Jan 20, 2025

Viết về tác giả & tác phẩm

Tưởng Niệm Nữ Sĩ Vi Khuê Trần Trinh Thuận (1931 - 2018)
Vi Khuê 1931 - 2018 * đăng lúc 04:00:04 AM, Sep 06, 2023 * Số lần xem: 1161
Hình ảnh
#1

                      * đăng lúc 03:46:36 AM, 09  30, 2020 * Số lần xem: 532 

  Mùa Thu 2018  

 

Trịnh Bình An

TƯỞNG NIỆM NỮ SĨ VI KHUÊ

TRẦN TRINH THUẬN ( 1931 - 2018 )

                                                                                              

Nhà thơ Vũ Hoàng Chương từng nhận định về nữ sĩ Vi Khuê:
"Vi Khuê đã vì cuộc chiến âm thầm trong mỗi con người thế gian mà sa giọt lệ. Niềm băn khoăn in vào thơ như vết dao chém trên đá, như mũi kim xuyên thủng địa cầu..."

Vi Khuê từng có một bài thơ, tựa "Sục Sôi",

Sục sôi thế giới ngày nay
Thôi đừng đứng đó trông ngày tưởng đêm
Thấy con sông tưởng chiếc thuyền
Thấy hoa mướp dại tưởng miền quê xa


Sục sôi thế giới ngoài kia
Thôi đừng đứng gõ mộ bia hát xàm
Trăm năm một giấc kê vàng
Mà đau đến cả hai hàng mộ bia


Sục sôi thế giới trong nhà
Thôi đừng đứng nhớ mẹ cha oặn oài
Nhớ em chết biển mười hai
Nhớ anh chết trận năm dài mấy năm

Sục sôi thế giới ầm ầm
Thôi đừng đứng đó đẽo vần gọt thơ
Có đau ôm mặt khóc oà
Có thương thì giãi trăng tà tấm thương


Giờ đây, khi chúng ta ngậm ngùi với câu thơ "Trăm năm một giấc kê vàng" thì chúng ta cũng cùng chia xẻ với gia đình nữ sĩ nỗi đau thiên thu chia lìa, "Mà đau đến cả hai hàng mộ bia" – Nữ sĩ Vi Khuê đã vĩnh viễn xa rời nhân thế, ngày 25 tháng 9 năm 2018.

Nhà văn Hồ Trường An trong tác phẩm "Giai Thoại Văn Chương", đã có chương đặc biệt viết về nữ sĩ Vi Khuê , có tựa "THEO CHÂN NỮ SĨ VI KHUÊ ÐI TRÊN LỚP SÓNG PHẾ HƯNG CỦA VĂN CHƯƠNG HẢI NGOẠI" đã viết một số đoạn như sau:

Bắt đầu từ năm 1985, văn đàn Việt Nam ở hải ngoại mới được phái đẹp tham gia tích cực và đóng góp nhiều văn phẩm, thi phẩm có giá trị. Những năm trước đó, từ năm 1975 cho tới 1981, văn đàn vốn quạnh quẽ tiêu điều. Các cây bút phái mạnh đã từng vang danh nổi tiếng trong nước nhưng khi ra hải ngoại ở bước đầu định cư vì phải lo vấn đề cơm áo nên họ ngại cầm bút, huống hồ là bậc nữ lưu phải vừa kiếm sống vừa lo việc nội trợ tề gia.

Vào tháng 7 năm 1982, tạp chí Văn do Mai Thảo chủ trương đã sáng thêm hào quang nhờ hai chị Tuệ Nga và Vi Khuê. Ðó là hai nhà thơ nữ mà trước năm 1975 đã từng đóng góp cho thi đàn miền Nam mỗi người một pho phương cảo sáng giá qua hai tập thơ: “Suối” của Tuệ Nga và “Giọt Lệ” của Vi Khuê.

Riêng về chị Vi Khuê, theo tôi được biết, vào thời điểm trước 1975, chị quá bận rộn chức vụ hiệu trưởng trường Trung Học Tư Thục Ðệ Nhị Cấp Văn Khoa tại Ðà Lạt, sau khi đã rời khỏi ngành Thông Tin Văn Hóa của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa với 20 năm công vụ thâm niên. Ðó có nghĩa là, trong chặng đường thanh xuân của Vi Khuê, chị đã luôn luôn bận rộn với công việc mưu sinh xây dựng trên hai ngành văn hóa và giáo dục. Cho nên dù muốn dù không, chị không thể đem hết tâm cơ dấn thân vào cuộc bút trình để tạo dựng sự nghiệp văn chương cho mình.

Nhưng chính văn chương mới là địa hạt thích hợp với khả năng, sở trường và hoài bão của Vi Khuê. Có thể nói, kể từ năm 1980, độc giả người Việt hải ngoại đã được chứng kiến lâu đài văn chương của Vi Khuê nếu không nguy nga thì cũng rất đỗi tráng lệ.

Khi định cư ở Virginia, từ năm 1975 nữ sĩ Vi Khuê cùng phu quân là giáo sư Chử Bá Anh, đã bắt tay ngay vào công cuộc làm văn hóa: cả hai làm báo, tổ chức trường dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam, đặt ra giải thưởng Nguyễn Du dành cho cuộc thi về thơ. Còn riêng Vi Khuê, chị tiếp tục làm thơ, viết truyện ngắn, viết khảo luận, dùng làn sóng điện của Ðài Phát Thanh Mỹ tại Hoa-Thịnh-Đốn để nói lên Tiếng Nói của Cộng Ðồng Việt Nam đầu tiên vừa hội nhập quê hương mới... Nhờ có giải thưởng thơ Nguyễn Du mà một ngôi sao thi ca nữ giới của tiểu bang California đã sáng chói trên nền trời thơ. Ðó là nữ sĩ Trần Mộng Tú.

Tôi - ở đây là Hồ Trường An - được quen biết nữ sĩ Vi Khuê vào khoảng năm 1984. Thư từ và điện thoại viễn liên trao đổi cho tới năm 1987, tôi mới được diện kiến chị Vi Khuê trong dịp chị cùng nhà báo Chử Bá Anh sang viếng Kinh Ðô Ánh Sáng Paris. Trong bữa tiệc do nhà biên khảo Thụy Khuê khoản đãi, chị Vi Khuê mặc y phục bằng lụa mỏng nhẹ màu đen rất hợp với mái tóc uốn khá cao phô chiếc gáy trắng ngần, hợp với đôi bàn tay tháp bút mềm mại và nõn nà. Nhưng màu đen không làm cho chị có vẻ buồn bã đâu. Nữ trang nạm kim cương thanh nhã, phấn xoa mặt màu hồng đào phơn phớt, son tô môi màu hồng ngọc sáng bóng làm chị có vẻ mệnh phụ đài trang.

Nữ sĩ Vi Khuê – nhũ danh Trần Trinh Thuận. Chánh Quán Thừa Thiên – Huế. Trước năm 1975, từng là xướng ngôn viên, biên tập viên, diễn viên thoại kịch Ðài Phát Thanh Huế và Ðà Lạt. Sau đó là Hiệu Trưởng Trường Trung Học Tư Thục Ðệ Nhị Cấp Văn Khoa tại Ðà Lạt.

Các tác phẩm cá nhân đã xuất bản (thơ và truyện ngắn):
1. Thơ: Giọt Lệ / Cát Vàng / Tặng Phẩm Tình Yêu / Hoa Bướm Vườn Thơ Tôi / Thơ Trong Mưa Và Hoa
2. Văn: Ngựa Hồng Trên Ðồi Cỏ / Những Ngày ở Virginia / Vẫn Chờ Xe Thổ Mộ
3. Sách dạy tiếng Việt:
- Căn Bản Tiếng Việt (1978), Tập nói và viết tiếng Việt (1979).
- Băng học tiếng Việt "Teach Me Vietnamese" (2000)
 

* Có tên trong Tự Ðiển Các Nhân Vật Quốc Tế ấn hành tại Anh Quốc (Dictionary of International Biography).
* Có tên trong Tự Ðiển Tiểu Sử Văn Học về các tác giả, ấn hành tại Hoa Kỳ (American Biographycal Institute).
* Ðược vinh danh trong danh sách Hai Ngàn Phụ Nữ Hoa Kỳ Nổi Bật năm 1994 - 2000 Notable American Women (1994).

HỒ TRƯỜNG AN: Xin chị cho biết quan niệm về vai trò sáng tác của mình? Giúp độc giả giải trí, giáo dục đạo đức, cải tạo xã hội, (dấn thân) hay phụng sự nghệ thuật thuần túy?

VI KHUÊ: Phải, chúng ta hãy trở lại với vấn đề văn nghệ phụng sự nghệ thuật, phụng sự nhân sinh: Tôi viết, trước hết vì mình, để tự giải tỏa những ẩn ức, suy tư, đớn đau, khắc khoải. Nhưng suy tư, khắc khoải ấy là từ xã hội trong đó tôi đang sống, hay vì quê hương như một mối ràng buộc không thể dứt rời.

***

Thơ của Vi Khuê có nhiều thể loại: thơ lục bát, thơ thất ngôn bát cú, thơ tứ tuyệt, thơ tám chữ, thơ tự do, hoặc thơ lục bát mà từng cặp được xắn từng mảnh rời và khi đọc qua chúng ta tưởng đâu là thơ tự do. Ðề tài trong thi ca của Vi Khuê rất phong phú: tâm linh, tôn giáo, tâm tình, hiện tình đất nước, nỗi buồn lưu vong, v.v.

Bạn đọc hẳn từng nghe bài thơ Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác?
Và có biết nữ sĩ Vi Khuê đã có một bài thơ, mang tên Biệt Ca?

Đoạn cuối bài Hồ Trường được viết như sau:
 

Hồ trường! Hồ trường!
Ta biết rót về đâu?
Rót về Đông phương, nước biển Đông chẳy xiết sinh cuồng loạn
Rót về Tây phương, mưa phương Tây từng trận chứa chan

Rót về Bắc Phương, ngọn Bắc phong vi vút cát chạy đá giương
Rót về Nam phương, trời Nam mù mịt có người quá chén
như điên như cuồng
Nào ai tỉnh, nào ai say
Lòng ta ta biết, chí ta ta hay
Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ
Hà tất cùng sầu đối cỏ cây


Theo cảm nghĩ riêng của người viết, Biệt Ca của Vi Khuê chính là bài thơ họa lại bài Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác.

Biệt Ca
Vi Khuê (1991)

Ta tưởng Ngươi / đi về phương Đông

Ta rót cho Ngươi / chén rượu hồng

Rượu sẽ mềm môi / Ngươi sẽ khóc

Ta cười, Ngươi / có hiểu gì không?

 

Ta tưởng Ngươi / đi về phương Tây
Ta rót cho Ngươi / chén rượu đầy
Rượu sẽ làm cay / đôi mắt ướt
Ta nhìn, lệ rớt / giữa lòng tay

Ta tưởng Ngươi / đi về phương Nam
Ta rót cho Ngươi / chén rượu tràn
Rượu sẽ làm hoen / thân áo bạc
Ngươi về./ Khật khưỡng bóng trăng tan

Ta tưởng Ngươi / đi về phương Bắc
Ta rót cho Ngươi / chén rượu ngọc
Rượu sẽ vì ta / nói với Ngươi:
Vĩnh biệt. / Đừng quay nhìn ngõ trúc!
 

Ta tiễn Ngươi. Ồ / Ta tiễn Ngươi
Rừng phong không gió / trời không mây
Hoa đâu, để /ngát thơm vườn ngự
Ta tiễn Ngươi mà / Ta tiễn Ngươi!


Qua Biệt Ca, phải chăng nữ sĩ Vi Khuê đã xúc động với nỗi lòng của đấng nam nhi, tuy khắc khoải ưu tư nhưng chẳng muốn bày tỏ ra ngoài. Còn nữ sĩ, khi cùng chia sẻ tâm tư của người anh hùng, tuy trong lòng cũng đớn đau không kém nhưng phải cố kìm nén bi thương. Người viết nên những giòng thơ như Biệt Ca chắc hẳn phải có được một tâm hồn rất vững chãi?

Trong văn, Vi Khuê cũng thể hiện một cái nhìn hồn hậu, lạc quan về cuộc sống. Điển hình như trong truyện ngắn Tái Ngộ Đầu Xuân. Truyện kể về một người đàn ông đem lòng thương yêu một thiếu nữ trẻ tuổi hơn nhiều. Nhưng nàng buộc phải nhận lấy một người ở bên Mỹ dù không yêu thương. Rồi sau nhiều năm, người đàn ông được biết người con gái đã có một cuộc hôn nhân có thể gọi là khá hạnh phúc. Người đàn ông không tìm gặp lại cố nhân. Ông ra đi, nhưng nhủ thầm với chính mình như đang nói với người yêu:


"Anh thực sự mừng cho Em. Anh phải biết điều chứ. Vả chăng, Anh thương Em tự thuở nào, vẫn bằng tình thương của một người Anh bên cạnh tình yêu của một người tình. Anh đã chẳng làm gì được cho Em trong dĩ vãng, thì nay Anh phải mừng cho Em chứ. Người ta thường nói cuộc đời này bi thảm, đúng vậy. Nhưng riêng đối với Em thì nó mang ý nghĩa lột xác, một hóa thân. Anh mừng cho Em, không phải chỉ vì Em đang sống trong nhung gấm; mà còn vì Anh đã thấy, qua ánh mắt bao giờ cũng lấp lánh ánh thông minh của Em, rằng chính Em đã chấp nhận hạnh phúc này. Ngày xưa không phải là Em đã có lần nói với Anh rằng: “Có những hạnh phúc không được chấp nhận”.

"Có những hạnh phúc không được chấp nhận" – Đây có lẽ là một lời nhắn nhủ thân ái của nữ sĩ Vi Khuê tới mọi người chúng ta? Chúng ta được hưởng biết bao nhiêu niềm hạnh phúc, hãy tận hưởng, nhưng cũng hãy… cảm tạ, vì biết đâu thân phận con người luôn luôn được nâng đỡ bởi Tình Yêu thiêng liêng của Đấng Tối Cao, như tâm tình của Vi Khuê trong bài thơ "Noel 84" với những câu:

Phận người
Chúa vác trên vai
trong hang đá lạnh
đã dài
tiếng chuông


Giáo sư Chử Bá Anh và nữ sĩ Vi Khuê đã ra đi, nhưng những gì hai vị đã dày công thực hiện suốt nhiều năm cho văn hóa, cho giáo dục Việt Nam - từ trong nước ra đến hải ngoại - sẽ còn mãi như ngôi sao Khuê luôn chiếu rạng trên bầu trời bao la.

                                    


Trịnh Bình An

Nguồn : vanhuu08@yahoo.com
         Trang Văn Hữu

 

 


 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.