Jan 14, 2025

Truyện ngắn

Bạn Vàng
Hoàng Long Hải (Tuệ Chương) * đăng lúc 08:58:34 AM, Jul 19, 2017 * Số lần xem: 2028
Hình ảnh
#1

  

BẠN VÀNG


             hoanglonghải 

 

     Bạn vàng chơi với bạn vàng

     Không tiền mua thuốc, lượm tàn hút chơi!

                                                                                   Ca dao 

  

            Hiếu lắng nghe tiếng còi tàu từ sân ga vẳng lại, tiếng đứt quãng, không dài như khi tầu sắp rời ga hay sắp qua Cầu Ga. Có lẽ tàu  đang “mơ-nê”, (1) chờ chuyến tàu sáng sớm mai, từ Đông Hà vào, ráp vào đuôi để đi Huế. Cái kinh nghiệm đi chơi lang thang những năm học trung học ở cái thành phố bé nhỏ nầy cho Hiếu biết vậy.

 

            Kim đi giỗ ở nhà bà ngoại, phải tới 10 giờ đêm mới về, khiến Hiếu chờ. Ít ra cũng phải hai giờ đồng hồ nữa. Muốn gặp Kim, hồi chiều, khi xuống sân ga, Hiếu vội vã về nhà Kim, mong gặp cô ta sớm, để còn về Đông Hà thăm mẹ. Hiếu tính toán giờ giấc thật kỹ, thế mà cũng trật. Thăm Kim, kể cho Kim nghe vài chuyện về Đăng, chồng của Kim, trước khi Đăng tử trận, trao lại cho Kim cái đồng hồ Titanum, cái đồng hồ kỷ niệm, Kim mua bằng tháng lương đầu tiên của cô, tặng cho Đăng, trước khi hai người kết hôn, theo lời dặn của Đăng cùng với ước nguyện của Đăng trong việc thủy táng, rồi Hiếu sẽ về Đông Hà thăm mẹ, trở lại Huế cho kịp chuyến tàu suốt Saigon, khởi hành lúc 5 giờ. Tới Huế, Hiếu ra phi trường Phú Bài kịp trở về đơn vị đang hành quân.

 

             Cuộc đời nhà binh, những giờ phép bao giờ cũng ngắn ngủi, eo hẹp, làm người lính phải tất bật.

 

            Việc thăm Kim chắc phải trễ, hơn một tiếng đồng hồ mới xong chuyện trò, Hiếu phải tìm cách làm thế nào để ra Đông Hà, thăm mẹ ít giờ trước khi trời sáng rồi lên ga. Ga cuối cùng của một đường tàu đi xa ngút ngàn về phương nam. Lạ thật, cái ga xe lửa nhỏ bé cuối một đường tầu chẳng có gì đặc biệt, vậy mà bao giờ nó cũng để lại những ấn tượng buồn bã sâu sắc về những ly biệt cho Hiếu và bạn bè.

 

            Vậy là coi như Hiếu sẽ có một đêm không ngủ. Mất ngủ, không cần thiết, Hiếu đã quen với những đêm không ngủ, đêm chờ giặc ngoài chiến trường.

 

             Khi thăm Kim xong, Hiếu sẽ ra Đông Hà bằng cách nào? Ít ra, lúc ấy cũng đã quá nửa đêm. Phải chi còn vài thằng bạn cũ, đánh thức nó dậy, kiếm một chiếc xe gắn máy, cùng “dông” ra Đông Hà. Tình hình bấy giờ an ninh, khi lực lượng quân sự Mỹ còn đóng ở Ái Tử.

 

            Nhưng bạn bè của Hiếu ở thị xã nầy chẳng còn ai. Bọn nó, cũng như chàng và Đăng vậy, nhập ngủ hết rồi. Được chục anh còn đi học, lên đại học, đi xa, chẳng anh nào ở lại đây mà nhờ cậy. Có lẽ gặp Kim xong, Hiếu sẽ lên cầu Ga, đón đường một chiếc xe nhà binh nào đấy, Việt hay Mỹ, quá giang ra Đông Hà. Nếu xe chỉ đi tới Ái Tử, không tới được Đông Hà thì Hiếu cuốc bộ ra Lai Phước, bên kia căn cứ Ái Tử. Hiếu có người cậu đang dạy học ở đó, nhờ cậu lấy xe gắn máy đưa ra Đông Hà, chỉ cách có mấy cây số.

 

            Vậy là Hiếu về nhà sau nửa đêm, đánh thức mẹ dậy để thăm mẹ. Mẹ Hiếu sẽ vui mừng, mắng Hiếu một vài câu vu vơ, kiểu mắng yêu vậy mà. Mẹ sẽ lục đục nấu một nồi xôi, nướng vài khúc lạp xưởng, để Hiếu ăn cho “chắc bụng”, khỏi “bị gió máy”, theo phong tục quê mùa ở quê chàng, như ngày trước, khi Hiếu còn đi học.

 

            Đăng, chồng của Kim, bạn của Hiếu, tử trận cách đây hai tháng, khi Đăng và Hiếu, tham gia một trận đánh khá căng thẳng ở Kontum.  Núi rừng mù mịt, tin tình báo không nắm chắc. Cứ tưởng tiểu đoàn của Đăng và Hiếu sẽ đụng với một trung đoàn Cộng Sản Bắc Việt xâm nhập, ai ngờ lại là một sư đoàn, sư đoàn 10.

 

            Bộ tư lệnh chiến trường tăng cường một tiểu đoàn Biệt Động Quân nữa. Hai bên cầm chân nhau đã hai ngày. Thế rồi hôm ấy địch tăng cường pháo mãnh liệt, nhất là phía đại đội của Đăng, bên kia đồi, cách nhau bằng một cái khe cạn, tre, mây, cây lá rậm rạp.

 

            Trước khi bị địch pháo kích, Đăng gọi cho Hiếu: 

            -“Hiếu giang, Đăng xương gọi.”

Hiếu giang và Đăng xương là danh hiệu truyền tin của hai người. Hiếu sinh trưởng ở Đông Hà, chỗ có sông Đông Hà, tên chữ là Hiếu Giang chảy qua, nên danh hiệu truyền tin là tên con sông ở quê anh. Đăng, sinh trưởng ở thị xã Quảng Trị, xưa, trong lịch sử, thuộc huyện Đăng Xương. Đăng chọn cái danh hiệu ấy.

 

            Đăng nói qua máy truyền tin:

            -“Nhớ mẹ không mày?”

            -“Không nhớ mẹ thì nhớ ai! Còn mẹ để mà nhớ là còn may.”  Nói tới đó, bỗng Hiếu khựng lại. Anh chợt nhớ ra Đăng mồ côi mẹ từ nhỏ. Anh đánh lãng ra chuyện khác: 

            -“Mày có nhận được thư Kim không?”

            -“Nhận đều. Chắc Kim trông “moa” lắm. Kỳ nầy mày về nhớ ghé thăm giùm tao.”

 

            Hiếu thấy có cái gì đó hơi kỳ ở câu nói của Đăng. Tại sao Đăng không nghĩ là anh ta sẽ về mà lại bảo “mày về”. Hiếu nói:

            “Trận này xong, mày xin đại bàng về đi. Về thăm vợ một chuyến.”

 

            Hiếu chỉ nghe tiếng Đăng thở dài ở đầu máy.

            Sau khi Đăng chết rồi, Hiếu nhớ lại câu chuyện hai người nói với nhau hôm ấy. “Điểu chi tương tử, kỳ minh giả ai. Nhân chi tương tử, kỳ ngôn giả thiện.” - Con chim trước khi chết, tiếng kêu bi thương, Con người trước khi chết, nói lời nói thiện - Thật ra, trước khi chết, Đăng không nói một lời nào với Hiếu. Cái không nói, nhiều khi lại là nói rất nhiều, là những tâm sự, là nỗi nhớ nhung, tình nghĩa vợ chồng và quê hương...  Tất cả gom lại trong một tiếng thở dài của Đăng trước khi Đăng “cúp” máy.

 

            Ngay chiều hôm ấy, khi địch đang pháo kích dữ dội bên phía của Đăng, Hiếu nghe tiếng máy gọi: 

            -“Hiếu giang đây Phẩm chất"

 

Hiếu hơi ngạc nhiên và bỗng đâm lo, như có cái gì đó không may. Sao Đăng không gọi cho Hiếu mà lại là ông thượng sĩ thường vụ đại đội, ông Chất.

 

            Thượng sĩ Chất nói ngay, giọng hốt hoảng:

            -“Đích thân của tui bị pháo!"

            -“Nặng không?” Hiếu hỏi.

            -“Nặng lắm”. Thượng sĩ Chất trả lời.

            -“Tui qua ngay”. Hiếu nói.

            -“Khoan, để tui cho mấy đứa xuống đề phòng dưới ghe.  Hôm qua, có mấy “thằng cùi” (2) chém dzè xuống đó. Tui gọi lại Hiếu giang.”

 

            -“Đại đội phó đâu? Hiếu hỏi.

            -“Ông đang phản công phía hông. Tụi nó đang lên”. 

Hiếu nghĩ phải sang với bạn, nhất là khi biết Đăng bị nặng. “Sống chết có nhau” mà, nhất là ở chiến trường.

 

            Hiếu giao đại đội cho đại đội phó rồi cùng “tà-lọt” bươn bả xuống suối. Chẳng có “thằng cùi” nào đón đường Hiếu. Bọn chúng sợ, nằm im hay tối hôm qua đã trốn hết rồi. Khi Hiếu tới chỗ, Đăng đang nằm trên tấm poncho, máu ướt hết vạt áo ngoài, mặc dù y tá đã băng vết thương. Đăng không nói được nhưng còn tỉnh. Có tiếng động cơ trực thăng phành phạch. Hiếu gọi cho Tiểu Đoàn trưởng nói: “Đại bàng, tui muốn đưa Đăng về.” 

            Đại bàng hốt hoảng:

            -“Ở phía đó, không có Đăng thì còn ông. Ông đi luôn, hở sườn, ai đỡ đòn cho tiểu đoàn?”

            -“Nhưng Đăng là bạn…”

 

Tiểu Đoàn trưởng nói ngay:

            -“Tôi biết. Nhưng phía đó không có ông, nguy hiểm cho ba trăm lính của tôi. Tình cảm thì tôi xin ông ở lại, không thì tôi ra lệnh cho ông. Ông phải bảo vệ tiểu đoàn cho tôi”.

 

            Nghĩ tới đơn vị, Hiếu không theo mấy người lính khiêng Đăng ra trực thăng. Đăng chỉ thều thào được một tiếng nhỏ: “Về…”.  Hiếu gật đầu… nghĩ rằng đó là lời trối, dặn Hiếu phải về thăm Kim, kể lại những giây phút cuối cùng của Đăng như hai người đã từng chuyện trò, dặn dò.

 

            Khi trực thăng bốc cao, thấy binh nhì Tất cũng đứng nhìn theo trực thăng như chàng, Hiếu hỏi:

            -“Sao mầy không về với ông thầy?”

            -“Hôm qua, bỗng nhiên ông giận em. Ổng nói em xui xẻo, em tự ái. Trước khi chết, ông đâm ra khó tánh. Ổng linh lắm trung úy à.” 

            Thấy trên tay Tất cầm cái đồng hồ của Đăng, Hiếu hỏi:

            -“Mày lấy đồng hồ của ông thầy?”

            -“Lấy đâu! Ông đưa em giữ, nói đùa “Tao cho mày.”

            -“Sao mày biết nói đùa?” Hiếu hỏi.

            -“Em biết đồng hồ nầy của cô mua biếu ông thầy. Nhưng ông thầy chết rồi, em cũng bán thôi.” Tất nói.

            -“Mày bán để làm gì?” Hiếu hỏi.

            -“Nhậu chơi. Nhậu mà nhớ ông thầy chớ!”

            Hiếu nói: “Mày đưa đây tao. Muốn nhậu, hành quân về, tao cho mày một ngàn đi nhậu”. Hiếu muốn đem cái đồng hồ về trả lại cho Kim.

 

            Đời lính buồn cười thật. Nhậu để nhớ ông thầy. Cũng lắm đứa vừa uống rượu vừa khóc cho bạn đã chết. Rượu làm cho người ta quên được thật sao, hay uống rượu là để khóc cho người mà cũng để khóc trước cho mình? “Ngày mai ra trận ta còn sống, Về ghé sông Mao phá phách chơi.” Phá phách? Có phải phá phách thật? Không! Phá phách chơi thôi, là biểu lộ một sự phẩn nộ trước con đường chông gai, đầy hiểm nguy, không xa cái chết bao nhiêu nhưng chẳng có lối thoát nào.

 

            Trước khi vào “trận”, dù có học như chàng hay Đăng, hoặc học hành ít hơn, người ta nghĩ đến bao nhiêu cái hay, cái đẹp đã thu nhận dưới mái trường. Đã “Thất phu hữu trách” thì người ta không thể hèn nhát. Và còn bao nhiêu cái đẹp khác nữa. Không là “áo chàng đỏ tựa ráng pha” thì cái áo trận ngày nay không làm cho người thanh niên cảm thấy mình hào hùng hơn hay sao? Vậy nhưng khi đối diện với cái chết, người đời nay cũng bi quan như người xưa vậy: “Kỷ kiến hữu nhân hồi.” Người xưa còn say rượu nằm ngoài sa trường “ôm yên gối trống” thì ngày nay “đốt tiền mua vội một ngày vui” với gái điếm, thế vẫn còn hiền lắm.

 

            Hiếu đi dọc theo con đường từ cửa thành cổ ra bờ sông, nơi có một cái bến nước của bọn học trò như Hiếu, khi anh còn học ở đây.  Hiếu ngồi dựa lưng vào một gốc dương liễu già, chờ cơn gió mát từ ngoài sông thổi lại.  Hình như có mấy người, có lẽ là lính, đang tắm ở bến sông. Những cái đầu nhấp nhô và tiếng đập nước của người bơi ra xa rồi lại bơi vào.

 

            Bến sông nầy và con sông nầy, với Hiếu, nó có những sự “quấn quít” kỳ lạ.  Nước nhà độc lập đã mấy chục năm mà người ta không thể dựng lại một cái nhà máy nước như thời còn Tây đô hộ. Có nhà tự đào lấy giếng nước mà dùng. Phần đông thì “gạo chợ nước sông.” Nhà Hiếu trọ không có giếng, cho nên những ngày nắng, cái bến sông nầy là nơi Hiếu “gìn giữ vệ sinh.” Không phải Hiếu chỉ tắm mà đây còn là nơi bơi lội, bơi thi với bạn bè, nơi đùa giỡn với bạn bè. Kỷ niệm ấy nói không hết được. Ngoài những ngày mưa, nhất là những ngày “mưa phùn gió bấc” lạnh như “cắt da cắt thịt”, hễ có nắng nóng là có Hiếu tắm giặt ở bến sông nầy. Ngay cả những ngày nắng đầu hay giữa thu, trời đang nắng mà có nước sỉa (3), Hiếu cũng không sợ nước, vẫn tắm ở đây. Dĩ nhiên, ngày lụt, là khi nước lũ dâng cao, tưởng như nước có thể tràn ra khỏi bờ sông, những đám rều rều, củi, trôi cuồn cuộn giữa dòng thì Hiếu sợ thật, chẳng thể tắm bao giờ.

 

            Thế rồi khi học Việt Văn cuối cấp 2, đầu cấp 3, Hiếu gặp các giáo sư văn chương, tưởng như họ mở ra một chân trời mới văn học cho trí óc Hiếu, với thi văn thời tiền chiến, với bốn bản đàn của cô Kiều, với “hình ảnh kẻ chinh phu, trong lòng người cô phụ”, với Chinh Phụ Ngâm. Nó đưa Hiếu về một thời kỳ xa nữa trong văn học, về một thế giới đầy tiếng lẻng xẻng gươm đao, ở một nơi xa ngút ngàn nào đó tận xứ sở của người Hồi Đột, với Thái Sơn, Tần Lĩnh, với Sơn Hải Quan, với Lũng Tây, với Tương giang mà Hiếu không thể ngờ trong cuộc đời nầy, trong thế giới nầy, lại có những khung cảnh huyền ảo, những hình ảnh trong đời thật mà mơ hồ như tiên cảnh của Hoàng Hạc Lâu, những chiến trận hùng vĩ mà đau xót, dữ dội như Xích Bích, Đương Dương Trường Bản…

 

            Nhiều khi bất chợt, Hiếu tưởng như Tương Giang không xa chừng ấy. Nó ở chính ngay con sông nầy của Hiếu vậy. “Tương giang đầu” ở ngay phía Trường Sơn, là Động Ông Đô, đèo Lao Bảo, sông Dakrong… nơi có những ngọn núi xanh nhấp nhô, “ngọn nọ ngọn kia không dứt” như làng Từ Lâm trong “Người Quay Tơ” của Nhất Linh. “Tương giang vĩ” là ngay chỗ hai con sông Hiếu giang và Thạch Hãn gặp nhau, là ngã ba làng Gia Độ, nơi hai bờ xa nhau đến nỗi tiếng gọi đò không tới. Ai là “Quân” ở “Tương giang đầu”? Ai là “Thiếp” ở “Tương giang vĩ” để ai “đồng ẩm Tương giang thủy”. Thủy ấy là giòng nước đang chảy qua trước mặt chàng.

 

            Hiếu rất ngưỡng mộ cô giáo dạy Việt Văn. Cô là biểu tượng cho “gái Huế lãng mạn”. Dường như cô dành hết trái tim cô cho văn chương, cho những tác phẩm văn chương do cô dạy, mà những câu thơ, bài thơ, những Loan của “Đôi Bạn”, Nhung của “Lạnh Lùng”, Thu của “Bướm Trắng” trong Tự Lực Văn Đoàn chính là tâm hồn của cô vậy.

 

            Mặc dù ngưỡng mộ cô giáo, Hiếu đã có lần đụng độ với cô. Khi cô giảng về bài thơ “Phong kiều dạ bạc” của Trương Kế, đến câu thơ “giang phong ngư hỏa đối sầu miên” thì cô giải thích “giang phong” có nghĩa là hàng cây phong ở bên sông. Hiếu không tin như vậy. Kinh nghiệm từ thời niên thiếu làm Hiếu nhớ những đêm dân chài đốt lửa bên sông.

 

            Mùa hạ, để bảo vệ thuyền, người ta thường kéo thuyền lên bãi, kê chiếc thuyền lên khỏi mặt đất, ngoài việc sửa chữa những chỗ hư hỏng, ngư dân đốt đuốc để đốt những con hà bám phía ngoài mạn thuyền vì hà thường ăn hư gỗ. Việc thắp đuốc đốt hà phải cẩn thận vì hà thường ăn sâu vào gỗ và đốt đi đốt lại nhiều lần. Ngọn lửa bập bùng trong cơn gió ngoài sông thổi vào.

 

            Dù ngọn lửa chập chờn bên kia sông Hiếu giang, - ngang làng Điếu Ngao của Hiếu, - hay bên kia sông Thạch Hãn, ngang thành phố Quảng Trị, - nơi Hiếu học trung học -, trong đêm khuya, như bóng những con “ma đuốc” đuổi bắt nhau trong bóng tối, để lại trong trí Hiếu những ấn tượng sâu sắc, khi Hiếu còn trẻ.

 

            Chính cái ấn tượng ấy, với lòng chân thật và ngay thẳng, Hiếu đã làm mất lòng cô giáo khi phát biểu:

            -“Thưa cô, theo em nghĩ, “giang phong” không có nghĩa là hàng cây phong ở bên sông, mà phong đây nghĩa là gió. Ngọn đuốc “ngư hỏa” của thuyền chài chập chờn là vì gió thổi trên sông… Thạch Hãn.”

            Cả lớp cười ồ vì hai chữ Thạch Hãn của Hiếu.

            Cô giáo nói:

            -“Trong chữ Hán, có bộ kèm theo. Nếu có bộ mộc thì đây là cây phong. Cây phong thuộc bộ mộc.”

           

Hiếu vẫn chưa chịu thua:

            -“Theo em nghĩ, chữ phong nầy thuộc bộ phong.” Hiếu nói liều như thế, chứ thật ra, Hiếu chưa từng học chữ Nho nên Hiếu không biết có bộ phong hay không?

            “Để cô xem lại.”

            Có lẽ cô cũng không rành chữ Nho nên đó là kế hoãn binh.

            Kể từ đó, cô thường để ý đến Hiếu. Có lần gặp cô đi với chồng mới cưới ở rạp Ciné Tân Tân, Huế. Hiếu cũng đi xem ciné, tình nguyện mua giúp vé cho thầy cô. Hiếu mua ba vé liền ghế nhau. Vào rạp, cô gồi giữa, ông chồng cô ngồi bên kia, Hiếu ngồi phía bên nầy. Lợi dụng bóng tối trong rạp, cô giáo nắm tay Hiếu, bóp những mấy lần làm Hiếu bàng hoàng, sững sờ. Hiếu có cái cảm tưởng mơ hồ như đang “trôi” trong cuốn tiểu thuyết “Vòng Tay Học Trò.”

 

            Sau cuộc gặp gỡ kỳ lạ đó, đôi khi Hiếu thấy lòng mình bâng khuâng. Không ít lần, khi trời đã tối hẳn, một mình Hiếu lang thang bên bờ sông Thạch Hãn, con đường đi dạo của đám học trò nam nữ.

 

            Có chiếc thuyền đánh cá bên sông. Sau khi giăng lưới xong, người thuyền chài chèo thuyền chạy vòng quanh, vừa chèo vừa gõ vào mạn thuyền, tạo ra những âm thanh mạnh và đều, để đuổi cá chạy vào lưới. Chiếc thuyền nhỏ có cắm đuốc, ngọn đuốc chập chờn trong gió như muốn tắt.

 

            Hình ảnh đó làm Hiếu nhớ tới câu chuyện Trương Chi mà cô giáo dạy Việt Văn đã kể ở lớp. Có thể nào Hiếu là một Trương Chi. Hiếu đâu có tiếng hát hay hoặc tiếng sáo tuyệt vời của Trương Chi, làm cho Mỵ Nương, con quan Tể Tướng phải yêu mến đến độ mắc bệnh tương tư. Nhưng Hiếu vẫn muốn mình là một Trương Chi của thời đại, một Trương Chi không có Mỵ Nương bởi vì thành phố nầy không có quan Tể Tướng, không có lâu đài nào ở bên sông, cũng không có cửa sổ bán nguyệt, để mỗi chiều Mỵ Nương đứng đó, nhìn xuống dòng sông dài, tìm hình bóng anh thuyền chài đang neo thuyền bên kia sông.

 

            Cuối cùng, Trương Chi chết trong cảnh cô đơn, nghèo khổ. Hiếu tự cho mình có thể là một người hát hay, thổi sáo hay như Trương Chi, nhưng không thể chết như vậy vì Hiếu không bao giờ thất tình, bởi vì Hiếu không tìm thấy Mỵ Nương, và ngay cả cô giáo Việt Văn của Hiếu, dù cô có giảng bài hay như thế nào, dù cô có lãng mạn như thế nào, lãng mạn hơn cả việc Mỵ Nương mê tiếng hát của Trương Chi, trái tim Hiếu không bao giờ biến thành đá, và cũng không thể tan hòa với giọt nước mắt của Mỵ Nương mà biến thành nước.

 

            Trương Chi Mỵ Nương chết rồi, đời chỉ còn lại một câu chuyện tình lãng mạn và chung thủy. Có lẽ câu chuyện Trương Chi Mỵ Nương là câu chuyện tình lãng mạn nhất, chung thủy nhất, và dĩ nhiên cũng là bi thảm nhất, kỳ lạ nhất trong văn học, trong cả văn chương bình dân cũng như văn chương bác học, và cả trong văn học thế giới. Có lẽ thế giới không có câu chuyện tình nào chung tình với người tình bằng trái tim hóa đá của anh thuyền chài, và cũng không có giọt nước mắt chung thủy nào có đủ mãnh lực làm cho đá tan thành nước theo giòng nước mắt của Mỵ Nương.

 

            Hiếu yêu thích văn chương lãng mạn, yêu những mối tình chung thủy. Hiếu cũng biết chắc, văn chương lãng mạn thì nhiều, mà chung thủy thì chỉ là điều trong trí tưởng. Đời làm gì có chung thủy! Đường Minh Hoàng, Dương Quí Phi yêu nhau biết bao nhiêu. Có biết bao nhiêu thơ văn viết về mối tính của hai người, đến nỗi cả ngàn năm sau, người ta vẫn còn mơ ước. “Khi xưa ta là Đường Minh Hoàng, Ta yêu nàng Dương Quí Phi” (4). Có mối tình nào say đắm như Châu U Vương mê nàng Bao Tự. Có mối tình nào như Phạm Lãi với cô gái “Bên cầu dệt lụa”.

            Thế rồi có mối tình nào là chung thủy?

            Nếu Dương Quí Phi chung thủy với Đường Minh Hoàng thì sao có loạn An Lộc Sơn? Nếu Bao Tự chung thủy với Châu U Vương thì làm sao vua lại có thể chết thảm trong đám loạn quân thua trận. Phạm Lãi chỉ có thể sống mãn đời với Tây Thi khi hai người bỏ xứ đi sâu vào Động Đình Hồ mà người đời không biết họ đi đâu!

            Đó là ngày xưa, còn như ngày nay. Nếu có chung thủy thì làm sao có cái nắm tay trong rạp ciné?

            Văn chương là mộng mị.  Hiếu thấy rõ như vậy.

            Vì cuộc sống, người ta phải sống. Cô Kiều phải yêu Từ Hải mà quên Kim Trọng vì cô muốn thoát ra khỏi cảnh thanh lâu, khuyên Từ Hải ra hàng cũng chỉ là để thực hiện “giấc mơ hồi hương”.  Người ta phải quên để mà sống. Ý nghĩa của thời gian là quên. “Cái nghĩa hợp ly là thế đó, Thời gian thường đổi nhớ ra quên.” (5) Đó là lẽ sống ở đời, là lẽ sinh tồn nếu người ta không muốn… tự tử.

 

            Kim, vợ của Đăng, rồi vài ba năm sau, cô ta sẽ lấy chồng khác. Đăng sẽ bị quên lãng. Cả ngày kỵ, ngày giỗ, biết còn ai nhớ để đốt cho Đăng một nén hương. Đó là “định luật” tàn nhẫn của cuộc sống. Cũng may, trước khi nhắm mắt, Đăng đã không nói câu mà những người bạn khi sắp trút hơi thở cuối cùng ở chiến trường thường nói với bạn: “Mày hãy rán chăm sóc cô ấy…” nghĩa là thay mặt người quá cố để chăm sóc cho người vợ trẻ góa bụa. Nghĩ tới đó, Hiếu cảm thấy nhẹ nhõm.

 

            Cuộc chiến nầy kéo dài quá lâu khiến cho mọi người chán nản. Thế hệ cha chú của Hiếu đã vì cuộc chiến nầy mà hy sinh, mà qua đời. Hiếu có cảm tưởng như thanh gươm báu đời cha đã trao lại cho đời con như “Chiếc hùng gươm danh tướng dưới tà huy” mà trong vỡ kịch “Hòn Vọng Phu”, Đăng đã được chọn đóng vai người ra trận.

 

            Hiếu, Đăng và các bạn bè đã lên đường vì thanh gươm báu ấy. Nhưng Đăng có vợ mà chưa có con, còn Hiếu thì không nghĩ đến chuyện lấy vợ, mặc dù mẹ Hiếu nhắc nhở nhiều lần. Thế hệ của Hiếu có nhiều hay ít những “đứa bé đang nhìn cha chờ giặc dưới giao thông hào” như câu hát của Duy Khánh, để tiếp nối cha nó cầm súng chờ giặc?

 

            Hiếu thấy nặng ở ngực, buông tiếng thở dài khi nghĩ đến thế hệ mai sau. Chúng nó sẽ tiếp nối công cuộc của thệ hệ Hiếu hay cam chịu số phận như câu thơ của Đỗ Tấn: “Ta sợ một ngày Cộng Sản, Về đây xé nát tâm tư. Chắn ngăn những giòng lệ nhỏ, Đời như chết tự bao giờ".

 

            Hiếu không muốn sống bằng “xé nát tâm tư”. Hiếu muốn được chết trong chiến trận, trong kiêu hùng, như Đăng vậy. Và Hiếu cũng muốn một việc như Đăng đã trăn trối: “Đốt xác của mình đi, rồi đứng trên Cầu Ga, thả cho tro cốt trôi theo nước sông Thạch Hãn.

            Về với sông, cũng là về với quê hương, cũng là về với mẹ.

 

            Hiếu hiểu rất rõ Đăng. Ba của Đăng là mộng đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng từ khi Pháp còn cai trị. Ông vào đảng để giành lại độc lập cho đất nước.  Góa vợ sớm, ông ở vậy, không tục huyền, chăm sóc nuôi dạy Đăng. Mỗi khi Đăng ham chơi hơn ham học, ông không mắng “Giá áo túi cơm” mà ông gọi là “Sống chi cho chật đất.”

 

            Vậy thì chết, giành một chỗ đất, xây mồ to mả đẹp để làm gì? Có phải đó là nguồn gốc ý nghĩ Đăng muốn thủy táng. Việc ấy, Đăng không muốn cha của anh làm mà giao cho Kim. Ngày sau, khi trở về cố hương, nhìn giòng sông là Kim và Hiếu cũng như bè bạn đều nhớ tới chàng.

 

            Lại có tiếng còi tàu giục giã ở sân Ga vẳng lại. Có lẽ gần tới 10 gờ. Hiếu đứng lên, lững thửng đi về hướng nhà Kim để thực hiện lời trối trăn của bạn. 

 

 

hoànglonghải

 

Mener: dẫn dắt. Tiếng thường dùng trong giới xe lửa ngày trước.

Thằng cùi: Tiếng lóng, trong quân đội, để gọi Dziệt Cộng

Nước sỉa. Tiếng địa phương. Trời nắng mà nước sông vẫn dâng cao vì có mưa lớn ở đầu nguồn.

Thơ Xuân Diệu

Thơ Hà Liên Tử

 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.