Dec 21, 2024

Tùy bút - Bút ký

Cẩn, Tắc Vô Ưu
Võ Doãn Nhẫn * đăng lúc 11:49:47 AM, Oct 20, 2008 * Số lần xem: 2539
Cẩn, tắc vô ưu.( tùy bút).

Dạo này tôi cạn đề tài, không biết còn gì nữa để viết: viết hồi tưởng, viết tùy bút, viết tiểu luận, viết truyện liêu trai,truyện lịch sử, truyện dã sử Cạn đề, tôi đành viết tùy bút vậy: cẩn, tắc vô ưu. Cẩn thận, tất không lo. Ngày trước tôi đã có thoáng nghe nói về (vô ưu thảo(, tôi e chừng ( vô ưu thảo( tức là (cỏ không lo buồn(.Cỏ không lo buồn? Nghe lạ tai! Có bao giờ tôi nghe cỏ không lo buồn? Tôi chỉ biết chỉ nhìn thấy mỗi lúc hoàng hôn tắt nắng ngày tàn, lúc ( gà lên chuồng(, loài thảo mộc bắt đầu lặng lẽ cụp lá xuống... ngủ. Ðoán non đoán già tôi phỏng đoán đó là loài hoa trinh nữ, nói nôm na giản dị đó là cây hoa mắc cỡ: mỗi khi khua động cành cây mắc cỡ thì lập tức cành cây rũ cụp xuống, chẳng khác gì cành cây bắt đầu ngủ. Về sau, tôi (phát giác( cây trinh nữ tức hoa mắc cỡ bị tác động bởi một phản ứng tác động bên ngoài là xu tính, tương tự phản xạ, tức réflexe. Khi đề cập thực vật học có địa-hướng-động: rễ cây theo hơi đất mà hướng về; có quang-hướng-động: thân cây nghiêng ngả về phía ánh sáng về phía mặt trời.
Cũng về sau, tôi nghe ( vô ưu thảo( cỏ không lo buồn không rõ ý nghĩa của loài thảo mộc ấy. Nhưng tôi không thể cãi, biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe, lắng tai nghe những câu những lời châu ngọc giáo huấn, thì đây, có đây rồi.
Học sách 100 bài tập đọc lớp sơ đẳng, tôi có học một bài học ( Thầy Mẫn tử( của Lý văn Phức:
( Thầy Mẫn tử rất đường hiếu nghĩa,
Xót nhà huyên quạnh quẽ đã lâu(.
Nhà huyên, tên gọi một thứ cỏ, cũng còn tên là vô ưu thảo, ám chỉ người mẹ,mỗi khi đứa con buồn rầu đau khổ, người mẹ sẽ dùng lời êm dịu vỗ về khuyên bảo khiến người con quên hết mọi ưu phiền, vô ưu thảo là như thế.
Cẩn, tắc vô ưu. Cẩn thận, suy nghĩ, bàn tính, quyết định và cẩn thận thi hành, tất không lo, các nhà tâm lý học cổ điển luôn khuyên bảo những học trò học Triết phải làm nên làm như thế. Nông nỗi, bồng bột, hấp tấp, vội vã là điều cấm kỵ. Lúc còn mài đũng quần vào năm học lớp Dự Bị, tôi đã phải lãnh một con zéro tròn trịa chỉ vì tôi quên bẵng một con tính đố. Tôi xấu hổ, đỏ mặt, xếp vội xếp vàng tập vở, cắm đầu lủi thủi về chỗ ngồi trong lúc thầy giáo đang tủm tỉm cười ruồi. Ðó là lần đầu tiên trong đời học trò, tôi lãnh một trứng vịt( may sao, thầy giáo không ghi vô sổ điểm).
Hãy cẩn thận trước khi làm một việc quan trọng vì việc ấy sẽ quyết định thành công hoặc thất bại của ta. ( Uốn lưỡi bảy lần(, người lớn đã nhiều bận khuyên chúng tôi như thế, nhưng thế hệ hậu sinh thường chủ quan, người lớn khuyên bảo, chúng tôi thường bỏ ngoài tai, nghe qua rồi bỏ, ( biết rồi, khổ lắm, nói mãi(.
Ðây kinh nghiệm đáng giá ngàn vàng, không phải kinh nghiệm của bản thân tôi nhưng kinh nghiệm của một người bạn học, một cái giá của bài học đích đáng, nhớ đời: cẩn, tắc vô ưu.
Lớp ( Nhì nhỏ(cours Moyen 1ère Année là một lớp xà bần, một lớp hỗn tạp, một lớp thập cẩm, một lớp chất chứa dung nạp, một lớp gồm nhiều lớp, từ trường lớp sơ cấp Vĩnh Ðiềm, từ lớp sơ cấp Ngọc Hội, lớp sơ cấp Xuân Lạc, lớp sơ cấp Phú Vinh, lớp sơ cấp Xuân Phong tới lớp sơ cấp Vĩnh Hội, lớp sơ cấp Vĩnh Phương, lớp sơ cấp Vĩnh Hải tức trường Cù Lao bởi các làng địa phương lân cận không có khả năng mở các trường các lớp tiểu học. Học trò một khi học tới lớp sơ cấp được coi như hết cấp, ở nhà. Tôi biết học trò trước đây học các lớp sơ cấp các làng nói chung học khá, đến nay tôi vẫn nhớ: học khá ở Ngọc Hội có Nguyễn Vân, Nguyễn văn Kiệt, Lý quang Minh; học khá ở Xuân Lạc chỉ có mỗi một độc nhất là Huỳnh văn Khán; sơ cấp Phú Vinh có Trần văn Lưu, Huỳnh vĩnh Thọ; sơ cấp Xuân Phong có Trương văn Gởi, Nguyễn Ni; sơ cấp Vĩnh Phương có Trần văn Thọ, Tô phước Khanh, Phạm văn Thững; sơ cấp Vĩnh Hội có Trần văn Khá, Hứa Hàm Quỳnh. Ðã hơn sáu mươi năm vật đổi sao dời cớ sao tôi vẫn còn nhớ những tên hỉ mũi chưa lấy gì làm sạch, có những tên đã nằm sâu dưới lòng đất mẹ: Kiều xuân Ðiệp, Lý quang Minh, Huỳnh ngọc Trực.( Ðiệp chết vì bị ung thư não, Lý quang Minh già, Trực chết vì sét đánh trong lúc Trực đang giữ trâu)
Gởi là học sinh hoạt động, năng nổ, thường giơ tay phát biểu, thích ngao du trò chuyện với tôi và tôi cũng thích chơi với Gởi. Tôi cũng biết gia cảnh của Gởi thanh bạch, nhà nghèo, quần áo Gởi chỉ có mỗi một bộ đi học. Có lần, Gởi tâm sự cùng tôi, kể lể suốt một năm trường, Gởi chỉ có một bộ veston plat màu xanh nước biển vào dịp Tết. Sau Tết sang xuân, tới hạ, thứ năm chủ nhật, tôi cũng chỉ trông thấy Gởi vỏn vẹn mặc bộ đồ duy nhất, thấy lạ nhưng tôi không hỏi, có một lần, Gởi cho tôi rõ cuối tuần lễ thứ năm chủ nhật Gởi thay bộ đồ xanh ra giặt phơi khô, xong mặc lại cho ngày đi học kế tiếp.
Năm học sắp kết thúc, hoa phượng rải rác khoe sắc đỏ, ve sầu lảnh lót kêu ra rả, bạn bè sắp sửa chia tay. Một hôm, nhân lúc giờ ra chơi, Gởi khoe:
Mình mới có được quyển tự điển mới Nhẫn à.
Chưa hề, chưa bao giờ tôi sở hữu được một quyển tự điển mới, nghe lạ lùng và xa cách, nhưng tôi cũng hỏi:
Thế à! Nhưng tự điển Pháp-Việt hay tự điển Việt-Pháp?
Dictionnaire La Rúxờ.
Tôi im lặng không nói gì, nhưng tôi biết đó là quyển tự vị, chỉ giải thích cắt nghĩa bằng tiếng Pháp: dictionnaire Larousse.
Sang năm, tụi mình sẽ lên lớp Nhì Lớn, cours Moyen 2è Année, Nhẫn học fắc xông chưa?
Tôi tự hỏi, fắc xông là cái gì vậy? Mình không bao giờ nghe ai nói về cái môn học ấy, nhưng mình lắc đầu nói bừa:
Chưa.
Mình đang học. Nhẫn có học fắc xông thì mình mừng giùm .
Sau, tôi vỡ lẽ rằng Gởi muốn nói fraction, tức phân số, nhưng khổ nỗi, Gởi khoái nói tiếng Tây!
Nghỉ hè năm ấy vừa chấm dứt, học sinh lục tục tới trường chuẩn bị năm học mới thì đùng một cái, chế độ giáo dục được cải cách: kể từ năm học 1949-50, các lớp Nhì sẽ được hủy bỏ, không còn lớp Nhì nhỏ Nhì lớn nữa và được thay thế bằng lớp Nhứt, và lớp Nhứt sẽ phải qua một kỳ thi, những lớp nhì bất kể lớp nhì nhỏ hay lớp nhì lớn cũng phải thi hết, thi tất. Cũng xin nói thêm cho rõ: trước năm 1949-50, chương trình giáo dục các cấp vẫn còn được áp dụng môn Pháp văn, được coi như môn sinh ngữ chính, giờ đây chương trình được thay hình đổi dạng: hủy bỏ môn Pháp văn, lấy Việt văn làm sinh ngữ gốc. Hết rồi những giờ vocabulaire et élocution, rédaction và récitation. Trau dồi học hỏi môn Pháp văn cho nhiều cho lắm, rốt cục chỉ là vọng ngoại. Mạnh Tử ngày trước đã hữu lý khi nói ( dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh(.
Văy thì Trương văn Gởi cũng như tôi, lóp ngóp đóng vai sĩ tử cũng lều cũng chõng cũng đi thi cái gọi là thi (còng cua(tức thi concours, tức thi tuyển sinh nói theo danh từ thời thượng. Môn thi chỉ hai môn, quốc văn và Toán. Nếu chẳng may thi hỏng, học sinh phải học lại lớp nhì liệt hạng.
Môn thi buổi đầu tiên là môn quốc văn, Bốn Mùa. Ký ức mơ hồ hoang mang khiến tôi nhớ môn thi(còng cua( vào lớp nhì nhỏ độ nọ cũng là môn quốc văn, bài thi ( Ngoài đường(, tác giả là De Amici, một nhà giáo dục bên Âu châu, nhà giáo Hà Mai Anh dịch từ Pháp ngữ Dans la rue sang Việt ngữ. Sang môn thi tiếp là môn toán, ngón sở trường của Trương văn Gởi. Tôi nhớ bài toán chú tâm về diện tích hình thang, chu vi, diện tích tôi không nhớ, chỉ nhớ Gởi làm ngay vào bài thi trên giấy không cần nháp, thao thao bất tuyệt, dễ như... như cơm cháy, chỉ ngoáy một phút là xong ngay đáp số, thần kỳ diệu toán. Trong lúc tôi còn đang loay hoay lý giải bài toán, Gởi đã làm xong, hối hã đem nộp bài thi, giám thị là thầy Ngụy như Bàng, xong, sĩ tử Gởi ung dung tự tại đi ra cửa phòng thi, một tay cặp thước, một tay cầm viết. Vị giám thị khẽ liếc mắt nhìn bài thi, lặng im, không nói không rằng không phát biểu ý kiến. Chừng năm phút sau, Gởi quày quả trở lại phòng thi, van xin nài nỉ thầy giám thị cho sửa lại bài thi vì đãng trí sơ xuất. Thầy giám thị lắc đầu, nói cho tất cả sĩ tử biết bài làm đã xong coi như không thể sửa chữa, không thể làm lại, bút sa gà chết, nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy. Thì giờ đã phũ phàng tàn nhẫn đi qua, lạnh lùng thản nhiên không hối tiếc, không sửa chữa, le temps est irréparable.
Lẽ đương nhiên kết quả kỳ thi không đoái hoài tới kẻ đã hấp tấp bộp chộp trong lúc làm bài. Cũng vào kết quả kỳ thi này tôi may mắn được vô lớp Nhứt, suýt hỏng, một kinh nghiệm để đời. Lúc đi thi bằng cấp tú tài Một, tôi không dám sơ xuất, đọc đi đọc lại cẩn thận đề thi môn toán: cách xác định một mặt phẳng. Ðề thi nằm trong chương trình, ngay đầu trang sách giáo khoa tôi học thuộc hàng chục lần. Trúng tủ, tôi mừng rơn nhưng không dám hối hã viết ngay bởi sợ bị hố; lại một lần nữa bài học dạy tôi nhớ lấy: (rằng con thuộc lấy làm lòng(: cẩn, tắc vô ưu( không phải ( vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề() đâu à nghen.
Sau khi đậu bằng Tú Tài toàn phần, tôi nộp đơn xin vô đại học sư phạm được tổ chức tại Sài Gòn, lòng vẫn khư khư giữ lấy châm ngôn cẩn, tắc vô ưu. Cho nó bảo đảm( Tôi không nói ( cho nó đảm bảo().Cho nó chắc ăn. Thi ban Triết cũng chỉ thi hai môn: Triết và một trong hai môn sinh ngữ, hoặc Anh văn, hoặc Pháp văn, tôi chọn Pháp.
Môn Triết tôi thi có đề tài là:( Vấn đề xã hội phải chăng là một vấn đề luân lý(?Une question sociale est-elle une question morale? Bài thi có thể viết hoặc bằng tiếng Việt hoặc bằng tiếng Pháp nhưng không được viết vừa bằng tiếng Việt vừa bằng tiếng Pháp(khiếp!).
Tôi xin quảng diễn bàn rộng thêm về vấn đề xã hội và về vấn đề luân lý hay còn gọi vấn đề đạo đức.
Trước hết thế nào là vấn đề xã hội?
Xã hội, trước tiên là một tập thể gồm nhiều cá nhân chung sống thành một cộng đồng được tổ chức thành một sinh hoạt, một nền văn hóa, một truyền thống, một tín ngưỡng. Trước, tôi có loáng thoáng nghe Auguste Comte nói gia đình là một (tế bào xã hội( cellule sociale và Jean-Jacques Rousseau nói về Khế Ước Xã hội Contrat social, tế bào xã hội và Khế Ước xã hội ngày hôm nay đối với tôi đã chìm sâu trong sương khói mịt mù của lãng quên. Nhớ thì thưa thốt, không nhớ thì nhắc nhở mà nghe.
Xã hội thường xuyên có lắm vấn đề thiết thực: khai hoang vỡ hóa trồng trọt chăn nuôi là một vấn đề xã hội; nhuộm răng ăn trầu là một phong tục xã hội; tạo công ăn việc làm là một sự kiện xã hội; mở trường dạy học mở mang dân trí rõ rang là một vấn đề xã hội. Cách nay gần hai thế kỷ một vấn đề xã hội được đặt ra: học thuyết Malthus. Nhưng Malthus là ai vậy?
Malthus là một giáo sĩ người Anh kiêm nhà kinh tế. Sự phát triển kinh tế khiến một nhà kinh tế học Ricardo đã nói rằng dân số toàn cầu sẽ tăng theo cấp số nhân trong khi tiến độ về lương thực chỉ tăng theo cấp số cộng; trong viễn tượng đó một ngày không xa sẽ có nạn nhân mãn. Là một nhà đạo đức, giáo sĩ Malthus không thể đề xướng thuyết Malthusianisme, tức thuyết hạn chế sinh đẻ mà chỉ (khuyên( nên tạo công ăn việc làm được bảo đảm, thanh niên nên lập gia đình... trễ trễ, và nhất là thanh niên phải có một nếp sống lành mạnh, cụ thể là đạo đức.
Mặc nhiên, giáo sĩ Malthus đã tự coi ông có vấn đề xã hội và đã giải quyết vấn đề luân lý, vấn đề đạo đức. Nhìn chung, vấn đề xã hội có tương quan khá mật thiết với vần dề luân lý. Giải quyết một vấn nạn một khó khăn thuộc vấn đề xã hội coi như đã giải quyết vấn đề luân lý. Khi dân số đông, việc kềm hãm dân số tức chương trình sinh đẻ có kế hoạch đặt vô quần chúng một trào lưu... phá hủy thai nhi sẽ đặt lên lương tri họ vấn đề luân lý, vấn đề đạo đức. Nhật Bản vào thế kỷ hai mươi lâm vào tình trạng nhân mãn không lối thoát( vấn đề xã hội) nên nhóm quân phiệt trong quân đội Thiên Hoàng chỉ có một cách giải quyết chiến tranh theo chính sách Ðại Ðông Á( vấn đề luân lý kỳ thực là vô đạo đức. Cũng xin thưa, vô đạo dức không một nghĩa với phi đạo đức. Vô đạo đức là immoral. Giết người vô tội là vô đạo đức, là vô luân. Phi đạo đức là không thuộc phạm vi đạo đức, không tốt không xấu, amoral. Từ chối cuộc hôn nhân là phi đạo đức, là phi luân.
Kinh nghiệm bản thân giúp tôi thấy trong quãng đời học sinh, vào lúc làm bài, không bao giờ nên hấp tấp hối hả, phóng bút làm ngay. Dục tốc, bất đạt. Phải cân nhắc từng chữ nếu có thể từng câu, tìm hiểu ý nghĩa của lởi nói, của câu nói. Chỉ một chữ trong hai câu lục bát vào thời tôi còn tấp tễnh tham dự kỳ thi Trung học đệ nhất cấp năm 1954 cũng đủ dẫn dắt tôi vào trong cõi tối tăm mù mịt của chữ nghĩa vào thời buổi ấy:
( Trai mà chi, gái mà chi,
Con nào có nghĩa có nghì thì hơn.(
Ðánh chết cái (nết(không chừa, hay (cái nết(đánh chết cái đẹp. (Cái nết(đây hiển nhiên là một tính tốt, một đức tính, nết na, ngoan ngoãn, dễ bảo dễ dạy, nhưng lắm khi (cái nết(còn có nghĩa xấu: một thói xấu, một thói quen lâu ngày tiêm nhiễm thành một tập quán như cái thói lười biếng ăn no tốn vải, tập dữ tính thành.
Tôi qua Mỹ năm 1990, tính đến nay đã suýt soát hai mươi năm, năm 2008. Tôi về lại Việt Nam chỉ cốt để nhìn lại quê hương đã mất, tất cả được bốn lần. Chuyến về Việt Nam cuối cùng tôi hồ hởi phấn khởi vui vẻ tựa một con chim. Tôi cũng nói thêm những chuyến trước về Việt Nam, một người bạn cũ nguyên ngày trước là một nữ y tá đã lấy dụng cụ đo huyết áp giùm tôi và chị ấy cho tôi biết kết quả huyết áp rất cao, có lúc lên tới 170/90. thử đi thử lại nhiều lần, kết quả vẫn vậy. Lo thì có lo nhưng tôi (bỏ ngoài tai(, vẫn không uống một viên thuốc trị bệnh huyết áp, vẫn tiếp tục uống cà phê Việt Nam vào mỗi buổi sáng trước khi điểm tâm và... tiếp tục ăn mặn, không kiêng cữ ăn béo! Chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ!
Ngày hôm trước khi lên chuyến bay, sau khi dạy lớp piano, tôi ghé lại hiệu thuốc Tây, Vietõs pharmacy mua một lọ thuốc trị bệnh huyết áp để... phòng khi khẩn cấp. Kể ra, tôi cũng khá cẩn thận lo xa khi tôi lấy một viên thuốc bỏ vô giấy, bong bảo dạ khi ngồi trên máy bay sẽ uống thuốc. Thuốc sẽ ngấm, sẽ tan trong máu, huyết áp giảm, chắc gạo. Lượng định tình hình, tôi cảm thấy tình trạng sức khỏe của tôi vẫn bình thường,đầu óc tinh thần vẫn sáng suốt và e khỏe còn hơn tôi nghĩ. Vẫn bụng bảo dạ, tôi lần lữa hẹn khi nào lên Los Angeles, nhất định tôi sẽ không quên, không thể quên, không dám quên uống thuốc. Lục trong túi quần tây, viên thuốc trị bệnh huyết áp vẫn nằm yên lặng bất động vô tri, tôi yên chí.
Ngồi trong ghế hành khách chỉ vỏn vẹn vừa đủ chỗ ngồi theo vé hành khách economic, cài thắt lưng an toàn xong, tôi thoải mái dựa ngửa trên ghế nhựa trong khi máy bay bắt đầu thay đổi cao độ. Trên màn ảnh tương đói rộng đang chiếu phim, nói tiếng Hoa nên thậm chí tôi không hiểu nghĩa tiếng ( nhứt( là một. Tôi quay qua một màn ảnh nhỏ khác, được trang bị trên lưng ghế hành khách ngồi đằng trước, nhưng nhân vật cũng đang tranh cãi ngậu xị cũng bằng tiếng Hoa khiến tôi chán, ngáp dài, giờ này có lẽ đã quá khuya, tôi buồn ngủ nhắm mắt thiếp đi lúc nào không biết. Tiếng ì ầm của máy bay làm tôi thức giấc. Hình ảnh trên TV tí hon vẫn còn xuất hiện đằng sau lưng ghế, tôi định dùng tay trái đưa lên tắt cái máy (oan nghiệt(TV thì hỡi ôi, cánh tay trái bất động, không sao cử động được nữa. Tôi biến sắc, mất hết bình tĩnh, cố gắng vận dụng cánh tay trái một lần nữa nhưng bất lực. Tôi nhìn quanh tôi, các hành khách trên ghế máy bay đều ngủ ngon lành. Tôi bình tĩnh trở lại, vận dụng tâm thần tôi xem có những (chuyển biến( khủng khiếp gì không. Tim vẫn đập bình thường, đầu óc xem ra vẫn còn sáng suốt ngoại trừ biến cố tôi bị đột quỵ. Nguyên nhân xem ra có vẻ bình thường, thật sự tôi quên, không chịu uống thuốc trị bệnh cao huyết áp, một chứng bệnh chết người nếu may mắn thoát khỏi thần chết, mang tật những ngày còn lại. Bệnh còn, tật mang, khó bề chạy chữa, nan y, bất trị. Thời gian quái ác một khi trôi đi không bao giờ trở lại, bất khả phản hồi. Phải chi... phải chi, tôi thầm hối tiếc, rồi tôi ân hận. Tâm trạng hối tiếc chứng tỏ sự bất lực đứng trước thời gian hờ hững vô tình. Tôi đã hối tiếc đã làm bài tính vô ý nhưng đã nộp bài thi còn đâu. Tôi đã hối tiếc đến độ xót xa đau khổ vì đã chểnh mãng lơ là không uống thuốc phòng ngừa cao huyết áp và mẹ tôi hối tiếc vì đã chủ quan coi thường nên bà đã té ngã đến mức độ gãy chân phải chịu nằm một chỗ để các con cháu trông nom chăm sóc. Ðành rằng cẩn tắc vô ưu, thế nhưng bất cẩn , không chịu cẩn thận, hậu quả sẽ ra sao? Khó mà giải đáp. Còn cẩn tắc vô áy náy do nhà văn Nguyễn ngọc Ngạn phát ngôn thì tôi chỉ được nghe ông ấy lần đầu.
Suốt đời tôi ân hận đã bỏ lỡ một công việc, một việc làm mà hậu quả thực tai hại. Ân hận là một tâm trạng ray rứt dày vò dằn vặt, tiếng Pháp là remords như con chó cứ chạy theo sau sủa cắn mãi, như mẫu thân tôi mất mà không được nhìn thấy mặt lúc người lâm chung cận tử trước giường bệnh, như phụ thân tôi lúc người mất mà tôi không chứng kiến tận mắt lúc tôi đang trọ học xa nhà, như anh Ngô tôi trước giờ phút hấp hối mà anh em chúng tôi xa cách nhau vạn dặm nghìn trùng khi người bị đột quỵ suốt mấy năm dài. Tôi quên không uống thuốc? Ðáng kiếp! Cho chừa! Có người tuy im lặng không nói nhưng tôi thừa hiểu ý nghĩa lời nói ấy.
Tôi lại nghĩ tới trường hợp thời tiền sử huyền sử khi đức chúa Trời sáng tạo hai người bạn A Ðam E Và sống hạnh phúc tâm hồn trẻ thơ trong trắng tựa tờ giấy chưa in tại vườn Ðịa Ðàng trước khi hai người phạm tội tổ tông. Hai người phạm tội khi họ quên không vâng lời Chúa ăn trái cấm, nghe lời đường mật dụ dỗ của quỷ Sa tăng đội lốt rắn: nào, nếu ăn trái táo sẽ rất ngon, rất thơm, rất ngọt, nào, sau khi ăn táo, hai người sẽ có được khối óc khôn ngoan hiểu biết những gì... chưa biết, chẳng khác chi tôi sẽ mở rộng một khung trời tưởng tượng rực nắng chan hòa đất tổ quê cha. Nhưng một khi hai người đã ăn quả táo định mệnh, sự thực phũ phàng phơi bày ra đó: A Ðam E Và đều biết e lệ hổ ngươi, biết thế nào là tình dục yêu đương lạc thú. Nhưng thực tế phũ phàng đã lỡ, hai người chỉ biết thở vắn than dài ân hận, cái sự đã rồi, les jeux sont faits.
Quý độc giả còn nhớ học sinh ngày trước học lớp sơ cấp trường Xuân Phong Trương văn Gởi không nhỉ, học sinh vì bất cẩn vì sơ xuất một bài Toán mà đã (sai một ly, đi một dặm(?Vì không đậu được ở kỳ thi tuyển lên lớp Nhứt mà học sinh Gởi buồn ý lớp, giận tình đời bèn đổi tên, họ vẫn giữ nguyên. Gởi đổi tên, tự đặt tên mới là Hoàn, họ là Trương Sanh Hoàn( cải tử hoàn sanh?)
Tôi xin dược hỏi quý độc giả thông thạo chữ Hán: nếu bất cẩn, nếu không cẩn thận, hậu quả sẽ như thế nào, bất cẩn, tắc...? Người viết xin được chỉ giáo, vạn tạ./.

San Diego, chớm Thu 2008

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.