Jan 14, 2025

Truyện ngắn

Mạ : Bức Tranh Quê
Lê Diễm Chi Huệ * đăng lúc 11:08:13 PM, May 08, 2017 * Số lần xem: 1304
Hình ảnh
#1

 

image050


 Lê Diễm Chi Huệ


Tôi rất ít viết về Mạ. Xưa nay tôi chỉ vẻn vẹn có một bài tuỳ bút và một bài thơ duy nhất. Sở dĩ tôi không viết là vì tôi vốn là người dễ xúc động. Mỗi khi tận cùng dòng cảm xúc trào dâng là tôi lại thút thít như thủa lên năm lên bảy khi nghĩ về Người. Mạ đối với bất kỳ người con nào cũng thiêng liêng, thâm thuý. Giai thoại về Mạ ăm ắp yêu thương và cũng không thiếu những điều hài hước. Điều nổi bật về Mạ là nét chân quê mộc mạc từ trong suy nghĩ đến tính cách như gợi trong tôi hình ảnh một bức tranh quê với hàng cau xanh mướt.


Đang ngồi nhâm nhi ly trà nóng bỗng thấy cú điện thoạt hụt từ Michigan, tôi bồn chồn không biết có chuyện gì mà Ba tôi gọi khuya vậy vì thường thường Ba Mạ tôi hay gọi thăm vào ban chiều. Ngồi không yên, tôi bấm điện thoại:

“Alô?”
“Alô!”
“Ba hả ?”
“Ừ tau đây”
“Răng mấy bữa ni thấy vắng vắng”
“Con mới gọi bữa kia mà”
“À, rứa hả ?”
“Mạ mi kêu tau gọi. Bà dớ”
Ba cười khề khà với cái giọng Quảng trị nặng trịt .
“Trời, Mạ mau quên rứa”
“Bà lảng rồi mi ơi”

Ba tôi người hiền hoà, chân chất, dễ chịu và lúc nào cũng cười, đặc biệt thương Mạ tôi vô cùng. Mạ nói Ba chìu là vì ngày xưa ba bay bướm quá làm cho Mạ khổ nên bây giờ bù, nhưng tôi không hoàn toàn nghĩ như vậy, chỉ phần nào thôi, còn lại là vì số Mạ lận đận nên ông trời khiến Mạ gặp Ba để được yêu thương.  Tám mươi bốn tuổi, hai ông bà bằng tuổi nhau.  Ba nấu cơm rồi dọn cho Mạ ăn, đi đâu để ý cái gì Mạ thích là mua về, món ngon thì nhường.  Mỗi ngày Ba nhắc uống thuốc, rồi gội đầu.  Thấy Ba Mạ quấn quýt như cu cu ở tuổi về chiều, tôi vui trong lòng.


Tôi là đứa con gái út, từ nhỏ được cưng như trứng. Mạ sinh tôi lúc lớn tuổi (bốn mươi hai). Tôi đau ốm triền miên, có lẽ vì không đủ dinh dưỡng.  Sau năm bảy mươi lăm, gia đình nào cũng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là những gia đình có thân nhân tham gia trong cuộc chiến.  Là út trong một gia đình đông con, Mạ không cho tôi đi đâu hay làm việc gì nặng. Đi đâu Mạ cũng sai mấy anh chị dẫn đi. Mọi việc trong gia đình mấy anh chị tôi cáng đáng vì sợ tôi ngã bịnh. Công việc duy nhất của tôi là đi học, mà học giỏi thì được Mạ cưng hơn.  Ngoài giờ đi học, tôi chỉ quanh quẩn ở nhà đọc sách.  Cũng may là tôi ham học nên năm nào cũng mang phần thưởng về nhà làm Mạ hãnh diện và đi khoe với bạn bè tôi là đứa út sáng dạ. Tôi chưa bao giờ bị ăn đòn như mấy anh chị khác. Được cưng, tôi lại càng nhõng nhẻo, hay hờn lẫy và mau khóc. Mấy chị không ai dám la mắng tôi vì sợ bị Mạ la lại. Đôi khi Mạ cũng bào chữa sự cưng chiều quá mức của mình và nói:

“Người miền Trung rứa, thương nhất cái đầu với cái đuôi”.

Nghĩa là những bà mẹ Huế thương nhất đứa con đầu và đứa con út. Mạ nói thì nói rứa nhưng tôi không nghĩ như vậy vì tôi thấy Mạ thương tất cả chỉ hơi cưng chiều tôi hơn các anh chị thôi. Mạ tự hào với nét chân quê của mình và hay nói:
“Tau hồi xưa không phấn không sáp chi hết”. Vừa nói vừa giơ tay chà chà trên mặt tỏ ra tự hào vẻ mộc mạc của mình.
Mạ tôi không phấn không sáp nhưng cuộc đời lại ba chìm bảy nổi tám cái long đong, chắc vì tại Mạ đẹp, Mạ có duyên: da trắng, tóc dài, đảm đang, lại là em của ông giáo làng. Tôi hay nói đùa:

“Ai biểu Mạ là giai nhân của làng chi?”

Nghe vậy, Mạ cười tít mắt hồi tưởng lại thủa thanh xuân của mình, cái thời trai làng lẽo đẽo bu quanh.


Lúc còn nhỏ được cưng chiều thì vui sướng lắm, nhưng khi lớn lên mà Mạ giữ tro tro khiến điều đó trở thành nổi trần ai. Mười tám tuổi, tôi biết yêu. Tôi học dự bị y khoa nghành vi sinh học, chàng năm đầu y khoa, cao ráo đẹp trai. Mẹ chàng xuống nhà xin phép cho tôi  lên nhà chơi. Mạ tôi cho phép nhưng trước khi đi dặn đi dặn lại:

“Mi làm chi thì làm, giữ cái lưng quần cho thiệt chặt”.

Như chim sổ lồng, tôi xuống nhà người yêu ăn uống và hát hò cho đến khuya. Sau đó chàng lái xe đưa tôi về phòng trọ gần trường. Đêm trôi qua với niềm đam mê chất ngất của những rung động đầu đời. Chàng càng ham muốn tôi càng vùng vẫy, van lơn:

“Anh, anh thương em thì ráng chờ”.

Tôi đâu dám kể là Mạ dặn” giữ chặt lưng quần”.  Chàng yêu đắm đuối nên đành thẩn thờ chìu ý tôi. Thời gian sau, tôi chuyển trường đi xa, chàng bay qua thăm và dẫn tôi ra biển hóng gió.  Đi đâu Mạ cũng cho phép nhưng lại cho người đi canh làm tôi ngượng chín cả người. Kiểu canh giữ “tro tro” đó bao lần làm tôi chỉ biết kêu trời. Lắm lúc cũng thấy chút ấm ức vì bị giữ “tro tro” quá khiến tôi trở nên như “hai lúa”, không dám làm gì mạo hiểm. Điều đó cũng ảnh hưởng tôi lúc trưởng thành, nhưng nghĩ lại, Mạ thương quá biết răng chừ.


Cho dù những người con có trưởng thành đến đâu vẫn luôn bé bỏng trong ánh mắt  người mẹ.Thời tôi là sinh viên nghèo, Mạ thường nhét tiền lẻ vô tay và nói:

“Mi cầm lấy, lỡ đạp bánh tráng mà trả”.

Ở Mỹ làm gì có cảnh đạp bánh tráng mà Mạ cứ nhét những đồng tiền “đạp bánh tráng” để cho tôi có tiền đổ xăng. Học hành xong đâu đó có công ăn việc làm bấy nhiêu năm mà Mạ cứ nghĩ tôi như thời sinh viên. Mỗi mùa hè về thăm, tôi dẫn Mạ đi ăn, đi mua sắm và dành trả tiền, Mạ mắng:


“Mi làm chi có tiền mà trả . Để tau trả cho!”
“Để con trả, Mạ làm như con ngày xưa”
“Thôi, để tau trả!” Vừa nói Mạ vừa chìa bóp khoe:
“Tiền tau có nì, thấy không?”


Tôi dạy học trung học và lớp sinh ngữ tại đại học cộng đồng.  Mạ sợ tôi bị ăn hiếp và thỉnh thoảng cứ hỏi dò:


“Mấy đứa học trò có ăn hiếp mi không?”


“Mạ! Con là cô giáo mà. Đứa mô mà dám ăn hiếp.”


“Tau coi trên TV thấy mấy đứa học trò dữ dằn rứa”


“Trời, Mạ lo chi xa”


Tôi giống Mạ nhiều điểm từ mái tóc đen mượt, làn da đến hàm răng đều, cả cái tính ngang bướng, duy chỉ có một điều không giống là không mê kim cương hột xoàng. Lần nào về thăm, Mạ cũng đem hộp sưu tập châu báu của mình ra, tuyển chọn vài món đưa cho tôi. Không lấy Mạ nói lẫy:


“Mi chê đồ tau hả?”


“Không phải, Mạ biết con không thích vòng vàng nhẫn bạc”


“Rứa mi thích cái mô thì lấy đi”
Mạ nài ép hoài tôi đành bốc một món nào nhỏ nhỏ để cho Mạ vui. Có lẽ Mạ cảm thấy như muốn bù tình thương vì tôi ở xa. Vậy là tôi bất đắc dĩ lượm về không biết bao nhiêu nữ trang.  Khổ nổi là tôi không đeo nhưng cất giữ làm kỷ niệm và coi như đó là “gia tài” của Mạ.


Bù lại cho một tâm hồn mẫn cảm dễ tổn thương, tôi may mắn có được dòng suối yêu thương ngọt ngào vô tận của gia đình. Với Ba Mạ, với các anh chi. tôi luôn luôn là đứa út bé bỏng và được thương yêu vô ngần. Viết về Mạ thì chắc không cạn bút. Mái tóc suông dài suốt đời không nhuộm không uốn của tôi là hình ảnh của Mạ ngày xưa.  Đó cũng là nét truyền thống,  là hồn quê mà tôi luôn hãnh diện. Mạ là bức tranh quê, là nhịp cầu nối liền tôi với Huế, với cội nguồn và vĩnh viễn không xa rời trong tâm tưởng.
05.06.2017

Lê Diễm Chi Huệ

Nguồn : Internet

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.