Jan 15, 2025

Tùy bút - Bút ký

THU - Gởi tặng riêng hiền muội H.T.
Võ Doãn Nhẫn * đăng lúc 10:56:19 AM, Sep 27, 2022 * Số lần xem: 2104
Hình ảnh
#1

THU.
(tùy bút)
( Gởi tặng riêng hiền muội H.T.)

Trời đã bắt đầu sang thu. Tôi lẩm bẩm, thì thầm trong ý nghĩ. Trời buổi sáng mênh mang đầy mây trắng, xế trưa mặt trời mới hửng nắng. Hàng cây phong dọc hai bên đường đã ngã sắc xanh giờ đây đổi sắc vàng tươi vàng úa hoặc sắc đỏ, hồi tưởng lại” Ký ức ngày hè” anh Ngô đã học từ lúc anh còn sinh tiền:

“ Trí thơ ngây đã bắt gặp nhớ nhung.
Ve đi đâu không cất giọng não nùng
Ðể đơn chiếc xui nhớ ngày tươi sáng.
Thu đã đến giữa tâm hồn hào rạng
Biết bao giờ hè trở lại cùng ta?
Ðể tha hồ chân nhảy miệng reo ca”.

Tôi cũng hồi tưởng sáu mươi năm trước lúc tôi còn ngồi ở ghế nhà trường năm đệ thất một trường trung học tư thục vì trượt vỏ chuối trong đợt tuyển sinh vào trường công lập:
“ Hằng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường”. Tôi xin chép lại nguyên văn “ những kỷ niệm hoang mang” và xin có một lời... góp ý phê bình tác giả Quê Mẹ: Thanh Tịnh.
Tôi ngập ngừng không dám hiểu ý nghĩa “những kỷ niệm hoang mang”. Tác giả đã muốn nói gì về “ những kỷ niệm hoang mang?” Trong ý nghĩa gần gũi nhất,”hoang mang” là những tính từ: những tâm trạng hoang mang, tinh thần bất ổn.” Hoang mang” chỉ nơi những trạng thái tâm lý bị dao động, không thể bàn tính không thể quyết định, đứng giữa ngã ba đường, không có lập trường kiên định dứt khoát. Như nhà thơ thời tiền chiến đã không biết qưyết định ngã theo ngọn cuồng phong cơn lốc nào:
“ Bâng khuâng đứng giữa hai giòng nước”
Và nhà thơ nay đà khuất bóng, trong lúc bao nhiêu người đã phải chạy theo ngã theo giòng nước tựa một “ guồng máy” để sống còn:
“ Mây biếc về đâu bay gấp gấp,
Con cò trên ruộng cánh phân vân.”
Về sau, khi phụ trách lại bài giảng văn “ Tôi đi học” ở các trường các lớp trung học đệ nhất cấp, tôi phác hiện khám phá ra rằng “ những kỷ niệm hoang mang” chính là “ những kỷ niệm mơ mơ hồ hồ, không sáng sủa, rõ ràng”, chỉ có điều,” những kỷ niệm hoang mang” ấy lại rất sáng sủa, rất rõ nét, bao hàm một mâu thuẫn không sao giải thích tường tận được. Thì đây, chứng cớ rành rành:
“ Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy...”
Và “ những cảm giác trong sáng ấy” chính là “ những kỷ niệm hoang mang” của buổi tựu trường.
Lời văn quả có hồn nhiên trong sáng giản dị dễ hiểu, dễ đi vào lòng những tâm hồn trẻ thơ non dại, nhưng bên trong nhà văn đã hàm chứa một mâu thuẫn, một nghịch lý vô tình. Như chính thi phẩm của nhà thơ Rồi Một Hôm trong tập thơ “Hận Chiến Trường”đã không tuân theo luật bằng trắc trong ba câu thơ sau đây:

“Rồi một hôm, nếu về cha hỏi:
Mẹ ở đâu, con biết nói sao!
Con hãy bảo trông cha mòn mỏi,
Mẹ từ trần sau mấy tháng đau”.

Bây giờ trở lại tiết bắt đầu thu. Hãy tưởng tượng nhà văn Phan Kế Bính cùng các văn hữu rủ nhau thuê một con thuyền rời bến hồ Tây ngắm trăng một đêm thu. Người đọc có lẽ không cần biết vẻ đẹp thanh phong minh nguyệt, chỉ cần dùng trí tưởng tượng mơ theo con thuyền trôi trên hồ thu.
“ Trời tháng tám, nhân buổi đêm trăng, dắt một vài anh em, bơi một chiếc thuyền nhỏ rong chơi trong hồ.

Hồ về thu, nước trong vắt, bốn mặt mênh mông. Trăng tỏa ánh sáng, giọi vào các gợn sóng lăn tăn tựa hồ hàng muôn hàng ngàn con rắn vàng bò trên mặt nước. Thuyền ra khỏi bờ độ vài ba con sào thì có hây hẩy gió động, sóng vỗ rập rình.
Một lát, thuyền đẩy về phía tây bắc vào gần một đám sen. Bấy giờ sen tuy đã hồ tàn nhưng vẫn còn lơ thơ mấy đóa hoa nở muộn, mà lá vẫn còn tươi tốt, mùi hương đưa theo chiều gió ngào ngạt trong thuyền khiến cho lòng người càng thêm bát ngát. Trong khi thừa hứng mà lại thêm có mùi hương thì cảnh khoái lạc biết là dường nào.

Ðêm gần khuya, trăng đã xế ngang đầu, anh em cũng đã cạn hứng muốn về nghỉ. Tôi tiếc cái thú đêm trăng đó, bảo buông lái cho thuyền tự ý đi vung một lát rồi hãy về.”

Có bao giờ tôi có được hạnh phúc cùng các bạn chèo thuyền bơi trong một đêm trăng nơi làng xưa sông cũ, cùng nhau ca bài ca khúc hát gõ mạn thuyền, quên đi thời gian, gác bỏ cuộc sống dậy sớm thức khuya? Ngày xa xưa ấy đã đi qua mất rồi, sẽ không bao giờ được sống lại những phút giây huyền hoặc ấy. Có bao giờ tôi được phép nhiệm mầu hóa thân làm nhà thơ cổ Tưởng Tiệp “ Nhìn những mùa thu đi”?

“ Khi luống tuổi nghe mưa rơi gõ con thuyền trên mui thuyền bé bỏng. Sông rộng mây vần, nghe con nhạn lìa đàn gọi gió.
Thu về theo trận gió Tây, nghe đến đây trong ngôi chùa cô độc.
Nhìn mưa tí tách trước thềm hoang. Bi hợp ly hoan chừng đã trải.
Ðầu tuy bạc ta vẫn chờ trời sáng.”
Tôi nghe văng vẳng đâu đây một ca khúc” Nhìn những mùa thu đi” của nhạc sĩ quá cố Trịnh Công Sơn. Lời ca êm ả thanh thoát tựa mây trời vương tơ giăng mắc, nhẹ nhàng tựa sương khói tà dương, mông lung như khói chiều ôm ấp,” thu thủy cộng trường thiên nhất sắc, lạc hà dữ cô lộ tề phi”( Vương Bột). Nhìn thời gian lãnh đạm dửng dưng bình thản trôi đi để thấy mình mỗi lúc một tàn phai xuân sắc, nhìn lại bản thân để rồi một phút bẽ bàng ngơ ngác, giòng đời xuôi ngược hối hả tiếp nối, đôi lúc mình như một kẻ lạc đường ngơ ngác nhìn trời, không ai là kẻ đồng hành chỉ biết cắm đầu rảo bước lúc bóng đã ngã hoàng hôn. Bài hát Nhìn những mùa thu đi giờ này trở thành đã quá xa xưa một thời vang bóng; Le vieux guitariste gầy gò hom hem trong bức danh họa Picasso cúi đầu nắn nót một giai điệu u sầu buồn thảm trong lúc tà dương đang hấp hối.

“ Nhìn những mùa thu đi, công viên chiều qua rất ngắn. Chuyện chúng mình ngày xưa phôi pha vào trong quên lãng, đến thu này mỗi độ tàn phai”.
Mùa thu lãng mạn, mùa thu xa vắng hiu hắt Văn Cao, mùa thu mặt trời không nắng không mưa bên giòng suối róc rách; giòng suối tên gì, không biết không nhớ, chắc là... Suối Mơ. Suối đang chứng kiến một đôi tình nhân kề lưng vào nhau bên gốc thông già ngập xác lá vàng từ bao năm trước, lắng nghe đợt nắng muộn màng trên giòng suối róc rách rì rào qua một tảng đá rêu phong hao mòn năm tháng, triền miên bất tận không biết bao giờ chấm dứt, lắng nghe mùa thu đến và mùa thu lặng lẽ trôi đi.

“ Suối Mơ, bên rừng thu vắng, dòng nước trôi lững lờ ngoài nắng. Chiều chưa đi sao gió vương? Bờ xanh ngắt bóng đôi cây thùy dương”.

Bây giờ là mùa thu, mùa tựu trường. Cách nay vài chục năm khi giáo sư môn Việt văn thầy Nguyễn đức Nhơn đã ra đề luận lớp đệ lục như sau:“ Trời thu, mưa và buồn. Nhân đi học, ngang qua bờ biển Nha trang, anh chị nhớ lại những cuộc vui chơi ở đó và trông mau đến vụ nghỉ hè sau.” Thầy Nguyễn đức Nhơn vốn là giáo sư trung học đệ nhất cấp tại trường Võ Tánh, thầy gốc người Phan Rang địa phận Ninh Chử, có lẽ ngày hôm nay thầy đã hóa ra người thiên cổ; thầy cũng kiêm giáo sư môn Pháp văn mà tôi đã được “ thọ giáo” qua các bài học” Le Loup et l’Agneau”, “ Pensées d’automne” , “ La Rentrée des classes” và nhất là “Le Jardin des Baobabs”.

...” Il y a vingt cinq ans.
Il y a vingt cinq ans, à cette pareille époque, iltraversait avant huit heures du matin pour aller en classe. Il avait un coeur un peu serré: c’était la rentrée.
Pourtant, il travaissait ce Luxembourg pour aller en classe. Tout ce qu’il voyait alors, je le vois aujourd’hui: c’est le même ciel et la même terre, lui seul n’est plus.

Hồi tưởng lại thấy tôi cắp sách lần đầu tiên đi học lớp Tư sơ cấp trường làng. Chung quanh tôi thấy toàn những học sinh lạ, trừ một thằng nhỏ tuy quen nhưng chưa thân không thân cũng cắp sách đi học: Tiến. Tiến mang bao cặp giấy xi măng bôi hồ dán, dày cộm, tôi không biết Tiến đem theo sách vở những gì, riêng tôi, tôi cũng đem theo vở mới sách mới, Quốc văn giáo-khoa thư lớp sơ đẳng, Sử-ký Ðịa dư giáo khoa thư lớp sơ đẳng, Nông-phố học tức l’Agriculture lớp sơ đẳng. Ngoài con đường làng độ một trăm mét, tôi gặp người bạn học mới Tiến từ nhà xuyên qua con hẻm nhà ông Tư Ðài. Tiến cùng tôi nhập bọn, đầu đội mũ lác rộng vành, dáng mặt nghiêng nghiêng, ít nói, lạnh lùng, xa cách.

Hồi tưởng lại lúc sắp tới cổng trường, tôi trông thấy hai trụ cột cổng trường gạch vuông cao, quét nước vôi màu vàng, trên có một bảng gỗ khắc chữ màu xanh thẫm, lẩm nhẩm thầm đọc, tôi chẳng hiểu gì, về sau, tôi mới hiểu:

“École communicipale de Vinh Diem”
“ Hương Trường Vĩnh Ðiềm”

Sân trường rộng mênh mông, ngoảnh lại sao tôi thấy tôi còn quá bé nhỏ:
“ Miệng đầy ca theo điệu nhảy nghênh ngang,
Chân quá nhỏ và sân trường quá rộng.”

Tới cổng trường, tôi chạy hấp tấp vào lớp, bỏ mặc Tiến lẽo đẽo đi sau. Hai dãy ghế học trò tôi ước độ mười bàn mười ghế đứng yên trong phòng lớp. Liếc mắt, thấy còn chỗ trống, tôi vội vứt cặp sách vở bước nhanh ra khỏi phòng, giờ này Tiến mới bước vô phòng lớp. Thấy bàn còn trống chỗ chưa có ai, Tiến chỉ mách cho tôi chọn một nơi làm chỗ riêng, sát cạnh chỗ ngồi của Tiến, tôi bắt đầu trở thành bạn thân của Tiến. Ra ngoài cửa lớp, tôi nhìn quanh: học trò chơi đùa ồn ào huyên náo. Tôi nhìn lên: mấy cây đối với tôi giờ này đã trở thành cổ thụ tàng lá xum xuê, hai gốc phượng vĩ bên cạnh góc sân màu lá xanh um, cây muồng giữa sân trường vẫn nở vàng hoa lấm tấm. Bên dưới bàu Cả tàng cây keo mặc sức bầy chim ríu ra ríu rít, đất trời cùng nhau ca hát với bầy chim. Tôi thấy tôi cảm thấy yêu đời, yêu cuộc sống. Tôi xin kể lại viết lại bài thơ “ Ngọc thanh xuân” do anh Ngô học từ bao nhiêu năm trước:
Ngọc thanh xuân.

Lòng trẻ đẹp tuổi thơ nhiều hoa quá!
Ðời học sinh lấp loáng ngọc thanh xuân.
Nụ cười tươi không gợn chút bâng khuâng,
Thân mơn mởn lòng lâng vô tư lự.
Ðường đẹp quá cặp tay nhau tình tự,
Bước hân hoan câu chuyện chảy đầu môi;
Tiếng bông đùa vang dội cả trò chơi
Trong như lọc giọng cười lên cao ngất.
Thở khoan khoái hít cả trời vào ngực,
Lòng lâng lâng mở rộng hứng gió ngàn;
Miệng đầy ca theo điệu nhảy nghênh ngang;
Chân quá lỏng và sân trường quá hẹp.
Ôi sung sướng khi thầy khen chữ đẹp.
Ôi thần tiên được điểm tốt văn hay.
Cả trời thơ như thu lại một ngày
Và vũ trụ là trăm nghìn yêu quý.
Và bàn ghế ghép bao lời ý nhị,
Lần đầu tiên tình bạn trổ hoa thơm,
Lần đầu tiên rạo rực cả tâm hồn;
Nhìn thế hệ một tương lai xán lạn.

Làm sao sống luôn luôn trời quang đãng?
Ðời học sinh lấp loáng ngọc thanh xuân.

Ðọc một đoạn xuôi khá dài của đoạn văn “ Ý Thu” (Pensées d’automne) của nhà văn giải văn chương Nobel( tôi không biết năm nào) Anatole France, tôi để tâm không tìm thấy một chữ một câu nào về mùa thu cả. Chỉ có trời mưa, mưa mùa thu hay mưa mùa đông?- Có lẽ mưa mùa thu tôi chỉ võ đoán bởi mùa thu là mùa chuẩn bị cho ngày khai trường, chào đón một năm học mới.

“ La pluie froide et tranquille qui tombe lentement du ciel gris frappe mes vitres à petits coups comme pour m’appeler. Elle ne fait qu’un bruit léger et pourtant la chute de chaque goutte retentit tristement dans mon coeur. Tandis quõasssis au foyer, les pieds sur les chenets, je sèche à un feu de sarment la boue salubre du chemin et du sillon, la pluie monotone et le silence retient ma pensée dans une rêverie mélancholique et je songe: il faut partir.”

“ Mưa lạnh lẽo và êm đềm chậm chạp rơi từ trên nền trời xám những tiếng động nhỏ như để gọi tôi ra. Tiếng mưa chỉ tạo nên một tiếng động nhẹ, nhưng mỗi tiếng mưa rơi dội lại trong tim tôi một cách buồn rầu. Trong lúc ngồi bên lò sưởi gác chân trên những cái giá để củi, tôi lau chùi vết bùn do những luống cày, cơn mưa đơn điệu duy trì tâm tư trong một giấc mơ buồn và tôi suy nghĩ: thế nào cũng phải ra đi.” Tôi chỉ nhớ đươc lõm bõm bài thi viết chánh tả vào lớp Nhất trường Nam tiểu học NhaTrang( cùng hai bài thi tính đố), đề tài là “Bốn mùa”, tôi chỉ có thể viết lại một đoạn ngắn:

“ Thu đến với tiết thu ủ ấp cho quả mau chín, lá mau vàng để rồi phải lìa cành trong những ngày đông thiên lạnh lẽo, gió bấc, mưa dầm.
Mùa đông tàn tạ, mùa đông với bầu trời đen xám làm cho vạn vật tiêu điều buồn bã. Ấy là những ngày cuối cùng trong năm sắp nhường cho những ngày tươi sáng của mùa xuân”.

Lời văn, văn phong nửa cũ nửa mới, nửa cổ nửa tân, pha trộn thêm một chút biền ngẫu khiến người đọc thêm phần hào hứng pha thêm một nỗi buồn thê lương man mác, như một câu văn khá ngắn mô tả một cảnh chiều đông “ Lá rụng” bên cạnh hồ Gươm:

“ Vừa cùng bạn từ biệt, Lăng bùi ngùi trở về nhà. Trời cuối đông vàng úa nhuộm màu buồn vô hạn. Một luồng gió lạnh thổi qua, mấy chiếc lá rụng.”
Mỗi lần thứ năm, thứ bảy hoặc chủ nhật tôi thường mượn anh Ngô đạp xe dạp thăm cha mẹ tôi. Lúc chiều trở về ngôi nhà cũ, tôi gò lưng thong thả đạp xe thẫn thờ nhìn quanh quất: trời đất không gian tiêu sơ thu hẹp chập chùng mây trắng. Mùa đông đến rồi, quê hương lãng đãng gần gần xa xa, tôi nhớ tới nghĩ tới một đoạn nhạc ngắn của nhạc sĩ Việt Lang, nhạc thức La thứ Am, nhịp 2/4 , buồn bã thê lương, mỗi lần sống tha hương là một lần hoài hương nhớ về cố quốc. Nhạc sĩ Việt Lang hiện giờ còn sống hay đã chết? Tôi nghĩ chắc không còn.

“ Ngàn dâu xanh ngắt mấy nếp tranh xa mờ tiếng sáo bay dập dìu đường về thôn xưa. Tình quê lai láng dưới trời thu. Khói mây chiều, chập chùng xa đưa”.

“ Một hôm, bước lần theo lối cũ tôi về,
Vầng trăng thu soi mắt em long lanh,
Hỏi tôi “ những chiều buồn mây tím xây thành
Có thương hoa thắm mong chờ không anh?”

Nhạc bản ấy là nhạc bản “ Dưới giàn hoa cũ”, của nhạc sĩ Tuấn Khanh.” Dưới giàn hoa cũ,” dưới giàn hoa thiên lý... mà thực ra “ dưới giàn hoa thơm ngát êm đềm” ấy dường như chỉ mỗi một lần được chứng kiến hội ngộ trùng phùng một đôi gái trai nam nữ. Thế rồi vầng trăng thu đang lên soi sáng người thiếu nữ qua cặp mắt long lanh thì thầm như làn gió thoảng: vào những chiều buồn mây tím xây thành anh có để tâm để ý đến một loài hoa đương độ nở hiện đang mong chờ người lãng du quay trở lại, ngắm lại...” dưới giàn hoa ngày trước”, không anh?

Sáng nay thứ năm, tài xế đón tôi tới trung tâm người bệnh và người cao niên Quantum, tiếng là mục đích trông nom chăm sóc họ, kỳ thực mục đích chính yếu là... thu lợi nhuận. Khi xe chạy ngang qua vùng Mission Bay, tôi bất giác nhìn ra biển khơi từ xa, một vùng trời nước mênh mông mút mắt. Tôi nghĩ đến nàng Kiều vì hiếu bán mình chuộc cha đến nỗi phải một thân một mình “ trông vời cố quốc biết đâu là nhà”, tôi nghĩ đến bài hát “ Làng tôi” của Chung Quân, một người trai nhớ nhà nhớ nước, một chiều thu buồn ôm súng đứng ngóng quê nhà giờ đây ráng chiều ngát màu mây trắng:

“ Nhưng than ôi, có một chiều thu lá thu rơi, có một chiều thu lá thu rơi, ôm súng nhìn quê tôi thầm mơ bóng ... ngày về”.
Bài hát điệu buồn, chậm, tha thiết, nhạc thức Gm sol thứ, nhịp 2/4, sau đó đổi sang biến cốt sol trưởng G./.

Võ Doãn Nhẫn

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.
Cam On Huynh
Hue Thu Sep 27, 2022
Chuông đổ, ôi mừng! Bạn đến thăm,
Còn đem cho nữa đóa hoa vàng!
Lá vàng chưa lắm mùa Thu chớm,
Lòng vẫn bao giờ: Mãi mãi Xuân!

HueThu