Saigon Nhỏ nhận được hai tập thơ của nhà thơ Vương Ngọc Minh gởi tặng.
Tập thơ đầu mang tên “kẻ đào tẩu nói mớ trong tình trường”. Tập thơ thứ hai tựa “không như quỉ thần, tôi sống lúc nào cũng lộ diện”.
Vương Ngọc Minh, sinh ngày 24 tháng 8 năm 1956 tại Sài Gòn. Anh đi lính VNCH chỉ được hai năm, 1974-1975.
Sau 30-4-1975, anh về Phước Long làm phu cạo mủ ở đồn điền cao su Quảng Lợi. Đến năm 1982, anh vượt biên bằng đường bộ qua Campuchia, rồi từ đó băng rừng qua biên giới đến Thái Lan.
Năm 1983, Vương Ngọc Minh được định cư tại Hoa Kỳ, và anh chọn thành phố San Francisco (California) là quê hương thứ hai từ đó đến nay.
Trong bài giới thiệu này, xin mời độc giả đọc bài viết “chợt vương ngọc minh” của tác giả Lê Hồng Khánh, và một vài bài thơ trong tập thơ “kẻ đào tẩu nói mớ trong tình trường”.
Quý độc giả yêu thơ, có thể mua tập thơ “kẻ đào tẩu nói mớ trong tình trường” tại trang nhà Barnes & Noble tại đây.
Trân trọng.
BBT Saigon Nhỏ
oOo
CHỢT VƯƠNG NGỌC MINH
Những bài thơ của Vương Ngọc Minh, ở đây, được đánh số theo thứ tự alphabet.
Nhưng khi đọc, bạn chớ có lựa chọn theo thứ tự ấy. Cứ ngẫu nhiên chạm vào một từ, một câu, hay một bài thơ, rồi đọc. Hình ảnh sẽ bật lên từ đó. Và âm thanh ngời lên đồng hiện. Với người viết, người đọc, và với chính câu thơ.
Những chuỗi liên tưởng nối tiếp nhau, chồng lên, va chạm, xô đẩy, tìm chỗ trong hệ thống, tựa như khi hạt nhân của hai nguyên tố bị dồn nén, va đập trong môi trường năng lượng đẩy lên cao ngất, tạo ra chuỗi phản ứng làm thay đổi kết cấu proton, bật ra một liên kết khác để hình thành nguyên tố mới:
ý..
rối bung cả
hôm qua bắt gặp cô
đầu một con phố/ dáng hình
quạnh hiu
và phút chốc nhòe đi dưới ráng chiều
ẻo lã
bắt nhớ giọng cô mềm lạnh
như tiếng chuột bạch rên rỉ
bất khả tư nghì
Thơ Vương Ngọc Minh sẽ thật khó đọc theo những hệ quy chiếu quen thuộc. Vả chăng, liệu có thể đọc “song thất lục bát” của anh nếu vẫn bám vào cách sắp xếp thanh điệu, thả nhịp, buông vần như cũ? Đang ở thì hiện tại, tôi không cho phép mình suy đoán về sức sống của những cách tân từ Vương Ngọc Minh ở thì tương lai. Song, dám “làm mới” truyền thống, trong nguyên ủy, mang phẩm chất nghệ sĩ. Quay nhìn quá khứ, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông đã quá xuất sắc trong nhiều bài thơ thất ngôn chen lục ngôn. Cho dù về sau, lối thơ này thưa vắng dần, nhưng dấu ấn của ngôi sao Ức Trai và ngài chủ động Thiên Nam về những chuyển động trong thơ Việt là không thể phai mờ.
cũng
chả lấy lại nổi niềm tin
tôi vẽ một người đàn bà
thẳng đuột
thản nhiên nhìn những người đàn ông
nối bước
đi ngang đời mình.
Đừng tin anh ấy nói gì trong thơ. Chẳng có nội dung gì sất. Không có ai đứng, cũng chẳng phải ai nằm. Không có làm tình hay thuyết bàn chính trị. Những câu chuyện kể ra ở đây chỉ lơ mơ trong cơn mê của chữ. Cũng chẳng phải ký ức hay tiềm thức. Đó và đây là âm thanh, hình ảnh đầy ám thị, quay cuồng trong lò bát quái nhiều hơn 49 ngày. Gió từ cung Tốn khiến nhịp điệu trở nên vội vã, gấp gáp; giai điệu không chịu trôi theo một dòng xuôi quen thuộc mà trúc trắc, gằn giật, rồi đột nhiên vỡ oà:
nom
các khe hở thời gian khép lại
tôi còn biết lần
mò
.. rốt cùng thì biệt tăm
vâng
chả có tôi nào ở đây cả.
Vương Ngọc Minh vẽ, nên thơ anh đầy ám ảnh màu sắc. Màu nhuộm từng câu thơ. Có khi tạo ra hiệu ứng chập chờn, bất định như Soilel Levant của Claude Monet. Có khi hiện lộ thân xác như Visage du Grand Masturbateur của Salvador Dali.
Một nhà thơ Việt thời tiền chiến, nổi tiếng với những cách tân, là Bích Khê. Ông có những câu thơ đến nay vẫn làm ta thảng thốt, vì mới, vì hay. Song, đến cuối đời, ông lại trở về với những vần thơ bình dị, gần gủi mà xúc động đến lạ thường. Đó không phải là trở về với câu chuyện cũ, mà là tìm thấy bản lai diện mục sau khi đã từng trải, chiêm nghiệm từ cuộc viễn du ở những chân trời lạ, xa tắp viễn phương.
Tôi đọc thơ Vương Ngọc Minh, vài năm gần đây, lờ mờ nhận ra điều ấy:
cái tôi lớp lang mang vùi
vàng phai đá nát “ui ui” đất trời
đã đòi đoạn tuồng tích phơi
chết đi sống lại – cha ơi đoạn trường
Nhầm chăng? Tôi không biết.
Nhưng nếu nhầm thì đó cũng là tôi, trong một cách đọc Vương Ngọc Minh.
Làng Thọ Lộc 3/10/2022
Lê Hồng Khánh
Tranh Vương Ngọc Minh
MỘT
đẩy nắp áo quan
chun ra
thấy đứng hai bên áo quan hai cô gái
giống như đúc
hai cô nhón gót nắm hai gấu quần
tả
hữu – kéo
đạp sút tay hai cô gái
bất kể đang sống
hay chết
tôi vùng chạy / rất nhanh
trên mặt đường cái lá khô ngập
dày cả thước
nom
hết còn cơ thu xếp một cuộc tiếp xúc
(với quỉ / thần!)
bấy giờ
cảm thấy bầu trời
nhiều đám mây vàng
chúng
lọt thỏm trong hốc mắt
chân mày tôi cực trơn/ tuột
chỉ tích tắc
nhác thấy tử thần
gã lôi thôi/ lếch thếch
kì dị
tay cầm lưỡi hái vừa đi vừa lấy môi dưới
đẩy hàm răng nanh
mặt gã hồng hào
chứng tỏ kiếm đủ máu
tôi tính nói “và đợi chờ
quả.. lâu nhỉ.. ối – ơn trời
ơn đất!”
chưa kịp khép mồm
ai đó vỗ vai (cái vỗ vai mạnh
đến độ
đấy không hề chuyện nhỏ
giễu cợt!) tôi xoay ngang
đụng bộ mặt thời cuộc
cực nhả nhớt
nỗi bất an
tái lập
mồm lộ trân tráo
nhìn thời cuộc – đúng tụi chó
tụi chỉ thích giao cấu xác chết chính trị
muốn lộn mửa
bởi mùi thối rữa
tôi hét toáng “nhá
nhá – cút
tụi chó
cút!”
oOo
HAI
… gửi bạn hiền hư vô
rồi tôi lướt ngang
bầy bồ câu bất động
có cảm tưởng
chỉ mới vừa nửa cơn mộng ngày
– tổ quốc vẫn cộng sản
mút mùa
tôi nom chả khác cái thây ma
đỉnh đầu
giờ còn tợ cái mặt bằng nhỏ cỡ nắm tay
đọc huyền sử – thấy
gia đình vẫn đợi tôi về / chả cần dày công lắm
hồi tôi chưa ra đời
thời gian ngắn ngủn ruồi xanh và gián
nhiều vô kể
trời / đất
đang có viễn kiến – mỗi ngày
nỗi đau lìa quê trong tôi sẽ tan dần
ở đây
một cách tuyệt đối mày
mặt
thôi xâm xoàng
thoáng chao động không để lại gì bí mật
và – khi chỉ tỏa màu xám chì
từ mồm
thế là chết
những ai tò mò
họ sẽ ngửi ra bàng bạc bức bối
của kiếp trước
lũ ruồi xanh và gián
ngày càng tăng dần
rét mướt lúc bám sự sống – như thế
khiến chúng phải tìm cho ra kẻ chết đi
sống lại
tôi vin cả vào cái thế giới hiện tại
vin chắc
đến độ không phải thốt
kêu “này các em nhỏ
các em thừa hưởng được gì
từ
cứt / di sản
tổ quốc để lại!”
tuy nhiên
có lúc nhìn lại – lập tức
bạn thấy đó
.. tôi hiện hữu chả khác cái thây ma có màu xám chì
thử
hỏi – khiến ta ngó trên da tìm những giậu đổ
bìm leo (!) yah
tôi nói kiểu một nhà thơ cách tân “dù làm thơ
không vần
có vần
người làm thơ chỉ cốt muốn nói lên tiếng nói
của thời đại mình” (*)
thực bất ngờ
bầy bồ câu ngay từ đầu bất động
giờ
chúng đồng loạt vỗ cánh / vụt
bay vút lên cao
bất thần
với tốc độ kinh hồn
bổ nhào xuống
lo có ngộ nhận giữa ảo mộng
với thực tại – tôi khoát tay
lũ ruồi xanh
và gián
chúng dằn nhau dữ tợn
tôi phát ho khan / từng tiếng “khục khục”
quái
người đời cứ nhầm lẫn
ấy tiếng móng ngựa gõ (!) họ còn bảo
tôi ho khan nghe quyến rũ cực!
(*) Khế Iêm
Nguồn: SaiGon Nhỏ