|
Viết về tác giả & tác phẩmHà Thượng Nhân Nhà Thơ Lớn Của Việt Nam Nguyễn Liệu * đăng lúc 07:07:59 PM, Jun 04, 2020 * Số lần xem: 47718
#1 |
Nguyễn Liệu * đăng lúc 06:31:43 PM, Jun 04, 2020 * Số lần xem: 17686
Tại tòa soạn báo Sống, năm 1960, anh Chu Tử giới thiệu :
“ Anh Hà thượng Nhân, đây, anh Nguyễn Liệu Quảng Ngãi.”
Tôi vụt đứng dậy đầy sự kính trọng, ngạc nhiên :
“ Kính chào ông, tôi được biết quí danh trên thi đàn”
Chỗ anh em mà, tôi có nghe anh Chu Tử nói nhiều về anh. Từ đó chúng tôi gọi nhau là anh em. Hà thượng Nhân hơn tôi 12 tuổi, tuổi ông anh cả của tôi. Dáng người cao to, nước da hau hau đỏ, trông rất khỏe mạnh. Năm ấy anh cấp bậc trung tá hình như chủ nhiệm tờ báo quân đội, tờ Tiền Tuyến. Trong lúc nói đủ thứ chuyện, tôi nói : Chánh quyền miền Nam lâu nay nổi tiếng dùng người trật lất, theo tôi chỉ có dùng anh Hà thượng Nhân chủ nhiệm tờ báo Tiền Tuyến là trúng nhất, chính anh đã làm cho tờ báo tươi trẻ, giá trị lên cao.”
Trước đó tôi đã bái phục thi sĩ Hà Thượng Nhân ở mục “ Đàn ngang cung” trong nhật báo Tự Do của giáo sư Phạm việt Tuyền.
Mỗi buổi sáng chúng tôi chụp lấy tờ Tự Do trước hết xem bài thơ trong Đàn ngang cung của anh. Kinh khủng thật, mỗi ngày một bài thơ châm biếm đả kích một cách tế nhị có khi khá kín đáo.
Trong bài này tôi sẽ trình bày ba mục :
*Con người Hà thượng Nhân
*Thơ Hà thượng Nhân
*Ý thức chánh trị của Hà thượng Nhân
Hà Thượng Nhân sinh năm 1920, tên thật là Phạm xuân Ninh. Quê ở làng Hà Thượng quận Hậu Lộc tỉnh Thanh Hóa.
Theo nhà văn Chu Tử cho tôi biết, Hà Thượng Nhân rất thông minh, trí nhớ rất tốt, nên anh thuộc thơ rất nhiều, nhất là thơ cổ Trung hoa và thơ Pháp. Có vốn tiếng Pháp vào loại khá và chữ Nho cũng vào loại khá nên tạo cho Hà Thượng Nhân sự hiểu biết về Đông Tây một cách sâu sắc. Cũng theo Chu Tử, họ Hà rất xem nhẹ công danh nên đã bỏ qua những dịp tốt để tham gia chánh quyền nhất là khi cụ Ngô đình Diệm chấp chính. Qua nhiều lần nói chuyện tâm tình với Hà thượng Nhân tôi thấy lời nhận xét của Chu Tử rất chính xác.
Ban đầu tôi nghe bút hiệu Hà thượng Nhân hơi khó chịu, cứ nghĩ rằng con người này có vẻ tự hào cao ngạo, nhưng sau khi biết lấy tên làng làm bút hiệu, nên tôi xua đuổi hình ảnh sai lầm về người thi sĩ đáng quí này.
Chẳng những không cần địa vị trong xã hội, Hà thượng Nhân cũng không cần danh trong văn thi đàn. Anh tâm sự với tôi : “ Tôi con nhà có điều kiện nên đi học thế thôi, và tôi cũng không mê bằng cấp nên tôi không tiếp tục ra Hà nội học. Thật sự tôi thích sống cuộc sống giản dị ở nhà quê thanh bình, làm thơ, vui cảnh sông núi thiên nhiên, không thích cảnh phồn hoa đô thị. Đi lính với tôi là một bổn phận công dân thời chiến tranh thế thôi. Nhìn lại chúng ta thấy điều đó. Làm hàng ngàn hàng vạn bài thơ nhưng có bao giờ thi sĩ cho in tập thơ, anh chỉ đăng trong các báo mà thôi. Khi anh làm chủ nhiệm tờ Tiền Tuyến anh có nhiều điều kiện in tập thơ, nhưng anh không in. Sau này lúc sang Hoa Kỳ có dịp trong bữa cơm thân mật ở nhà tôi có anh em Thi văn Cội nguồn, có thi sĩ Võ Thạnh Văn, có nhà báo Thanh thương Hoàng tôi đề nghị cho in tất cả những bài thơ của anh, việc này không khó khăn ở đây, nhưng anh một mực chối từ. Tánh khiêm tốn, không bon chen danh vọng trên cuộc đời, kể cả danh vọng trên văn thi đàn là danh vọng chính đáng, anh cũng không cần, đó là một đặc tính của Hà thượng Nhân.
Một đặc tính nữa của Hà thượng Nhân, anh biết rành rọt các nhân vật có tên tuổi về văn học về chính trị thời 1940 trở về sau. Tôi là người thường “ khai thác” Hà thượng Nhân ở điểm này. Mỗi khi hỏi về người nào anh cho biết một cách chi tiết rành mạch về con người đó, những điểm đặc biệt về nhân vật đó. Nhờ vậy tôi biết nhiều về Phạm Quỳnh, Nguyễn tiến Lãng, biết về văn hào Nhất Linh và nhóm Tự Lực, về Trương Tửu Nguyễn bách Khoa, về Đặng thái Mai về Hồ Dzếnh về ....Rất nhiều, mỗi khi hỏi nhân vật Bắc Hà là lập tức anh cho biết một cách tường tận. Tôi có thể nói anh là cuốn “ tự điển sống”
Một điều đặc biệt nữa, Hà thượng Nhân xuất khẩu thành thi.
Nói đến làm thơ nhanh người đời thường nhắc đến Tào Thực (192-232 ), em của Tào Phi, con của Tào Tháo. Chuyện rằng Tào Tháo xây xong Đồng Tước đài làm lễ khánh thành bảo các con làm thơ về ngôi đài này. Năm ấy Tào Thực mới 10 tuổi, viết bài phú “ Đồng Tước phú” Tào Tháo đọc bài phú của đứa con 10 tuổi vô cùng khen ngợi tài văn chương của con, đồng thời lo ngại cho con sau này vì trong bài phú có ý cao ngạo sẽ vượt cha sau này. Tào Phi lên ngôi vua. Tào Thực bất mãn. Tào Phi xử chém Tào Thực. Người mẹ khóc xin tha cho Tào Thực. Tào Phi vâng theo lời mẹ, nhưng bắt Tào Thực trình diện và bảo “ Đi 7 bước phải làm một bài thơ (thất bộ thành thi), thì mới được tha tội chết” Tào Phi ra đề bài thơ “Huynh đệ”.
Đi đúng 7 bước Tào Thực đọc :
Chử đậu trì tác canh
Lộc thị dĩ vi trấp
Cơ tại phủ bá nhiên
Đậu tại phủ trung khấp
Bản tự đồng căn sinh
Tương tiễn hà thái cấp
“Nấu đậu để làm canh
Hạt bỏ vào nồi nấu
Cành ở dưới mà đun
Đậu ở trong nồi khóc
Sinh ra từ một gốc
Sao nở đốt thiêu nhau.
Tào Phi nghe buồn buồn muốn khóc liền tha chết cho Tào Thực. Câu chuyện “thất bộ thành thi” của Tào Thực nghe lý thú thật, nhưng chuyện xưa quá không biết hư thật như thế nào, nhưng chuyện làm thơ nhanh, chuyện xuất khẩu thành thi của Hà thượng Nhân, thì rất nhiều người hiện nay biết điều đó. Và chính thi nhân cũng xác nhận điều đó :
Hà Thượng Nhân kể cho tôi và một số anh em nghe chuyện anh viết hàng ngàn câu thơ chỉ trong vài giờ đồng hồ. Gần ngày Giáng sinh khi ở Mỹ, Hà thượng Nhân nhận nhiều thiệp chúc mừng Giáng sinh của bạn bè của người thân. Hà phu nhân cấp tốc đi mua thiệp để gửi chúc mừng phúc đáp lại, nhưng cận ngày qúa rồi gửi không kịp. Thi sĩ cười bảo vợ “ Bà đem giấy bút ra bàn đây cho tui và đem số thiệp nhận được ra đây để tôi viết mỗi người ít câu thơ chúc mừng họ rồi khi nào gửi cũng được.”
Nhấp ly rượu nho Napa anh viết liên tục cho từng người mỗi người một nội dung khác nhau và mỗi người trên dưới hăm lăm câu. Anh cười nói với chúng tôi :
“Suốt hai tiếng đồng hồ buổi sáng đó tôi viết trên dưới hai ngàn câu thơ”
Tại hạ chắp hai tay bái phục ! bái phục ! Suốt đời tại hạ không viết nổi một câu thơ thế mà Hà tiên sinh viết một hơi hai nghìn câu trong 120 phút ! Tại hạ nghĩ rằng cho đến Tào Thực cho đến Lamartine nổi tiếng là viết nhanh viết nhiều cũng phải bái phục thi bá Hà chưởng môn.
Còn nữa, tôi thường tổ chức những bữa tiệc “ Rượu thơ” mời những anh em thi sĩ quen biết đến dự, cố nhiên Hà chưởng môn làm chủ tọa các bữa tiệc đó. Đặc biệt những bữa “uống rượu dưới dàn hoa tím”, nhất là đêm đón tiếp nhà văn lão thành Thinh Quang tại nhà tôi mà tôi gọi là “ Đêm Tắm rượu”. Đêm ấy trên bốn chục anh chị em văn thi sĩ uống rượu một cách sảng khoái. Thi sĩ Hà thượng Nhân bảo đem giấy bút ra và ghi tên các người hiện diện để thi sĩ viết một bài thơ mỗi người hai câu. Hà thượng Nhân đúng là người nói thành thơ, viết thành thơ. Tôi có cảm tưởng “ cơ thể của anh làm bằng chất thơ”.
Tôi xin kể lại những kỷ niệm nho nhỏ với thi sĩ họ Hà mà tôi chưa quên.
Trung tá Phạm xuân Ninh bút hiệu Hà thượng Nhân làm trưởng ban chấm giải thơ của tổng thống Nguyễn văn Thiệu, (đầu thập kỷ 70). Anh kể lại, suốt ba tháng trời đọc hàng mấy chục tập thơ rồi loại dần loại dần. Năm vị trong ban giám khảo mà Hà chưởng môn là trưởng ban, gặp khó khăn khi còn 5 tập chót, và nhất là còn hai tập chót. Anh nói với tôi và Chu Tử :
“ Nếu tập hai mà bằng tập 1 của Tạ Ký, hoặc kém chút ít, tôi cũng có thể làm cho “ lui” ( hắn ) vừa lòng, đằng này nó tệ quá so với tập 1, tập “Sầu ở lại” của Tạ Ký nên cả 5 anh em trong ban giám khảo đồng ý quyết định làm biên bản kết thúc cuộc thi, và tập thơ của Tạ Ký đứng nhất. Chúng tôi cấp tốc gửi biên bản vào phủ tổng thống để cho bọn nó hết chạy thuốc chữa hết quấy rầy tôi. Tôi ngắt lời :
“ Trong nhà binh anh là trung tá không sợ các anh tướng ảnh trù ẻo à ?”
Chu Tử trả lời : “ Anh Ninh cọp ảnh đ. sợ, năm 52 (1952) ảnh cãi với thằng chó gì làm liên khu trưởng liên khu Bốn, rồi anh bỏ về thành, về Hà nội.”
Chợ Đũi. ..... “ Thà bắt chước ta ngồi chợ Đũi. Uống năm ba chén cho qua ngày. Không tiền kêu chủ ra ghi sổ. Thằng nào trả hộ lại càng hay..( thơ Tạ Ký ). Sau khi chấm thi thơ Hà Thượng Nhân mới nhận ra thiên tài thơ của Tạ Ký, và từ đó ít nhất mỗi tuần vài lần ban đêm ghé chợ Đũi uống rượu với Tạ Ký, uống với chúng tôi. Vào những năm 70 anh vừa trên 50 sức còn đang độ khỏe. Chúng tôi dưới 40 nhưng uống không bằng anh. Có hai lần uống với anh tôi không bao giờ quên được. Chu Tử, anh, Tạ Ký và tôi uống tới gần mười hai giờ khuya. Tôi say quá không còn biết gì nữa. Tôi đứng dậy bước ra đại ngoài lộ. Xe hơi thắng gấp sợ đạp người chết, tôi liền kéo cửa một chiếc taxi leo vào, xe chạy.
Ba người còn trong quán mừng vì tôi thoát khỏi tai nạn xe chen chúc trên lộ, nhưng lại lo cho tôi không biết tôi có nhớ đường về nhà ? Tôi cũng không hiểu tại sao tối đó tôi về được nhà ông anh tôi cách 45 phút xe. Tôi vào nhà, mệt quá nhưng vẫn cố gắng ngồi với ông anh đang chờ tôi về uống với anh. Một lúc sau có tiếng gõ cửa, thì ra Hà Thượng Nhân, Chu Tử, Tạ Ký tìm đến nhà anh tôi để xem thử tôi có về hay lạc trong thành phố ban đêm. Cử chỉ đó, hình ảnh đó làm cho tôi quí mến ba người bạn đàn anh ưu ái đến tôi.
Đoạn trường Vô Thanh. Khi nhà thơ Phạm Thiên Thư cho ra cuốn “ Đoạn Trường Vô Thanh”, được độc giả hoan nghênh, báo chí ca tụng thiên tài tác giả Động Hoa Vàng.
Cũng một buổi tối tại chợ Đũi, Tạ Ký, Chu tử, Hà Thượng Nhân và tôi uống rượu bàn đến cuốn Đoạn trường Vô Thanh. Tạ Ký và Hà thượng Nhân một phe, khen ngợi cuốn tiểu thuyết thơ xuất sắc này. Tôi hoàn toàn chống lại. Chu Tử làm trọng tài, chỉ cười không ý kiến. Uống nhiều quá, men rượu bừng bừng trong người, tôi loạng choạng có khi không biết mình nói cái gì. Theo tôi, viết với cái đề sách Đoạn trường vô thanh là xúc phạm đến nhà thơ vĩ đại của Việt Nam, Nguyễn Du. Tại sao lại viết nối tiếp truyện Kiều, tại sao phải vin vào truyện Kiều để dựa vào đó tạo nên danh tiếng, thế là một sự xúc phạm một nhà thơ vô cùng kính trọng của dân tộc Việt Nam. Tạ Ký và Hà thượng Nhân bài bác ý “ chủ quan hẹp hòi phản nghệ thuật của tôi”. Chúng tôi cải với nhau dữ dội. Và tôi bướng bỉnh không chịu nhượng bộ hai nhà thơ có đủ tư cách phê phán một tập thơ hơn tôi.
Sáng hôm sau trên tờ Sống, Chu tử thả trong “ Ao thả vịt” với tiêu đề : “ Hà thượng Nhân Nguyễn Liệu suýt huýnh lộn ở chợ Đũi vì Đoạn Trường Vô Thanh” rồi với giọng hài hước anh thuật lại chuyện vừa xảy ra khi đêm.
“ Ao thả vịt” là mục báo ăn khách nhất của Chu Tử. Rất nhiều người thích đọc đoạn văn hài hước châm biến kín hở một cách duyên dáng tài tình của Chu tử. Sáng ngày hôm sau đọc mục “ Ao thả vịt” tôi lạnh người, cấp tốc đi gặp Chu Tử : “ Anh viết như thế chết tôi rồi, Sài gòn thì không sao, chứ ngoài quê tôi đọc mục Ao thả vịt sáng nay thì họ quan niệm tôi uống rượu bê tha cải lộn đánh lộn thì bỏ mẹ tôi” Chu Tử cười khà khà : “ Anh mà sợ cái đ. gì !”. Tôi gặp anh Hà thượng Nhân để xin lỗi vì say quá nên có thể vô lễ với anh. Hà thượng Nhân cười bảo ; “ Tôi thích những người thẳng thắn và bàn cải quyết liệt không khoan nhượng như anh.”
2. Thơ của Hà Thượng Nhân.
Theo tôi có lẽ thi sĩ Hà thượng Nhân là người làm thơ nhiều nhất. Từ 14 tuổi anh đã biết làm thơ. Trước 1945 anh bắt đầu làm thơ. Trong kháng chiến anh làm thơ nhiều. Thời quốc gia ở miền Nam anh làm thơ rất nhiều, riêng tờ nhật báo Tư Do mỗi ngày đăng thơ anh một bài. Anh có hai ba bút hiệu và cùng một lúc viết cho ba bốn tờ báo. Trong tù anh làm thơ, anh viết một bài trường thiên tự so sánh cuộc đời trong tù của mình với nỗi buồn của Bạch Cư Dị khi bị đi đày làm Tư mã Giang Châu. Ra tù, sống ở Mỹ anh làm thơ đến hiện nay trên 90 tuổi nằm một chỗ .....vẫn làm thơ.!
Hà Thượng Nhân làm đủ loại thơ, lúc còn rất trẻ anh đã chuyên Đường Thi.
Người ta bảo khi vào Huế trong một cuộc chơi thơ, anh có ứng khẩu một bài thơ vịnh “ trăng thu” đươc cụ Ưng Bình chấm là hay nhất và khen:
"Trăm mặt thẹn thua chàng tuổi trẻ
"Một bài cũng đủ gọi Thi-ông."
Đặc tính thơ của Hà Thượng Nhân là rất giản dị, dễ hiểu, không cầu kỳ gọt đẽo, không khoa trương màu sắc triết lý, siêu thực. Vì lời giản dị nên thơ của anh được đại đa số dân chúng ham thích.
Người ta lên mặt trăng
Mặt trăng gần quá nhỉ!
Anh muốn về Sài Gòn
Sài Gòn xa đến thế!
Sài Gòn xa hơn trăng
trăng đêm đêm vẫn thấy
Lòng Anh, em thấu chăng
Thấm trên từng trang giấy.
(Nhìn Trăng)
Những câu thơ giản dị trên như lời nói của người thường không cầu kỳ khó hiểu, nhưng rất thơ rất độc đáo.
Điểm này có lẽ anh cùng quan điểm với Bạch Cư Dị “ văn chương hợp vi thời nhi trước, thi ca hợp vi sự nhi tác”. Bởi vậy bất cứ thành phần nào trong xã hội khi đọc thơ anh đều bị cuốn hút theo ý thơ giản dị thực tế của anh. Thơ anh nói nhiều về thời thế, về người đời, và về đời người, với một quan niệm tích cực. Bởi vậy mục “đàn ngang cung” của anh nói về con người nhất là mặt trái của con người và của thời cuộc.
Những đặc điểm trên hiện ra rất rõ nét khi chúng ta đọc bài thơ trường thiên “Đời không đáng buồn” anh viết trong thời gian trong tù. Hà thượng Nhân so sánh nỗi buồn đến thê lương của đại thi hào Bạch Cư Dị đời Đường bên Trung Hoa lúc nhà thơ bị thất sủng phải chịu cảnh đi đày ở Giang châu, bài Tỳ bà hành. Tỳ bà hành, một kiệt tác của Bạch Cư Dị đã làm cho nhiều thi nhân phải than khóc chia xẻ nỗi đau buồn của một danh sĩ khi sa cơ thất thế với người kỹ nữ tài hoa về buổi xế chiều của đời người.
Bạch Cư Dị đi đến Tầm Dương đất trích, Hà thượng Nhân vào cảnh lao lý ngục tù.
Đời không đáng buồn
Năm 1983 ra tù tôi tìm đến thăm Hà thượng Nhân. Tôi hỏi anh :
“ Những năm tháng tù anh viết nhiều thơ ?”
- “Có viết, nhưng như anh biết có chép được đâu chỉ làm rồi đọc thuôc lòng, sẵn đây tôi đọc cho anh nghe” Rồi anh kéo một hơi thuốc lào bằng chiếc điếu cày, anh đọc một hồi lâu. Thật sự tôi cũng không quan tâm lắm vì lúc đó tôi vẫn còn hồi họp lo sợ vì tôi xem như đang trốn ở Sài gòn và chưa biết ở đâu, sống như thế nào. Những ngày sau đó tôi cùng giáo sư Cam duy Lễ làm buổi tưởng niệm thi sĩ Tạ Ký, cả ba chúng tôi là bạn thân và thường xuyên uống rượu ở chợ Đũi. Buổi tưởng niệm tại nhà Cam Duy Lễ có Hà thượng Nhân dự. Trong buổi tưởng niệm âm thầm này Hà thượng Nhân đọc cho chúng tôi nghe thơ làm trong tù. Mãi đến sau năm 1990 tôi gặp Hà thượng Nhân ở Mỹ tôi mới biết được những đoạn thơ trong tù đó là bài trường thiên có tên “ Đời không đáng buồn”
Đọc suốt 11 đoạn 426 câu “ Đời không đáng buồn”của nhà thơ Hà Thượng Nhân chúng ta thấy rõ tâm trạng của tác giả muốn gửi gấm nỗi lòng của mình trong bản trường ca này. Hà thượng Nhân đã sống nhiều, trải qua các thời đại, các chế độ, và suốt ba cuộc chiến tranh lớn là đệ I I thế chiến, và cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp, cuộc chiến tranh chống cộng sản. Tác giả ( tôi muốn nói Hà thượng Nhân ) không phải là người đứng ngoài lề cuộc đời, người quan sát, người ngoại cuộc, mà là người xìa vai vào thời cuộc gánh vác công việc quốc sự. Tác giả đã nhiều phen quyết “ đem hết sở tồn làm sở dụng” của một kẻ sĩ, của một bậc quân tử thời trước.
Chánh quyền quốc gia miền Nam Việt Nam thua cuộc, cùng với số phận của những người trực tiếp chiến đấu để bảo vệ miền Nam phải chịu cảnh đoạ đày tàn ác, man rợ của chánh quyền cộng sản. Nỗi đoạn trường nỗi đau khổ, tác giả đã gói trọn trong 426 câu thơ. Trong đó tác giả so sánh với nỗi đau buồn của nhà thơ lớn đời Đường, Bạch Cư Dị khi bị đi đày làm Tư mã Giang Châu.
Bạch Cư Dị (772-846 ) nhà thơ đời Đường. Làm quan lớn trong triều đình nhưng vì tánh cương trực thẳng thắn, bị nhiều quan trong triều dèm pha ganh tị, nên ông phải bị đi đày làm tư mã đất Giang Châu. Nơi Tầm Dương đất trích, Bạch Cư Dị sống trong cảnh u buồn xa vắng. Buồn vì không được nhà vua trọng dụng, buồn vì thói đời nhất là trong chốn triều đình người lương thiện thẳng thắn không đất đứng, lại thêm cảnh sông núi tuy có đẹp có hùng vĩ thật, nhưng hoang vắng thê lương. Thế rồi trong canh khuya , nhân tiễn khách ra về trên chiếc thuyền con, thi sĩ bắt gặp tiếng đàn như khóc như than của người ca kỹ trong tuổi xế chiều. Thương xót tâm trạng u buồn của người ca kỹ đó, thêm vào tâm trạng u hoài của mình Bạch Cư Dị viết nên bản trường ca “ Tỳ bà hành”, một kiệt tác của nhân loại.
Rồi từ đó, và mãi mãi sau này, nhiều nhà thơ chia xẻ nỗi buồn thấm thía của Tỳ bà hành. Nhà thơ cổ đa tình Chu mạnh Trinh thương mến Thúy Kiều liên tưởng đến người ca kỹ bến Tầm Dương :
“ Than ôi một bước phong trần mấy phen chìm nổi. Trời tình mờ mịt, bể giận mênh mông. Sợi tơ mành theo gió đưa đi. Cánh hoa rụng chọn gì đất sạch. Ai dư nước mắt khóc người đời xưa. Thế mà giống đa tình luống những sầu chung. Hạt lệ Tầm Dương chan chứa....”
Rồi tiếp nối theo :
“ Thuyền buộc sông mưa
Ngựa dừng trăng khuyết
Tình nhân thế chua cay người lịch duyệt
Niềm giang hồ tan tác lệ Giang Châu...
Hoặc :
Cô đơn men đắng sầu trăng biến
Đất trích Tầm dương quặn tiễn đưa
(Vũ hoàng Chương)
Rồi nhà thơ tài hoa Xuân Diệu :
“ ...Rồi khi khúc nhạc đã ngừng im
Hãy vẫn ngừng hơi nghe trái tim
Còn cứ run hoài như chiếc lá
Sau khi trận gió đã im lìm
Vì là thi nhân, cũng vốn nòi tình, Hà Thượng Nhân chia xẻ nỗi niềm của Bạch Cư Dị với người ca kỹ già ở bến Tầm Dương. Nhất là lúc sa vào vòng lao lý, Hà thi nhân thấy mình gần gũi với nhà thơ Tỳ bà hành và Trường hận ca. Bỗng dưng Hà thượng Nhân so sánh cuộc đời khổ ải đau buồn của mình với cuộc đời của nhà thơ lớn đời thịnh Đường của Bạch Cư Dị. Cảm nỗi khổ đau của Bạch Cư Dị, và còn hơn nữa, cảm nỗi buồn cho số kiếp đáng thương của người kỹ nữ về già, và còn hơn nữa, .... Dù trong cảnh tù đàykhổ aỉ khắc nghiệt nhất, Hà Thượng Nhân viết nên khúc trường thi trên 400 câu. Và tôi xin được trình bày dưới đây.
Đoạn 1. Có 40 câu.
Tác giả đi ngay vào đề, tuy Bạch Cư Dị có niềm đau buồn thật, nỗi buồn người kỹ nữ có da diết đáng thương thật, và cộng hai nỗi buồn hòa hợp đó thành bản trường ca bi ai làm cho người đời sau còn nhỏ lệ còn xót xa chia xẻ và luôn luôn là những cảm hứng của thi nhân muôn thuở. Nhưng nếu đem so với nỗi khổ đau chua xót của tác giả trong cảnh tù đày khắc nghiệt thì có có thấm vào đâu. Bởi vì thật sự nếu Bạch Cư Dị từ quan về vườn thì cuộc đời có hoàn toàn tự do của một con người. Còn tác giả, Hà Thượng Nhân, dù ước mơ đơn giản được gần gủi vợ con, sống cuộc sống giản dị nhất ở thôn dã, không nghĩ đến công danh sự nghiệp,... cũng không thể được, vì phải chịu cuộc đời tù tội trong bốn bức tường chật hẹp, chịu một cuộc sống đày đọa khổ cực thấp kém dưới mức sống của con người, ngang mức sống của thú vật. Tác giả đã từng suốt đêm đọc Tỳ bà Hành để chia xẻ giọt nước mắt Tầm Dương của Bạch Cư Dị , nhưng rồi đây trong thế giới văn minh đại đồng sau này có ai nghĩ đến cuộc đời đau khổ khôn cùng của tác giả ?
Bạch Cư Dị ngày xưa đất Trích,
Bến Tầm Dương cùng tịch nghe đàn.
Bao nhiêu nỗi thở, niềm than,
Tiếng Tỳ vừa dứt chứa chan mạch sầu !
Thơ để lại ngàn sau tri kỷ,
Nỗi đoạn trường nào chỉ riêng Ông ?
Rượu không, tiền bạc cũng không,
Chân cuồng bước quẩn ở trong xó nhà.
Tôi cũng bệnh, lại già hơn Bạch,
Bả lợi danh rũ sạch từ lâu,
Lau vàng, trúc võ thấm đâu, (1)
Đất cằn sỏi đá lạnh thâu đêm ngày.
Vài củ sắn ăn chay suốt tháng,
Một căn buồng, trăm mạng chia nhau.
Mỗi năm cơm sạn vài thau,
Mắt thèm quên cả niềm đau thuở giờ.
Lại diễn lại nước cờ thí tốt,
Lửa oán thù nhóm đốt tình thương.
Ông còn là kẻ hiền lương,
Tôi trong cảnh ngộ bất thường, éo le.
Dẫu có muốn đêm nghe vượn hót,
Hoặc nghiêng chai mình rót cho mình.
Ông như nếu muốn thực tình,
Từ quan về với gia đình làm dân.
Tôi dù muốn chân trần, áo vá,
Bên vợ con nấn ná qua ngày.
Tuổi già sớm dắt trâu cày,
Tối về vui với một bầy trẻ thơ.
Trước trăng gió hững hờ thế sự,
Gần cỏ cây tình tự đôi câu.
Thế nhưng có dễ dàng đâu !
Ông, tôi rõ thật khác nhau muôn vàn.
Đọc thơ Ông canh tàn chẳng ngủ,
Ghen với Ông lại cứ thương Ông.
Ngàn sau dẹp hết gai chông,
Nếu như thế giới đại đồng văn minh.
Có ai nghĩ tới mình, rỏ lệ,
Mà thương cho cái lụy làm người ?
Hay là no ấm tốt tươi,
Hậu sinh chỉ biết học cười cũng nên !
Đoạn 2. Có 32 câu.
Sau 75, ( 1975 ) hàng triệu người Việt Nam miền Nam bị cảnh tù tội, nay dù sau trên hai mươi năm, đọc đoạn thơ trên vẫn còn ớn lạnh. Bốn câu thơ sau đây đủ nói lên cảnh tù tàn nhẫn ác độc của Việt cộng đối với những người bị gọi là ngụy quân ngụy quyền :
Mọi đi đứng, nói chào, thức ngủ,
Phải học hành, tuân thủ từng ly.
Củ khoai, chén bắp, khúc mì,
Còn chưa ấm dạ nói gì bát cơm !?
Đến những câu này thì tội nghiệp quá, đọc lên muốn khóc :
Giọt mồ hôi nhễ nhại vai già.
Tối về nhốt kỹ trong nhà,
Của trời trăng gió lại là của ai.
Nhìn bên ngoài người tù của chế độ cộng sản, rách rưới xác xơ, đi lại thất thểu như những bộ xương, làm cho người thân thích bạn bè nhìn vào thương xót, nhưng bên trong bản thân người tù vẫn một tinh thần vững vàng không sụp đổ:
Ngoài là kẻ tội đồ bệ rạc,
Trong, tâm hồn mộc mạc thiết tha.
Bạn bè thân thích xót xa,
Người trong cảnh ngộ cứ là thản nhiên.
Đoạn 3 Là đoạn dài nhất có tới 90 câu
Trong đoạn này phần đầu tác giả mô tả lại cảnh Bạch Cư Dị gặp người kỷ nữ trên bến Tầm Dương và thương xót người kỷ nữ qua tiếng đàn Tỳ bà ai oán.
Người dạo nhạc ở đâu tới đó ?
Khách đa tình thật khó làm ngơ.
Lần theo tiếng nhạc bất ngờ,
Giai nhân tháng đợi, năm chờ là đây.Tác giả cho biết từ lúc nhỏ đã ham mê thơ nhạc và bây giờ vào tuổi già, trên 60,vẫn không thay đổi không giảm sút. Do đó tác giả vô cùng thâm cảm với nhà thơ thổ lộ trong tỳ bà hành:
Người trong tiệc khóc vì oan trái,
Hay khóc vì nông nỗi phù du ?
Ngàn xưa thăm thẳm, mịt mù,
Nỗi lòng theo tiếng gió thu vẫn còn !
Tác giả là một người lính hiền lành, chỉ biết cuộc sống chân thật, nhưng rồi thời thế đẩy đưa đến cảnh vào ngục tù lao lý.
Bên ngoài dân chúng đang sống lầm than đói khổ. Ngờ vực hoài nghi sợ hải làm cho con người hờ hững lạnh nhạt. Nhà thơ thương xót họ nhất là lớp trẻ con đói khổ mất hết cái hồn nhiên vui vẻ của tuổi trẻ. Thương xót con người quên mất mình là người nằm trong cảnh ngộ bi thương nhất, cảnh tù !
Gặp người, người những hững hờ,
Trẻ con còm cõi, ngẩn ngơ, lạnh lùng.
Ta nhìn họ vô cùng thương họ,
Quên hẳn mình cảnh ngộ bi thương.
Giam thân trong bốn bức tường,
Lạ chưa ! Lòng vẫn bình thường thản nhiên.
Nhưng có lẽ khác với Bạch Cư Dị, Hà Thượng Nhân luôn luôn tích cực, nhìn sự đau khổ với cái nhìn của một con người nặng về quốc sự, của con người thua cuộc một cách tức tưởi. Tuy vậy với niềm tin không lay chuyển, tác giả tuy có buồn, có mất tự do mất quyền sống, có đói khổ, có nhớ thương gia đình vợ con, nhưng không để những thứ đó làm mềm yếu lòng yêu nước, yêu thiên nhiên, yêu nghệ thuật, yêu thơ....
Phong trần làm ráo lệ sầu,
Thôi ! Rồi nước chẩy qua cầu cũng qua.
Nắng có đốt nhưng hoa vẫn nở,
Sương có gieo, lộc mở cành xuân.
Ta còn bạn hữu quây quần,
Thay ly rượu trắng bằng tuần nước trong.
Còn nguyên vẹn tấm lòng náo nức,
Biết có trăng là thức chờ trăng.
Cùng trăng chẳng được đãi đằng,
Ngoài thềm man mác lòng giăng mắc sầu !
Đoạn 4. Có 40 câu.
Tác giả luôn luôn cảm mến thương xót Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị luôn luôn so sánh nỗi buồn trong bài trường ca này với cuộc đời đau khổ của mình rồi mới thấy hai cuộc sống hai nỗi đoạn trường cách nhau xa quá !
Ông còn có chén rượu cay,
Còn thơ đủ để mình say với mình.
Bao nhiêu nỗi bất bình nói hết,
Bút, mực còn Ông viết tự do.
Đêm trăng thả một con đò,
Kề bên người đẹp nhỏ to tiếng đàn.
Giữa trời nước chứa chan cảm khái,
Bờ lau khô gác mái chèo con.
Tỳ bà thánh thót nỉ non,
Áo xanh càng ướt, rượu ngon càng đầy.
Tôi canh vắng nằm đây thao thức,
Nhớ vợ con đau nhức ruột gan.
Chẳng xa mà cách muôn vàn,
Gió xuân có lọt vào màn em không ?
Muốn mở cửa dậy trông trăng sáng,
Trăng thượng tuần lênh láng tường giam.
Yêu trăng thôi cũng đành cam,
Yêu thơ thật khó mà làm được thơ.
Vô cùng xót thương, tác giả, yêu gia đình yêu vợ con, nhớ nhung vô hạn nhưng đành phải cắn răn chịu đựng. Ngay đến yêu trăng cũng phải đành cam lòng, kể cả viết những dòng thơ cũng thật khó khăn. Hoàn toàn khác hẳn với Bạch Cư Dị ở đất trích Tầm Dương. Tác giả thèm khát cảnh sống tự do. Nhưng rồi thời cuộc đổi thay cuộc đời may rủi không do mình định đoạt. Là một thi nhân thích sống với thiên nhiên với trăng gió nhưng có ngờ đâu rồi phải ngồi tù đã bốn năm đằng đẳng, và biết bao giờ cho hết cảnh đoạn trường này ?
Tôi muốn sống cuộc đời thi sĩ,
Cũng như ông, vốn dĩ nòi tình.
Chỉ mong thế giới hòa bình,
Mong người no ấm, mong mình thảnh thơi.
Giữa trần giới rong chơi một kiếp,
Khúc hạo ca (1) viết tiếp tri âm.
Thế nhưng gió bụi cát lầm,
Quẩn quanh laị đã bốn năm ở tù.
Ngày đoàn tụ mịt mù chẳng biết,
Tin vợ con biền biệt không hay.
Hỏi ai, món nợ ai vay,
Chúng tôi liệu trả đến ngày nào xong ?
Đoạn 5 . Có 44 câu thơ
Tuy hoàng cảnh không gian có khác biệt. Hoàng cảnh thời gian khác biệt, tuổi tác khác biệt. Nguyên nhân gây nỗi đoạn trường khác biệt. Nhưng suy có cùng, tác giả tìm được điểm giống nhau với Bạch Cư Dị dù cách nhau đến 10 thế kỷ.
Tuổi tuy khác nhưng tâm lại một,
Khờ là ta, dại dột là ta.
Ngây thơ từ trẻ đến già,
Lúc nào cũng cứ thiết tha, chân thành.
Khi biết là một rồi, tác giả như nghi ngờ nhưng là sự chính xác định, Bạch Cư Dị chính là ta đó, và ta đây chính là Bạch Cư Dị . Nhưng Bạch Cư Dị trở thành ngôi sao sáng chói Thịnh Đường, còn tác giả thì sao ? Tuy là câu hỏi nhưng là câu trả lời rồi đó, vì tác giả là người tự tín, tự biết mình có tài, có ý chí, vượt qua mọi trở ngại khổ đau.
Ta là ai ? Ai đó là ta ?
Canh khuya vắng tiếng tỳ bà,
Mênh mông dằng dặc bao la đất trời !
Định mở miệng nghẹn lời chẳng nói,
Nói với ai ? bụng đói tay run.
Hỡi ơi ! Mực cạn, bút cùn,
Văn chương nếu rẻ như bùn đã may !
Vốn chẳng sợ chất cay vị đắng,
Thì nắng mưa, mưa nắng sự thường.
Ông làm nổi giá Thịnh Đường,
Liệu tôi góp với văn chương được gì ?
Đoạn 6. Đoạn này có 48 câu.
Tác giả vô cùng cay đắng, và cũng phải thừa nhận khi con người tận cùng sự đói khổ, thì chỉ còn biết làm sao để sống, tức khỏi chết, còn mọi thứ khác không dám nghĩ đến. Con người bị hạ thấp cùng cực.
Văn chương, nghệ thuật đều thừa,
Thẻ đường, thìa bột mới vừa lòng nhau.
Chẳng cần biết niềm đau tâm thức,
Chẳng cần bàn đạo đức phải chăng.
Chỉ còn biết tới miếng ăn,
Chỉ còn sót lại bản năng tự tồn !
Trong cảnh như thế đành bó tay. Sức vùng vẫy của bậc trượng phu bậc anh hùng phải cần môi trường rộng rãi, bốn biển là nhà và xây nhà trên bốn biển. Nay sa cơ bị “ Ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi. Với cặp báo chuồng bên vô tư lự ( Thế Lữ ). Đành bó tay làm kẻ tội đồ.
Trùng khơi thả sức cá kình,
Chuồng con hổ báo cũng thành hươu nai.
Tuy trong cảnh lao tù nhưng tác giả không cô đơn như Bạch Cư Dị. Tác giả luôn luôn sẵn có niềm tin nên lúc nào cũng giữ cái tâm thản nhiên ung dung tự tại, mặc dù bọn ruồi nhặn nhởn nhơ ngay trong nhà lao, và ngoài cuộc đời, đang làm tang tóc đau thương cho dân chúng.
Tôi bằng hữu ra vào đông đúc,
Lại thua Ông một khúc tỳ-bà.
Tóc bù, mắt sáng lũ ta,
Niềm tin hừng hực bao la đất trời.
Mặc ruồi nhặng lả lơi trước mắt,
Vào lò than rõ sắt, rõ chì.
Ung dung lúc đứng, lúc đi,
Thăng trầm thì có đáng gì quan tâm ?
Tác giả buồn cho số phận quốc gia bị mắc vào cảnh nội chiến suốt 30 năm làm cho quê hương tan nát, dân chúng vô cùng khổ đau. Tác giả nhắc lại bài thơ “ Thạch hào” của Đỗ Phủ, nói lên cái đau thương của người dân bị bắt phục dịch cho chiến tranh. Và chiến tranh chỉ gây thiệt hại không chừa một ai. Và cũng vì chiến tranh nên “ nay sa cơ nhục nhằn tù hãm”
Trải qua một cuộc tranh hùng,
Ba mươi năm đã vô cùng thảm thương !
Tôi chợt nhớ đời Đường, Đỗ Phủ
Bài Thạch-hào (1) nhắn nhủ gì ta ?
Gẫm từ gây chuyện can qua,
Hại chung khắp cả muôn nhà, lợi ai ?
Đoạn 7. 52 câu.
Người ta chê trách chế độ phong kiến, nhưng thực ra các thời thịnh Đường của ông có nhiều nhà thơ, nhiều nhà nghị luận tài ba lỗi lạc, vì các ông có Tự do, suy tư tụ do, sáng tác tự do theo lòng theo ý của mình. Thi nhân nghệ sĩ đời ông có cả một trời, một kho vô tận gió trăng..
Thời Ông phỏng có thái bình, tự do ?
Nghe nói đến muôn vò rượu quí,
Lại rất đông nguyên súy tao đàn !
Văn không riêng một họ Hàn, (1)
Thơ thì Lý, Đỗ kề bàn Âu, Tô. (2)
Trăng gió sẵn tha hồ ban phát,
Của trời cho bát ngát vô biên.
Đọc những câu thơ trên ta thấy cảnh nhộn nhịp của những bậc thi nhân tài hoa thời thịnh Đường và từ đó đối chiếu với hiện tại, cuộc sống khổ đau, cuộc sống gông cùm xiềng xích... chan chát đập vào cuộc đời tác giả. Một cuộc sống trong một xã hội chuyên chế gò bó bóp chết tự do của con người.
Nay thời thế mối rường đổi khác,
Sống là ăn, là mặc, là làm.
Làm sao từ Bắc chí Nam,
Bàn tay ai cũng nhúng chàm như nhau.
Hoa chỉ đẹp một màu hoa đỏ,
Nói chỉ mong nói rõ lập trường.
Lập trường từ chuyện yêu thương,
Trong từng nhịp thở trong đường bước đi
Tác giả mơ ước được sống cuộc sống của người xưa, khi chiến tranh thì thanh kiếm nhưng khi lui về hoặc khi thanh bình thì thanh kiếm biến thành thơ và cái tồn tại luôn luôn là nghệ thuật là thi ca. Đoạn thơ dưới đây bừng sáng cái cao cả của kẻ sĩ thời xưa xử thế đúng quan niệm “ Hành Tàng bất nhị kỳ quan”
Sông Xích Bích bay mờ ánh thép,
Tào A Man kiếm chép thành thơ.
Đoản ca còn mãi đến giờ,
Buông gươm tay nọ, cầm thơ tay này.
Những câu tả cảnh nhàn sau khi trang trả nợ đời, những câu thơ tuyệt hay !
Khi dũng tướng thành lay, núi đổ,
Lúc lui về : cửa sổ trăng treo.
Mái rơm quên mọi eo sèo,
Thênh thênh vạt áo lưng đèo phất phơ.
Đọc kinh Phật bên bờ suối vắng,
Trần hai vai sưởi nắng đầu xuân.
Chim ngàn ríu rít quây quần,
Bao giờ hết kiếp trầm luân thì về.
Đoạn 8.1. Đoạn này chỉ có 20 câu.
Tác giả nhắc lại nỗi buồn của người ca kỹ về già. Con người chung qui vốn buồn vì thời gian có chờ người nào đâu, tất cả rồi đi vào chỗ tàn rụi, không tránh được cái qui luật đó.
Người kỹ-nữ vén ngồi khép nép,
Vài nếp nhăn hằn mép già nua.
Cuộc đời thôi thế là thua,
Thời gian sao có thể mua mà hòng !
Rồi tới lúc lưng còng gối mỏi,
Sắc Tây Thi tránh khỏi tàn phai ?
Tử sinh nào có riêng ai ?
Ngàn xưa vẫn tiếng thở dài ngàn sau !
Đoạn 8-2 . Đoạn này có 24 câu.
Người đời vì quyền thế mà tranh dành, công và tội nhiều khi trong gang tấc. Nói như nhà ngoại giao Pháp phê phán các anh hùng trong cuộc cách mạng 1789 “ Chết trước một giờ là ái quốc, chết sau một giờ là phản quốc”. Cuộc đời quả là cảnh phù du. Đến như Nã phá Luân đến như Đại Hãn rồi còn cái gì ? Thực ra cái còn lại và lưu truyền hậu thế là “ một tấm lòng” và thêm cái bi thảm của kiếp người, dòng lệ sa. Bởi vậy tác giả vẫn tự hào ở lòng nhân ái, và cũng vì lòng nhân ái, nên tù hay không tù không phải là điều quan tâm, cũng như ngày xưa nhà thơ Nguyễn công Trứ đã trải qua. Tác giả rất tự tín, rất tự hào, cũng như Uy viễn tướng công ngày xưa.
Công với tội, lừa nhau đến thế,
Đắt bao nhiêu chiếc ghế quyền hành !
Ngày nào mái tóc còn xanh,
Soi gương mình bỗng giật mình : phù du !
Mặc những kẻ gây thù chuốc hận,
Nã Phá Luân, Đại Hãn còn không ?
Chỉ còn riêng một tấm lòng,
Và thêm vào đó những dòng lệ sa.
Ta vẫn ca khúc ca nhân ái,
Vẫn ung dung phong thái người thơ.
Ở tù hay chẳng ở tù,
Xưa kia Uy Viễn bây giờ là ai ? (1)
Đoạn 9-1. Có 20 câu.
Và sau đây là giấc mơ của tác giả. Làm một thường dân áo vãi chân trần, nhưng học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm trong cuộc đời đau khổ, và rồi cùng với những bậc ái quốc đứng lên lật đổ bọn bạo tàn đem lại tự do cho dân tộc, cho con người, để mọi lớp tuổi tác đều vui hưởng cảnh thái bình. Không còn tiếng kêu than bất bình bất công nữa, và người và cảnh vật đều vui tươi hạnh phúc . Không còn là đất trích Tầm Dương nữa mà là nơi dân chúng sống sung túc chan hòa với cảnh đẹp của thiên nhiên không phải còn là nơi buồn phiền khổ lụy.
Ta làm kẻ chân trần, áo vải,
Học thêm người từng trải, khôn ngoan.
Ước cùng tráng sĩ muôn ngàn,
Rủ nhau rảo khắp doanh hoàn thử xem. (1)
Đến lúc đó nếu thèm củ sắn,
Nghĩ tới ai chân lấm, tay bùn.
Rủ nhau phá sạch gông cùm,
Tự do đốt lửa dâng ngùn ngụt cao.
Rồi ta sẽ người nào, việc nấy,
Nhìn vào đâu cũng thấy thương yêu.
Môi son, thiếu nữ sớm chiều,
Vun hoa, gió thổi áo điều phất phơ.
Trẻ ngồi học ngây thơ sớm tối,
Già thưởng trà, tóc rối tơ trăng.
Rồi trong ngôn ngữ, nói năng,
Chữ nào như chữ bất bằng, bỗng quên.
Giữa trang sách bừng lên tiếng hát,
Dòng sông xanh bát ngát lừng hương.
Vẫn cây, vẫn nước Tầm Dương,
Nhưng ngày nay đã chật đường ngựa, xe.
Đoạn 9-2 và cũng là đoạn chót có 16 câu.
Bây giờ thì khác hẳn rồi. Khó mà tìm lại được cái thú ngày xưa, nên lại nhớ tiếc những hình ảnh ngày xưa, con thuyền lên đênh trên mặt nước một cách vắng vẽ. Tác giả đặt ra một nghi vấn, thế thì truyện Tỳ bà hành có thực không mà lâu nay người đời nhất là thi nhân chia xẻ nước mắt với nhà thơ đi đày và người kỷ nữ hết thời xuân sắc. Nhưng một điều chắc chắn có thực là nhà thơ tài hoa Bạch Cư Dị từng uống rượu với người đẹp.
Nhưng điều quan trọng nhất là giữa tác giả và nhà thơ viết nên khúc tỳ bà hành, khúc trường hận ca, có một sự thông cảm sâu sắc, vì cũng là nòi tình nên đồng điệu
Thật chỉ có Ngũ Lăng công tử,
Rượu thơm ngon rót thử chén vàng.
Lầu bên người đẹp nhìn sang,
Mây Tầm Dương, nước Lam Giang hữu tình.
Một điều chắc thật nhất, là cuộc đời tù tội khắc nghiệt của chế độ cộng sản mà tác giả và những người bạn tù của tác giả đang sống đang bị đày đọa. Nhưng tác giả có đau khổ thật, có nhớ nhung thật, có lúc cô đơn vắng lạnh, nhưng không có giọt nước mắt như tư mã Giang Châu với người ca kỹ ở tuổi xế chiều. Nỗi đau nỗi buồn của tác giả là nỗi đau chung của dân tộc, nên không thể buông xui phó cho thời gian cho mệnh số . Mà phảì là những kẻ cùng cảnh ngộ đồng tâm đồng chí nhất định sẽ “ tát cạn biển Đông”.Với quan niệm tích cực yêu đời như vậy, nên Đời Không Đáng Buồn.
Đoạn kết tác giả viết ngắn gọn và đưa ra một nghi vấn làm cho người đọc ngạc nhiên một cách kỳ thú.
Dù có muốn đêm nghe vượn hú,
Tìm đâu ra cái thú lâm tuyền.
Đêm trăng vắng giọng Đỗ Quyên,
Lại đâm nhớ tiếc con thuyền lênh đênh !
Vài đốm lửa bập bềnh sóng nước,
Ngoảnh vời trông sau, trước bao la.
Vỗ thuyền ca một khúc ca,
Rằng xưa tâm sự tỳ bà thật chăng ?
Thật chỉ có Ngũ Lăng công tử,
Rượu thơm ngon rót thử chén vàng.
Lầu bên người đẹp nhìn sang,
Mây Tầm Dương, nước Lam Giang hữu tình.
Thật chỉ có : Chúng mình bầu bạn,
Thuận nhân tình tát cạn biển Đông.
Bấy giờ tôi lại đọc Ông,
Gửi về dĩ vãng : Đời không đáng buồn.
Qua bài thơ trường thiên trên ta thấy được con người của Hà Thượng Nhân. Một con người đứng ngoài danh lợi ở mọi chế độ. Thích sống cuộc sống giản dị vui với gia đình với làng mạc, với cỏ cây sông núi, với một tâm hồn thi ca phong phú. Gặp thời thế phải lâm vào cảnh tù đày cực khổ, nhưng lúc nào nhà thơ cũng giữ được phong thái của một người ung dung tự tại. Không than thở, không chán nản, dù phải chịu cảnh sống ngục tù dưới mức sống của con người. Nhà thơ lúc nào cũng tin tưởng, rồi sẽ có ngày thật sự thanh bình, con người có tự do, có quyền làm người, và nhà thơ viết những vần thơ phóng khoáng theo luồng cảm hứng tự do của mình. Bởi vậy, Đời không đáng buồn !
Suốt một bài thơ dài luôn luôn giọng thơ thiết tha cuốn hút người đọc.
Tôi nghĩ bài thơ trường thiên “ Đời Không Đáng Buồn” là bài thơ bất diệt trên thi đàn Việt Nam Hà Thượng Nhân đã tâm tình :
Điều quan trọng là liệu tôi có dựa vào nỗi lòng của cổ nhân để gửi gấm được chút gì nỗi lòng của mình chăng ? Liệu những oan trái mà tôi và các bạn tôi đã trải qua có thể làm cho người đọc bồi hồi xúc động như tôi đã bồi hồi xúc động khi đọc Tỳ Bà Hành chăng ? Từ đó, liệu con đường đi tìm Chân Lý, đi tìm Sự Thật, đi tìm Lẽ Phải có bớt chông gai được chút nào chăng ?
Theo tôi : Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị được lưu truyền lâu dài và là nguồn cảm hứng cho những nhà thơ, hay người có tâm hồn thơ, ở hậu thế phần chính vì sức truyền cảm mãnh liệt của thơ của nhạc trong bản trường thiên bất hủ đó. Và đó là thiên tài thơ của Bạch Cư Dị. Dù thời đại nào, dù ngôn ngữ có biến chuyển, dù cách thức diễn đạt trong thơ có thay đổi và cả về quan niệm nghệ thuật về nhân sinh quan có thay đổi, nhưng thơ với cái ý nghĩa của nó (Thơ không làm cho sự xúc động bớt đi (turning loose of emotion) nhưng làm thoát ra khỏi sự xúc động (escape from emotion); thơ không diễn đạt cá tính riêng, nhưng làm thoát ra khỏi cá tính. ( thi sĩ người Mỹ T, S, Eliot - 1888-1965), lại cộng với nhạc, thì nhất định lời thơ đó phải trường tồn vượt không gian và thời gian. Chứ thực ra cái tâm trạng của một ông quan bị giáng chức, bị đổi đi xa đến nơi vắng tịch, với cuộc đời về già của một ca kỹ, thực sự cũng không có gì đến phải đoạn trường đứt ruột như Thúy Kiều phải chìm nổi nhục nhã trong mười lăm năm, như cuộc đời lao tù khắc nghiệt nhất của Hà Thượng Nhân suốt năm năm trường.
Tiếng khóc tiếng than, tiếng tỳ bà ai oán trên con thuyền trong đêm khuya vắng ở Bến Tầm Dương cũng có thể do hồn thơ lai láng của thi nhân lãng mạn sáng tạo. Nhưng cuộc đời ngục tù Hà thi nhân mắc phải suốt một thời gian dài, là một điều có thực, lịch sử đã ghi chép, và người đời ai ai cũng thương cảm. Lại thêm những lời thơ thật là thơ, khi hùng hồn, khi ai oán, khi uất hận khi buồn lê thê da diết... thì nhất định sẽ được muôn đời thâm cảm.
Còn về Chân lý, Sự thật, Lẽ Phải con đường đi tìm kiếm nó có phần dễ dàng chút nào không như nỗi mong muốn của Hà Thượng Nhân. Tôi không bi quan nhưng chân lý, sự thật và lẽ phải nhiều khi gần như đuổi bắt hoài không bao giờ nắm lấy được.
Thơ tình yêu :
Hình như thi sĩ nào có lẽ bài thơ đầu tiên là bài thơ tình yêu, và số thơ này chiếm đa số trong số thơ của một đời thi sĩ. Với Hà Thượng Nhân loại thơ tình yêu nhiều lắm nhưng tôi muốn đề cập một bài thơ viết có lẽ ở tuổi quá 80 để tiễn đưa một nữ thi sĩ du lịch Trung hoa.
Các bạn hãy đọc đi, đọc suốt 25 đoạn 100 câu, rồi mới thấy với tuổi bát thập mà còn những câu thơ hào sảng những câu thơ tha thiết mến yêu, bạn mới thấy phải “ nội công thượng thừa” Hà thi nhân đã “ thổ tận can tràng.” Dù hai mươi lăm đoạn, mười phân vẹn mười, nhưng tại hạ thích nhất đoạn 8 :
Em hãy đến Hàn San chiều cuối Hạ,
Nghe tiếng chuông trên bến cũ Tần Hoài.
Quạ kêu sương, sương đổ mái hiên ngoài,
Chén rượu cạn trăng hạ huyền lạnh lẽo
Thơ đến như thế thôi còn nói gì nữa !. Những hình ảnh “ Hàn San chiều cuối Hạ” “ bến cũ Tần Hoài” “ Quạ kêu sương” “ trăng hạ huyền lạnh lẽo”. Đọc lên hiện thấy một buổi chiều buồn mung lung của Trời Đất. Một nỗi buồn dằng dặt của tâm hồn thi nhân, sự mong manh nhỏ bé của một kiếp người...Thời gian, không gian, âm thanh, hình ảnh thiên nhiên, tâm trạng u buồn của con người ....tất cả những thứ đó hài hòa tạo nên một bức tranh màu sắc, lành lạnh, lãng mạn, tuyệt đẹp !
Tôi cũng quá say mê 12 câu dưới đây.Tôi đọc đi đọc lại biết bao nhiêu lần càng đọc chất thơ ngấm thấu trong người. Một cảnh trăng lạnh bát ngát tác giả uống rượu đọc thơ với nữ sĩ sắp về Trung quốc “trăng như mộng bốn bề xanh bát ngát” Rượu và thơ làm cho kẻ ở người đi xao xuyến buồn. Buồn vì ly biệt buồn vì hình ảnh đi về Trung hoa như đi về quá khứ, đi về người xưa, với nỗi lòng ray rứt. Rồi hình ảnh Trữ La thôn, nơi dệt vãi lụa của người sắc nước hương trời Tây Thi hiện ra, với mối tình thơ mộng lãng mạn muôn đời của nàng với người yêu Phạm Lãi.
Anh chợt nhớ tiếng chầy xưa đập vải.
Những thiếu nữ dưới đêm sương mê mải,
Ðến bây giờ còn nhớ gái Tây Thi.
Về xứ sở của các người đẹp huyền bí Liêu Trai, về nơi bảy người hiền xem công danh như phù vân, sống một cuộc sống khoáng đạt không bị gò bó trong khuôn phép của người đời. Bảy vị sống cuộc sống Lão Trang lưu danh hậu thế đó có biệt danh là Trúc lâm thất hiền. Em sẽ về xứ sở có những kẻ giang hồ thế thiên hành đạo, những anh hùng hảo hán Lương sơn bạc. Xứ sở em đến là xứ sở của thi ca và cũng là nơi có bạo chúa họ Tần đã xây Vạn lý trường thành bằng xương bằng máu của lê dân
Của nhóm Thất Hiền sống trên rừng trúc.
Cả của bọn giang hồ Lương Sơn Bạc,
Xứ của thi ca, xứ của Bạo Tần,
Cũng nơi em đến đó có những nhà hảo hán trọng nghĩa khinh tài Mạnh thường quân nêu gương sáng muôn đời.
Mời bạn đọc hãy đọc lại suốt 12 câu để thấy nhịp thơ dồn dập hồi họp những hình ảnh đặc thù phô trương nối tiếp :
Trăng như mộng bốn bề xanh bát ngát,
Rượu và thơ rung động mãi lòng nhau.
Nghe em đi, anh bỗng tự dưng sầu,
Anh chợt nhớ tiếng chầy xưa đập vải.
Những thiếu nữ dưới đêm sương mê mải,
Ðến bây giờ còn nhớ gái Tây Thi.
Xứ của Liêu Trai, xứ của Hồ Ly,
Của nhóm Thất Hiền sống trên rừng trúc.
Cả của bọn giang hồ Lương Sơn Bạc,
Xứ của thi ca, xứ của Bạo Tần,
Của những người hảo hán Mạnh Thường Quân.
Trăng vẫn chiếu trên Trường Thành đấy nhỉ ?
Đọc suốt 100 câu thơ, chúng ta mới thấy rõ Hà Thượng Nhân quả là một nhà thơ rất tài hoa. Cứ mỗi 4 câu tác giả dẫn những điển tích những hình ảnh đẹp quá trong lịch sử trong thi ca cổ của Trung hoa.
Tôi không nén được cảm xúc, xin phép bạn, tôi xin trình ra đây thêm một bài thơ nữa của Hà Thượng Nhân.
Mùa Thu Nhớ
Ngõ hẹp rụng hoa vàng
Bướm bay đầy cửa sổ
Ta bỗng gọi tên nàng
Áo vàng lồng lộng gió
Ta bỗng rưng rưng nhớ
Mùa Thu vàng ánh trăng
Mùa Thu từ dạo đó
Mùa Thu lại vừa sang
Ta nhớ con chim nhỏ
Hót trên cành bằng lăng
Ta nhớ câu thơ cổ
Bông cỏ may bên đàng
Ta nhớ, ôi ta nhớ
Mùa Thu ta gặp nàng
Càng về già con người càng sống với quá khứ. Nằm một mình trong căn phòng nơi đất khách quê người, nhìn ra cửa sổ thấy mùa Thu về, có hoa vàng có bướm bay. Tác giả chợt nhớ tới người xưa. Phải không, đó là người đẹp năm xưa, người yêu của tác giả gặp nhau yêu nhau lúc Thu về. Lâu lắm rồi, không nhớ là bao lâu, nhưng mãi mãi nhớ mùa Thu nàng mặc áo vàng. Không biết nàng còn, hay mất hay già nua như thế nào, nhưng nàng luôn luôn hiện về mùa Thu và hình ảnh xa xưa đó in sâu vào tâm trí thi nhân. Hình ảnh nàng về rõ quá thi nhân buột miệng gọi tên nàng.
Ngõ hẹp rụng hoa vàng
Bướm bay đầy cửa sổ
Ta bỗng gọi tên nàng
Áo vàng lồng lộng gió
Nhớ nàng ta không dấu được nước mắt. Trong đêm trăng mùa Thu trong gió Thu se se lành lạnh, nàng mặc chiếc áo màu vàng. Mùa Thu đó ta không quên được. Và từ đó, cứ mỗi độ Thu về, lòng ta lại chạnh nhớ đến nàng. Mới đây mùa Thu vừa qua nay mùa Thu trở lại.
Ta bỗng rưng rưng nhớ
Mùa Thu vàng ánh trăng
Mùa Thu từ dạo đó
Mùa Thu lại vừa sang
Hai câu “ Mùa Thu từ dạo đó, Mùa Thu lại vừa sang” diễn tả thời gian qua liên tục, nhất là cụm chữ “ từ dạo đó” và “ lại vừa sang” nói lên tính cách nối tiếp mãi mãi hết mùa thu năm đó đến năm sau, đến năm kế tiếp, và mãi mãi đến mùa thu năm ngoái, giờ đây đến mùa thu năm nay, và sẽ đến mùa thu sang năm, và mãi mãi.... tác giả luôn luôn đón nhận mùa Thu, mùa nhớ mùa thương của tác giả. Tôi muốn nói thêm một chút, thi nhân dùng ba chữ đơn giản “ lại vừa sang” đắc thể quá. Ví dụ tác giả viết “ Mùa Thu từ dạo đó , Mùa Thu lại hôm nay” thì không thấy sự nối tiếp liên tục, và rạo rực náo nức bằng “ Mùa Thu từ dạo đó, Mùa thu lại vừa sang” và mùa thu hôm nay. Sở dĩ tác giả viết rõ như vậy vì muốn diễn tả mùa Thu nào cũng vậy, hình ảnh nàng cũng hiện ra, làm rung động nhớ thương ray rứt.
Nhớ hình ảnh con chim nhỏ hót trên cành bằng lăng. Đó là hình ảnh mùa thu ở quê nhà . Trước trời Thu, gió Thu, trăng Thu, cảnh mùa Thu, chàng đọc cho nàng nghe những câu thơ tình tuyệt dịu của những thi nhân đa tình ngày xưa.
Ta nhớ con chim nhỏ
Hót trên cành bằng lăng
Ta nhớ câu thơ cổ
Bông cỏ may bên đàng
Ta nhớ, ôi ta nhớ
Mùa Thu ta gặp nàng
Hai câu chót của bài thơ, nói lên hết cái nỗi nhớ thương của thi nhân về người yêu nhưng bây giờ tuy tuổi đã xế chiều, tuy ngàn trùng xa cách, nhưng cứ mỗi thu về lại nhớ ray rứt nhớ đến rưng rưng khóc... người yêu.
Ý thức chánh trị.
Sở dĩ với Hà Thượng Nhân tôi đề cập điểm chính trị, vì năm 1952 anh đang tham gia trong cuộc kháng chiến, rồi bỏ hàng ngủ trở về vùng quốc gia vùng chống cộng sản. Bây giờ nhìn lại sự việc đó có thể thấy đơn giản, nhưng đó là một hành động quyết liệt, dứt khoát, đầy nguy hiểm, một hành động can đảm, khôn ngoan, nhìn xa thấy rộng.
Nói nhân nghĩa chẳng qua lừa bịp
Nói hy sinh có dịp giàu to
Chết vì một chữ Tự do
Là thôi! Lỡ cả chuyến đò hoa niên.
Lớp trẻ lớp trí thức vì lòng yêu nước yêu dân tộc, nên rất dễ bị lừa phỉnh bởi đảng cộng sản bởi lời xão trá của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Và khi tỉnh ngộ thì đã phí hết tuổi thanh xuân. Thi sĩ Tạ Ký cũng vậy cũng bị lừa và khi tĩnh ngộ thì
“ Nhân ái, công bằng, yêu đương bất khuất
Viết chữ Hoa trên óc trẻ mười lăm
Ba mươi năm biết chuyện xưa nhầm
Thì đau khổ đã hằn trên trán nhỏ...
Còn nữa :
Lừa lọc, gian ngoa, một bầy ác quỷ,
Tuổi thanh xuân tàn như một giấc mơ!
Hoảng hốt, điên cuồng, nhẫn nhục, bơ vơ,
Nắm tay nhỏ đưa lên trời phản đối,
Và tự hỏi mình: mình làm gì nên tội?
Hà Thượng Nhân và Tạ Ký là những người có nhận định đúng, và can trường nên dám thoát ra khỏi vòng kiềm cặp của cộng sản để về vùng tự do, vùng quốc gia. Trong khi đó, một số đông văn nghệ sĩ, hoặc mù quáng không thấy, hoặc không đủ khả năng nhận thấy, hoặc bị những hứa hẹn ưu đãi, những địa vị đảng ban phát, nên bị ru ngủ trong chế độ. Và chắc chắn một điều là không đủ can đảm liều lĩnh thoát khỏi chế độ cộng sản, nên những thi nhân văn nghệ sĩ đó đành phải hủy bỏ tự do để nhất nhất nghe lệnh của đảng, suy tư sáng tác theo ý của đảng.
Hà Thượng Nhân là lớp người chống cộng sản không khoan nhượng, chống tới phút chót của cuộc đời. Tiển người bạn thơ đi Trung quốc, anh không quên nhắc đến :
Về Thiên An thăm một chút em ơi !
Ðể thấy máu sinh viên đang réo gọi,
Chúng cấm nói nhưng sinh viên vẫn nói.
Ðè tự do dưới xích sắt xe tăng,
Có còn chi ghê tởm nữa cho bằng ?
Tác giả tiếc quá :
Sao đã có những người như Lý Bạch,
Lại còn sinh bọn quỷ dữ họ Mao ?
Nếu ai từng nói chuyện với Hà Thượng Nhân mới thấy anh không phải là một nhà thơ sinh ra chỉ để làm thơ. Ở Hà thượng Nhân chúng ta còn thấy con người có nhiều hoài bảo về xã hội về tổ quốc. Ở anh rõ nét của một sĩ phu muốn ra tài “ kinh bang tế thế”, nhưng không gặp thời, lại phải ở trong quân ngũ không thuộc thành phần lãnh đạo trung ương, nên anh chỉ đóng vai người góp ý mà thôi. Thời đệ nhất cộng hòa, thời tổng thống Ngô đình Diệm, Hà Thượng Nhân có soạn thảo tập “ Sơ thảo lý thuyết chiến tranh tâm lý” và anh làm giám đốc nha chiến tranh tâm lý, và làm giám đốc đài phát thanh quân đội. Anh có phong độ của một “ quân sư”, cố vấn chánh trị . Bởi thế mỗi khi bàn đến thời sự chánh trị thì anh thao thao bất tuyệt trình bày nhiều phương sách, nhiều kế hoạch, tuy không có chỗ dụng, nhưng nghe cũng rất lý thú. Anh rất hợp với lý thuyết gia Nguyễn Đức Quỳnh. Tôi được nói chuyện nhiều lần với anh có Nguyễn Đức Quỳnh, những buổi nói chuyện như thế thật lý thú và bổ ích.
Hà Thượng Nhân viết cho tôi bài thơ trong đó có mấy câu :
Cũng bè cũng bạn chí tình
Ngôi trường Nghĩa Thục công trình chúng ta
Chỉ mong ước quốc gia hưng thịnh
Không a dua không nịnh cửa quyền
Chỉ lo toàn chuyện “ hão huyền”
Không gàn không dở không điên bao giờ
Các kẻ sĩ nào ngờ chạy tới
Góp bàn tay cùng với anh em
Gương xưa Nghĩa Thục vẫn thèm
Phát huy trí dục lại đem ra bàn
Tôi cũng dự vào “ màn” tổ chức
Chu Tử càng nô nức say sưa
Liệu ơi, chuyện ấy tuy xưa
Nhưng mình vẫn tưởng như vừa mới đây
Bao chuyện lớn ta xây ta đắp
Chỉ mong rằng cùng khắp Việt Nam
Những người thiện chí gắng làm
Lẽ nào mình lại đành cam đứng ngoài.
31-6-2007
Hà Thượng Nhân
(Trích hồi ký Đời Tôi trang 720 của Nguyễn Liệu )
Kết luận
Tôi xúc động khi viết về anh Hà Thượng Nhân mà theo tôi là nhà thơ lớn của thi đàn Việt Nam. Anh làm thơ rất nhiều. Anh làm thơ rất nhanh gần như xuất khẩu thành thi.
Anh sống có tự do. Khi cảm thấy mất tự do anh từ bỏ hẳn đi tìm nơi có tự do để sống
. Với tính chất tự do phóng khoáng đó, anh sống ở Miền Nam Việt Nam trong quân ngũ phục vụ chế độ, nhưng lúc nào anh cũng thẳng thắn phê phán “ Đàn ngang cung” của anh là vũ khí sắc bén anh phê phán những bất công những tệ đoan vô lý trong xã hội anh đang sống.
Trong cảnh lao tù, nhân cảm khái Tỳ bà hành của nhà thơ lớn Bạch Cư Dị đời thịnh Đường, anh viết bản trường thi trên bốn trăm câu gởi gắm nỗi lòng của mình cùng tinh thần bất khuất của một người quốc gia yêu nước chống cộng sản. Hiện nay tuổi trên 90 tinh thần vẫn còn minh mẩn, vẫn làm thơ, vẫn bạn bè tha thiết.
Tắt một lời, tôi có thể nói Hà Thượng Nhân là một nhà thơ lớn yêu nước, những lời thơ của anh mãi mãi còn với người Việt Nam.
Nguyễn Liệu
Ý kiến bạn đọcVui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.
|
|