Dec 26, 2024

Biên khảo

Lỗi Và Bệnh Trong Thơ Đường Luật
Nhiều Tác Giả * đăng lúc 11:01:08 PM, Sep 08, 2022 * Số lần xem: 2650
Hình ảnh
#1
* đăng lúc 12:09:51 AM, Feb 26, 2018 * Số lần xem: 952

Lỗi Và Bệnh Trong Thơ Đường Luật


I. CÁC QUAN ĐIỂM VỀ LỖI VÀ BỆNH TRONG THƠ

1. Năm quy tắc vàng của thơ Đường luật
Thơ Đường luật với một hệ thống quy tắc nghiêm ngặt được thể hiện ở 5 yếu tố sau:

1/ Vần
2/ Luật
3/ Niêm
4/ Đối ngẫu
5/ Bố cục.

Đó cũng chính là những yếu tố cấu thành thơ Đường luật. Thiếu hoặc sai một trong 5 quy tắc trên tức là không phải thơ Đường luật.

2. Tứ thanh bát bệnh (Bốn hiện tượng về thanh âm dẫn tới tám bệnh trong thơ)
Có nghĩa là những lỗi về âm thanh, khi đọc hay ngâm nga bài thơ nghe không hay hoặc chói tai.
Người đầu tiên đề xướng thuyết này là Thẩm Ước (441-513) sống vào thời Nam Bắc Triều (420-589) bên Tàu, áp dụng cho thơ cổ thể (thơ trước Đường luật).
Theo đó mỗi thanh có thể sinh ra 2 bệnh:

1/ Bình đầu - Thượng vỹ
2/ Phong yêu - Hạc tất
3/ Chánh nữu - Bàng nữu
4/ Đại vận - Tiểu vận

Các thi nhân thời Sơ Đường dựa vào thuyết Tứ thanh bát bệnh này bổ sung và dần hoàn chỉnh luật, niêm trong thơ Đường luật.Trong “Việt Nam văn học sử yếu” Giáo sư Dương Quảng Hàm viết:
"Thơ Nôm ta làm theo phép tắc thơ Tàu, mà âm thanh tiếng ta cũng tương tự tiếng Tàu (cũng là thứ tiếng đơn âm và cũng chia làm tiếng bằng tiếng trắc), nên thi pháp của ta tức là thi pháp của Tàu và các niêm luật của thơ ta cũng phỏng theo thơ Tàu cả.
Trong lối thơ Đường luật, có năm điều này phải xét:

1/ Vần;
2/ Đối ngẫu;
3/ Thanh;
4/ Niêm;
5/ Cách bố cục

".Các thi nhân Việt Nam từ thế kỷ 19 trở về trước đã để lại cho hậu thế những bài thơ Đường luật nếu không là tuyệt tác thì cũng đầy ý vị và sống mãi với thời gian. Điều đáng nói là trong thời kỳ này hầu như chưa ai quan quan tâm đến “lỗi bệnh” cả.
Mãi đến thập niên 40 của thế kỷ 20 trở lại đây, vấn đề “Thi bệnh” mới được các nhà thơ Việt Nam đem ra bàn tán và mổ xẻ một cách sôi nổi, trong đó đáng chú ý nhất là quan điểm của nhà thơ Quách Tấn.
Vậy lỗi bệnh trong thơ Đường luật là gì? Các ý kiến đưa ra thì nhiều, song chung quy tập trung vào 20 yếu tố lỗi bệnh (12 lỗi và 8 bệnh).

Tuy nhiên, các quan điểm lại không đồng nhất với nhau về mức độ nặng nhẹ cũng như sự phân định giữa bệnh và lỗi.Có trường phái cho rằng:

Lỗi là điều cấm kỵ, bệnh là cái làm giảm tính thơ nên lỗi nặng hơn bệnh (tạm gọi là trường phái 1), từ đó phân chia thành:

I. Lỗi (12 lỗi)

1. Thất vận/ lạc vận
2. Thất luật
3. Thất niêm
4. Thất đối
5. Khổ độc
6. Điệp thanh
7. Điệp điệu
8. Điệp âm
9. Trùng vận
10. Trùng từ/ điệp từ
11. Trùng ý/ hiệp chưởng
12. Phạm đề/ mạ đề

II. Bệnh (8 bệnh)

1. Bình đầu
2. Thượng vỹ
3. Phong yêu
4. Hạc tất
5. Chánh nữu
6. Bàng nữu
7. Đại vận
8. Tiểu vận

Ngược lại, có trường phái cho rằng: Lỗi là những sai sót có thể khắc phục,
bệnh là cái nguy hại không thể chữa được nên bệnh nặng hơn lỗi (tạm gọi là trường phái 2) , từ đó phân chia thành:

I. Lỗi (12 lỗi)

1. Trùng vận
2. Trùng từ/ lặp từ
3. Trùng ý4. Điệp điệu
5. Điệp thanh
6. Điệp âm
7. Đại vận
8. Tiểu vận
9. Phong yêu
10. Hạc tất
11. Chánh nữu
12. Bàng nữu

II. Bệnh (8 bệnh)

1. Thất niêm
2. Thất luật
3. Thất đối
4. Thất vận/ lạc vận
5. Bình đầu
6. Thượng vỹ
7. Phạm đề/ mạ đề
8. Khổ độc

Cũng từ đó dẫn tới cách gọi chung chung là “lỗi bệnh” cho tất cả các yếu tố trên.Xét về thuyết “Quy tắc vàng” cũng như thuyết “Tứ thanh bát bệnh” thì cách sắp xếp (1) được cho là hợp lý hơn:

Lỗi là những điều cấm kỵ của thơ, phạm lỗi sẽ dẫn tới sai hỏng bài thơ hoặc ý tứ ; bệnh là yếu tố làm giảm tính thơ, mắc bệnh dẫn tới kém chất lượng bài thơ.

II. PHÂN LOẠI LỖI BỆNH TRONG THƠ ĐƯỜNG LUẬT

1. Lỗi (theo cách phân chia này gồm có 12 lỗi)

1. Thất vận (lạc vận, cưỡng vận):
Chữ gieo vần ở cuối các câu 1, 2, 4, 6, 8 đối với bài thơ năm vần thông thường (hay 2, 4, 6, 8, đối với bài thơ bốn vần) phải cùng một âm vần, nếu khác đi tức là mắc lỗi thất vận.

Ví dụ:
THU VỊNH

Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu
Nước biếc trông như tầng
khói phủSong thưa để mặc bóng trăng vào
Mấy chum trước giậu hoa năm ngoái
Một tiếng trên không ngỗng nước nào
Nhân hứng đã vừa toan cất bút
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào(Nguyễn Khuyến)

Vần là yếu tố quan trọng để tạo tính nhạc cho thơ, nếu không thể dùng vần chính thì nên lựa vần thông càng gần nhau (cận vận) càng tốt.

2. Thất luật:
Những chữ trong câu thơ đáng là tiếng bằng mà đổi ra tiếng trắc hoặc ngược lại tức là mắc lỗi thất luật.

Ví dụ:
ĐÈO BA DỘI

Một đèo, một đèo, lại một đèo
Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo
Cửa son đỏ loét tùm hum nóc
Hòn đá xanh rì lún phún rêu
Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc
Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo
Hiền nhân quân tử ai là chẳng
Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo(Hồ Xuân Hương)

“Nhất tam ngũ bất luận, nhị tứ lục phân minh”, trong mỗi câu thơ, các chữ thứ 2, thứ 4 và thứ 6 bắt buộc phải tuân thủ luật theo nguyên tắc “Nhị tứ lục đảo thanh phân minh” nếu làm sai đi tức là không đạt.

3. Thất niêm:
Niêm là sự gắn kết giữa các câu thơ trong một bài thơ, nếu làm sai đi tức là thất niêm.

Ví dụ:
DĨ HÒA VI QUÝ

Ở thế đừng tranh tiếng trượng phu
Làm chi cho có sự đôi co
Ðấy cậy đấy khôn, đây chẳng nhịn
Ðây rằng đây phải, đấy không thua
Duật nọ hãy còn đua với bạng
Lươn kia hầu dễ kém chi cò
Chữ rằng: Nhân dĩ hòa vi quý
Vô sự thì hơn, kẻo phải lo(Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Những câu thơ cùng luật thì niêm với nhau (Luật của câu thơ xét theo chữ thứ 2 câu đó, nếu chữ thứ 2 là tiếng bằng thì câu thơ mang luật bằng, nếu chữ thứ 2 là tiếng  trắc thì câu thơ mang luật trắc).

Trong một bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú thì:
Câu 1 niêm với câu 8
Câu 2 niêm với câu 3
Câu 4 niêm với câu 5
Câu 6 niêm với câu 7

4. Thất đối:
Trong một bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú, cặp luận và cặp thực phải chỉnh đối (theo phép chỉnh đối hoặc khoan đối). Nếu không đảm bảo yêu tố này tức là mắc lỗi thất đối

Ví dụ:
NGHE HÁT

Phách ngọt đàn say nệm gối êm
Tiếng ca buồn nổi giữa trời đêm
Canh khuya đưa khách lời reo ngọc
Mơ gái Tầm Dương thoảng áo xiêm
Ai lạ nghìn thu xa tám cõi
Sao vàng như động phía châu liêm
Nao nao khói biếc hài thương nữ
Trở gối hoa lê rụng trắng thềm(Vũ Hoàng Chương)

Đối chiếm địa vị quan trọng trong thơ Đường luật. Bỏ đối đi thì không còn được gọi là thơ Đường luật nữa.

5. Khổ độc:
Trong một bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú, chứ thứ 3 của các câu có vần (câu 1, câu 2, câu 4, câu 6, câu 8) và chữ thứ 5 của các câu không có vần (câu 3, câu 5, câu 7) nếu đáng là trắc mà đổi sang bằng thì được, nếu từ bằng mà đổi sang trắc tức là mắc lỗi khổ độc.

Ví dụ:
VỊNH HÁT BỘI

Đứa mắc ghẻ ruồi, đứa lác voi
Bao nhiêu xiêm áo cũng trơ mòi
Người trung mặt đỏ đôi tròng bạc
Kẻ nịnh râu hoe mấy sợi còi
Trên trính có nhà còn lợp lọng
Dưới chân không ngựa lại giơ roi
Hèn chi chúng nói bội là bạc
Bôi mặt đánh nhau, cú lại thoi(Phan Văn Trị)

Lỗi khổ độc rất phổ biến trong thơ Đường luật, ngay cả đối với một số nhà thơ nổi tiếng cũng có khi mắc phải.

6. Điệp điệu:
Khi nhiều câu liên tiếp ngắt nhịp cùng một cách tức là mắc lỗi điệp điệu. Lỗi này thường hay xảy ra ở 4 câu giữa của bài thơ.

Ví dụ:
HẰNG NGA

Hỡi chị Hằng Nga náu Quảng Hàn
Bốn mùa trăng gió với giang san
Áo tiên/ tuy nhuộm/ mùi Vương Mẫu
Hương tục/ còn nồng/ lửa Hậu Lang
Mắt phượng/ đã say/ miền ngọc thỏ
Cung nghê/ nỡ phụ/ khúc cầm loan
Nếu không duyên nợ cùng người thế
Xin chớ gieo mình nước hợp loan(Hồ Xuân Hương)

7. Điệp thanh:
Trong thơ thất ngôn, một câu thơ có 4 tiếng bằng và 3 tiếng trắc, hoặc 4 tiếng trắc và 3 tiếng bằng. Nếu 3 tiếng liền nhau cùng thanh dấu hoặc cả bốn tiếng không liền nhau mà cùng thanh dấu thì mắc lỗi điệp thanh.

Ví dụ:
CUNG OÁN

Trên đài hiu hắt ngọn đèn hoa
Gang tấc xem bằng mấy dặm xa
Một kiếp đã đành rằng để vậy
Chín trùng có thấu đến chăng là
Ỏi tai ngán nỗi đàn ve gảy
Tan mặt buồn tênh cái nhện sa
Ví biết than này chi khó bấy
Quyền môn chen chúc chẳng bằng thà(Ôn Như Hầu)

Những tiếng bằng hay trắc trong câu thơ phải có thanh độ khác nhau thì câu thơ mới giàu âm điệu. Chẳng hạn câu thơ có 4 tiếng bằng thì chỉ nên dùng 2 chữ có dấu huyền (trầm bình thanh), dùng 3 hoặc cả 4 chữ có dấu huyền làm câu thơ trầm đục khó nghe. Ngược lại nếu dùng nhiều tiếng không dấu (phù bình thanh) sẽ làm câu thơ ngang tai, không êm dịu.

Lưu ý: Nên tránh các chữ cùng vị trí trong hai câu liền kề trùng thanh với nhau theo cặp.

8. Điệp âm:
Trong thơ thất ngôn, nếu một câu có 3 từ cùng vần (vần chính và vần thông) hoặc một liên có 4 từ cùng vần (vần chính hoặc vần thông) thì mắc lỗi điệp âm.

Ví dụ:
ĐÊM TÌNH

Giấc thắm tình duyên non gối nước
Mán sương để lọt ánh sao băng
Hồn hoa chợp mộng thơm hồn gió
Tóc liễu dừng thơ đón tóc trăng
Muôn điệu tơ lòng run sẽ sẽ
Nửa vời sóng nhạc giợn lâng lâng
Phòng hương thương kẻ ngồi nương triện
Tình gởi mây xa lệ ngập ngừng(Quách Tấn)

Lưu ý: Nên tránh các chữ cùng vị trí trong hai câu liền kề mà trùng âm.

9. Trùng vận:
Thơ Đường luật chỉ dùng đơn vận, nếu cùng một chữ vần được lặp lại ở hai câu khác nhau tức là mắc lỗi trùng vận. Tuy nhiên nếu chỉ là tiếng đồng âm mà khác nghĩa thì được coi là hai chữ vần khác nhau, không phạm lỗi.

Ví dụ:
THĂNG LONG THÀNH HOÀI CỔ

Tạo hoá gây chi cuộc hí trường
Đến nay thắm thoát mấy tinh sương
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường(Bà Huyện Thanh Quan)

Hai chữ “trường” ở trên đồng âm mà khác nghĩa nên không coi là phạm lỗi. Tuy nhiên không nên để hai vần đồng âm gần nhau để tránh âm điệu không hay.

10. Trùng từ (điệp từ)
Một chữ đồng âm đồng nghĩa nếu được dùng nhiều hơn 1 lần ở trong bài thơ, ngoại trừ trường hợp cố ý, tức là mắc lỗi trùng từ.Ví dụ trên, bài thơ CUNG OÁN của Quách Tấn bị trùng từ ở hai chữ “tình”, hay bài thơ THĂNG LONG THÀNH HOÀI CỔ của Bà Huyện Thanh Quan bị trùng từ ở hai chữ “cũ”. Dùng lại chữ một lần thì tạm chấp nhận, dùng lại hai, ba lần thì bài thơ bị đánh giá là kém cỏi.Trong trường hợp sử dụng mỹ từ pháp thì không tính là lỗi.

Ví dụ:
HỎI THĂM ÔNG ẤM

Tôi hỏi thăm ông đến tận nhà
Trước nhà có miếu có cây đa
Vườn ao đất cát chừng ba thước
Nửa lá tre pheo đủ mọi toà
Mới sáu bận sanh đà sáu cậu
Trong hai dinh ở đủ hai bà
Lưng ông mốc thếch như trăn gió
Ông được phong lưu tại nước da(Trần Tế Xương)

Trường hợp dùng từ khác nhau nhưng cùng một khái niệm, hay dùng hai từ thuần Việt và Hán Việt có cùng một khái niệm cũng coi là trùng từ. Ví dụ mẹ - má, bố - ba, tôi - tớ (tao, ta), trăng - nguyệt, gió bụi - phong trần, lạnh - hàn...

11. Trùng ý:
Trong bài thơ Đường luật nếu có câu chữ nào lặp lại ý của các câu chữ đã dùng mặc dù dùng khác từ đi tức là mắc lỗi trùng ý. Nếu lỗi trùng ý nằm trong cặp thực hoặc cặp luận thì gọi là hiệp chưởng (câu trên câu dưới đối nhau mà ý nghĩa giống nhau, như hai bàn tay úp lại).

Ví dụ:
VỊNH PHÁO TRE

Đông tàn xuân đã đến đây be
Bốn phía rền vang những pháo tre
Mắng tiếng giật mình loài quỷ xó
Nghe hơi mất vía lũ ma hè
Trêu người trướng gấm kinh hồn điệp
Ghẹo kẻ màn loan tỉnh giấc hoè
Trừ cựu mượn chàng kêu một tiếng
Mừng xuân muôn cửa chán tai nghe(Hương Kiểu)

Nếu hai cặp thực và luận trùng ý nhau thì gọi là “sàng túc” (hai chiếc giường chồng lên nhau), hay “điệp sàng xá ốc” (giường nhiều lớp, nhà gác chồng).

12. Phạm đề (mạ đề):
Trong cặp thực và cặp luận của bài thơ, nếu có chữ trùng với chữ của đầu bài tức là mắc lỗi phạm đề.

Ví dụ:
THEO VOI ĂN BÃ MÍA

Ăn mía theo voi tiếng đến giờ
Vì chi miếng bã để trò dơ
Rón chân những chực khi vòi nhả
Rát lưỡi đành xơi cái ngọt thừa
Ấy đã theo đuôi thời phải hít
Còn đâu nên tấm nữa mà vơ
Nghìn năm bia miệng là câu thế
Những khách ăn tàn đã biết chưa(Tản Đà)

Lỗi này chỉ là sự cấm kỵ được quy ước trong bối cảnh nhất định, hoàn toàn không ảnh hưởng gì tới giá trị bài thơ.
* Trong 12 lỗi nêu trên thì 4 lỗi đầu tiên là buộc phải tránh, nếu phạm phải 1 trong 4 lỗi thì không đạt yêu cầu một bài thơ Đường luật; 8 lỗi sau tùy theo mức độ nặng nhẹ mà cân nhắc vận dụng sao cho hợp lý nhằm tăng giá trị biểu đạt của bài thơ.

2. Bệnh (theo cách phân chia này gồm có 8 bệnh)

1. Bình đầu:
Bình: Ngang bằng.
Đầu: Ban đầu, được hiểu là đầu câu.
Bình đầu: Bệnh về đầu câu bị ngang bằng.
Bệnh xuất hiện khi có 2 chữ đầu của 4 câu liền kề nhau, cùng một loại từ (tính từ, danh từ...), cùng một cấu trúc. Ngoại trừ trường hợp cố ý với mục đích rõ rệt.

Ví dụ:
Rượu cúc nhắn đem hàng biếng quẩy
Trà sen mượn hỏi giá còn kiêu
Bánh đường sắp gói e nồm chảy
Giò lụa toan làm sợ nắng thiu(Trần Tế Xương)

2. Thượng vỹ:
Thượng: Chỏng lên.
Vỹ: Đuôi.
Thượng vỹ: Bệnh về đuôi câu bị chỏng lên.
Bệnh xuất hiện khi có 3 chữ cuối của 4 câu liền kề có cùng một loại từ, cùng cấu trúc. Ngoại trừ trường hợp cố ý với mục đích rõ rệt.

Ví dụ:
Ngoài vòng cương tỏa chân cao thấp
Trong thú yên hà mặt tỉnh say
Liếc mắt coi chơi người lớn bé
Vểnh râu bàn những chuyện xưa nay(Nguyễn Công Trứ)

3. Phong yêu:
Phong: Con ong.
Yêu: Eo, chổ thắt lại.
Do hai đầu phình ra, ở giữa thắt lại như eo con ong nên gọi là phong yêu.Phong yêu là bệnh về dấu thanh.
Bệnh xuất hiện khi có chữ thứ 2 trùng thanh độ (trùng dấu) với chữ thứ 7 của câu.

Ví dụ:
Cầm lái mặc ai lăm đổ bến
Giong lèo thay kẻ ráp xui ghềnh(Hồ Xuân Hương)

4. Hạc tất:
Hạc: Chim hạc.
Tất: Đầu gối (chổ gù lên)

.Do hai đầu nhỏ, mà ở giữa phình ra như đầu gối chim hạc nên gọi là hạc tất. Hạc tất là bệnh về dấu thanh.
Bệnh xuất hiện khi có chữ thứ 4 trùng thanh độ với chữ thứ 7 của câu.

Ví dụ:
Nghe lời phi pháp làm tai điếc
Nghĩ nỗi nhân tình ruột lại đầy(Khuyết Danh)

5. Chánh nữu:
Chánh: Chính. Trong thuật ngữ thơ được hiểu là ngay ở trong câu.
Nữu: Nhờn quen. Trong thuật ngữ thơ được hiểu là sự trùng lặp.
Chánh nữu là bệnh về sự trùng lặp phụ hay nguyên âm ngay trong mỗi câu.
Bệnh xuất hiện khi có nhiều hơn 2 chữ có cùng phụ âm đầu (hoặc bắt đầu bằng nguyên âm) trong một câu. Trường hợp từ láy thì chỉ tính thành 1 chữ.

Ví dụ:
Làn ao lóng lánh bóng trăng loe(Nguyễn Khuyến)

6. Bàng Nữu:
Bàng: Bên cạnh, liền kề. Trong thuật ngữ thơ được hiểu là câu liền kề
.Nữu: Nhờn quen. Trong thuật ngữ thơ được hiểu là sự trùng lặp
Bàng nữu là bệnh về sự trùng lặp phụ hay nguyên âm trong từng cặp câu.Bệnh xuất hiện khi có nhiều hơn 3 chữ cùng phụ âm đầu hoặc bắt đầu bằng nguyên âm nằm trong hai câu liền kề. Trường hợp từ láy thì chỉ tính thành 1 chữ.

Ví dụ:
Thôi thế thì thôi đành tết khác
Anh em đừng tưởng tết tôi nghèo(Trần Tế Xương).

7. Tiểu vận:
Tiểu: Nhỏ. Trong thuật ngữ thơ được hiểu là nhẹ.
Vận: VầnTiểu vận là bệnh nhẹ về vần trong câu.
Bệnh xuất hiện khi có chữ thứ 2 bị trùng khuôn vần với chữ thứ 6 hay chữ thứ 7 của câu.

Ví dụ:
Bốn phương trông ngóng cũng nương nhờ(Phan Huy Ích)
Mai này tớ hỏng tớ đi ngay(Trần Tế Xương)

.8. Đại vận:
Đại: Lớn.
Trong thuật ngữ thơ được hiểu là nặng.
Vận: Vần
Đại vận là bệnh nặng về vần trong câu.
Bệnh xuất hiện khi có chữ thứ 4 bị trùng khuôn vần với chữ thứ 7của câu

Ví dụ:
Nước non nào phải của ai đâu
Nhiều ít công hầu cũng mặc dầu(Nguyễn Bỉnh Khiêm)

* Làm thơ Đường luật tức là phải tuân thủ luật. Những lỗi dẫn đến sai phạm về luật thơ (vần, luật, niêm, đối) khiến bài thơ không đạt thể Đường luật đương nhiên là không được. Những lỗi và bệnh khác làm giảm giá trị bài thơ hoặc làm kém âm điệu cần khắc phục.

Nhận biết về lỗi bệnh là để chế ngự nó chứ không phải để lệ thuộc vào nó. Quá chú tâm đến việc “sạch lỗi bệnh” mà bỏ qua hết những lời hay ý đẹp thì chỉ khiến cho bài viết cứng nhắc, gượng ép, thậm chí phi lý.

Người xưa khi làm thơ thường trọng ý hơn trọng từ, đôi lúc còn phá lệ... kết quả là có những tuyệt tác lưu truyền đến tận ngày nay để lớp hậu sinh chúng ta mang ra soi lỗi bệnh.Liệu rằng sự “sạch sẽ” của những tác phẩm hiện nay có được con em chúng ta trong tương lai mang ra ca ngợi chăng!?


(Tổng hợp từ nhiều tư liệu)

ht sưu tầm

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.