Dec 26, 2024

Tùy bút - Bút ký

Bạn Bè Mất Dậy
Nguyễn Bá Trạc * đăng lúc 10:00:49 AM, Feb 07, 2017 * Số lần xem: 1659
Hình ảnh
#1
(Trích Ngọn Cỏ Bồng - ấn bản 1985)

Một anh Văn Sĩ và một anh Thi Sĩ, hai người tuổi ngoại tứ tuần nhưng tính khí còn hơi trẻ. Thăng Long Văn Sĩ thì nói lắp mỗi khi cuống quýt, còn Văn Lang Thi Sĩ mắc bệnh trĩ và có hơi lấn lướt anh kia một chút.
Anh Văn Lang tuyệt nhiên không có thói xấu nào. Còn Thăng Long tính xấu kể ra không hết. Thứ nhất là rủ nhau đi ăn tiệm nhưng chỉ gọi những món mình thích. Thứ hai nằm ngủ nghiến răng. Thứ ba là cái gì? Là một lần đi mua thuốc lá, anh bước chân vào tiệm rồi nhớn nhác giật ngược trở ra. Mặt mày thất sắc. Một lão già Mễ đùa dai cứ dí khẩu súng vào mặt người ta. Dẫu là một khẩu súng nhựa trẻ con chơi.

Anh Thăng Long không quen chơi súng nhựa. Anh ta chơi súng thật. Ngày xưa trong bộ quân phục oai nghiêm, anh đeo súng lái xe díp chạy tung tăng trên khắp chiến trường. Dễ có hơn mười mấy năm. Cựu sĩ quan Sư Đoàn 18 Bộ Binh, ngang dọc đất trời nào biết có ai? Cho đến bây giờ, Văn Lang Thi Sĩ vẫn chưa hỏi bạn mình hồi ấy đánh chác ra sao? Nhưng cần chi. Cũng như tất cả các guồng máy thông tin tuyên truyền khác, chỉ cần ngồi nhà cũng tả ra được những chiến công oai dũng:

Bước sừng sững qua vùng lửa cháy
Đạn moọc chê bắn xoáy vòng cầu
Xe tăng ủi tới đằng sau
Chàng bình tĩnh cất cao đầu thét lên

Mỗi lần có ai đọc đến đoạn này, Thăng Long Văn Sĩ, cựu Đại úy Sư Đoàn 18, vẫn thét lên: Xung phong! Hớp một hơi bia nghe đọc tiếp:

Hàng ngũ giặc đột nhiên im lặng
Lính Sao Vàng ngơ ngác nhìn nhau
Ùn ùn buông súng quăng dao
Mười ngàn Cộng Sản rủ nhau đầu hàng.

Thơ phú vung vít suốt những năm gặp lại ở Mỹ. Tay bắt mặt mừng rồi lại chia đi kẻ Bắc người Nam trong tiểu bang Cali, cách nhau hơn 500 dặm. Không ai cấm ai sản xuất hàng loạt chiến công lừng lẫy khác:

Tay không tiêu diệt năm đại đội
Banh xác quân thù móc lấy gan
Bắc Việt rùng mình quân thất sắc
Xô nhau chạy hết nửa Sư Đoàn.

Tất nhiên trong cuộc chơi khói lửa, quả có những chuyện du kích Cộng Sản cứ trói cánh khuỷu các ông xã đi nhậu khuya về, bắt người ta quỳ xuống rồi mổ bụng. Cũng có chuyện anh Sĩ quan Biệt Động không muốn giữ tù binh. Bắt được thì cho phép chạy. Đếm từ một đến 50. Đoàng! Chạy nhanh thì cho thoát. Chạy chậm thì cắt cái tai phơi khô xâu vào dây đeo chơi.

Nhưng đó không phải là Thăng Long văn sĩ:

- Một chàng vừa đẹp lại vừa ngoan
Lưng trời thở nhẹ dăm câu hát
Ngơ ngẩn phòng the mấy chục nàng,

Anh có bao giờ banh gan ai làm cái gì? Mười mấy năm đi lính lại bị cận thị nặng. Lỡ lạc đâu cái gương thì kể như đất trời mù mịt.

Anh lớn lên cùng với những K. Béo, P. Lỉn, Đức Cống, G. Mập, hiền lành như một củ khoai lang. Mười bẩy tuổi chưa biết yêu. Còn cầm cái que chạy quanh khu Bàn Cờ đấu kiếm. Rồi thi Tú Tài Một, đi học Luật. Vào Thủ Đức đi lính. Rồi xa nhà, lâu lâu về phép thăm mẹ.

“Thăng Long đi lính đến Đại Úy vẫn bị mẹ mắng cho thảm hại”. G. Mập kể: “Thằng Đức Cống dạo Tết đi phép về đến nhà Đại Úy Thăng Long đứng gãi đầu gãi tai xin tiền. Bà cụ dúi cho tờ năm trăm. Nó bỏ túi xong xuôi, móc một quả lựu đạn, lễ phép thưa: Thưa cụ, con xin mừng cụ năm mới. Nó rút chốt, quăng lựu đạn xuống đất. Lựu đan khói. Khói mù mịt cả xóm Bàn Cờ”.

Đại Úy Thăng Long đi chơi đâu về, bị bà cụ đứng chửi từ đầu xóm:
- “Thằng giời đánh! Bạn bè mày như thế. Bạn bè mất dậy”… Cụ bắt đầu chửi bằng văn vần. Những câu ấy hiện còn ghi lại trong các cuốn ca dao tục ngữ Việt Nam nhưng không viết trọn chữ.

- “Thăng Long nghe mẹ chửi, hầm hầm xách khẩu súng M-16 qua nhà Đức Cống. Đức Cống có tiền đã la cà sang tiệm cà phê cụ Phong mất rồi. Thăng Long lên đạn, cứ mái nhà Đức Cống mà bắn. Ông cụ thằng Đức Cống ngồi trong nhà cười bảo: Thằng này nó điên”.

Còn Đức Cống? Ngồi trong tiệm nghe báo cáo tình hình xong bình tĩnh bỏ đi luôn, không về ăn Tết. Chẳng phải vì sợ M-16 . “Nhưng mà nó sợ bố đánh”. G. Mập kể như vậy. Một Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 33 Biệt Động Quân lại sợ bố đánh thì kể cũng hơi chướng. Nhưng ai kể như vậy thì ta nghe như vậy.

Dĩ nhiên cuộc đời không luôn luôn vui vẻ. Sau dạo ấy người ta gặp Đức Cống thỉnh thoảng về phép mặc áo bà ba đen, co cẳng uống cà phê bít tất ở đường Nguyễn Thiện Thuật. Nhưng anh lầm lì ít nói. Mắt anh đục ngầu. Có lẽ vì khói lửa. Bạn bè cứ rụng dần. Rồi đến lượt chính anh ta rụng. Cố Trung Tá, 27 tuổi. Chôn ở nghiã trang Mạc Đĩnh Chi.

Bao nhiêu nước đã qua cầu. Nói như thế cho nên thơ để khỏi nói: Bao nhiêu máu chẩy thành sông. Chàng Đại Úy Sư Đoàn 18 cũng xuống tầu trôi đi:

Một vai vợ dại con thơ
Một vai từ mẫu nương nhờ tay ai?
Trăng treo biển lạnh khoang ngoài
Nhấp nhô ngọn sóng tương lai mịt mờ.

Trong cái mịt mờ sóng gió vùi thây ông già bà cả, đàn bà trẻ con, chàng chiến sĩ:

Trạnh lòng nhìn rượu với thơ
Lần tay giở lại đôi tờ cổ thi
Mỹ Châu nhắm lối tầu đi
Buồm căng theo gió nước phi theo tầu.

Một chàng vừa đẹp lại vừa ngoan! Chiến binh yêu dấu của miền Nam! Anh trở thành nhân viên hãng ga và điện. Trở thành nhà văn, bút hiệu Thăng Long Văn Sĩ. Cũng như bạn anh trở thành Cán sự Cộng đồng, nhà thơ, bút hiệu Văn Lang Thi sĩ. Xưa kia kề cà với nhau ở cà phê La Pagode. Bây giờ gặp lại nhau giữa cuộc đời, ôi thiệt mừng quá. Họ thân nhau tợn. Chỉ hơi tốn tiền điện thoại viễn liên. Tiếng nói bay trong trời mây xa thẳm.

- “Nó là bố mày hay sao mà mày cứ gọi nó lắm thế?”
Ông con bốn mấy tuổi đầu vẫn được cụ thân ái như vậy, y như ở xóm Bàn Cờ. Dẫu sao, thưa cụ, nhờ thế họ cũng vui vẻ đỡ nhức đầu.

Văn Lang Thi Sĩ, Cán sự xã hội, hàng ngày bị người ta réo về tội trẻ con Việt Nam thích đái đường. Năm 75, người Việt ở Mỹ chưa văn minh. Tiền trợ cấp xã hội gửi đến muộn, bị người ta dẫy lên đành đạch. Chính phủ làm ăn như thế để cho dân chết hết à?

Còn Thăng Long văn sĩ?

Hàng ngày xe lại bon bon
Mắt nhìn muôn hướng gót mòn muôn phương
Đậu xe dừng lại bên đường
Một tay ghi điện lòng thương nỗi nhà

Anh bước hơi thất thểu một chút – với một cái quần có hơi rộng đáy – và một cái que sắt có móc để khỏi cúi mở những nắp xi măng trên các đồng hồ điện. Cái que sắt – ngày nay thay thế khẩu M-16 – còn giúp anh tự vệ trước lũ chó hay xồ ra cắn bậy. Dẫu sao, cả hai thứ võ khí đều Made in U.S.A.

Cái cảnh đời ấy chẳng tốt hơn cũng chẳng xấu hơn so với cuộc đời bao giờ mà không ô trọc. Nhưng họ cô quạnh và nhức đầu. Cho nên họ chữa bịnh bằng cách thường xuyên điện thoại thăm hỏi, tâng bốc lẫn nhau. Khi người ta lơ là, không tâng bốc nhau, người ta tự tâng bốc mình. Về sắc, thì:

Trên đời ai đẹp bằng ta?
Tóc đen môi đỏ da ngà ngà nâu
Dịu dàng đôi mắt bồ câu
Dọc dừa là mũi thanh tao là mồm

Còn về tài, anh Văn Lang có hơi kém sút. Lon lậu quân đội hơi tệ. Đi quân trường Quang Trung có chín tuần, kể ra chỉ được cái Binh Nhì Bậc Một. Nên anh khiêm tốn nói rõ:

Ta không hẳn là tay chiến sĩ
Ta là vua thi sĩ trần gian
Chuyện này chắc chắn khỏi bàn
Vì ai cũng biết còn bàn làm chi?

Trong chiều hướng như vậy, điện thoại có tốn, nhưng văn chương Việt Nam hải ngoại nói riêng – Văn chương Việt – nói chung, được trở nên sống động, phong phú.

Họ bàn bạc văn chương và chuyện đời qua điện thoại viễn liên. Họ xuất bản cả báo. Một tờ báo thủy tổ của tất cả các báo Việt ngữ sau này đầy ra trong các chợ và tiệm ăn San Jose. Thơ hay lọ phải có vần? Báo hay lọ phải ra nhiều mới hay? Ra ba số, nghỉ chơi. Ba số báo ấy, để mà coi, sau này hậu thế mới hiểu được đó là vàng, là ngọc. Cũng như Nguyễn Du 300 năm sau.

Trong tờ báo này. Thăng Long Văn Sĩ chế khối bài hay. Tỉ dụ: “Làm thế nào để trở nên một văn thi sĩ trong vòng sáu tháng?” Bài ấy gây chấn động văn học giới. Tạo nên tiếng vang ở vùng San Jose, nơi năm mươi ngàn người Việt Nam chưa chắc yêu mến nhau lắm, nhưng lúc nào cũng yêu mến văn chương. Nhiều người nghiên cứu kỹ bài báo. Nhiều người cứ y như thế mà làm, rút lại, bây giờ đều nổi tiếng. Đọc xong bài ấy, người ta không những chỉ hiểu thấu đáo kỹ thuật làm văn (phải có bút, phải viết trên một mặt giấy), người ta còn hiểu thêm cái danh vọng vĩnh cửu, tuyệt vời của nhà văn, nhà báo. Đốc Phủ Sứ hết thời, gọi là Đốc Phủ Sứ hồi hưu. Thiếu Tướng, Trung Tướng về già gọi là Cựu Thiếu Tướng, Cựu Trung Trướng. Nhưng một lần nhà văn là mãi mãi. Một lần nhà thơ là mãi mãi. Không ai gọi ai là cựu thi sĩ. Thi sĩ là thi sĩ của thời gian tuyệt đối, đối diện với muôn đời.

Ấy là nói về tài văn xuôi của Thăng Long Văn Sĩ. Anh chuyên trị về văn xuôi, nhưng có xé rào đua với bạn mình và chế tạo được lắm bài thơ hay, ví dụ bài: Phi thuyền (Lòng ta là một phi thuyền. Nửa đêm bay lượn ra nhìn trăng sao). Tất nhiên những tay rành đều biết bài này hay. Vì sao? Vì thơ là rung cảm tinh tế của tâm hồn con người trong hoàn cảnh và môi trường mình sống. Môi trường này là môi trường phi thuyền. Giai đoạn này là giai đoạn của máy giảm nhiệt, ngói điện năng. Tiếc thay, báo nhà đóng cửa. Anh gửi thơ ra cho báo bạn nhưng không được các văn sĩ già chú ý. Họ vẫn còn nhâm nhi cà phê La Pagode pha đặc dĩ vãng 20 năm xưa. Họ bảo: Thi sĩ trẻ, bài đang đọc. Tiếp tục gởi thêm.

Còn Văn Lang thi sĩ? Niềm cảm hứng của tờ báo Việt ngữ thủy tổ ở San Jose? Vừa viết quan điểm với một lập trường ú ớ, viết tin tức, viết chuyện lạ bốn phương, các nguy hiểm trong ngành điện tử. Vừa chạy sắp chữ, vừa chạy quảng cáo, cười cầu tài với giới đốc tờ, bảo hiểm, chủ chợ, chủ tiệm ăn bằng tất cả dịu dàng của cặp mắt bồ câu. Rồi lặng lẽ. Báo nghỉ. Xin thôi cái chuyện đêm đêm còm cõi ngồi đánh dấu tay Việt ngữ. Xin thôi chuyện đòi nợ quảng cáo mà bọn khốn nạn cứ ù lì. Anh muốn bắt đầu làm thơ như bất cứ một thi sĩ chân chính nào khác trên cõi đời này.

Những thi sĩ ấy, con yêu của Thượng Đế, anh em ruột của đồi núi mây trời: họ thong dong, không gãi đầu gãi tai với chủ tiệm thuốc bắc Nhơn Thọ Đường.

Những thi sĩ ấy ngồi họp với Mỹ, Mễ vẫn co chân lên làm thơ. Buổi sáng: thơ. Buổi trưa: thơ. Muốn có vần là có vần. Muốn không có vần thì không có vần. Bất chấp.

(Trích Ngọn Cỏ Bồng - ấn bản Người Việt 1985)
 
 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.