NGUYỄN DU QUA DI TÍCH HOÀNG SÀO
TS PHẠM TRỌNG CHÁNH
Trong Truyện Kiều, Thúy Kiều nói với Từ Hải : Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào. Trong Bắc Hành Tạp lục Nguyễn Du có bài thơ khi đi ngang Di tích binh mã Hoàng Sào ở Quảng Tây viết khoảng tháng 4 năm Quý Dậu (1813). Tôi có đi ngang qua Di tích binh mã Hoàng Sào năm 2009 trên sông Minh Giang, gần Quế Lâm. Hoàng Sào chiếm vùng Quế Lâm năm 879, sách sử chép Hoàng Sào cho kết bè tại bến sông này để theo sông Tương tiến đánh Đàm Châu, tỉnh Hồ Bắc, một đoàn quân đi qua hơn ngàn năm, chẳng còn dấu vết gì, nhưng nhân gian nhìn vách đá núi có hình ảnh đá có vệt đen, đỏ bên bến sông giống như bức tranh đàn ngựa chạy nên đặt tên cho vách núi là di tích binh mã Hoàng Sào.
Cuộc khởi nghĩa Hoàng Sào đã tàn phá toàn bộ đế quốc nhà Đường, từ Quảng Châu đến Trường An. Lợi dụng cuộc nội chiến này các tỉnh trở nên độc lập. Từ năm 902 bảy vương quốc chia nhau miền Nam Trung Quốc. Khởi nghĩa Hoàng Sào đã tác động đến việc dành độc lập của dân tộc Việt Nam thoát khỏi một ngàn năm đô hộ. Viên tướng Cao Biền (821-887), từng được truyền tụng có nhiều ma thuật trấn yểm đạo Lão, đánh Hoàng Sào thất bại, đã từng cai trị Giao Châu đánh thắng nước Nam Chiếu (Đạl Lễ) từ Vân Nam chiếm đóng Giao Châu, và xây thành Đại La.
Sau cuộc khởi nghĩa Hoàng Sào, vào năm 905 dân chúng Giao Châu nổi lên đuổi viên Tiết độ sứ người Trung Quốc và đặt một hào phú người Hải Dương là Khúc Thừa Dụ, được mọi người kính trọng đức độ và lòng nhân ái lên thay. Nhà Đường bất lực nên cũng thuận để ông giữ chức vụ này. Khi ông mất năm 907 cũng là năm triều Đường sụp đổ, ông giao quyền lại cho con là Khúc Hạo (907-917). Người kế vị ông đã thiết lập một nền hành chính ổn định, chia nước thành lộ, phủ, châu, xã và đặt quan cai trị các đơn vị này, quân bình hóa thuế đất, bãi bỏ lao dịch, thiết lập sổ hộ và trên quyển sổ này xã trưởng phải ghi tên và làng từng người.. Các biện pháp ông dùng cho thấy uy quyền nhà Đường đã biến mất hoàn toàn trong nền hành chính mới của Việt Nam bao trùm toàn bộ đất nước, và xuống tận cấp xã, vốn nằm ngoài tầm với người Trung Quốc cho tới lúc này. Chính quyền Khúc Hạo khoan hòa và đơn giản. Người dân được hưởng sự yên ổn và hạnh phúc.(Xem Lê Thành Khôi. Lịch sử Việt Nam, bản dịch Nguyễn Nghị, nxb Nhã Nam, Thế Giới. Hà Nội 2014 tr 138.)
Giữa bảy vương quốc miền Nam Trung Quốc, Tiết độ sứ Quảng Châu đã nổi dậy chống lại triều đình nhà Hậu Lương và thành lập vương quốc xưng danh Nam Hán.
Con của Khúc Hạo là Khúc Thừa Mỹ không thần phục Nam Hán. Vua Nam Hán bèn kéo quân xâm chiếm An Nam, bắt Tiết độ sứ Khúc Thừa Mỹ và tái lập nền hành chính Nam Hán. Ngay từ năm đó, một vị tướng cũ của Khúc Hạo là Dương Đình Nghệ nổi dậy đánh đuổiviên quan cai trị Nam Hán. Ông bị một trong số nha tướng của mình giết chết sau sáu năm trị vì. Con rể của ông là Ngô Quyền, huyện lệnh Ái Châu, kéo quân về kinh đô để trả thù cho ông. Ngô Quyền giết chết kẻ tiếm quyền, rồi tiến đánh quân Nam Hán do kẻ tiếm quyền cầu cứu. Trận chiến Bạch Đằng với những cọc nhọn bọc sắt cắm ngầm dưới lòng sông. Thái tử Hoàng Thao tử trận, vua Nam Hán nản lòng kéo quân về Quảng Châu. Từ những mãnh vỡ đế chế nhà Đường Trung Hoa, quốc gia Việt Nam đã ra đời.
Hoàng Sào người đời nhà Đường, quê ở Tào Châu, tỉnh Sơn Đông. Sào học giỏi đi thi đáng lẽ đỗ Tiến Sĩ. Tuy văn chương hay, song vì tướng mạo quá xấu, nên bị đánh rớt. Sào nổi loạn cầm đầu cuộc khởi nghĩa ở Sơn Đông, đem quân đánh chiếm các tỉnh Hà Nam, Giang Tây, Phúc Kiến, Chiết Giang và vùng Kinh Tương, Lưỡng Quảng.. rồi thừa thắng chiếm kinh đô Trường An. Vua Đường Huy Tông bỏ chạy vào đất Thục (Tứ Xuyên). Hoàng Sào lên ngôi Hoàng đế, đặt quốc hiệu Đại Tề, niên hiệu Kim Thống. Được mười năm (875-884). Sau bị Lý Quốc Dụng đánh bại và bị giết.
Nguyễn Du đi qua chỗ tương truyền đóng quân Hoàng Sào xưa ở dãy núi Hoa Sơn, bên bờ sông Minh Giang, thuộc huyện Minh Ninh, tỉnh Quảng Tây. Nguyễn Du viết : Đại Hoa Sơn, Tiểu Hoa Sơn cách nhau vài dậm. Di tích Hoàng Sào hãy còn bên bến sông. Nào ngờ vua Kim Thống đất Tần Trung còn gọi là Quan Trung kinh đô nhà Tần, Trường An, tỉnh Thiểm Tây lại là anh chàng ở ngoài bảng Tôn Sơn. Điển tích Tôn Sơn người đời Tống, đi thi liệt danh cuối bảng. Bạn viết thơ hỏi đỗ hay trượt. Tôn Sơn đáp : Giải danh tận xứ thị Tôn Sơn. Dư nhân cánh tại Tôn Sơn ngoại. Cuối cùng nơi bảng là Tôn Sơn, người khác còn ở ngoài Tôn Sơn. Người đời sau lấy chữ Lạc Tôn Sơn chỉ người thi trượt. Vua nhà Đường không coi trọng người hiền tài, chỉ vì câu nệ hẹp hòi tướng mạo nến lầm lỡ việc nước, để Hoàng Sào gây loạn. Người ta đến lúc vận cùng có thể biến đổi được gió mây. Khách xa muốn hỏi chuyện nghìn năm trước. Người thuyền lắc đầu như không nghe biết việc gì.
DI TÍCH BINH MÃ HOÀNG SÀO
Hoa Sơn núi lớn nhỏ kề gần,
Di tích Hoàng Sào nơi bến sông.
Kim Thống, vua Tần Trung có biết ?
Tôn Sơn, người ngoại bảng đây chăng ?
Lỡ lầm việc nhỏ vì câu nệ,
Người lúc thế cùng mây gió dâng.
Khách hỏi chuyện xưa nghìn thuở trước,
Nhà thuyền chẳng nói lắc đầu không !.
bản dịch thơ Nhất Uyên
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
HOÀNG SÀO BINH MÃ
Đại tiểu Hoa Sơn sổ lý phân,
Hoàng Sào di tích tại giang tân.
Khởi tri Kim Thống Tần Trung đế,
Nãi xuất Tôn Sơn bảng ngoại nhân.
Ngộ quốc mỗi nhân câu hạn lượng,
Cùng thời tự khả biến phong vân.
Viễn lai nghỉ vấn thiên nhiên sự,
Hang hộ giao đầu nhược bất văn.
Sau loạn An Sử còn gọi là An Lộc Sơn(703-757), giai đoạn lịch sử Nguyễn Du đã viết trong bài Dương Phi cố lý: “Vì cả triều đình như phổng đứng, nghìn năm đổ tội sắc nghiêng thành” , cả triều đình nhà Đường, bao ông quan văn, quan võ đều như tượng ông phổng đứng cả, nên đổ oan cho sắc đẹp Dương Quý Phi (719-756) làm đổ nước nghiêng thành, trước áp lực binh sĩ, mặc cho vua Đường Minh Hoàng thương tiếc, Dương Quý Phi phải thắt cổ tự vẫn.. Trung Quốc thời bấy giờ rơi trong tình trạng đói kém, lụt lội, hạn hán, liên tục, chết đói như rơm rạ, những cảnh khổ đã được Đổ Phủ mô tả trong thi ca, dân số Trung Quốc mất hai phần ba, từ 60 triệu chỉ còn 19 triệu. Dương Quý Phi chết rồi nhưng cũng không cứu vãn được chế độ nhà Đường suy yếu, quyền lực các Tiết độ sứ cát cứ các địa phương. Nông dân càng nghèo khổ, địa chủ, thương nhân chịu thuế nặng, hoạt động buôn bán muối lậu quy mô lớn tạo nên các cuộc nổi dậy chống triều đình. Vương Tiên Chi và Hoàng Sào là hai thủ lĩnh có nguồn gốc từ việc buôn bán muối lậu, trở nên thủ lĩnh cuộc nổi dậy trong giai đoạn này là một đoàn chí tử đánh vào sự suy sụp đế quốc nhà Đường..
Vào cuối những năm Hàm Thông (860-874) đời vua Đường Ý Tông, các trận hạn hán, lũ lụt gây nên nạn đói khủng kiếp. Triều đình không cứu tế các nạn nhân, các thuế không giảm mà lại càng gia tăng để đáp ứng nhu cầu cuộc sống xa hoa vua Đường Ý Tông và các chiến dịch quân sự.
Hoàng Sào cỡi ngựa bắn cung giỏi, tài cao không đỗ đạt vì xấu xí, trở thành thương nhân bán muối lậu, vì do triều đình giữ độc quyên bán muối. Hoàng Sào tiến hành xung đột vũ trang với quân tuần tiểu triều đình.
Năm 874, đời Đường Hy Tông, Vương Tiên Chi nổi dậy ở Trường Viên, nhiều lần đánh bại Thiên Bình Tiết độ sứ Tiết Sùng. Năm 875 Hoàng Sào nổi dậy ở huyện Hà Trạch, tỉnh Sơn Đông với vài nghìn người rồi hợp binh với Vương Tiên Chi.
Năm 876, Vương Tiên Chi đàm phán với triều đình, vua Đường Hy Tông sách phong Vương Tiên Chi làm quan. Hoàng Sào không được chức gì nói : -“ Ban đầu chúng ta cùng lập đại thệ, hoành hành thiên hạ, nay chỉ mình người nhận được chức Tả quân, 5000 binh sĩ, ở đâu, biết về đâu ? “ Hoàng Sào đánh vào đầu Vương Tiên Chi chảy máu, binh sĩ phản đối. Vương Tiên Chi lo sợ bèn quay sang cướp phá Kỳ Châu. Quân nổi dậy phân làm hai nhóm, Vương Tiên Chi 3000 người theo, Hoàng Sào 2000 người theo đi về phía Bắc.
Năm 877, Hoàng Sào đánh chiếm Vận Châu, giết Tiết độ sứ Tiết Sùng, sang tháng ba lại phá Nghi Châu. Mùa hè năm 877, Hoàng Sào hội quân với bộ tướng Thượng Nhương của Vương Tiên Chi tại Tra Nha Sơn.. Tháng 7 ÂL, hai đội quân Hoàng Sào và Vương Tiên Chi lại hợp binh một thời gian ngắn tiến công Bình Lô, Tiết độ sứ Tống Uy tại Tống Chân, ý đồ cắt đứt giao thông kinh đào Đại Vận Hà. Tướng nhà Đường Trương Tự Miễn đem 7000 quân Trung Vũ đánh bại liên quân. Vương Tiên Chi và Hoàng Sào lại phân binh.
Năm 878 Vương Tiên Chi bị Chiêu Thảo sứ Tăng Nguyên Du đánh bại và bị giết. Thượng Nhương đem tàn quân hợp binh với Hoàng Sào tại Bạc Châu. Hoàng Sào xưng hiệu Xung Thiên Đại Tướng Quân cải nguyên Vương Bá, độc lập với Triều đại nhà Đường.
Tháng 3 năm 878, quân Hoàng Sào tiến công Biện Châu và các châu lân cận nhưng do Đông Nam hành doanh do Chiêu thảo sứ Vương Tự Miễn kháng cự, Hoàng Sào chuyển qua tiến công Vệ Nam, Diệp Châu, Dương Trạch. Triều đình nhà Đường điều 3000 quân Nghĩa Thành phòng thủ Y Khuyết và Hổ Lao phụ cận Đông đô Lạc Dương. Hoàng Sào xuất quân vượt Trường Giang cùng Vương Trọng Âm hổ trợ nhau chiếm Kiền Châu, Cát Châu, Nhiêu Châu và Tín Châu.
Mùa thu năm 878, Hoàng Sào tiến về phía đông bắc, tiến công Tuyền Châu, đánh bại Vương Ngưng tại Nam Lăng song không thể chiếm được Tuyền Châu, do đó Hoàng Sào tiếp tục tiến về đông nam và tiến công Chiết Đông, sau đó theo đường núi tiến công Phúc Kiến vào mùa đông năm 878. Trong cuộc hành quân này Hoàng Sào chiến bại trước các đội quân Trấn Hải do Trương Lân và Lương Toản chỉ huy. Sau trận đánh này các tướng Hoàng Sào gồm Tần Ngạn, Tất Sư Đạt, Lý Hãn Chi, Hứa Kính đầu hàng Trấn Hải Tiết Độ sứ Cao Biền. Hoàng Sào tiến xa hơn về phương nam vùng Lĩnh Nam. Vào thời điểm này Vương Đạt chống Hoàng Sào được phong làm Nam diện hành danh chiêu thảo đô thống và Kinh Nam Tiết độ sứ. Hoàng Sào viết thư xin quy phục xin phong làm Thiên Bình Tiết độ sứ nhưng triều đình từ chối.
Tháng 9 năm 879 ÂL , Hoàng Sào tiến công chiếm thành Quảng Châu, thủ phủ Lĩnh Nam Đông Đạo. Sau đó phân binh chiếm Quế Lâm.
Do không quen khí hậu ẩm ở Lĩnh Nam, quân sĩ mắc bệnh dịch, khoảng 30, 40% thiệt mạng. Các tướng đề xuất hành quân về phương Bắc. Hoàng Sào kết bè tại Quế Châu theo sông Tương tiến đến Đàm Châu tỉnh Hồ Nam vào mùa đông năm 879. Quân Hoàng Sào hạ Vĩnh Châu và Hành Châu. Quân Hoàng Sào tiến đánh Đàm Châu, máu 10 vạn quân nhà Đường nhuộm đỏ cả sông Tương Giang, Tướng trấn thủ nhà Đường là Lý Hạ, Vương Đạt bỏ chạy. Quân Hoàng Sào theo sông Tương Giang qua Giang Lăng tiến công Tương Dương thủ phủ Sơn Nam Đông đạo.
Tuy nhiên Hoàng Sào chiến bại trước liên quân Sơn Nam Đông Đạo Tiết độ sứ Lưu Cự Dung và tướng triều đình là Tào Toàn Thịnh, còn bị truy lùng đến tận Giang Lăng. Tuy nhiên Lưu Cự Dung lại lo ngại nếu bắt được Hoàng Sào thì ông ta sẽ không còn được triều đình coi trọng nên ngừng cuộc truy kích. Sau đó Hoàng Sào tiến về phía Tây Ngạc Châu và cướp phá 15 châu chung quanh. Hoàng Sào bị Trương Lân đầy lui nhiều lần. Cao Biền thay thế chức Đô thống của Vương Đạt.
Hoàng Sào liên tiếp bại trận trước Trương Lân, lại còn bị nạn dịch. Hoàng Sào đóng quân tại Tín Châu đã hối lộ nhiều vàng bạc cho Trương Lân và viết thơ xin quy thuận với Cao Biền, nhưng sau đó lại phá vỡ đàm phán.
Mùa xuân năm 880, Hoàng Sào giết được Trương Lân khiến Cao Biền hoảng sợ. Hoàng Sào tiến quân đến kinh đô Lạc Dương và Trường An. Đồng Quan thất thủ, vua Đường Hy Tông và Điền Lệnh Tư bỏ kinh đô Trường An chạy lên Tứ Xuyên.
Ngày 8-1 năm 881 quân Hoàng Sào tiến vào Trường An. Kim Ngô Đại tướng quân nhà Đường là Trương Trực Phương và một số quan văn võ nghênh tiếp. Hoàng Sào hạ lệnh giết các thành viên hoàng tộc nhà Đường.
Ngày 13 tháng 12 năm Canh Tý (16-1-881) Hoàng Sào xưng đế đạt quốc hiệu Đại Tề, lập Tào Thị làm hoàng hậu, bổ nhiệm các quan văn võ, các quan không quy phục bị hành hình tập thể. Một số tướng nhà Đường quay lại chống Hoàng Sào. Mùa xuân năm 881 quân Hoàng Sào chiến bại tướng Trịnh Điền hội quân đánh Trường An, Hoàng Sào tàn sát dân chúng kinh đô Trường An. Mùa hè năm 883 Lý Khắc Dụng tiếm quân vào Trường An. Hoàng Sào bỏ Trường An chạy trốn về phía Đông. Hoàng Sào tiến đến Duyên Châu bị tiêu diệt gần hết. Bản thân Hoàng Sào chạy đến Lang Hổ Cốc.
Ngày 13-7 năm 884 Hoàng Sào bị cháu là Lâm Ngôn giết chết cùng huynh đệ và thế tử và Lâm Ngôn cũng bị quân nhà Đường giết.
Hoàng Sào còn để lại một số thi ca, nói lên khẩu khí kẻ ngang tàng, tàn bạo. Bài thơ Đề Hoa Cúc : Gió Tây thổi lạnh lẽo đầy vườn, nhụy rầu hương lạnh, không một cánh bướm bay sang. Bốn mùa chuyển vần, hết đông tàn đến xuân sang. Không cần Hoàng Sào ra lệnh đào hoa vẫn nở khắp thế gian. Hoàng Sào cho rằng khi mình được làm Chúa sẽ ra lệnh đào hoa nở, thì quả là một chuyện dối trá lừa bịp.
ĐỀ HOA CÚC
Gió Tây vi vút thổi đầy vườn,
Nhụy rầu hương lạnh bướm không sang.
Nếu xuân năm tới ta làm Chúa,
Truyền lệnh đào hoa nở thế gian.
bản dịch thơ Nhất Uyên
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
ĐỀ CÚC HOA
Táp táp Tây phong mãn viên tài,
Nhị hàn hương lãnh điệp nan lai.
Tha niên ngã nhược vi Thanh Đế,
Báo dữ đào hoa nhất xứ khai.
Bài sau ĐỀ HOA CÚC
Đợi đến mùa thu 8 tháng chín,
Sau khi hoa nở giết trăm hoa,
Hương trận tận trời Trường An thấu,
Áo giáp vàng rơi khắp thành ta.
Nhất Uyên dịch thơ
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
BÁT ĐỀ HẬU PHÚ CÚC
Đãi đáo thu lai cửu nguyệt bát,
Ngã hoa khai hậu, bách hoa sát.
Xung thiên hương trận thấu Trường An,
Mãn thành tận đối hoàng kim giáp..
Qua bài thơ sau Đề hoa cúc ta thấy Hoàng Sào đòi giết cả trăm hoa. Hoa cúc xinh đẹp, các nhà thơ trân trọng với hương hoa tinh khiết, loài hoa nở về mùa thu trong khi các loài hoa khác nở về mùa xuân, người thì nhìn hoa cúc mơ màng đến sắc huy hoàng áo Trạng Nguyên, nhưng Hoàng Sào thì đòi giết cả trăm hoa, để mùi hương xông tận trời, đến tận kinh đô Trường An. Hoa vàng sẽ rụng rơi như những mãnh áo giáp quân chiến bại. Tâm địa Hoàng Sào thật độc ác. Nếu Hoàng Sào thi đỗ, thì chắc cũng thành gian thần, nghịch quan, lật đổ cả triều đại. Theo quan niệm người xưa : vận mệnh nhà Đường đã đến hồi suy sụp, Hoàng Sào là một tác nhân quan trọng của sự sụp đổ đó. Chấm Hoàng Sào đỗ hay rớt, Hoàng Sào cũng trở thành kẻ gây sụp đổ cho nhà Đường. Người xưa thi cử bằng thi ca, xem thơ để biết người có cái uyên bác trong lý lẽ của người xưa. Chúng ta thường nghe truyền tụng có những vị thầy thử tài học trò ra đề thơ, xem thơ biết được trò nào sẽ nên danh phận đỗ đạt. Người xưa có một khoa tiên tri, bói toán bằng thi ca mà có lẽ ngày nay đã thất truyền chằng ?
Cuộc đời có suy có thịnh, hết thịnh rồi lại suy. Không triều đại nào đứng vững được ngàn năm. Ngay cả Nhật Bản một triều đại duy nhất từ khi lập quốc nhưng cũng có những thời đại quyền hành về tay các lãnh chúa chia năm xẻ bảy chém giết nhau. Trung Quốc từ Tần Thủy Hoàng dùng bạo lực để thống nhất các chư hầu. Các cuộc thống nhất của Trung Quốc thường trả giá bằng máu xương và bạo lực. Trải qua các triều đại Trung Quốc hết hợp rồi lại chia. Vạn Lý trường thành không ngăn được Mông Cổ chiếm đóng đô hộ Trung Quốc trăm năm, Mãn Châu độ hộ Trung Quốc 248 năm. Loạn An Sử thời nhà Đường đã tàn phá Trung Quốc trong chiến tranh đói kém. Loạn Hoàng Sào đã làm Trung Quốc vỡ ra thành nhiều mãnh nhờ đó Việt Nam đã dành lại độc lập sau một ngàn năm đô hộ.
Vùng Quảng Tây, vốn là quê hương Việt Đông người Bách Việt, một thời dư âm nước Việt thời Chiến Quốc với Phạm Lãi, Tây Thi. Triệu Đà và con cháu năm đời đã độc lập gần một trăm năm. Điều lạ là dân chúng đã không đặt tên cho di tích là binh mã Đồ Thư, nhà Tần hay binh mã Mã Viện nhà Hán, hay Cao Biền là những tướng lĩnh từng qua nơi này để chiếm vùng Bách Việt, mà đặt tên là binh mã Hoàng Sào, điều này nói lên lòng nhớ không quên một cuộc khởi nghĩa đã tạo nên cơ hội một nước Việt phương Nam ra đời.
Paris 28-2-2017
Phạm Trọng Chánh
*Tiến sĩ Khoa Học Giáo Dục Viện Đại Học Paris V Sorbonne