Jan 15, 2025

Biên khảo

Lá ‘đơn ly hôn’ và ‘lời ai điếu’ với hai người chồng của bà Chúa thơ Nôm
Nguyễn Trọng Tân * đăng lúc 08:23:31 PM, Apr 20, 2015 * Số lần xem: 1784
Hình ảnh
#1


Do quan niệm xưa cũ và cách diễn giải hai bài “Khóc Tổng Cóc” và “Khóc ông Phủ Vĩnh Tường” của nữ sĩ Hồ Xuân Hương không hoàn toàn chính xác nên không ít người hiểu lệch lạc về cuộc sống cũng như nhân cách của bà. Đôi lời nhân dịp ngày xuân như một giải mã cho người thơ tài năng bậc nhất trên thi đàn Việt Nam cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19.

 


Về bài thơ "Khóc Tổng Cóc"

Cuộc đời Hồ Xuân Hương hàm chứa cả sự tài năng xuất chúng và long đong bất hạnh ngay từ khi mới chào đời. Cha bà, ông Hồ Phi Diễn là một ông đồ nghèo rời quê  làng Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An ra Kinh Bắc dạy học. Tại đây ông lấy một người vợ lẽ họ Hà, sinh ra Hồ Xuân Hương. Những năm thơ bé, Hồ Xuân Hương lẽo đẽo theo cha khắp nơi, lúc ở Hà Nội, khi lên Phú Thọ, Vĩnh Phúc… Vừa độ trăng tròn, lúc cha bà đang dạy học ở  Kẻ Gáp (thuộc xã Tứ Xã, Lâm Thao, Phú Thọ ngày nay), Hồ Xuân Hương đã nức tiếng là một tài năng thơ phú. Biết bao nho sinh  ngấp nghé cửa nhà cụ đồ. Trong đó có Tú Điếc, Nho Trâm, Tú Đanh, Tú Kình…

Một dịp Tết, các chàng trai si tình đem quà biếu thầy, cũng là dịp để tỏ tình với cô con gái cụ đồ. Hồ Xuân Hương đã ra vế đối bắt ai đối được thì mới được vào: Tối ba mươi khép cửa càn khôn kẻo nữa Ma Vương đưa quỷ tới. Trong số những người tham gia câu đối đó, câu đối lại của Tú Kình được cho là hay hơn cả: Sáng mồng một mở then tạo hóa để cho thiếu nữ rước xuân vào. Xem vế đối của Tú Kình, cụ đồ rất khen ngợi là có khiếu văn chương.

Sống ở Kẻ Gáp một thời gian dài, Hồ Xuân Hương vốn đã biết Tú Kình (tên gọi ở nhà là Cóc cho ma quỷ đỡ nhòm ngó) là một trang nam nhi có tiếng ngang tàng, hào hiệp giúp đỡ người nghèo khó, yếu thế. Gia tộc Tú Kình lại nổi tiếng giầu có và thuộc hàng chức sắc ở địa phương. Tâm hồn người con gái đa cảm khi nghe cha khen tài văn thơ của Tú Kình lòng Xuân Hương càng thêm yêu mến. Ngặt nỗi Tú Kình đã có vợ, có con. Nhưng dường như cái duyên trời đã buộc họ lại thì khó gỡ nổi.


               Chân dung nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
 

 Quan niệm xưa trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng, Hồ Xuân Hương cũng không vượt qua nổi. Tú Kình lấy Hồ Xuân Hương về làm lẽ, rất cưng chiều. Ông ta xây một cái nhà giữa ao cho vợ lẽ ở, vừa trông coi ao cá vừa làm nơi dạy học. Cái nhà thủy tọa ấy cũng trở thành nơi đàm đạo thơ phú của vợ chồng Tú Kình với đám nho sinh trong vùng. Hồ Xuân Hương tuy phận lẽ mọn nhưng không phải lao động nặng nhọc, lại ăn trắng mặc trơn giao du với nhiều trai làng nên không khỏi bị vợ cái con cột và anh em nhà Tú Kình soi mói, đàm tiếu, so bì. Thậm chí họ còn độc mồm độc miệng phao tin Hồ Xuân Hương là ma quỷ hiện hình mồi chài Tú Kình.

Dù lãng mạn, tân tiến đến đâu Tú Kình cũng không vượt qua được những thói tục và suy nghĩ cổ hủ của dân làng. Các bậc cha chú trong họ tộc cùng vợ con Tú Kình ráo riết cật vấn, truy xét cái cách tôn thờ vợ của anh ta. Tiếng bấc tiếng chì cùng với những lời vu ác độc cho Xuân Hương khiến Tú Kình dần nghi ngờ vợ mình. Anh ta tìm đến một thầy tướng số nhờ xem Xuân Hương có phải người bình thường. Thầy tướng bảo Tú Kình về lấy một tầu lá chuối tươi lành lặn rải xuống giường vợ. Nếu hôm sau ngủ dậy tầu chuối héo, rách thì là người thường còn tầu lá vẫn tươi nguyên không rách nát thì hẳn đó là quỷ ma đội lốt người.

Tú Kình u mê làm theo. Hồ Xuân Hương với tính cách mạnh mẽ, phóng khoáng không chịu được trò hủ lậu đó của chồng, bà đã vất cái lá chuối đó ra khỏi giường. Hôm sau Tú Kình nhìn lá chuối vẫn tươi thì bắt đầu tỏ ra nghi kỵ và xa lánh vợ. Tú Kình viết thư để lại trách cứ Hồ Xuân Hương và bỏ nhà đi trong khi Hồ Xuân Hương đang bụng mang dạ chửa. Bị chồng hắt hủi, Hồ Xuân Hương cũng rời nhà Tú Kình. Bà gặp và gá nghĩa với ông Phủ Vĩnh Tường cũng là một nho sinh nổi tiếng thời ấy.

Sau khi Hồ Xuân Hương ra đi, Tú Kình trở về nhà nhưng vẫn để tâm dò la tin tức vợ. Biết Hồ Xuân Hương lấy ông Phủ Vĩnh Tường và hạ sinh một con gái nhưng đứa bé chết non, Tú Kình rất hối hận. Hồ Xuân Hương chẳng phải "Hồ ly tinh" như mọi người đồn thổi, nhưng anh ta không còn mặt mũi nào gặp lại vợ.

Sau những biến cố này, Hồ Xuân Hương cũng căm giận Tú Kình và họ hàng nhà chồng. Bà liền viết bài thơ Khóc Tổng Cóc gửi cho Tú Kình để tỏ nỗi lòng mình và ngầm trách cứ, anh em họ hàng nhà Tú Kình chính là nguyên nhân làm cho vợ chồng bà tan vỡ, con chết. Bài thơ than trách cho duyên phận mình hẩm hưu rơi vào nhà Cóc, cái nơi toàn cóc, nhái, ễng ương, chẫu chuộc mà thôi. Bài thơ được dân gian gọi nôm na là bài thơ khóc chồng: "Chàng Cóc ơi, chàng Cóc ơi/ Thiếp bén duyên chàng có thế thôi/ Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhẻ/ Ngàn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi".

Thơ khóc chồng mà không có vẻ gì thương xót, đau lòng. Nó tưng tửng, cười cợt, giễu nhại. Đám người hủ bại, kém cỏi, xấu bụng trong họ hàng nhà Cóc. Song trên hết nó là lời tuyệt tình nhắn gửi đến người chồng phụ bạc, nhẫn tâm: Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhẻ, khẳng định dứt khoát chấm dứt mọi tình cảm giữa hai người. Dấu bôi vôi-  một quan niệm dân gian vùng Phú Thọ, nếu bôi vôi vào lưng cóc thì đi đâu rồi cóc cũng lại tìm về, nhưng với Xuân Hương dấu bôi vôi cũng mất rồi. Ngàn vàng khôn chuộc, có đem ngàn vàng ra mà chuộc cũng không chuộc lại được mối tình ấy nữa: Ngàn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi.

Cái tài tình ở bài thơ này là nữ sĩ Xuân Hương đã sử dụng toàn các từ như: cóc, nhái, chuộc, chàng, bén, nòng nọc… để chỉ họ hàng nhà Tú Kình (Tổng Cóc). Họ là một giuộc như nhau. Vì thế bài thơ dân gian quen gọi là thơ khóc chồng không phải để khóc mà là lời tuyên bố tuyệt tình với người chồng tên cúng cơm là Cóc cùng họ hàng nhà anh ta, cho dù bà đặt tên bài thơ là Khóc Tổng Cóc .



             Những minh họa trong thơ Hồ Xuân Hương.
 

 

Về bài thơ “Khóc ông Phủ Vĩnh Tường”

Đối với Hồ Xuân Hương, ông Phủ Vĩnh Tường vốn không phải người xa lạ. Chàng nho sinh này vốn từng giao du và mê đắm cô con gái cụ đồ Hồ Phi Diễn khi cụ ngồi dạy học ở Kẻ Gáp. Biết tài thơ văn của Hồ Xuân Hương và cuộc tình duyên không may mắn của bà, nên ông đã ngỏ lời xin được gá nghĩa. Ông Phủ Vĩnh Tường rất yêu chiều vợ và coi trọng bà là bạn văn chương. Tuy nhiên hạnh phúc ngắn ngủi với ông Phủ Vĩnh Tường chẳng kéo dài được bao lâu.

Cuộc đời của con người tài hoa bạc mệnh Hồ Xuân Hương lại gặp sóng gió khi ông Phủ Vĩnh Tường đột ngột qua đời sau khi kết duyên với bà vỏn vẹn được hai mươi bảy tháng trời. Cái chết của ông Phủ Vĩnh Tường để lại cho Hồ Xuân Hương một nỗi thương xót khôn nguôi. Bà đã làm bài thơ Khóc ông Phủ Vĩnh Tường với lời lẽ chân thành, tình nghĩa, tiếc nuối: "Trăm năm ông Phủ Vĩnh Tường ôi/ Cái nợ ba sinh đã trả rồi/ Chôn chặt văn chương ba thước đất/ Tung hê hồ thỉ bốn phương trời/ Cán cân tạo hóa rơi đâu mất/ Miệng túi càn khôn khép lại rồi/ Hăm bảy tháng trời đà mấy chốc/ Trăm năm ông Phủ Vĩnh Tường ôi".

Tuy vẫn mang đậm phong cách phóng túng Hồ Xuân Hương nhưng lời khóc toát lên tấm lòng của người vợ đau xót trước mất mát quá lớn và bổn phận làm vợ bà đã làm xong: Cái nợ ba sinh đã trả rồi/ Chôn chặt văn chương ba thước đất.

Với bà, ông Phủ Vĩnh Tường còn là một bạn văn chương, một bậc nam nhi tráng khí: Tung hê hồ thỉ bốn phương trời: hồ, thỉ (cung, tên) chỉ cái chí của ông tung hoành trong thiên hạ, không luẩn quẩn chuyện gia đình như Tổng Cóc. Trong trách vụ xã hội ông Phủ Vĩnh Tường là một ông quan tốt, công bằng, nay ông chết đi là một mất mát lớn: Cán cân tạo hóa rơi đâu mất…

Thời gian làm vợ ông Phủ Vĩnh Tường tuy quá ngắn ngủi (đà mấy chốc) nhưng đó là quãng thời gian hạnh phúc và đáng nhớ nhất. Câu mở đầu và câu khép lại bài thơ bà đều khẳng định đó là mối duyên tình trăm năm của đời bà: Hăm bảy tháng trời đà mấy chốc/ Trăm năm ông Phủ Vĩnh Tường ôi. Bài thơ Khóc ông Phủ Vĩnh Tường là lời ai điếu thống thiết của nữ sĩ Hồ Xuân Hương trước mất mát quá lớn của đời mình.

Cuộc đời bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương đến nay chưa giải mã hết. Một màn huyền thoại bao phủ quanh cuộc đời người phụ nữ tài hoa và bất hạnh này. Đó cũng là lý do khiến nhiều tác phẩm nổi danh của bà chưa xác định được hoàn cảnh, xuất xứ ra đời. Việc làm sáng tỏ hoàn cảnh xuất xứ và ý tứ của hai bài thơ "khóc chồng" của bà Hồ Xuân Hương khiến chúng ta càng thêm kính trọng, yêu quý và cảm thông với một con người tài hoa được thế giới tôn vinh là nữ sĩ hàng đầu châu Á.

Nguyễn Trọng Tân
 
nguồn internet


 


 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.