Jan 15, 2025

Tiểu luận - Tạp bút

Sửa Truyện Kiều - Xúc phạm Nguyễn Du!
Bùi Đức Toàn * đăng lúc 08:27:20 AM, Nov 15, 2017 * Số lần xem: 2886
Hình ảnh
#1

 Cuốn “Truyện Kiều Nguyễn Du với tiếng Việt hiện đại, phổ thông, đại chúng và trong sáng” của tác giả Đỗ Minh Xuân do NXB Văn hóa-Thông tin ấn hành năm 2012 có những biểu hiện rất lạ. Thứ nhất là nội dung Truyện Kiều bị sửa tới hơn 1000 chữ, sai hẳn so với Truyện Kiều vốn tồn tại từ xưa tới nay; thứ hai là cuốn sách lại được GS. Vũ Khiêu viết lời tựa.

Tùy tiện sửa Truyện Kiều là việc làm cần phải được chấn chỉnh nghiêm khắc. Bởi Truyện Kiều là một di sản văn học lớn của dân tộc. Thế mà cuốn sách này lại được NXB Văn hóa-Thông tin in ấn mới lạ. Lạ hơn nữa, GS. Vũ Khiêu lại là người viết lời tựa.

sua truyen kieu xuc pham nguyen du

Trong lời tựa, GS.Vũ Khiêu viết rằng: "Với một tinh thần khoa học rất nghiêm túc, ông tìm lại hầu hết các bản Truyện Kiều từ trước đến nay, so sánh các dị bản, tìm đọc hầu hết các bài đã bình luận, phân tích tác phẩm và tác giả Truyện Kiều. Từ đó, ông đã có ý tưởng lớn là làm thế nào để phổ cập hóa Truyện Kiều cho quảng đại công chúng, ông gạt bỏ những câu chữ khó hiểu từ tiếng Hán để thay bằng ngôn ngữ thuần Việt trong Truyện Kiều…Tôi hoan nghênh công phu nghiên cứu của ông Đỗ Minh Xuân và tin rằng cuốn sách này của ông là một đóng góp đáng kể vào việc nghiên cứu Truyện Kiều…”.

Những lời cổ súy cho cuốn sách như trên khác nào quảng bá thương hiệu cho cuốn sách và khẳng định việc sửa Truyện Kiều là việc làm đúng đắn!?

Không biết tác giả Đỗ Minh Xuân đã cho phát hành chính thức bao nhiêu cuốn sách ra thị trường nhưng tại một cuộc hội thảo về Nguyễn Du tại Hà Tĩnh, ông đã tặng mỗi đại biểu một cuốn nhưng là bản photocopy. Ông Hồ Bách Khoa, Giám đốc khu di tích Nguyễn Du cũng xác nhận là ông được tặng một bản và hiện vẫn còn giữ.

Theo một bài viết trên Tạp chí Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam thì ông Đỗ Minh Xuân đã chữa hơn 1.000 đơn vị từ của Truyện Kiều, với tinh thần “phổ cập hóa Truyện Kiều cho quảng đại công chúng” như “lời vàng ngọc” của ông Vũ Khiêu! Truyện Kiều có 3.524 câu, như vậy ông Xuân đã sửa đến 1/3 kiệt tác của đại thi hào. Lý do ông đưa ra là “chữ nghĩa của Truyện Kiều rườm rà, trùng lặp, không hay, thiếu logic, trái văn cảnh…” nên ông sửa lại cho phù hợp!

Có thể khẳng định rằng, ông Xuân là người đầu tiên dám nhận xét phê phán Truyện Kiều của Nguyễn Du như thế! Vốn là kỹ sư cơ khí ô tô, ông cũng là người đầu tiên đi làm cái việc sửa thơ như thế.

Cụ thể thì tác giả Đỗ Minh Xuân đã sửa Truyện Kiều như thế nào?

Ngay đoạn mở đầu, Truyện Kiều có câu: “Trải qua một cuộc bể dâu” được ông lý giải rằng: “Trong đời người, đâu chỉ có một cuộc bể dâu? Phải dùng “mỗi” mới hợp”. Thế là ông chữa thành: “Trải qua mỗi cuộc bể dâu”. Và câu tiếp theo: “Lạ gì bỉ sắc tư phong” đã biến thành “Mỗi người thứ có thứ không”. Ô hay, có và không có cái gì nhỉ?

Câu “Lạ lùng nàng vẫn tìm đường nói quanh” được chữa lại là “Lạ lùng Kiều tạm tìm đường nói quanh” rồi tự khen chữ “tạm” của mình hay hơn chữ “vẫn” của Nguyễn Du. 

Câu “Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường” được ông Xuân chữa lại là: “Nửa in gối lẻ nửa soi dặm trường”

Và câu “Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang” đã thành “Xăm xăm đè nẻo đánh liều lần sang!”… 

Cứ như thế, ông tự khen những câu Kiều mà ông đã chữa, “hay hơn hẳn của Nguyễn Du”!

Chết thật! Thiên hạ sao giờ lắm người cuồng vĩ và lộng ngôn như thế? Mà lại có GS. Vũ Khiêu khả kính tung hô thì làm gì ông Xuân chẳng hồn nhiên tự sướng thêm!

Mà theo cách lý giải của cụ Vũ Khiêu thì ông Xuân đã “gạt bỏ những câu chữ khó hiểu từ tiếng Hán để thay bằng ngôn ngữ thuần Việt trong Truyện Kiều”. Vậy, bạn đọc xem lại các chữ “vẫn”, “chiếc”, “một” và “Lam Kiều” của Nguyễn Du có phải tiếng Hán đâu mà phải thay. Nó đều thuần Việt cả đấy chứ! Vì thế, các chữ thô thiển được thay vào đã làm hỏng ý tứ của câu thơ.

Bao đời nay, người Việt Nam đều biết đến Đại thi hào Nguyễn Du (1765 - 1820) qua tập Truyện Kiều, một câu chuyện nhân tình thế thái bằng những áng thơ bất hủ, được thế giới tôn vinh. Thế mà bây giờ, lớp hậu thế lại có người tùy tiện sửa thơ của cụ. Đó chẳng phải là hành vi phạm thượng, bất kính với bậc tiền nhân?

Cụ Nguyễn Du có tên tự là Tố Như. Hơn 300 năm trước, trong bài thơ “Độc tiểu thanh ký” của cụ có câu: “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như? (Không biết hơn ba trăm năm sau/ Thiên hạ ai người khóc Tố Như?). Xin cụ hãy yên lòng, thiên hạ không ai phải khóc Tố Như cả mà vẫn luôn luôn nhớ cụ với tấm lòng đầy ngưỡng mộ và kính phục.

Thấu hiểu giá trị nhân đạo sâu xa của Truyện Kiều và tấm lòng hết sức sâu đậm của thi hào Nguyễn Du nên trong “Bài ca mùa xuân 1961”, nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Trải qua một cuộc bể dâu/Câu thơ còn động nỗi đau nhân tình/Nổi chìm kiếp sống lênh đênh/ Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều”. Và với sự cảm thông, kính trọng sâu sắc ấy, mấy năm sau, trong bài “Kính gửi cụ Nguyễn Du”, Tố Hữu lại viết: “Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du/ Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày”.

Chỉ có điều, chắc cụ không bao giờ nghĩ tới là hơn 300 năm sau lại có người chữa thơ của cụ. Nếu biết được chuyện này của cháu con hậu thế, chắc cụ cũng đánh cho chữ “Đại xá” mà ngậm cười nơi chín suối!

Từ xưa, hầu như người Việt Nam đều thuộc Truyện Kiều, mặc dù rất nhiều người không biết chữ. Họ lẩy Kiều, bói Kiều, vịnh Kiều, đố Kiều. Có khi vui, họ cũng “biên tập” lại vài câu để giải trí bằng miệng với nhau như: “Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau” được đọc là: “Trăm năm trong cõi người ngô/ Chữ tài, chữ mệnh khéo vồ lấy nhau”.

Còn khi đố nhau đọc “một câu hết Kiều”, tức cả Truyện Kiều chỉ gói gọn trong một câu thơ thì người ta đã biết ghép câu đầu tiên với câu kết thúc của Truyện Kiều: “Trăm năm trong cõi người ta/ Mua vui cũng được một vài trống canh”… Nhưng đó chỉ là chuyện vui truyền miệng của từng nhóm người, thể hiện sự yêu mến Nguyễn Du và Truyện Kiều. Còn việc sửa chữa, in ấn và phát hành chính thức một bản Truyện Kiều, làm sai lệch nội dung vốn có xưa nay, khiến hàng vạn, thậm chí hàng triệu người bây giờ mới đọc Kiều bị tiếp thu sai lệch theo là hết sức nguy hại, là xâm phạm di sản. Còn việc tự cho chữ của mình “hay hơn Nguyễn Du” như ông Đỗ Minh Xuân là xúc phạm tiền nhân.

Bức xúc với cuốn sách này, tác giả Phan Lan Hoa đã tập Kiều, gửi hai vị “hậu sinh khả úy” Đỗ Minh Xuân và Vũ Khiêu, trong đó có đoạn rằng:

“…Hỏi sao ra sự lạ lùng?

Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê!

Sao chẳng biết ý tứ gì

Tuy rằng vui chữ, lại bia miệng cười…”

Truyện Kiều là di sản văn hóa của dân tộc. Thiết nghĩ, Nhà nước phải có một bản Truyện Kiều chuẩn mực, được pháp luật bảo vệ để không ai có quyền sửa chữa tùy tiện được!

Đỗ Minh Xuân là ai?

Ông Đỗ Minh Xuân sinh ngày 6-1-1934 tại thôn Điềm Xá, xã Minh Phượng, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên trong một gia đình nhà Nho, làm nghề dạy học và bốc thuốc Bắc. Ông được học chữ Hán, chữ quốc ngữ và một ít tiếng Pháp. Năm 18 tuổi ông tham gia kháng chiến tại địa phương.

Ông tốt nghiệp (Hạng ưu) Khoa cơ khí, ngành thiết kế chế tạo ôtô ở Hung ga ri năm 1963. Ông được kết nạp Đảng trước khi về nước, tại Chi bộ Đoàn lưu học sinh Việt Nam tại Budapest.

Khi về nước, ông công tác tại Phòng Thiết kế, Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo - Hà Nội, phụ trách thiết kế động cơ Diesel cỡ nhỏ (7,5 CV) cho máy bơm nước

1965 ông được điều vào phục vụ quân đội, học lớp Trợ lý rađa, được phong trung uý và về Phòng Kỹ thuật Nhà máy sửa chữa rađa. Ông đã có mặt tại chiến trường Lào, Căm pu chia. Sau kháng chiến chống Mỹ, ông làm Chủ nhiệm kỹ thuật sư đoàn và năm 1986 thì nhận quyết định nghỉ hưu với hàm trung tá. Ông làm Chủ tịch Hội CCB xã 3 khóa (1990 đến 2001).

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.