Jan 14, 2025

Viết về tác giả & tác phẩm

Đọc thơ Thy Lan Thảo
Vũ Linh * đăng lúc 06:51:51 PM, Dec 18, 2008 * Số lần xem: 2001
- Vũ Linh -

Trong 10 năm trở lại đây, trên các báo và tạp chí Văn học hải ngoại, chúng ta thấy cái tên Thy Lan Thảo thật dể thương, xuất hiện bên cạnh những bài thơ cứ mỗi ngày một nhiều, nhất là ở Mỹ và Canada.
Từ đó những người yêu thơ, lần lượt đón nhận ba tập thơ của Thy Lan Thảo trong ba năm liên tiếp và tâp thơ mới nhất trình làng năm 2005, mang tên Chút Tình Chút Ý.
Có lẽ nhiều người cũng như chúng tôi mới nghe qua và đọc thấy cái tên cứ ngỡ là một nhà thơ nữ. Nhưng đi vào thơ mới biết tác giả là một anh chàng tội nghiệp, sanh ra lớn lên trong một đất nước, ở vào thế hệ chiến tranh. Tất cả những trai trẻ phải xếp lại mọi thứ để vào quân đội, phải ra chiến trường và rồi theo vận nước làm thân tù tội, bị lưu đày ngay trên chính quê hương mình.
Bảy năm đời lính chưa yên phận
Một tháng tư đen nhục thảm sầu
Từng trại tù từ Nam ra Bắc
Ý thơ oan nhục có quên đâu
Thy Lan Thảo sanh ra tại thành phố biển miền ở cuối nguồn Tiền Giang cách Sài Gòn không xa, là nơi cũng đã sản sinh những người phụ nữ miền Nam lừng danh trong lịch sử cận đại, đó là bà Từ Dũ và bà Nam Phương,vị hoàng hậu cuối cùng của nhà Nguyễn. Anh cũng đã từng theo học tại một trường nguyên là phần đất "Khám lớn" dưới thời Pháp thuộc do Đệ Nhất Công Hoà phá bỏ để xây trường đại học này . Và phải chăng cũng chính ở đó, anh có duyên nợ với nhà tù, bảy năm lính nhưng tám năm tù sau khi miền Nam mất. Những năm tù tội, tuy câp bậc không lớn lắm nhưng anh bi lưu đày hết các trại tù từ Nam ra Bắc, chỉ vì anh thuôc một trong những diện được bên thắng trận cho là có nhiều nợ máu, đó là ngành "Tâm lý chiến" của Quân đội Cộn Hòa miền Nam.
Tám năm con sống trong tù ngục
Vẫn rất ân cần với đắng cay
Vẫn ý trông chờ ngày quang phục
Xé cờ sao đỏ dựng tương lai
"Xé cờ sao đỏ dựng lại tương lai", hào khí của những anh Tâm lý chiến là thế đó, thảo nào đối phương không cho các anh là thành phần "Trời không dung đất không tha" điều đó chắc không sai !
x
Tất cả những khổ nạn trên, là cái giá phải trả của anh về những bài thơ rất "thy lan thảo", một nguồn cảm hứng bất tận để anh cho chúng ta đọc thấy liên tiếp khắp đó đây và đã được in chung cùng các thi hữu hải ngoại trong Cụm Hoa Tình Yêu suốt từ năm 1997 đến 1999. Rồi Lai Láng Dòng Phù Sa và Vườn Thơ Hải Ngoại năm 2001. Đến Những Đoá Hoa Nở Muộn ra mắt năm 2002. Kế tiếp là Hai Mươi Lăm Năm Thi Ca Hải Ngoại năm 2003 và Tuyển tập Hoa Tiên năm 2004-2006.Tuyển tập Trầm Hương số 4 và số 5.Tuyển tập Hương Thời Gian quyển 1 và quyển 2 Sau đó trong ba năm liền, anh cũng đã trình làng ba tập thơ cho riêng mình : Thơ Thy Lan Thảo năm 2003, Vết Khắc Nửa Đời năm 2004 và Chút Tình Chút Ý năm 2005. Sự kiện đó cho chúng ta thấy sức sáng tác của người thơ Thy Lan Thảo rất mạnh, anh gởi đến người đọc lời tình tự quê hương, những nỗi nhớ nơi chôn nhao cắt rốn, khi ở trong trại tù cũng như lúc ra hải ngoại. Thơ của anh bao giờ cũng có hình bóng bà mẹ già, người chị gái, mái trường xưa, những người bạn cũ ... như tất cả chúng ta ai cũng đều có, đều trải qua nhưng có lẽ chỉ có lời thơ Thy Lan Thảo, chân chất, nhẹ nhàng đi vào lòng người, sự thủy chung với quê hương đất nước và tình nghĩa chất ngất đối với bạn bè với những người em gái nhỏ. Tất cả những thứ đó tác động đến nỗi nhớ, vốn tiềm ẩn trong ký ức mỗi người chúng ta mà không cần phải suy nghĩ như đọc một số nhà thơ khác.
Chúng ta hãy đọc những lời tình tự của Thy Lan Thảo về người mẹ :
Tóc mẹ trắng bông-lăng xăng vội vã
Cắp rổ ra vườn hái mớ rau tươi
Rau càng cua mọc chen hoa với lá
Dĩa rau thơm xanh mướt mẹ vui cười
Tô canh chua mẹ nấu bông so đũa
Tôm cắt đầu đuôi nêm chút ngò om
Lẫn với đậu rồng giàn làm cạnh ngõ
Tôm đất rang muối ớt nức mùi thơm ...
Đọc thơ Thy Lan Thảo, chúng ta thấy bàng bạc những dấu ấn về người mẹ, tuy không cùng một thời điểm nhưng cái nhìn của Thy Lan Thảo lúc nào cũng chỉ có một.
Nói về người mẹ thuở con đi lính :
Ngày đi lính cuộc đời ta trôi nổi
Sáng sớm ngồi phở Yến ngắm sông Hương
Cà phê Đà Nẵng nghe thơm nức mũi
Trưa Sài Gòn - chiều xuôi hướng Gò Công
Mẹ của ta thấy mặt thằng con Út
Là rộn ràng lo tíu tít cơm canh
Chắc mẹ nghĩ đời lính nhiều gian khổ
Nên ép ăn như thuở tóc còn xanh
Người mẹ lúc con đi tù :
Bên ngoài rào kẽm, Mẹ nhìn con
Đây Mỹ Phước Tây dậy oán hờn
Gian khổ đường xa - thương tội lắm
Mẹ nhìn - tim đập nhịp héo hon
Rồi người mẹ đi thăm nuôi tù :
Hai giỏ thăm nuôi nặng tuổi đời
Mẹ nhìn con trẻ khẽ run môi
Nói đi, Mẹ nói gì đi Mẹ
Lỡ bước, đời con vắng tiếng cười
Và rồi người mẹ khi con rời bỏ quê hương :
Bây giờ đất lạ - trời xa lạ
Đôi mắt Mẹ nhìn vẫn trong tâm
Mẹ ơi ! Con sống đời thong thả
Lòng vẫn ưu tư gió cát lầm
Hay da diết hơn :
Năm năm đất khách âm thầm nhớ
Cảnh buổi chia tay khóc nghẹn lời
Tóc Mẹ sương pha đời nhuộm trắng
Tuổi tám mươi ba trắng cả đời
Bây giờ sức Mẹ còn đâu nữa
Ý nhớ tuổi già vẫn mãi mê
Hủ mắm tôm chà tình chan chứa
Mẹ làm mong Tết đón con về.
Và rồi :
Mẹ ơi ! Hình ảnh thân thương quá
Theo bước con từ lính tới tù
Đời con gửi bước đường xa lạ
Mất mẹ xoay đời ngược ý mơ .. ,
Nói đến quê hương làng nước :
Quê hương ngàn dặm lòng ghi khắc
Hai chữ Gò Công êm thật êm
Hay chân chất hơn :
Ta ở đây đất người xa lạ
Nhớ Gò Công - nước mặn, đất phèn
Vẫn một lòng :
Quê nhà lăng lắc thân ly khách
Lòng vẫn riêng mong bước trở về
Mẹ cha nay đã yên lòng đất
Đau buồn kỷ niệm nát tình quê !
Với một ước mơ :
Mai mốt quê mình trăng lại sáng
Bước về đất nước dậy niềm vui
Cờ vàng kiêu hãnh bay trong gió
Trả lại cho em trọn nụ cười ...
Đọc Thy Lan Thảo, những ý thơ trên chỉ mới là một nửa trong thơ anh. Còn chị, còn em, còn bè bạn, còn những nơi những sự kiên anh đã trải qua trong những năm tháng ở lính. Ngay con lộ máu Liên tỉnh lộ 7, những nơi Thy Lan Thảo đã kéo lê đôi chân tù cũng đã được anh ghi lại bằng những con chữ giản dị nhưng rất đúng và đạt.
Với chị :
Tháng mười hai, hàng cây so đữa
Trổ trắng bông đùa gió đong đưa
Như áo lụa vờn mây nhảy múa
Gió chướng về tung bụi nắng trưa
...
Tháng mười hai đất người giá lạnh
Buồn tái tê mưa nhẹ bay bay
Chị ơi đất lạ lòng cô quạnh
Em nhớ Gò Công ! nén thở dài ... !
Với bè bạn :
Nghiêng chai rót đầy một ly xây chừng
Rượu đế Gò Công sùi bọt thật trong
Kẽm ơi ! tao với mày cưa cho ngọt
Mai kia mốt nọ khó tương phùng
...
Rượu Gò Công ai đong nấy uống
Tao mời mày là cũng có lý do
Bạn bè xưa chung trường chung lớp
Đất nước điêu linh chung một con đò !
Với con lộ máu :
Kontum, Pleiku rồi Phú bổn
Đây sông Ba, sóng nước ngỡ ngàng
Đời lính gian truân đâu sá kể
Thương dân vô tội phải lầm than
...
Ngàn xe xếp hàng tám kề nhau
Mười mấy ngày qua tức nghẹn trào
Rút bỏ quân đoàn ai hướng dẫn
Về Nam, đêm lạnh buốt trăng sao
Và cái cuối cùng không thể thiếu ở bất cứ người thơ nào, huống hồ một nhà thơ đẹp trai với dáng dấp thư sinh như Thy Lan Thảo
Ta nhớ mắt em buồn ray rứt
Nhìn ta áo trận xác xơ về
Hình như màu phượng Văn Khoa vẫn
Sắc thắm - sao lòng em tái tê ... !
...
Biết đến bao giờ tìm lại được
Duyên trăng mười sáu thuở tình xưa
Thư em ray rứt xa ngàn dặm
Đời vẫn vô tình vẫn gió mưa
Thuở ấy anh về vương cát bụi
Hình như áo trận điểm sương mờ
Trời Tây nguyên vẫn buồn muôn thuở
Anh gởi tình anh trong mắt thơ
Trong tang thương biến đổi của đất nước, ở trong tù vẫn một chút băn khoăn về một cuộc tình, về một người con gái thuở nào :
Gãy kiếm giữa hè thân trơ trọi
Cô bồ tình nghĩa cũ Văn khoa
Năm năm vẫn ý trông chờ đợi
Gạt lệ - hay cười lên xe hoa ? !
Bạn bè về sớm tin cho biết
Một chút tầm thường cuộc bể dâu
Nước mất nhà tan còn thê thiết
Sá gì cô bé để buồn đau ...
Có thật thế không hở Thy Lan Thảo ? Hay mùa thu chết như lòng ta chết ?
Ta nhìn chiếc lá vàng rơi rụng
Soi gương tóc đã trắng mái đầu
Tuổi đời - thu vẫn nhiều khoảng trống
Ước vọng như chiều, mây trắng phau
Cho mãi đến những ngày sống nơi hải ngoại, một sáng Chúa nhật nào đó, một cú phone của người muôn năm trước gọi đến thầm thì :
Em nhớ - đêm nằm luôn mộng mị
Bên chồng mà vẫn thấy bơ vơ ...
...
Nhiều đêm chăn chiếu cô đơn lắm
Ân ái bên chồng, vị đắng môi
Trữ tình, lãng mạn ... không thua gì những bài thơ của TTKH nhưng với Thy Lan Thảo tâm tình này thôi đành :
Kiếp sau nối trọn vòng tay ấm
Anh ngủ trọn tình trong mắt em ..
Thật ra đó chỉ là "nòi tình" của bất cứ người nào cầm bút làm thơ, vì "Nếu không có em thì đời mất vui" phải không ?
Điều anh khắt cốt vẫn là những năm tháng lưu đày qua các trại tù với những hình ảnh :
Bướm ong xơ xác tìm hoa dại
Ta bứt vang rừng thắm giọng khô
Nắng tháng ba, tóc vàng muốn cháy
Núi cạnh hàng dương, lắm hoang mồ
Tay cầm mã tấu quần tưa rách
Da sạm đen, nhăn nhúm mặt đời
Mỗi ngày đốn củi gần trăm ký
Lưng nặng quằn vai bước xuống đồi.
Nhưng anh vẫn hy vọng :
Cờ sẽ vàng bay cười vang sông núi
Quê hương mình thật sự hết thương đau
Bước trở về bóng ngã dài chung lối
Anh nhìn em - chất ngất ý ngọt ngào
Cũng chỉ ngần ấy thứ nhưng đối với Thy Lan Thảo nó là nguồm cảm hứng vô tận. Thy Lan Thảo cũng như một số người cầm bút khác ở hải ngoại, việc làm hằng ngày biết rằng nó nuôi sống bản thân và gia đình nhưng phải là công việc, có thể dừng lại bất cứ lúc nào mỗi khi nguồn cảm hứng chợt đến, để có thể ghi vôi lên mẫu giấy vụng nhắt được ở đâu đó. Phải chăng phương thức trên đã giúp cho nhiều người liên tục trình làng những tác phẩm của mình ? Hy vọng Thy Lan Thảo tiếp tục phần đời còn lại vói những tập thơ rất ‘thy lan thảo’ !

VŨ LINH

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.