Jan 14, 2025

Tùy bút - Bút ký

Chần Chần Ơi Hỡi Chần Chần,
Hoàng Long Hải (Tuệ Chương) * đăng lúc 07:00:40 AM, May 16, 2017 * Số lần xem: 1700
Hình ảnh
#1

               
              Image result for ốc gạo ốc hút images


      CHẦN CHẦN ƠI HỠI CHẦN CHẦN

(Tặng Trần Quốc Phiệt, “người Chợ Cạn” - Tác giả)                                                   

 

“Chần chần ơi hỡi chần chần,
Ham ăn bỏ việc không mần mạ la”
                                (Ca dao)



      Ốc chần chần nhỏ bằng hột nút áo, dẹp, xoắn ốc theo chiều kim đồng hồ. Tất cả đều xoắn theo một chiều đó mà thôi, cả triệu con chưa chắc đã có con ốc nào có đường xoắn ngược lại. Tỷ lệ đường xoắn rất đều, từ trung tâm mà ra, ở tâm thì nhỏ, to ra dần dần. Nếu dùng thước mà đo - có lẽ cũng khó đo lắm - hay như bây giờ, dùng computer mà đo, tỷ lệ trong nhỏ ngoài to không xê xích chút nào. Đó là sự nhiệm mầu của Tạo Hóa.


       Ốc chần chần thường màu trắng, có những đường viền theo
hình xoán ốc màu đỏ nhạt, kèm theo là những đường xanh nhạt; trông cũng không đẹp lắm, nhưng cũng không xấu. Mùa hè - chỉ mùa hè mà thôi - người miệt biển gánh lên thị xã Quảng Trị bán chần chần nhiều lắm. Ốc chần chần đã nấu chín, đựng trong thúng cạn, đong bằng cái chén nhỏ, hay bằng cái “loon” sắt, không bán chung với nước như hến hay chắt chắt. Thường người bán cho
thêm mấy cái gai cây bưởi. Dùng gai đó để lể, tức là móc con chần chần từ trong vỏ ốc ra.


       Ăn chần chần không cần thêm nước chấm - nước mắm pha ớt,
gừng chẳng hạn - , luộc bằng nước biển hay vì con chần chần ở biển, đã mặn sẵn. Cái gai bưởi dùng nhiều lần bị cùn, không móc được nữa, thì dùng “kim găm”, có nơi gọi là “kim băng”, mấy cô bà thường dùng găm ngang túi áo, để đồ đạc trong túi khỏi rớt ra ngoài; mũi kim băng bằng sắt, nhọn, móc đầu con chần chần ra nhanh và dễ hơn.


       Con hến hay con chắt chắt đã nhỏ, con chần chần lại nhỏ
hơn, thường người ta chỉ móc được cái đầu chần chần, nhỏ bằng nửa hột gạo, bỏ vào miệng chẳng thấm vào đâu cả. Ruột mắc phía trong, ít khi lấy ra được. Nhưng cái vị mặn, thịt hơi dòn, dễ làm cho người ta “say”. Hết hột nầy, qua hột khác, cứ thế ngồi mà lể hằng giờ. Người ăn chần chần phải kiên trì, ngồi lể hoài, chẳng bao
giờ được no, chẳng bao giờ hết “khoái khẩu”, vừa ngồi ăn vừa nói
chuyện, có khi là  “ngồi lê đôi mách”, thành ra vui chuyện, ngồi lâu, bỏ đi không được. Cái công việc nầy chỉ thích hợp cho “mấy đứa con gái”. Bọn con trai không có cái kiên trì ngồi lể chần chần như thế.
     Dĩ nhiên, ngồi hoài thỉ bỏ việc, nên ca dao mới có câu than:

            Chần chần ơi hỡi chần chần,
            Ham ăn bỏ việc không mần mạ la.


     “Ham ăn”? Tức là tham ăn, ăn hoài không thấy chán! Cứ nghe ngôn ngữ trong câu ca dao: “mần việc” thay vì “làm việc”. “Mạ”
thay vì mẹ hay má, thì rõ ràng chần chần ở xứ tôi mới có. Chỉ ở Quảng Trị mới có ốc chần chần.
      Từ phá Tam Giang trở vào, cho tới miền Tây Nam Bộ, nơi tôi
“lặn lội” ở đó nhiều năm dài, tôi không thấy ở vùng đó có ốc chần chần bao giờ. Ngay Thuận An cũng đã không có rồi, nói chi xa hơn về phía Nam.
     Thông thường bờ biển Việt Nam nhiều vùng có cát. Cát ở Cửa
Tùng, Cửa Việt, ở các làng Cát Sơn, Thủy Bạn, An Mỹ… trắng lắm, màu của tờ giấy trắng. Cát ở Cửa Thuận An vàng hơn. Như vậy, có phải chỉ ở vùng có cát trắng như tờ giấy trắng mới có con chần chần, cát vàng thì không?! Khi tôi lớn lên thì nước ta chia làm hai miền ở sông Bến Hải nên tôi không được ra phía bắc của con sông nầy để biết vùng ngoài đó có chần chần hay không.
     Năm 1947, khi gia đình tôi chạy tản cư ra ở làng Huỳnh
Công, phủ Vĩnh Linh, dự trù ra Thanh Hóa, theo lệnh của Việt Minh thì Tây đổ bộ lên Đồng Hới, con đường ra Bắc không đi được nữa. Gia đình tôi lại chạy về phía Nam sông Bến Hải, đường đi là dọc theo bờ biển, theo các làng Thủy Tú, Thủy Bạn. Bờ biển vùng nầy cũng toàn cát trắng, nhưng vừa chạy giặc, lại không ở lâu nên tôi không nhớ ở các làng đó, có con chần chần hay không!
      Điều nầy, độc giả muốn biết rõ hơn, xin hỏi “Nhà Thổ
Nhưỡng Học Thái Công Tụng”, ông quê ở Cam Lộ, ông sẽ giải thích cho. Tôi hy vọng như thế! Nhưng chợ Cạn thì nhiều lắm.
     Chợ Cạn có thể coi như một cái chợ nhỏ, nhưng lại là trung tâm của các làng vùng biển Quảng Trị: Phía bắc Chợ Cạn có các làng Việt An, Tường Vân, Gia Đẳng, phía nam có các làng Linh (hay Liên?) Chiểu, Đồng Bào, Phương Lang… Chợ chỉ đông vào buổi sáng, hình như mỗi tháng có mấy phiên, tan cũng rất nhanh. Buổi chiều thì chợ vắng tanh, buồn ghê! Buồn như chợ chiều mà. Ca dao đã nói vậy.

             Chợ chiều nhiều khế, ế chanh
             Nhiều con gái tốt nên anh chàng ràng
             Chàng ràng như ếch hai hang
             Như chim hai ổ, như nàng hai nơi...


     Khế thường chua, còn chanh thì không ngọt bao giờ. Chanh
ngọt thì ai mua? Con gái tốt là con gái đẹp. Thấy con gái đẹp thì “anh chàng ràng”, chắc cũng không sai. Nhưng tại sao lại đem con gái đẹp mà ví với chanh hay khế? Tại vì con gái “chanh chua” hay con gái như trái khế, trái chanh chua. Ngó thì ngọt nhưng ăn vào thì chua lắm… Kinh nghiệm của tôi đó mà!!!
      Những năm cuối thập niên 1950, nhiều nhà đua nhau làm rèm cửa. Do

một “sáng kiến” nào đó, họ dùng báo “Thế Giới Tự Do” của Phòng Thông Tin Hoa Kỳ cắt nhỏ rồi cuốn lại, làm rèm như rèm trúc. Dĩ nhiên, sau đó, việc phát không báo “Thế Giới Tự Do” không dễ dàng như trước kia nữa.
       Có người lại “sáng kiến” dùng ốc chần chần thế vô. Người ta đục lỗ xuyên qua chiều dẹp của con chần chần, xâu một sợi chỉ vải hay gấc vào đó. Bức rèm trông cũng đẹp, nhưng vỏ ốc chần chần không bền. Vỏ mỏng quá, không bao lâu, cái lỗ xâu rộng ra, cái vỏ ốc nằm ngang, “mất trật tự”, trông xấu quá, người ta phải bỏ đi.
      Trở lại chuyện năm 1947, gia đình tôi chạy tản cư về Chợ
Cạn, trước khi ra Vĩnh Linh. Chợ Cạn nằm bên con đường đất, từ phía Linh Chiểu, Phương Lan ngang qua chợ mà ra phíc bắc, có các làng Gia Đẳng, Tường Vân… Con đường nầy bây giờ có tên là Tỉnh lộ 68(?). Từ con đường đất ngó vào, bên phải là một dãy nhà, gian ngoài cùng là quán “chạp phô” của chị Ba, người gọi mẹ tôi bằng dì. Chị đã có chồng, có con. Tôi chỉ thấy mấy đứa con mà không thấy chồng chị. Ông “theo Việt Minh” rồi, có lẽ. Phía trong cũng có một dãy nhà song song với con đường đất. Một người
thợ hớt tóc, chạy tản cư về đây, mở tiệm hớt tóc. Tiệm ế lắm, buổi
chiều, anh cùng đám thanh niên trong làng đánh bóng chuyền ở sân chợ. Kế sân, sát đường đất là một cây bàng già, lưu niên. Điều tôi nhớ nhất ở gốc bàng nầy là cái gì? Một đống vỏ chần chần. Ai ăn chần chần xong, cứ đổ vỏ vào đấy, chẳng ai la rầy gì cả. Đống vỏ chần chần nầy cũng “lưu niên”, có nghĩa là người ta đổ vỏ vào đây từ mấy năm trước. Đống vỏ cũ chưa tiêu hết thì đống vỏ năm sau được đổ chồng lên.
      Mấy năm sau, khi lớn hơn tí chút, sau “trận Thanh Lương”
năm 1953, Tây thua một trận te tua ở Thanh Lương, ông Đội Trọng, làm “đơ dzèm buya rô” cho Tây ở thị xã Quảng Trị, bị Việt Minh bắt, bị Việt Minh xử tội, treo cổ ở cây bàng nầy. Đó là điều tôi nghe kể lại. Mới đây, hình như ông Trần Quốc Phiệt cải chính tin ấy, nói là ông Đội Trọng bị bắn chớ không phải bị treo cổ ở cây bàng nầy. Đằng nào cũng chết, “một đời theo Tây”.
      Hồi ấy chị Sâm, con gái chưa chồng, cũng có gian hàng bán
ở chợ. Buổi chiều, ra về, chị thường cầm ở tay một cuốn sách, dày như cuốn tự điển. Tôi nghĩ chị là người có học. Vậy mà cũng mấy năm sau, khi gia đình tôi đã “hồi cư” về thị xã. Tôi lại gặp chị. Chị đã có chồng, một ông đội Tây. Chị thuê nhà ở cạnh nhà tôi. Một hôm, chị nhờ tôi viết một cái thư gởi về cho mẹ còn ở Chợ Cạn - Tôi đang học lớp nhì. Khi đó tôi mới “tá hỏa” ra là chị không biết chữ. Vậy mà hồi ở chợ Cạn, chị thường ôm cuốn tự điển trong tay. Đó là cái hộp gỗ, trang trí như cuốn sách dày. Cái hộp gỗ cũng “hù” người ta được vậy!
      Phía đối diện với chợ, có ngôi nhà lớn trở mặt ra phía con
suối cạn, tôi “phục” ông chủ nhà nầy lắm. Ông ta khoéo tay, dùng cái cọng dù cũ chế thành cây súng bắn chim. Phía Bắc chợ, cách khoảng chừng nửa cây số la nhà anh Trần (?) Văn Mai, đã có vợ con. Anh cả tôi thường đến chơi, có lẽ anh Mai là người có học. Anh có bằng “ri-me”. Nhà anh Mai khá giả. Con đường đi vô nhà khá dài, hai bên là hai hàng chè tàu. Cũng mấy năm sau, tôi lại gặp anh ở thị xã Quảng Trị, anh làm việc cho ty Công-An Việt Nam.
      Nhà tôi ở sát chợ, phía bên kia con đường đất, đối diện
với chợ. Hồi đó tôi đã biết hát vài bài: Ngoài những bài như “Không Quân VN”, “Hải Quân VN”, “Lệnh vua hành quân…”, tôi thường hát “Chinh phụ ca”: “Từ chàng ra đi, lưng khoác chiến y, và hồn nương bóng quốc kỳ…” Dân nhà quê, không rành hát hỏng, với lại đó là những bài hát mới, thường gọi là “Nhạc cải cách”, họ ít khi được nghe, nên thường “yêu cầu” tôi hát cho họ nghe. Hát xong, chẳng ai cho gì, ngoài tiếng khen…
      Buổi chiều, ba anh em tôi: Anh cả, anh kế và tôi thường đi
qua phía làng Linh Chiểu, nơi có nhiều đám ruộng, lúa đã cao nhưng chưa trỗ bông. Phía làng đó có một cô “nữ học sinh” còn trẻ, nhà ở trong Thành cổ Quảng Trị, cũng “chạy tản cư”; nhiều ngày, cô thường mặc một bộ đồ trắng, áo dài tha thướt, lửng thửng ở Chợ Can! Ông anh cả tôi “ngấp nghé” cô nàng nầy chăng?
       Từ những đám ruộng và từ trong những cánh đồng ấy, tiếng giun dế kêu liên tu bất tận, dễ làm cho tôi nhớ nhà, ngôi nhà cũ ở thị xã, mà tôi xa cách gần một năm nay, kể từ khi có lệnh tản cư của Việt Minh. Những âm thanh mùa hè đó, rời khỏi Chợ Cạn, tôi không còn nghe nữa. Tuy vậy, nếu độc giả nghe “Four Seasons” của Vivandi, sẽ gặp nó đấy. Té ra, âm nhạc, tiếng hát, tiếng gọi của đồng quê, Đông Tây cũng giống nhau!
       Được ít lâu thì Tây về lùng, có lính Bảo Vệ đi theo. Tây
thì đốt nhà, giết ai họ nghi là Việt Minh, lính Bảo Vệ thì bắt gà, bắt
heo. Bọn trẻ ở chợ như chúng tôi thường nói câu, không biết ai dạy
cho: “Cắc, bụp, tùng xeo, mấy thằng Bảo Vệ bắt heo đồng bào” hoặc “Cắc bụp tùng xòa, mấy thằng Bảo Vệ bắt gà bắt heo.” Khi Tây về lùng, thanh niên trai gái chạy cả, chạy vô phía làng Đồng Bào, Phương Lang. Thanh niên thì sợ Tây bắn. Con gái thì sợ bị hiếp dâm. Tôi chạy núp dưới cây cầu tre, mặt cầu đan bằng tre, ở con suối giữa chợ và làng Linh Chiểu. Hai chiếc máy bay đang đảo vòng quanh, chuẩn bị bắn xuống Chợ Cạn lần thứ hai hay lần thứ ba, tôi không nhớ. Tôi chợt nghĩ, núp dưới cầu như thế nầy, người đang chạy trên cầu, máy bay sẽ bắn họ. Bắn họ những lại trúng tôi! Vậy là tôi bỏ cây cầu chạy ra phía biển. Nhà dì tôi, mẹ chị Ba, ở phía ấy. Tây về lùng tới Chợ Cạn thì rút lui. Mọi người lại về. Chị
Ba kể: “Có thằng lính Bảo Vệ, nói với thằng Tây: “Mì xự, mì xự. Lấy bún mà măng-giê”. Thằng Tây không ăn. Tên lính Bảo Vệ biểu chị Ba làm cho nó một “đọi” (tô) bún, chan nước mắm và ớt vô. Trước khi ăn, nó đưa tay làm dấu Thánh giá.
     Còn tôi? Khi máy bay bắt đầu xả súng, tuị chun nằm dưới gầm giường, bên cạnh chị tôi. Không hiểu sao, tôi lại trồi lui, rồi chạy ra con suối cạn. Một thằng bé cùng xóm chui vô nằm ngay chỗ tôi, bên cạnh chị tôi. Thằng bé lãnh ngay một viên đạn ở ngực, chết liền tại chỗ, thế mạng tôi. Mấy chục năm rồi, tôi vẫn không quên đống vỏ chần chần ở gốc cây bàng trong sân chợ và lần thoát chết ở đó, năm chạy tản cư.

                                                                         Hoàng Long Hải


     C/c: Tôi có đứa cháu nội, cháu gái, mẹ nó quê ở Chợ Cạn. Mẹ đặt tên con là “Juliany”, dân Mỹ mà! Đứa cháu bé làm tôi nhớ Chợ Cạn, nên thay vì gọi nó bằng tên Mỹ, tôi lại gọi nó bằng cái tên nhiều kỷ niệm với tôi: “Con Chần Chần.” Vợ tôi thường nói: “Đưa Chần chần cho nội bồng” mỗi khi vợ chồng nó bồng con tới thăm!

 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.