Jan 15, 2025

Tùy bút - Bút ký

Người Đi Một Nửa Hồn Tôi Mất (1)
Hoàng Thị Quỳnh Hoa * đăng lúc 06:04:14 PM, May 25, 2023 * Số lần xem: 919
Hình ảnh
#1

 

*              
  Than chuyen. Bài viết hay.

NGƯỜI ĐI MỘT NỬA HỒN TÔI MẤT (1)

Nguyên Ngọc Hoàng thị Quỳnh Hoa     


Người nào, đi đâu mà một nửa hồn tôi chết? Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ!

 Người nào không may mất người bạn đời sẽ thấm thía hai câu thơ này. Người đi là người bạn đời! Mượn hai câu này tả tâm trạng của người vừa chợt cảm nhận một nửa hồn mình bỗng bị chôn theo người mới khuất. Ông xã tôi đang khỏe mạnh bỗng dưng lăn đùng ra, bay đi nơi khác không một lời trăn trối. Trời đất sụp đổ. Tôi thầm khấn khứa mong trời mau tối mau sáng để khỏi phải một mình ở lại Cõi Tạm này quá lâu. Một cô bạn thân thiết của tôi than thở: “Vì sợ chuyện như thế này nên tôi đã đóng lòng không yêu ai, không lấy ai!” Nghe mà não lòng. Còn nhớ đọc đâu đó ở Nhật, có một dạo, nổi lên phong trào chết theo người phối ngẫu. Ông/bà tắt thở là người kia chết theo. May mà phong trào này chết yểu. Chết theo không phải là một giải pháp hay ho, nhất là những người tin Phật. Đấng Từ Phụ dạy tự sát là phạm giới sát sanh, một trong 5 giới cấm. Mà chết như vậy chỉ chồng chất thêm nghiệp tội!

 

Để khỏi đếm từng ngày, tôi bắt đầu nói chuyện với anh theo lời khuyên của một người bạn. Không nhớ bắt đầu viết từ hôm nào. Chỉ nhớ rất rõ là có ghi lại một buổi chiều ghé chợ H Mart mua trái cây cúng mà đứng chọn từng quả một rồi chợt buồn cười sao mình có thể vô tư đứng chọn trái cây cẩn thận như mọi ngày, như không có chuyện gì xảy ra! Anh đi rồi, đâu còn chuyện gì quan trọng nữa, sao phải đứng lựa trái cây tỉ mỉ như vậy. Tôi cũng không buồn check thơ. Một hôm ông đưa thơ mang tới tận cửa một bịch dày thơ từ, sách báo, nói sao bà không check mail. “Hộp thơ đầy quá, tôi phải đem đến đây.” Tôi cười buồn trả lời đối với tôi không có gì quan trọng nữa, không chờ đợi gì nữa. Ông không nói gì, lâu lâu vẫn mang thơ đến tận cửa. Nhìn lại một trang nhật ký: “Anh, hôm nay là thứ Sáu, May 3. Tối hôm qua em vẫn phải uống 2 viên valium. Chắc anh không bằng lòng nhưng em sợ không ngủ được, người xơ rơ xác rác mất đẹp. Vợ anh có tiếng là đẹp đó mặc dầu anh hay bảo ‘Em dễ thương thôi, nhiều cô khác đẹp hơn’. Chắc anh muốn nói những cô gái anh quen biết! Hôm qua GL Kim Châu ôm em nói: ‘Cô hư quá! (hư tiếng Huế là gầy, xấu) Cô hết đẹp rồi!” Anh mất ngày 23, April, 2002, đến 16 tháng May thì tôi ngưng viết vì khơi lại những kỷ niệm cũ, thầm thì với anh mỗi ngày chỉ buồn thêm, không ích gì. Hạnh phúc vô thường thì đau khổ cũng vô thường. Đau khổ rồi cũng qua. Mình phải nhẫn nhục sống để trả nợ nhân quả. Vợ chồng cũng chỉ là duyên nợ thôi, hết nợ mới hết gặp nhau. Không hiểu sao trước đó hai tuần, tự dưng anh bảo: “Kiếp sau xin cưới lại mụ ni. Mụ ni được lắm!” Nhưng nếu đủ duyên được gặp lại ở kiếp sau, xin được làm huynh đệ đồng môn, cùng nhau tu tập như Thủy Tiên, người bạn Phật tử năm xưa của tôi ở San Francisco thường nói, bởi vì tình huynh đệ thì nhẹ nhàng hơn.

 

Không phải một mình tôi muốn trải lòng trên giấy cho vơi sầu, cái sầu thiên cổ, mà nhiều người cũng đã có cùng quan niệm. Mới nhất mà tôi biết là phu nhân của ông Shinzo Abe, thủ tướng nước Nhật. Bà Akie Abe hạnh phúc bên chồng hơn 30 năm, đã nén đau thương viết bức tâm thư giã biệt ngày đưa vị hôn phu yêu quý đến nơi an nghỉ ngàn thu! Thi nhân văn sĩ cũng mượn giấy trắng mực đen để ngỏ đôi lời với người bạn đời vừa nằm xuống. Thế hệ của chúng ta ai mà chẳng đã ngân nga “Màu tím hoa sim, chiều hoang biền biệt. Nhìn áo rách vai, tôi hát trong màu hoa: ‘Áo anh sút chỉ đường tà, vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu.” và ngậm ngùi thương cho Hữu Loan, người chồng vệ quốc quân của cô dâu 16 tuổi. Chàng từng là gia sư của các anh và cả của cô em gái bé bỏng 8 tuổi. Tám năm sau được phép cưới nàng nên ông thương người vợ trẻ như em gái: “Tôi, người vệ quốc quân, Yêu nàng như tình yêu em gái.”  Nhưng hỡi ôi, sau khi cưới, chàng phải vội vàng trở lại quân khu và mấy tháng sau thì được biết “Chiếc bình hoa ngày cưới, thành bình hương tàn lạnh vây quanh.” Ông làm bài thơ Màu tím hoa sim ngay trên mộ nàng. Lời thơ khóc vợ của ông bị chỉ trích nội dung nặng nề tình cảm và ảnh hưởng tiêu cực tâm lý quân dân nên ông bị giải ngũ, bị đi học tập, bị quản thúc! Ông than thở: “Tôi thấy đau xót tôi làm bài thơ ấy tôi khóc mà họ cho tôi là phản động. Tôi phản động ở chỗ nào? Cái đau khổ của con người, tại sao lại không được khóc.” Chỉ vì tinh thần bất khuất, ông bị theo dõi, bầm dập, phiền hà không it cho đến cuối đời.

 

Đương thời thì có Hà Sĩ Phu, nhà văn, nhà thơ đang sinh sống ở Đà Lạt, cũng đã khóc vợ với bài :

 

Hẹn Em Ngày Gặp Lại

(Kính tặng hương hồn vợ tri âm)

Em ngã xuống, trời thương, vừa lặng gió
Chỉ hồn anh sét nổ báo đêm giông,
Đời phía trước, đây là lối rẽ
Vắng tri âm đâu chỉ vợ xa chồng?

Mình đã thuận để anh đi trước
Sao vội vàng lỡ hẹn, giận em không?
Khôn thiêng nhé về đây lau ngấn lệ
Tay trong tay mỗi sáng lại đi cùng
Hạnh phúc quá, sao tan tành mộng tưởng
Một mình anh tựa cửa lặng hoài trông

Đời đã lạnh, chẳng vui nào lấp được
Hẹn đến ngày... hai đứa lại về chung...

 

Đêm hôm bà mất (13 Oct. 2017), ông làm bài thơ này gởi tới một số bạn bè cùng chí hướng với lời tâm tình: “Gọi là một chút riêng tư, chẳng đáng gì, mạo muội gởi tới bạn bè thân thuộc của tôi, trước hết để chia sẻ cùng tôi nổi đau mất, chẳng những một người vợ mà còn là bạn tri âm đã hết sức đồng tình chịu đựng cùng tôi nỗi khổ tù đày và bao vây o ép mấy chục năm trời mà tôi chưa thể đền đáp. Tôi viết mấy dòng cho nhẹ lòng một chút.” Cầu mong ông được nhẹ lòng đôi chút.

 

Xa xưa hơn nữa thì có câu chuyện thi sĩ Đông Hồ của Miền Nam khóc vợ, người vợ 18 tuổi khi ông mới 15! Ông vâng lệnh người bác cưới cô này khi bà bác mất vì nhà cần bàn tay của một người nội trợ. Bảy năm sau thì bà mất. Ông thương tiếc khóc than trong tập ‘Linh Phượng lệ ký’. Linh Phượng là tên của vợ ông, hay còn được biết là ‘Trác Chi Lệ Ký’. Trác Chi là một bút hiệu khác của ông. ‘Linh Phượng lệ ký’ 52 trang là một áng văn xuôi, có chen vào những đoạn thơ lục bát hoặc thơ Đường. Xin trích bài thơ Đường khóc vợ từ tập này:

        Chăn gối cùng nhau những ấm êm,
        Bỗng làm ngọc nát, bỗng châu chìm.
        Đầm đìa giọt thấm, khăn hồng thắm
        Lạnh lẽo đêm xuân giấc mộng tìm.
        Hình dạng mơ màng khi thức ngủ,
        Tiếng hơi quanh quất nếp y xiêm.
         Bảy năm vui khổ nghìn năm biệt,
         Sóng gió chiều mưa, lắm nỗi niềm.

        Tờ báo Nam Phong của học giả Phạm Quỳnh cho đăng tập lệ ký này ở số 128, tháng 4/1928 được độc giả bốn phương ngưỡng mộ. Cùng thời với ông có nữ sĩ Tương Phố ở ngoài Bắc cũng vừa mới mất người thương. Cũng như ông, nữ sĩ khóc chồng trong một bài văn chương biền ngẫu với tên Giọt Lệ Thu, dài 15 trang, xen lẫn những đoạn thơ lục bát hay song thất nhưng bà chỉ giữ cho mình. Sau khi đọc Linh Phượng Lệ Ký của Đông Hồ trên tờ Nam Phong, bà mạnh dạn gởi tâm tình của mình cho Nam Phong. Chủ biên là cụ Phạm Quỳnh cảm thông nỗi đau mất vợ mất chồng liền cho đăng bài văn khóc chồng của nữ sĩ với lời giới thiệu chân tình. Và nhờ vậy hai thi sĩ Nam Bắc biết nhau. Xin được trích đoạn đầu của bài Giọt Lệ Thu:

 

“Duyên chẳng hẹn trăm năm, tình còn ghi muôn kiếp. Anh Thái Văn Du mất ở Huế ngày hai mươi lăm tháng bảy năm Canh Thân: đôi lứa trẻ trung, kẻ Nam người Bắc, khi sống đã xa nhau, lúc mất lại không gặp mặt, lòng em thương xót bao giờ cho nguôi!

...................

Trời thu ảm đạm một màu 

Gió thu hiu hắt thêm rầu lòng em 

Trăng thu bóng ngã bên thềm

Tình thu ai để duyên em bẽ bàng...........

 

Thời buổi môn đăng hộ đối mà nữ sĩ gặp được người đồng điệu, cùng thích thi phú văn chương, tâm đầu ý hợp nhưng không đầy một năm thì phải xa nhau vì chàng bị đưa qua Pháp tham dự cuộc chiến Pháp Đức (1914-1918) rồi bị nhiễm bệnh, được đưa về quê quán ở Huế và mất ở đây. Nàng thì đang học chuyên khoa ở Hà Nội. Đường sá xa xuôi, khi về đến Huế thì không được thấy mặt chồng lần cuối. Thơ văn của bà bài nào cũng ai oán tỷ tê khóc thương người chồng vắn số, mà cũng thương khóc xót xa phận mình. Bài Khúc Thu Hận có hai câu:
 

Thu xưa khóc, thu nay lại khóc,
              Năm năm thu mãng khóc mà già....
 

Năm năm sau bà tái giá nhưng không quên mối tình đầu. Bà kể lể:
 

Thân này đôi dẫu đủ đôi,

Lòng này riêng vẫn lẻ loi tấm lòng!

Theo duyên ân ái đèo bòng, 

Trăm năm vẫn một khúc lòng bi thương.

(Trích Tái Tiêu Sầu Ngâm, bài thơ 44 câu)
 

Thấy người mà gẫm đến ta! Thi sĩ Đông Hồ cảm khái làm bài thơ Hai Giọt Lệ. Một giọt lệ của mình khóc vợ, một giọt lệ của người nữ sĩ trẻ khóc chồng:

             
Giọt lệ thu (1) kia vẫn đượm sầu, 

Cánh chim Linh Phượng (2) biết về đâu. 

Đài gương nhạt phấn phôi pha nét, 

Viện sách tàn hương lạnh lẽo màu. 

Cõi bắc trời nam hai giọt lệ, 

Đông Hồ Tương Phố một dòng châu

Đoạn trường gặp gỡ năm canh mộng,

Một hội thương tâm một dịp cầu
 

Đông Hồ là một hiện tượng hiếm quý của văn học miền Nam. Ông là chuyên gia nghiên cứu tiếng Việt, nhiệt tình với văn hóa dân tộc Việt Nam, là người đầu tiên có ý tưởng dùng cọ lông và mực tàu viết chữ quốc ngữ, là tổ sư của môn thư pháp ngày nay.

 

Nhà thơ trào phúng Tú Mỡ của chúng ta cũng đã phải khóc người vợ hiền khi bà đi trước trong bài thơ 52 câu kể lể chuỗi ngày hạnh phúc bên nhau. Xin trích đoạn cuối: 


Ôi duyên nợ thế thôi là hết 

Năm mươi năm thắm thiết yêu nhau! 

Bà về trước, tôi về sau 

Thôi đành tạm biệt nuốt sầu gượng vui. 

Bà đi rồi nhưng tôi phải ở, 

Công việc đời còn dở tí thôi. 

 

Bao giờ nhiệm vụ xong xuôi,

Về nơi cực lạc, lại tôi với bà.

 

Tú Mỡ mong được gặp lại người vợ hiền ở kiếp sau. Không biết ông có được toại nguyện không!

 

Là người Việt, không ai không nhớ vua Tự Đức, một nhà vua yêu mến văn thơ, trân trọng nhân tài thơ phú, đã vui mừng hân hoan tuyên bố:

 

Văn như Siêu Quát, vô tiền Hán. 

 

Thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường.

 

Nhà vua cũng đã khóc một bà phi với hai câu thơ bất hủ: 

 

Đập cổ kính ra tìm lấy bóng, 

Xếp tàn y lại để dành hơi.

 

Sử sách cho biết năm 1792 khi vua Quang Trung băng hà, Ngọc Hân công chúa cũng khóc nhà vua với bài Ai Tư Vãn gồm 165 dòng theo thể song thất lục bát. Công chúa được gả cho Nguyễn Huệ khi vừa 16 tuổi. Hai năm sau, Nguyễn Huệ lên ngôi phong bà làm Bắc Cung Hoàng Hậu. Được 6 năm thì Nguyễn Huệ bị bạo bệnh mà mất. Bà than thở và muốn đi theo chồng nhưng không thể vì: 

 

Con trứng nước thương vì đôi chút, (câu 85) 

 

Chữ tình thâm chưa thoát được đi.

 

Vậy nên nấn ná đòi khi,

 

Hình tuy còn ở phách thì đã theo!
 

Chắc chắn còn rất nhiều giai thoại khóc chồng khóc vợ mà ta chưa được biết. Ai cũng công nhận hai người không thể nào cùng nắm tay nhau bước về thế giới bên kia, mà phải người trước, người sau. Riêng ông xã tôi đã từng hứa để tôi đi trước vì, anh nói, tinh thần anh vững vàng hơn, anh không muốn tôi phải khóc anh nhưng rồi anh đã thất hứa. Anh nợ tôi lời hứa! Một tuần sau khi anh mất, tôi mơ thấy anh đi xe mô-tô – bình sinh anh rất thích cưỡi mô-tô --, dừng ngay trước mặt tôi, lấy mũ bảo hiểm xuống rồi tươi cười nói: “Anh xin phép rồi, anh sẽ đón em!” Tôi chưa kịp hỏi lúc nào đón thì tỉnh giấc. Tiếc ngẩn ngơ vì muốn chuyện trò với anh. Sáng ra tôi kể cho bà chị dâu thì chị sợ lắm làm tôi phải an ủi chị. Lòng tôi cũng hoang mang mất mấy ngày.

 

Nhớ lại lúc anh mới mất, tôi cảm thấy đời không còn gì nữa, hồn tôi chết theo đến chín phần, chứ không phải chỉ một nửa! Và cũng tưởng như Hà Sĩ Phu than thở:

 

Đời đã lạnh, chẳng vui nào lấp được

 

Hẹn đến ngày... hai đứa lại về chung.
 

Nhưng rồi niềm đau cũng bớt dần cường độ theo năm tháng. Lâu hay mau tùy tâm tính mỗi người. Tôi thì mấy năm liền không thể nghe nhạc Việt được vì chúng tôi thường nghe chung và anh lại hay hát. Người cô họ sau 15 năm vẫn nhớ khôn nguôi. Khi cô gọi chia buồn, tôi hỏi cô bao lâu thì cô quên được và cô trả lời: “Em ơi, chú mất 15 năm rồi mà chiều chiều, o vẫn nhìn cánh cửa chờ chú bước vô nhà khi ở sở về!” Vậy là chắc tôi cũng không có hy vọng có một ngày quên được, và thật sự là không quên nhưng cũng gọi được nửa hồn kia trở lại rồi! 

 

Nguyên Ngọc Hoàng thị Quỳnh Hoa

 

_______

 

(1) Thơ Hàn Mạc Tử

 

 

 *

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.