Văn Lang * đăng lúc 03:13:29 AM, Oct 09, 2017 * Số lần xem: 1919
Hình ảnh
#1
Văn Lang
Bác Sĩ D (công tác tại một bệnh viện lớn ở Sài Gòn, yêu cầu không nêu tên) cho biết, để giải quyết vấn nạn tồn tại lâu nay là người dân né tránh việc đưa người bị nạn trên đường đến bệnh viện cấp cứu vì sợ… phiền phức. Thì bên ngành y tế, cụ thể là các bệnh viện phải có một quỹ dự phòng riêng. Tiền này dùng để trả tiền “xăng” cho những người tốt, tình nguyện đưa người gặp nạn đi cấp cứu. Và cũng nên “có thưởng” cho người thiện nguyện để khuyến khích những người làm việc tốt.
Như tình trạng hiện nay, người tự nguyện đưa nạn nhân đến bệnh viện thường bị giữ lại làm “con tin.” Vì dù luật pháp có quy định là phải cứu chữa cho bệnh nhân trong tình trạng cấp cứu (nguy cấp), sau mới nói đến thủ tục và tiền viện phí. Nhưng hầu hết các bệnh viện đều “quy định” thu tiền tạm ứng trước, cứu chữa sau (kể cả người có Bảo Hiểm Y Tế tại ngay chính bệnh viện). Do vậy, chính bác sĩ điều trị cũng e ngại những bệnh nhân nguy kịch được đưa vô cấp cứu mà không có thân nhân đi kèm để đóng tiền. Vì những ca điều trị khẩn cấp và tốn kém này, nếu không có ai tới thanh toán, thì chính bác sĩ điều trị phải “è” cố ra mà… gánh. Nên tâm lý e ngại cũng “phủ” lên cả các bác sĩ, chứ không riêng gì bác tài Honda ôm, anh xích lô, người tài xế taxi và những “Lục Vân Tiên” thấy người nguy cấp đành… ngó lơ.
Cũng theo Bác Sĩ D, việc này gây phẫn nộ dư luận đã lâu, rất muốn báo giới trong nước lên tiếng. Nhưng hầu hết sự phản ánh của bác sĩ đều rơi vào… im lặng.
Tìm hiểu vấn đề từ việc tiếp xúc với báo giới “quốc doanh” mới hay là báo chí trong nước có quyền lên tiếng trước cái tốt, cái xấu cụ thể. Như bệnh viện nào “lập đường dây” giả mạo chứng từ ăn tiền từ bảo hiểm y tế, hay hoặc như bác sĩ nào vòi vĩnh “phong bì” từ bệnh nhân. Dĩ nhiên là báo chí phải đưa ra được chứng cứ xác thực. Nhưng báo chí trong nước tuyệt nhiên không được phê bình cơ chế (vì như vậy e rằng sẽ đụng tới thể chế chính trị). Đây là “luật bất thành văn,” nhà báo quốc doanh phải hiểu, nếu không muốn bị “treo” thẻ nhà báo.
Và khi trong một xã hội, mà báo giới cũng phải “ngậm miệng ăn tiền.” Thì những cơ chế bất hợp lý sẽ như những bóng ma ngày đêm thừa dịp “đục ruỗng” hết linh hồn của con người.
Như câu chuyện dưới đây, mà chúng tôi đã ghi được tại bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Sài Gòn.
Hai cô y tá nói chuyện với nhau. Một cô nói: “Hồi sáng này, Bác Sĩ M bị tụi ‘xã hội đen’ đánh ngay cổng bệnh viện.” Cô kia nghe vậy, hỏi lại: “Bảo vệ bệnh viện đâu, mà để cho Bác Sĩ M bị đánh vậy?” Cô y tá nghe bạn hỏi, thì cười : “Tụi nó dữ quá, bảo vệ không dám can thiệp, vì lỡ bị đánh gãy tay, gãy chân đưa vô bệnh viện mình thì cũng đâu có được điều trị miễn phí đâu?”
Vấn nạn lâu nay ở các bệnh viện là nạn “cò mồi,” trộm cắp, cho vay nặng lãi và đặc biệt là “dịch vụ” ép nạn nhân dùng xe tư với giá cắt cổ, khi bệnh nhân lâm chung. Nếu bác sĩ nào lên tiếng, sẽ bị xã hội đen đánh. Thậm chí cả giám đốc, phó giám đốc của các bệnh viện lớn cũng bị xã hội đen đánh hoặc “hăm đánh.”
Anh H.T là một thầy huấn luyện môn võ Thiếu Lâm chân truyền. Kể rằng, gần 10 năm trước, khi đó người có Bảo Hiểm Y Tế vẫn bắt buộc phải đi đúng tuyến. Đêm đó, sau khi đứng lớp truyền nghề cho các võ sinh. Anh thấy mình chóng mặt và có biểu hiện nói ngọng, anh vội đến bệnh viện. Bệnh viện Gò Vấp nghi là anh bị tai biến, nên yêu cầu anh xin giấy chuyển viện để chuyển đi cấp cứu.
Qua sáng hôm sau, anh H.T mới tới được bệnh viện Tân Bình để xin giấy chuyển viện đi cấp cứu. Nhưng Bác Sĩ C, của bệnh viện Tân Bình sau khi thăm khám cho anh H.T thì cứ một mực: “Anh khỏe mà, về đi! Không việc gì phải chuyển viện cấp cứu.”
Bị Bác Sĩ C đuổi, anh H.T đành phải quay về nhà. Đến trưa thì bệnh bộc phát, người nhà chở anh vô trung tâm cấp cứu 115 thì anh đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu. Bác sĩ cho chụp CT, kết luận anh H.T đã bị đứt mạch máu não.
Sau một tháng nằm ở trung tâm cấp cứu anh H.T hồi tỉnh lại. Nhưng di chứng là liệt nửa người và nói ngọng.
Anh H.T xin chuyển qua viện y dược dân tộc. Nằm thêm 6 tháng, được châm cứu và điều trị đông – tây y kết hợp. Anh ra viện, hết ngọng đi đứng lại bình thường. Vốn là con một võ sư có nghề thuốc nổi danh ở Sài Gòn, anh H.T tập trung nghiên cứu y võ dưỡng sinh. Kiên trì luyện tập, gần 10 năm nay anh vẫn đứng lớp truyền dạy võ công cho các võ sinh. Nhưng anh cũng thú nhận, chân trụ để tung một cú “bàn long cước” bây giờ đã yếu rồi, không còn mạnh mẽ như trước khi bị tai biến.
Tai nạn, làm anh H.T nhớ mãi Bác Sĩ C của bệnh viện Tân Bình, người đã “có công” đưa anh từ một ông thầy dạy võ, xém chút nữa thì thành “phế nhân.”
Tuy nhiên, câu chuyện về người thầy dạy võ H.T vẫn chưa dừng ở đó.
Mấy năm nay, ngành y tế ở Sài Gòn cũng có thay đổi. Bệnh nhân đi cấp cứu thì không cần giấy chuyển viện và có thể đến bất cứ bệnh viện nào gần nhất vẫn được bảo hiểm y tế chi trả (nếu như có mua bảo hiểm).
Nhưng có lẽ đã quá chán bảo hiểm y tế của nhà nước, nên sau này anh H.T quyết định mua bảo hiểm của một bệnh viện tư nhân (mới mở) cho “chắc ăn.”
Lần này, khi bị đau vùng bụng dữ dội, anh H.T nhanh chóng chuyển đến bệnh viện tư mà anh đã đóng tiền bảo hiểm. Sau khi chụp phim bác sĩ kết luận là anh bị sỏi thận và phải mổ gấp, đồng thời yêu cầu anh đóng tiền tạm ứng cho bệnh viện là 20 triệu đồng. Mặc dù anh có thẻ bảo hiểm của bệnh viện tư này.
Anh H.T đành phải đóng tiền và chờ lên bàn mổ.
Thời may, người con rể nghe tin anh sắp phải mổ thì lật đật chạy vô. Kêu anh phải qua bệnh viện Bình Dân, vì bên đó chuyên về thận và tiết niệu. Anh đành xin rút tiền, và chuyển qua Bình Dân.
Tại Bình Dân, bác sĩ sau khi coi phim chụp, thì kêu anh H.T ra ngoài căn-tin mua một chai nước lớn (loại 1.5 lít). Uống hết chai nước, chờ khi nào mót tiểu, tiểu xong thì vô phòng khám gặp bác sĩ.
Anh H.T làm đúng theo lời bác sĩ dặn. Khi anh quay lại phòng khám, không ngờ bác sĩ ký giấy cho anh xuất viện luôn. Quá ngạc nhiên,anh thắc mắc: “Sao không phải mổ hả bác sĩ?” Bác sĩ cười, giải thích: “Nhìn trên phim thì thấy viên sỏi nó đã gần ra rồi, cho anh uống nhiều nước, tiểu tống nó ra luôn rồi, còn gì nữa đâu mà mổ.”
Anh H.T trở về và cho tới mấy năm nay vẫn khỏe “ru bà rù” chả hề đau thận đau sỏi gì ráo. Gặp chúng tôi, anh cứ cười nhắc mãi chuyện 20 triệu đồng lại còn bị đòi mổ xẻ, với chỉ một chai nước đơn giản thôi mà hết bệnh.
Đúng là những câu chuyện y tế ở Sài Gòn, thật là “chẳng biết đâu mà lần!”
Ý kiến bạn đọc
Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.