Jan 14, 2025

Truyện ngắn

10. Chuyện Anh Năm Tu-Hú
Hoàng Long Hải (Tuệ Chương) * đăng lúc 11:49:10 PM, Jun 12, 2008 * Số lần xem: 2909
Chuyện Đánh Giặc Ở Quê Hương Ông Nguyễn Tấn Dũng

» Tác giả: Tuệ Chương
» Thể lọai: Ký sự

Sau hiệp định Paris tháng Giêng năm 1973, tới mùa hè năm đó, tình hình an ninh khá hơn, nên việc làm ruộng phát triển. Vùng kinh Xà-Tón, còn gọi là kinh 1 Tri Tôn, kinh nầy nối từ Châu Đốc xuống kinh Rạch Giá-Hà Tiên rồi đổ ra biển là vùng hoang hóa. Vùng nầy xưa ruộng tới hàng ngàn mẫu, phần nhiều là ruộng của ông chủ Ry và thầy Ban. Hai ông nầy có đào kinh để làm ruộng, một kinh bên trái kinh Xà Tón tên là kinh Chủ Ry, bên phải là kinh Thầy Ban. Trên bản đồ quân sự, còn tên hai con kinh nầy. Ruộng bỏ hoang mấy chục năm chiến tranh, nay dân chúng, ai có khả năng thì cứ vào phát hoang, đốt đồng, trồng lúa. Ngoài vùng hoang hóa, một số vùng đất mới cũng được dân chúng khai hoang. Vùng làm ruộng kéo dài từ kinh Rạch Giá-Hà Tiên vô tới gần kinh Kháng Chiến mà thôi, nghĩa là gần tới ranh giới hai tỉnh Kiên Giang - Long Xuyên. Vùng dọc theo kinh Kháng Chiến, như tôi đã có lần trình bày, là đường giây 1-C của Việt Cộng nên Việt Cộng không cho dân vào, sợ bị lộ. Bề dài thì từ vùng Nam Thái Sơn vô gần tới núi Trầu, gần nhà máy ximăng Kiên Lương.



Toàn bộ đất đai vùng nầy tốt lắm, người ta gọi là vùng than bùn, nghĩa là do cây lá rừng chết biến thành than hay đất phù sa của sông Hậu đọng lại đây. Về mùa hè, có khi vì sét đánh hay hỏa hoạn, lửa cháy ngầm dưới đất, người ta đi trên mặt đất mà không biết gì cả. Bỗng tới chỗ mặt đất mỏng, sức nặng bước chân làm người ta sụp chân xuống, trong khi lửa đang cháy bên dưới, bị bỏng như không! Chuyện đã từng xảy ra, dân chúng từng có kinh nghiệm, không phải là chuyện bày đặt nghe cho thêm lạ lùng, hấp dẫn.



Hồi xưa, vùng đất mênh mông nầy, người ta cày ruộng bằng trâu. Ai có đọc “Mùa Len Trâu” của Sơn Nam hay đã xem cuốn phim cùng tên thì rõ. Theo dân Vàm Rầy kể lại, ông chủ Ry nuôi tới những hai trăm con trâu, vừa để cày ruộng cho ông, vừa cày thuê cho người khác.




Ngày nay, (1973) nông thôn miền Nam đã văn minh, không còn cày bằng trâu như hồi Pháp thuộc, mà dùng máy cày để cày ruộng.




Máy cày nầy hầu hết là loại nhập cảng: John Deer, Ford, Someca, Renault, v.v… Máy cày Ford, John Deer là nhiều nhứt, nông dân thấy loại nầy thích hợp với đồng ruộng ở đây, nhiều nơi còn sình lầy, máy cày dễ bị lún. John Deer là loại máy cày mạnh, khi cần người ta móc giây xích sắt vào hai bánh sau, vượt qua được các chỗ sình lầy một cách dễ dàng.




Không như vùng Tân Hội, nông dân địa phương tự sắm máy cày lấy, cày cho nhau. Ở đây, dân làm ruộng là từ các nơi khác tới, rất nhiều người ở thị xã Rạch Giá, Rạch Sỏi hay Hà Tiên, chớ nông dân Vàm Rầy (xã Đức Phương) thì nghèo lắm, tiền bạc đâu mà làm ruộng nỗi. Ai khá giả một chút như Tư Trạng, nhân vật tôi đã trình bày trong bài trước, làm năm bảy chục công, một trăm công là nhiều lắm. Phần đông những nông dân khác thì đi làm thuê như sạ lúa, làm cỏ hay gặt, v.v…




Ai muốn làm ruộng, cứ tới ngay ông quận xin giấy phép, chấm một vùng đất có tọa độ ngang dọc như thế nào đó, rồi vào trỏng mà làm ruộng. Việc xin giấy phép không có gì khó khăn. Đất là đất hoang, ruộng bị hoang hóa, ai giữ làm gì mà không cho dân làm ruộng. Việc xin giấy phép có trà nước gì không thì tôi không rõ. Tuy nhiên, việc xin làm ruộng, chỉ mới bắt đầu, chưa có hoa lợi gì, những người có quyền biết vậy nên hình như không làm khó khăn gì. Khi nào có gì thì, như nười ta thường nói: “kẻ ăn cơm, người ăn cháo”, còn bây giờ là mới bắt đầu, tiền ra thì có mà tiền vô thì chưa, giỏi lắm người ta biếu chai rươu mạnh hay chầu càphê. Vậy là xong thôi!




Tới mùa cày, cả vùng Kiên Giang đâu có nơi nào máy cày rảnh mà đi cày thuê. Máy cày đến cày thuê ở đây gốc gác từ Tây Ninh. Xe máy cày từ Tây Ninh xuống đây vài khi thấy chạy từng đoàn năm mười chiếc. Khoảng đầu năm 1974, hay cuối năm 1973 gì đó, Cao Đài Tây Ninh có dựng một ngôi nhà, chiếm một vùng đất để làm ruộng và cho thuê máy cày ở gần ấp Lung Lớn, xã An Bình, ranh giới hai tỉnh Hà Tiên và Rạch Giá cũ, (ranh giới thời Pháp thuộc). Sở dĩ tôi biết vì có lần đi ngang, thấy lạ ghé vào thăm thì mới hay có ông đạo (Ông ta mặc áo quần ta màu trắng, như mấy ông ông đạo ở Tây Ninh) (1) là người chỉ huy ở đây.




Sau vụ Tư Ngọc, trưởng ban kinh tài xã Đức Phương bị bắn chết - Tôi sẽ kể trong một bài sau - Việt Cộng không dám ngang nhiên thu thuế máy cày nữa. Chúng nó biết các lực lượng như thám báo chi khu, cảnh sát đặc biệt, võ trang tuyên truyền, võ trang chiêu hồi, thám sát tỉnh, v.v… theo dõi, bám sát để “giải hóa hạ tầng cơ sở Cộng Sản”, (danh từ Phượng Hoàng) nhất là cán bộ kinh tài đi thu thuế máy cày nên sợ, tránh mặt, nhờ nông dân địa phương thu thuế máy cày dùm.




Đó là trường hợp Năm Tu Hú.




Một hôm tôi xuống Vàm Rầy, đang ngồi trong một quán hủ tiếu uống càphê, thì có ông quận Phúc ghé lại cùng uống càphê với tôi. Được một lúc, ông ta bỏ đi, chỉ ít phút sau, ông ta trở lại, đứa cho tôi xem mảnh giấy xé từ trong tập vở học trò, viết nghệch ngoạc mấy chữ: “Tới sau lưng nhà Năm Tu Hú, sẽ thấy vật lạ.”




Thấy tôi đọc xong, quận Phúc nói với tôi:
- “Anh thấy không?! Chỉ có tui làm quận dân mới thương như vậy thôi! Tui biết dân thương tui lắm mà!”
Ngồi bên cạnh tôi là thiếu úy Ra, trưởng cuộc Cảnh Sát xã Đức Phương, cũng đọc tờ giấy đó, bèn nói với tôi:
- “Sáng nay có chiếc xe hàng từ Rạch Giá lên, chạy ngang có đưa cho tôi miếng giấy như vầy!”
Tôi hỏi:
- “Ông báo cáo chưa?”
- “Chưa.” Thiếu úy Ra trả lời.
Thấy mất mặt với quận Phúc, tôi chưởi thầm: “Làm ăn như con c. Mấy đứa nầy chỉ lo đi kiếm tiền!” Rồi tôi hằm hằm ra xe. Thiếu úy Ra đi theo tôi. Tôi hỏi:
- “Ông biết nhà Năm Tu-Hú không?”
- “Biết!” Ra trả lời.
- “Ông đi với tôi chỉ nhà.” Ra lên ngồi bên cạnh, tôi lái xe. Tài xế và “tà lọt” ngồi phía sau.




Tôi chạy xe xuống gần Đồn Giữa, ranh giới hai xã Đức Phương và Tín Đạo (thuộc Kiên Giang). Thiếu úy Ra chỉ nhà, bên phía bờ kinh Rạch Giá-Hà Tiên. Nhà Năm Tu-Hú giống như nhiều nhà khác, hầu hết là nhà tranh, mặt quay ra kinh, lưng quay ra lộ. Tôi vừa tắt máy xe thì nghe tiếng xe quận Phúc ngừng ngay sau xe tôi. Tôi nghĩ bụng: “Ông nầy nghĩ chắc có gì ngon, sợ tôi lập công một mình.” Từ ngoài lộ, tôi đi thẳng vào nhà Năm Tu-Hú, trong nhà không có ai, ngoài một thương binh, mất một chân. Hỏi thăm anh thương binh xong, tôi đi ra vườn sau, một cái vườn nhỏ, mỗi bề chưa tới 10 mét. Cỏ hôi mọc um tùm, lên gần tới ngực. Tôi vạch cỏ đi sâu vào vườn, vừa đi vừa tìm. Thấy một gói giấy nằm trên đầu cây cỏ hôi, tôi nói to: “Đây rồi.” Quận Phúc nhắc chừng tôi: “Coi chừng chất nổ.” Tôi nhẹ tay cầm gói giấy ném xa ra đường. Gói giấy không nổ. Tôi đi ra chỗ gói giấy rơi xuống, lần nầy yên tâm hơn, mở sợi giây buộc. Trong gói có 3 chai péniciline, một gói bột ngọt, và một cái thư. Thư Việt Cộng khen ngợi Năm Tu-Hú đã có công “đóng góp” và “phục vụ cách mạng”. Quận Phúc nói: “Tôi biết mà. Tôi biết mà. Thằng Năm Tu-Hú nầy là thằng Việt Cộng.”




Tôi không nói gì, trở lại quán càphê cũ, thắc mắc: Thuốc Tây, bột ngọt, là thứ hàng đưa vào trỏng cho tụi nó. Thư là từ trỏng gởi ra, tại sao lại để chung?” Có “vấn đề” đây!




Cách đó một tuần, nửa đêm, Việt Cộng tới nhà Năm Tu-Hú, bắt y đem ra giữa lộ, gần đồn giữa, bắn. Súng vừa nổ thì Năm Tu-Hú đứng lên được, bỏ chạy về phía đồn giữa. Y vừa chạy vừa la cầu cứu. Đồn trưởng đồn giữa, không nhớ tên, từng ăn nhậu với Năm Tu-Hú nhiều lần, nổ súng báo động, mở cổng cho Năm Tu-Hú vào, chăm sóc vết thương cho y. Bọn Việt Cộng thấy phản ứng của nghĩa quân trong đồn, bèn rút lui. Đạn Việt Cộng bắn trúng bộ dái, bay mất. Thằng nhỏ còn lòng thòng, nhưng dái không còn, thì cái ấy chỉ còn xử dụng vào việc tiểu tiện mà thôi. Sáng sớm, đồn trưởng đón ghe tắc-ráng đưa Năm Tu-Hú về điều trị tại bệnh viện quân dân y Rạch Giá.




Tại sao Việt Cộng xử bắn Năm Tu-Hú?




Năm Tu-Hú thuộc hạng dân địa phương gọi là “trời thần đất lỡ”. Y đi lính rồi đào ngũ nhiều lần, ít ra có gần chục KBC (Khu bưu chính của đơn vị quân đội VNCH). Y giao thiệp rộng, nhậu lai rai với nghĩa quân, với cảnh sát, xây dựng nông thôn, ai có quyền thế thì y dúi cho ít tiền uống càphê chơi.




Do đâu mà y có tiền? Như tôi nói ở trên, Việt Cộng sợ quốc gia phục kích, nhờ y thâu thuế máy cày giúp. Bản chất y không ngay thẳng, thâu mười, y đóng lại cho Việt Cộng năm, sáu mà thôi, còn lại bao nhiêu tiêu xài thả xăng. Mỗi chiếc máy cày đóng thuế cho Việt Cộng ít nhứt là 30 ngàn. Y thâu cả chục cái máy cày như thế, vậy y có bao nhêu tiền? Đâu phải là số tiền nhỏ! Lần hồi Việt Cộng biết y chơi cha trên đầu chúng, bèn nửa đêm về bắt y đem ra xử tử.




Biết chuyện rồi, tôi nói với quận Phúc: “Việt Cộng muốn nhờ tay quốc gia diệt thằng Năm Tu-Hú đây! Mưu nầy còn thấp lắm, khó qua được bọn mình. Có cho vàng thằng Năm Tu-Hú cũng không về nhà ban đêm, Việt Cộng làm gì nó?” Xong, tôi giải thích sự việc cho ông ta nghe. Quận Phúc không vui, nói: “Thôi, ông muốn làm gì thì làm.”
Tôi bảo thiếu úy Kiệt, phụ trách Cảnh Sát Đặc Biệt: “Ông ra Rạch Giá tìm thăm thằng Năm Tu-Hú, giải thích sự việc cho Năm Tu-Hú nghe. Xong, ông dụ hắn khai hết những gì hắn biết. Nếu hắn không khai thì ông dọa nó, bảo nó thâu thuế cho Việt Cộng, có thể mình cho nó vào tù ngồi chơi. Phen nầy chắc dớt (vớt) thêm một đám giao liên nữa đấy.”




Năm Tu-Hú khai hết, ai đóng thuế cho Việt Cộng, ai làm giao liên, chỉ điểm, báo cáo, v.v… Kết quả chỉ thêm nhức đầu, nhiều chuyện… Ông Tư Vịnh, con chiên của linh mục Đại, ở thị trấn Kiên Lương, xuống Vàm Rầy làm ruộng, dính vô tội làm “giao liên” cho Việt Cộng, bị điều tra. Sợ ở tù, ông ta nhờ cha Đại nói giúp với chính quyền. Hôm cha Đại mời tôi tới ăn cơm tối, nói chuyện Năm Tu-Hú, cha nói:




- “Năm Tu-Hú làm như cướp cạn. Làm như thế là không được.”
Tôi góp ý:




- “Anh ta hứa thu thuế giúp cho Việt Cộng, rồi lợi dụng tình thế mà ăn chận của chúng. Nếu không vì lăng kính chính trị, cha cho làm như thế là thiếu chữ tín, là cướp cạn. Thật ra, mấy thằng Việt Cộng ở trong bưng, lấy cái thế có súng đạn trong tay mà bắt dân đóng thuế thì bọn chúng cũng như tướng cướp Phong Lai trong Lục Vân Tiên vậy. Tựu chung, cũng là bọn ăn cướp cả.”




Cha Đại nhìn tôi cười, không nói gì, nhưng tôi biết chắc cha đồng ý về nhận xét của tôi.




Điều ích lợi nhứt là sau vụ Năm Tu Hú, một số bị bắt nhưng hầu hết được tha, dân chúng yên tâm hơn và hợp tác với chính quyền nhiều hơn, nhờ vậy, chúng tôi biết rõ và nhiều hơn tin tức các cuộc di chuyển quân của Việt Cộng trên đường 1-C.

(1)- Biết ông ở Tây Ninh về, tôi hỏi thăm một người quen, ông đại úy Khanh (đại úy Cao Đài hồi 1950), một người cùng quê, tha phương cầu thực, lưu lạc vào Nam. Qua ông đạo, tôi được biết ông Khanh làm lớn trong Cao Đài Tây Ninh.

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.