Jan 14, 2025

Tiểu luận - Tạp bút

BÌNH KỆ
Hoàng Sang * đăng lúc 08:45:49 PM, Jan 31, 2009 * Số lần xem: 1914

Bình giài một bài thơ,một áng văn của một thi-sĩ, văn-sĩ là một việc làm tương đối dễ,vì trong văn chương thi phú chỉ có hai phạm-trù là “vị nghệ thuật” và “vị nhân sinh”.Ta chỉ cần chú ý hai lỉnh-vực này để khai triển vấn-đề thì sẽ thông cảm được với tác-giả . Đôi lúc ý của người bình đi xa hơn ,cao hơn ý cuả bài thơ hay áng văn mình muốn bình.
Còn đối với Thi Kệ, là những xuất-thần từ Trí-Tuệ của những bậc Giác-Ngộ, đã chứng nhập Chân-Lý,cái thấy biết đã siêu vượt nhị nguyên,ra khỏi không gian và thời gian,thì với việc bình giải cuả kẻ phàm- phu tục-tử chẳng qua chỉ là việc làm như người mù sờ voi hay ví như “lấy ngao lường nước biển đông, đem thức phàm trần đo trí Thánh nhân” vậy.
Nay ta thử làm một anh mù sờ voi để sờ thử bài Thi Kệ của Tuệ-Trung Thượng- Sĩ sau đây:
“Hưu tầm Thiếu-Thất dữ Tào-Khê,
Thể tính minh minh vị hữu mê.
Cổ nguyệt chiếu phi quan viễn cận,
Thiên phong xuy bất giản cao đê.
Thu quang hắc bạch tùy duyên sắc,
Liên nhị hồng hương bất trước nê.
Diệu khúc bản lai tu cử xướng,
Mạc tầm Nam Bắc dữ Đông Tê “
(Tuệ Trung)
Dịch nghĩa :
“Thôi tìm Thiếu-Thất với Tào-Khê,
“Thể tánh chưa hề bị lấp che.
“Gíó lộng nào phân cao với thấp,
“Trăng soi há quản chiếu gần xa.
“Trời thu đen trắng tùy duyên sắc,
“Bùn đục chẳng sao vấy sen hè.
“Diệu khúc xưa nay nên cứ hát
“Đông Tây Nam Bắc chẳng tìm chi.”

Như đã biết,Ngài Tuệ-Trung là một vị Quốc Sư đời vua nhà Trần ,Thế danh là Trần-Tung con của Trần -Liễu,anh ruột của Trần Hưng-Đạo ,sinh năm 1230 và mất năm 1291)Ngài là một Thiền Sư đã liễu-ngộ chân-lý. Qua bài Thi Kệ Ngài truyền lại cho hậu thế như đã trích dẩn ở trên đây.Hãy gạt ra ngòai hình thức về niêm-luật, đối mà đi thẳng vào ý của bài Thi Kệ vì “ý tại ngôn ngọai, văn dĩ tải Đạo”.
Mở đầu với câu :
“Thôi tìm Thiêú -Thất với Tào-Khê
Tại sao lại “thôi tìm”? Thôi tìm,nghiã là ngưng tìm, đừng tìm kiềm nữa.Một người bị mất vật gì đó,nay đã tìm được rồi,thấy nó rồi thì đâu cần tìm kiếm nữa làm chi .
Thiếu-Thất với Tào-Khê là hai địa danh nổi tiếng của dòng Thiền Tổ Sư,khởi từ vị Sơ Tổ là Ngài Bồ-Đề Đạt-Ma từ Thiên-Trúc(Ấn-Độ) đông độ sang Trung-Quốc để tiếp truyền cho năm đời nữa đó là các Ngài Huệ-Khả, Đạo-Tín,Tăng-Xán,Hoằng-Nhẩn và Huệ-Năng.Thiếu-Thất là nơi Bồ-Đề Đạt-Ma đã đến đó sau những tháng ngày ở lại Triều-đình để thuyết giảng cho Lương Vỏ Đế cùng quần thần nghe, nhưng Ngài nhận thấy duyên chưa đến nên đã bỏ tìm vào núi Thiếu-Thất và “quay mật vào vách núi để ngồi Thiền”(bích quán) trong 9 năm ròng rã để độ cho người hữu duyên, đó là Huệ-Khả sau khi đứng trong tuyết phủ lạnh phủ đến ngập gối để cầu Chánh Pháp với quyết tâm chặt đứt cánh tay để nói lên ý định của mình.Tồ nhìn thấy pháp khí cuả vị tăng đến cầu pháp đã lên đến cao độ ,nên hỏi : “Nhà ngươi đến đây cầu việc gi?”vị Tăng liền thưa : “Bạch Ngài ,con đến đây mục đích là cầu TÂM ,xin Ngài chỉ và an cho con !” Tổ nói : “Ngươi hãy đưa Tâm ra đây ta an cho”.Vị tăng tìm mãi chẳng tìm kiếm được Tâm nằm ở đâu,liền thưa : “Bạch Ngài,con tìm mãi mà chẳng thấy Tâm đâu cả”.Sau một lúc Tham Thoại ,Tổ nói : “Ta đã an Tâm cho ngươi rồi đó !” Từ đó,vị tăng được đổi pháp danh là Huệ-Khả,theo hâù Tổ cho đến khi được trao truyền Tâm Ấn ,là vị Tổ thứ hai cuả Thiền Tông Trung-Hoa. Với Tôn chỉ Thiền là “Bất Lập Văn Tự,Giáo Ngoại Biệt Truyền,Trực Chỉ Nhân Tâm, ,Kiến Tánh Thành Phật.”
Tào-Khê là nơi Lục Tổ Huệ-Năng phát triển dòng Thiền Tổ Sư sau khi được Ngũ Tổ Hoằng-Nhẩn trao truyền y bát.Còn gọi là Nam Taò-Khê là lảnh địa Ngài Hụê-Năng hoằng hoá dạy về Thiền Đốn Ngộ để phân biệt với Bắc Thần-Tú là nơi mà vị Giaó Thọ dưới thời Ngài Hoằng-Nhẫn dạy Đạo về phương-pháp Tiệm Tu chỉ chú trọng về hình tướng,nghi lể nên chẳng mấy ai được Kiến Tánh,Ngộ Đạo như bên Tào-Khê của Ngài Huệ-Năng.Với Ngài Lục Tổ thì Tôn chỉ Thiền là “Vô Niệm làm Tông,Vô Tướng làm Thề,Vô Trụ làm Gốc.”
Tại sao Ngài Tuệ-Trung lại thôi tìm Thiếu-Thất với Tào-Khê? Tại vì Ngài đã Ngộ Đạo rồi, đã chứng được Bản Thể Tâm, đã thấy được Phật Tánh rồi.Như vậy còn tìm Thiếu-Thất với Tào-Khê làm gì nữa ! Ai tìm đến đó là quyết tu hành cầu mong để Ngộ Đạo, đằng này đã được rồi thì còn tìm đến làm gì nữa.
Câu tiếp theo : “ Thể tánh chưa hề bị lấp che”
“Thể tánh” hay Chân Tâm,Chân Như,Chân Lý hay Phật Tánh xưa nay vốn như vậy,nó không hề bị ngăn che.Sở dĩ bị bít lối chỉ vì Ngũ Uẫn(Sắc,Thọ,Tưởng,Hành,
Thức) mà ta thường gọi là màn vô-minh do tham-ái và dục-lạc mà kết nên.Cho nên trong Bát-Nhã Tâm Kinh, Đức Phật đã daỵ : “Quán Tự Tại Bồ-Tát hành thâm Bát Nhã Ba-La-Mật-Đa thời chiếu kiến Ngũ Uẫn giai Không độ nhất thiết khổ ách…” Nghiã là Ngài Quán Tự Tại Bồ Tát tiến sâu vaò Trí-Tuệ Bát-Nhã thì soi thấy năm uẫn đều là Không ,vượt qua mọi khổ ách .Chữ KHÔNG ở đây cũng đồng nghiã với Thể Tánh,Chân-Lý,Chân-Như.
Hai câu tiếp : “Gió lộng nào phân cao với thấp,
“Trăng soi há quản chiếu gần xa.
Trí-Tuệ Giải-Thoát hay là Trí Bát-Nhả tức là khi ta đã phá được ngũ-uẫn ,nhập vào Bản Thể Chân-Như thì cái thấy biết đó không phân biệt cao thấp,trái phải ,hơn thua…Cái Thấy Biết đó là cái Chân-Lý Bất-Nhị không còn lệ thuộc vào căn,trần và thức nữa,nó thông-thoáng không bị ngăn che như “ trăng soi”,như “gió lộng”ngòai hư không.
Tiếp theo : “Trời thu đen trắng tuỳ duyên sắc
“Bùn đục chẳng sao vấy sen hè.
Thấy đen thấy trắng, thấy trái thấy phải,thấy cao thấy thấp…,đó là cái thấy đối-đãi,nhị nguyên là do Thức và Duyên diễn biến nương nhau mà sinh khởi,làm cho con người(nói riêng) và chúng-sinh (nói chung) phải trầm luân trong vòng sinh-tử luân-hồi,chỉ vì thấy ngũ uẫn là thực.Ngũ Uẩn gồm Sắc,Thọ,Tưởng,Hành,Thức.Sắc là Thân Xác được 4 yếu-tố đất +nước+gió+lửa kết hợp tạo nên;Thọ,Tưởng,Hành, Thức là Tâm Thức.Nói tóm lại,con người hay vũ-trụ chúng-sinh là một tập hợp Sắc pháp và Tâm pháp hay dễ hiểu hơn là Vật- Chất và Tinh-Thần.
Bùn không thể làm nhơ nhuốc Hơa Sen được,Vì sao? Vì bùn nhơ chỉ ở dưới thấp,dưới đáy ao hồ;trong khi Hoa Sen thì vươn cao ra khỏi mặt nước ,ra ngoài không gian. Bùn tượng trưng cho cảnh giới phàm-phu, Hoa Sen tượng trưng cho giải-thoát,giác-ngộ.
Hai câu kết-luận là :
“Diệu khúc xưa nay nên cứ hát
“Đông Tây ,Nam Bắc chẳng tìm chi “
Chân-Lý hay Bản-Thể-Tâm là Khúc-Ca Huyền-Diệu xưa nay ,nó vẫn thường hằng,bản lai vốn như vậy.Chẳng phải lặn lội tìm kiếm chi cho nhọc sức, đi Nam về Bắc qua Đông sang Tây trong khi nó vẫn hiện tiền ở nơi mỗi một chúng ta.Chỉ cần quán chiếu Ngũ Uẫn đều là KHÔNG thì Diệu-Khúc Xưa Nay(hay là Bản Lai Diện Mục) nó sẽ lồ-lộ ra trong Trí Bát-Nhả của chúng ta,ngay lúc đó thì không còn phân-biệt nhân ngã,thị phi,hơn thua…mọi sự đối-đãi,nhị nguyên đều vắng bặt.

Hoang Sang
San Jose,20-7-2007

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.