Oct 30, 2024

Thơ mới hiện đại VN

Lê Mai Lĩnh với Tình Yêu Và Hồn Thơ Thế Sự Lưu Đày
Lê Mai Lĩnh * đăng lúc 03:11:09 AM, Feb 14, 2024 * Số lần xem: 827
Hình ảnh
#1
#2
#3

   * đăng lúc May 14, 2023 * Số lần xem: 613

    *      
 
                 

LÊ MAI LĨNH –
VỚI TÌNH YÊU VÀ HỒN THƠ THẾ SỰ LƯU ĐÀY

 Lê Mai Lĩnh
April 21, 2023
Giới Thiệu Tác Phẩm   

    giới thiệu tác phẩm, thơ lê mai lĩnh   

Tuần vừa rồi, một người bạn từ Hoa Kỳ gửi tặng tôi tập thơ: Chân dung người lính – thi sĩ miền Nam của Lê Mai Lĩnh và bảo, đọc xem có gì lạ không. Lật vài trang đầu, phảng phất đâu đó, tôi như bắt gặp cái tráng khí của Trạch Gầm, cái hồn thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn vậy. Cho nên, dù đang bận với một vài công việc đến rất bất ngờ, song tôi vẫn dành thời gian hạn hẹp đó để đọc cho hết tập thơ này. Thật ra, trước đây tôi đã đọc một vài bài chính luận của Lê Mai Lĩnh. Song có lẽ tôi hơi bị kém và tù mù về cái khoản này, nên đọc xong trôi tuột đâu mất.

Tuy còn một số điều cần bàn về từ ngữ, phương thức sáng tạo, song có thể nói, với tác phẩm Chân dung người lính – thi sĩ miền Nam, nhà thơ Lê Mai Lĩnh đã khắc họa khá thành công hình ảnh, thân phận người lính (thất trận) và xã hội con người sau biến cố 30-4-1975.

Nhà thơ Lê Mai Lĩnh tên thật Lê Văn Chính sinh năm 1942 tại Quảng trị. Tài năng văn chương thi phú phát tiết sớm, do vậy năm 1963 ông đã cho in ấn tập thơ đầu: Nỗi buồn nhược tiểu, với bút danh Sương Biên Thùy. Công việc của người sĩ quan gắn chặt với chiến tranh chính trị, cho nên ở gian đoạn này Sương Biên Thùy viết văn, làm thơ, nhưng nổi bật nhất vẫn là văn chính luận. Và ông đã cộng tác với hầu hết các tạp chí: Văn, Khởi Hành, Tiền Phong, Gió Mới, và Ngàn Khơi…

Nhà thơ Lê Mai Lĩnh hiện sinh sống, và làm việc ở Pittsburgh, Hoa Kỳ.

Sau chiến tranh, Lê Mai Lĩnh (Sương Biên Thùy) phải trải qua nhiều trại cải tạo, tù đày từ Nam ra Bắc với những năm tháng dài dằng dặc. Và những đắng cay, khổ nhục ấy, là chất liệu sống, không chỉ để Lê Mai Lĩnh viết nên: Chân dung người lính – thi sĩ miền Nam, mà còn nhiều tác phẩm chân thực, có giá trị tư tưởng sâu sắc sau này. Tuy nhiên, tôi cũng hoàn toàn đồng ý với nhạc sĩ Cung Minh Huân, khi anh (đại ý) cho rằng: Lời thơ trần trụi, với khẩu ngữ thường nhật được toát ra từ những cảm xúc bất chợt, cho nên người đọc khó có thể tìm được những câu, hoặc khổ thơ hay trong tập thơ này của Lê Mai Lĩnh. Nhưng có điều lạ, những câu thơ gai góc, sần sùi ấy nằm trong tổng thể bài thơ, tập thơ, thì dường như người đọc lại cảm được hồn vía, tình người sâu đậm của thi sĩ Lê Mai Lĩnh.

Từ những đặc điểm trên, do vậy khi đọc xong Chân dung người lính – thi sĩ miền Nam, tôi tìm tiếp những tác phẩm viết trước 1975 của Lê Mai Lĩnh. Song trên thivien.net, hay sách báo mạng xã hội không tìm được một trang thơ nào cho ra tấm ra miếng của ông. Tôi đành liên lạc với ông qua FB (Lê Mai Lĩnh). Tuy nhiên, ông cũng chỉ gửi được cho tôi vài bài thơ, và một số bài văn chính luận. Rất tiếc, không hợp khẩu vị của tôi. Cho nên, bài viết này, tôi chỉ có thể đi sâu vào thân phận người lính sau 1975, và tư tưởng của tác giả Lê Mai Lĩnh trong khuôn khổ tác phẩm: Chân dung người lính – thi sĩ miền Nam mà thôi.

*Nghị lực và an nhiên, tự tại nơi (chốn) lao tù.

Có thể nói, cũng như nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn, hay nhà văn Cao Xuân Huy, người lính Lê Mai Lĩnh có cha là người ở bên kia chiến tuyến. Tuy không mâu thuẫn nội tâm, nhưng ngay đầu đời Lê Mai Lĩnh đã mang một nỗi đau về đất nước, con người: “Mang niềm đau nhược tiểu ưu tư“. Từ nhận thức như vậy, nên Lê Mai Lĩnh sớm nhận ra, theo kháng chiến là cùng đường tuyệt lộ không chỉ cho cha ông, mà cho cả một dân tộc: “Cha tôi còn, nhưng người theo kháng chiến/ Phung phí một đời cho ảo tưởng hôm qua/ Sống, chết đến nay, tôi không còn biết/ Dư ảnh lu mờ, kỷ niệm phôi pha.“ (Tự họa). Thật vậy, và con đường mịt mù cho cả một đất nước, mà Lê Mai Lĩnh đã sớm dự báo, bị bịt chặt lối bằng những tháng ba gãy súng, cùng tháng tư đỏ lửa1975.

Do vậy, cửa nhà tù là con đường duy nhất buộc người lính Lê Mai Lĩnh phải đến. Và hơn tám năm dài đằng đẵng, với bao nỗi thống khổ đã được Lê Mai Lĩnh cô vào trong thơ. Có thể nói, ở giai đoạn này có rất nhiều nhà thơ, nhà văn người lính bị giam hãm tù đày như vậy. Tuy khác nhau về thi pháp nghệ thuật, hoặc thời gian sáng tác trong hay sau khi ra tù, song tựu trung những tác phẩm của họ đều mang giá trị hiện thực và nhân đạo. Tôi đã đọc khá nhiều thơ văn viết về những năm tháng tù đày của: Tô Thùy Yên, Phan Nhật Nam, Phạm Tín An Ninh, hoặc Trạch Gầm…với hình ảnh, thủ pháp nghệ thuật thật sâu sắc, phong phú. Và đến với thơ (nói) Lê Mai Lĩnh, có lẽ tôi mới đọc lần đầu. Một thể loại, dường như chưa biết gọi tên. Thật vậy, ta hãy đọc lại trích đoạn lời khai, hay lời thơ không niêm luật, không cấu trúc của “Cáo Trạng“ để thấy được tình yêu đất nước, và cái lạ, độc đáo trong thơ cũng như trong con người Lê Mai Lĩnh:

“Thưa ông

Ký tên dưới đây là tôi

Lê Mai Lĩnh

Thi sĩ

Yêu quê hương như yêu chính bản thân mình
Và Tổ-quốc, trong trái tim tôi hằng đêm thao thức
Bụi và lãng mạn
Thêm một chút khùng
Khi trái trời đổi gió biến thành điên
Có máu hiệp sĩ
Thích trừ gian diệt bạo…“ (Cáo trạng)

Nếu ta đã đọc Mùa Hạn của người tù Tô Thùy Yên: “Bước tới, chân không đè đá sắc/ Vai trần chín rạn gánh oan khiên/ Nước khe, cơm độn, thân tàn rạc/…Nắng kim khí chảy, đá rạn nứt/ Gió táp, rừng khô rụm, cát tràn” thì sẽ hiểu, cảm thông hơn cho người lính tù Lê Mai Lĩnh trong: Mùa Đông Đi Cấy Ruộng Sình. Những hình ảnh ở hai bài thơ này của Tô Thùy Yên, và Lê Mai Lĩnh: Hè và Đông, khô và sình (lầy), tuy tương phản, song cùng bật lên nỗi thống khổ của người lính thất trận tù đày, trong cùng một bức tranh hiện thực. Và với Mùa Đông Đi Cấy Ruộng Sình, Lê Mai Lĩnh đã làm cho người đọc phải rưng rưng ngấn lệ, bởi phép so sánh: thân phận con người không bằng cả loài súc vật:  

“Nơi Việt Bắc, núi rừng trùng điệp
Tù khổ sai, đói rét là đây.
Lưng hai chén sắn, phần một bữa
Nước muối thôi, liệu đủ cầm hơi
Đêm gió chướng, mưa rừng, dồn dập
Đêm hăm he, đấm đá, đủ lời.
Lội ruộng sình, cấy lúa vụ chiêm
Bùn ngập sâu người, hơn một nửa
Ruộng trâu chê, bắt người thay thế
Nhè nhẹ bò thôi, kẻo chết chìm”

Nơi núi rừng Lao Cai tù đày khổ cực là vậy, nhưng hồn thơ Lê Mai Lĩnh vẫn đầy ăm ắp nỗi cảm thông, và sẻ chia. Hình ảnh lam lũ, đói nghèo của người mẹ, người em đã cho thi nhân cảm xúc viết nên những câu thơ rất mộc mạc, nhưng cũng thật cảm động: “Mẹ 60 cày sâu ruộng lũ/ Mắt sáng ngời khi bắt được con cá to bằng ngón tay/ Và những em nhỏ mặt mày đen đúa/ Thơ ngây đâu, tuổi trẻ cũng không còn” (Giao thừa năm 37 tuổi). Và đọc Lê Mai Lĩnh, ta không chỉ thấy sự sẻ chia, cảm thông mà còn thấy tính sòng phẳng, và rạch ròi. Sự đắng cay, uất hận ấy của người lính tù đày, đã được ông đưa vào trong thơ như một bản cáo trạng đối với những kẻ cường quyền, mua bán chiến tranh:

“Nào ngờ đâu trong cơn mặc cả
Của lũ người mua bán chiến tranh
Chúng trao ta vào tay đối nghịch
Ôm hận tù đày, tội phạm chiến tranh” (Giao thừa năm 37 tuổi)

Nhìn rõ bản chất của cuộc chiến, cùng lòng can đảm, nên thái độ khinh bạc của người lính tù Lê Mai Lĩnh hiện lên đậm nét trong thơ. Và đọc Lê Mai Lĩnh làm tôi nhớ lại những câu thơ khí chất cũng viết ở trong tù của đồng đội ông, nhà thơ Trạch Gầm: “Ngươi nói trăm điều: một điều không biết/ Ngươi là thá gì mà… cải tạo Ta?“. Cái khí chất đó từ Trạch Gầm đến Lê Mai Lĩnh, đọc nó, tôi cứ thấy mình rung rinh, và sảng khoái: “Nơi ta ở bây giờ, dưới chân núi Chứa Chan/ Trong một trại tù, rào, tường kiên cố/ Nhìn mũi súng, lưỡi lê, như ra điều thách đố/ Ta chỉ muốn sờ râu, cười khan.”. Và thơ Lê Mai Lĩnh luôn nhẹ nhàng, bởi  như ta đã tìm thấy cái tuệ giác vô thường ở đó. Cũng chính nó, niềm tin, sự lạc quan đưa đến sự an nhiên tự tại cho người tù cải tạo nghị lực sống. Và người thi sĩ như tìm thấy tự do ở chính nơi trái tim, và tâm hồn mình: “Chân, dẫu trong cùm gông đau thắt/ Tim tự do ta khắp nẻo đường”. Đặc tính này, dường như ta rất ít gặp ở những nhà thơ, người lính lưu đày Hoàng Liên Sơn khác:

“thấy rồi trời tự do rộng mở
Song sắt nào khoá nổi hồn ta
Đón giao thừa trong nhà giam lạnh
Nhưng ấm lòng ta, niềm tin quê nhà” (Giao thừa năm 37 tuổi)

Tuy bị hành hạ, và đắng cay là vậy, song hồn thơ Lê Mai Lĩnh vẫn đầy ăm ắp tình người, với lòng vị tha cao cả: “Dẫu có lúc bị người hành hạ/ Như Chúa xưa quân dữ đóng đinh/ Lòng con vẫn không nuôi thù hận/ Miệng tươi cười không chút phân vân”. Thật vậy, lạc quan, và lòng nhân đạo là một trong những đặc điểm chính làm nên hồn vía thi ca Lê Mai Lĩnh.

*Tình yêu – điểm tựa cuối cùng.

Ở trong tù, hay nơi hải ngoại, lúc nào tình yêu cứ như chất xúc tác của phản ứng hóa học vậy, cho Lê Mai Lĩnh sống và viết: “Kể từ khi em đến/ Ngã vào lòng thi nhân/ Anh không còn thi sĩ/ Anh đã là thi vương”. Dù đang là hạ, nhưng cái “lạnh” chốn lao tù làm trái tim thi nhân buốt giá và cô đơn. Nỗi đau, cùng sự đợi chờ mòn mỏi ấy, gợi cho Lê Mai Lĩnh viết: Thơ tình mùa hạ. Một bài thơ tự sự về tâm trạng người tù, khi chiều buông: “Trời bây giờ, tháng 5, mùa hạ/ Anh đang những ngày, đợi em đến thăm/ Dẫu khó khăn nào, em cũng đến/ Chắt chiu tình nồng, đốt lòng nhau chút ấm”. Và ở nơi cùng cực đó, tiếng khóc, hay nụ cười chỉ làm cay đắng thêm nỗi buồn đau, mất mát trong lòng thi nhân. Cùng tâm trạng và hoàn cảnh đó, nếu họa sĩ Tạ Ty chỉ còn đối diện với hư không: “Ta để lại những ngày tù gian khổ/ Những đêm dài đối diện với hư không” thì nhà thơ Lê Mai Lĩnh tay trắng bàn tay. Có thể nói, Thơ tình mùa hạ là bài thơ điển hình nhất viết về tình yêu trong những ngày tù cải tạo của Lê Mai Lĩnh: “Hơn nửa đời người, mấy phen lầm lỡ/ Nhìn lại mình, tay trắng bàn tay/ Cũng muốn khóc, đôi lần, mắt đã cạn/ Muốn cười lên, môi thảng thốt chua cay.”. Với Lê Mai Lĩnh, dường như chỉ có tình yêu mới có thể trả ông về cái thuở ban đầu: “Mắt biết tình si, lòng ngây dại/ Ngan ngát hương yêu tự thuở nào”. Và chính nó (tình yêu) là điểm tựa cuối cùng cho những năm tháng tù đày thân xác cũng như linh hồn người lính, thi sĩ Lê Mai Lĩnh:

“Như lòng đợi, em và con đã đến
Chiều mưa bay, thứ bảy trời sương
Trong tim yêu, lửa tình rực cháy
Rạo rực lòng như thuở mới yêu đương”

Nếu được phép tuyển chọn, với tôi: Đà Lạt trong nỗi nhớ, là một bài thơ viết về tình yêu hay, và có lời thơ đẹp nhất trong tác phẩm Chân dung người lính – thi sĩ miền Nam của Lê Mai Lĩnh. Bài thơ này được viết vào năm 1979, khi Lê Mai Lĩnh đang ở nhà tù Vĩnh Phú. Đọc Đà Lạt trong nỗi nhớ, làm cho tôi nhớ đến: Chiêm bao về Đà Lạt của nhà thơ người lính Nguyễn Bắc Sơn. Có điều lạ, hai nhà thơ Lê Mai Lĩnh, và Nguyễn Bắc Sơn thường có lời thơ rất sần sùi, góc cạnh, nhưng đến với tình yêu, nỗi nhớ thì dường như (lời thơ) rất nhẹ nhàng, trau chuốt. Trong cùng một tâm trạng mơ màng, nhớ thương ấy, với Nguyễn Bắc Sơn, nếu em tan trong Đà Lạt: “Kỳ lạ nhỉ! Giờ đây ta bỏ xứ/ theo trái phong du, níu gió lên trời/…Ừ Đà Lạt ngoài khung cửa kính/ giàn su xanh thuở ấm má em hồng/ và ta, kẻ mười năm không áo lạnh/ biết đời mình đủ ấm hay không?” thì với Lê Mai Lĩnh, Đà Lạt đã tạc vào em, hay đang tạc vào lòng thi nhân vậy:

“…Mai ta về, phố xưa hoa vẫn nở
Hoa bốn mùa thơm ngát dấu chân quen
Con đường xưa, cuộc tình, hương tóc lạ
Êm đềm ta ru giấc ngủ đêm đêm.
Phố gập ghềnh đường quen nẻo thuộc
Tà áo nào đưa lối ta về
Chân lạc loài bờ xa vùng tóc rối
Ửng hồng em đôi má, ta u mê…” (Đà Lạt trong nỗi nhớ)

Có thể nói, tình yêu, sự lãng mạn đã xoa dịu nỗi đau, làm mát hồn thơ nóng bỏng, gân guốc Lê Mai Lĩnh trong những năm tháng lưu đày. Đọc nó, ta như thấy được sự cân bằng giữa cuộc sống và trong thơ Lê Mai Lĩnh vậy.

*Quê hương với hồn thơ thế sự.

Và người tù ấy đã được trở về quê hương miền Nam, dù vẫn còn phải mang gông cùm, xiềng xích. Niềm vui ấy, đã được Lê Mai Lĩnh cô thành: Chuyến tàu cuối năm. Một bài thơ, hay một bút ký làm cho tôi xúc động nhất, khi đọc: Chân dung người lính – thi sĩ miền Nam. Nhà tù, và đói khổ nghiệt ngã phương Nam vẫn chờ đó, nhưng thoát được ra khỏi địa ngục Việt Bắc, người lính Lê Mai Lĩnh như được trút bỏ được hình hài, để trở lại làm một con người vậy: “Xin vĩnh biệt chào vương quốc lừa dối/ Trả lại Người những đói rét hờn căm”. Với người lính tù ấy, thì có lẽ sự đồng cảm, chở che của quê hương, tình người sưởi ấm tâm hồn họ chăng:

“…Mai ta đi từ bóng tối mù tăm
Nơi ta về quê miền Nam yêu dấu
Hãy ở lại những đói nghèo đau thương ẩn náu
Chia tay nghe, vĩnh biệt yên nằm
Chào không chút xót thương núi rừng Việt Bắc…”

Và cái tình người, sự nhân bản, công bằng luôn đậm nét trong hồn thơ, trang sách Lê Mai Lĩnh. Thật vậy, đọc Chuyến tàu cuối năm, ta thấy, không chỉ có sự cảm thương của các em bé miền Nam: “Này các em ở sân ga Đà Nẵng/ Có bao lăm lời lỗ thế nào/Mà em ném cho ta bao thuốc tặng” mà sự đồng cảm, thương yêu ấy, còn có từ các em bé miền Bắc, khi tàu chở những lính tù xuôi Nam: “Và cô bé chu miệng chửi rủa mẹ cha ta ngày mới ra/ Giờ thì các em đã biết ta/ Không phải là quân ăn thịt người/ Nên đã có em mang sắn đến cho ta”. Những hình ảnh, câu thơ hiện thực này của Lê Mai Lĩnh, cũng như trang văn của Phạm Tín An Ninh, hay của Song Vũ… với tôi không chỉ có giá trị về văn học, mà còn có giá trị về lịch sử.

Với Lê Mai Lĩnh, tôi nghĩ ra đi là để trở về. Do đó, ra khỏi nhà tù nhỏ, và nhà tù lớn, đứng giữa phi trường Saigon, ta vẫn thấy ông khẳng khái: “Tôi không quên, tôi, một nhà thơ chiến sĩ”. Trong tâm trạng, hoàn cảnh như vậy, Lê Mai Lĩnh đã viết lời: Tạ lỗi với quê hương. Bài thơ được vắt ra từ trái tim người thi sĩ. Và như lời độc thoại, với hình ảnh so sánh, đọc lên ai cũng phải bùi ngùi, cảm thông: “Dẫu thế nào tôi cũng phải đi/ Đành đoạn ra đi/ Thà chọn cho mình một kiếp lưu đày/ Hơn bị lưu đày trên chính quê hương/ Hãy thông cảm và tha thứ cho tôi”. Và cũng như hàng triệu con dân đất Việt tha hương, nhà thơ Lê Mai Lĩnh ngày thân đất khách, hồn đêm quê nhà. Thật vậy, ôm cả quê hương vào lòng, mà dường như vẫn chưa đủ ấm cho trọn giấc thi nhân:

“Tôi ra đi mang theo nửa trái tim
Nửa còn lại giữ giùm tôi nhé
Tôi ra đi mang theo cả quê hương
Vẫn chưa đủ ấm lòng tôi đó”

Là người lính, do vậy dù cầm súng, hay nơi giam hãm tù đày, hoặc nơi hải ngoại, trách nhiệm với non sông đất nước luôn được Lê Mai Lĩnh đặt lên hàng đầu: “Bảy năm làm lính/ Tám năm, sáu tháng làm tù/ Năm mươi sáu năm cầm bút xung phong”. Từ tình yêu và trách nhiệm đó, cho nên đọc Lê Mai Lĩnh, ta thấy hồn khí, cùng trái tim ông luôn dằn vặt, đớn đau. Và cũng từ nơi tù đày, bi đát đó, ông đã mượn cái đau của tiền nhân để nói lên nỗi lòng mình trước vận nước, và nỗi thống khổ của con người: “Thao thức hoài cùng nỗi đau Nguyễn Trãi/ Nhiều đêm, không làm sao chớp mắt/…Nghe vọng lại, tiếng người khuất mặt/…Còn đó, dân đen, đau đời quằn quại”. (Nguyễn Trãi)

Có thể nói, tình yêu đất nước luôn thường trực trong Lê Mai Lĩnh, và xuyên suốt trang thơ của ông. Cho nên, mỗi biến cố xảy ra trong, hay ngoài nước, nhất là tự do, hoặc biển đảo, thơ ông đều nóng bỏng tính thời sự, với tinh thần thẳng thắn, can đảm, và mang tính dự báo sâu sắc. Điển hình nhất là 5 bài thơ cảm hứng viết từ phong trào Dù vàng Hongkong, ở tập thơ này…

Lê Mai Lĩnh viết ra từ cảm xúc, tự nhiên như khi trò chuyện vậy. Do đó, thơ ông không ràng buộc, không câu nệ hình thức, thể loại cũng như thi pháp. Với đặc điểm này, tuy dân dã, đến gần hơn với người đọc, nhưng thơ đôi khi trở nên dễ dãi, thiếu hình ảnh, sự liên tưởng. Và có một điều làm tôi phải phân vân suy nghĩ: Là người giàu tình cảm, đầy lòng nhân ái, dù sống nơi xứ người, Lê Mai Lĩnh vẫn ky cóp từng xu, từng cắc, và kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ đồng đội thương tật, nghèo khó. Nhưng đáng tiếc, tác phẩm này, không có một bài thơ nào viết về tình đồng đội nơi chiến trường, hay nơi cải tạo tù đày. Có lẽ, đây cũng là một trong những nhược điểm của tập thơ: Chân dung người lính – thi sĩ miền Nam- chăng?

Tôi đọc và viết bài này rất nhanh ngay trên bàn làm việc, vào lúc rảnh. Do vậy, có thể còn nhiều thiếu sót, hoặc chưa (hay không) đúng về nhà thơ lắm tài, nhiều “tật lạ” Lê Mai Lĩnh. Tuy nhiên, đúng hay không, với tôi nó như một lời tri ân của kẻ hậu sinh gửi đến lão nhà thơ vậy.

Leipzig ngày 9-4-2023
Đỗ Trường



 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.