|
Truyện ngắnTÌNH VÀ NGHĨA Sơn Nam * đăng lúc 05:11:08 PM, Mar 13, 2023 * Số lần xem: 2249
#1 |
#2 |
Tại sao lại phân biệt ca dao ở Bắc, Trung, Nam ? Cả nước ta từ bao giờ ca dao vẫn là một dòng ngọt ngào và đậm đà như sữa mẹ, lại mang nội dung châm biếm, chống áp bức, lắm khi vui tươi. Cuối thế kỷ XIX, hồi mới chiếm Nam Bộ, thực dân sưu tầm ca dao, tìm hiểu để cai trị người bản xứ, nắm lấy tâm lý. Một số người góp sức với chúng, nghiên cứu và trích dẫn vài câu như: “Trách lòng con chó sủa dai. Năm canh anh viếng bậu, nó sủa hoài sáng đêm. Thương em, anh phải đi đêm. Phần do bắt được, đánh mềm như dưa”. Hoặc “Thương em anh phải trèo rào. Áo luôn bung cúc, gai quào rách da”. Phần do là quan tuần do đi canh, giữ trật tự trong thôn xóm, ngoài tuần do còn có phần thủ lo canh phòng ghe thuyền qua lại để thâu thuế. Thuế thâu vào thì có viên thơ lại tính toán, anh phần thủ xin thêm món tiền mọn gọi tiền dầu, dùng mua dầu dừa thắp đèn cho trạm canh ban đêm; trong thực tế anh ta đem uống rượu. “Anh ngồi phần thủ trống treo. Miệng kêu ghe ghé chân trèo xuống thang. Bước xuống thang, quạt che tay ngoắt. Chia rẽ vợ chồng, ruột thắt dường bao”.
Bao câu ca dao khác đượm tình người, tình dân tộc với truyền thống “quan họ” từ Bắc Ninh, rất xa trong không gian và thời gian. Những tiềm tàng trong tim óc. Nội dung vẫn là tình thủy chung gắn bó: “Bậu về, anh chẳng dám cầm. Dang tay đưa bậu, ruột bầm như dưa”. Dang có nghĩa mở rộng ra nhưng cũng có nghĩa lui ra, đứng xa nhau. “Trứng vịt đổ lộn trứng gà. Thấy má em trắng, anh đà muốn hun (hôn)”. Thái độ bỡn cợt, nhưng nghiêm túc: “Muốn hun một cái mà chơi. Mâm trầu hũ rượu kết đôi vợ chồng”. Lại nhắc nhở tinh thần chiến đấu, chống mọi khó khăn: “Ví dầu chỉ thoáng tơ mành. Khéo câu thì được cá kình biển Đông”. Với sợi chỉ mong manh, bắt cá kình, không sợ cá kình, nếu ta khéo léo trong nghề.
Lại có sưu tầm được giai thoại về bức thơ lạ lùng của một thiếu phụ nọ ở Chợ Quán, có lẽ thiếu phụ ấy không biết chữ Nôm, chữ Nho gì cả. Bức thư gói ghém theo nghĩa đen, trong giấy, gồm những món thông dụng để gợi ý. Và người nhận bức thư chắc hẳn là yêu ca dao. Ai hiểu chồng bằng vợ; vợ gởi cho chồng, chồng đọc ra không khó.
Vùng Chợ Quán ngày xưa có trại giam, quan huyện trọn quyền bắt nhốt hoặc thả người phạm tội nhẹ. Chợ Quán thuộc huyện Tân Long của phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Quan huyện tên gì, chẳng ai nhớ, chỉ biết ông ta không bao giờ rời người hầu thiếp xinh đẹp. Cô này hiền lành, vui ngoài mặt nhưng trong lòng buồn bực, ngoài việc nấu nước pha trà cho quan lớn thì đọc sách, gảy đàn qua buổi. Hôm ấy, sáng sớm vừa ra sân cô chợt thấy tên lính từ đường cái chạy vào:
- Cái sự này lạ lùng, tôi muốn trình với quan lớn. Cô hầu hỏi:
- Lạ lùng như thế nào? Trong tay mi cầm món gì? - Dạ một người đàn bà gởi cơm cho chồng bị giam.
Trong gói cơm, tôi gặp nó. Chưa dám mở ra.
Rồi đến gần cô hầu, chú lính nói khẽ:
- Tôi mở ra thử rồi gói lại. Quả là một vụ đầu độc, bùa phép, hiệu lệnh gì đó để cho bọn tù trong đêm nay hoặc vài ngày nữa làm loạn, vượt ngục.
Trong khi cô hầu chưa biết trả lời như thế nào thì quan huyện trong sảnh đường hỏi lớn:
- Cái gì? Muốn bẩm lời gì, vô đây. Từ rày về sau, mi chẳng được ăn nói luông tuồng như vậy.
Cô hầu im lặng vào phòng. Lúc này, quan huyện chẳng nói gì đến cô nhưng trong thâm tâm cô hiểu rằng mình bị rầy. Ông ta luôn nhắc nhở cô ở trong phòng, ở nhà bếp, muốn ra đường cái thì phải xin phép. Tóm lại, ông ta ưa ghen bóng, ghen gió.
- Cô Út chuyện này giao cho cô đó.
Cô bước ra sảnh đường để chờ nghe tiếp lời dạy của quan huyện, nhưng ông ta đã tới trước cửa phòng mà nói:
- Họ làm chuyện lạ, cô xem giùm tôi. Chuyện nhỏ thôi. Cái gói này chẳng đáng bận tâm trí. Mà thật tôi cũng không hiểu. Chẳng lẽ bắt người đàn bà đó mà tra khảo, kềm kẹp. Chồng nó mượn tiền của người ta để mua bán, cờ bạc thua không trả được. Mượn tiền có giấy tờ, không trả thì tôi bắt giam. Đây...
Cô hầu khép nép nhận cái gói giấy. Rồi đến phía sau nhà bếp mở ra. Thoạt tiên cô nghĩ thầm:
- Không chừng đó là một thang thuốc Nam.
Trông tấm giấy thấy vài cái lông vịt, một cọng cỏ, một lá trầu lại có một đồng tiền kẽm. Đáng chú ý nhất là vài sợi tóc dài. “Hèn chi chú lính kêu bảo là bùa phép, để trấn ếm”. Trên nhánh ổi, chim chìa vôi hót. Nọc trầu khoe lá xanh tơ. Phía trại dành cho gia đình của lính hầu, giọng hát ru con ngân nga, tỏ rõ. Cô lắng nghe:
Ở đây Chợ Quán thêm sầu,
Cơm ăn chẳng được, ăn trầu giải khuây...
Đứa bé khóc nhỏ, chắc là mẹ nó đang lo nghĩ, tự nhiên mà hát lên câu hát ươm mọc sẵn trong tâm tư tự thuở nào.
“Ăn trầu giải khuây, nào phải thiếu cơm; có cơm nhưng buồn rầu, ăn không nổi. Tâm trạng con người dường như giống nhau. Trầu ăn nhiều quá, làm cho miệng mồm và luôn cả bao tử như chai cứng. Say trầu, cũng như say rượu, say thuốc. Ăn liền miệng thì buồn. Lá trầu, lá trầu trong gói giấy là gợi thương nhớ, lo lắng cho chồng bị giam cầm”. Nghĩ vậy cô hầu giật mình, thấy mình nông cạn không lanh lẹ. Người đàn bà nọ vì không biết viết chữ Nôm, chữ Nho nên mượn lời ca dao mà diễn tả tâm sự. Mỗi một món đồ trong gói giấy là gợi cho người nhận nó vài hình ảnh trong ca dao.
Trầu, lá trầu là câu hát ru con vừa nghe.
Cọng cỏ, ta có câu hát, thí dụ như “Nhiều sương cỏ mới bạc đầu. Thương anh em chịu thảm sầu từ đây”.
Cái lông vịt, “Linh đinh vịt lội giang hà. Nói cho tốt lớp, bạc đà trao tay”. Với ý nghĩa là người vợ đã lo tiền hối lộ cho viên thư lại, hoặc cho quan huyện giả nhơn giả nghĩa nọ mà sao chưa thấy chồng về.
Sợi tóc, nhiều câu ca dao dùng hình ảnh sợi tóc “Đêm nằm bỏ tóc qua mình, thề cho bán mạng kẻo tình nghi nan”. Nhưng ở đây, có lẽ là: “Tóc mai sợi ngắn sợi dài. Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm”.
Đồng tiền kẽm, “Tiền tài như phấn thổ, nhân nghĩa tợ thiên kim”.
Đến đó, cô hầu thấy được sự bí mật của gói giấy phải cho quan huyện hay rồi xin minh oan cho người kia. Để trễ nãi, mấy đứa lính hầu sẽ bịa ra nhiều tội, vu cáo cho người đàn bà dốt chữ nhưng lại biết “Văn chương thi phú”. Cô chạy ra ngoài báo tin. Quan huyện thoạt tiên không đồng ý với lối giải thích ấy, nhưng lát sau, cô hầu ráp lại từng câu cho vần điệu ăn với nhau:
“Ở đây Chợ Quán thêm sầu,
Cơm ăn chẳng được, ăn trầu giải khuây.
Tóc mai sợi ngắn sợi dài,
Lấy nhau chẳng được, thương hoài ngàn năm. Tiền tài như phấn thổ
Nhơn nghĩa tợ thiên kim
Trầm hương khó kiếm, anh tìm cũng ra. Linh đinh vịt lội giang hà,
Nói ra tốt lớp, bạc đà trao tay.
Nhiều sương cỏ mới bạc đầu,
Thương anh em chịu thảm sầu từ đây”.
Sau vài câu gạn hỏi, quan huyện bèn cho phép thiếu phụ nọ vào trại giam gặp mặt chồng và người chồng được tha tội, sau khi ký giấy hứa trả tiền ho chủ nợ.
Cô hầu trông theo tận cổng, bồi hồi. Vợ chồng người nọ ra về, vui mừng “thương hoài ngàn năm” trong thực tế. Đâu như trường hợp cô, tuổi trăng tròn, được cậu học trò nghèo gấm ghé nhưng ở đây, sống bất đắc dĩ với người chồng già làm vợ lẽ. Cô vuốt mái tóc, gió nhẹ thổi phất phơ, chợt nhớ đến sợi tóc gói trong bức thơ không viết ra chữ, nhưng cụ thể là tình nghĩa, là nhịp phập phồng của con tim nóng sốt.
- Tóc mai sợi ngắn sợi dài... *
**
Ca dao ngày xưa ở Bến Nghé còn nhiều. Xin nói qua một câu chuyện có thật về cơ bản nêu lên đức tính của người phụ nữ Việt khi giặc Pháp mới qua. Nhiều ông kỳ lão còn kể chuyện cô gái bị thả bè chuối trôi sông làm nội ứng trong đồn giặc. Có người quả quyết: Chính một cô gái giết tên quan Bạc-bê (Barbé) ở nội thành cuối năm 1860. Xin điều chỉnh lại cho đúng lời ăn tiếng nói lúc bấy giờ: Không gọi quan ba nhưng là quan ba khoanh; cái khoanh bằng vải, thêu kim tuyến xỏ vào cầu vai áo của bọn sĩ quan Pháp, làm hiệu cho quân hàm. Thuở ấy, chức quan ba khoanh to lắm. Quân đội Pháp suốt thời gian dai dẳng trước tháng 2 năm 1861 đặt dưới quyền chỉ huy tối cao của một quan ba hải quân, tại Sài Gòn, vì quân số ít ỏi. Trong quyển sách xưa khó tìm, nhan đề “Vài chuyện sinh hoạt của người An Nam” gồm nhiều chuyện ngắn, nội dung là thật nhưng thêm phần hư cấu, ta thấy nhắc đến vụ phục kích giết tên Bạc-bê. Hai tác giả của quyển sách nói trên có ý bêu xấu vị anh hùng Trương Định, chứng tỏ là vào những năm vừa đặt chân lên đất Sài Gòn, giặc rất sợ Trương Định và nghĩa quân.
Cô Hai, tạm gọi nhân vật chính, là con nhà nông vào hạng đủ ăn, xinh đẹp. Trong đám trai làng người được cô gởi gắm nhiều tình cảm nhất là Tri.
Nhà Tri nghèo, học hành dang dở vì vậy anh chỉ dám nhìn lén, chào hỏi khi hằng ngày cô Hai đi chợ, qua đình làng. Nước nhà đang hồi biến đổi. Tàu giặc đánh phá Đà Nẵng rồi vào Nam, quyết chiếm thành Gia Định. Quân đội ta từ Biên Hòa kéo về, đông đảo, trong số đó có một viên lãnh binh lớn tuổi, tên là Sắt. Cha mẹ cô Hai đồng ý gả cho viên lãnh binh, sau khi nhận số tiền khá to. Giặc đến ông ta giữ vòng ngoài của đồn Cá Trê án ngữ thành Gia Định, bị thương nhẹ, đành rút lui hối hả. Cô Hai làm phận sự người vợ hiền, tận tụy chăm sóc chồng. Ông ta bị khiển trách nên nổi giận, đổ lỗi cho kẻ dưới: căng nọc, đánh lính 20 roi. Đánh bằng roi tre, đập cây tre cho dập rồi đánh thẳng tay. Nạn nhân phải đếm từng roi ai quên thì đánh trở lại từ một roi mà đánh thêm. Đủ số roi quy định, còn hình phạt bổ túc là đổ chén muối ngâm trong giấm chua lên vết thương đẫm máu ở hai bên mông của nạn nhân. Chưa hết. Còn bắt buộc nạn nhân quỳ lạy tạ ơn “Quan trên” trước khi lê lết về trại.
Bấy giờ, quân sĩ ta lo củng cố đại đồn Phú Thọ. Nghĩa quân và nghĩa dân từ vùng lân cận, có lính đồn điền của Trương Định vội vã kéo đến.
Giặc đóng đồn rải rác tại Trường Thi, chùa Khải Tường, đền Hiển Trung, chùa Kiểng Phước, chùa Cây Mai để nối liền Bến Nghé vào Chợ Lớn. Khỏi đồn non trăm thước là khu vực ta kiểm soát, bấy giờ cây cối sầm uất. Quân ta hoạt động đến tận khu vực Trường Thi, hành dinh lớn nhất của giặc, và Mô Súng (góc đường Cách mạng tháng Tám và Kỳ Đồng) như lời cụ Đồ Chiểu ca ngợi bài văn tế Trương Định.
Trở lại câu chuyện, cô Hai lo thu góp lương thực cho đại đồn Phú Thọ. Tri, người yêu đầu tiên của cô, từng tham gia nghĩa quân trong tình hình mới, hai người thường gặp nhau, ít khi bị dư luận soi mói. Đồng bào đang lo giữ nước. Người chồng cô Hai căm tức khi nghe quân hầu báo cáo thái độ thân mật của cô khi gặp Tri, nhưng Tri không phải là quân sĩ dưới quyền chỉ huy trực tiếp thì khó bề gọi đến để chửi mắng trả thù. Tên lãnh binh theo dõi, thưởng tiền cho quân hầu với vài lời căn dặn: “Bọn mi làm nhanh, để ta rảnh trí”.
Cứ đôi ba ngày, Tri và cô Hai gặp nhau bàn bạc về cách thức gom tiền và vận chuyển lúa gạo về kho.
Một buổi xế trưa, Tri đang thơ thẩn chợt thấy tên quân hầu gọi:
- Cậu à, việc cần kíp lắm, tìm mãi không gặp cậu.
Tri được biết chú lính này lo công việc nhà kho cho lãnh binh. Hắn nói rõ: “Cô Hai muốn gặp cậu để hỏi về số lúa gạo giao lên Thuận Kiều, bộ sổ ghi lầm như thế nào đó”. Rồi hắn thuyết phục: “Việc công, không nên trì trệ, quan lớn mấy ngày rày đi Biên Hòa để tập dợt binh sĩ. Cô Hai bảo là chờ cậu ở nhà”. Tri tin lời, đến ngay nhà tên lãnh binh, quả thật phía trước nhà im lặng, không một bóng người. Tên quân hầu chạy xuống nhà sau, trở lên nói:
- Cô Hai nấu cơm, cậu xuống nhà mà bàn bạc.
Tri vội vã theo chân tên quân hầu. Hắn đưa anh vào nhà bếp rồi hắn bước ra cửa sau, đến mé vườn. Anh đi theo bén gót. Nhưng hỡi ơi, vừa ra khỏi ngưỡng cửa phía sau thì tiếng tên lãnh binh quát to:
- Thằng súc sanh bắt nó tại trận.
Tri nghe tiếng cô Hai cãi lại:
- Ai làm gì hại tôi? Cái thằng lính hầu này...
Trễ rồi. Bấy giờ cô đang ở trong buồng tắm, kiểu buồng nhỏ dựng giữa trời, bốn phía có những tấm dừa nước che lại. Tên lãnh binh tri hô lớn. Bọn lính chạy tới, tuân lệnh đi tìm nhà ông hương giáo trong ban hội tề để cấp báo. Cô Hai đành chịu thua vì tên lãnh binh đã cất mớ quần áo mà trước khi vào buồng tắm cô đã cởi ra. Ông hương giáo và viên chức trong ban hội tề là tên lãnh binh và bọn tay sai dùng dao mà cưỡng bức, cởi quần áo Tri. Theo lời buộc tội của tên lãnh binh thì cô Hai và Tri là hai kẻ lăng loàn bị bắt quả tang. Hắn ra lệnh cho hương chức làng dùng hình phạt nặng nhất: Thả bè chuối trôi sông để làm gương. Bọn lính hầu nhanh tay làm công việc do tên lãnh binh sắp đặt sẵn, cô Hai và Tri chửi mắng tuyệt vọng, hương chức và dân chòm xóm toan can thiệp nhung bị đuổi ra xa.
Chùa Khải Tường ở trên gò cao vùng trung tâm Bến Nghé. Thời trước, chung quanh chùa là nhà cửa sang trọng. Việc tu bổ nhà chùa gần như hoàn hảo, luôn luôn vàng son tráng lệ. Khi chiếm thành Gia Định, giặc bày trò khủng bố không chấp nhận những di tích “ngoại đạo” ở xứ mà chúng xem là thuộc địa. Chùa đóng cửa rồi trở thành cứ điểm quan trọng, nằm trong chiến tuyến chạy dài vào Chợ Lớn. Tên quan ba Bạc-bê đem quân đến, đưa tượng Phật ra sân, cưỡng bức sư sãi rời khỏi nơi tu hành. Có sử liệu mô tả hắn to lớn, đẹp trai, qua Nam Kỳ với óc tự tôn lãng mạn. Bấy giờ, bên phương Tây có tâm lý thoát ly thực tế tìm đến những rừng rậm hoặc hải đảo mà từ sông rạch, cây cỏ, giọt sương cho đến con người dường như còn man dại, hồn nhiên. Hắn thích săn bắn. Vùng nhiệt đới xứ ta là nơi hắn muốn khám phá điều mới lạ. Như đã nói, nhờ trú đóng ở chùa Khải Tường sát hành dinh cũ của quân đội viễn chinh mà hắn sống vẫn yên lành, chưa bị khuấy rối đáng kể. Một sáng nọ, như thường lệ, hắn hút thuốc xì gà, cưỡi ngựa đi săn ở phía bờ sông Bến Nghé (mà giặc gọi là sông Sài Gòn). Bên yên ngựa hắn gài theo cái bình đầy rượu. Với thái độ tự tin, hắn luôn luôn đi một mình. Ngựa phi nhanh theo con đường mòn, qua cầu Thị Nghè rồi rẽ bên phải ra mé sông, sương mù vừa tan, chim bay từng đàn trên rặng bần.
Đột nhiên, ngựa dừng lại, hí lên. Hắn trố mắt, trước cảnh tượng quá lạ lùng đối với hắn. Sát bờ sông, trên cái bè nhỏ gồm bốn năm cây chuối kết lại là một người đàn ông là một người đàn bà trần truồng nằm sát vào nhau, trói chặt. Hai con sấu hung hăng bám chiếc bè, đập đuôi, nước văng lên trắng xóa. Hắn bắn một phát chỉ thiên. Sấu lặn mất. Người con gái trên bè thì rên hừ hừ, cố quơ tay. Người con trai chắc là đã chết, cụt mất một chân, quạ bay chờn vờn trên cao. Hắn bước xuống bãi bùn. Con nước lớn đẩy đưa chiếc bè đến gần. Lập tức hắn mở trói, vác người con gái lên vai. Người con gái nấc lên, kêu rú nhìn lại xác chàng trai còn lại trên bè. Nhưng hắn chỉ chú ý đến người con gái còn sống, nóng ấm, với vóc dáng đều đặn, mái tóc đen huyền rối nùi. Từ khi qua Sài Gòn chưa bao giờ hắn gặp một người con gái bổn xứ đẹp như thế này, mặc dầu mồ hôi, bụi bặm đã bám dày trên làn da mỏng bị cháy nắng có lẽ từ hai ngày qua.
Bọn lính lê dương, bạn bè hắn bu lại chùa mà xem. Hắn thuật lại những gì đã thấy và cương quyết làm theo ý muốn: Cứu sống cô gái vì cô phảng phất nét duyên dáng lạ thường. Hắn pha nước nóng cho cô uống. Hắn gọi y sĩ đến, nhờ chữa trị nhanh. Vài giờ sau, cô trở nên tỉnh táo. Hắn dọn phòng cho cô nằm. Hôm sau tên bá hộ ở Bình Điền làm do thám cho hắn lại đến, suy nghĩ rồi can gián:
- Không nên chứa chấp cô gái này.
Tên quan ba hất hàm:
- Tại sao vậy? Giải thích cho ta nghe...
- Cái tục lệ thả bè chuối trôi sông để trừng trị bọn người lén lút tình tự chắc là quan lớn không hiểu nổi. Quan lớn khó đề phòng sự trả thù.
Tên quan ba mỉm cười, đuổi tên bá hộ ra ngoài.
Người còn sống trên bè không ai khác hơn là cô Hai. Bị đặt vào hoàn cảnh khó xử, cô thao thức, nhớ cha mẹ, làng xóm, đặc biệt là thương tiếc Tri. Dưới mắt cô, tên lãnh binh không xứng đáng là người. Hắn cố ý gài bẫy để giết Tri và cô, đúng theo lệ làng, cho hả cơn ghen tức. Trong hoàn cảnh nước mất nhà tan tên lãnh binh lại có dư thời gian để nghĩ đến chuyện thâm độc và lợi dụng quyền hạn.
Ở mãi nơi này chăng? Cái dã tâm của tên quan ba là lợi dụng về xác thịt. Hắn gọi tên thông ngôn đến để hắn học tiếng Việt; đôi khi hắn bỏ ra thời giờ để dạy cô từng tiếng Pháp. Hắn hứa xem cô là vợ, đem về bên Pháp, hoặc nếu như cô muốn thì hắn xin trưng khẩn vài trăm mẫu đất ở ngoại ô Sài Gòn mà lập vườn, mướn người cày cấy; quân Pháp đủ sức chiếm trọn Nam Kỳ, đồn Chí Hòa sẽ mất nhanh chóng. Cô Hai tủi thân nhưng biết che giấu tình cảm. Sớm muộn gì tên quan ba cưỡng ép ăn ở chung, còn gì nhục nhã cho bằng. Giờ này, bao nhiêu nghĩa quân nghĩa dân đang đào hầm, đắp lũy phía Chí Hòa để giữ nước. Cô phải trốn về xóm cũ mà góp phần. Nhưng bóng dáng người chồng khốn nạn đầy quyền thế còn đó, ông ta sẽ tiếp tục trả thù, chưa biết bằng cách nào, nhưng thà trở về xóm rồi chết cũng hả dạ.
Sức khỏe cô Hai đã hoàn toàn bình phục, lại nhờ ăn uống đầy đủ nên nhan sắc thêm phần hấp dẫn đối với tên quan ba. Cô giả vờ như có thể yêu hắn, xin được về thăm nhà rồi đưa cha mẹ tản cư đến gần đồn. Tên Bac- bê chấp thuận ý kiến ấy. Khi rời chùa cô Hai như bịn rịn. Hắn cầm giữ lại để dạy nán thêm đôi tiếng Pháp, cô làm theo lời. Hắn khen ngợi: Thông minh lắm, vài tháng sẽ học xong những tiếng thông thường.
Cô Hai trở về. Tên lãnh binh ngạc nhiên, trong khi bao người trong xóm đến mừng rỡ, thăm viếng, đặc biệt là mấy ông kỳ lão. Khi cô hỏi về lệ làng, các ông đều nói dứt khoát người có tội chỉ chịu xử phạt một lần mà thôi. Tri đã chết vì sấu ăn đã đành, nhưng cô còn sống mà trở về đây là do bổn mạng còn lớn, chẳng ai được quyền xử cô lần thứ hai. Hơn nữa, tên lãnh binh đã bị giáng chức, Trong vùng giặc chiếm, tướng Nguyễn Tri Phương giao mọi việc về do thám cho Quản Định tức là Trương Định.
Tưởng rằng trong những ngày sắp tới mình được yên ổn để giúp cho nghĩa quân, cô Hai về nhà mẹ mà ở.
Tên lãnh binh nào chịu thua, ngày nào cô Hai còn sống trên cõi đời này là ngày ấy hắn thấy nhục nhã. Hắn không dám đánh đập, giết hại, vì cô không còn là vợ hắn nữa, bản án đã thi hành xong xuôi rồi. Tuy nhiên, hắn nghĩ ra mưu kế: Bắt giữ cô Hai về tội hành nghề mãi dâm với giặc. Cô Hai đành lắc đầu thở dài: Con người độc ác đến thế là cùng. Mấy ngày qua hắn bắt một số gái điếm tới lui trong làng, bọn này lân la làm tình với quân sĩ của triều đình, gây nhiều vụ cãi vã náo động. Cô Hai bị giam chung một hố với ba bốn cô gái điếm... Tên lãnh binh vốn giàu tưởng tượng cho đào cái hố thật sâu như miệng giếng, dưới đáy không có nước. Hắn cho các cô ăn no rồi căn dặn làm theo ý hắn. Cô vừa bị ném xuống, cả bọn cười vang, chế riễu rồi bắt buộc cô phải ăn mớ xương cá, cơm hẩm. Cô Hai không ăn, ném bỏ, các cô không thấy được vì chung quanh là bóng tối om om, ngày như đêm. Tên lãnh binh lại ra lệnh mới. Các cô dùng sức mạnh của số đông mà căng tay chân cô Hai rồi đánh đập, chửi tục. Cô Hai chẳng đủ sức cựa quậy. Rồi đến lượt thứ ba, lúc ban đêm, các cô gái điếm sau khi ăn uống no nê như là phần thưởng lại được lệnh cởi truồng cô Hai trong khi từ trên miệng hố vài tên lính đốt đuốc rọi xuống, cười ầm ĩ.
Quản Định đi tuần ngang qua ấy, ghé lại. Quản Định ra lệnh chấm dứt trò đùa đem cô Hai lên mặt đất. Tên lãnh binh tránh né trách nhiệm, bảo là quân sĩ của hắn tự ý trêu cợt khi say rượu, hắn không hề hay biết. Và hắn giả vờ trừng phạt vài đứa để làm gương.
Khi gặp Trương Định, cô Hai thuật đầu đuôi tự sự và hứa sẽ làm mọi việc dù chết cũng vui lòng. Trương Định khuyên cô kiên nhẫn chờ đợi vài ngày. Thỉnh thoảng, Trương Định gọi cô đến nơi trú quân, gần đồn Phú Thọ. Cô không ngờ là nghĩa quân hoạt động không ngừng. Nhiều người giả dạng đi buôn thúng bán bưng, như thầy thuốc để ra vào Bến Nghé. Họ nói vài tin tức mà cô nghe lóm phần nào. Bọn Pháp dời đại bác từ đền Hiển Trung đến chùa Khải Tường hoặc đưa thêm lính vào chùa Cây Mai. Lại còn những chuyện nghe xốn xang, như bọn chúng lùng bắt đồng bào ở bến Thủ Thiêm, hoặc ban đêm, chúng rình quãng đường mà nghĩa binh thường lui tới, vài nghĩa quân bị bắt, tra tấn dã man, phơi nắng suốt ngày, không cho ăn uống rồi bắn bỏ xác.
Trương Định bàn bạc cặn kẽ với cô về các chi tiết cần thiết. Cô xin bộ quần áo lụa tốt, để chứng tỏ cô là người giàu có. Cô chải tóc suôn sẻ, thỉnh thoảng soi gương mỉm cười.
Tên quan ba Bạc-bê chờ đợi. Hắn uống rượu một mình, nhìn con đường quanh co mà hắn thường cỡi ngựa ngày ba lần để đi tuần tra phía Chợ Lớn. Cỏ mọc ngập đầu, gần như che lấp mấy ngôi nhà sụp đổ với lu hũ bể nát, bàn ghế, cột kèo cháy nám. Từng hàng cau xơ xác, thiếu chăm sóc; dây trầu thì đung đưa cố bám
víu vào cây cọc đã gãy. Bọn sĩ quan đến uống rượu với hắn, chế giễu:
- Chú mày si tình vừa phải thì thôi. Khôn ngoan như thế mà bị đứa gái nhà quê lường gạt. Uống rượu cho vui, chờ viện binh từ Thượng Hải trở về để đánh giặc.
Tên quan ba gật đầu không đáp, hút thuốc xì gà liên tiếp nhiều điếu. Chừng bạn bè ra về, hắn ra trước sân tính nhẩm: đã năm ngày rồi, năm ngày yên tĩnh mà đối phương tuyệt nhiên không khuấy rối. Nắng ráo, cuối năm, mặt trời xuống nhanh, đợt sương mù lủng lẳng nhuộm mờ ngang đọt cau. Bọn quân canh đến báo tin:
- Có bà lão nói cô Hai hôm trước và gia đình cô ta tìm gặp quan lớn.
Hắn nói nhanh:
- Bây giờ ở đâu? Cho họ tới đây.
- Bà lão nói quân canh đằng kia chặn lại vì bà gánh theo đồ đạc, quần áo, mùng chiếu phải lục soát.
Lập tức tên quan ba lên ngựa. Và như thường lệ vài tên lính Pháp theo sau hộ vệ. Hắn quay lại:
- Tao đi một mình được rồi. Chúng bây giữ đồn. Ai hỏi nói năm phút tao trở về.
Đằng xa thấp thoáng dáng bà lão đang gồng gánh. Ngựa phi nhanh trên con đường quen thuộc đi đến đền Hiển Trung với khúc quanh - nay phỏng đoán khúc đường Võ Văn Tần quẹo trái ăn vào đường Cách mạng tháng Tám. Ngựa chạy chậm lại. Hắn không ngạc nhiên vì cô Hai đã xuất hiện và cô đưa tay lên làm dấu hiệu khi còn cách xa chừng mười thước. Nghĩa quân ào ra, sát bên. Người và ngựa đều lúng túng, phản ứng không kịp hắn kêu hoảng té xuống, con ngựa cũng bị đâm ngã quỵ. Nghĩa quân cắt hai cái cầu vai có gắn phù hiệu ba khoanh và cắt luôn cái thủ cấp. Bọn lính hộ vệ của hắn chạy ngựa tới nhưng nghĩa quân đã rút nhanh mất dạng. Trời sụp tối. Tiếng súng nổi lên vu vơ với tiếng quát tháo.
Đợi sáng hôm sau bọn Pháp mới dám trở lại, con ngựa còn thoi thóp. Chúng lục soát, không bắt được ai cả. Bạn bè làm lễ an táng cho tên Bạc-bê khá long trọng.
Một thắng lợi của nghĩa quân trong nội thành. Nhưng hơn hai tháng sau, viện binh của giặc từ Thượng Hải đến Sài Gòn, đánh lên Phú Thọ. Thành bị hạ, tuy khí giới thô sơ nhưng quân và dân ta chống cự can đảm. Nghĩa 301 quân liên tiếp quấy rối nội thành, rồi rút về ngoại ô trong
khi lực lượng chính yếu của Trương Định lo bố trí căn cứ ở Gò Công bấy giờ thuộc tỉnh Gia Định.
Những ngày ấy, cô Hai ở đâu, chẳng ai rõ chi tiết, nhưng trong dân gian cư truyền tụng giai thoại người thiếu phụ bị thả bè chuối trôi sông, bị giặc bắt rồi góp công giết giặc. Năm tháng trôi qua, nào ai biết cô Hai sống bao nhiêu tuổi, chết trong trường hợp nào, có lấy chồng và sanh con đẻ cái chăng? Con người sớm muộn gì cũng chết thôi. Hơn trăm năm rồi. Cái còn mà ta nhắc nhở là phụ nữ Việt Nam đã tích cực chống giặc giữ nước, có truyền thống. Sự tham gia ấy có phần gay go, đòi hỏi hy sinh lớn lao hơn cả giới đàn ông, thêm bao ràng buộc, kỳ thị, đối xử dã man của thời phong kiến.
Chùa Khải Tường ở sát ngay sau ngôi nhà to nay dành trưng bày tội ác Mỹ - ngụy tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bao nhiêu chứng cứ dồi dào, đa dạng trưng bày trong phòng gây xúc động vô hạn vì đó là sự nối tiếp của tội ác thời phong kiến nhà Nguyễn, tội ác của thực dân cũ.
Sử cho biết: chùa Khải Tường xây theo lệnh của Minh Mạng để đánh dấu cuộc đất nơi chào đời của mình. Thời Tự Đức, đó là địa phận của Tân Lộc lân. Lân là đơn vị hành chánh như một xã nhỏ. Tân Lộc, lộc mới. Lộc nảy ra. Rườm rà, trong hoàn cảnh khó khăn, ta nghe thêm một câu hát từ thời ấy:
Chừng nào Chợ Quán hết vôi,
Thủ Thiêm hết gạo, em thôi đưa đò.
Bắp non mà nướng lửa lò,
Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm.
Con đò Thủ Thiêm cũng giúp nghĩa quân, chống giặc ở mức khiêm tốn, không ai biết tên tuổi, như trường hợp cô Hai. Mà biết để làm gì? Biết là cô gái Bến Nghé, cô gái Việt Nam thế cũng đủ.
Về sau, khuôn viên của chùa trở thành trường học của con trai nhằm đào tạo giáo viên. Năm 1880, chùa bị dỡ, trương dời qua cơ sở mới là trường Xách-xơ-lu (Chasseloup Laubat) xây cất xong khoảng 1877, Pho tượng Phật của chùa Khải Tường, tạc bằng cây, trưng bày tại Viện bảo tàng Sài Gòn, thời Pháp.
Tư liệu liên quan đến chuyện này rút từ Henri Le Verdier et H.Maubryan. Scenes de la vie annamite. Khi - hoa (Recueil de nou- velles) Paris, 1884. Pháp lấy tên Bạc-bê đặt cho con đường này, nay là Lê Quý Đôn vì đường này ở bên hông chùa Khải Tường mà chúng gọi chủa Bạc-bê, đồn Bạc-bê.
Sơn Nam
Nguồn: Đất Gia Định, Bến Nghé Xưa, Người Sài Gòn
Ý kiến bạn đọcVui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.
|
|