Bây giờ những vị này đều đã là người thiên cổ, nhưng gia đình chúng tôi luôn nhớ ơn những ân nhân cao quý ấy. Và xin ghi nhận tình cảm thắm thiết tương thân, đồng môn, đồng hương… những bạn hữu của chú em tôi.Tất cả đều là sức đẩy cho chú ấy từng bước đi lên.
Chú em làm thơ khi còn rất trẻ, Đệ Tam, Đệ Nhị đã có thơ đăng trên Văn, Văn Học, Bách Khoa với bút hiệu Trần Lưu An, có khi là Tâm Tuyển (pháp danh của Chú ấy).
Trong tập Chân Dung và Kỷ Niệm, Cô Tiên người em họ rất thân thiết với Chú ấy khi còn đi học, đã viết bài “Còn Mãi Bên Nhau", tưởng nhớ anh Trần Quốc Triền, rất chí tình, dạt dào thương nhớ.
Cũng qua Chân Dung và Kỷ Niệm, trong một bài khác với nhan đề “Về Một Người Đã Ra Đi…” bạn học của chú Triền là anh Nguyễn Khắc Phước, mà tôi đã tìm lại được những dấu chân của chú em mình. Và như nghe văng vẳng đâu đó giọng ồ ồ của chú ấy đang ngâm bài thơ lục bát “Đỉnh Mù”… để cảm nhận nỗi xót xa trầm ngâm:
“Lên cao mới biết trời gần
Dăm cây trụi lá trơ cành mân mê
Nỗi buồn trắng đục nằm kề
Mờ câm hơi đá lối về còn xa…”
Số bài thơ của Chú ấy hiện tôi có không nhằm nhò gì so với số đã viết ra, bị thất lạc rất nhiều sau cơn binh lửa, trong những lần di tản. Bài tôi ưa ý nhất là Quảng Trị 72.
Xin ghi ra đây để cùng dành một phút lắng sâu với nỗi niềm về quê mẹ.
Quảng Trị 72
Trần Lưu An
Phố xá nớ chừ nghe tiêu điều lắm
Xa quá rồi sao thăm được nữa đây
Trong trí tưởng đàn quạ đen lẳng lặng
Bóng nhập nhòa theo bóng nắng lắt lay.
Cây thôi còn để mùa thu rụng lá
Tổ mất rồi se sẻ cũng bay xa
Nhà tan hoang và người đi chốn lạ
Đêm tiếp ngày thêm những giọt đắng cay.
Lúa thôi vàng trong ruộng cày bằng đạn
Khoai thôi xanh luống đất tưới bằng bom
Dòng Thạch Hãn nghe trăm chiều ly tán
Nhớ nhịp chèo xưa con nước nỉ non.
Người sống đó và người đã chết
Hồn tưởng chừng lạnh buốt heo may
Vẳng ai gọi tiếng sao mà tha thiết
Vẫy nhau hoài chấp chới một bàn tay.
1972
Ai ngờ rằng đằng sau tâm hồn thơ văn lai láng ấy lại là một con người say mê võ thuật: Thái Cực Đạo,và Không Thủ Đạo. Riêng Thái Cực Đạo đã đạt được đai đen thời còn là học sinh trung học,đó là nhà giáo Trần Quốc Triền.
Tuy đã có bằng cấp cử nhân, tốt nghiệp sư phạm đại học đệ nhị cấp khoa Anh ngữ, nhưng những bước đi đầu tiên trên vùng biển xanh trời trong cát trắng Nha Trang cũng lắm gian truân do thế thời!. Rồi ra thì giá trị của trí tuệ cũng còn chỗ đứng, khi đó một khung trời ấm mới mở bừng lên.
Có một thời gian chú Trần Quốc Triền làm cho công ty cà phê. Vì nhu cầu cần một người thông thạo Anh ngữ nên chú ấy được đi khá nhiều Quốc Gia trong khu vực Châu Á cũng như Châu Âu. Đặc biệt năm 1994, Chú ấy đã được đến Hoa Kỳ với vai trò thông và phiên dịch, nhưng tôi đọc trong Business Card thấy ghi bằng Anh ngữ là Phó Giám Đốc Giao Dịch.
Sau này chú trở lại ngành giáo dục, chức vụ sau cùng là trưởng bộ môn tiếng Anh trường chuyên Lê Quý Đôn, Nha Trang
Ngoài ra chú ấy còn điều hành Trung Tâm Ngoại Ngữ Hàn Thuyên ( Han Thuyen foreign Language Centre) cũng tại thành phố Nha Trang.
Là người chịu đọc, chịu học để thăng tiến trí tuệ nâng cao hiểu biết. Cho nên khi đã ổn định vẫn tiếp tục học để lấy MA (Master of Arts). Lớp đầu tiên của chương trình Fullbright. Tôi không rõ ở quê nhà học vị hậu đại học đó được gọi là gì, nên xin ghi lại bằng tiếng Anh.
Cuối mùa hạ năm 2005, chú em Trần Quốc Triền của tôi đã lìa trần, sau sáu tháng nằm bất động vì tai biến mạch máu não. Để lại biết bao thương tiếc cho gia đình, bà con, bạn hữu và đồng nghiệp, bảy năm đã trôi qua, chưa vơi được xót xa ngậm ngùi.
Nhân ghi lại sự kiện đau xót này, xin tỏ bày lòng tri ân đến quý bà con, đồng nghiệp, đồng hương, đồng môn, thân hữu và môn sinh … đã chia sẻ cùng gia đình chúng tôi vào những tháng ngày đen tối ấy.
Trong nỗi xót xa thương tiếc, tôi đã viết bài thơ “Hoài Cảm” như là lời tâm sự với chú em mình, xin ghi lại nguyên văn như sau:
Hoài Cảm
Hạ Thái Trần Quốc Phiệt
Viết để thương tiếc Trần Quốc Triền
(1953 -2005)
Năm ba tuổi (53), chưa có lần thấy mẹ
Em vội về gặp mẹ ở bên kia
Tóc muối tiêu, anh ngỡ em còn bé
Mãi thương em như thuở mẹ lìa đời.
Em bước đi một quảng đời trăn trở
Buổi bú nhờ vú lạ những người quanh
Mẹ đi rồi, tưởng em chết trăm phần
Ơn phước lạ em lớn lên bừng sáng.
Chừ tháng năm đã đi vào dĩ vãng
Mà dễ đâu quên được chuỗi lăn trầm
Đời chông gai em vượt lắm gian truân
Mới thành đạt nên danh, sự nghiệp
Rồi hôm nay nghe em vĩnh biệt
Anh lặng người mắt lệ ướt mi quanh
Mẹ sinh em chưa dỗ ngọt một lần
Thiếu thốn đó, gia đình thương em lắm.
Anh hạ bút dòng thơ, môi đang đắng
Mắt anh quầng vì khóc ngót nửa năm
Nói gì thêm khi đời đã định phần
“Tử vô kỳ, sinh thì hữu hạn”
Nơi xa xôi trời ở đây cũng xám
Mây giăng buồn tím nhạt tận đồi xa
Anh quặn đau lòng trăm nỗi xót xa
Chữ u mê sao trải lòng anh đặng
Mất em rồi, ôi vô vàn cay đắng
Lời khôn cùng, thương nhớ lắm em ơi!
Ngày 05 tháng 9 năm Ất Dậu
07 – 2005
Bài thơ viết rất nhanh và gởi liền bằng email, nhưng đang trong thời kỳ xây lăng, nên non cả tháng sau mới đọc cho người quá vãng trước mộ phần.
Tôi biết rằng Thím Triền và các cháu không thể đọc vì bị xúc động, nên người đọc là một đồng hương, đương nhiệm thư ký của chú ấy trong trung tâm ngoại ngữ Hàn Thuyên.
Người đã tự nhận là:
1 - Lời ngỏ
Nửa đời em chẳng biết làm thơ,
Trần gian ai có học chữ ngờ,
Thầy đi để lại bao thương tiếc,
Khóc thầy nước mắt kết thành thơ.
Người đồng hương thư ký, chỉ ghi tên Thổ, thay lời Giám Đốc Trần Quốc Triền để nhận và hồi đáp thơ gởi từ phương xa. Bài thơ gồm 14 khổ, viết về các tình huống khác nhau của các thành viên trong gia đình, vắn tắt nhưng rất xúc động. Xin trích vào đây ba khổ, và kính gởi lời đa tạ Chị Thổ.
……………………………………
8 - Nghe Đọc Thơ Hai Anh
Nghĩa trang Phước Đồng
chiều Chủ Nhật 30-10-05
Em đọc thầy nghe, hồn đứng lặng,
Hồi lâu, thầy nói: “cám ơn cô”
Cám ơn cô đã đọc thơ,
Nhịp cầu đã nối đôi bờ âm dương,
Lời thơ chan chứa tình thương,
Hồn tôi còn mãi vấn vương cõi trần.
………………………………………
9 - Hồi Âm
Em nhận thư anh một buổi chiều,
Mây trôi ảm đạm gió đìu hiu,
Bên ngôi nhà mới nồng hương khói,
Lời thơ sưởi ấm giấc cô liêu.
…………………………………
Trong nỗi nhói đau khi nhắc lại sự mất mát gần đây và những ngày tháng u ám xa xưa, cũng có một chút an ủi nhẹ nhàng về những bước vươn lên từ vũng bùn đen của em tôi.
Tất cả đã khởi đi từ muôn vàn khó khăn, và cũng đã chấm dứt vào cái ngày oan nghiệt giữa năm 2005. Hoài niệm những bước đi qua từng chặng đời của chú ấy, với biết bao là nhớ thương và tiếc nuối. Tất cả đã vào quá vãng khi ngậm ngùi ngoái lại tháng ngày qua:
Còn ai để giẫm trên bãi biển Nha Trang những buổi chiều vàng phai nắng nhạt.
Còn ai để nghe âm vang sóng dồn, dương reo Cam Ranh, Đại Lãnh…..
Còn ai trở về đứng bên Tịnh Tâm, Trường Tiền, Thương Bạc… nhìn con thuyền lướt ánh trăng, lắng nghe câu hò mái đẩy…
Còn ai dừng chân bên cầu Ba Bến ngắm dòng sông Vĩnh Định mặt nước lững lờ trôi.
Còn ai ghé qua Chợ Hôm, Chợ Cạn để người quen kẻ biết niềm nở chào hỏi thân thương…
Còn ai in bóng trên đường làng, lối xóm, hớn hở tay bắt mặt mừng dưới hàng tre già vang lời chim mừng mùa lúa mới…
Thế là hết, Trần Quốc Triền đã giã từ tất cả.
Xin ghi lại vài hàng chân tình mộc mạc này để chiêu niệm những chặng đời từng có bên nhau. Với lời nguyện cầu cho người khuất bóng sải cánh an bình về phương trời tịnh độ.
Trần Quốc Phiệt
Ca.USA 03-2012