Jan 15, 2025

Viết về tác giả & tác phẩm

Về học giả Nguyễn Văn Vĩnh (kỳ 1)
Nguyễn Văn Vĩnh * đăng lúc 12:00:47 PM, Apr 21, 2017 * Số lần xem: 1501
Hình ảnh
#1

Về học giả Nguyễn Văn Vĩnh (kỳ 1)

 

(trích “Lịch sử không nghỉ hưu”)

Nguyễn Lân Bình

LỜI MỞ ĐẦU

Ngót 10 năm qua, kể từ buổi tọa đàm lịch sử tại bảo tàng Cách mạng Việt Nam nhân ngày Nhà báo Cách Mạng Việt Nam 20/6/2002, với nhan đề: “Tọa đàm về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Vĩnh 1882 – 1936” do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp cùng gia tộc học giả Nguyễn Văn Vĩnh tổ chức, tôi đã theo sát những diễn biến xã hội đối với đề tài cực kỳ đặc biệt này.

Nhân 75 năm ngày mất của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, một nhân vật kiệt xuất theo cách đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, tôi xin trình bày bài viết này trên cơ sở những tư liệu và những hiểu biết được hệ thống về cuộc đời và sự nghiệp của nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh. Song song với nó, là những phản ứng của xã hội Việt Nam và quốc tế trong giai đoạn vừa qua về con người và sự nghiệp của học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Mục đích của tôi, là muốn mọi người trong xã hội, tất cả những ai quan tâm, sẽ nhìn nhận vai trò của học giả Nguyễn Văn Vĩnh trong lịch sử Văn hoá Việt Nam một cách công bằng, trung thực, vì những di sản văn hoá mà học giả Nguyễn Văn Vĩnh để lại, là thực sự hiện hữu, là một phần nền tảng của văn học chữ Quốc ngữ. Văn học chữ Quốc ngữ là nét đặc trưng tiêu biểu của văn hóa Việt Nam trong thế kỷ XX.

Phạm vi hoạt động của Nguyễn Văn Vĩnh có ở hầu hết các lĩnh vực xã hội, trong bối cảnh xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX là giai đoạn tiếp nhận và hình thành nhiều loại hình tư tưởng, nên việc nhìn nhận những diễn biến của nó, cần có độ lùi về thời gian để kiểm chứng và chiêm nhiệm. Bên cạnh đó, những di sản của Nguyễn Văn Vĩnh có đến 50% viết bằng tiếng Pháp, đó là rào cản tạo ra một số những nhận định mang tính phiến diện, do người đọc không có điều kiện nghiên cứu một cách đầy đủ, dẫn đến sự thiên lệch trong việc đánh giá  con người và sự nghiệp của ông.

Tôi tin bài viết này như một sự tổng hợp để người đọc hiểu Nguyễn Văn Vĩnh một cách đầy đủ hơn, qua đó sẽ có được sự phản hồi cần thiết, nhằm giúp những ai quan tâm và liên đới bớt trăn trở vì những sự bất công, khi bàn đến đề tài Nguyễn Văn Vĩnh ở những giai đoạn trước đây, từ đó có trách nhiệm hơn với sự thật, với lịch sử.

Lịch sử và văn hóa là những yếu tố căn bản tạo nên lòng yêu nước của bất cứ dân tộc nào. Để cụ thể hóa, tôi xin nêu những kiến nghị đối với Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Pháp, cùng các tổ chức Quốc tế có chức năng đánh giá những giá trị về lịch sử, văn hóa của nhân loại, xem xét, kết luận những giá trị có tính ảnh hưởng đến xã hội do Nguyễn Văn Vĩnh để lại.

I. THÂN THẾ và SỰ NGHIỆP

1. Xuất thân.

Nguyễn Văn Vĩnh sinh ngày 15/6/1882 tại thôn Phượng Vũ, xã Phượng Dực, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Ông là con cả trong một gia đình nông dân nghèo. Bố là Nguyễn Văn Trực. Đầu những năm 80 thế kỷ XIX, gia đình đã bỏ quê ra Hà Nội, sống nhờ ở nhà một người họ hàng bên vợ, tại 46 phố Hàng Giấy.

Năm 1890, khi Nguyễn Văn Vĩnh 8 tuổi, gia đình cho Nguyễn Văn Vĩnh đi chăn bò thuê ngoài bãi Long Biên (chân cầu Long Biên, cây cầu mãi đến năm 1902 mới hoàn thành, còn được gọi là cầu Paul Dumer). Do công việc chăn bò, cậu bé Vĩnh thường thả bò ngược lên phía Bắc bờ sông Hồng và được biết, tại đền Yên Phụ (Hiện vẫn còn nguyên vẹn trong khuôn viên trường PTCS.Mạc Đĩnh Chi, số 66 phố Phó Đức Chính, quận Ba Đình) có lớp học do người Pháp dạy, dành cho những ngưòi đã đỗ tú tài và cử nhân, học để trở thành thông ngôn (phiên dịch). Cậu Vĩnh ngỏ ý xin bố tìm cách để được vào làm công việc gì đó cho ngôi trường này.

Thông qua gia đình ở nhờ (Chủ nhà làm công việc dạy trẻ con trong địa bàn phố Hàng Giấy) tìm manh mối… và cậu Vĩnh đã may mắn xin được làm chân kéo quạt mát cho lớp học (thời đó chưa có điện). Vậy là, 8 tuổi, cậu Vĩnh chia tay với việc chăn bò thuê, trở thành Thằng nhỏ kéo quạt. Một khóa học 4 năm, khi Nguyễn Văn Vĩnh vào làm, lớp đã học gần hết năm thứ hai. Trong quá trình làm “thằng nhỏ” kéo quạt, cậu Vĩnh mặc nhiên được cùng nghe giảng với 40 học viên. Nhiều lần cậu đã bị phạt, thậm chí bị đòn vì nói leo theo thầy giáo Tây, gây mất trật tự, và hay nhắc bài các học sinh ngắc ngứ khi trả lời thầy giáo.

Năm 1892. lớp học của Thằng nhỏ kéo quạt mãn khoá, dù bị đòn nhiều lần, nhưng cũng nhờ đó mà Nguyễn Văn Vĩnh gây được ấn tượng đối với ông giáo. Ông giáo có tên là A. D’argence, đã thử sức “Thằng nhỏ kéo quạt” bằng việc cho phép cậu được thi tốt nghiệp cùng với cả lớp, cậu đỗ thứ 12 trên 40 học viên.

clip_image002

Ngôi trường là nơi đào tạo thông ngôn (phiên dịch) cho chế độ cai trị của người Pháp – Collège des Interprêtes – mà sau được gọi là trường Hậu bổ, nghĩa là sau khi tốt nghiệp, sẽ được bổ nhiệm đi làm, không phải đệ đơn đi xin việc. Tuy nhiên, việc Nguyễn Văn Vĩnh tốt nghiệp ở tuổi lên 10 là điều khác thường, và 10 tuổi không thể bổ nhiệm làm viên chức. Trước thực tế đó, nhà trường đã quyết định cho Nguyễn Văn Vĩnh học lại chính khoá từ đầu.

Thằng nhỏ kéo quạt” đã thưa chuyện với bố, và được người bố trả lời như sau: “Học hành cái gì, một là tiếp tục kéo quạt, hai là lại đi chăn bò, tiền đâu mà đi học?!”. Chỉ vài ngày sau, ông giáo Tây đã đến tận nhà để tìm hiểu, vì sao Nguyễn Văn Vĩnh không đến trường?! Khi biết rõ lý do, ông giáo đã khẳng định với gia đình, rằng học không mất tiền!

Nguyễn Văn Vĩnh lại được đến trường. Sau 4 năm mãn khoá, Nguyễn Văn Vĩnh đỗ thủ khoa năm 1896. Tuy nhiên, dù Nguyễn Văn Vĩnh đỗ thủ khoa, nhưng ở tuổi 14, không thể vào làm cho các cơ quan chính quyền thời đó. May thay, ông D’argence có người bạn thân làm việc ở Tòa sứ Lao Cai. Nhiều lần, do vô tình đến thăm nơi ông A. D’argence dạy học, người bạn này, đã tận mắt chứng kiến sự khác thưòng của “Thằng nhỏ kéo quạt”, bị ấn tượng mạnh, ông ta đã quyết định đứng ra xin nhà cầm quyền được dùng Nguyễn Văn Vĩnh. Nguyễn Văn Vĩnh trở thành thông ngôn cho Tòa sứ Lao Cai lúc 15 tuổi.

2. Đời Công chức

Những năm Nguyễn Văn Vĩnh làm việc cho Tòa sứ Lao Cai, là những năm đầu tiên chính quyền Thực dân khởi công xây dựng tuyến đường sắt Lao Cai – Vân Nam. Năm 1899, chính quyền thấy công việc đã khởi động tốt, họ điều Nguyễn Văn Vĩnh chuyển về làm tại Toà sứ Hải Phòng. Ở Toà sứ Hải Phòng, Nguyễn Văn Vĩnh lần đầu tiên đã tham gia viết bài cho tờ báo Tin tức Hải Phòng in bằng tiếng Pháp “Courrier de Hai Phong”. Tại đây, Nguyễn Văn Vĩnh đã học tiếng Hoa và tiếng Anh do công việc luôn phải va chạm với các thủy thủ là người nước ngoài. Cũng vào thời gian này, Nguyễn Văn Vĩnh đã tự học hết chương trình phổ thông theo sách giáo khoa tiếng Pháp, nhờ mua lại của một thuỷ thủ người Anh. Đây chính là giai đoạn Nguyễn Văn Vĩnh đã lọt vào tầm mắt của François-Henry Schneider (1).

Năm 1903, Nguyễn Văn Vĩnh được điều chuyển về Toà sứ Bắc Giang. Tòa sứ Bắc Giang nằm dưới quyền của Công sứ Hauser. Năm 1905, Công sứ Hauser được điều chuyển về làm Đốc lý Hà Nội. Chứng kiến năng lực và trình độ khác thường của Nguyễn Văn Vĩnh, Đốc lý Hauser quyết định kéo Nguyễn Văn Vĩnh cùng theo về Hà Nội.

clip_image004

OLYMPUS DIGITAL CAMERA

Năm 1906, nước Pháp tổ chức Hội chợ thuộc địa (còn gọi là Đấu sảo) tại thành phố cảng Mác Xây, Pháp. Chính quyền giao việc này cho Tòa Đốc lý Hà Nội, Đốc lý Hauser đã giao toàn bộ công việc chuẩn bị tham gia hội chợ cho đích danh Nguyễn Văn Vĩnh. Nguyễn Văn Vĩnh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này, và sau đó xin lưu lại Pháp thêm 3 tháng.

Trong thời gian ở Pháp, Nguyễn Văn Vĩnh đã bị ngành công nghiệp báo chí và xuất bản hấp dẫn và cuốn hút, đồng thời ông kết thân với một số chí sỹ người Pháp như: Pierre Vierge, Lhermite… Cũng giai đoạn này, Nguyễn văn Vĩnh đã chính thức ra nhập vào Hội Nhân quyền Pháp (Ligue des Droits de L Homme). Những diễn biến này đã tác động mạnh vào tâm lý, tạo một động lực mạnh mẽ trong con người Nguyễn Văn Vĩnh, hướng đến sự nghiệp làm báo và xuất bản (2).

Để thực hiện ý tưởng và lý tưởng của mình về việc xây dựng nền báo chí bản địa, khi trở về nước, Nguyễn Văn Vĩnh quyết định từ bỏ con đường công chức để phục vụ mục đích: xây dựng nền văn hóa của chữ Quốc ngữ, trên cơ sở ban đầu là phổ biến, quảng bá chữ Quốc ngữ thông qua việc làm báo. Cho đến cuối đời, Nguyễn Văn Vĩnh không tham gia bất kỳ một cơ quan hành chính, hoặc nhận bất kỳ một chức vị nào của bộ máy chính quyền đương thời.

Nghiệp làm viên chức của Nguyễn Văn Vĩnh chỉ vẻn vẹn đúng 10 năm.

3. Sự nghiệp Báo chí

Thông qua những suy nghĩ của Nguyễn Văn Vĩnh trong bức thư viết năm 1906 từ Mác Xây, gửi cho người bạn thân là Phạm Duy Tốn (1881-1924), cùng với những diễn biến của cách mạng tư tưởng của các chí sỹ cùng thời, như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Vĩnh xác định, việc nâng cao dân trí phải là mục tiêu hàng đầu (3). Theo ông, dân trí phụ thuộc căn bản ở nền văn hoá, mà văn hoá lệ thuộc vào ngôn ngữ, trong khi Việt Nam ngày đó, mọi giao dịch văn bản trong nền hành chính xã hội đều sử dụng chữ Hán và chữ Pháp. Sự vay mượn này đã đặt ngưòi Việt Nam đầu thế kỷ XX, ở tình trạng nói một cách và viết một cách khác!

Nhận thấy đây là trở ngại lớn trong việc học tập để nâng cao tri thức trong xã hội, các chí sỹ tiến bộ đã lo lắng trước mặt bằng dân trí giai đoạn này ở xã hội nước Nam quá thấp kém và mông muội, u tối, hậu quả của lối sống phong kiến kéo dài. Chế độ giáo dục khoa cử nghặt nghèo, việc dùng chữ Hán, Nôm, những loại ngôn ngữ mà chỉ có một số ít người dân có khả năng tiếp thu, đồng thời, tốn quá nhiều công sức trong việc học:

“Xưa kia đàn ông dùi mài bao nhiêu lâu, tốn bao nhiêu cơm cha mẹ, mới cầm được quyển sách, miệng ngâm đùi rung, mà vị tất trong lòng đã được cái lý thú gì là lý thú thực…” (4) .

Nguyễn Văn Vĩnh đặt mục tiêu đầu tiên, là phải tháo gỡ trở ngại này, bằng việc tìm cách quảng bá, khuyến khích người dân dùng chữ Quốc ngữ, vì chữ Quốc ngữ rất dễ tiếp thu. Ngoài ra, ông thúc đẩy nhà cầm quyền ủng hộ chủ trương này, nhằm rút ngắn quãng đường đến mục tiêu mình định hướng.

Phục vụ cho lý tưỏng này, Nguyễn Văn Vĩnh đã hợp tác với F. H. Schneider. Cuộc hội ngộ này là sự trùng hợp ngẫu nhiên, hệ quả của những đòi hỏi lịch sử, trong một giai đoạn nhất định giữa mưu đồý đồ. Bên cạnh lý tưởng của Nguyễn Văn Vĩnh, muốn xây dựng một nền tri thức độc lập, trên cơ sở tiếng nói mẹ đẻ với chữ viết được Latin hóa, nhưng phía đối diện là chính sách cai trị của Chính quyền Thực dân, cần phát triển chữ Quốc ngữ để phục vụ cho việc tuyên truyền cho chủ trương đô hộ lâu dài. Nguyễn Văn Vĩnh ngày đó mới hơn 20 tuổi, một người chỉ với 2 bàn tay trắng, khó để có sự lựa chọn nào khác, nếu không dựa vào sự hợp tác để thực hiện lý tưởng của mình.

clip_image006

Nguyễn Văn Vĩnh hiểu rõ, muốn cho người dân học chữ Quốc ngữ, nhất thiết phải có văn học chữ Quốc ngữ. Vậy văn học chữ Quốc ngữ lấy từ đâu? Sau nhiều lần thương thảo, giữa một bên có cơ sở vật chất và chuyên môn (Francois Henri Schneider), với một bên chỉ có trí tuệ và lý tưởng (Nguyễn Văn Vĩnh), để rồi trở thành sự gắn bó lâu dài đến tận năm 1918.

Xác định được hướng đi, đặt được quyết tâm sống còn của mình, cũng là lúc, Nguyễn Văn Vĩnh bắt gặp tư tưởng của Phan Châu Trinh (1872-1926)(5) . Đông Kinh Nghĩa Thục ra đời, một trào lưu tư tưởng hoàn toàn mới. Nguyễn Văn Vĩnh chính thức bước chân vào nghề làm báo từ diễn biến lịch sử này. Ông tin, đây là phương tiện văn hóa đầu tiên, tạo được tác động mạnh vào cuộc sống tinh thần của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Nguyễn Văn Vĩnh đã là Chủ bút các báo:

· 1907 Đăng cổ Tùng báo – (Tiếng nói của Đông kinh Nghĩa thục) .

· 1908 Notre Journal (tiếng Pháp).

· 1910 Notre Revue (tiếng Pháp).

· 1913 Đông dương Tạp chí. (Tờ báo đầu tiên ở Bắc kỳ quy tụ được hầu hết các chí sỹ cùng thời nổi danh nhất Bắc và Trung kỳ trong Ban Biên tập) (6).

· 1917 Trung Bắc Tân văn. (Nhật báo đầu tiên của lịch sử báo chí Việt Nam).

· 1919 Trung Bắc Chủ Nhật.

· Học Báo.

· 1931 L’Annam NouveauNước Nam mới (Tiếng Pháp) – Tờ báo được giải thưởng Grand Prix tại Paris 1932).(7)

Người Pháp thực dân, đã không tính hết được sự lợi hại của việc truyền bá chữ Quốc ngữ mà có lúc, họ đã thoáng ân hận, dẫn đến việc dập vùi Phong trào Đông kinh Nghĩa thục, cũng như tìm mọi biện pháp để khống chế Nguyễn Văn Vĩnh. Kể cả về sau này, họ từng lấp liếm những giá trị trong tư tưởng tiến bộ của ông, những tư tưởng ông đã tiếp thu được nhờ ở chính các tác phẩm, những quan điểm triết học kinh điển của các triết gia Âu Châu hiện đại, của văn hoá Pháp, cũng như nền báo chí phát triển tiến bộ của Tây phương.

4. Sự nghiệp dịch thuật

Nguyễn Văn Vĩnh nhận thức rất sâu về vai trò của ngôn ngữ đối với bản sắc văn hoá của một dân tộc, ông đã ra công tìm kiếm, lựa chọn những tinh hoa trong kho tàng văn hoá nhân loại, lấy đó làm hạt nhân để phát triển trí tuệ cho đồng bào của ông, thực hiện lý tưởng của chính mình và của các nhân sỹ tiến bộ cùng thời. Ông xác định, muốn người dân học chữ, cần có gì đó để đọc, muốn người dân có trí tuệ, cần thu nhận những kiến thức tiến bộ của nhân loại, và đó sẽ là vũ khí để đấu tranh đòi sự tôn trọng lẫn nhau với Nhà cầm quyền, để đề đạt nguyện vọng cần có một cuộc sống dân chủ, đồng thời cũng để chứng minh tinh thần văn hóa của dân tộc mình, và Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch:

– “Thư Trước tác hậu bổ” của Phan Châu Trinh gửi Toàn quyền Đông dương“Lettre de Phan Chu –Trinh au gouverneur général en 1906”. ngày 15 tháng 9 năm Thành Thái thứ 18 (1906) từ Hán văn ra Pháp văn (8).

– Năm 1909, cùng Phan Kế Bính (1875-1921) dịch trọn bộ tác phẩm“Tam quốc chí diễn nghĩa” từ Hán văn ra Quốc ngữ. Ông là người hiệu đính và viết lời tựa. Trong lời tựa, Nguyễn Văn Vĩnh lần đầu tiên đã xác định vững vàng:

“Nước Nam ta sau này hay dở, cũng ở như chữ Quốc ngữ”.

– Năm1911, tác phẩm“Quan Âm Thị Kính” lần đầu tiên được in bằng chữ Quốc ngữ và  người xuất bản là Nguyễn Văn Vĩnh (9).

– Từ số 15 của “Đông dương tạp chí” – 1913, trong mục Giáo dưỡng đạo lý, Nguyễn Văn Vĩnh đã trích dịch từ Pháp văn ra Việt văn các bài viết của những nhà tư tưởng Châu Âu như: J. J. Rousseau (1712 – 1778), Blaise Pascal (1623-1662), Francois Rabelais (1494-1553) … Từ số 28 trở đi, Nguyễn Văn Vĩnh dịch các bài viết về triết học của các nhà triết gia cổ điển nổi tiếng thế giới.

Trong những năm hai mươi của thế kỷ XX, Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch:

“Ba chàng ngự lâm pháo thủ” của A.Dumas (1802-1870). “Telemaque phiêu lưu ký” của Fenelon (1651-1715). Các vở hài kịch của Moliere (1622-1673). Tập truyện thơ ngụ ngôn của Jean de La Fontaine (1621-1695).“Lesage” của Gil-Blas de Santillane (1715-1735). “Manon Lescaut” (Mai nương Lệ cốt) của Abbé Prevots. Sách in năm 1731 bị cấm ở Pháp. “Những kẻ khốn nạn” – Les misérablés – của V.Hugo (1802-1885). “Miếng da lừa” LaPeau de chagrin – của H. De Balzac (1799-1850). “Sử ký thanh hoa” – Le Parfum des humanités – của E. Vayrac.“Ba chàng ngự lâm pháo thủ” – Les Trois Mousquetaires – của A. Dumas (1802-1870). “Truyện trẻ con” của Charles Perrault (1628-1703). “Tục ca lệ” – Turcaret – của René Lesage (1668-1747). “Chuyện các bậc danh nhân Hy Lạp và La Mã” – Les vies parallèles des hommes illustres de la Grèce et Rome – của Plutarque (Plutarch).“Dulivê du ký” – Les voyages de Gulliver – của Jonathan Swift (1667-1745). “Tiền Xích bích và Hậu Xích bích” từ Hán văn ra Pháp văn của Tô Thức – Tô Đông Pha (1037-1101), Toàn bộ “Truyện Kiều” của Nguyễn Du ra tiếng Pháp (10), và còn rất nhiều nữa…

Các tác phẩm nêu trên, đều là những tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên ở Việt Nam. Một số được xuất bản theo phương thức in nhiều kỳ trên những tờ báo do Nguyễn Văn Vĩnh là Chủ bút, một số ít được xuất bản ngay thành sách bán ra thị trường. Giá trị không thể chối bỏ của Nguyễn Văn Vĩnh trong lĩnh vực dịch thuật, đó là việc đã chứng minh được khả năng chuyển tải những tinh hoa trí thức của kho tàng văn hóa thế giới, và tính phong phú có thật của tiếng Việt, đập tan quan niệm cho rằng chỉ có tiếng Hán mới thể hiện được đầy đủ tinh thần của tác phẩm (11) .

clip_image008

Thành viên hội Khai trí tiến đức – Ảnh lấy từ blog PhamTon

Hội Khai Trí Tiến Đức, còn được gọi là hội AFIMA (viết tắt nguyên tên tiếng Pháp của hội l’Association pour la Formation Intellectuelle et Morale des Annamites)

Thành tựu đáng ghi nhớ nhất của Hội là việc soạn cuốn từ điển tiếng Việt mang tựa Việt-Nam Tự-điển do nhà in Trung-Bắc Tân-Văn xuất bản năm 1931. Tiểu ban phụ trách soạn thảo gồm các ông Phạm Quỳnh (chủ bút), Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Nguyễn Văn Luận, Phạm Huy Lục, Dương Bá Trạc, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Đôn Phục, và Đỗ Thận.

II. NHỮNG HOẠT ĐỘNG và ĐÓNG GÓP XÃ HỘI

Năm 1906 – Nguyễn Văn Vĩnh là người Việt Nam đầu tiên gia nhập Hội Nhân quyền Pháp   (Ligue des Droits de l’homme). Nghi thức kết nạp ông, được thực hiện tại Paris (12).

Năm 1907 – Nguyễn Văn Vĩnh đứng đơn xin phép Nhà Cầm quyền mở trường Đông kinh Nghĩa thục ở số 10 phố Hàng Đào, Hà Nội, do Lương Văn Can (1854-1927) là Thục trưởng (13). Là người từ chối búi tó, mặc áo the, đội khăn xếp và đi guốc, để thể hiện tính cải cách – Tân học. Ông chính thức lấy bút danh là “Tân Nam tử” khi viết báo. Là người đầu tiên đứng ra thành lập “Hội dịch sách” tại Hội quán Trí tri ở 47 phố Hàng Quạt, Hà Nội (14).

Năm 1908 – Nguyễn Văn Vĩnh là người Việt Nam duy nhất đứng ra ký đơn gửi Toàn quyền Đông Dương (Haut-commissaire de France en Indochine) đòi thả Phan Châu Trinh khi bị bắt, vì Phan Châu Trinh vô tội (15). Ông cũng là người bảo lãnh cho Phan Kế Bính thoát án tử hình do tham gia Đông kinh Nghĩa thục (16) .

1918 – Là người từ chối nhận Kim khánh của Triều đình Huế (17).

1920 – Là người đầu tiên dàn dựng, đạo diễn các vở hài kịch của đại văn hào Pháp Moliere, do ông dịch sang tiếng Việt. Ông đã cùng các con trai của mình, thủ vai trong một số vở hài kịch của Moliere, diễn trên sân khấu Nhà Hát lớn Hà Nội.

1922 – Là người đầu tiên quyết định xây dựng việc in ấn trở thành ngành công nghiệp (18).

1924 – Là người đầu tiên thực hiện việc sản xuất phim điện ảnh (cinematographie) với tác phẩm Kim Vân Kiều (phim câm) (19).

1926 – Là người Việt Nam đầu tiên hợp tác với E. Vayrac thành lập Trung tâm phát hành các ấn phẩm văn hóa mang tên “Âu Tây tư tưởng”.

Là người phát động phong trào cải tiến chữ Quốc ngữ (20).

1930 –  Là người từ chối Bắc đẩu Bội tinh của Chính phủ Pháp.

1931 – Từ chối làm Thượng thư cho Triều Đình Huế.

1935 – Là người từ chối mọi ân sủng của Chính phủ Thuộc địa, không chấp nhận thỏa hiệp khi bị cấm viết. Ông chấp nhận “đi đày” ở Sê Pôn – Lào(21), với danh nghĩa đi tìm vàng để trả nợ ngân hàng.

Hết phần 1 bản tóm tắt.

Nguồn: http://www.tannamtu.com/?p=2822

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.