Nov 22, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

Giới thiệu Lý Thanh Chiếu, nữ thi nhân bậc nhất Trung Hoa.
Bùi Thụy Đào Nguyên * đăng lúc 12:55:58 AM, Jan 06, 2024 * Số lần xem: 4234
Hình ảnh
Lý Thanh Chiêu
#1

Giới thiệu Lý Thanh Chiếu, nữ thi nhân bậc nhất Trung Hoa.
(bài do Bùi Thụy Ðào Nguyên gửi post)

Lý Thanh Chiếu (chữ Hán: 李清照, 1084 - mất khoảng năm 1151), hiệu Dị An cư sĩ (易安居士), là nữ tác gia chuyên sáng tác từ nổi tiếng thời nhà Tống, (Trung Quốc).
Theo đánh giá của nhà văn Lâm Ngữ Đường (林語堂, 1895 -1976), thì bà là nữ thi nhân bậc nhất Trung Hoa.

I. Cuộc đời:
Lý Thanh Chiếu, người Tế Nam, tỉnh Sơn Đông. Bà là con gái của học giả kiêm nhà viết tản văn Lý Cách Phi, mẹ bà cũng là người thông thạo văn chương. Năm 18 tuổi, bà kết hôn với thái học sinh Triệu Minh Thành (1801 - 1129), là một nhà khảo chứng kim thạch học nổi tiếng và là con trai Tể tướng Triệu Đĩnh. Cưới xong, chồng bà đi làm thái thú ở Lai Châu, Truy Châu, bà được theo.

Trong cảnh giàu sang quyền quí, mỗi khi rảnh việc quan, hai vợ chồng cùng nhau xướng họa thơ văn, thu thập chỉnh lý sách vở, họa phẩm, các áng văn trên đá, trên đồng...

Năm 1127 quân nhà Kim chiếm Khai Phong, bắt giữ cả hai vua nhà Tống là Thượng hoàng Tống Huy Tông và Tống Khâm Tông, nam bắc Hoàng Hà lần lượt rơi vào tay quân Kim, nhiều quan lại trong triều đình nhà Tống phải chạy xuống phía nam, vợ chồng bà cũng chạy xuống phía nam Hoài Hà.

Trong lúc loạn lạc, Triệu Minh Thành được lệnh làm thái thú Hồ Nam, nhưng trên đường đi nhậm chức thì bị cảm và chết ở Kiến Khang (nay là Nam Kinh). Chồng bà ốm chết mà quân Kim cứ tràn xuống tấn công, khiến bà cũng như triều đình nhà Tống cứ phải nay đây mai đó. Hàng châu, Việt Châu, Đài Châu, Kim Hoa...là những vùng miền bà đã lần lượt trải qua, sống một mình trong cảnh cô tịch, khốn đốn cho đến khi già yếu rồi qua đời.

II. Tác phẩm:
Sáng tác của bà có: Dị An cư sĩ văn tập (易安居士文集) và Dị An từ (易安词) nhưng đã thất truyền, người đời sau thu thập lại khoảng 70 bài từ soạn thành cuốn Sấu Ngọc từ (漱玉词) và Lý Thanh Chiếu tập hiệu chú'' (李清照集校注).
Ngoài từ, thơ Lý Thanh Chiếu hiện nay còn 15 bài, phần lớn là loại thơ cảm thán thời thế, vịnh sử, gửi gắm tấm lòng yêu đất nước.
Phong cách thơ của bà cứng cáp, hào phóng như bài Đề Bát Vịnh lâu (Đề lầu Bát Vịnh), Thướng Khu mật Hàn công thi (Thơ dâng lên ông Khu mật họ Hàn)...Trong số đó có bài Tuyệt cú (絕句), được nhiều người truyền tụng.

Ngoài từ và thơ, bà còn có bài văn xuôi Kim thạch lục hậu tự (Bài tựa đề sau cuốn Truyện vàng đá) kể lại quá trình vợ chồng bà biên soạn lại tập Kim thạch lục, với ngôn ngữ trong sáng, giản dị, phóng khoáng, sinh động, được cả hai mặt là tự sự và trữ tình.

Các sáng tác của Lý Thanh Chiếu được chia thành hai thời kỳ:
Trước nạn Tĩnh Khang (1127) (2) phần lớn từ của bà biểu hiện những cảm xúc trăn trở về tình yêu, niềm vui thích đối với cảnh vật, như các bài: Như mộng lệnh, Điểm giáng thần, Túy hoa ngâm, Nhất tiễn mai, Phượng Hoàng đài thượng ức xuy tiêu...

Sau khi một số đại thần nhà Tống chạy xuống phía nam, lập Triệu Cấu lên ngôi, hiệu là Tống Cao Tông cũng vào năm trên (tức 1127 và kể từ đó sử gọi đó là nhà Nam Tống), phần lớn từ của bà chứa đựng nỗi nhớ thương cố hương cùng niềm cô quạnh của mình, như các bài: Vũ Lăng xuân, Bồ tát man, Niệm nô kiều, Vĩnh ngộ lạc...Đặc biệt, bài Thanh thanh mạn được nhiều người yêu thích.

III. Quan niệm sáng tác:
Lý Thanh Chiếu được nhiều nhà nghiên cứu văn học liệt vào hàng các nhà làm từ chính tông của phái “uyển ước”. Phái này, chủ trương tính nghiêm ngặt của âm luật, ngôn ngữ, phong cách của từ v.v...
Và khi bàn về từ, Lý Thanh Chiếu đề cao các đặc điểm: hiệp luật, điễn nhã và tình trí (ngụ tình hết mức), phản đối việc đưa phép làm thơ vào làm từ, phân định rõ sự khác biệt giữa thơ và từ (biệt thị nhất gia) và chủ trương phải xếp riêng người sánh tác từ thành một phái tác giả.

Phái “uyển ước” cùng với phái “hào phóng”do Tô Thức (Tô Đông Pha) khởi xướng, đại biểu cho hai phong cách từ khác nhau.
Học giả Nguyễn Hiến Lê đã có một nhận xét khái quát như sau: Tô Thức giải phóng từ, bỏ niêm luật, mở rộng phạm vi cho nó, dắt nó từ những cảnh mơ mộng, hương phấn qua khu vực khoáng đạt hào hùng của tình cảm Trái lại, Lý Thanh Chiếu và Tống Huy Tông phản đối lại, bắt từ phải theo âm nhạc. (Sdd, tr. 557-558).

IV. Trích nhận xét:
Sách Lịch sử văn học Trung Quốc viết:
“Về nghệ thuật của từ thì hai phái (vừa nêu trên) đều có những ưu điểm, nhưng về phái “uyển ước” thì quả thật không rộng rãi bằng. Chính vì Lý Thanh Chiếu bị ràng buộc bởi quan niệm truyền thống đó nên mặc dù về kỹ thuật từ của bà đạt được trình độ khá cao, nhưng nội dung tư tưởng thì không khỏi bị hạn chế nhiều...” (sđd tr. 464).

Nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Huệ Chi đánh giá:
“Từ của bà khéo dùng thủ pháp “bạch miêu”(1) nói vật ngụ tình, tế nhị tinh xảo, quanh co uốn lượn, biểu đạt hết ý mình, ngôn ngữ thanh tân tự nhiên, âm luật hài hòa uyển chuyển, chiếm một vị trí riêng trên từ đàn triều Tống, được đời sau gọi là “thể từ của Lý Dị An” và đã ảnh hưởng mạnh mẽ cho các đời sau...” (sđd tr. 919 - 920)

Vương Chước trong Bích Kê mạn chí (Ghi chép tản mạn ở núi Bích Kê) khen ngợi:
“Dị an cư sĩ sáng tác trường đoản cú, có tài quanh co uốn lượn lột tả hết ý người và nhẹ nhàng, khéo léo, sắc sảo mới mẻ, trăm nghìn màu sắc hình dáng hiện ra đầu ngọn bút.” (dẫn lại theo Từ điển văn học, sđd tr. 919 - 920)

V.Trích tác phẩm:
-Thanh thanh mạn (聲聲慢)
Đây là bài từ nổi tiếng của Lý Thanh Chiếu, được viết khi chồng đã chết và bà phải lưu lạc ở đất Giang Nam. Từ điển văn học (bộ mới) nhận xét: Tác giả đã dùng “bảy từ điệp láy đi láy lại, biểu đạt một cách tự nhiên, chuẩn xác nỗi sầu khổ cô quạnh trước thảm cảnh nước mất nhà tan...”(sđd tr. 919 - 920).

Nguyễn Xuân Tảo, dịch thơ:
Lần lần, giở giở
Lạnh lạnh lùng lùng
Cảm cảm thương thương nhớ nhớ
Thời tiết ấm lên lại rét
Càng thêm khó ở
Rượu nhạt uống đôi ba chén
Không chống nổi chiều về gió dữ
Nhạn bay qua
Đang đau lòng
Lại đúng bạn quen biết cũ.

Chồng chất hoa vàng khắp chỗ
Buồn bực nỗi
Giờ đây còn ai bẻ nữa
Đen kịt nhường kia
Một mình giữ bên cửa sổ
Cây ngô đồng gặp mưa bay
Buổi hoàng hôn thánh thót giọt nhỏ
Nối tiếp vậy
Ghê gớm sao, sầu kia một chữ.

Vũ Lăng xuân (武陵春)
Gió lắng hương trần hoa đã hết,
Dậy muộn chải đầu lười.
Vật đổi sao dời mọi việc thôi,
Chưa nói lệ tuôn rồi.

Nghe nói Song Khê xuân vẫn đẹp,
Cũng định thả thuyền chơi.
Chỉ sợ Song Khê thuyền nhỏ nhoi,
Sầu nhiều thuyền chở không trôi.
(Nguyễn Chí Viễn dịch thơ)

Điểm Giáng Thần (點絳脣 - 2 bài, trích bài I).
Lặng lẽ phòng khuê
Ruột mềm một thốn sầu chan chứa
Tiếc xuân xuân lỡ
Mưa giục hoa đua nở
Tựa khắp lan can
Man mác tình mong nhớ
Người đâu tá?
Trời liền cây cỏ
Mỏi mắt đường về ngó.
(Nguyễn Chí Viễn dịch thơ) (2)

Tuyệt cú (絕句)
Sống là người hào kiệt
Chết cũng ma anh hùng
Nay còn nhớ Hạng Vũ,
Không chịu sang Giang Đông.

Sau khi giới thiệu bà, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu có lời kết:
Lý Thanh Chiếu là một nữ tác gia hiếm hoi và rất giỏi âm luật về từ. Sau khi nhà Tống bị dồn về phương nam, vợ chồng nàng cũng chạy loạn. Sau khi chồng mất, nàng lưu lạc qua các châu quận khác nhau. Từ của nàng đẹp, buồn và đầy nữ tính… (sđd tr. 167)

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.

Chú thích:
(1) Bạch miêu: trường phái hội họa Trung Quốc dùng bút vẽ cặp đôi để khắc họa chân dung thành nhiều đường nét chứ không lấy màu làm chỗ dựa). Nhà văn đọat giải Nobel Văn học năm 2000 là Cao Hành Kiện giải thích: Bạch miêu (baimiao), một thuật ngữ vay mượn của hội họa: đầu tiên là vẽ phác bằng những nét đơn giản, rõ ràng, sau đó thêm vào những nét chải chuốt, tô điểm làm cho tác phẩm sống động.
(2) Nạn Tĩnh Khang (hay còn được gọi là Sự biến Tĩnh Khang) là một biến cố lớn trong lịch sử nhà Đại Tống, Trung Quốc, đánh dấu sự diệt vong của vương triều Bắc Tống. Sự kiện này diễn ra vào năm 1127, dưới triều vua Tống Khâm Tông (Triệu Hoàn) niên hiệu Tĩnh Khang, cho nên gọi là Sự kiện Tĩnh Khang.
(3) Phần trích tác phẩm cốt để minh họa cho bài, phần nguyên văn thơ chữ Hán & phiên âm, xin đọc tại đây: [http://www.thivien.net/viewauthor.php?ID=58]

Bạn đọc lưu ý: Các sách dùng để soạn bài này ghi không thống nhất năm sinh và mất của Lý Thanh Chiếu.

-Theo Lâm Ngữ Đường (Nhân sinh quan & thơ Trung Hoa, Nxb Ca dao, Sài Gòn, 1970, tr.111) và Nhật Chiêu (sđd, 167) thì: 1081 – 1141.
-Theo Từ điển văn học (bộ mới, Nxb Thế giới, 2004, tr. 919) và Nguyễn Khắc Phi (Thơ văn Trung Hoa, mãnh đất quen mà lạ, Nxb Giáo dục, 1999, tr. 281) thì: 1084 - 1155?
-Theo Lịch sử văn học Trung Quốc tập II (do Sở nghiên cứu văn học thuộc Viện KHXH Trung Quốc biên soạn. Bản dịch do Nxb Giáo dục nước Việt Nam ấn hành năm 1993, tr. 463) và Đại cương văn học sử Trung Quốc do Nguyễn Hiến Lê biên soạn (Nxb trẻ, 1997, tr.558), thì: 1084 - 1151?

Tài liệu tham khảo:

- Lịch sử văn học Trung Quốc tập II, do Sở nghiên cứu văn học thuộc Viện KHXH Trung Quốc biên soạn. Bản dịch do Nxb Giáo dục (Việt Nam) ấn hành năm 1993.
- Từ điển văn học (bộ mới), Nxb Thế giới, 2004.
- Nhật Chiêu, Câu chuyện văn chương phương Đông, Nxb Giáo dục, 2003.
- Nguyễn Hiến Lê, Đại cương văn học sử Trung Quốc, Nxb trẻ, 1997.
- Nguyễn Hiến Lê, Sử Trung Quốc tập II, Nxb Văn hóa, 1997.

Ảnh: Tượng Lý Thanh Chiếu tại Li Qingzhao Memorial, Jinan:

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.