Jan 14, 2025

Tiểu luận - Tạp bút

Góc Khuất
Trần Thảo * đăng lúc 06:22:16 PM, Dec 16, 2016 * Số lần xem: 1462
Hình ảnh
Nhà Thơ Phùng Quán
#1


Trần Thảo / 11-12-2016

     Nhà thơ Phùng Quán. Ảnh: internet

Nhà thơ Phùng Quán. Ảnh: internet

Năm 1995, trước khi nhà thơ Phùng Quán qua đời khoảng vài tuần, dịch giả Nguyễn Hữu Hiệu cùng nữ sĩ Ngân Giang có ghé thăm gia đình nhà thơ. Vào năm 2011, trong một cuộc phỏng vấn với đài Á Châu Tự Do, ông Nguyễn Hữu Hiệu đã nói về nhà thơ Phùng Quán trong bối cảnh của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm. Ông Hiệu cho rằng bài thơ LỜI MẸ DẶN của nhà thơ là nhắm thẳng vào thần tượng Hồ Chí Minh. Lời thơ “Yêu ai cứ bảo là yêu, Ghét ai cứ bảo là ghét”, theo ông Hiệu, là nhằm đả phá tệ sùng bái cá nhân của những cán bộ, đảng viên, vốn được tuyên truyền, giáo dục phải kính yêu ông Hồ như thánh sống.

Ông Hiệu nghĩ như thế cũng có thể thông cảm được. Lý do là vì vào thời điểm đó, ở Nga Sô, Krushchev hạ bệ thần tượng Stalin, và đổ tất cả những lỗi lầm mà Nga Sô mắc phải là do bệnh sùng bái cá nhân Stalin. Tại sao Krushchev làm như thế? Theo nhiều nhà bình luận quốc tế, ông ta làm vậy là để xả xú bắp cho dân Nga sau những năm dài sống đắng cay trong nền cai trị khắc nghiệt của Stalin. Đồng thời là dịp tạo uy tín cho mình, và là cơ hội để thanh trừng nội bộ. Đây là mưu đồ quen thuộc của những người cộng sản. Mao Trạch Đông cũng đã từng phát biểu: “Muốn nắn một vật cong, thì phải nắn quá mức, để khi buông tay ra thì vừa”. Ông Stalin đã nắn quá mức, và tới giai đoạn của Krushchev, phải buông tay. Nhưng dĩ nhiên là buông có mức độ, nếu sức bật lại quá mạnh thì người cộng sản sẵn sàng dùng bạo lực để đè xuống. Tình trạng nổi dậy của nhân dân thủ đô Budapest, Hungary, đã bị xe tăng của Nga dập tắt là một minh chứng.

Ở Việt Nam, vì chiến dịch cải cách ruộng đất đã khiến cho xã hội miền bắc VN tràn đầy huyết lệ. Không khí căm thù của dân chúng đối với chế độ càng ngày càng sâu rộng. Ông Hồ, giống hệt cộng sản Nga và Tàu, tới giai đoạn đó là phải buông, xả xú bắp, nếu không thì tất cả sẽ nổ tung. Từ đó có vụ sửa sai, Trường Chinh mất chức Tổng Bí Thư, và ông Hồ Viết Thắng, Trưởng Ban Cải Cách ruộng đất cũng mất chức. Ông Võ Nguyên Giáp thay mặt nhà nước ra xin lỗi quốc dân, và ông Hồ rút khăn mù xoa ra chặm nước mắt.

Tất cả chỉ là một vỡ bi hài kịch trơ trẽn, lố bịch, nhưng thấm đẫm máu và nước mắt của cả triệu người dân vô tội. Những người cộng sản Việt Nam đã thực hiện Cải Cách Ruộng Đất đầy kịch tính như thế, có nghĩa là hết màn một thì sẽ diễn màn hai, chỉ đơn giản vậy thôi. Dựa vào hoàn cảnh sửa sai, nới lỏng của nhà nước, lợi dụng tình hình phức tạp của Nga Sô và Đông Âu lúc bấy giờ, giới trí thức văn nghệ sĩ Việt Nam miền bắc, phần lớn xuất thân quân đội, mới nổi lên đòi tự do tư tưởng, tự do sáng tác, tự do hội họp v.v. trong cái phong trào gọi là NHÂN VĂN GIAI PHẨM. Những văn nghệ sĩ đứng lên đấu tranh, ngoài lý do đòi quyền sáng tạo trong nghệ thuật còn có lý do họ đã bị phân biệt đối xử một cách tàn tệ sau khi rời khu chiến Việt Bắc về Hà Nội.Cuộc đấu tranh bằng thơ, văn, bút chiến, hí họa, nhạc càng lúc càng lớn, mà những kiện tướng tiêu biểu là Trần Dần, Phan Khôi, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Văn Cao, Phùng Quán, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Hữu Đang, Thụy An, Trần Duy, Hoàng Công Khanh v.v…

Như đã nói ở trên, khi nhà nước cộng sản ở vào giai đoạn BUÔNG, nếu sức bật lại quá mạnh thì họ sẽ tìm mọi cách để đàn áp thẳng tay. Bắt đầu bằng sắc lệnh ngày 15 tháng 12 năm 1956 của ông Hồ Chí Minh, tước bỏ quyền tự do ngôn luận của báo chí, bắt văn nghệ sĩ phải phục vụ công nông binh và nền chuyên chính vô sản. Giai đoạn sau đó ai cũng đã rõ, hầu hết văn nghệ sĩ phải tự kiểm, phải chỉnh huấn, phải tù đày.

Nhà thơ Phùng Quán dính vào phong trào này với hai bài thơ. Bài thứ nhất là Thơ Cái Chổi:  Chống tham ô lãng phí, được viết năm 1957, và bài thứ hai là Lời Mẹ Dặn, được viết năm 1956.
Như ý nghĩa của tựa đề, trong bài thơ cái chổi, Phùng Quán nêu ra tất cả những thói hư tật xấu của tầng lớp cán bộ đảng viên thoái hoá, ăn mòn công quỹ trong lúc nhân dân thì đói xanh cả mặt, và ông kêu gọi đảng hãy ra tay diệt trừ lũ dòi bọ này, và ông sẽ là người tiên phong hàng đầu. Riêng bài Lời Mẹ Dặn, mà câu thơ chủ đạo “Yêu ai cứ bảo là yêu, Ghét ai cứ bảo là ghét”, theo lời dịch giả Nguyễn Hữu Hiệu, là nhắm vào Hồ Chí Minh. Theo tôi, cái nhìn của ông Hiệu quá vội vàng, chưa chính xác. Nếu bài thơ Lời Mẹ Dặn được viết vào đầu thập niên 90 thì nhận định của ông Hiệu có thể tôi sẽ hoàn toàn đồng ý. Tại sao như vậy?

Muốn hiểu tâm sự của một người, cần phải đặt người đó vào hoàn cảnh tương ứng. Phùng Quán là một đứa bé mồ côi cha từ lúc hai tuổi, lớn lên học tới lớp ba phải bỏ ngang để đi chăn trâu, chăn bò. Năm ông 13 tuổi, khi thấy đoàn xe chở bộ đội của trung đoàn trinh sát Trần Cao Vân đi ngang qua làng, tiếng hát từ trên xe vọng xuống: “Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi…” thực sự là một thúc giục cho tâm hồn của cậu bé, đang mơ tới một chân trời tươi sáng hơn, kích thích hơn, hào hùng hơn. Cậu bé đó đã lén nhảy lên tàu, đã nói dối lỡ làm mất trâu, đã năn nỉ xin mấy anh trinh sát cho đi theo. Cuộc đời quân ngũ của Phùng Quán đã bắt đầu như thế. Từ đó cậu bé Phùng Quán đảm nhận tất cả những công tác khi thì liên lạc, khi thì công đồn, khi thì gài mìn v.v… Và dĩ nhiên tâm hồn như tờ giấy trắng đó, với sự nhồi nhét liên tục của mấy quan chính trị, cộng thêm không khí kháng chiến hào hùng lúc đó, tôi chắc chắn trong tâm hồn người lính trẻ đó đã coi ông Hồ như một giáo chủ, một vị thánh mà anh ta là một tín đồ.

Năm 1956, Phùng Quán mới 24 tuổi, là năm ông viết Lời Mẹ Dặn. Và bạn nên nhớ, năm 1954, ông viết Vượt Côn Đảo, khi đưa cho ông Vũ Tú Nam đọc duyệt, ông Vũ Tú Nam nói: “Em viết hay lắm, nhưng sai chính tả tùm lum”. Phùng Quán đã cười, trả lời: “Thì em nhảy thẳng từ lưng trâu về trung đoàn mà”. Theo tài liệu thì Phùng Quán đã được cho đi học, và nhờ nỗ lực, thêm thiên phú kinh người, ông đã đạt được những kiến thức, và tài năng càng lúc càng chói mắt. Ai cũng biết Phùng Quán là người chân thật, sống rất tình cảm. Xin hỏi bạn, vào thời điểm mà cộng sản còn giấu cái đuôi, trên mặt nổi, Hồ Chí Minh được cán bộ, đảng viên, nông dân coi như một nhà ái quốc, và cái đảng của ông ta, trong đầu chàng thanh niên 24 tuổi Phùng Quán, chính là nhân tố đã thay đổi cuộc đời của mình, từ một cậu bé chăn trâu, được vào quân đội, được học hành, được viết thơ cho công cuộc kháng chiến, như thế Phùng Quán có thể viết bài thơ Lời Mẹ Dặn để nhằm đả kích ông Hồ không? Tôi nghĩ hỏi là đã trả lời rồi vậy.

Tôi không võ đoán đâu. Trước đây, có lần nhà văn Nguyễn Quang Lập theo hỏi Phùng Quán “Hồi đó anh viết cái gì mà họ đì anh dữ thế?” Phùng Quán không muốn nói nhưng ông Nguyễn Quang Lập theo hỏi hoài, nên nhà thơ đã trả lời: “Thực ra khi tôi viết Chống Tham ô lãng phí và Lời Mẹ Dặn là tôi muốn góp ý với đảng. Mình là chiến sĩ, không nói thì ai nói. Tôi góp ý để dẹp cái bọn tham ô, và tôi sẵn sàng đi đầu, chứ tôi có mưu đồ gì đâu”. Đây mới đúng là Phùng Quán. Ông là người trung nghĩa chân thật, thấy cảnh nhố nhăng thì không thể làm thinh. Ông ghét những thằng nịnh hót gần trung ương, tiêu xài hoang phí trong khi dân đen thì quần quật tối ngày mà kiếm không nổi miếng cơm manh áo. Phùng Quán đã coi những tên sâu bọ này như một hiểm họa cho sự sống còn của “đảng của ông”. Nói khác đi, ông lên tiếng chỉ để bảo vệ đảng, chứ ông có muốn lật đổ đảng đâu. Thế mà đảng đã cô lập ông, đày đọa ông suốt hơn ba mươi năm trời, đến nổi ông phải kêu lên:

Thượng đế ơi!
Tôi đã làm gì?
Mà ly rượu đời Người ban cho tôi
Đắng thế?

Một minh chứng khác cho thấy trong lòng của Phùng Quán vào giai đoạn 55-57 không hề có ý lật đổ đảng. Ai cũng biết một tác phẩm văn xuôi tiêu biểu của ông là Tuổi Thơ Dữ Dội, xuất bản lần đầu năm 1983, trong đó nhân vật Mừng, cũng là lính trinh sát 13 tuổi như Phùng Quán. Em cũng bị nghi ngờ là Việt Gian. Mừng đã lấy chính thân xác của mình để chứng minh, khi em hy sinh hoàn thành công tác, đạn ghim đầy mình, em chỉ để lại lời nhắn cho cấp trên của mình:  “Em không phải là Việt Gian, Em là Vệ Quốc Quân”. Tác phẩm này được xuất bản, được quay thành phim, đã là an ủi rất lớn đối với nhà thơ Phùng Quán, bởi vì qua đó, ông muốn nói rõ một sự thật mà hơn ba mươi năm trời đảng đã cố tình vùi dập, đó là Phùng Quán không phải là Việt Gian, bị lợi dụng và khích động bởi gián điệp nước ngoài như đảng gán ghép.

Chúng ta có thể hiểu và thông cảm nhà thơ Phùng Quán với ước vọng minh bạch hóa sự việc của đời mình như thế. Một chi tiết khác để nói rõ thêm tính cách của ông. Đó là thời gian ông viết Lời Mẹ Dặn, có thằng cha nào giấu tên thật, lấy bút hiệu là Trúc Chi, viết một bài thơ tên là LỜI MẸ DẶN, THẬT KHÔNG? Dĩ nhiên trong đó đặt tất cả những câu hỏi xóc óc mất dạy để hạ nhục Phùng Quán. Phùng Quán đã rất đau, và cố công tìm hiểu xem ai là TRÚC CHI, và ông coi việc này trọng đại ngang với việc ông được phục hồi hội tịch hội nhà văn để có thể đường hoàng trở lại địa chỉ số 4 đường Lý Nam Đế, trụ sở của báo Văn Nghệ Quân Đội. Sau này mới lòi ra Trúc Chi chính là Hoàng Văn Hoang. Phùng Quán chưa kịp đọ chiêu với thằng bám đít Tàu này thì nó dọt qua Peking mất rồi. Tính cách của Phùng Quán là thế. Một con người chân thật thì muốn mọi việc phải sòng phẳng, như ông từng viết:

Tôi có quyền gì được no hơn nhân dân tôi một miếng ăn?
Tôi có quyền gì được lành hơn nhân dân tôi một manh áo?
Tôi có quyền gì được rộng hơn nhân dân tôi một tấc vuông nhà ở?
Tôi có quyền gì được lên xe xuống ngựa
Khi gót chân nhân dân tôi nứt nẻ bụi đường?
Dù tôi là thiên tài!
Dù tôi là thi nhân!
Dù tôi chót vót tận đỉnh cao quyền lực!

Tư tưởng này, theo tôi hơi tả và cực đoan, nhưng nó cho ta thấy tính cách đáng được trân trọng của nhà thơ.

Không giống những tay cự phách trong Nhân Văn Giai Phẩm như Hoàng Cầm, Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, Hữu Loan, Trần Dần v.v… Phùng Quán có khả năng thiên phú về thơ văn, định lực kinh người, nhưng ông không nhạy bén lắm đối với những trò ma giáo. Khi Hoàng Cầm, Hữu Loan đã nhìn ra cái mặt chuột của lũ cộng sản, thì ông vẫn ngây thơ tin rằng ông Hồ là thần tượng, đảng là số một, ông chỉ lo những thằng nịnh bợ làm ruỗng mọt đảng. Ông viết Lời Mẹ Dặn và Chống Tham Ô Lãng Phí chính là ra sức bảo vệ đảng đấy chứ. Nhưng rồi ông cũng đã khôn ra. Ba mươi năm bị đày đọa, phải sống cảnh CÁ TRỘM, RƯỢU CHỊU, VĂN CHUI, ông đã tỉnh táo ra và nhận thức sự việc ở cái cốt lõi của nó.

Ông viết trong Trăng Hoàng Cung:

Tôi ngã nhào trước ngõ nhà em
Ngã chúi mặt….
Miệng môi tôi đầy cát!
Nhưng tôi không buồn rửa mặt
Tôi muốn đi thẳng vào nhà em
Như bao nhiêu lần khác
Ngồi xuống và tôi đọc câu thơ
Câu đầu tiên
Cũng là câu cuối cùng
Tôi đã bị dối lừa.

……………………….

Tôi khóc niềm tin yêu nát tan
Tôi khóc ngai vàng mộng tưởng
Tôi khóc Trăng-Hoàng-Cung bị lấm bẩn
Tôi khóc không biết lấy gì để gột sạch trăng…

Nhà thơ Phùng Quán đã lìa xa khỏi thế gian bụi bặm này hai mươi mốt năm. Nhưng mỗi lần đọc lại những vần thơ của ông, cực cảm được nỗi nhọc nhằn quá tải mà đảng đã cố ý đè lên đôi vai gầy guộc của ông trong suốt ba mươi năm dài, tôi không khỏi cảm thấy xót thương ông, nhà thơ “Một đời lao lực, một đời cay cực, một đời thơ”.

Nhưng Phùng Quán cũng có những giới hạn của một người lớn lên và làm việc trong cái chế độ toàn trị, mọi thông tin bị bịt kín. Ông bắt đầu nổi tiếng bằng tác phẩm Vượt Côn Đảo, viết theo những lời kể của cựu tù Côn Đảo. Trong đó, với tuyên truyền của cộng sản Bắc Việt, dĩ nhiên là tung hô cho đúng với tinh thần gọi là ” hiện thực cách mạng”, nhưng nếu bạn có dịp ghé mắt, thấy toàn là tưởng tượng một cách ngô nghê, cũng giống lối thơ Tố Hữu ngồi ở hậu trạm của trận Điện Biên Phủ, viết cái gì mà ” đuốc cháy sáng rừng”, hay như bài ngợi ca Nguyễn Văn Trỗi ” Phút thiêng liêng anh gọi bác ba lần”. Toàn là láo khoét, xạo không cần kiểm chứng. Mời bạn đọc bốn câu thơ mà Phùng Quán ca ngợi Võ Thị Sáu trong bài thơ TIẾNG HÁT TRÊN ĐỊA NGỤC CÔN ĐẢO:

Trên đường vào đảo hôm qua
Nghiêng mình Sáu hái bông hoa ven rừng
Cài lên mái tóc rối tung
Cất cao tiếng hát giữa vùng lưỡi lê.

Nhân vật Võ Thị Sáu, cô gái mười bảy tuổi, chả biết có thực hay cũng giả tạo như Lê Văn Tám, không són đái trong quần, mà lạc quan cách mạng thế đó? Phùng Quán nghe kể rồi tô vẽ những ý tưởng ngô nghê thực là mắc cười, quá cường điệu và lố bịch.

Phùng Quán bị đảng nghi oan, vùi dập ba mươi năm, dù từ từ ông cũng đã ngộ ra bộ mặt khốn nạn của đảng, nhưng ông vẫn không sáng con mắt ra. Trong thời gian bị trù dập, ông đặt cho mình ba mục tiêu. Thứ nhất là bằng mọi cách để cho những tác phẩm thơ, truyện của mình được đến với quần chúng. Thứ hai là phục hồi hội tịch Hội Nhà Văn để được chính thức trở về với Báo Văn Nghệ Quân Đội. Thứ ba là tìm cho ra ai là Trúc Chi, người đã viết chế diễu, châm chọc bài thơ LỜI MẸ DẶN của ông.

Khi đọc ba mục tiêu mà ông đặt ra trong lúc cuộc đời bị đảng vùi dập trí mạng như vậy, tôi thật vô cùng thất vọng. Nói cho cùng, ông chỉ muốn được đảng công nhận, và tìm ra ai là Trúc Chi để giải quyết chút tiểu khí trong lòng. Nhà thơ của ” Bút giấy tôi ai cướp giật đi. Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá ” chỉ có thế thôi sao?

Trong đời thường, những quan hệ của Phùng Quán với bạn văn cũng khiến tôi thất vọng. Phùng Quán từng tuyên bố ” Dù bất cứ là ai, khi bước qua ngưỡng cửa nhà tôi, tôi đều coi là bằng hữu và đối xử chân thành.” Có lẽ ông quan niệm khác đời chăng? Tôi không biết, nhưng nhìn ông ôm vai bá cổ với Hoàng Phủ Ngọc Tường, chén chú chén anh với cái thằng khốn nạn, quỷ vương đó là tôi lại nghe máu chạy rần rần.

Nhà thơ Phùng Quán, do bị giới hạn trong nhận thức, đã cặm cụi một lòng đi theo đảng. Nhưng rồi cái đảng mà ông tôn thờ đó đã xem ông như một miếng chanh đã hết nước, chúng ném ông vô thùng rác không một chút nuối tiếc. Một người có công trạng với đảng như Phùng Quán còn bị đối xử tàn tệ như thế, cũng giống như Nguyễn Hữu Đang, kiến trúc sư của ngày lễ độc lập tại vườn hoa Ba Đình, cả hai đều sống trong cơ cực, bị vùi dập, bị bịt miệng, thế thì với những người dân thường, họ còn khổ tới đâu trong bàn tay sắt của đảng.

Ở những góc khuất mà ánh sáng của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền không soi tới, phận dân đen như con giun con dế, mặc cho chế độ đó vo tròn bóp méo thế nào cũng được. Mới đây, trên mạng lan truyền tin tức về nghệ sĩ hài độc thoại Nguyễn Phúc Gia Huy, nghệ danh Dưa Leo, bị phòng an ninh chính trị nội bộ công an thành Hồ tống đạt giấy mời lên làm việc để làm rõ về việc phát tán video phê phán thực trạng xã hội. Ngay như tiếng nói trung thực của một nghệ sĩ hài mà chế độ còn sợ hãi, còn bấn xúc xích đề phòng, thì đủ biết cái chế độ đó nó dơ dáy và khốn nạn cỡ nào. Bởi chế độ đó chuyên môn làm bậy, nên nó sợ những tiếng nói trung thực vạch mặt nó ra trước công luận. Con đĩ thập thành nhưng lại muốn người ta tô son trét phấn lên mặt mình, tung hô mình là Tiết Phụ Khả Phong.

Trần Thảo
(TT - 11.12.2016)

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.