Jan 13, 2025

Biên khảo

Những thành ngữ có xuất xứ từ thơ cổ điển và điển cố 21 - 28
Nguyễn Ngọc Kiên * đăng lúc 12:59:23 AM, Apr 06, 2017 * Số lần xem: 2389
Hình ảnh
#1

          (21) 对牛弹琴 [đối ngưu đàn cầm] (đàn gảy tai trâu)

          Thành ngữ này có nghĩa đen: Gảy đàn cho trâu nghe thì trâu sẽ chẳng hiểu gì.

          Ngụ ý: Nếu đối tượng tiếp nhận không hiểu gì về nội dung, lĩnh vực mà mình cần truyền bá, giảng dạy thì cả 2 phía đều phí công vô ích. Ngoài ra, câu thành ngữ này cũng chỉ việc thuyết giảng đạo lý với 1 người ngang ngạnh, nói mãi không chịu nghe.

 

          Thành ngữ này bắt nguồn từ điển cố Trung Hoa:

          Chuyện rằng xưa có ông Công Minh Nghi là người am tường âm nhạc. Tiếng đàn của ông nổi tiếng là hay và cảm động lòng người. Một ngày trời cao gió mát, ông đang dạo chơi thì nhìn thấy con trâu đang thong dong gặm cỏ. Tức cảnh sinh tình, ông liền gẩy điệu “Thanh giác chi tao” cao nhã . Tiếng đàn của Công Minh Nghi du dương cất lên, nhưng con trâu vẫn bình thản gặm cỏ khiến ông rất bực. Sau khi quan sát, ông nhận thấy tuy trâu nghe thấy tiếng đàn của ông, nhưng vì khúc nhạc này không phù hợp với trâu khiến nó không thể cảm thụ và thưởng thức được. Biết vậy, Công Minh Nghi chuyển sang 1 khúc nhạc dân dã hơn. Con trâu nghe thấy tiếng đàn nhầm tưởng với tiếng ruồi muỗi vo ve, tiếng bê con kêu, nên dỏng tai chăm chú lắng nghe.

          Đến cuối đời Đông Hán, có một người thông tuệ đạo Phật tên Mâu Dung, mỗi lần giảng dạy các đệ tử Nho Giáo, ông đều mượn các sách điển của nhà Nho để thuyết giảng đạo Phật. Các đệ tử thấy lạ bèn hỏi ông nguyên do, ông kể lại câu chuyện của Công Minh Nghi “đàn gẩy tai trâu” cho họ nghe. Ai cũng lấy làm tâm phục khẩu phục bởi thầy Mâu Dung đã tìm hiểu kỹ đối tượng để có cách giảng dạy hiệu quả nhất. Từ đó “đàn gảy tai trâu” trở thành một thành ngữ được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay.

                               (Theo Kiến thức tiếng Trung.com)

 

          Nhiều người thường cho rằng “Đàn gẩy tai trâu” đồng nghĩa với “nước đổ lá khoai”, “nước đổ đầu vịt”.Người Anh có cách tư duy tương tự: water on duck’back (nước đổ lưng vịt), Song, ngoài ý nghĩa làm việc

gì đó phí công vô ích, thì 3 thành ngữ này được sử dụng với ý nghĩa và bối cảnh khác nhau.

 

 

          (22)画龙点睛 [Họa long điểm tinh] Vẽ rồng thêm mắt

          “Vẽ rồng điểm mắt” là câu thành ngữ bắt nguồn từ câu chuyện ly kỳ được truyền đời này qua đời khác của một danh họa thời nhà Lương mà trình độ vẽ đạt tới mức truyền thần…

          “Vẽ rồng điểm mắt” có xuất xứ từ cuốn “Lịch đại danh hoạ ký” (Ghi chép về những danh hoạ nổi tiếng trong các triều đại) do Trương Ngạn Viễn thời Đường soạn.

          Trong tác phẩm ghi lại Trương Tăng Dao vẽ bốn con rồng trên bức tường của Kim Lăng An Lạc Tự, nhưng ông không vẽ mắt.

 

Ông thường nói: “Vẽ mắt rồng sẽ bay mất”.

          Mọi người cho rằng lời nói của ông là hoang đường, vô căn cứ, nên kiên quyết thỉnh mời ông vẽ thêm mắt. Một lúc sau, sét đánh đổ tường, hai con rồng được vẽ thêm mắt cưỡi mây bay lên trời. Chỉ còn lại hai con rồng không vẽ mắt vẫn ở trên tường.

          Trương Tăng Dao là hoạ sĩ triều đại nhà Lương, Nam Triều, thuộc thời kỳ Nam Bắc triều của Trung Quốc. Ông từng được bổ nhiệm các chức vị như tướng quân, thái thú Ngô Hưng.

          Ông rất giỏi vẽ tượng Phật, thần tiên, rồng, những bức hoạ ông vẽ gồm: “Hành đạo Thiên vương đồ”, “Ma nạp tiên nhân đồ”, “Tượng Như Lai”, “Bồ tát”, “Hán đại xạ giao đồ” (Bức hoạ bắn giao long thời Hán), “Côn Minh Nhị Long Đồ” (Bức hoạ hai con rồng ở Côn Minh), “Duy Ma Cật Tượng” (Tượng Vimaiakirti), “Hoành Tuyền Văn Long đồ”.

          Trương Tăng Dao tín ngưỡng Thần nên đặt tên các con trai là Thiện quả, Nho Đồng, các con trai ông đều rất giỏi vẽ Thần Phật.

          Kỹ năng sở trường của Trương Tăng Dao là vẽ “hoa văn chìm nổi”. Năm thứ ba Đại Đồng ông có trang trí chùa Nhất Thừa, cách huyện Nam Kinh sáu dặm về hướng Tây Bắc…toàn bộ cửa ngôi chùa được vẽ hoa văn chìm nổi, còn gọi là bút tích của Trương Tăng Dao, hoa văn đó chính là được tạo bởi phương pháp vẽ còn sót lại của người Ấn Độ, do màu son và màu xanh lục tạo thành, nhìn xa giống như hình khối chìm nổi, nhìn gần lại rất phẳng, chính vì vậy nên đặt tên chùa là chùa ‘chìm nổi’”.

          Trong cuốn “Triều Dã Thiêm Tải”, Trương Tinh Trạc thời Đường viết về chuyện Trương Tăng Dao vẽ chim ưng như sau: Chùa Nhuận Châu Hưng Quốc khổ vì chim bồ câu đậu trên xà nhà, phân chim làm ô uế tượng Phật, Trương Tăng Dao bèn vẽ một con chim ưng lên bức tường phía Đông, vẽ một con diều hâu lên bức tường phía Tây, chúng đều nghiêng đầu nhìn ra ngoài mái hiên, từ đó về sau, chim bồ câu không dám bay tới nữa.

Trong cuốn “Lịch đại danh hoạ ký” kể về hai câu chuyện thần kỳ khác của Trương Tăng Dao:

          Trước kia, khu Ngô Tào thỉnh thoảng lại rộ lên phong trào vẽ “Thanh Khê Long” (Rồng suối xanh), Trương Tăng Dao bèn vẽ rất nhiều hình rồng tại đình Long Tuyền của Lương Vũ Đế. Bản vẽ phác thảo lưu tại mật phòng, người thời đó còn chưa coi trọng nó. Tới những năm Thái Thanh, sấm sét làm rung động đình Long Tuyền, rồng trên vách tường đột nhiên biến mất, mọi người mới biết rằng rồng mà Trương Tăng Dao vẽ nhân lúc mưa gió sấm sét đã bay đi mất, mới biết nó thần kỳ huyền diệu thế nào.

          Trương Tăng Dao vẽ hai vị hoà thượng ngoại quốc nước Thiên Trúc (tức Ấn độ), do xảy ra cuộc chiến tạo phản của Hầu Cảnh nên bức hoạ hai vị hoà thượng bị chia cắt làm hai và bị thất lạc. Sau này, bức hình của một trong hai vị hoà thượng được viên quan Lục Kiên lấy được. Khi Lục Kiên lâm trọng bệnh, mơ thấy một vị hoà thượng ngoại quốc bảo với ông rằng: “Ta có một người bạn li biệt đã lâu, hiện ở nhà họ Lý tại Lạc Dương, nếu ông tìm được bạn của ta, giúp chúng ta tái hợp, ta sẽ dùng pháp lực giúp ông”. Lục Kiên quả nhiên mua được bức tranh vẽ vị hoà thượng kia tại đó, bệnh của ông liền khỏi.

          “Lịch đại danh hoạ ký” còn nói: “Tranh vẽ của Trương Tăng Dao hết thảy đều có linh cảm, không sao nhớ hết cho được”. Tức là những bức tranh mà Trương Tăng Dao vẽ ra đa phần đều mang thông linh cảm ứng, không thể ghi chép hết toàn bộ.

Những hoạ gia lớn thời cổ đại đều xuất hiện rất nhiều thần tích, đa phần họ đều vẽ Thần Phật. Bởi vì tín ngưỡng Thần Phật nên Thần Phật sẽ triển hiện thần tích và ban cho họ kỹ năng vẽ hạ bút như Thần. Con người hiện đại không tin vào sự tồn tại của Thần nên Thần tích cũng không được triển hiện.

 

Theo minhhue.net

 

          Như ở kì trước chúng tôi đã nói “Họa long điểm tinh” (Vẽ rồng điểm mắt ) gần nghĩa với “Họa xà thiêm túc” (Vẽ rắn thêm chân).

          Hiện nay, người ta vẫn thường dùng "Họa long điểm tinh" để ví với việc khi viết văn chương, phải đi sâu và làm sáng tỏ những điều then chốt nhất, khiến nội dung càng thêm phần sống động.

 

          (23)

[Nhất phiến băng tâm] Một tấm lòng trong sạch / trinh bạch

          Thành ngữ này có xuất xứ từ bài “Phù Dung lâu tống Tân Tiệm”. Nguyên văn như sau:




Phù Dung lâu tống Tân Tiệm kỳ 1

Hàn vũ liên giang dạ nhập Ngô,
Bình minh tống khách Sở sơn cô.
Lạc Dương thân hữu như tương vấn,
Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ.

Dịch nghĩa

Lầu Phù Dung tiễn Tân Tiệm

Mưa lạnh rơi khắp mặt sông trong đêm vào đất Ngô,
Khi trời sáng tiễn khách chỉ có ngọn núi đất Sở trơ trọi.
Nếu như bạn bè thân thích ở Lạc Dương có hỏi thăm,
(Thì xin đáp rằng lòng tôi đã thành) một mảnh lòng băng giá trong bầu ngọc rồi.

 

          Chú thích: Phù Dung lâu do vua nhà Đông Tấn cho xây và đặt tên ở tại phía tây bắc thành Trấn Nam phủ (nay là tây bắc huyện Đan Dương, tỉnh Giang Tô).

 

Bản dịch của Tương Như

Mưa lạnh tràn sông đêm đến Ngô
Sáng ra tiễn khách núi buồn trơ
Lạc Dương nếu có người thân hỏi
Một mảnh lòng băng tại ngọc hồ.

 

          Tương đương với thành ngữ này tiếng Việt có “một tấm lòng trong trắng” hay “một tấm lòng trinh bạch”. Nguyễn Du trong kiệt tác Truyện Kiều đã viết:

 

          Thân lươn đâu quản lấm đầu

 

          Chút lòng trinh bạch từ nay xin chừa

          Xin lưu ý đây không phải là “tấm lòng” mà là “chút lòng”. Phải chăng đó là nghệ thuật sử dụng từ của tác giả.

 

 

(24)天涯比 [thiên nhai tỉ lân] (chân trời góc bể như ở bên)

          Thành ngữ này laị có xuất xứ từ bài “Tống Đỗ thiếu phủ chi nhậm Thục châu” của Vương  Bột. Bài thơ như sau:








Tống Đỗ thiếu phủ chi nhậm Thục châu

Thành khuyết phụ Tam Tần,
Phong yên vọng Ngũ tân.
Dữ quân ly biệt ý,
Ðồng thị hoạn du nhân.
Hải nội tồn tri kỷ,
Thiên nhai nhược tỉ lân.
Vô vi tại kỳ lộ,
Nhi nữ cộng triêm cân.

 

Dịch nghĩa

Tường thành bảo vệ đất Tam Tần
Nhìn vọng qua gió thổi những làn khói có thể thấy năm bến sông Thục
Cùng cảm thông với bạn nỗi xa cách
Bởi đôi ta đều là những kẻ làm quan nơi xa
Trong đất liền này ta cũng còn người là tri kỷ
(Cho nên) có ở ven trời góc biển vẫn coi như là bên cạnh
Hai ta xin đừng đứng ở ngã rẻ đường
Khóc lóc như tuồng nhi nữ

 


Chú thích: Đỗ thiếu phủ không rõ lai lịch. Thục châu nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên.

 Bản dịch của Trần Trọng San

Tường thành gìn giữ đất Tam Tần,
Gió khói trông vời chốn Ngũ tân.
Cùng với ai kia tình cách biệt,
Ðều là đường hoạn kiếp du nhân.
Khắp trong biển, còn người tri kỷ
Ở góc trời, như xóm láng gần.
Hà tất ngậm ngùi nơi rẽ lối,
Giống tuồng nhi nữ, lệ đầy khăn.

(25) 三顾茅庐[tam cố mao lư] (ba lần đến lều tranh)

          Thành ngữ này có xuất xứ từ "Xuất sư biểu" của Gia Cát Lượng thời Tam Quốc.

          Cuối thời Đông Hán, Lưu Bị bị Tào Tháo đánh bại, phải chạy sang Kinh Châu với Lưu Biểu. Nhằm gây dựng nghiệp lớn, Lưu Bị đã đi khắp nơi tìm kiếm nhân tài, chiêu mộ hiền sĩ. Sau danh sĩ Kinh Châu Tư Mã Huy đã tiến cử với ông "Ngọa Long tiên sinh" Gia Cát Lượng.

 

          Gia Cát Lượng sống ẩn cư ở Long Trung cách phía tây thành Tương Dương 20 dặm, dưới mái nhà tranh vách nứa và làm nghề đồng áng̣. Ông học thức uyên bác, tinh thông sử sách, là một nhân tài kiệt xuất. Lưu Bị được biết bèn đến Long Trung thăm viếng. Ông trước sau đến Long Trung ba lần, hai lần trước Gia Cát Lượng đều tránh không gặp, đến lần thứ ba mới chịu ra tiếp đón. Gia Cát Lượng đã cùng Lưu Bị phân tích tình hình thời cuộc, thảo luận việc giành chính quyền ra sao, và kế sách thống nhất thiên hạ, khiến Lưu Bị vô cùng khâm phục, nguyện tôn Gia Cát Lượng làm quân sư, gây dựng lại Hán thất. Gia Cát Lượng cảm động trước tấm lòng chân thành của Lưu Bị đã ba lần đến lều tranh mời mình, liền ưng thuận ra giúp Lưu Bị tranh đoạt thiên hạ.

          Từ đó Gia Cát Lượng trở thành trợ thủ đắc lực của Lưu Bị, phía đông liên minh với Tôn Quyền, phía bắc đánh Tào Tháo, lần lượt chiếm được Kinh Châu và Ích Châu, lập nên chính quyền Thục Hán, hình thành ba nước thế chân vạc Ngụy, Thục, Ngô.

          Trước khi qua đời, Gia Cát Lượng đã viết cho hậu chủ Lưu Thiền tờ "Xuất sư biểu" trong có đoạn viết: "Tiên đế đã không chê thần là kẻ thấp hèn, đã ba lần đến lều tranh mời thần.

          Có nhiều người đặt dấu hỏi rằng “tam cố mao lư” cùng với việc Gia Cát Lượng tại Phàn Thành tự thỉnh cầu tương kiến là chuyện thật hay chuyện bịa? Học giả đời Thanh Hồng Di Huyên 洪颐煊 trong Chư sử khảo dị 诸史考异 nói rằng Gia Cát Lượng lần đầu gặp Lưu Bị tại Phàn Thành, Lưu Bị tuy đãi vào hàng thượng khách, nhưng không đặc biệt coi trọng. Đợi đến khi Từ Thứ tiến cử, Lưu bị lần thứ hai gặp mặt mới dần có cảm tình sâu đậm. Đồng thời chỉ ra rằng: Lần gặp đầu tiên vào năm Kiến An 建安 thứ 12, lần thứ hai vào năm Kiến An thứ 13.

          Gia Cát Lượng và Lưu Bị rốt cuộc “nhất kiến”, “tái kiến” hay là “tam kiến”, điều này chỉ có người đương sự mới biết, nhưng “câu chuyện “tam cố mao lư” lưu truyền lại hấp dẫn rất nhiều người. ". Qua đó đã biểu lộ được sự hoài niệm sâu sắc của Gia Cát Lượng đối với ân chi ngộ của Lưu Bị, tình cảm hết sức chân thành và rung động lòng người cho tới ngày nay.

 

( 26)漂母之恩/漂母饭信

 [Phiếu Mẫu chi ân] (ơn Phiếu Mẫu/ Bát cơm Phiếu Mẫu)

          Bà Phiếu Mẫu, nhà nghèo khó, đã giúp Hàn Tín trong cơn đói cơm rách áo. Thuở hàn vi, Hàn Tín nghèo rớt mồng tơi, ngày ngày câu cá, nhưng cũng không kiếm đủ miếng ăn. Tuy vậy, Hàn Tín lại rất ham mê đèn sách, nghiên n cứu binh thư; lại muốn ra oai như mình là con nhà võ, đi đâu cũng lè kè mang theo cây kiếm. Bà Phiếu Mẫu ở cạnh nhà, kiếm ăn bằng nghề giặt thuệ Tuy miếng cơm vẫn thiếu trước hụt sau, nhưng thấy Hàn Tín quá đói khát, bà thường dẫn chàng dở hơi này về nhà cho cơm. Hàn Tín cảm động thưa:
          - Xin cảm on bà đã quá tử tế với tôi. Sau này công thanh danh toại tôi nguyện sẽ không quên ơn bà.
Phiếu Mẫu cười hiền hậu:
          - Ta thấy ngươi đói khát, nên chia sẻ miếng cơm giọt nước với ngươi, chứ đâu cần ngươi sẽ trả ơn sau này. Đàn ông gì như ngươi , tự nuôi thân không nổi thì noí chi đến quyền cao chức trọng sau này.
Hàn Tín hỗ thẹn vì lời chê trách, nên không dám tìm qua nhà Phiếu Mẫu kiếm cơm nữa. Bà già vẫn thương người cùng khổ, ngày ngày đem cơm đặt trước căn lều của Hàn Tín. Người trong làng xóm biết chuyện, gọi đó là "Bát cơm Phiếu Mẫu".
          Một hôm ở ngoài chọ có gã bán thịt to lớn, trông thấy Hàn Tín bước đi xiêu vẹo nhưng vẫn lòng thòng thanh kiếm bên lưng. Gã trêu tức:
          - Này tên ma đói kia, nam nhi như mày mà không kiếm ăn được, hằng bữa phải nhờ đến bát cơm Phiếu Mẫu, không biết nhục à? Có giỏi thì rút kiếm ra đấu, ta tay không. Thắng được ta thưởng cho cái đầu heo. Bằng không dám đấu, thì luồn dưới trôn của ông nội mày đây.
          Sắc mặt Hàn Tín đã xanh này càng xanh hơn. Tần ngần một lúc, Hàn Tín khúm núm lòn qua trôn gã hàng thịt. Cả chợ nhốn nháo chê cười Hàn sĩ. Nhưng có một tiều phu là Hứa Phụ, tình cờ qua đó, dừng lại trước Hàn Tín:
          - Huynh là người có tướng vương hầu; tuy nay khốn khổ nhưng hậu vận lại vinh hoa phú quí.
          Hàn Tín trở về túp lều, ngày đêm vẫn miệt mài dùi mài kinh sử. Lúc Hạng Lương nước Sở khởi binh đánh Tần, Hàn Tín đứng chống gươm bên bờ sông Tứ Thủy, tự tìm cơ hội tiến thân. Trông thấy Hàn Tín ngoại hình xanh xao vàng vọt, Hạng Lương "dội" ngay. Nhưng quân sư Phạm Tăng vội khuyên:
          - Tuy nhìn bề ngoài yếu đuối, nhưng chân tướng là người thao lược, ngài chớ nên bỏ
          Hạng Lương miễn cưỡng nhận lời, cho Hàn Tín làm chấp kích lang, tức là vác giáo theo hầu.
          Trong thơi gian này, Lưu bang đang dựng nghiệp đế ở Hán Trung, nhờ Trương Lương, giả lam lái buôn, đi chu du thiên hạ để chiêu hiền. Khi đến đất Sở, gặp được Hàn Tín, Trương Lương nhận ra ngay đây là một chân tài nhưng Sở không biết dùng người. Trương Lương bèn làm quen, và trao cho Hàn Tín một thanh kiếm báu, đề thơ tặng:
          Kiếm báu lập lòe tay dũng sĩ
          Non sông một giải chí hiên ngang.
          Máu hồng, men rượu say băng tuyết
          Muông dặm sơn hà một tấc gang.
          Hàn Tín đang còn ngỡ ngàng, thì Trương Lương đã tiếp:
          - Tại hạ biết được huynh là đấng hào kiệt nên đem kiếm báu tặng chứ không bán. Nay có chút quà mọn, xin huynh chớ từ chốị Hãy cùng nhau nhấp chén rượu mừng buổi sơ kiến. Hẹn ngày hội ngô trên đất Hán.
          Sau chầu rượu, Trương Lương thuyết phục Hàn Tín nên bỏ Sở, về phò Lưu Bang, là người nhân đức biết trọng lương thần, xứng danh thiên tử. Hàn Tín thuận tình, nên bỏ trốn khỏi Sở. Mấy ngày lạc trong rừng không tìm đường để lần đến Hán Trung, đói khát lả người. May thay, gặp được một lão tiều, cho ăn uống và hướng dẫn đường đi nước bước chu đáọ Hàn Tín sụp lạy cảm ơn cứu tử, rồi nhanh nhẹn lên đường. Nhưng vừa qua được một khúc quanh, Hàn Tín chợt nghĩ:
          - Ta đang bị Sở Bá Vương truy nã. Nếu chẳng may quan quân Sở cũng lần ra dấu vết đến đây, hỏi lão tiều phu này, thì tính mạng ta khó thoát. Lão già suốt ngày lẫm lũi trong rừng sâu, rồi cực khổ cũng chết khô xương , còn ta, cả cơ đồ sáng lạng trước mắt. Thôi thì, ta đành làm người vong ơn bội nghĩa..
          Hàn Tín quay trở lạị Kiếm vung lên, thân lão tiều phu đứt làm đôị Hàn Tín đem xác vùi bên sườn núi.
          Khi đến Hán Trung, Hàn Tín được Tiêu Hà - cận thần của Hán Vương tiếp kiến, liền tiến cử với Hán Vương. Vừa nghe đến tên Hàn Tín, Hán Vương đã cười khẩy:
          - Khi còn ở huyện Bái, ta đã nghe tiếng người này lòn trôn Đỗ Trung, xin cơm Phiếu Mẫu, làng nước ai cũng khinh bỉ. Con người như vậy thì làm sao mà làm được việc lớn?.
          Tiêu Hà bào chữa:
          - Xin Chúa công hãy suy xét, nhiều người bần tiện thuở thiếu thời nhưng sau vẫn dựng nên sự nghiệp, như Y Doãn là người sơn dã, Thái Công là kẻ đi câu ở sông Vị, Ninh Thích là gã buôn xe, Quản Trọng là kẻ tội đồ, đến lúc gặp thời đều làm nên đại sự. Hàn Tín tuy đã lòn trôn mưu sống, xin cơm cứu đói, giết ân nhân để trừ hậu hoạn..nhưng đó vẫn là người uyên bác, mưu lược; không dùng, tất hắn sẽ bỏ đi tìm nơi khác trọng dụng.
          Nể lời tấu trình của cận thần, Hán Vương giữ Hàn Tín lại, cho làm thủ kho lương thực. Tiêu Hà không đồng ý vì cho rằng Hàn Tín là người trí dũng, đem dùng vào việc nhỏ không xứng với tài năng. Phần Hàn Tín cũng chán nản; nấn ná một hai hôm lại trốn đi, để lại ít câu thơ, thảo trên vách:
          Anh hùng lỡ vận bước long đong
          Thà chịu an thân khỏi thẹn lòng
          Vó ngựa xa vời trông cố quận
          Công danh chán ngắt mộng anh hùng.
          Tiêu Hà hay tin Hàn Tín đã bỏ đi, dậm chân kêu trời, tiếc thay người tài không có đất dụng võ. Không nản lòng, Tiêu Hà đem theo ít quân hầu lần theo dấu tích Hàn Tín. Khi tìm gặp được, Tiê Hà cầm tay Hàn Tín ân cần:
- Cổ nhân có câu: Sĩ vị tri kỷ giả tử (kẻ sĩ có thể chết theo người tri kỷ). Tại hạ hiểu huyng là người tài, đã quyết tâm tiến cử, nhu8ng Chúc công vần chưa tin dùng. Nay nếu một lần tiến cử nữa, mà Chúa công vẫn không nhận, thì Tiêu Hà này cũng từ chức mà lui về vườn.
          Hàn Tín cảm kích lòng thành của Tiêu Hà, nên lại lên ngựa quay trở về Hán Trung. Nghĩ đến số phận mình còn long đong, Hàn Tín đề thơ:
          Mây gió phôi pha bóng nguyệt tà
          Vận thời chưa gặp khó bôn ba
          Nghèo hèn phận bạc đời dang dở
          Con tạo trêu ngươi mãi thế à!
          Chợt, Hàn Tín nhớ mấy câu thơ của "anh lái buôn " Trương Lương đã đề tặng mình. Lúc đó, Trương Lương vẫn còn chu du chiêu hiền chưa về đến. Hàn Tín đưa thơ cho Tiêu Hà xem. Tiêu Hà mừng rỡ:
          - Trời đất, thư giới thiệu của Tử Phòng, sao tướng công đã không trình cho Chúa công.
          Khi xem thơ của Trương Lương, Hán Vương giật mình:
          - Ôi chao, thì ra người của Trương Tử Phòng tiến cử. Ta thật không biết nhìn người.
          Theo đề cử của Tiêu Hà, Hán vương phong Hàn Tín làm Đại Nguyên Soáị Hàn Tín đã đem tài năng mình phò Lưu Bang, tóm thâu thiên hạ, dựng nên nhà Hán.
          Trong khi danh vọng ngất trời, Hàn Tín vẫn hãnh diện vì cái quá khứ bát cơm Phiếu Mẫu của mình và cũng từ đó, lưu truyền trong dân gian điển tích này.
          Chỉ tiếc khi tài - danh lên tột đỉnh, Hàn Tín vẫn không hượm chân, nên đã chết thảm dưới tay Lữ Hậu.

                               (Theo Maxreading)

          Trong Truyện Kiều, khi xử ân oán, Thúy Kiều mời bà quản gia và sư Giác Duyên đến tạ ơn:

 

          Nghìn vàng gọi chút lễ thường,
          Mà lòng Phiếu Mẫu mấy vàng cho cân.

 

          (27) 班门弄斧 [Ban môn lộng phủ] ( múa rìu qua mắt thợ)

          Thành ngữ này được dùng đả kích ví trường hợp làm hoặc khoe khoang việc mà mình không thạo trước mặt người rất thành thạo, (cũng dùng trong lối nói khiêm tốn) người dám thể hiện bản lĩnh nghiệp dư trước những người có nghề chuyên nghiệp .
          Thành ngữ này có xuất xứ:
          Thời xuân thu, Lỗ Ban là người nước Lỗ rất giỏi nghề mộc, ông còn được tôn là ông tổ nghề mộc.
          Nhà Thơ Lí Bạch nổi tiếng đời Đường , tự Thái Bạch hiệu là Thanh Liêm Cư Sĩ ,người Miên Châu, Xương Long . Từ nhỏ ông đã có kiến thức rất phong phú, ngoài kinh điển nho gia, sách sử nổi tiếng , ông còn đọc sách của bách gia tri tử và yêu thích thích kiếm thuật . Ông rất tin vào đạo giáo , thích ẩn cư , học thuật cầu tiên. Đồng thời lại mang hoài bão góp sức cho nước nhà.
          Đưòng Huyền Tông từng có lời thề trở thành ông vua anh minh đã cho triệu tập nhân tài.Trong dịp này Lý Bạch cho rằng chơ hội thi thố tài năng đã đến . Đường Huyền Tông thấy ông có tài ngang dọc , giỏi thơ văn lại có vẻ bề ngoài tuấn tú bèn cho làm quan ở Hàn Lâm Viện .Một thời gian sau Vương công , quý tộc quan lại hiển đạt đua nhâu kết thân với Lý Bạch . Do tính tình ông cương trực , không a dua nịnh hót, thường phản bác những lời lẽ rèm pha nên chưa đầy 2 năm sau ông bị cách chức ,đuổi ra khỏi kinh thành .
          Theo kể lại , vào một đêm ,khi Lý Bạch trèo thuyền đi dạo trên hồ , thăm Thái Thạch Cơ , ông đã uống rất say, nhìn thấy trăng dưới nước ông nhảy xuống mò nên bị chết đuối .
          Cũng có ý kiến cho rằng : Lý Bạch cố tình nhảy xuống sông tự vẫn ( lý do này có lý hơn bởi có nhiều nhà văn, nhà thơ tài ba tìm con đường giải thoát mình bằng cách tự vẫn .)
          Người ta an táng ông tại Thái Thạch Cơ. Từ đó Thái Thạch Cơ trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng .
          Mấy thế kỷ sau nhà thơ đời nhà Minh , Mai Chi Hoán
梅之焕 đến Thái Thạch Cơ làm bài điếu trước mộ Lý Bạch .Khi đứng trước mộ Thi Tiên Lý Bạch ,ông vô cùng ngạc nhiên và tực giận khi thấy những chỗ nào có thể viết chữ trên bia mộ thì mọi người đã viết cả . Những tác giả này văn thơ chẳng ra sao , đề loạn lên bài tiên thơ của LÝ Bạch, những câu thơ đó mà lại viết lên mộ của Lý Bạch thật là nực cười !.Ông cảm thấy thật không phải với Lý Bạch, bèn đem bút viết :

          题李太白墓

          采石江边一堆土,

          李白之名高千古。
         
来来往往一首诗,

          鲁班门前弄大斧

          “Thái Thạch giang biên nhất đống thổ
          Lý Bạch chi danh cao thiên cổ
          Lai lai võng võng nhất thủ thơ
          Lỗ Ban môn tiền lộng đại Phủ”

          Bản dịch của mailang

          Thái Thạch bên sông một nấm mộ,
          Danh cao Lý Bạch lưu thiên cổ.
          Qua qua lại lại cũng đề thơ,
          Trước cửa Lỗ Ban còn búa bổ.

          Ý nghĩa của bài thơ là ca ngợi Lý Bạch tài danh của ông cũng xứng đáng được tôn danh như Lỗ Ban . Và班门弄斧 đã trở thành thành ngữ của người Trung Quốc và còn lưu truyền cho tới ngày nay.

          Mọi dân tộc có cách tư duy giống nhau nhưng cách biểu đạt thì khác nhau  do văn hóa khác nhau  Ở Việt Nam nó được dùng là múa rìu qua mắt thợ hoặc đánh trống qua cửa nhà sấm .

          (28)
杯弓蛇影 [Bôi cung xà ảnh] ( sợ bóng sợ gió)  

          Thành ngữ này để nói về người sợ những thứ do mình tự tưởng tượng ra.
          Nó có xuất xứ như sau:
          Thời Tây Tấn , có một người tên là Nhạc Quảng . Anh ta giỏi ăn nói , thích nói dóc, cho dù ai có hỏi anh ta khó đến đâu anh ta cũng chỉ dùng mấy câu đơn giản để cho họ một câu trả lời vừa ý : Tuy nhiên những điều ông ta không biết thì không bao giờ nói bừa .Lúc đó thái úy Vương Diễn , Quang Lộc đại phu Bùi Gia cũng rất giỏi tán gẫu , họ đã từng mời Nhạc Quảng nói chuyện thâu đêm , nhưng cũng phải thừa nhận mình không bằng Nhạc Quảng . Vương Diễn thường nói với người khác : " Trước đây ta tưởng rằng mình ăn nói đã rất rõ ràng , ngắn gọn . Hôm nay gặp được Nhạc Quảng mới biết thế nào là ngắn gọn rõ ràng . Trước mặt anh ta chúng tôi đều cảm thấy mình nói rất lôi thôi .."
          Lúc đó một nhà thư pháp nổi tiếng , những năm đầu Hàm Ninh thời Tấn Vũ Đế được phong làm thượng thư lệnh. Một hôm nhà thư pháp thấy Nhạc Quảng đang tranh luận với thái uý Vương Diễn và mọi người , lời lẽ sâu sắc , sinh động , hài hước, cảm thấy vô cùng lạ nói: "Từ khi rất nhiều danh sĩ từ trần trở lại đây , ta cứ sợ rằng những lời lẽ tuyệt diệu sẽ không có người kế thừa, không ngờ hôm nay lại được nghe thấy ở đây”. Một hôm ông có người bạn từ nơi xa đến quê ông , Nhạc Quảng mời vị khách về nhà mình .Trời vừa tối , Nhạc Quảng bày ra bữa ăn thịnh soạn ở phòng khách hiếm khi sử dụng . Người xưa có câu , tửu phùng tri kỷ ngàn chén chưa say. Khi đã uống tới đầu óc quay cuồng , vị khách đứng dậy định cạn chén thì bỗng nhìn thấy một con rắn nhỏ đang lay động trong chén . Anh ta cảm thấy rất buồn nôn , nhưng rượu đã đến miệng thì phải uống . Để giữ thể diện chủ nhà , ông xin phép chủ nhà về nghỉ trước .Về phòng khách , ông cảm thấy buồn nôn vì nghĩ trong bụng có một con rắn .Không lâu sau ông ngã bệnh. Nhạc Quảng nghe thấy bạn mắc bệnh, và nguyên nhân của bệnh thì rất buồn , băn khoăn: "Trong rượu thì làm sao có rắn được ?"
          Thế là ông tìm người đầu bếp đến đó hỏi , rồi lại đến phòng khách quan sát kỹ , phát hiện thấy một cây cung sơn đầu đã cũ được treo trên xà nhà . Nhạc Quảng lập tức mang chén trà đi rót nước vào , đặt ở nơi hôm trước vị khách đặt, lúc đó bóng của cây cung vừa chiếu lên cốc rượu, lắc la lắc lư quả thật rất giống một con rắn . Sau khi đã hiểu rõ nguyên nhân , ông vui mừng chạy đến chỗ người bạn mời anh ta uống rượu . Khi vị khách vừa cầm chén rượu lên thì lại thấy hình một con rắn ở trong cốc lay động . Mặt ông ta tái xanh lại , hai tay run run,đến chén rượu cũng không dám ném đi .Lúc đó Nhạc Quảng chỉ cây cung treo ở trên tường , cười nói với bạn :" Lão huynh !làm gì có rắn ! Anh xem chẳng qua đó chỉ là hình cây cung thôi " Nói xong ông bỏ cây cung xuống thì trong cốc không còn hình con rắn nữa . Người bạn hiểu ra nguyên nhân , từ đó không còn lo sợ , bệnh quả nhiên khỏi

 (còn nữa, kì sau đăng tiếp)

Viết tại Hải Đường, 16/3/2017

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.