Jan 14, 2025

Tùy bút - Bút ký

Tháng Tư và kỷ niệm buồn
Lê Văn Tiến * đăng lúc 04:14:45 PM, Apr 24, 2017 * Số lần xem: 1119
Hình ảnh
#1

 
 

Hơn 42 năm rồi mùa xuân nào tôi cũng nhớ về em.Người con gái chưa bao giờ xóa nhòa trong ký ức.Mùa xuân năm 1973 tôi gặp em ở thành phố Đà Nẵng, thành phố đông dân nhất của miền Trung với hàng trăm ngàn người di tản vào từ hai tỉnh Quảng Trị và Huế. Tôi trở về Đà Nẵng trong chuyến công tác chiến tranh chính trị về miềnTrung, đơn vị tôi hoạt động ở Hoà Khánh.Cơ duyên tôi gặp em trên chuyến xe lam từ Chợ Cồn đường Ông Ích Khiêm về Hoà Khánh đi qua ngả ba Huế.Em,người con gái miền Bắc duyên dáng trong chiếc áo dài trắng của Trường Nữ Sao Mai.Chuyến xe kỷ niệm đã đưa duyên tôi gặp em, để rồi từ đó em bước vào đời tôi như một vì sao trong sáng và thánh thiện. Vì em tôi lại yêu bài thơ “Cô Bắc Kỳ nho nhỏ” của Nguyễn Tất Nhiên: 

“Này cô em Bắc Kỳ nho nhỏ

Hởi cô em tóc demi garcon

Chiều hôm nay xuống đường đón gió

Cô tình cờ nhìn thấy tôi không?”

……………………………………………………………..

Năm 1972 Tỉnh Quảng Trị chiến tranh xảy ra khốc liệt,hàng chục ngàn người dân Quảng Trị phải di tản vào Đà Nẵng tạm cư ở hai trại Hòa Khánh và Non Nước.Theo dòng người di tản gia đình tôi vào tạm cư ở trại 4 Non Nước Đà Nẵng. Chiến tranh lúc nào cũng là kẽ thù của nhân loại, cướp mất sự bình yên của con người,dân tình ly tán, quê hương loạn lạc,làng mạc bị tàn phá vì bom đạn. Còn gì đau thương bằng khi hay tin hàng ngàn người dân vô tội phải bỏ mình trên đường di tản, trên đại lộ kinh hoàng.Người dân Quảng Trị dù bây giờ hay mãi mãi về sau không bao giờ quên vết thương lòng do chiến tranh gây nên.Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang đã nói lên nỗi đau của người dân Quảng Trị trong” Bài hát trên quê hương điêu tàn”
…………………………………………………………

“Hôm nghe tin anh trở về

Tìm người yêu trong vòng vây đạn phá

Thành phố đó bây giờ đầy xác người

Đường phố đó bây giờ là tan hoang

Và tìm hoài sao không thấy người yêu

Đường buồn hiu âm thầm một mình

Giờ còn ai tiếp nối hẹn hò”

 

 Được lệnh của thượng cấp tôi và đồng đội cùng khóa từ giã Đà Lạt để về miền Trung gồm bốn tỉnh: Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng và Quảng Tín. Chúng tôi được lệnh đi về những vùng mất an ninh gọi là “vùng xôi đậu” để làm sứ mạng hoà bình, giải thích cho người dân biết hiệp định Ba Lê và cứu giúp những nạn nhân chiến tranh.Vì tính cách của chiến dịch nên chúng tôi không mang vũ khí nhiều, chỉ mang đủ để tự vệ bản thân.Từ thành phố Đà Lạt sương mù.Thành phố hoa với những loài hoa đủ màu sắc, mimosa, hoa anh đào, hoa dã quì vân vân…”Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi…” Đà Lạt thành phố hoa anh đào làm cho lòng người vương vấn khi đến cũng như khi đi.Biết bao kỷ niệm với những năm tháng tôi sống và thụ huấn trong quân trường Võ Bị toạ lạc trên đồi 1515.Khu phố Hoà Bình, Hồ Xuân Hương, cà phê Thủy Tạ mỗi buổi sáng cuối tuần còn gì thú vị bằng uống một ly cà phê nóng nhìn ra Hồ Xuân Hương mặt nước bốc hơi sương như một dải lụa trắng.Tôi vẫn còn nhớ cái tết đầu tiên sống xa gia đình, đêm 30 Tết ở Đà Lạt lạnh và cô đơn vô cùng, dù có bạn bè đồng đội nhưng tôi vẫn nhớ quay quắt về mái nhà xưa nơi đó có cha mẹ và những đứa em thân yêu của tôi đang quây quần bên nồi bánh chưng chờ đón giao thừa.Nghe bản nhạc “Xuân này con không về” càng làm cho tôi bùi ngùi xúc động. Nhờ vào tình đồng đội, và truyền thống các khóa đàn anh huấn luyện chúng tôi “Tự thắng để chỉ huy” nên tôi đã vượt qua sự nhớ thương để trở về với thực tại. Phiên gác đêm xuân đầu tiên của tôi ở trạm Đài tử sĩ nằm cheo leo bên Hồ Huyền Trân phía bên phải là hai ngọn đồi L’abbe Nord và L’abbe Sud, hai ngọn đồi mà chúng tôi đã từng trải qua những bài học viễn thám và chiến thuật của các mùa quân sự.Phóng tầm nhìn về phía tây thành phố Đà Lạt đang ngủ say dưới màn đêm, xa xa những trái hỏa châu soi sáng cả một gốc trời. Ngồi trong vọng gác tôi thầm cầu nguyện cho tất cả người dân Việt Nam được hưởng một mùa xuân hòa bình, quê hương không còn chinh chiến để những người lính được đoàn tụ với gia đình người thân trong những dịp tết đến xuân về. Mùa xuân năm 1973 những chiếc C 130 chở chúng tôi đáp phi trường Đà Nẵng.Từ giả thành phố Đà Lạt lạnh giá sương mù chúng tôi đến thành phố Đà Nẵng nhiều nắng và gió biển làm lòng tôi náo nức vì sắp đươc gặp lại gia đình sau hai năm xa cách. Gia đình tôi may mắn được đến Đà Nẵng bình yên sau gần một tháng di tản qua những đoạn đường khốc liệt.Cha mẹ tôi kể lại trên đường di tản xác người nằm la liệt, có những đứa bé còn sống trên xác mẹ hiền nhưng không ai cứu giúp, vì ai ai cũng lo mạng sống của mình. Tôi trở về nghe nhiều hung tin, bạn bè cùng học trường Nguyễn Hoàng có những người đã ra đi vĩnh viển. Khiểm, Thắng, Quyết đã hy sinh trong mùa hè đỏ lữa 72 ở chiến trường Quảng Trị. Ba người bạn cùng học với tôi từ trường Tiểu Học An Lưu đến Trường Trung học Nguyễn Hoàng, thế mà chiến tranh đã cướp mất họ khi đang còn tuổi thanh xuân. Gặp tôi ở Trại Non Nước Trần Quốc Triền, bạn học thân cùng lớp trường Nguyễn Hoàng sau khi tâm sự với tôi những bạn bè đứa còn đứa mất đã ngậm ngùi đọc mấy câu thơ của Vũ Hoàng Chương:

“Lũ chúng ta lạc loài năm bảy đứa

Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh

Bể vô tận sá gì phương hướng nữa

Thuyền ơi thuyền theo gió hãy lênh đênh”

                   **** -Xe về đâu vậy anh tài? -Dạ về Hoà Khánh chuẩn úy. Tôi không đính chính với danh xưng của anh tài xế gán cho tôi,thực sự tôi chưa ra trường trên cổ áo treillis chỉ có gắn alpha màu đỏ gọi là sinh viên sĩ quan là đúng hơn. Chiếc xe lam nhỏ chỉ chứa khoảng10 người nhưng vì khách đông nên họ ngồi đến 15 người. Ngồi cạnh tôi là hai nữ sinh mặc áo dài trắng, tôi liếc nhìn thấy trên ngực áo có thêu hai chữ “Sao Mai” vậy là hai cô bé này học trường nữ Sao Mai. Chiếc xe lam chồng chềnh qua những đoạn đường nhiều ổ gà. Tôi gợi chuyện với em nữ sinh bên cạnh: - Cô bé học trường mô rứa? - Tụi em không biết tiếng Huế -Không anh là người Quảng Trị - Dạ em học trường nữ Sao Mai anh biết không? Tôi nghe cô bé nói giọng Bắc thỏ thẻ rất dễ thương.Tôi tiếp tục gợi chuyện để giết thời giờ vì chiếc xe lam chạy qúa chậm hơn 30 phút mà chưa ra khỏi thành phố: - Cô bé tên gì,nhà ở đâu vậy? Cô bé thứ hai nhanh miệng trả lời - Bạn em tên Liên còn em tên Hà, nhà ở quá ngả ba Huế một đoạn Chiếc xe lam đổ khách nhiều đoạn, đến trạm cuối cùng hai cô bé cũng xuống, họ nhìn tôi có vẽ tò mò. Tôi nhanh miệng nói với anh tài xế để tôi trả tiền xe hộ cho hai cô bé. Liên và Hà nhìn tôi trong vẽ hồn nhiên: -Cám ơn anh chuẩn úy hào hoa nghe - Không có chi mong gặp lại hai cô bé Thế là tôi được biết tên hai cô bé Bắc kỳ nho nhỏ dễ thương.Tôi đoán họ chừng 17 hay 18 tuổi, lứa tuổi đẹp nhất của đời người.Nhìn họ tôi nhớ về quảng đời học sinh thật nhiều kỷ niệm.Trường Nguyễn Hoàng, ngôi trường thân yêu mà tôi trải qua bảy năm, tôi mãi mãi không quên những bạn bè và các thầy cô nhất là những vị thầy đã dạy cho tôi những kiến thức văn hóa và đạo đức làm người. Hôm nay trở lại, trường xưa không còn nữa,thầy cô và bạn bè ly tán khắp nơi. Quảng Trị- Cỗ Thành còn lại là bãi chiến trường tang thương và hiu quạnh. Từ khi đến Đà Nẵng tôi chưa được phép về thăm gia đình vì phải chuẩn bị kế hoạch tỏa xuống vùng dân.Nhóm của tôi được phân công đến các trại định cư Hòa Khánh và vùng Nam Ô để tiếp cận với dân địa phương.Một Niên trưởng Khoá 27 làm trưởng toán, và tôi cùng ba bạn khóa 28 khác cùng chung một nhóm công tác. Sau hai năm thụ huấn văn hóa và quân sự trong quân trường lần đầu tiên chúng tôi được ra ngoài để tiếp xúc với dân, lòng tôi không khỏi lo âu.Thời gian sắp tới tôi phải gánh vác trọng trách của một người SVSQ để làm công tác do cấp trên giao phó,thuyết trình và giải thích cho người dân hiểu rõ nội dung của Hiệp định Ba Lê và cứu giúp những gia đình khó khăn trong vùng sơ tán. Thế là sau hai tuần công tác ở các Trại định cư Hòa Khánh và xứ Nam Ô ở sát đèo Hải Vân tôi được nghỉ phép 5 ngày về thăm gia đình ở trại Non Nước. Ba Mẹ tôi rất vui mừng vì được gặp lại đứa con sau hai năm xa cách.Mấy em tôi cũng lớn hơn xưa nhìn tôi mà ái ngại vì bây giờ tôi mặc đồ lính và chững chạc ra .Tôi phát quà cho các em, nhìn những đứa em hồn nhiên vui cười mà lòng tôi yên tâm hơn Hôm sau tôi đến trường Sao Mai để tìm hai cô bé mới quen trên chuyến xe lam về Hòa Khánh. Vào phòng tiếp khách tôi đưa mẫu giấy nhỏ ghi tên: Lâm Thị Kim Liên lớp 12 . Cô thư ký trực nói với giọng Huế dịu dàng: - Chuẩn úy chờ cho 10 phút Về công tác hơn hai tuần mà ai cũng gọi chúng tôi là chuẩn úy, vì họ cứ nghĩ chúng tôi là những sĩ quan mới ra trường có hình alpha trên cổ áo.Tôi cũng không cần thiết phải đính chính với họ. -Không sao tôi chờ được mà cám ơn chị Liên ra một mình với cái nhìn tôi có vẽ ngạc nhiên, hình như cô bé không ngờ tôi đến trường tìm em hôm nay -Anh chờ Liên lâu không? xin lỗi em chỉ được phép 10 phút để tiếp anh vì em đang học giữa giờ - Tôi được nghỉ phép 5 ngày nên định tìm hai cô bé mời đi uống cà phê cho vui Liên nở nụ cười hiền hòa duyên dáng, hôm nay tôi nhìn rõ em hơn với cái răng khểnh dễ thương, khuôn mặt hình trái xoan đôi má ửng hồng và nét đẹp dịu dàng kín đáo của người con gái đang tuổi dậy thì.Sau khi trao đổi vài câu chuyện Liên cho tôi địa chỉ và mời tôi đến nhà chơi vào ngày cuối tuần. Tuổi 18 tôi đậu tú tài hai, vào học Văn Khoa Huế được 3 tháng thì đầu quân vào Trường Võ Bị Đà Lạt.Thú thật tuổi học sinh tôi chỉ lo học hành thi cử, không biết gì về tình yêu đôi lứa và mặc cảm mình là “hai lúa” nên không dám tán tỉnh ai. Bây giờ gặp Liên cô bé đang tuổi dậy thì lòng tôi cảm thấy xao xuyến và hình như tôi đang “Fall in love”. Nhớ mấy câu thơ của Huy Cận:

Vậy đó bỗng nhiên mà họ lớn

Tuổi hai mươi đến có ai ngờ

Một hôm trận gió tình yêu lại

Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư”


Tôi cảm thấy trận gió tình yêu đến trong tôi, nhìn Liên đẹp duyên dáng nghe giọng nói miền Bắc nhỏ nhẹ tôi thấy mình đang rơi vào cảm giác yêu thương và rạo rực khó tả.

Đúng hẹn sáng chủ nhật tôi tìm đến nhà Liên với một cảm giác sờ sợ và lo âu. Không biết cha mẹ Liên có tiếp đón tôi như một người khách hay lạnh nhạt và thờ ơ. Nhưng  tôi vẫn mạnh dạn đến gặp cho biết và không muốn lỗi hẹn với cô bé.Ngôi nhà Liên không lớn nhưng xinh xinh vì có dàn hoa leo trước cữa. Chung quanh là một hàng rào phủ kín với cây chè tàu xanh mướt.Liên giới thiệu với Ba Mẹ về tôi:

-Anh Tiến bạn mới quen của con đó Bố Mẹ

Tôi cúi đầu chào ba mẹ Liên và trao gói quà nhỏ, mọi người trong nhà nhìn tôi với cái nhìn thiện cảm làm tôi yên tâm hơn, Ba của Liên hỏi tôi:

-Cậu khoá mấy Võ Bị?

- Dạ thưa bác con khóa 28

- Trước đây bác là huấn luyện viên ở trường không quân Nha Trang có huấn luyện các khóa đàn anh của cậu. Bây giờ bác trở lại phi hành lái C 130 ở Phi trường Đà Nẵng

Thế là tôi may mắn có Bố của Liên cũng là một quân nhân, Ông sẽ hiểu và thông cảm cho tôi khi đến kết bạn với Liên.Cuộc gặp gỡ với gia đình Liên diễn ra rất thuận lợi cho tôi.Chào từ giả Ba Mẹ Liên, tôi ra về trong lòng thấy vui vui, em tiển tôi với nụ cười duyên dáng trên môi, tôi nhìn em và thầm nghĩ ước gì Liên là người bạn đời của tôi sau này.

-Anh về mạnh giỏi nhé, hẹn gặp lại sau

-Bye Liên mong gặp lại em nhớ bảo trọng sức khỏe

Mặc dù chúng tôi chưa nói với nhau lời yêu thương, nhưng cả hai đều nhìn nhau lưu luyến khi chia tay.Trên đường về tôi cảm nhận bóng nắng lung linh.Trên bầu trời những đám mây bay lảng đảng,gió biển Mỹ Khê thổi vào mát rượi, tôi lại nhớ mấy câu thơ của Thi sĩ Xuân Diệu:

“Làm sao định nghĩa được tình yêu

Có nghĩa gì dâu một buổi chiều

Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt

Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu”

                             *******

Hai tháng công tác sắp chấm dứt. Chúng tôi được lệnh thu xếp trở lại quân trường để vào mùa văn hóa. Tôi có 5 ngày phép để về thăm thân nhân.Tôi đến nhà xin phép Ba Mẹ Liên cho Liên được đi chơi để chúng tôi có thời gian bên nhau nói hết những lời yêu thương trước khi tôi trở về Đà Lạt, còn em ở lại xứ Quảng không biết ngày nào gặp lại nhau.Hai tháng tôi quen biết rồi yêu thương. Em và tôi đã có những ngày cuối tuần bên nhau, đi dạo trên bờ biển Mỹ khê đón gió biển và nhìn những làn sóng xô bờ thật lãng mạn, sánh vai trên những con đường phố Đà Nẵng, rồi ghé những quán Cà Phê dành cho Lính: Thạch Thảo, Mây Tím, Hương Xưa…Em hồn nhiên, và vô tư như một bông hoa dại. Tôi không dám hứa hẹn một điều gì về tương lai. Có lần em hỏi tôi:

-Anh nghĩ gì về tương lai khi anh đến với em?

Câu hỏi thật đơn giản nhưng sao tôi thấy khó trả lời với Liên.Tôi thân phận người lính nay đây mai đó, khi ra chiến trường sống chết gần kề.Tôi đã có những lúc nhận tin buồn của các Niên Trưởng khóa đàn anh hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Họ để lại cho những người tình và những người thân muôn vàn đau khổ.Tôi hiểu tâm trạng của Liên nên trả lời em lơ lửng:

-Hãy cầu nguyện cho anh và em mãi mãi bên nhau tuy sống xa em nhưng anh không bao giờ quên được những kỷ niệm này

Tôi nắm tay Liên đi dạo trên đường Bạch Đằng, thành phố đi vào hoàng hôn, ánh đèn đường tỏa sáng khắp nơi, gió sông Hàn thổi vào lành lạnh.Rồi đây tôi sẽ xa em, xa thành phố cho tôi một cuộc tình ấm áp và những kỷ niệm khó quên. Ngày mai tôi trở về Đà Lạt mang theo bóng hình người con gái xứ Quảng thân yêu. Lâm Thị Kim Liên sẽ khắc ghi vào trái tim của tôi mãi mãi. Đưa Liên về đến nhà tôi xiết tay em trong lời nói nghẹn ngào: Mai anh đi rồi em ở lại mạnh giỏi nhớ biên thư cho anh. God bless you.Một nụ hôn vội vàng tôi thấy mắt em ướt nhìn tôi không nói nên lời.Liên vào nhà, tôi bước đi mà nghe lòng mình nuối tiếcThời gian qua nhanh qúa, tạm biệt em tạm biệt Đà Nẵng.                            

                       ******

 

Tháng 5/1975 tôi trở về Đà Nẵng trước khi vào trại cải tạo.  Tìm gia đình và không quên đến nhà Liên để thăm hỏi.Từ khi tôi trở về Đà Lạt tiếp tục chương trình thụ huấn hai năm còn lại.Những bức thư tình gởi về từ KBC 4027 đều đặn cho Liên, và tôi cũng nhận được những cánh thư hồng viết từ xứ Quãng. Liên học xong lớp 12 và đậu trường sư phạm Huế.Trong thư chúng tôi đã có những ước vọng tương lai thật đẹp. Em mong sẽ thành cô giáo dạy Văn còn tôi sẽ ra trường chọn đơn vị gần nhà. Một đám cưới đơn sơ để chúng tôi cùng ký vào “bản án chung thân” của hai đứa.Thế mà trời không thương,ngày 30 tháng tư năm 1975 ước mơ đó đã trở thành mây khói. Chiến tranh kết thúc nhưng lòng người ly tán.Tôi trở về trại định cư Non Nước tìm gia đình thì hay tin cha mẹ và các em tôi đã hồi hương về Quảng Trị.Tôi tìm đến nhà Liên thì căn nhà trống vắng không một bóng người. Tôi gặp Hà, bạn thân của Liên mới hay hung tin gia đình Liên đã bị nạn tại phi trường Đà Nẵng khi chiếc máy bay C 130 do Bố của Liên lái chở gia đình Liên cùng với nhiều người khác vào Sài Gòn trong những ngày cuối tháng 3 năm 1975.Máy bay chưa kịp cất cánh thì bị pháo kích nên gia đình Liên và nhiều người trên phi cơ đều bị tử nạn. Nghe Hà nói xong tôi đứng lặng người, nghe như trời đất bị sụp đổ, tôi không thể tin gia đình Liên bị nạn.Trên đường từ Sài Gòn về Đà Nẵng tôi mong sớm gặp lại em sau hơn một năm trời xa cách.Hình bóng Liên cứ chập chờn trước mắt tôi, từ vóc dáng đến lời nói ánh mắt của em không thể rời xa tôi. Chiến tranh thật tàn nhẫn cướp mất những con người vô tội.Tôi bước đi lảo đảo nghe lòng mình cay đắng.Thế là em đã vỉnh viễn lìa xa tôi.Một nén hương lòng cho em và cho gia đình em, trong hư vô em có nghe tôi khóc: “Sao không chết người trai khói lữa mà chết người em nhỏ hậu phương…”


Thêm một mùa xuân đi qua, và tháng tư về tôi lại nhớ em,nhớ về những kỷ niệm của những ngày đầu mới yêu nhau. Nơi cỏi vĩnh hằng em hãy yên nghỉ nhé.Tôi đang đọc lại những bức thư tình của em mà tôi đã cất giữ trong ký ức hơn 42 năm rồi. Trời Đà Lạt những ngày đó lạnh lắm nhưng lòng tôi vô cùng ấm áp khi nhận được những cánh thư của em gởi từ đất Quảng,màu mực tím và nét chữ nghiêng, lúc nào cũng có những lời cuối thư thật chân thành:” Cầu mong anh vui khỏe và những gì trong mơ ước” Bây giờ mơ ước không bao giờ đến vì em đã ngàn trùng xa cách…

Cali tháng tư năm 2017
Lê Văn Tiến

 

 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.