Jan 15, 2025

Viết về tác giả & tác phẩm

Tiếng Vỗ Một Bàn Tay
Viên Thức * đăng lúc 04:00:27 PM, Jun 09, 2017 * Số lần xem: 1230
Hình ảnh
#1
#2

 

 

Tiếng Vỗ Một Bàn Tay

                                                       
Bài Viết Thiền Sư Viên Thức


    Tôi quen Thi Sĩ Quách Tấn từ lâu, thư qua thư lại rất nhiều lần. Tôi nhớ rất nhiều giai thoại giữa tôi và thi sĩ gặp nhau. Và lần nào cũng vậy, mỗi khi xuống Nhatrang  thăm cụ và khi về lại Đàlạt mọi người cứ hỏi thăm tôi về nhà thơ Định Phong  tức thi sĩ Quách Tấn. Trong số các bạn thơ Trà Sơn (tên một nhóm thân hữu thơ tại Đà Lạt) có nhà thơ Việt Trang, Lan Hinh, Phong Vũ, Duy Việt, Ngọc Duy, Xuân Đài, Mộng Hoài Nhân …hiện đang còn sống. Nhà sư Viên Ngộ tức giáo sư Lê Trung Trang đã qua đời.
Đó là những vị ở Đà Lạt . Ở Sài Gòn còn nữ sị Mộng Tuyết - Ức Viên tôi thường gọi Hồng Khương… Còn có cụ Đồng Văn Cảnh nhà giáo , Nguyễn Bá Mậu nhiếp ảnh gia và nhất là nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và người  mà thi sĩ Quách Tấn mến mộ vô cùng đó là thi sĩ Bích Khê – Hàn Mặc Tử  đã qua đời từ lâu . Nhưng tôi lại gặp được bà Ngọc Sương chị của thi sĩ Bích Khê tại nhà ở đường Nguyễn Thiện Thuật Sài Gòn, đã cho tôi xem thủ bút của thi sĩ Bích Khê đang để tại nhà và bức chân dung của thi sĩ mà bà đang thờ. Trong nhón Trà Sơn còn có luật sư  Ngô Tằng Giao tức Tâm Minh hiện đang định cư tại Hoa Kỳ.
Tôi Kể những lần nói chuyện thơ cùng với cụ Quách Tấn , cho bạn bè nghe , người nào cũng chăm chú say sưa nghe tôi kể. Có một lần nọ , Phong Vũ họp mặt các bạn thơ để chia tay trước khi đi định cư tại Ca Na Đa.
Cũng như tôi và Trần Vấn Lệ đã nhiều lần gặp nhau tại Đà Lạt , Trần Vấn Lệ với nét bút tài hoa đã chép tay nguyên tập thơ Đọng Bóng Chiều của thi sĩ Quách Tấn tặng tôi. Tôi đa tâp thơ viết tay ấy cho cụ xem và cụ Quách Tấn đã không ngần ngại viết ngoài trang đầu tập thơ ấy : trang tặng thiền sư Viên Thúc- Kỷ niệm những ngày nói chuyện thơ tại Nhatrang - mùa Thu năm Bính Dần - (Ký tên và đóng môc). Tôi thường khoe vớ các thi hữu thư từ sách vở của cụ gửi lên Đà Lạt cho tôi với các thi hữu. Và lần nào cũng vậy các bạn thơ nghe và rất kính phục Cụ.

Tôi thường xuống Nhatrang đến thăm cụ tại nhà, lần nào cũng đem chuyện thơ ra nói, lần nào cũng vui, cả hai cười vang dội cả khu phố... Nghe anh Quách Giao kể lại ở đây nhiều người nghe tiếng cười của Ba và Thầy rất tự nhiên thoải mái vô cùng. Có lẽ cả hai đã cảm thông được những gì thầm kín thâm trầm sâu lắng của thi ca...  
Từ đó thi sĩ Quách Tấn thường hay kể cho tôi rất nhiều chuyện trong lãnh vực văn chương.. Tôi rất vui thích cụ cũng vui thích , cho nên tôi lại nhớ và thuộc rất nhiều thơ của cụ.

Chiều nay 27 tháng 5 năm 2007- Tôi lại đến thăm nhà cụ có cả nữ sĩ Huệ Thu người rất mến mộ thi sĩ Quách Tấn và đã từng họa nhiều thơ của cụ đi cùng.

Mấy lần anh Quách Giao đề nghị tôi viết một bài về cụ, tôi cứ hẹn để từ từ, vì sao?.

Bởi vì tôi quen biết cụ, gặp cụ rất nhiều lần, viết một bài biết viết về phần nào bây giờ?. Anh Quách Giao mong đợi tôi viết đã mấy lần.  Vậy tôi xin kể một giai thoại nhỏ về một bài thơ:

Bài thơ Lần Chuỗi mà cụ thường đọc cho tôi nghe nhiều lần. Tôi thuộc lòng. Bài thơ này được cụ sáng tác trong mùa Phật Đản tại Nha Trang do Hòa Thượng Thích Trí Thủ tổ chức tại lễ đài chính tại chùa Phật Học.

Trong buổi lễ trang nghiêm Hòa Thượng có đeo xâu chuỗi ngọc lấp lánh và sắc phục y vàng rực rỡ. Ánh nắng bình minh chiếu vào xâu chuỗi và cà sa màu vàng của các nhà sư - khung cảnh quá đẹp - nhà thơ cảm xúc làm bài thơ:

Chuông ngân chùa xẫm nắng
Hương quyện áo tràng bay
Trăm tám vì sao mọc
Xoay tròn đôi lóng tay
Mười phương cây lặng gió
Năm sắc hồ trôi mây
Lần bước lên đầu núi
Ánh vàng tràn đó đây
 

Tôi được nghe bài thơ nay nhiều lần, tôi thấy bài thơ quá tuyệt và cụ rất thích bài này. Có lẽ vì tôi là nhà sư đến thăm cụ , cụ đem ra ngâm nga, tôi rất chăm chú để hết tâm trí nghe và thuộc lòng. Và một lần khác cụ đọc lại cho tôi nghe vào buổi sáng rất đẹp trời tại nhà cụ. Tôi nói : này bác , bài thơ này là tuyệt bút không còn chữ nào phải thay thế vì sức trải cảm xúc quá lớn, hình ảnh quá đẹp, thơ hay quá sức nhưng nếu bác không giận thì tôi xin phép đề nghị thay một chữ, Cụ hỏi chữ nào thầy nói tôi nghe thử. Tôi nói: nếu Bác không giận . Cụ bảo: nói đi...

Tôi đề nghị đổi chữ " mọc". Cụ hỏi: bằng chữ gì?

Tôi nhìn cụ một hồi rồi lặng yên(Có lẽ Cụ nghĩ là tôi quên rồi!) Cụ lại nhìn tôi như muốn hỏi thêm tôi liền nói: sao Bác không dùng chữ "rạng". Ngay tức khắc cụ đọc lại cả câu:
"Trăm tám vì sao rạng". Liền khi ấy ông cụ dùng tay vỗ vào bắp đùi tôi một cái thật mạnh. Tiếng vỗ một bàn tay. Cụ tỏ vẻ rất mừng và thích thú và cụ nhận là chữ "rạng" hay hơn chữ "mọc". Từ đó cụ mến mộ tôi nhiều hơn nữa từ Tiếng Vỗ Một Bàn Tay...

 

 

Nhatrang 17/05/2007

Thiền sư Viên Thức

 





 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.