Dec 26, 2024

Truyện ngắn

hoa đỗ quyên
Nhật Hồng * đăng lúc 08:57:54 PM, Feb 19, 2017 * Số lần xem: 1316
Hình ảnh
#1

                       
             
 
Khi tôi xuống xe, chiều lẫm đẫm mù sương, vệt nắng vàng yếu ớt nằm vắt ngang hàng cây che khuất phố núi. Hành trang đầy nhóc trong ba lô nào quần áo, vật dụng cần thiết cho chuyến đi. Chuyến đi nhiều năm dự định không thực hiện được. Thường khi ba tôi hay trách móc: “ Chú tụi bây bỏ xứ sở, bỏ ông bà sống bên vợ xa lơ xa lắc.” Tôi cũng thầm trách chú sao nỡ bỏ  anh em sống nơi xa vậy!

Hành khách nhanh chân xuống xe và cũng nhanh chân lên xe trung chuyển đến nơi đã định. Còn tôi cứ moi trong túi áo tìm địa chỉ của chú. Có tiếng hỏi của người chạy xe thồ (xe ôm gọi theo dân miền tây)

-Anh đi đâu?

 Tôi thọt tay vàp túi tìm…không thể lẫn lộn được, chính tay mình ghi chép số nhà, tên đường của chú khi đi mà. Túi quần, túi áo, trong bóp không có. Số tiền lẻ không cánh cũng bay luôn, lòng rối rấm. Những trạng thái hưng phấn của thằng con trai khi xuống xe nhanh chóng biến mất. Chỉ còn lại một thằng ngơ ngơ ngáo ngáo trước một thành phố lạ. Bóng tối làm cho tôi thêm cập rập. “Anh về đâu?”- Anh lái xe thồ đa giục!

Biết về đâu? Địa chỉ, số nhà không có. Tôi tự trách: Thật là tệ, thời gian cả ngày trời ngôi trên xe mà không moi ra xem, cho bây giờ... chú của mình tên Bằng, thứ tư. À! Mà! Nghe như chú Tư là thương binh bốn trên bốn sống ở Đà Lạt. Phường gì? Tôi nhớ, có lần chú Tư kể với ba tôi nghe, “Nhà nhìn xuống cảnh Hồ Xuân trải rộng như một bức tranh”. Hồ Xuân Hương ở đâu? Tôi cứ lẩm bẩm hoài trong miệng. Anh xe thồ gạn hỏi, nhiều anh tụm lại. Thấy lạ, người ngang qua dừng chân ghé mắt nhìn tôi. Tôi đứng ở giữa vừa ngượng ngập vừa quê mùa như thằng khờ ra chợ. Nghe người ta nói Tư Bằng, Tư Bằng cô gái tay cầm vỏ xách vẹt người chen vào:

           -Có phải ông Tư Bằng thương binh đó không?

-Dạ phải!

- Anh là gì của ông ấy?

-Là cháu gọi bằng chú ruột.

-Bà con gì mà không biết nhà? Vậy thì đi theo tôi!

 Cô gái như vị chỉ huy ra lệnh với thằng lính mới. Tôi nhìn cô gái  nước da bánh mật, đôi mắt đen láy làm cho khuôn mặt nổi bậc trong bóng chiều. Cách nói chuyện của cô gái ngang ngang, nghe trèo trẹo cái lỗ tai tôi không thích, nhưng cô ta biết rõ chú mình. Như người đắm tàu vớ được phao, tôi vẹt số người bu quanh  theo cô ta ra ngoài đến chiếc xe gắn máy dựng sẵn. Cô ta nhìn tôi ngần ngại, tôi đoán được ý của cô, nhưng đứng lặng lẻ vì cú xốc khi nảy.

-Anh biết lái xe không?

-Biết!

-Anh chở tôi nhé! Tôi mà chở anh kỳ lắm! Cứ theo đường này chạy thẳng.- Cô đưa tay chỉ.

Qua vài đoạn dốc tôi lấy lại phong độ.

          -Cám ơn cô đã giúp, nếu không tôi biết tìm người chú ở nơi nào?

-Ở Công an thôi!

Vừa nghe như lời trêu cợt nhưng nghĩ cũng có lý. Chỉ có Công an mới giúp mình tìm địa chỉ của chú.

Nắng đã tắt từ lúc nào, thành phố đã lên đèn trong màn sương đùng đục. Hơi lạnh làm tôi rùn mình.

-Anh có lạnh lắm không?-Quyên hỏi.

 - Không!

- Chút nữa tới rồi!

-Cô tên gì?

- Tên Đỗ Quyên, tên của loài hoa. Anh biết hoa đỗ quyên không?

- Không! Ở quê tôi chỉ biết hoa vạn thọ, hoa cúc, hoa mai...

-Tới rồi đó!- Quyên nói.

 Tôi tấp xe vô cái cổng thấy bên trong người đứng lao nhao.

-Nó lên rồi kìa! Chú Tư tôi chạy ùa ra nắm tay tôi kéo nhà,  nói:

          -Nghe chiều nay mầy lên, tao đón cả buổi, không thấy ruột nóng ran, định ra bến xe hỏi thăm. Ủa! Cháu Quyên quen với nó hả?

-Có quen biết gì đâu? Thấy ảnh lơ ngơ hỏi thăm tên chú ở bến xe, mai mà con nghe được đưa ảnh về đây! Chào chú con về! Cô bé rồ xe vọt mất. Chú Tư kéo tôi vô nhà giục:

          -Thôi đi tắm rửa đi, chuyện gì đó từ từ kể sau.

           Khi tôi tắm thay quần áo xong lên nhà trên thì thấy bàn đầy ắp món ăn, chừng như chú thím đã sắm sẵn từ buổi chiều. Chú Tư vui vẻ hỏi han việc làm ăn của ba tôi, của bà con láng giềng nội ngoại vừa nói vừa lôi tôi ngồi xuống, chú chép miệng:

          -Không mấy khi con lên đây, mình đem chai rượu thuốc của tôi để cùng cháu nó nhâm nhi với thịt nai nướng coi.

Thím Tư ngần ngại:

          -Nó là con nít mới lớn, mình tập cho nó say sưa làm chi?

Chú cười:

          -Trai tráng mà, chút đỉnh có sao? Vừa nói chú Tư đặt cái ly cóc bằng thủy tinh rót rượu vào, màu rượu vàng óng ánh đặc quánh. Rượu đưa cay đưa buổi tối Đà Lạt nồng nàn ấm áp trong căn hộ. Tôi nghĩ chú và thím Tư hạnh phúc. Ở cái buổi tối bước qua thời trai trẻ. Chú là bộ đội miền đông phải lòng với một cán bộ giao liên. Sau ngày hòa bình chú theo vợ về sống ở Đà Lạt cho đến hôm nay. Thím Tư có đôi mắt long lanh sáng, vào thời con gái của thím chắc đẹp lắm !

Chú Tư đưa ly rượu đầy ấp giục:

          -Uống đi con! Mai mốt chú sẽ dẫn con đi hết cái xứ Đà Lạt này chơi, còn bây giờ phải cho say. Chú dạo này khoẻ lắm,  phía trên là phòng trọ, mỗi tháng thu vài triệu, cộng với lương hưu của chú thím sống khoẻ tới già. Nhưng ngặc nỗi: nhớ quê nhà. Hồi còn trẻ đi bộ đội lưu lạc khắp nơi có nhớ ai đâu? Còn bây giờ chiều chiều thấy chim bay về núi lòng nao nao. Mà gom về dưới, thì thím mày còn nhớ núi rừng hơn tao nữa. Tính ở tạm vài năm không ngờ... mà đã ngót bốn mươi năm. Nhớ quê, chú mới nhắn con lên chơi, tựu trường sẽ về. Đời chú ước ao, sau này con tốt nghiệp xong, lên đây lập nghiệp với chú. Ở đây vui lắm-thành phố du lịch mà! Bao nhiêu là danh lam thắng cảnh, khí hậu không có nơi nào bằng. Con muốn lao động, chú có số rẫy, trồng gì cũng tốt thấy mê lắm!

Rượu ngấm dần cộng với sự mệt mỏi ngồi xe cả ngày nên đưa tôi vào giấc ngủ sâu hun hút. Khi thức dậy, tôi nhìn ra cửa sổ nắng đã trải vàng óng ánh bên kia vạt đồi. Trông sang mặt nước Hồ Xuân Hương phẳng lặng như tờ. Cái không gian, thời gian yên ắng trong veo như pha lê, hơi lạnh se se da thịt thật dễ chịu. Đà Lạt đây mà! Tôi nói thầm trong bụng. Tôi khép mắt lại để tận hưởng cho hết cái tinh khiết của đất trời Đà Lạt vào buổi sáng. Đến khi có tiếng gọi của chú, nhìn đồng hồ đã chín giờ. Chú mời tôi lót dạ mỗi người một tô phở nóng rồi rủ đi thăm rẫy.  Tôi ngồi phía sau chiếc xe hon đa già hơn tuổi tôi. Chú Tư vừa lái vừa giới thiệu:

          -Chiếc ngựa trời này leo dốc số một, chú nhờ nó mà chuyên chở hàng rẫy khoẻ re. Rẫy của chú nằm ở thung lũng hơn ba ngàn mét vuông, trồng đủ mọi thứ rau củ. Ở xứ sở này được số đất như vầy là quý lắm! Vừa có nơi tiêu khiển, cũng vừa có thu nhập kinh tế gia đình. Trời chợt hanh nắng, chợt mù sương ướt lẫm đẫm những lá rau cải tươi xanh phì phộp. Tôi tiếp một tay xới gốc líp cải bắp với chú Tư, chợt nhận ra phía bên kia ai đó gọi ú ớ trong miệng. Chú Tư kéo tôi chạy qua xem.    Một người đàn ông trên sáu mươi tuổi miệng méo xệch, mặt xanh như tào lá nằm vắt qua líp rau.

-Anh Bảy ơi! -Chú Tư gọi.

Chú Tư hối thúc tôi nhanh chân chở đến nhà thương. Tôi ôm xốc người bệnh ra xe đặt ngồi ở giữa, tôi ngồi phía sau. Xe gầm gừ vọt dốc. Tôi đưa bác Bảy vào cấp cứu ngồi chờ đợi ngoài hàng hiên.

Chú Tư nói về bác Bảy:

-Ngày xưa, bác Bảy là bạn chiến đấu với chú chung đơn vị. Bác ấy có  cảnh đời rất tội nghiệp. Đứa con trai lớn hy sinh ở Đức Trọng trước hai ngày  hòa bình độc lập, trên mình bác ấy lại mang nhiều vết thương, có những miểng đạn còn nằm trong cơ thể cứ đau nhứt khi trời trở lạnh. Bác ấy vừa lao động vừa nuôi vợ bị tai biến sau khi sinh út Đỗ Quyên. Chị ấy sống đời thực vật hơn hai mươi năm nay bằng sự chăm sóc tận tình của bác ấy! Đỗ Quyên là sự an ủi lớn nhứt của người cha thương bình.

Nghe Đỗ Quyên, tội chợt nhớ cô gái có nước da bánh ít, đôi mắt tròn đen, ăn nói ngũn ngẳn khó ưa, nhưng hỏng biết làm sao, vừa nghe bố của Đỗ Quyên tôi chạy thót vào phòng cấp cứu dành phần chăm sóc thay cho chú Tư. Đến trưa Bác khỏe, cô bé Đỗ Quyên tới, tôi làm lơ như không nghe thấy, kéo tấm chăn đắp cho Bác rồi lẻn ra phòng xin phép chú Tư về trước. Xe vừa ra cổng, có người nắm xe lại, hóa ra là Đỗ Quyên:

          -Cám ơn anh đã giúp bố em! Biết đường về nhà hôn? Đi lạc nữa đi cho người ta kiếm!

Tự ái dồn lên, tôi nguýt xéo con bé rồi vọt lên xe đi. Cứ mãi nghĩ con nhỏ này trẻ hơn mình đến ba tuổi mà lúc nào cũng tỏ ra mặt đàn anh chị thấy mà ghét, có dịp sẽ dạy cho mi một bài học.

          Tôi về đến nhà tắm rửa xong thì chú Tư cũng vừa về tới, chú cho biết:

          -Ông ấy đã khỏi, ít hôm sẽ về nhà, nghe bác sĩ cho biết đây là giai đoạn đầu của chứng bệnh tai biến, không khéo nó sẽ tái diễn lại. Nặng thì tử vong, nhẹ thì bại liệt.

Chú Tư chép miệng:

          -Tội nghiệp bác ấy! Lận đận mãi!.

          Hôm sau, tôi thức dậy sớm theo thói quen ở nhà, thả đi bách bộ cho thư giản, gần bảy giờ mà quán sá còn đóng cửa im thinh thít. Con đường Hồ Xuân Hương lóc cóc tiếng vó ngựa. Phía trước tôi, có cô gái tóc chấm ngang vai, chân tung tăng như chim sáo. Chừng như cô ta cũng đi tập thể dục, bóng cô đã mất hút bên khóm hoa trước mặt. Tôi vẫn thông thả hít thở khi trời thoáng mát của buổi sáng cao nguyên vừa để giết thời giờ. Đang đi, ai đó chạm vào vai tôi quay lại:

          -Không ngờ gặp anh ở đây, em thành thật cảm ơn anh đã chở bố em đến nhà thương.

Đỗ Quyên có nụ cười thật quyến rũ, tôi không ngờ sức hút của nụ cười đã làm tôi bần thần trong buổi sớm, cái giọng nói trong và ấm rất truyền cảm mà đến hôm nay tôi mới có dịp nhận ra. Đi bên nhau, cô kể về đời cô: gia đình gặp lúc túng quẩn nên phải nghỉ học khi vừa tốt nghiệp trung học và hiện làm nhân viên hướng dẫn viên du lịch cho một công ty ở Đà Lạt. Nghe nói hướng dẫn viên, tôi hỏi:

-Chắc cô rành danh lam thắng cảnh ở đây?

-Đó là nghề của em. Anh còn ở đây lâu, em sẽ dành đôi ba ngày hướng dẫn  anh đi chơi cho biết đất địa này.

Mọi ý nghĩ trước đây về Đỗ Quyên đều tan biến trong tôi. Trước mắt cô chỉ là một đóa hoa đẹp lộng lẫy. Cũng chiếc xe hôm nọ đưa tôi về nhà, nay đưa tôi đến một thế giới đầy huyền ảo của ngạt ngào hương hoa làm cho lòng tôi ngây ngất. Tôi về nhà, giọng nói trong ấm đầy truyền cảm cứ khe khẽ bên tai. “Anh! Đây là hoa hồng: Hồng vàng, hồng phấn.… Anh! Đây là cúc đại đóa… Anh! Đây là minoza, đây là lay ơn từ Rom. Đây phong nữ từ Nam Mỹ, Anh! Đây đỗ quyên: Trắng, cam, hồng, đỏ, tím, từ Ấn Độ, Pháp… Hoa ở đây mỗi loài khác nhau, nó biểu hiện tâm tư, tình cảm của con người. Khi quen nhau, người ta tặng cho nhau một cành hoa, khi yêu nhau người ta cũng tặng cho nhau cành hoa. Hoa luôn có mặt trong đời sống con người.

Mắt của Đỗ Quyên xa xôi. Tôi choáng ngợp bởi  muôn màu, muôn sắc muôn vẻ của hoa: lộng lẫy, kiêu sa, trầm buồn, tư lự… không tài nào nhớ nỗi. Tôi chỉ nhớ duy nhất hoa đỗ quyên.

Hôm sau, tôi và Đỗ Quyên đến ngôi biệt thự rộng lớn giữa đỉnh đồi. Đỗ Quyên nói:

- Đứng ở đây có thể nhìn thấy tổng thể Thành phố Đà Lạt trong tầm mắt. Nhất là đêm trăng sáng như đêm nay, màu trăng tinh khiết huyền ảo trải trên  cao nguyên Lang Bian. Đỗ Quyên kéo tôi ngồi xuống băng đá, mùi tóc của em lẫn mùi hương của hoa làm tôi bối rối, không biết nên nói câu nào, mở đề ra sao?

Đỗ Quyên thì thầm về gia cảnh: Ba tuổi già thường đau ốm kéo tuột sức khỏe ông xuống cấp trầm trọng. Còn mẹ, đã nhiều năm nằm ngồi một chỗ. Em là con gái duy nhứt đành phải nghỉ học để phụ bố chăm sóc mẹ. Ngoài ra, em còn phải đi làm kiếm tiền trợ giúp cho gia đình, Mẹ nhiều lần buộc em lấy chồng giàu. Giàu mà không thương sao ở được? Ba em phản đối ý kiến của mẹ làm không khí gia đình đôi lúc tẻ nhạt. Em buồn! Tôi thấy Đỗ Quyên già dặn hơn tuổi tác, hèn gì ngay từ buổi đầu mới gặp cô ấy đã có những giọng điệu kẻ cả.

Tôi chia sẻ với Đỗ Quyên bằng cách an ủi:

          -Ở đời chừng như ai cũng gặp phải cái hoàn cảnh để thử thách, mình phải phấn đấu vượt qua rồi sẽ có hạnh phúc em ạ! Chú anh ở trên này cũng có cái hoàn cảnh riêng. Bén rể ở xứ xa, không có một mụn con sợ về già cô quạnh nên chú ấy xin với ba cho anh lên đây ăn học, hoặc sau này tốt nghiệp lên đây cưới vợ lập nghiệp với chú cho đỡ buồn những ngày bóng xế.

-Ba anh và anh nghĩ sao?

-Ba anh không nói gì, tùy thuộc vào anh.

Đỗ Quyên ngồi lặng lẻ, tay vo tròn bóp nát chiếc lá khô thành cám rồi rắc nhẹ trên mặt bể nước làm lăn tăn vô vàn con sóng nhỏ. Trăng đã lên khỏi ngọn đồi chơi vơi một mảnh vàng óng ả, êm đềm nhả xuống trần gian vô vàn tơ lụa. Trăng bàng bạc, vướn lên nhánh thông, phủ xuống đồi hoa, trải dài trên phố, đọng xuống thung lũng sâu trong lòng tôi. Hơi lạnh đâu đây dịu dàng len qua vai, Đỗ Quyên áp sát vào tôi hơi ấm của em truyền qua làm lòng tôi rạo rực. Tôi sợ bị vỡ bể cái giờ khắc thủy tinh này, chỉ cần một sự chạm đụng nào đó nên tôi ngồi bất động. Đỗ Quyên nói thật khẽ:

          -Ở xứ hoa này có một huyền thoại về đôi nam nữ yêu nhau, một hôm rong chơi trên đồi, mải mê hái hoa bắt bướm đến gần một vực sâu. Chẳng may chàng trai bị trượt chân té xuống vực, trong cơn nguy cấp chàng trai vớ nắm được một chùm hoa dại trên miệng vực. Chùm hoa trốc luôn gốc vì sức nặng của chàng trai. Khi chàng rơi xuống vực tay còn nắm chùm hoa, miệng thét gào với người yêu: “Xin đừng quên tôi!” Từ đó loài hoa dại có cánh hoa bé xíu, tim tím ấy mọc khắp nơi trên đồi mang tên “Xin đừng quên tôi!”.

Chợt thấy Đỗ Quyên buồn, tôi không hỏi.Tôi biết, em và tôi giờ như hai con cá non yếu đuối lững lờ bơi lội theo sông trăng vàng đặc quánh, không ai định được số phận của mình. Bàn tay Quyên có hơi ấm lạ, hơi ấm  đủ để thắp sáng ngọn nến cháy lung linh trong khung tình yêu. Sương đêm phả lên tóc lên mi tôi nghe nằng nặng như vừa mới cưu mang món nợ tình mà tôi và Đỗ Quyên đã trót vay.

-Mình phải về thôi anh ạ!- Đỗ Quyên giục tôi.

Trăng đã lên đỉnh.

          Buổi sáng đất trời Đà Lạt trở giấc muộn, tôi thì ấp ủ hương trăng đêm không muốn thức. Chú Tư giựt tôi dậy bằng câu hỏi:

          -Đà Lạt có vui không con? Có thể ở luôn đây được chứ?

Tôi lặng lẻ không nói lời nào, nhìn ngoài trời sương kéo vắt ngang một vệt dài ra phố. Nói:

-Mai con phải rời Đà Lạt rồi, xin phép chú cho con đi thăm bác Bảy và Đỗ Quyên.

Tôi nom theo đường Hồ Xuân Hương, mặt hồ buổi sáng lặng như tờ mà lòng tôi xao sóng. Vừa bước vô cổng thấy cái lưng thon thon của Đỗ Quyên ngồi quay lưng xới khóm hoa hồng trong sân. Tôi nhanh chân chui vô nhà không muốn cho Quyên hay. Sợ nói lời chia tay. Bác Bảy hết lời mời mọc, tôi nán lại dùng cơm cho vui với gia đình. Lên mâm cơm Đỗ Quyên lẩn tránh diện lý do gì đó không ăn cơm. Ăn cơm xong tôi lần đến bàn thờ liệt sĩ Nguyễn Đỗ Quân kê bên phải phòng khách. Anh rất trẻ, trẻ hơn những bọn tôi khi vào trung học. Đôi mắt trên khuôn mặt tươi sáng nhìn thấu tim gan tôi. Tôi bỗng giựt mình. Đôi mắt như một trời ước vọng đang rực cháy. Tôi đốt cây nhang cấm vào lư hương lòng đầy cảm kính: “ Các anh nằm xuống cho đất nước này liền một dải, xứ sở được thăng hoa”. Tôi bỗng dưng thấy mình nhỏ như hạt bụi cần có sự che chở của anh để thành con người. Tôi trân trọng thầm khấn vái một điều mà chưa hề bày tỏ với ai “ Em yêu Đỗ Quyên rồi anh ơi! Mong anh trợ giúp!”

Bác Bảy bùi ngùi kể:

-Thằng Quân giờ còn chắc đã cho bác có cháu bế bồng, nó hy sinh rất oanh liệt trong trận đánh không cân sức, tạo bước tiến cho đơn vị chiến thắng. Tôi như bị cuốn hút với cuộc đời của anh Đỗ Quân với những thành tích cá nhân đóng góp cho công cuộc giải phóng dân tộc. Sẵn sàng hy mạng sống trong chiến đấu với giặc.

Khi chia tay ra về, Đỗ Quyên đưa tôi một đoạn đường, tôi ngoái lại nhìn lại ngôi nhà bác Bảy, chừng như có đôi mắt Đỗ Quân nhìn theo tôi. Đôi mắt chỉ gặp một lần trong di ảnh đủ để soi rọi lấy bản thân tôi trong cuộc sống thường nhựt.   Đôi mắt ấy theo tôi về nhà, làm cho tôi có sự nghiền ngẫm mỗi lần vùi đầu với sách vỡ. Đôi mắt cứ chập chờn nhảy múa trên từng trang sách, lên từng con chữ, luôn nhắc nhở tôi làm điều gì đó có ích cho mọi người.

Cánh thư đầu tiên từ Đà Lạt của Đỗ Quyên gởi xuống cho tôi sau đó mười lăm ngày. Cứ thế, đều đặn, đặc biệt mỗi lá thư có ép theo một cánh hoa còn nguyên sắc màu rực rỡ. Đẹp tuyệt vời! Tôi xếp từng cánh hoa cho vào bọc ny long ép lại gắn lên từng trang nhật ký đến dày cợm.

Ba tôi nghiêm khắc:

          Con phải tốt nghiệp đại học, bất cứ giá nào?

          Tôi cũng cương quyết như vậy! Mùa nghỉ hè năm sau, cái gì đó cứ thúc bách tôi lên thăm chú Tư, lần đi này không điện thoại, lòng nôn nao dữ dội. Lên xe tôi cố ép cho ngủ để giết thời giờ. Tôi hình dung nụ cười tươi như hoa của Đỗ Quyên, đôi mắt mừng tíu tít, đôi tay nắm nuối, lôi kéo tôi... ơi là hạnh phúc.

Khi tôi bước xuống xe, chiều đã xuống, cái không khí đặc trưng của Đà Lạt làm cho tôi đê mê. Nhà của chú Tư để ngỏ tôi lách mình vào, thoáng thấy tôi, thím Tư ra đon đả:

          -Ủa! Con mới lên hả. Lên dự đám cưới của Đỗ Quyên phải hôn?

Thím Tư này trêu với mình cho vui mà. Tôi nghĩ bụng như thế nên thản nhiên thay quần áo tắm rửa. Vừa dọn cơm xong, chú Tư cũng vừa về tới. Chú mừng hỏi, giọng trầm ngâm không hồ hởi như lần trước. Tôi đâm ra hơi hoang mang không hiểu chuyện gì vừa xảy ra ở gia đình của chú, hay ở nhà của Đỗ Quyên? Tôi nhìn chú Tư dò xét hỏi có chuyện gì vậy chú?

          -Chuyện ở nhà anh Bảy mà!  Chị Bảy vừa rồi cương quyết gã Đỗ Quyên cho ông chủ khách sạn, thằng này vừa xấu vừa hơi lớn tuổi hơn một con giáp, nhưng có tiền. Đỗ Quyên không chịu. Anh Bảy thì phản đối ý của vợ. Chị Bảy làm áp lực:

          -Nếu Đỗ Quyên không ưng thì chị tự vận.

Anh Bảy phải nhượng bộ. Buổi đầu Đỗ Quyên một mực không chịu ưng thằng đó, nó nói thẳng với anh Bảy là đã lỡ yêu mầy rồi! Anh Bảy nhờ tao hết lời phân tích với nó. Cuối cùng nó miễn cưỡng...

-Chừng nào đám cưới Đỗ Quyên?- Tôi hỏi.

-Năm ngày nữa.

Tôi như trong trạng thái đùa giỡn với người yêu, chợt chân té xuống vực, tay nắm lấy chùm hoa trên miệng vực rồi chơi vơi rơi xuống khoảng không. Tôi cố giữ bình tĩnh, cố nuốt hết miếng cơm lạt lẻo trong miệng. Chú Tư đoán được, an ủi:

          -Con phải ráng học cho thành tài, con gái đẹp thiếu chi muốn đâu không có. Làm con trai nên lấy bản thân làm trọng, luôn trao dồi đức và tài để nên danh phận.

 Tôi xin phép ngủ sớm, vô phòng nằm nghe lòng chừng đã mất mát thứ gì đó. Có tiếng gõ cửa, Đỗ Quyên đến tìm. Tôi khoát áo lên mình buồn bã đi bên Đỗ Quyên, không ai nói lời nào. Chân cứ đi, đi mãi cuối cùng ngồi xuống băng đá ở vườn hoa.

-Anh lên đây hồi nào?

-Hồi chiều!

Đỗ Quyên khóc, khóc.

Tôi an ủi:

-Anh đã nghe chú Tư kể hết tình cảnh của gia đình em. Anh rất cảm thông với em, và anh cũng thành thật cám ơn em đã dành cho anh những tình cảm đặc biệt từ cái buồi đầu gặp gỡ. Thương em cặm cụi ép từng cánh hoa hàng tháng gởi cho anh đều đặn. Tình cảm đó đã ghi được ở mức độ tình yêu của em. Nhưng ở thực tại hoàn cảnh trớ trêu này, em nên nghe lời mẹ đi lấy chồng, còn chuyện của mình gói lại coi như kỷ niệm. Đỗ Quyên rơi nước mắt lên vai tôi. Tôi nhận ra sự yếu đuối của mình với mùi  nước mắt của con gái và cũng nhận ra sự mềm nhão ở lòng mình.

Bất ngờ mẹ của Đỗ Quyên  trở bịnh phải vào bệnh viện cứu cấp, đám cưới được dời lại. Và cũng là cái cớ cho Đỗ Quyên không lên xe hoa. Đỗ Quyên cương quyết ý định như vậy với tôi.

Tôi, phân trần:

          -Chuyện tình yêu không phải lý giải như bài toán, nó lại càng không có quy luật gì cả. Nó chỉ xuất phát từ con tim mà thôi! Tình yêu có thể thay đổi theo thời gian, cũng thời gian làm cho con tim nhận ra cái thực của tình yêu.Vậy em phải hết sức cân nhắc cho số phận của chính bản thân mình.  Đừng miễn cưỡng cho tình yêu.

          Tôi quảy hành lý lên vai chào chú thím Tư ra về. Chú Tư nắm lấy tay tôi dặn dò:

          -Chú Tư tin con không làm cho chú thất vọng, đời chú hụt hẫng với nỗi buồn héo hắt, tuổi già cận kề, cô đơn không có con cháu. Tôi lặng lẽ  nhìn chú Tư nói thầm trong bụng: “Con có thể trở lại với chú mà!”

Đỗ Quyên tiễn chân tôi ra bến xe:

           -Anh về Cần Thơ giữ gìn sức khoẻ, cố gắng học hành năm nay thi  đại học rồi đó! Em sẽ chăm sóc từ xa bằng những lá thư cho anh, trong đó có nhưng cánh hoa em ngồi ép hàng đêm cho anh trọn vẹn tập nhật ký “Hoa”.

             Xe lăn bánh sương còn lẫm đẫm bên kia đồi, một vài vệt vàng vắt ngang qua hàng cây. Đỗ Quyên đứng đó, mắt rưng rưng nhìn tôi. Chừng có cả anh Đỗ Quân vẫy tay gọi tôi một cách thân thiện như anh em một nhà.

              Xe lăn bánh, thông hai bên đồi lùi lại để đôi mắt của Đỗ Quyên hiện lên phía trước. Cùng lúc ấy, đôi mắt đầy ước vọng rực cháy của anh Quân như nhắc nhỡ, căn dặn tôi: “Phải sống thực với tình yêu của mình”.

              Có sợi dây vô hình buộc lấy tôi với Đỗ Quyên. Bất chợt, tôi hiểu ra vì sao chú Tư chọn nơi này làm quê hương. Tự dưng tôi muốn  xe quay đầu trở lại.

 

 

 

Nhật Hồng

 

ĐC: Hội viên. Hội Nhà văn tp Cần Thơ,

170,Lý Tự Trọng, Quận Ninh Kiều, tp Cần Thơ.

ĐT: 0939 860 568.

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.