QUẾ HIÊN NGUYỄN NỂ (1761-1805)
ĐỈNH NÚI CAO THI TRẬN NƯỚC NAM THỜI TÂY SƠN
TS PHẠM TRỌNG CHÁNH
Trong cuộc tiếp sứ đoàn nhà Thanh thời vua Càn Long sang phong vương cho vua Quang Trung Nguyễn Huệ. Sứ giả hỏi Đoàn Nguyễn Tuấn, ai là người thơ hay nhất nước Nam. Đoàn Nguyễn Tuấn trân trọng giới thiệu: Quế Hiên Nguyễn Nể là đỉnh núi cao thi trận nước Nam.
Tiệc khách hỏi ai thơ nhất nước,
Quế Hiên thi trận đỉnh cao phong.
(Tân tích nhược tuân ngô tuấn tú,
Quế Hiên thi trận tối đầu phong.)
Kỷ Dậu (1790) trọng thu nghinh tiếp sách sứ.
Đã lâu rồi chúng ta chỉ chú ý đến thi hào Nguyễn Du, mà quên mất người anh mà thi hào Nguyễn Du yêu thương nhất, gần gũi nhất. Một người mà vua Quang Trung trân trọng tài đức, sức học, tôn là quân sư ngang hàng với Trung thư Trần Văn Kỷ, với Nguyễn Thiếp, vua thường gióng ngựa quý đến thăm bàn bạc việc nước . Khi vua Quang Trung mất, Nguyễn Nể mời làm Đông Các Học sĩ để dạy dỗ vua Cảnh Thịnh sách Tiểu Học, do La Sơn Phu Tử biên soạn. Ông được những bạn bè danh nhân đồng thời như Phan Huy Ích, Ninh Tốn, Đoàn Nguyễn Tuấn.. ca tụng tài năng không tiếc lời.
Quế Hiên còn để lại 3 tập thơ gồm:
-Quế Hiên Di Cảo 45 bài
Hoa Trình Tiêu Khiển tập tiền tập: 117 bài
Hoa Trình Tiêu Khiển tập hậu tập: 212 bài.
Tổng cộng 374 bài.
Tiếc thay, như bao danh nhân nước ta, ngày xưa phần nhiều đều viết thơ bằng chữ Hán. Điều đó ngày xưa cần thiết để đối thoại, trao đổi với sứ thần các nước Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản.. Tiền lệ đó sánh với Âu Châu có những thời đại họ dùng chữ Hy Lạp, chữ La Tinh hay tiếng Pháp trong triều đình. Do đó không thể phủ nhận, một ngàn năm người Việt dùng chữ Hán, không phải là văn hóa của người Việt Nam. Con cháu chúng ta ngày nay chỉ đọc qua những bản dịch nghĩa, như người đọc thơ người ngoại quốc, thì chẳng thấy mặn mà gì với di sản tiền nhân. Các bản dịch thơ Nguyễn Nể, chưa đạt được tầm mức kiệt tác , nên có lẽ vì thế ta chưa thấy hay. Các cụ yêu thích dịch thơ Đường lần lượt ra đi, các bản dịch mới chỉ dịch nghĩa..Thi ca ngày xưa có tầm quan trọng trong ngoại giao, chứng tỏ mình là một nước có văn hóa, văn hiến không thua kém Trung Quốc. Nhà thơ không phải làm thơ để giải sầu tiêu khiển, bầu rượu túi thơ một mình, mà là Thi tướng trên Mặt trận Văn hóa, Ngoại giao. Trong bài này tôi xin dịch lại các bài thơ Nguyễn Nể, để thưởng thức những bài thơ tuyệt tác của Thi tướng, đỉnh cao Thi trận thời Tây Sơn..
Năm 1995. Lần đầu tiên thơ ông được in: Tuyển tập thơ chữ Hán Nguyễn Đề, chủ biên Nguyễn thị Phương. Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội. Hà Nội . 1995.
NGUYỄN NỂ NIÊN BIỂU
Nguyễn Nể còn gọi là Nguyễn Đề, húy là Nể, chữ Hán nghĩa kính nể. tự Nhất Quế, hiệu là Quế Hiên. Sau đổi tên Đề tự Tiến Phủ, hiệu Tỉnh Kiên hiệu Văn Thôn cư sĩ. Con thứ sáu Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm (1708-1775) và bà Trần Thị Tần (1740-1778). Là anh cùng cha cùng mẹ với Thi hào Nguyễn Du. Quan Tư Đồ Nguyễn Nghiễm có 8 bà vợ, 21 người con trong đó 12 người con trai, sắp theo tuổi tác Nguyễn Du là người con trai thứ bảy.
1761. sinh ngày 13-2 năm Tân Tỵ Âm lịch. (tức ngày 19-3-1761 DL) tại phường Bích Câu, Hà Nội. Chánh quán Xã Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh.
1768. 7 tuổi được phong làm Hoàng Tín Đại Phu, tước Khuê Nhạc Bá.
1780. Đỗ đầu kỳ thi Khảo Khoá Quốc Tử Giám.
1783 tháng 3. Đỗ đầu kỳ thi khảo hạch huyện Thọ Xương.
Tháng 10. Đỗ đầu Tứ Trường Kỳ thi Hương trường thi Phụng Thiên, cùng em Nguyễn Nhưng và cháu Nguyễn Thiện (con Nguyễn Điều).
1784. Giữ chức Thị Nội Văn Chức, Phó Tri Thị nội Thư tả lại phiên. Thiêm Thư Khu Mật Viện. Cai quản đội Phấn Nhất Phủ chúa Trịnh.
1786. Hiệp Tán Quân cơ Sơn Tây phụ tá anh Nguyễn Điều, Trấn Thủ Sơn Tây. Loạn kiêu binh, dinh thự Nguyễn Khản bị phá tan, Nguyễn Khản chạy lên Sơn Tây với Nguyễn Điều toan hợp binh các trấn chống kiêu binh, thất bại bị kiêu binh làm áp lực cách chức. Nguyễn Khản , Nguyễn Điều về Hà Tỉnh.
Khi Tây Sơn ra Bắc, Nguyễn Khản vượt ghe mành mưu toan giúp chúa Trịnh. Kiêu binh vu cáo Nguyễn Khản rước Tây Sơn về Nguyễn Khản lại trốn lên Sơn Tây cùng Nguyễn Trứ chiêu mộ quân thay kiêu binh. bảo vệ cung vua nhưng chẳng may mất trong cơn bạo bệnh. Nguyễn Điều cũng mất tại Thanh Chương, Hà Tỉnh.
Sau khi Nguyễn Huệ ra Bắc dẹp Trịnh, và giao cơ nghiệp lại cho vua Lê, cưới Ngọc Hân Công Chúa và rút về Phú Xuân. Nguyễn Nể ra giúp vua Lê viện Cơ Mật.
1787. Nguyễn Du cùng Cai Gia Nguyễn Đăng Tiến (Nguyễn Đại Lang) khởi nghĩa chống Tây Sơn tại Tư Nông, trấn Thái Nguyên, bị chỉ huy Giáo bắt giải về cho Vũ Văn Nhậm. Nhậm trân trọng khí khái tha chết, cho phép đi đâu thì đi. Nguyễn Du cùng Nguyễn Đại Lang, Nguyễn Quýnh đi Vân Nam, rồi chia tay tại Liễu Châu. Nguyễn Đại Lang về thăm quê cũ ở Việt Đông. Nguyễn Du tiếp tục hành trình đi Trường An và hẹn gặp lại hai năm sau tại Trung Châu, Miếu Nhạc Phi Hàng Châu.
1789. Nguyễn Nể sau thời gian lẫn tránh tại quê vợ ra làm quan Tây Sơn cùng các bạn: Phan Huy Ích, Ngô Thời Nhậm, Vũ Huy Tấn, Ninh Tốn, Đoàn Nguyễn Tuấn..Nguyễn Nể giữ chức Hàn Lâm Viện Thi thư, Phó Sứ sứ đoàn Tây Sơn đầu tiên đi Yên Kinh, Chánh Sứ là Nguyễn Quang Hiển. Viết Hoa Trình Tiêu Khiển Giáp tập. Dự tiệc vua Càn Long tại điện Các Tử Quang làm thơ dâng vua Càn Long được ban thưởng, một tấm đoạn, hai thỏi mực và 3 tập giấy hoa tiên.
1790 Đi sứ về được thăng Đông Các Học Sĩ chức vụ dâng sách cho vua Quang Trung đọc mỗi ngày. Thăng Thái Sử Tả Thị Lang tước Nghi Thành Hầu.
Trong khi sứ đoàn vua Quang Trung giả sang Yên Kinh. Vua Quang Trung thật ngày ngày cưỡi ngựa quý đến dinh Kim Âu, nơi cư ngụ gia đình Nguyễn Nể, đàm đạo việc nước, và theo dõi cuộc hành trình.
Nguyễn Du sau ba năm đi giang hồ Trung Quốc (1797-1790) với danh hiệu nhà sư Chí Hiên, về với anh, nhưng thường ở Gác Tía, nơi câu cá anh Thượng Thư Bộ Lại Nguyễn Khản cạnh đền Khán Xuân nơi đây Nguyễn Du quen biết cô hàng xóm Xuân Hương Hồ Phi Mai.
1792. Vua Quang Trung mất tại Phú Xuân.
1793. Nguyễn Nể được triệu vào Phú Xuân coi văn thư Cơ Mật Viện. và dạy cho vua Cảnh Thịnh sách Tiểu Học do La Sơn Phu Tử biên soạn. Nguyễn Nể giao phó cho hai em Nguyễn Du và Nguyễn Ức mang tiền bạc về làng Tiên Điền xây dựng lại từ đường, làng Tiên Điền, Cầu Tiên, chùa Trường Ninh.. bị tướng Tây Sơn, Trấn thủ Lê Văn Dụ đốt phá nhân cuộc khởi nghĩa Nguyễn Quýnh 1790..
1794. Thăng Tả Phụng Nghị Bộ Binh. Do sự xung đột trong triều đình do Bùi Đắc Tuyên nắm quyền lực. Đày Trung Thư Trần Văn Kỷ làm lính thú ở Hoàng Giang. Phan Huy Ích, Ngô Thời Nhậm từ quan về tu theo đạo Lão, đạo Phật tại hồ Kim Âu, Bích Câu, Hà Nội. Nguyễn Nể xin đi trấn nhậm Quy Nhơn đất thang mộc triều Tây Sơn, làm Hiệp Tán Nhung Vụ thành Quy Nhơn.
1795. Làm Hành Khánh Sứ, dự lễ vua Càn Long nhường ngôi cho con vua Gia Khánh. Làm thơ được thưởng gấm đoạn, gậy tuổi già, ngọc như ý, trà sen. Trung Hiến đại phu Hoàng Phu Thái tặng 4 chữ: Hồng Sơn Thế Phổ. Cháu 24 đời Chu Công, tri phủ Chu Lễ tặng 4 chữ Thiên Môn Tái Đăng (2 lần lên cửa trời) Viết Hoa Trình Tiêu Khiển, Ất tập. Tại Phú Xuân, tướng Vũ Văn Dũng giết cha con Thái Sư Bùi Đắc Tuyên, Bùi Đắc Trụ và tướng Nguyễn Văn Sở.
1796. Trở về được thăng Tả Đồng Nghị Trung Thư Sảnh, chức vụ Quân Sư cho vua Cảnh Thịnh, ngang hàng với quân sư Trần Văn Kỷ. Nguyễn Nể được vua Cảnh Thịnh thưởng 40 mẫu ruộng. Nguyễn Nể can thiệp cho Nguyễn Du ra tù sau khi toan trốn vào Nam theo Nguyễn Ánh. Nguyễn Du ra Bắc thì Hồ Phi Mai đã được mẹ gã cho anh thầy lang xóm Tây làng Nghi Tàm, Nguyễn Du viết hai bài thơ ký tên Chí Hiên oán trách Xuân Hương tệ bạc. Nguyễn Nể mai mối cùng Đoàn Nguyễn Tuấn cưới vợ cho Nguyễn Du cô Đoàn Nguyễn Thị Huệ (còn gọi là Tộ).
1797. Nguyễn Nể xin đi xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô tại Nghệ An cùng Trần Quang Diệu và Trấn Thủ Nguyễn Văn Thận.
1801 Được triệu vào Phú Xuân , hộ tống La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp về triều.
1802. Đến Phú Xuân thi cuộc chiến Gia Long đánh Phú Xuân. Vua Cảnh Thịnh chạy ra Bắc. Nguyễn Nể và Nguyễn Thiếp bị kẹt lại, vua Gia Long cho gọi đến, Nguyễn Nể dâng sớ trần tình được tha và được khen thưởng. Gia Long tha cho Nguyễn Thiếp về quê quán La Sơn. Gia Long ra Bắc đem theo Nguyễn Nể, để hỏi công việc đi sứ cho sứ đoàn Lê Quang Định (1802). Nguyễn Nể soạn Quốc Âm khúc, và biểu văn được Gia Long ban thưởng tiền và y phục.
Nguyễn Du từ Quỳnh Hải dẫn học trò, tráng đinh, đem bò ngựa lương thực đến dâng sớ gặp vua Gia Long tại Trấn Sơn Nam, được Gia Long phong cho tri huyện Phù Dung trấn Sơn Nam nơi gặp gỡ. Sự kiện này tương tự như Phi Tử đời Chiến Quốc dâng ngựa cho vua Chu Hiếu Vương được chức Phụ Dung, nước phụ chư hầu, nên Nguyễn Du có danh hiệu là Phi Tử.
Vua Gia Long trở về Phú Xuân để Nguyễn Nể ở lại làm việc tại Bắc Thành lo việc phong vương tiếp sứ. Gia Long không dùng Nguyễn Nể, Phan Huy Ích, Ngô Thời Nhậm các nhân vật đã ra làm quan Tây Sơn mà chỉ dùng con, em : Nguyễn Du, Nguyễn Ức, Phan Huy Thực, Phan Huy Chú, Ngô Thời Vị.
1803 Nguyễn Du được thăng Tri Phủ Thường Tín, được giao cho việc tiếp sứ thần Tề Bồ Sâm, các thư từ trao đổi đều do Nguyễn Du biên soạn. Nguyễn Nể có mặt tại Thăng Long giúp em trong các công việc này.
1804. được cho về quê nghỉ một tháng và sau đó được triệu về kinh.
1805. Nhân người vợ thiếp mất ông về quê. Chuyện rắm rối trong làng bị tri phủ Trần Văn Chiêu bức bách ông phẩn chí mà mất, ngày 11-7 năm Ất Sửu (3-9-1805). Nguyễn Du về Tiên Điền lo việc an táng cho anh.
Vợ chính thất họ Trịnh không con
Vợ thứ thất sinh ba con: Giai, Lịch, Vĩ.
THƠ NGUYỄN NỂ
Nguyễn Nể để lại 374 bài thơ chữ Hán. Trong bài này tôi xin tuyển dịch 18 bài, bước đầu để nghiên cứu thi tài Nguyễn Nể.
Bài Thanh Quyết Giang , khi đi qua huyện Gia Viễn, Ninh Bình Quế Hiên viết: Các dãy núi non vắng vẻ, đồng ruộng thê lương. Nhìn bến lòng thấy thương cảm. Một dãi sông dài, bóng mây trôi theo dòng nước cuốn. Mấy mô thành cũ, cỏ hoang lên rậm rạp. Bắc Nam từ nay thống nhất chung một bản đồ, không còn chia Trịnh, Nguyễn. Những trận đánh thua được còn ghi dấu trên chiến trường. Ngao ngán việc xưa không còn muốn hỏi. Dừng cương ngựa nhấp chén rượu trong nắng chiều tà. Nguyễn Du cũng có bài thơ Chiều ngắm cảnh trên sông Thanh Quyết.
SÔNG THANH QUYẾT
Núi non vắng vẻ ruộng thê lương,
Thanh Quyết bến đò lòng cảm thương.
Một dãi sông dài mây nước chảy,
Mấy khung thành cũ cỏ rêu hoang.
Bắc Nam giờ đã chung đồ bản,
Thắng bại còn bao dấu chiến trường.
Ngao ngán việc xưa không muốn hỏi,
Dừng cương nhấp chén ngắm tà dương.
Bản dịch thơ Nhất Uyên
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
THANH QUYẾT GIANG
Quần sơn liêu tịch dã thê lương,
Thanh Quyết tân đầu cảnh khả thương.
Nhất đới trường giang yên thệ thủy,
Kỷ đôi tàn lủy thảo đài hoang.
Bắc Nam tân thuộc kim dư bản,
Thắng phụ không lưu cổ chiến trường.
Trù trướng bất kham tuân vãn sổ,
Đình tiên tiếu chuốc điếu tà dương.
Bài Buổi sáng đi thuyền qua sông Nhĩ Hà, Quế Hiên tả bước hành trình đầu tiên đi sứ:
Vái từ cung Vua, Triều đình, ngâm khúc đi sứ. Đi sứ còn gọi là bước Hoàng Hoa. Mang theo đàn kiếm buổi sáng tinh mơ vượt qua sông Hồng. Trời đông mưa tạnh trời vừa ửng sáng. Gió bắc lạnh im dòng sông không chút gợn sóng. Vừa xa cách chốn thành thị bụi hồng huyên náo. Cứ ngỡ dừng bè trên sông Ngân Hán trong xanh trên trời cao. Sớm muộn khi xe sứ sẽ về khi xong việc công. Khi đó từ nơi quê hương sẽ hát khúc hoan ca ngày trở về.
BUỔI SÁNG ĐI THUYỀN QUA SÔNG NHĨ HÀ
Vái từ Cửa Phượng khúc Hoàng Hoa,
Đàn kiếm tinh mơ vượt Nhĩ Hà,
Mưa tạnh trời đông chừng ửng sáng,
Gió im sông bắc chẳng âm ba.
Bụi hồng huyên náo chừng xa cách,
Ngân Hán xanh dòng ngỡ bước qua,
Sớm muộn rồi khi xong việc sứ,
Quê hương sẽ hát khúc hoan ca.
Nhất Uyên dịch thơ
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
HIỂU PHIẾM NHĨ HÀ
Diện từ Phượng Khuyết tứ Hoàng Hoa,
Cầm kiếm lăng thần phiếm Nhĩ Hà.
Đông vũ sạ tình thiên dục thự,
Sắc phong bất động thủy vô ba.
Huyên hiêu tiểu cách hồng trần lộ,
Thanh sảng nghi ngưng bích Hán tra.
Tảo vãn hồi diêu ông sự tể,
Cố viên tòng thử xướng qui ca.
Bài thơ Đề bức họa trong miếu thờ Quan Công: Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi kết nghĩa tại vườn Đào. Quế Hiên Viết:
Cùng nhau nâng chén kết nghĩa làm anh em giữa người khác họ. Tình là anh em, nhưng nghĩa là vua tôi. Chí khí thủy chung treo giữa trời xanh ngày ấy. Tâm địa can trường thấu đến quỷ thần. Thế cuộc chia ba như mây biến đổi đã từ lâu. Vườn đào tự ngàn xưa cảnh xuân trong tranh vẫn còn mãi. Tượng thờ trong đền vẫn còn đoàn tụ. Để người chiêm ngưỡng biết trọng đạo luân thường.
ĐỀ LƯU QUAN TRƯƠNG
KẾT NGHĨA TẠI VƯỜN ĐÀO
Khác họ cùng nâng chén kết thân,
Anh em tình kết nghĩa quân thần.
Thủy chung chí khí treo trời sáng,
Tâm chí can trường thấu quỷ thần.
Thế cục chia ba mây biến đổi.
Vườn đào nghìn thuở cảnh còn xuân.
Tượng thờ trong miếu còn đoàn tụ,
Chiêm ngưỡng người đời trọng đạo luân.
Nhất Uyên dịch thơ
Nguyên tác phiên âm Hán Việt
ĐỀ LƯU QUAN TRƯƠNG
ĐÀO VIÊN KẾT NGHĨA XỨ
Bôi tửu tương đề dị tính thân,
Tình vi huynh đệ nghĩa quân thần.
Thủy chung chí khí huyền thiên nhật,
Di hiểm can trường đối quỷ thần.
Trần cục tam phân văn cửu biến,
Đào viên thiên cổ cánh trường xuân.
Sùng từ di tượng do đoàn tụ,
Chiêm ngưỡng nhân tri trọng đạo luân.
Cụ Nguyễn Nghiêm năm 1775 làm Tả Tướng quân đem quân đánh chúa Nguyễn. Khi đến Hội An có làm bài thơ: Sự để Hội An phố, đề Quan Phu Tử miếu. Bài thơ Đề Lưu Quang Trương Đào Viên kết nghĩa xứ, họa lại nguyên vận bài thơ của cha.
Bài thơ viết ở Đoàn Thành, Lạng Sơn gửi bạn Đoàn Nguyễn Tuấn. Quế Hiên viết: Cuối thu cùng Đoàn Nguyễn Tuấn đàn hạc tới cửa ải. (Nơi đây sứ đoàn thông báo việc sứ đoàn cống sứ cho quan tướng giữ ải Nam Quan, sau đó về thành Lạng Sơn chờ đợi. Phía Trung Quốc, chọn ngày lành tháng tốt cắt cử một viên tướng tổ chức cuộc hành trình đi từ Nam Quang đến Bắc Kinh, và từ Bắc Kinh về lại Nam Quan. Mỗi địa phương cung cấp binh sĩ hộ tống, và tiếp rước, yến tiệc đãi sứ đoàn hằng ngày. Trong thành thì dành sẵn lữ quán, trên đường đi thì dựng lều trại để sứ đoàn và lính hộ vệ trú qua đêm. Canh gát cẩn thận để đồ cống phẩm không bị cướp bóc.) Đầu đông Nguyễn Nể cùng sứ đoàn qua cửa ải một mình. Tiếp nhau thơ rượu, nhớ càng thêm hận lòng. Vịnh núi sông xong mà đọc chẳng thành. Muôn dậm tình bạn theo bước tiễn chân. Từ đây một trời phong cảnh một mình ta ngâm vịnh, không có bạn tranh dề thơ cùng ta. Sánh đôi đêm trăng có bạn nâng sáo thổi. Bạn có nghĩ chăng giờ đây ta trên đường đất khách một mình.
BÀI THƠ VIẾT Ở ĐOÀN THÀNH (LẠNG SƠN)
GỬI BẠN THÂN ĐOÀN HẢI ÔNG
Đàn hạc cuối thu cùng đến ải,
Một mình cờ quạt, thành đầu đông.
Tiếp nhau thơ rượu càng thêm hận,
Vịnh núi sông xong đọc chẳng thành.
Muôn dậm tình thân theo bước tiễn,
Một trời phong cảnh có ai tranh.
Sánh đôi đêm nguyệt tiêu ai thổi,
Có nghĩ nên chăng, khách một mình.
Nhất Uyên dịch thơ
Nguyên tác phiên âm Hán Việt :
ĐỀ ĐOÀN THÀNH KÝ TÂM HỮU ĐOÀN HẢI ÔNG
Cầm hạc thu sao giai phó tắc,
Tinh mao đông mạnh độc lâm thành.
Tửu thi bồi xứ hoài hà hận,
Sơn thủy dư đề độc bất thành.
Vạn lý bộ vân tùy bộ viễn,
Nhất thiên phong cảnh phục thùy tranh.
Song song nguyệt dạ xuy tiêu khách,
Tằng phủ thê lương niệm lữ tình.
Cảnh Thành tròn ở Lạng Sơn. Trong thành hoang vắng cỏ mọc um tùm. Trên thành lau trắng lô nhô phơ phất. Vắt vẽo bên sông, phố Kỳ Lừa xa xa. Sừng sững trên núi một chòi tranh trơ trọi. Trăng treo trên am vắng, thanh tịnh như bức tranh vẽ. Mây phủ giếng tiên, tỉnh mịch như không. Ngắm cảnh bồi hồi trời đã xế chiều. Quạ rét khoắc khoải kêu trong dãy núi vắng.
TỨC CẢNH ĐOÀN THÀNH
Trong thành hoang vắng cỏ um xanh,
Cờ lau phơ phất trắng đầu thành.
Lư Phố xa xa sông vắt vẻo,
Chòi canh trơ trọi núi chênh vênh.
Trăng treo am đạo như tranh vẽ,
Mây phủ giếng tiên cảnh tịch không.
Ngắm cảnh bồi hồi, chiều đã xế,
Khoắc khoải quạ kêu vọng núi rừng.
Nhất Uyên dịch thơ
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
ĐOÀN THÀNH TỨC CẢNH
Thành trung hoang mịch thảo kinh vu,
Thành thượng sâm si phất bạch lô.
Cách ngạn hoành khai lư phố viễn,
Lăng phong trục lập thú câu lô.
Đạo am nguyệt quải thanh ư họa,
Tiên tỉnh vân phong tịch nguyệt vô.
Đối cảnh bồi hồi thiên hướng mộ,
Hàn nha táo cập vạn san u.
Bài Ký đồng hoài đệ, văn bản trường Viễn Đông Bác cổ chép: Ký đồng hoài đệ Thanh Hiên Tố Như Tử. Cái tựa này có điểm nghi vấn. Nguyễn Du viết cho anh Nguyễn Nể chỉ đề Ức Gia huynh, viết cho, viết cho em chỉ đề Ngô gia đệ cựu ca cơ. Anh em trong nhà Nguyễn Tiên Điền không gọi nhau bằng bút hiệu, việc chép hai danh hiệu cùng một lúc, tôi cho rằng do đời sau người chép văn bản cho Trường Viễn Đông Bác Cổ đã thêm vào, vì không ai viết như thế. Nguyễn Du bút hiệu Thanh Hiên rõ ràng trong tên Thanh Hiên thi tập, nhưng hai chữ tố như chỉ xuất hiện một lần duy nhất, trong bài Độc Tiểu Thanh Ký. Trong bài thơ tố như : tố là người phẩm hạnh cao quý, như là như thế như vậy. Ba trăm năm nữa ai khóc người (phụ nữ) phẩm hạnh cao quý như nàng Tiểu Thanh, phù hợp với ý nghĩa toàn bài thơ. Cắt nghĩa Tố Như là Nguyễn Du lại là lạc đề, vì sáu câu đầu nói về nàng Tiểu Thanh bổng dưng hai câu kết Nguyễn Du hỏi ai khóc mình. Cách cắt nghĩa tố như là người phẩm hạnh cao quý như nàng Tiểu Thanh phù hợp với thời điểm viết bài thơ nằm cuối Thanh Hiên Thi tập khoảng năm 1804, Nguyễn Du làm Tri phủ Thường Tín, vợ mất, Nguyễn Du có về thăm Cổ Nguyệt Đường thì Hồ Xuân Hương đang làm lẽ Tổng Cóc Nguyễn Công Hòa. Nguyễn Du viết bài thơ này gửi Xuân Hương, sau đó Xuân Hương dứt tình với Tổng Cóc trở về Tây Hồ và họa lại bài Độc Tiểu Thanh Ký bằng bài Chơi Tây Hồ Nhớ Bạn.
Bài gửi em trai Nguyễn Du, Quế Hiên viết: Tiệc rượu đàn nhớ buổi mùa thu trong sáng. Sau đó ruổi rong quan san ngàn dậm. Tấm lòng từ lâu thả theo thân thế nổi chìm. Tầm mắt mới vào thu cảnh núi sông bát ngát. Một năm tạm biệt chẳng là bao. Đôi nơi nhớ nhau hẵn không khác nhau. Hình bóng tuy xa nhưng tiếng cười nói gần. Hồn mộng đêm đen hướng về Quỳnh Châu.
GỬI EM TRAI (NGUYỄN DU)
Đàn ca tiệc rượu buổi đầu thu,
Vạn dậm quan san bước lãng du.
Thân thế nỗi chìm lòng phiêu đãng,
Non sông tầm mắt ngát trời thu.
Một năm tạm biệt là bao nhỉ ?
Hai ngã xa nhau chẳng khác nhau.
Hình bóng tuy xa cười nói vắng,
Đêm đêm hồn mộng nhớ Quỳnh Châu.
Nhất Uyên dịch thơ
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
KÝ ĐỒNG HOÀI Đệ
Thi đàn tửu tịch ký thanh thu,
Tùy hữu quan hà vạn lý du.
Thân thế phù trầm tâm nhẫn phóng,
Giang sơn không khoát nhãn sơ thu.
Nhất niên tiểu biệt ưng vô kỷ.
Lưỡng địa tương tư lượng bắt thù.
Hình ảnh tuy dao đàm tiếu cận.
Mộng hồn dạ dạ hướng Quỳnh Châu.
Bài Lạng Sơn tức cảnh Nguyễn Nể viết : Rừng rậm um tùm đường đá chênh vênh. Vó ngựa đi sứ dẫm đạp khắp miền núi khe. Đường theo mây lên liền với trời xa. Gió mang sương bay rất lạnh. Suối tuôn thác nước cuồn cuộn trắng xóa. Cây phủ đầu non, lô nhô xanh biếc. Thanh Liên cư sĩ (Lý Bạch) nếu qua nơi này. Chưa hẵn chỉ ngâm bài Thục Đạo Nan.
TỨC CẢNH LẠNG SƠN
Chênh vênh đường đá rừng sum xuê,
Ngựa hoa vượt suối lại qua khe.
Đường theo mây nổi bờ xa thẳm,
Sương lạnh bay bay gió lạnh về.
Suối cuộn thác tung bay trắng xóa,
Đầu non cây biếc nhấp nhô khoe.
Thanh Liên cư sĩ qua nới đó,
Thục Đạo Nan chưa hẵn đã nghe.
Nhất Uyên dịch thơ
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
LẠNG SƠN TỨC CẢNH
Lâm lộc âm sâm thạch kính ngoan,
Hoa yên đạp biến cốc khê gian.
Lộ tòng vãn thượng liên thiên vấn,
Phong đới sương phi đắc địa hàn.
Bạch cổn cổn lai truyền bạch thủy,
Bích đôi đôi khởi thụ hàm san.
Thanh Liên cư sĩ như kinh thử,
Vị tất đan ngâm Thục Đạo Nan.
Chú thích:
Thanh Liên cư sĩ tức thi hào Lý Bạch viết bài Thục Đạo Nan, đường qua xứ Thục nay là tỉnh Tứ Xuyên.
Bài Quỉ Môn Quan, Quế Hiên viết: Âm u trời đất lộ sát khí mênh mang. Ông già trong thôn bảo rằng đó là Quỉ Môn Quan. Mờ mịt sương lam che dấu nghìn ngọn núi. Nghẹn ngào tiếng suối lạnh cả môt dòng sông. Tre bắt cầu mới thông đường khách đi. Cây ôm miếu cổ trấn ngự nơi núi non. Nhờ ta luôn luôn giữ lòng trung tín nên không sợ chi hiểm trở. Tay áo thụng hứng gió mát khi đoàn sứ đi về.
QUA ẢI QUỶ MÔN
Âm u trời đất khí mênh mang,
Ông lão làng rằng: cửa Quỷ Môn.
Muôn ngọn núi mờ sương trắng biếc,
Một dòng suối lạnh nghẹn ngào than.
Bắc cầu tre mới thông đường khách,
Cổ miếu cây trùm trấn núi ngàn.
Trung tín tấm lòng khinh hiểm trở.
Khi về đường sứ áo thung thăng.
Nhất Uyên dịch thơ
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
QUÁ QUỶ MÔN QUAN
Âm ế đằng không sát khí man,
Thôn ông chỉ thị : Quỷ Môn Quan.
Mê mông lam sắc thiên nhai ẩn,
Ô yết tuyền thanh nhất phái hàn.
Trúc giá tân kiều thông khách kính,
Thụ hàm cổ miếu trấn quần sơn.
Trương ngô trung tín vô di hiểm,
Lưỡng tụ thanh phong nhậm khứ hoàn.
Bái Đêm nghỉ ở Mai Pha gửi người bạn già Lê Ái Sơn. Mai Pha ngày trước cùng bạn quất ngựa quay về. Bữa nay ở đất này một mình ta dừng ngựa xe. Xe mang cờ ngọc mở thông đường đi trong mùa hạ. Đến Bắc Kinh sẽ vào mùa đông, ta sẽ thử đem cái khí tiết cứng rắn mà dỡn với mùa đông giá lạnh.. Tay áo chứa tài thi ca sẽ thi thố tài năng như gấm vóc cùng theo ta. Nhưng đêm tối giấc mộng quan san qua núi rừng sẽ về quất quít bên bạn. Đêm nay tuyết rơi, muốn làm thơ, nhưng thơ không viết được. Bên song cửa mai, nghĩ đến bạn đang say ngủ giấc nồng.
ĐÊM NGHỈ Ở MAI PHA
ĐÁP NGƯỜI BẠN GIÀ LÊ ÁI SƠN
Mai Pha độ trước, ngựa quay về,
Nay đất người, riêng mình ngựa xe.
Cờ ngọc mở thông đường tháng hạ,
Thử đem khí tiết ngạo đông về.
Tay mang gấm vóc cùng ta đó,
Giấc mộng quan san nhớ bạn bè.
Đêm tuyết đòi thơ, thơ chẳng hứng,
Song mai nhớ bạn giấc nồng mê.
Bản dịch thơ Nhất Uyên
MAI PHA DẠ THỨ
KÝ LÃO HỮU LÊ ÁI SƠN
Mai Pha tiền độ cộng quy tiên,
Kim độ Mai Pha độc trú biền.
Dao ủng ngọc tinh thông hạ đạo,
Thí tương kính tiết ngạo đông thiên.
Tụ hoài cẩm tú tùy dư vãng,
Mộng đạt quan hà nhiễu tử biên.
Tuyết dạ sách ngâm thi tứ sáp,
Mai song tưởng thị cố nhân miên.
Bái thơ Ngẫu Thành viết sau năm 1791, tác giả trên 30 tuổi: Tuổi đời mới qua ngoài ba mươi. Đã trăm lần gập gẫy không thể nói hết. Bao độ dung thân chỉ bằng lưỡi bút (ra làm quan). Nửa đời sinh sống nhờ vào ruộng sách. Trong mộng được thua lòng bừng tỉnh trước. Trên đường danh lợi không tiến được lên. Tạo vật hậu đãi ta có đôi mắt ngạo mạn. Có lúc làm trai hiên ngang đứng giữa trời cao.(các bản dịch cũ dịch trai là trai giới, không đúng)
NGẪU NHIÊN THÀNH THƠ
Ba mươi tuổi đã sống trên đời,
Vấp ngã bao lần chẳng thốt lời.
Bút lưỡi dung thân bao độ sống,
Ruộng thư nuôi được nửa phần đời.
Trong mộng được thua bừng tỉnh trước,
Trên đường danh lợi chẳng lên thôi.
Tạo hóa phú cho mắt ngạo mạn,
Để lúc làm trai đứng giữa trời.
Bản dịch thơ Nhất Uyên
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
NGẪU THÀNH
Hành canh tam thập hữu dư niên,
Bách chiết thiên ma bất khả ngôn.
Kỷ độ độ thân duy bút thiệt,
Bán sinh sinh lý tạ thư điền.
Doanh thâu mộng lý tam tiên tỉnh,
Danh lợi đồ trung bộ bất tiền.
Tạo vật hậu ngô song tạo nhãn,
Hữu thì trai lập đối cao thiên.
Quế Hiên khi đi ngang qua sông Cầu, còn gọi là sông Nguyệt Đức, Hà Bắc, nơi đây cuối đời Trần, đời nhà Mạc và mùa đông năm trước đời Tây Sơn có trận kịch chiến. Ông viết: Một dãi sông nước cuồn cuộn chảy. Thắng bại của bao đời vẫn thấy trong tầm mắt. Bờ bến sương đọng mờ dấu tích xưa. Sông lạnh triều dâng trời nổi gió thu. Cơ trời đổi thay thật không nhất định. Đời người khi tươi khi héo chẳng giống gì nhau. Việc cũ đau lòng có sông trăng sáng tỏ. Khói sông mịt mù biết nơi đâu mà viếng người anh hùng.
CẢM XÚC KHI QUA SÔNG NGUYệT ĐỨC
Sông dài một dãi nước cuồn xuôi,
Thành bại nhìn xem đã mấy đời.
Sương đọng bên bờ mờ tích cũ,
Gió thu triều lạnh nước sông trôi.
Đổi thay tạo hóa xoay vô định,
Chẳng giống đời người héo với tươi.
Việc cũ đau lòng trăng nước tỏ,
Anh hùng , sương khói biết đâu nơi.
Bản dịch thơ Nhất Uyên
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
NGUYệT ĐỨC GIANG HỮU CẢM
Giang trường nhất đới thủy xung xung,
Lịch đại doanh thân vọng nhãn trung.
Cách ngạn sương ngưng mê cựu tích,
Hàn lưu trào trướng khởi thu phong.
Thiên cơ thương lỗ hồn vô định,
Nhân thế vinh khô tự bất đồng.
Vãng sự thương tâm giang nguyệt hiểu,
Yên ba hà xứ điếu anh hùng.
Bài Tịch Dương Sơn hành tức cảnh, một bài thơ tuyệt tác tả cảnh chiều tà trên đường núi : Vượt khe men đá lên non cao vút. Bao la trời đất phóng tầm mắt nhìn xa. Dòng nước chảy xiết nhuốm biếc suối lạnh. Làn mây che phủ tỏa trắng non xa. Bên lưng đèo, chú mục đồng rãnh rỗi ngủ trên cỏ rậm. Trên đường núi, gã tiều phu ra về quay ngược nắng ráng chiều.Cảnh gợi nhớ tình quê khó có thể nguôi. Gió trúc chào mời một tiếng khèn đưa.
TỨC CẢNH CHIỀU TÀ TRÊN ĐƯỜNG NÚI
Vịn đá vượt khe đến núi xa,
Nhìn trong tầm mắt trời bao la.
Suối trôi xiết chảy dòng khe biếc,
Mây phủ sương che trăng núi xa.
Mục đồng say ngủ, đèo rậm cỏ,
Tiều tử xuôi non ngược nắng tà.
Thao thức lòng quê khôn nỗi nhớ,
Một tiếng khèn đưa gió trúc ca.
Bản dịch thơ Nhất Uyên
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
TỊCH DƯƠNG SƠN HÀNH TỨC CẢNH
Việt khê sơn thạch thướng tha nga,
Không khoát càn khôn phóng nhãn xa.
Bích nhiễm hàn tuyền lưu thủy cấp,
Bạch hàm viễn tụ phiếm vân già.
Nham yên nhàn mục miên thâm thảo,
Sơn kính quy tiều bội vãn hà.
Hoán khởi hương trình nan khiển xứ,
Chiêu yêu phong trúc nhất thanh ca.
Bài Đêm nghỉ trạm Chi Nghĩa viếng quan Hiệp Trấn Lạng Sơn Tô Xuyên Hầu. Bài này làm lúc đi sứ về ngang qua Lạng Sơn ghé lại viếng thăm quan Hiệp Trấn: Nơi đâu thu trước tỏ tình tiễn biệt. Đông này nơi đây nhìn thấy cờ về. Trăng lạnh man mác soi dòng sông Tô Lịch. Mây dày ảm đạm phủ kín thành Lạng Sơn. Nỗi vui buồn nơi địa ngục thật mà như ảo. Sự hợp tan cõi trần gian mơ vẫn giật mình. Đất Thanh Trì vời vợi vợ con xa cách. Nơi đây chỉ có tiếng gió gào, suối nghẹn ngào mà không tiếng khóc.
ĐÊM NGHỈ TRẠM CHI NGHĨA
VIẾNG QUAN HIệP TRẤN TÔ XUYÊN HẦU
Thu trước nơi đây cảnh biệt ly,
Đông sang về lại bóng cờ bay.
Dòng Tô man mác trăng soi bóng,
Thành Lạng âm u che bóng mây.
Địa phủ vui buồn như ảo mộng,
Trần gian tan hợp giật mình nay.
Thanh trì xa cách con cùng vợ,
Suối nghẹn, gió gào chẳng khóc thay.
bản dịch thơ Nhất Uyên
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
TỊCH THỨ CHI NGHĨA DỊCH
VÃN LẠNG SƠN HIệP TRẤN TÔ XUYÊN HẦU
Thử địa thu tiền tố biệt tình,
Đông lai thử địa kiến quy tinh.
Thương mang hàn nguyệt lâm Tô thủy,
Ảm đạm thâm vân tỏa Lạng thành.
Diêm hải bi hoan chân diệt ảo,
Trần hoàn tụ tán mộng do kinh.
Thanh Trì địa quýnh thê nhi viễn,
Tuyền yết phong hào vô khốc thanh.
Trên đường đi sứ qua Đông Lỗ Trung Quốc, ngựa phi trong tuyết bay. Quế Hiên bỗng nhớ đến người bạn xưa là Vũ Trinh(1769-1828) hiệu Lan Khê,(còn danh hiệu khác là Lan Trì Ngư giả, Duy Chu, Nguyên Hanh, Lai Sơn) là bạn và cũng là em rễ, vợ là Nguyễn thị Diên em cùng cha cùng mẹ với Nguyễn Nể, đỗ Hương tiến năm 1786 lúc 17 tuổi, làm tri phủ Quốc Oai, ít lâu sau được vời về triều cùng Tham chính sự nội các với Nguyễn Nể, hai người từng đi câu cá vui thú với nhau. Hai bên tình bạn tương hợp. Nhưng rồi mười năm qua vận mệnh cách chia. Nguyễn Nể ra làm quan Tây Sơn, còn bạn vẫn ẩn dật lánh thân vùng Hồ Sơn (Hà Nam) dạy học và soạn sách, nên vận mệnh chia cách nhau. Đừng xét đến tướng mạo hình hài mà bảo rằng danh lợi ràng buộc. Có khi thời cơ đến với mỗi người. Nếu có ai hỏi tại sao bạn không ra làm quan Tây Sơn. Thì bạn giống như Bá Di, Thúc Tề không ăn thóc nhà Chu, chỉ tạm hái rau vi mà ăn.
ĐẾN ĐÔNG SƠN BỖNG NHỚ NGƯỜI CÂU CÁ Ở LAN KHÊ
Đông Lỗ xe đi trong tuyết mưa,
Nhớ người nhàn khách bạn câu xưa.
Hai bên tình bạn lòng tương hợp,
Vận mệnh mười năm cùng thông chia.
Thế sự hình hài sao xét được,
Thời cơ mà ngắm có khi vừa.
Thú Dương giờ có ai thăm hỏi,
Tạm hái rau vi, Di Tề thưa:
bản dịch thơ Nhất Uyên
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
THÚ ĐÔNG SƠN NGẪU ỨC LAN KHÊ NGƯ GIẢ
Đông Lỗ hành xa vũ tuyết phi,
Ngẫu hoài nhàn khách điếu ngư ky.
Nhị luận tình nghi tâm tương hợp,
Thập tải cùng thông mệnh mỗi vi.
Bất thẩm dịch tình đương thế sự,
Hà như thức mục kháng thời ky (cơ)
Thú Dương kim nhật vô nhân vấn,
Dã nhậm Di Tề thái tận vi.
Đồng Đăng có Phố Kỳ Lừa, Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh. Núi Tô Thị ngóng chồng ở Lạng Sơn là một danh thắng ngày xưa. Quế Hiên qua đây viết bài thơ: Gương nghĩa liệt vẫn còn truyền mãi danh chẳng xóa nhoà. Gửi dạ kiên trinh vào đá cứng cỏi. Gió rung màu sắc cỏ cây, mày núi như cau lại. Trắng chiếu ngấn sương trên mắt đá như sáng ngời. Hai câu này tả cảnh thật là tuyệt bút. Bóng nhạn trên mây như mang thư biên ải. Tiếng chim trong mưa như ngâm vần khuê các. Ướm hỏi ai bức gấm hồi văn. Cần bao nhiêu sợi tơ tằm mới dệt nên thành.
Đìển tích Chức cẩm hồi văn: đệt bài văn lộn quanh trên gấm. Tô Huệ vợ Vương Thao chồng phải đi lính thú xa. Nàng còn nhỏ nhớ chồng, không biết làm sao, bèn làm bản hồi văn lời lâm ly thống thiết, dệt trên gấm, đem dâng vua, xin cho chồng nàng về với nàng. Vua thương tài cho chồng nàng về, vợ chồng sum họp.(bài Chức Cẩm Hồi Văn của Tô Huệ, Hàng Quang dịch, có chép trong Diên Hương. Thành Ngữ Điển tích. Zieleks . Cali. 1981 t r 75)
VỊNH NÚI TÔ THỊ NGÓNG CHỒNG
Muôn thuở lưu truyền nghĩa liệt danh,
Hồn trinh gửi dạ đá kiên trinh.
Gió rung cỏ biếc chau mày núi,
Trăng chiếu sương trong mắt sáng trưng.
Bóng nhạn mang thư mây biên ải,
Tiếng chim mưa ngậm khúc khuê phòng.
Cậy ai bức gấm hồi văn đó,
Bao sợi tơ kia mới dệt thành.
Bản dịch thơ Nhất Uyên
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
VỊNH TÔ THỊ VỌNG PHU
Nghĩa liệt trường lưu bất hủ danh,
Nham nham kính cốt ký cô trinh.
Phong dao thảo sắc sơn mi tỏa,
Nguyệt ánh sơn ngân thạnh nhãn minh.
Nhạn đới biên khu vân ngoại ảnh,
Cám ngâm khuê vận vũ trung thanh.
Tá thùy thứ oán hồi văn cẩm,
Đa thiểu tang thi chức đắc thành.
Nghe được lệnh đi sứ phương bắc, viết thơ gửi các bạn trong kinh đô, bài thơ viết năm 1795 khi làm Hành Khánh sứ sang dự lễ truyền ngôi vua Càn Long cho vua Gia Khánh. Bạn tại kinh đô Phú Xuân của Nguyẽn Nể thời bấy giờ có Ninh Tốn, Đoàn Nguyễn Tuấn, Phan Huy Ích, Ngô Thời Nhậm, Vũ Huy Tấn.. Nhiều người đã họa lại bài thơ này : Tấm thân bèo rác mang danh tiếng hão. Lạm được ân vinh vượt quá phận mình. Chốn Hàn Lâm được đến nhanh làm rung động nếp cũ nhà xưa. Xe sứ giờ sớm thắng ngựa, thử cuộc hành trình mới. Cung dâu tên nỏ tự mình có chí nam nhi. Mây tối, cây xuân không thể thiếu tình bằng hữu. Ngoãnh trông non nước vùng sao Dực, sao Chẩn. Các sao phương Nam vùng nước Nam. Thấy các sao văn rạng ngời quanh điện tía. Các bạn Nguyễn Nể: như Phan Huy Ích, Ngô Thời Nhiệm, Ninh Tốn, Vũ Huy Tấn, Đoàn Nguyễn Tuấn.. những tài năng văn chương đương thời đều ra làm quan Tây Sơn)
NGHE ĐƯỢC LệNH ĐI SỨ PHƯƠNG BẮC
VIẾT THƯ GỬI CÁC BẠN TRONG KINH ĐÔ
Phận bèo thân rác tiếng phù danh,
Ân sũng ban ơn quá phận mình.
Rạng nếp nhà xưa kim mã đến,
Sứ thần ngựa thắng, hoàng hoa trình.
Cung dâu tên nỏ nam nhi chí,
Mây tối cây xuân chẳng thiếu tình.
Ngoãnh mặt nước non sao Dực, Chẩn,
Ngời quanh điện tía rạng sao văn.
Bản dịch thơ Nhất Uyên
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
VĂN MệNH BẮC SỨ
LƯU GIẢN KINH TRUNG CHƯ HỮU
Bình trung ngạnh tính đới phù danh,
Quan cách thao thừa phận ngoại vinh.
Kim mã sâu thiên quang cựu khoán,
Hoa biền tảo giá thí tân trình.
Tang bồng tự hữu nam nhi chí,
Văn thụ năng vô cố hữu tình.
Dật Chẩn ngô phong tần cố miện,
Tỏ thần hoàn củng huyên văn tinh.
Bài Ngẫu hứng làm thơ đêm xuân viết tại lữ quán ở Bắc Kinh đêm xuân năm 1796: Khí lạnh thấm áo mỏng đêm không ngủ được. Cảnh vật, tình người càng thêm buồn bã. Bồi hồi nơi Yên Quán canh ba đêm trăng; Tưởng nhớ đến núi Hồng cách xa vạn dậm. Tuyết đọng nửa thềm lạnh giường đá. Gió thổi quanh nhà xuyên qua cửa giấy. Có dự tính về bữa tiệc vui ngày trở về quê hương, vào lúc sen nở giữa mùa hạ cưỡi ngựa quay về.
NGẪU HỨNG NGÂM THƠ ĐÊM XUÂN
Khí hàn thấm áo ngủ không yên,
Cảnh vật tình xa nghĩ thấy buồn.
Bồi hồi Yên Quán ba canh thức.
Tưởng nhớ Hồng Sơn vạn dậm trông.
Tuyết đọng giường hàn, thềm đá lạnh,
Gió qua cửa giấy bốn bề xuyên.
Quê hương dự tính ngày vui tiệc,
Quay ngựa giữa mùa sen ngát hương.
Bản dịch thơ Nhất Uyên
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
XUÂN DẠ NGẪU NGÂM
Hàn khí xâm cầu dạ bất miên,
Hàm tình phụ cảnh bội thê nhiên.
Bồi hồi Yên Quán tam canh nguyệt,
Tưởng tượng Hồng Sơn vạn lý thiên.
Tuyết tích bán giai chuyên thấp lãnh,
Phong xuy tứ hạ chỉ song xuyên.
Cố hương dự mỹ hoan ngu tịch,
Trung hạ liên khai sách mã tuyền.
Paris 25-7-2016
PHẠM TRỌNG CHÁNH