Jan 14, 2025

Tiểu luận - Tạp bút

Đắng Cay Của Một Người Tù
Đỗ Bình * đăng lúc 05:38:30 PM, Jun 26, 2023 * Số lần xem: 942
Hình ảnh
#1

* đăng lúc 04:21:28 PM, Feb 29, 2017 * Số lần xem: 615

*              


             Đắng Cay Của Một Người Tù


 Nhà văn Duyên Anh tên thật là Vũ Mộng Long, những bút hiệu khác là Thương Sinh, Mõ Báo…Ông sinh ngày 16 tháng 8 năm 1935 tại làng Tường An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, Xuất thân trong một gia đình nghèo. Di cư vào Nam năm 1954, ông từng làm đủ nghề : giữ xe đạp, quảng cáo cho gánh xiệc bán thuốc kiểu Sơn Đông mãi võ, kèm trẻ tư gia, theo Đại Việt Duy Dân lên Ba nmê thuột làm cách mạng được vài tháng bỏ xuống Long Xuyên dạy học ở các trường bán công Hòa Hảo được một thời gian lại về Mỹ Tho mở lớp trường dạy đàn guitare tại gia, rồi lại bỏ trở về Sài Gòn, ở đây ông được nhà văn Nguyễn Mạnh Côn thương mến nâng đỡ hướng dẫn vào con đường văn chương, tác phẩm đầu tay Hoa Thiên Lý đã nổi tiếng, tiếp theo là những tác phẩm Thằng Côn,Thằng Vũ, Con Thúy được độc gỉa yêu thích, nhất là đối với những độc giả di cư, văn của ông rất lãng mạn đầy hoài niệm về thời kỳ ấu thơ tại quê hương miền Bắc. Tên tuổi của Duyên Anh sáng chói trong lòng giới mộ điệu và từ đó sự nghiệp văn chương của ông thăng tiến. Ngoài nghề viết văn, ông còn làm ký giả, chủ bút, chủ báo, giám đốc nhà xuất bản. Duyên Anh đã cộng tác với hầu hết những tờ báo lớn ở miền Nam trước năm 1975 như: Xây Dựng, Sống, Chính Luận, Công Luận, Con Ong,Tuổi Ngọc…..Những tác hẩm của Duyên Anh trước năm 1975 thường mang tính hiện thục xã hội diễn tả những mảnh đời sống trong một góc khuất ở những con hẻm, những ngõ cùng nơi đô thị. Ngoài ra, ông cũng viết nhiều truyện ngắn và truyện dài cho thiếu nhi. Sau biến cố 30 tháng 4, 1975, Duyên Anh, Doãn Quốc Sĩ, Dương Nghiễm Mậu, Nhã Ca, Mai Thảo, Võ Phiến, Vũ Khắc Khoan, Nhất Hạnh, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Mạnh Côn bị nêu danh là “Những Tên Biệt Kích của Chủ Nghĩa Thực Dân Mới Trên Mặt Trận Văn Hóa – Tư Tưởng” và tác phẩm bị cấm lưu hành.Trong Chiến dịch bắt văn nghệ sĩ miền Nam tháng 4, 1976 của nhà cầm quyền CS ban hành, Duyên Anh cùng chung số phận với các văn nghệ sĩ khác đều bị bắt vào tù. Ông được ra tù tháng 11 năm 1981, sau đó ông vượt biên. Tháng 10 năm 1983 Duyên Anh sang định cư tại Pháp. Một số tác phẩm ông viết ở Hải ngoại mang tính phê phán chế độ độc tài CS VN, sách ông được dịch ra tiếng nước ngoài và dựng thành phim, như Đồi FanTa, Một Người Nga ở Sài Gòn. Thời gian này, ông còn làm thơ và soạn nhạc. Năm 1985, ông bắt đầu cộng tác với tờNgày Nay và trở thành một trong những cây bút trụ cột của báo này. Ngày 6 tháng 2 năm 1997, Duyên Anh mất vì bệnh xơ gan tại Paris, Pháp, để lại hơn 100 tác phẩm.

Một chiều hè năm 1984 có lần giáo sư Nguyễn Ngọc Chân một người rất uyên bác, đi du học Pháp từ thập niên 60 học về kinh tế, rất am tường về khoa học lịch sử thế giới và thuộc sử Việt Nam. Vì qúy văn chương nên vợ chồng ông bà đã mời chúng tôi dự bữa tiệc thân mật tại tư gia gồm có: Anh chị nhà văn Duyên Anh, giáo sư Bạch Thái Hà và tôi là những khách đặc biệt vì bị tù CS, vừa thoát khỏi chốn đọa đày ra bến bờ tự do. Chị Duyên Anh Nguyễn Ngọc Phương là bạn cũ cùng quê với gia chủ; còn lại đều là những người bạn cũ thời du học trước năm 75. Đây là những người thành đạt trong xã hội Pháp, may mắn chưa thấy bom đạn trong chiến tranh và sự nghèo đói của xã hội chủ nghĩa.

Phòng khách nồng hương rượu, khói thuốc và rộn rã tiếng cười nói, làm tăng sự ấm cúng bữa tiệc thân mật. Chất rượu mạnh đã thấm làm cuộc nói chuyện thêm sôi nổi, họ tranh luận từ đề tài Việt Nam đến thời sự nước Pháp, rồi chuyển qua đề tài văn chương Pháp. Nhà văn Duyên Anh giữ thái độ im lặng, khuôn mặt toát ra nét lạnh lùng thâm trầm thoáng chút «thiền», sự im lặng đó ẩn chứa cao ngạo làm nnhư không thèm nghe, tôi hiểu trong con người đó đầy rẫy tự ti và tự tôn nhưng phần tự tôn nhiều hơn. Anh giữ im lặng không phải vì ngại trước nhũng kiến thức uyên bác của những nhà khoa bảng ; mà vì cho rằng những người này chỉ biết trong sách vở thiếu sự từng trải cuộc đời. Khi câu chuyện chuyển sang đề tài xã hội nước Pháp, nhân dịp đó anh Bạch Thái Hà hiện đang làm việc trong ngành xã hội đã đề nghị muốn giúp anh Duyên Anh làm hồ sơ bảo hiểm an sinh xã hội để phòng khi đau ốm mà bất cứ người nào sinh sống trên xứ Pháp hợp pháp đều được hưởng, đó là quyền lợi mà luật pháp quy định. Khi nghe nói anh Duyên Anh tỏ thái độ bực bội đứng lên phản đối và nói là :«Một người đang khỏe mạnh không cần bảo hiểm !» Mọi người nghe đều ngỡ ngàng, nhưng ít ai biết anh Duyên Anh rất tin dị đoan, anh sợ nói đến bệnh tật khi đang khỏe mạnh như thế là trù ẻo.

Vì qúy tài nhà văn Duyên Anh nên anh Bạch Thái Hà không buồn khi lòng tốt của mình bị hiểu sai. Ngày trước anh là cựu giáo sư trường đại học chiến tranh chính trị và một số trường trung học ở Đà Lạt Sài Gòn trước năm 1975, và cũng là là một cựu sĩ quan ngành chiến tranh chính trị VNCH, một cựu tù nhân chính trị CS. Qua được Pháp anh dấn thân vào con đường văn hóa và phụng sự xã hội giúp rất nhiều việc hữu ích cho cộng đồng. Anh là người sáng lập ra thư viện Diên Hồng ở Paris và làm đại diện cho tờ báo văn học nghệ thuật Làng Văn ở Pháp. Anh rất được người đồng hương qúy mến, anh mất ngày 23. 04. 2005. Nhà văn Duyên Anh vẫn còn đứng muốn nói thêm, thấy vậy gia chủ vội chuyển sang đề tài khác anh mới ngồi xuống. Bữa tiệc kéo dài gần 3 giờ sáng, những người khách lần lượt ra về chỉ còn lại vợ chồng anh Duyên Anh và tôi. Anh Duyên Anh muốn tôi ở lại tiếp tục nói chuyện thơ văn, âm nhạc, và nghe anh tán chuyện đời. Mọi người đều đi ngủ chỉ còn hai chúng tôi với những dòng tâm sự cho đến sáng, anh Duyên Anh nói về những chuyện xa xưa và nói những chuyện nổi trên báo chí hải ngoại hiên nay, anh nói anh rất ghét những lố lăng của một số người khoe khoang và những trò bịp đời, những tổ chức đấu tranh cuội nên phê phán. Đêm gần sáng, giọng nói của anh càng nhẹ nhàng kém sôi nổi. Ký ức tuổi thơ trên đất Bắc và những năm đầu mới di cư vào Nam luôn ẩn trong tiềm thức anh cái thuở mà tuổi còn quá trẻ một mình bơ vơ ở đất Sài Gòn phải tự lập thân sống bằng nhiều nghề, phải lóc lách né tránh kẻ mạnh để tồn tại trong việc mưu sinh và phải cố gắng học hỏi trau dồi kiến thức để tiến thân, do đó anh phải cứng rắn với bản thân để vượt qua những khó khăn. Vốn đã thông minh, trời lại không phụ lòng người, may mắn đã đến với anh gặp được những người tốt sãn lòng thương yêu giúp đõ anh trong đó có người vợ hiền gia đình giàu có, những người bạn văn bậc thày sãn lòng chỉ bảo, cộng thêm ý chí và nghị lực của chính anh đã giúp anh cơ hội vươn lên. Sự nổi tiếng trong văn chương quá nhanh, đời sống sung túc dư giả, tiền bạc rủng rỉnh khiến anh tự mãn trở thành ngạo mạn ngông cuồng, xem thường kẻ khác thể hiện qua những bài viết có chất cay nghiệt! Nhìn nét mặt mỏi mệt thoáng chút buồn bã của một người có thời gây sóng gío trên báo chí năm xưa ở miền nam, và bị Hà Nội cầm tù vì xếp loại cùng với những người khác là Những Tên Biệt Kích Văn Nghệ Cầm Bút một loại cực kỳ nguy hiểm chống phá « chế độ ».

 Tôi chợt thở dài như gợi chứa niềm thương cảm, tôi vẫn thích những tác phẩm của anh viết về tuổi học trò như tác phẩm Phượng Vỹ về những khoảng đời hồn nhiên trong sáng. Chính những giây phút này thể hiện trong anh nét thật hiền hòa như anh vừa bước ra khỏi tháp ngà tiểu thuyết do anh dựng và sống thật với mình, lớp vỏ bọc kiêu kỳ để tạo nét riêng với đời được rũ bỏ giống những nhân vật giang hồ trong tiểu thuyết của anh gĩa từ dao búa.

Trong quán Đào Viên ở khu Á Châu Paris 13 vào năm 1985, chúng tôi nhà văn Duyên Anh, nhà báo Đạo Cù Trần Tam Tiệp, nhà báo Phạm Hữu và tôi. Anh Phạm Hữu và tôi uống café, còn anh Duyên Anh và anh Đạo Cù uống rượu đỏ. Nhà báo Đạo Cù Trần Tam Tiệp là cựu Trung Tá Không Quân VNCH, khối chiến tranh chính trị, từng tu nghiệp sĩ quan phi hành tại Pháp. Trước 1975 ông là một trong những chủ biên tập san Lý Tưởng của Không Quân và là cây viết quen thuộc trong làng báo Miền Nam. Sau Tháng Tư 1975, nhà báo Đào Cù cùng với một số nhà văn định cư tại Pháp như Minh Đức Hoài Trinh, Nguyên Sa Trần Bích Lan, Trần Thanh Hiệp, Tô Vũ… .. thành lập Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, và được Văn Bút Quốc Tế chính thức nhìn nhận đến nay. Ông kêu gọi quốc tế tranh đấu bảo vệ các nhà văn miền Nam bị cộng sản bắt giam không xét xử. Chính là nhờ sự vận động bền bỉ của ông, tổ chức “The International PEN Writers in Prison Committee (WiPC) đã dành cho các nhà văn, nhà báo Việt Nam bị CS cầm tù nhiều trợ giúp ý nghĩa hoặc can thiệp bảo trợ. Đạo Cù Trần Tam Tiệp bản tính hiền hòa, hay cười giọng nói từ tốn nhưng ít nói. Từ sau năm 1975 ngòi bút của anh chuyên về mặt đấu tranh, anh đặt nặng phần vận động quốc tế tranh đấu đòi tự do cho các văn nghệ sĩ bị CS cầm tù ở quê nhà, và kêu gọi bằng hữu giang tay giúp đỡ những người bạn văn đang khốn khó còn kẹt lại VN. Về phần Duyên Anh và Phạm Hữu là hai con người đặc biệt, đa tài cũng lắm tật, ngòi bút của họ sắc như gươm đao. Từ ngày đến Pháp nhà văn Duyên Anh chưa xử dụng đao bút mà chuyên tâm vào viết truyện, anh việt rất khỏe, văn chương vẫn mượt mà nhưng là lối hiện thực phê phán. Anh đang viết gần xong cuốn: Một Người Mang Tên Trần Văn Bá, một giảng sư đại học, cựu chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên VN Paris dám từ bỏ vinh hoa phú qúy để về nước làm cách mạng giải phóng quê hương thoát khỏi ách Cộng Sản nhưng bị thất bại, đã bị bắt và bị nhà cầm quyền Hà Nội tử hình ! Riêng nhà báo, nhà văn Phạm Hữu tên thật là Nguyễn Hữu Ích cựu giáo sư triết của các trường trung học danh tiếng Sài Gòn năm xưa. Qua Pháp tị nạn, anh nghèo vì mê làm báo, anh đi làm thêm đủ nghề để lấy tiền nuôi báo, yêu tự do, trung thành với lý tưởng, tận tụy với văn chương chữ nghĩa, cho đến khi nhắm mắt. Anh muốn dùng ngòi bút để cảnh tịnh những những kẻ hai lòng ngả nghiêng quốc cộng. Cái ngông của Phạm Hữu nặng hơn Duyên Anh, anh bất cần đời hơn Duyên Anh, anh thà để bụng đói nhất định không thèm ăn những cao lương mà một số người vì ngán ngòi bút của anh chiêu đãi. Anh ăn nói sống sượng hơn, bốp chát thẳng vào mặt những người mà anh cho là «rởm đời» hay khoe khoang, anh nặng tay với đám con buôn chính trị, bọn đấu tranh bịp! Nhưng lại rất khiêm cung, lễ độ với những người tử tế. Nhà báo Phạm Hữu bảo với tôi: «Ông Đạo Cù bây giờ tâm trí chỉ nghĩ đến cách giúp đỡ các anh em, chiến hữu trong nước mà chẳng quan tâm những việc nhố nhăng ở đây ! Còn Ông Duyên Anh định ăn no ngủ kỹ sao vẫn chưa lên tiếng nên lũ chuột mới lộng hành ?!». Nhà báo Đạo Cù chỉ cười nhưng không nói, còn nhà văn Duyên Anh cười hăng hắc nói:«Ông lại tháu cáy rồi ! Làm sao ông biết những điều tôi đang làm, đang viết ?». Nhà văn Duyên Anh nói tiếp : «Tôi mời các ông ra để uống rượu nghe tôi đọc thơ », nói xong anh cầm ly rượu uống cạn, rồi khẽ ngâm bài thơ của mình, nhìn anh thấp thoáng hình ảnh những thi sĩ thời xưa trong sách cổ. Anh tặng chúng tôi tập thơ Tù mới in, tập thơ trình bày đẹp. Anh Phạm Hữu hỏi Duyên Anh:«Ông có cần tôi giới thiệu trên báo không ? » Duyên anh trả lời : «Không, thơ tôi chỉ dành tặng cho những người tôi qúy.». Trong lúc các anh Duyên Anh, Đạo Cù và Phạm Hữu nói chuyện, tôi mở tập thơ ra đọc vài bài và cảm thấy bùi ngùi, ý thơ sâu sắc, tôi chẳng hỏi anh chuyện tù mà miên man về nét đẹp của thi ca chứa đầy nước mắt và thấy mình qua những dòng cảm xúc mà anh đã viết trong lời dẫn nhập mở đầu trong tập Thơ Tù, nhà văn Duyên anh viết:«….Tôi làm thơ trong tù bằng óc của tôi. Tôi dựa lưng vào tường bê tông. Tôi bám chấn song sắt to hơn cánh tay tôi. Chấn song sắt của khám chí Hòa nghĩ thơ. Tôi nhắm mắt làm thơ. Tôi mở mắt sửa thơ.Tôi nằm gối đầu trên tay học thuộc thơ. Quên cũng lắm, sai cũng nhiều. Bằng óc, óc tôi là giấy, là bút, là mực. Trí nhớ tôi là máy ghi âm. Thiếu chính xác vì thiếu sinh tố bồi dưỡng. Người ta cấm tôi dùng tay để viết. Tôi dùng tay để gãi ghẻ. Vừa gãi ghẻ vừa làm thơ. Cần gì phải giấy bút. Cần gì phải cảm hứng. Nỗi ngứa đã là cảm hứng tuyệt vời. Tôi làm thơ và tôi gãi ghẻ. Bởi vì trong thống khổ và cô đơn, tôi thèm thơ…..Thơ của tôi chưa diễn tả nổi «cái lý tưởng và bổn phận» mà tôi đòi hỏi ở thi sĩ. Nhưng ít ra nó đã là bước đầu của người viết văn ồn ào, huyênh hoang ngày xưa đã lớn lên từ đáy hầm phân khổ sai cực hình để biết hững hờ với thế sự hôm nay…»

Ngoại trừ những bạn văn nghệ rủ đi uống cafê, uống rượu đỏ, thường thì anh Duyên Anh hay đi với chị nhà. Có lần nhạc sĩ Phạm Duy từ Mỹ qua Paris anh gọi tôi cùng anh Mai Trung Ngọc chủ nhà sách Nam Á ra khu Latin uống café nghe Phạm Duy tán chuyện đời. Nhạc sĩ Phạm Duy và nhà văn Duyên Anh rất hợp khẩu, hai người kể những câu chuyện cười vỡ bụng. Ở những lần gặp khác tôi được anh Duyên Anh tặng băng nhạc Ru Đời Phù Ảo, đây là những ca khúc hay giai điệu nhẹ nhàng, lãng mạn, ca từ còn ẩn chứa nhũng lời than về thiên đường xã hội chủ nghĩa và đất nước tạm dung. Băng nhạc gồm 12 ca khúc do nanh viết và hai bài thơ được các bạn phổ. Vũ Trung Hiền phổ bài thơ Sài Gòn Ra Đường, Phạm Duy phổ : Có Bao Giờ Em Hỏi được đổi tựa từ bài thơ : Bây Giờ Em Ơi. Ca từ «Em» ở trong bài thơ này không phải là bóng hồng ngoài đời, mà là ẩn dụ «chính khách hết thời ».

Đoạn cuối bài thơ:

« Em, bao giờ em khóc
Ngơ ngác vì chiêm bao
Chưa kịp mê tam cúc
Xuân hồng đã trôi mau
Chưa kịp hôn môi tết
Tháng giêng son phấn sầu
Bây giờ em mới biết
Em đã chết từ lâu…. »
(Paris 1984)

Câu nhạc cuối da diết «Em đã chết từ lâu» được lập lại nghe mà xót xa ! Mặc dù có một thời Duyên Anh dạy nhạc nhưng chỉ là dạy lý thuyết căn bản, và lớp căn bản Tây ban cầm. Muốn viết được nhạc phải học thêm về sáng tác. Trong một bữa họp mặt vài người bạn văn nghệ, rượu đã thấm môi nhạc sĩ Lê Trạch Lựu tác giả nhạc phẩm tiền chiến Em Tôi, cười đùa nói :«Duyên Anh chỉ có tài về văn chương, biết đàn hát chứ đâu biết sáng tác nhạc !». Câu nói đùa này làm anh tự ái, anh tìm mua một số sách, nhạc bày bán ở nhà sách Nam Á mang về nghiên cứu cách viết trên các bản nhạc. Sau khi sáng tác được một số bài anh có hỏi qua nhạc sĩ Lam Phương, nhạc sĩ Lam Phương khen và nói thêm về nghệ thuật sáng tác nhạc. Chất nhạc đã nằm sãn trong máu của Duyên Anh ngay từ thuở nhỏ, anh lại có căn bản vững vàng về nhạc lý và có một thời dạy đàn guitare thuở còn trẻ. lòng tự ái đã giúp anh quyết tâm, nó bùng cháy thúc đẩy nguồn nhạc trong anh dâng trào nên sáng tác rất nhiều. Trong số trăm ca khúc, có rất nhiều ca khúc mang chất bán cổ điển thính phòng điển hình là ca khúc Giọt Nước Mắt Quê Hương. 12 ca khúc tuyển âm hưởng bán cổ điển trong cuốn băng mang tựa đề Còn Thoáng Chiêm Bao đã được thực hiện trước ngày anh bị nạn nhưng chưa phổ biến. Những ca khúc: Rồi Em Ngủ Võng Đong Đưa, Vỗ Về, Phiền Nhung Gấm, Giọt Nước Mắt Theo Anh, Soi Trong Dòng Mắt, Sinh Nhật, Em Về, Hở Em ?, Dặm Dài Xế Trưa, Sầu Cỏ Lá, Còn Thoáng Chiêem Bao, Gọi Cô Đơn Đưa Tôi Về Cuối Lối, Tôi Nghe Mình Đã Hư Hao. Do ca sĩ Quỳnh Dao trình bày, Hòa âm : Bernard Gerard, Vĩ cầm : France Dubois, Hồ cầm : Hubert Warron, Phong cầm : Gilbert Roussel, Lục huyền cầm : Serge Eymard, Dương cầm : Bernart Gerard.

Vào hè năm 1990 nhà văn Duyên Anh nhờ một người bạn mang đến tặng tôi tập hồi ký Trại Tập Trung được viết trước khi anh bị nạn. Tập sách bìa cứng,dày 485 trang do Xuân Thu ở Cali, Hòa Kỳ xuất bản năm1988. Cầm tập hồi ký tôi vô cùng xúc động vì anh Duyên Anh bây giờ thể chất khác xưa phải ngồi xe lăn, ăn nói khó khăn. Anh phải cố gắng lắm mới tập cầm bút tay trái để viết lại và chữ vẫn đẹp !

Mở trang đầu nhà văn Duyên Anh viết :
nhavanduyenanh-300x279«Có kẻ mê giang hồ đến độ thèm được lột da mình bọc ngoài chiếc vali của một lãng tử nào đó, khi mình chết. Để mãi mãi ngày tháng là những chuyến đi. Nếu ông ta tiên tri cuộc đời vẫn còn những tuyến đường Moscou-Goulag Sibérie, Suối Máu-Phước Long, Kà Tum- Bù Gia Mập, Long Giao, Sơn La, Trảng Lớn- Hà Nam Ninh, Gia Lai-Vĩnh Phú, Wachinton-Ha Noi, Hilton, Nhà Mình- Sở Công An, Đề lao Gia Định, Chí Hòa….., di chúc của ông ta sẽ khác hẳn. Và nếu ông ta biết cuộc đời sẽ còn những chuyến xe lửa ngừng lại chẳng cần kéo còi, chẳng cần đợi đến ga nhỏ, lãng tử chạy xuống vũng trâu đầm, múc nước uống ừng ực ngang họng súng AK canh chừng, ông ta, chắc chắn sẽ chán chuyện lãng du. Ở thời đại tôi và trên quê hương tôi đã có những chuyến đi đã trùm lấp định nghĩa vô định và thống khổ mà tôi không sợ lộng ngôn bảo rằng đó là những chuyến đi định nghĩa làm người. Rồi sẽ có hồi ký của một tù nhân viết chính xác về chuyến đi Sài gòn-Hànội được chào mừng bằng những trận mưa máu đá củ đậu, củ khoai……..Những kẻ chịu đựng hình phạt của thù hận một cách can đảm và kiên nhẫn, khinh thường hình phạt của thù hận, bước qua nó mà đi mà tồn tại để tặng nhân loại một định nghĩa làm người, nhân loại đã không nhìn thấy hình ảnh tuyệt vời của những kẻ ấy ở những cuốn sách viết về họ, nói về họ….» Tôi bỗng lạnh toát vì chợt nhớ cái đói trong tù mỗi người tù ăn 15 kg một tháng gồm có bắp sắn lác bobo, và một tuần được một chén cơm, một tháng 3 muỗng muối. Muôn đời cái đói vẫn là nỗi sợ hãi của con người, nhà cầm quyền Hà Nội dùng chính sách bao tử để trị dân, dùng cái đói để kiểm soát và sai khiến người tù. Tùy theo nghị lực và sức khỏe của mỗi tù nhân, những ai không chịu nổi cơn đói cái đói sẽ hành hạ, miếng ăn sẽ làm họ trở nên mềm yếu !Trong trại tù Xuyên Mộc chia làm 3 khu : khu A nhốt những sĩ quan quân đội, khu B nhốt tù chính trị, khu C nhốt tù hình sự. Một đội khoảng 25 người, riêng đội hình sự được cài vào khu A và khu B. Nhà văn Duyên Anh ở khu B buồng 8 đội 29 «đội văn nghệ sĩ». Những tin đồn trong trại tập trung anh làm «antenne» khiến cho những người bạn tù ngần ngại !

Năm 1992 dịp tết cộng đồng VN ở Paris tôi gặp anh Châu Văn Lộc, người đã gia nhập Hướng Đạo VN từ năm 1948. Anh đã từng tham dự trận An Lộc và trận những lớn của Tiểu Đoàn 2 / 43 Sư Đoàn 18, đây là tiểu đoàn tự thủ cuối cùng của trận Long Khánh vào những ngày cuối tháng tư năm 1975. Anh Lộc ở VN mới qua Pháp sau 11 năm bị tù, anh có thời bị tù chung phòng với nhà văn Duyên Anh. Anh Châu Văn Lộc nói: «Hồi mới qua đây tôi có gặp anh Duyên Anh ngồi xe lăn ở nhà thờ giáo xứ Paris, thấy tôi anh ấy vui vẻ mời về nhà chơi, nhưng bận quá tôi hẹn anh ấy khi khác». Anh Lộc còn kể cho tôi hồi ở Xuyên Mộc năm 1979 tại phòng 8 khu B cùng chung với cụ Hồ Hữu Tường và ông Huỳnh Trung Lộc, Duyên Anh và anh Châu Văn Lộc…, vì bản tính kiêu ngạo nên Duyên Anh không nói chuyện với hai cụ. Khi nghe tin đồn Duyên Anh làm ăng ten tôi đã đến tận mặt hỏi Duyên Anh: «Anh đã từng viết Ngựa Chứng Trong Sân Trường, Người thày giáo không những giảng dạy cho học trò biết những kiến thức văn hóa, mà còn dạy cho họ lòng yêu nước như thế nào. Sao bây giờ anh lại làm như vậy ?»

Duyên Anh trả lời : «Không phải như tin đồn, tôi không có làm như thế đâu anh Lộc ơi !»

Anh Lộc kể tiếp:

«Thời gian sau chúng tôi cùng biên chế sang phòng 5 ở chung một phòng tôi thấy Duyên Anh đi lao động bình thường, sống thầm lặng, ít tiếp xúc với mọi người.»
Ở trong tù những khẩu hiện : «học tập tốt, lao động tốt» sẽ được cứu xét mau chóng cho về đoàn tụ với gia đình là bài học thuộc lòng của tù nhân, đó chỉ là cái bánh vẽ của nhà cầm quyền Hà Nội! Lời mật ngọt đó đã quyến rũ được một số người nhẹ dạ cả tin muốn về sớm nên thường tỏ ra hăng say trong lao động biểu lộ sự tích cực tong «học tập » nhằm lấy điểm với cán bộ trại giam hy vọng được cứu xét. Sự tích cực đó cũng là để khỏa lấp nỗi sợ hãi bị CS trả thù sẽ bị tù lâu hơn.

Con người và tác phẩm của Duyên Anh đã được nhiều người viết, về những cái hay cái đẹp trong tác phẩm, và cả những điều không tốt gây xôn xao dư luận.

Sau ngày nhà văn Duyên Anh gặp nạn vài năm, anh lại tặng tôi thi phẩm mới là : Em Tôi Sài Gòn Và Paris, tủ sách Người Dân ở Cali xuất bản. Trang viết về thi sĩ : « … Nói thật, thơ mà đề giá bán là hết hay rồi. Thơ óng ả mấy, kênh kiệu mấy, kiêu sa mấy vẫn hết. Khi thơ dính vào nợ áo cơm, nó bị trả đắt hơn cả hình hài của thi sĩ» !

Bài Lưu Đày
(tặng Kiều Vĩnh Phúc, bạn tôi)

«Ta đến đây đành ở lại đây
Cuối đời thấm thía kiếp lưu đày
Nghẹn ngào sách vở cùng trang mục
Chữ nghĩa vèo bay như lá bay
Những tưởng tài năng vần thế cuộc
Nào ngờ tai họa giáng kê vai
Đường người chó sói nhe răng nhọn
Nghe buốt đau thương cả đế giày
Vàng thau lẫn lộn phiền than lửa
Ngọc đá ganh đua rộn dũa mài

Vào tháng 9 năm 1998 nhà thơ Như Hoa Lê Quang Sinh, nhà thơ Nguyễn Phúc Sông Hương và một số thi hữu ở Sacramento đã tổ chức đại hội Các Nhà Thơ Hải Ngoại có mời tôi sang nói chuyện về đề tài : Tính Nhạc Trong Thơ. Nhân dịp đó tôi đi thăm các văn hữu ở Cali, trước ngày trở về Paris các văn nghệ sĩ San José đã tổ chức họp mặt thân hữu tiễn tôi : Nhà thơ Hà Thượng Nhân, Nhà thơ Dương Huệ Anh, Nhà thơ Diên Nghị Nhà thơ Duy Năng, Nhà thơ Song Nhị, Nhà thơ Song Linh, Nhà thơ Nguyên Phương, Nhà thơ Dạ Chi, Nhà thơ Yên Bình, Nhà thơ Hà Ngọc Lân, Nhà thơ Phạm Ngọc, Nhà văn Nhật Thịnh, Nhạc sĩ Lê Mộng Bảo, nhạc sĩ Phạm Đức Huyến, Nhà báo Tô Ngọc, Nữ sĩ Trùng Quang, Nữ sĩ Đinh Việt Liên, nhà văn nữ Khuê Dung, Nhà thơ nữ Huệ Thu, nhà thơ nữ Hoàng Xuyên Anh, Nhà thơ nữ Phan Ngọc An, Nhà thơ nữ Sương Mai.vv…Chiều hôm đó mỗi người hiện diện đều đọc thơ văn và kể chuyện. Nói về Chân Thiên Mỹ trong sáng tạo của giới nghệ sĩ, thi sĩ Hà Thượng Nhân đã kể một câu chuyện cho các bạn cùng nghe về cái tài và cái ngông của nhà văn Duyên Anh. Thi sĩ Hà Thượng Nhân :

«Đã lâu lắm trước năm 75 có một lần Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị tổ chức một cuộc họp báo mời các Chủ Báo, trong đó có một số báo quy tụ những cây viết chuyên đánh phá. Không biết ban tổ chức sắp đặt chỗ thế nào mà xếp nhà văn Duyên Anh ngồi cạnh Trung Tướng Tổng Cục Trưởng Trần Văn Trung. Với bản tính ngông và bướng, bất cần thiên hạ của Duyên Anh làm cho những sĩ quan trong ban tổ chức vừa sợ vừa lo lắng. Ký giả Lô Răng Trung tá Phan Lạc Phúc phải chạy đến tôi cầu viện. Tôi nói : «Anh và tôi đồng cấp thì nói cũng như nhau ! », Ký giả Lô Răng : «Không, anh phải đến thì mới êm được.». Khi tôi đến gặp Duyên Anh, tôi nói :«Anh là nhà văn tức là ngưòi sáng tạo những giá trị Chân Thiện Mỹ, như anh biết kẻ cướp hay giang hồ chúng cũng có luật triêng và cũng biết có người trên kẻ dưới. Chúng ta là người cầm bút không thể nào sử sự thua kẻ giang hồ ?»Nhà văn Duyên Anh vui vẻ đến chỗ ngồi khác nhường lại chỗ cho ông Trần Viết Sơn».

Nghe câu chuyện tôi nhớ lại chuyện mà ký giả Đặng Văn Nhâm đã có lần kể cho tôi nghe những chuyện trong đời làm báo của anh trước năm 1975 ở sài Gòn, anh cũng có những lần chạm trán tóe lửa với nhà văn Duyên Anh, nhưng sau đó cả hai đã hóa giải những bất đồng.

Nhà văn Duyên Anh những năm cuối đời có tuổi yếu đuối bệnh tật, đi đứng nói năng khó khăn nhưng vẫn không nghĩ cho bản thân mình mà vẫn hăng say sáng tác. Anh viết bằng tay trái, sáng tác thêm nhiều tác phẩm cho đời xứng đáng là một nhà văn lớn của Việt Nam.

Vào giữa tháng 11 năm 2016 tôi có hẹn với các bạn ở một nhà hàng ở khu Á Châu là bác sĩ Nguyễn Bá Linh, giáo sư Nguyễn Ngọc Chân và giáo sư Nguyễn Văn Sâm ở Cali qua Paris nghiên cứu thêm về lãnh vực chuyên môn ở Viện Viễn Đông Bác Cổ, đồng thời được chúng tôi mời diễn thuyết đề tài Chữ Nôm do Câu Lạc Bộ văn Hóa VN Paris tổ chức. Tình cờ gặp người con dâu út của nhà văn Duyên Anh, cháu Vân Phương đến chào chúng tôi và mời tôi và giáo sư Nguyễn Ngọc Chân đến nhà. Vào ngày 1 tháng 12 năm 2016 tôi và anh Nguyễn Ngọc Chân được người con út của nhà văn Duyên Anh là cháu Vũ Nguyễn Kim Sơn. Cháu Vũ Nguyễn Kim Sơn lái xe đến gare Bourg La Reine đón về nhà ở Robinson ngoại ô Paris. Cháu Vân Phương vợ của Kim Sơn đã làm cơm sẵn chờ chúng tôi đến dùng cơm. Trong câu chuyện với vợ chồng Kim Sơn chúng tôi nói chuyện về nhà văn Duyên Anh và cho hai cháu biết tôi đang viết cuốn Con Đường Văn Nghệ ghi lại những tâm tình về những cuộc gặp gỡ các văn nghệ sĩ từ trước năm 1975 đến nay, trong đó có nhà văn Duyên Anh. Trong câu chuyện chúng tôi tránh những điểm nhạy cảm qua tin đồn. Nhưng thật không ngờ hai cháu Kim Sơn Vân Phương rất thông thoáng, cởi mở, lập lại những câu nói, những tin đồn về Bố một cách tự nhiên, thoải mái. Có lẽ anh chị còn quá trẻ, lại sống ở Pháp đã lâu nên hấp thụ được văn hóa của người Pháp là tôn trọng sự suy nghĩ của người khác. Vũ Nguyễn Kim Sơn người mà nhà văn Duyên Anh kỳ vọng sẽ tiếp nối chí hướng anh làm văn sĩ nên đã đặt bút hiệu là Thiên Mã, nhưng Kim Sơn chán sự tranh đua nên lánh xa chốn xôn xao làm khuấy động tâm hồn. Kim Sơn cho biết đã học được ở bố rất nhiều về tính kiên nhẫn, và cách sống «biết an lạc ». Những năm cuối đời nhà văn Duyên Anh sống «rất thiền», lòng không thù hận, anh dành những ngày tháng còn lại cho sáng tác. Anh nói với Kim Sơn : «Bố ra đi không mang theo gì, để lại tất cả những tác phẩm tâm huyết này cho con. Đây là món quà qúy báu nhất của bố ». Vợ chồng Vũ Nguyễn Kim Sơn rất trân trọng tặng phẩm đó, nhưng vì qúy mến chúng tôi nên đã đưa vào xem tủ sách gồm những bản thảo truyện ngắn, tiểu thuyết, nhạc phẩm…được anh viết bằng tay trái xếp thành tập ngăn nắp và chưa hề phổ biến. Chúng tôi chỉ nhìn tủ sách mà không mở bản thảo ra xem vì trân trọng người đã khuất.

Tôi qúy nhà văn Duyên Anh ngoài tài năng còn ở một nghị lực phi thường. Bản tính nghệ sĩ trong anh quá mãnh liệt, tâm hồn anh là một khoảng rộng chứa sự bao dung và tha thứ. Anh chọn cho mình một con đường riêng để đi, những điều anh nói phát ra từ con tim mà người đời chưa quen hay không muốn nghe về triết lý sống. Đó là quyền sống và sự tự do, nên anh đã dung nạp cả thiên đường lẫn địa ngục mà trên đời chưa có người nào đặt chân đến !

Đỗ Bình
Paris 05. 12. 2016

 

 

 

 

 





Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.