Truyện ngắn
Lòng tham.
Võ Doãn Nhẫn *
đăng lúc 08:56:55 PM, Aug 29, 2008 *
Số lần xem: 1880 Lòng tham.
Lúc tôi còn học lớp Dự Bị, tôi biết đọc những bài học tiếng quốc ngữ nhờ các sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Dự Bị tức lớp Tư. Vào thời ấy, nhu cầu học đọc tìm hiểu tham khảo nghiên cứu hiếm hoi, sách vở khó tìm. Gia đình tôi gồm có anh Ngô tôi, các chị Tiềm, chị Liêm, chị Ðán tôi, hầu hết mọi người đều... biết chữ đầy cả bụng(trừ mẹ tôi không biết). Kể từ ngày các anh các chị từ giã nhà trường không được tiếp tục học nữa, những tập vở cũ của các anh các chị được sắp xếp rất ư cẩn thận ngăn nắp. Những sách cũ gồm có quyển Tập đọc tiếng Pháp Lecture, cours Supérieur, Le désobéissant puni, lõalouette, le sang-froid vân vân, lâu lâu buồn không biết làm gì giết thì giờ, tôi mở ra muốn đọc cho biết nhưng mù tịt, đọc không được nói gì đến hiểu nghĩa, rốt cục tôi đành xem ảnh. Những vở cũ của anh Ngô lâu lâu tôi lấy ra coi, chủ yếu là vở Tập Vẽ, từ trang tập vẽ lọ mực, lá đu đủ, con dao, lưỡi kéo, nhất nhất cái gì ngày trước tôi thấy tôi ngắm nghía đều đẹp cả. Ấy vậy mà khi phê điểm, thầy giáo cô giáo hạ bút được bốn, năm, sáu điểm, thậm chí tôi thấy vỏn vẹn... hai hoặc ba điểm. Vẽ đẹp như vậy mà chỉ được ba điểm, thầy cô giáo khó được điểm đến như thế sao?
Tôi cũng được đọc các sách đầy đủ dồi dào bằng Việt Ngữ điển hình là Việt Văn Sơ Học Ðộc Bản( ngoài quyển ấy còn một quyển khác nữa là Việt Văn Ðộc Bản) trong có những bài nổi tiếng hay như Hai Con Ðường, Gươm đầu Lưỡi, Mưa dầm vui cho ai buồn cho ai, Sống chết mặc bây, Hưng Ðạo Vương, Ðêm trăng chơi hồ Tây, Sự Thế, Chinh phụ Ngâm, vân vân. Tôi xin viết lại một đoạn ngắn về bài thơ Sự Thế để thấy thằng con nít học trò sao lại nhớ dai đến vậy?
Sự Thế.
Gẫm sự thế buồn tênh lắm nhẽ
Lúc thanh nhàn sẽ kể một đôi câu;
Tự trắng răng đến thuở bạc đầu,
Nào có học khôn đâu mà chả dại.
Nhớ thuở trước mẹ cha có dạy,
Giả làm ngây mà học lấy đua tranh.
Nào ai ngờ đến lúc trưởng thành
Trai tửu sắc gái sinh hoa nguyệt
Nọ đỏng đảnh theo tài hào kiệt
Nền trung lương nào có thiết tha đâu.
Nọ điểm trang theo thói hồng lâu
Nết đoan chính ai hầu tơ tưởng đến.
Mùi thế liếm môi đả nhẵn quẹn;
Ðứng trần hoàn không thẹn với tu mi.
Trăm năm sau đám cỏ xanh rì
Hòm danh lợi có mang đi được tá?
Nợ áo cơm từ khi lọt dạ,
Trót ăn vay thì phải trả cho xong.
Kẻ hảo tâm trời chẳng phụ lòng.
Chị Liêm chị Ðán bắt tôi phải học thuộc lòng bài thơ ấy. Học thì học, sợ gì. Hai người chị cho phép tôi tha hồ rình rang câu thì giờ để học, ngày rộng tháng dài mà, rốt cục, cho tới ngày hôm nay, tuổi cao chồng chất ngoài bảy mươi, bài thơ Thế sự trong tôi vẫn còn đeo đẳng. Vào thời tôi còn rất nhỏ tuổi, chỉ ước chừng vào năm 1941-42, vào độ nghỉ hè, nhà tôi có mở lớp dạy hè cho các học sinh, ông thầy dạy lớp hè gồm có người anh đôi con dì Phan văn Cường và anh Ngô. Anh Cường có nhiều học trò hơn, riêng anh Ngô ít học trò hơn, tôi nhớ mang máng có anh Tình, Cầu, anh Khanh, anh Luận. Riêng anh Cầu đã” thoát ly” theo cách mạng gọi là lớp người... vô sản. Sau năm 75, anh Cầu được sống sót trở về nơi quê xưa làng cũ, lòng những sinh ra bất mãn ăn ngay nói thẳng đả kích chế độ không được đãi ngộ tương xứng những người cống hiến nhiều cho ... tổ quốc.
Riêng anh Cường dùng bài Tập Ðọc, Quốc văn Giáo Khoa Thư lớp Dự Bị làm tài liệu chủ yếu. Mỗi khi học trò viết Ám tả(ngày nay được đổi thành môn Chính tả), anh Cường đã kè kè trên tay quyển sách Giáo Khoa sẵn có, lúc đó còn quá nhỏ chỉ biết chập chững bập bẹ tập đánh vần từ vần xuôi tới vần ngược, tôi nhớ những bài viết Ám tả ấy gồm có những bài”Ta không nên ngã lòng”,”Truyện gươm thần của vua Lê Lợi”, “ Ông Lê Lai liều mình cứu chúa”, “Một kẻ soán nghịch: Mạc Ðăng Dung”, “Giặc Khách ở Bắc Kỳ”, “ Chùa làng tôi”; một số bài gồm những bài ca dao như” Luật cày cấy”,”Con cò mà đi ăn đêm”, “Ðêm buồn”. Không ai buộc tôi phải học thuộc, lâu ngày tôi nhớ thuộc lòng.
Tôi mạn phép cùng quý độc giả viết lại bài ca dao “ Người đi cấy” để thấy những nỗi khó khăn vất vả của người nông dân thức khuya dậy sớm cày sâu cuốc bẫm trong việc mưu sinh hằng ngày. Tôi xin miễn bình luận về cung cách giành dân chiếm đất của những tay tư bản” “hồng”:
Người ta đi cấy lấy công,
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề.
Trông trời, trông đất, trông mây,
Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm,
Trông cho chân cứng đá mềm,
Trời êm bể lặng mới yên tấm lòng.
Ấy là tôi không dám nói tới những mảnh ruộng vườn, những đám đất bị những bàn tay lông lá cưỡng chiếm, bị những người dân hiền lành chất phác nộp đơn “ dân oan khiếu kiện” ngót mấy mươi năm tựa hồ nước đổ lá môn.
Xin ai đừng bỏ ruộng hoang,
Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu.
Tấc đất tấc vàng! Thật đáng thương cho hoàn cảnh số phận nông dân! Ruộng bỏ hoang bất cần biết, chỉ cần chung cư cao ốc nhà cao cửa rộng, cũng bất biết vì môi sinh đã quá bị ô nhiễm môi trường.
Bây giờ tôi xin kể một câu chuyện tựa đề là “Không tham của người” trong sách Tập Ðọc Giáo Khoa Thư lớp Sơ đẳng.
Không tham của người.
Ông Nguyễn đình Thản, làm quan tới chức tổng đốc, cần kiệm liêm chính, chẳng biết tham của người khác làm của mình bao giờ.
Ông hiện đang ở một ngôi nhà, trước kia đã có một gian nhà cũ, người láng giềng định sửa sang lại để ở. Một hôm, người ấy đang hì hục đào một viên đá tang, lúc quật lên người ấy trông thấy một hũ vàng. Người láng giềng rất mừng nhưng lại nghĩ: ông ấy làm đến chức Tổng đốc nhưng gia đình gia cảnh lại thanh bạch vậy ta phải biếu tặng một ít vàng gọi là đền ân đáp nghĩa. Nhưng ta vốn biết tính tình nghiêm trực của quan Tổng Ðốc, không chắc gì quan nhận. Vậy ta phải tìm cách kín đáo khéo léo để thiên hạ khỏi phải nghi ngờ gì. Bèn đem đến thăm ông, gởi biếu tặng ông một gói trà. Quan thấy chẳng thấy dấu hiệu gì bèn vui vẻ nhận. Lúc người láng giềng ra về, quan Tổng Ðốc mở hộp trà ra xem thấy có một nén vàng ròng trong đó. Quan bèn cho người láng giềng gọi lại, bảo:
Vừa rồi ta tưởng hết trà uống mà nhà ngươi có lòng tốt đem cho thì ta lấy, nhưng coi lại thì xem ra hãy còn đủ uống. Nói rồi sai người đem trả hộp trà lại.
Trong Phật Giáo có ba loạiõ tam độcõ không kém phần tội lỗi là sát, đạo, dâm. Sát là giết hại bất kể loại chúng sanh nào từ trâu bò người đến con sâu cái kiến. Ðạo là trộm cắp hay trộm cướp. Dâm là lấy vợ hoặc chồng người. Lịch sử Việt Nam kể lại thuật lại viết lại các “ sử liệu” ấy không hiếm. Thời thượng cổ có Cù Thái Hậu đời nhà Triệu không biết vợ của nhà vua nào chỉ biết Cù Thái Hậu là mẹ của vua Ai Vương tư thông cùng với sứ nhà Hán là Thiếu Quý; Dương Thái Hậu họ tên thật là Dương Vân Nga tư thông cùng quan Thập Ðạo tướng quân Lê Hoàn; Ðặng thị Huệ vợ của Tĩnh Ðô Vương Trịnh Sâm sau khi chồng chết bèn ngoại tình với Huy quận công Hoàng Ðình Bảo. Dư luận trong ngoài phủ chúa đều có câu vè chế diễu:
Trăm quan có mắt như mờ,
Ðể cho Huy Quận vào sờ chánh cung.
Phật Giáo còn liệt kê một loại tam độc khác là tham, sân và si. Tham là muốn thuộc về của mình những của cải tài sản thuộc về người khác như của cải, tiền bạc. Ngoài bạc tiền của cải vàng ngọc vật chất, còn có những của cải thuộc giá trị tinh thần là những tài sản văn hóa mà con người chúng sinh cũng sẵn có lòng tham, nói của ấy là của mình, những tác phẩm nghệ thuật văn chương ấy là của mình, lòng tham không đáy. Thi phẩm Tỳ Bà Hành thuộc tác giả Phan Huy Thực hay Phan Huy Vịnh? Nhật ký trong Tù tức “Ngục trung nhật ký” phải là đứa con tinh thần của Thân văn Tiên? Một khi lòng tham được đền bồi trọn vẹn, lập tức lòng tham được nổi dậy, đòi hỏi thêm, yêu sách thêm. Bậc vua chúa thì lòng tham danh vọng càng nhiều càng cao, muốn được lưu danh muôn thuở, được truyền tụng đời đời, danh thơm tiếng tốt được để về sau cho hậu thế. Tiếp theo là sân, là thói xấu thường xuyên cau có nổI giận, mỗI khi bất bình thường bừng bừng phùng mang trợn mắt nổi cơn lôi đình thịnh nộ. Những người tu hành được chứng đắc sau khi chết sẽ thành một hạng thứ được liệt vào hạng A-Tu- La, tính tình thường xuyên nổi giận một khi gặp chuyện gặp điều bất như ý. Riêng có một số A-Tu-la thấp kém, sinh trong lòng biển lớn, lặn trong thủy huyệt, ban ngày đi chơi trên hư không, tối về ngủ dưới nước; giống A-tu-la này nhân thấp khí sinh ra, thuộc về loài súc sinh, sau khi chết, A-Tu- la sẽ lại hóa kiếp đầu thai trong lục đạo.
Ðộc sau cùng là si. Si là tối tăm dốt nát, mê muội,vô minh, không được giáo dục dạy dỗ. Trước khi bước vô con đường đạo hạnh tu tập, hầu hết chúng sinh đều u muội vô minh dốt nát trừ một chân lý duy nhất: biết mình vô minh. Chính đức Khổng Tử vạn thế sư biểu đã nhiều phen nhận định:“ ngã phi sinh nhi tri chi giả dã.” Ta không phải là người sinh ra đã biết”.
Tôi tự đặt câu hỏi: trong tam độc tham sân si, độc nào quan trọng nhất: tham lam, cáu giận, ngu si? Cân nhắc, tôi kết luận một cách chủ quan, một cách thô thiển rằng độc sau cùng quan trọng nhất,si. Vì tham lam tiền bạc châu báu, vì tham danh háo lợi chẳng qua vì... dốt, vì vô minh, vì u muội, không sáng suốt lầm đường lạc lối. Nếu có một vị chân tu nói cho một người biết “máu tham” chẳng qua là hư ảo hư danh không có thật như gió thổi như mây trôi một áng phù vân vô thường không không sắc sắc.Lòng tham, suy nghĩ cho chín, không phải là một độc tôi cho là quan trọng.
Tính nổi nóng, sân hận, phải chăng là một độc cũng quan trọng không kém? Người xưa thường để lại một câu cách ngôn trên bảng đen học trò”no mất ngon, giận mất khôn”. No thì mất ngon, chân lý ấy đã rõ không cần phải bàn; riêng giận mất khôn thì sự thật cũng không kém phần chí lý. Một khi cơn thịnh nộ, cơn tam bành nổi lên, con người sẽ mất hết không bình tĩnh sáng suốt để đối phó với tình huống: ngôn ngữ phát ngôn bừa bãi không còn biết tự chế, hành động sẽ dễ dàng trở nên manh động tự phát. Nhà tâm sinh lý học William James thuộc thế kỷ mười tám đã nhắc đi nhắc lại một cách sáng suốt khôn ngoan rằng” trước khi buông mình theo cơn giận cách tốt nhất là thong thả đếm từ một tới mười, anh sẽ thấy cơn giận của anh là một khôi hài”.
Tôi còn nhớ lúc nhỏ tôi có đọc một bài học Luân lý lớp Dự Bị tức lớp Tư đề bài học là” Vợ chồng nhà gấu” làm trường hợp điển hình chuốc lấy hậu quả tai hại của một cơn giận dữ.
“Một hôm con gấu đực giận quá, cắn con gấu cái đến nỗi hỏng mất một mắt. Lúc nguôi cơn giận, gấu đực lấy làm hối hận lắm, bèn nhổ móng vứt đi rồi xin lỗi cùng gấu cái rằng:
Tôi xin mình bớt giận làm lành. Bao nhiêu móng chân tôi đều bị nhổ lên và vứt đi cả rồi.
Chàng biết hối thế, thiếp cũng nguôi lòng. Nhưng giá lúc nãy chàng đừng nóng nảy quá thì hiện giờ vợ chồng ta vẫn còn lành lặn cả không?”
Trong một lần nói chuyện những vị cao niên, một bà cụ tên là K.T. đã tâm sự những mẩu”chuyện nhà” của riêng bà. Riêng bản thân tôi chỉ biết ngồi nghe, thỉnh thoảng lên tiếng “ dạ dạ vâng vâng” cho phải phép. Trước năm 75, ông cụ vốn là sĩ quan trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa, nổi tiếng ăn chơi hào hoa phong nhã. Vào lúc ấy ông cụ đã có gia đình, con cái đùm đề, nhưng ông cụ vẫn lập phòng Nhì thậm chí phòng Ba, trong khi bà vợ vẫn đảm đang lo toan chồng con từ miếng ăn cái mặc điềm nhiên vô tư năm liệu bảy lo quán xuyến gia đình. Một hôm, cô em gái bắt gặp ông anh rể đang tay trong tay dung dăng dung dẻ ra chiều vô cùng tương đắc. Cô em vội vàng về méc lại cùng bà chị, tức thì bà K. T. nổi trận lôi đình”trách người đen bạc đem lòng trăng hoa”. Trước đây bà cụ từng buôn hàng tơ lụa, từ lúc nghe tin đức phu quân đã có” vườn mới thêm hoa”, không nói không rằng bà cụ liền cầm một cái kéo cắt vải lụa sắc như nước.Bà lặng thinh xổ tung mấy chục xấp tơ vải lụa cắt ra từng mảnh cho đã cơn nư họ Hoạn, cho đã cơn ghen”trách người đen bạc.” “Ớt nào mà ớt chẳng cay”,...” chút phận đàn bà, ghen tuông thì cũng người ta thường tình”.
A-Tu-la cũng là một loài quỷ thường hay nổi lên cơn nóng; ngoài cái tính thường xuyên tạo nên cơn thịnh nộ, A-Tu-la còn có thói xấu khoe khoang kiêu ngạo phách lối.
Xin được trở lại câu chuyện” Vợ chồng nhà gấu”sau khi đức lang quân thượng cẳng chân, hạ cảnh tay cùng người phối ngẫu. Gấu đực tỏ ra vô cùng hối hận, vô cùng hối tiếc đã xảy ra cơ sự đã rồi, bèn tìm cách chuộc lỗi,: nhổ tất cả móng chân móng tay vứt hết xuống đất, đau lắm. Gấu cái nghe chồng kể lại chuyện các móng chân, thấy cũng bất nhẫn. Thật tình gấu cái chẳng lấy gì làm thích thú vừa lòng hả dạ vì bản tính gấu cái vốn hiền lành không hay cãi cọ gấu ó trong lúc ông chồng tính tình bẩm sinh lỗ mãng. Những lời nói xin lỗi gấu cái của người chồng đã tỏ ra mềm mỏng ra chiều hối hận nhưng cung cách xưng hô vợ chồng vẫn còn xa cách”tôi”,”mình”, thì ra cung cách xưng hô trong tương quan vợ chồng xem ra vẫn còn ngượng miệng, không dám thân mật ngọt ngào đằm thắm”em” “anh”. Lần này gấu cái đã tỏ vẻ dịu hiền hơn, ngọt ngào hơn không còn quá xa cách nữa. Lối xưng hô giờ này tuy chưa đủ can đảm”anh”“em”đã bắt đầu”chàng chàng, thiếp thiếp” không kém phần thân mật mà không quá ư suồng sã lẳng lơ:“Chàng biết hối thế, thiếp cũng nguôi lòng”. Trong cung cách xưng hô nằm ở những câu ca dao diễm tình vẫn thường có những câu như thế:
“Một mai thiếp có xa chàng,
Ðôi bông thiếp trả con chàng thiếp xin.”
Trong bài” Tiết phụ ngâm” cũng có rải rác một vài câu diễm tình nên thơ như thế:
“ Quân tri thiếp hữu phu
Tặng thiếp song minh châu.
Cảm quân triền miên ý,
Hệ tại hồng la chu.
“ Chàng hay em có chồng rồi,
Yêu em chàng tặng một đôi ngọc lành.
Vấn vương những cảm mối tình,
Em đeo trong áo lót mình màu sen.”
( Ngô Tất Tố dịch)
Hoặc:
“Ðói no có thiếp có chàng,
Còn hơn chung đỉnh giàu sang một mình.”
Bà K. T. năm nay đã ngoài tám mươi, ngấp nghé thập thò ngưỡng cửa chín chục. Biết rất rõ ràng rất sáng suốt tuổi thượng thọ của bà sẽ không còn kéo dài được bao lâu nữa, một ngày không xa, bà sẽ nhắm mắt xuôi tay để lại sự nghiệp công danh bàn tay trắng trở về cùng cát bụi. Ấy vậy mà lòng người vẫn có vẫn còn một thứ một loại đam mê mặc dù đau ốm ngặt nghèo trước phút giây cận tử. Như chị Tư Ðen, vợ kế anh Tư Khôi vào lúc tuổi chị đã xế chiều xấp xỉ thất thập, chị vẫn say mê hên xui đen đỏ: mua số đề; những con số vô hình tựa những bóng ma nhảy múa, lúc nào cũng có thể là những con số may mắn,”số Ðỏ” cả, cho tới khi chị Tư Ðen trút hơi cuối cùng trên giường bệnh, chị vẫn còn nắm khư khư trong lòng bàn tay một mảnh giấy chằng chịt ngòng ngoèo những con số lung linh ma quái bất định hình./.
Võ Doãn Nhẫn
Ý kiến bạn đọc
Vui lòng
login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin
ghi danh.