Jan 15, 2025

Viết về tác giả & tác phẩm

Bao Công & bài thơ duy nhất còn lại của ông. - Bùi Thụy Đào Nguyên, soạn.
Bao Chửng - 包拯 * đăng lúc 10:03:42 PM, Jan 13, 2009 * Số lần xem: 2022

Bao Công tên thật là Bao Chửng (包拯; 999 – 1062), tự Hy Nhân. Ngoài ra, ông còn được gọi là Bao Thanh Thiên, Bao Hắc Tử hay Bao Long Đồ..
Bao Công nổi tiếng là một vị quan “thanh liêm, chấp pháp nghiêm, không khiếp sợ quyền uy hay vị nể tư tình” dưới thời hoàng đế Tống Nhân Tông (1022 - 1063).

I. Cuộc đời
Bao Công, người Hợp Phì, Lư Châu (nay là thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc). Cha ông là Bao Nghi, từng giữ chức đại phu trong triều. Sau khi qua đời, Bao Nghi được phong Hình Bộ Thị Lang.

Lúc nhỏ, Bao Công đã nổi tiếng là đứa con hiếu thảo, đôn hậu, sống mực thước.
Năm 1027, ông thi đậu tiến sĩ, được cử đến nhậm chức tri huyện Kiến Xương (nay thuộc tỉnh Giang Tây), nhưng vì cha mẹ già yếu, không thể đến sống ở Kiến Xương, nên Bao Công xin được khoan nhận việc, để ở lại chăm sóc cho cha mẹ.

Sau khi cha mẹ qua đời, ông mới đi nhậm chức tri huyện Thiên Trường (nay thuộc tỉnh An Huy), sau đó là tri phủ Đoan Châu (nay thuộc TP. Triệu Khánh, tỉnh Quảng Đông).
Nghe tiếng Bao Công tận tụy và thanh liêm, nhà vua cho triệu ông về kinh giao cho chức Trung thừa, rồi lần lượt thăng các chức Giám Sát Ngự Sử, Trực học sĩ Long Đồ các, Tam Tư Hộ Bộ Phó Sử, đến Thiên Chương Các Thị Chế (nên người đời sau còn gọi ông là Bao Thị Chế).

Năm 1052(?), vì giúp đỡ người thân là Trương Nghêu Tá làm phật lòng hoàng đế Nhân Tông, ông bị thuyên chuyển đến Hà Bắc làm Nhậm đốc chuyển vận sử. Bốn năm sau, ông mới được triệu về kinh nhậm chức Phủ doãn Phủ Khai Phong.
Chức vụ cao nhất là Bao Công đảm nhận ở cuối đời là Khuông Mật Phó Sử, tương đương với chức phó tể tướng.

Năm 1062, ông lâm bệnh mất ở nơi làm việc, hưởng thọ 64 tuổi.
Hoàng đế Tống Nhân Tông đích thân làm chủ lễ truy điệu, phong cho Bao Công là Lễ Bộ Thượng Thư, truy tặng hiệu “Hiếu Túc”, có nghĩa là hiếu đạo và thiết diện vô tư và còn phái một đoàn ngự lâm quân hộ tống linh cửu ông về mai táng ở quê nhà ông.

Hiện nay đền thờ của ông có hai câu liễn: “Lý Oan Ngục, Quan Tiết Bất Thông, Tự Thị Diệm La Khí Tượng. Chẩn Tai Lê, Từ Thiện Vô Lương, Y Nhiên Bồ Tát Tâm Trường”. Đại ý nói về phẩm chất cao quý của ông..

II. Bài thơ duy nhất còn lại…
Là một người có học vị cao và sống ở một thời đại văn thơ nở rộ, chắc Bao Công cũng sáng tác không ít, song đáng tiếc là cho đến nay chỉ còn lại một bài ông làm lúc mới bước vào đường hoạn lộ là:

Thư Đoan Châu quận trai bích
Phiên âm:
Thanh tâm vi trị bản
Trực đạo thị thân mưu
Tú cán chung thành đống
Tinh cương bất tác câu
Thương sung thử tước hí
Thảo tận thố hồ sầu
Sử sách hữu di huấn
Vô di lai giả tu.

Dịch nghĩa:
Đề lên tường thư trai ở quận Đoan Châu.

Lòng trong sạch là cái gốc của việc trị nước,
Đao ngay thẳng là điều mưu cầu của việc tu thân.
Thân cây đẹp tốt rốt cuộc sẽ thành rường cột,
Gang thuần chất không thể uốn thành móc cong.
Kho đầy hẳn bọn chuột và chim sẻ vui mừng.
Cỏ hết thì bọn thỏ và chồn rầu rĩ.
Sử sách có lời di huấn:
Chớ để lại điều xấu hổ cho con cháu mai sau!

Nguyễn Khắc Phi dịch thơ:

Thanh liêm: gốc “trị quốc”
Cương trực: “tu thân” cầu.
Cây thẳng ắt làm cột,
Thép ròng chẳng uốn câu.
Kho đầy: chuột, sẻ khoái.
Cỏ hết: thỏ, chồn sầu.
Sử sách nêu di huấn:
Chớ để nhục về sau!

Bùi Thụy Đào Nguyên, soạn.

Thông tin thêm:
-Theo An Chi: Có người cho rằng '''Bao Chuẩn''' mới là tên thật là sai. Vì chửng (拯) có nghĩa là cứu vớt, giúp đỡ. Theo Khang Hy tự điển: Thiết âm của chữ này là “chi sửng thiết”, “chưng thượng thanh” (Chuyện Đông chuyện Tây, tạp chí Kiến thức ngày nay 247, ngày 1 tháng 6 năm 1997).

-GS. Nguyễn Khắc Phi cho biết: Đoan Châu có một đặc sản nổi tiếng đó là Đoan nghiên. Đây là thứ nghiên mực làm bằng loại đá quý chỉ có ở địa phương này, rất được các vua quan hâm mộ. Nhưng khi Bao Công rời Đoan Châu, ông không hề đem theo một chiếc Đoan nghiên nào! (Thơ văn cổ Trung Hoa, mảnh đất quen mà lạ, Nxb Giáo dục, 1999, tr. 248).

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.