Jan 14, 2025

Thơ dịch

Tiền Xích Bích Phú & Hậu Xích Bích - Tô Ðông Pha
Tô Ðông Pha - Tô Thức - 蘇軾 * đăng lúc 10:59:26 PM, Sep 08, 2022 * Số lần xem: 8435
Hình ảnh
Xích Bích
#1
 

TIỀN XÍCH BÍCH PHÚ

前赤壁賦

壬戌之秋,七月既望,蘇子與客泛舟遊於赤壁之下。清風徐來,水波不興。舉酒屬客,誦明月之詩,歌窈窕之章。少焉,月出於東山之上,徘徊於斗牛之間。白露橫江,水光接天。縱一葦之所如,凌萬頃之茫然。
...
浩浩乎如馮虛御風,而不知其所止;飄飄乎如遺世獨立,羽化而登仙。於是飲酒樂甚,扣舷而歌之。歌曰︰
「桂棹兮蘭槳
擊空明兮泝流光。
渺渺兮於懷
望美人兮天一方。」

客有吹洞蕭者,倚歌而和之,其聲嗚嗚然,如怨如慕,如泣如訴;餘音裊裊,不絕如縷;舞幽壑之潛蛟,泣孤舟之嫠婦。

蘇子愀然,正襟危坐,而問客曰︰
「何為其然也?」

客曰
「月明星稀,烏鵲南飛,此非曹孟德之詩乎?西望夏口,東望武昌。s川相繆,鬱乎蒼蒼;此非孟德之困於周郎者乎?方其破荊州,下江陵,順流而東也,舳艫千里,旌旗蔽空,釃酒臨江,橫槊賦詩;固一世之雄也,而今安在哉?況吾與子,漁樵於江渚之上,侶魚蝦而友糜鹿,駕一葉之扁舟,舉匏樽以相屬;寄蜉蝣與天地,渺滄海之一粟。哀吾生之須臾,羨長江之無窮;挾飛仙以遨遊,抱明月而長終;知不可乎驟得,托遺響於悲風。」

蘇子曰
「客亦知夫水與月乎?逝者如斯,而未嘗往也;盈虛者如彼,而卒莫消長也。蓋將自其變者而觀之,而天地曾不能一瞬;自其不變者而觀之,則物於我皆無盡也。而又何羨乎?且夫天地之間,物各有主。苟非吾之所有,雖一毫而莫取。惟江上之清風,與山間之明月,耳得之而為聲,目遇之而成色。取之無盡,用之不竭。是造物者之無盡藏也,而吾與子之所共適。」

客喜而笑,洗盞更酌,肴核既盡,杯盤狼藉。相與枕藉乎舟中,不知東方之既白

Dịch Nghĩa :

Nhâm Tuất chi thu, thất nguyệt ký vọng, Tô tử dữ khách phiếm chu du ư Xích Bích chi hạ. Thanh phong từ lai, thuỷ ba bất hưng, cử tửu chúc khách, tụng Minh Nguyệt chi thi, ca Yểu Điệu chi chương. Thiểu yên, nguyệt xuất ư đông sơn chi thượng, bồi hồi ư Đẩu Ngưu chi gian, bạch lộ hoành giang, thuỷ quang tiếp thiên. Túng nhất vĩ chi sở như, lăng vạn khoảnh chi mang nhiên. Hạo hạo hồ như bằng hư ngự phong, nhi bất tri kỳ sở chỉ; phiêu phiêu hồ như di thế độc lập, vũ hoá nhi đăng tiên. Ư thị ẩm tửu lạc thậm, khấu huyền nhi ca chi. Ca viết:
"Quế trạo hề lan tương,
Kích không minh hề tố lưu quang,
Diểu diểu hề ư hoài,
Vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương".

Khách hữu xuý đổng tiêu giả, ỷ ca nhi hoạ chi; kỳ thanh ô ô nhiên, như oán như mộ, như khấp như tố, dư âm niểu niểu bất tuyệt như lũ. Vũ u hác chi tiềm giao, khấp cô chu chi ly phụ.

Tô tử sậu nhiên chính khâm, nguy toạ nhi vấn khách, viết:
- Hà vi kỳ nhiên dã?

Khách viết:
- "Nguyệt minh tinh hi, ô thước nam phi", thử phi Tào Mạnh Đức chi thi hồ ? Tây vọng Hạ Khẩu, đông vọng Vũ Xương, sơn xuyên tương liễu, uất hồ thương thương, thử phi Mạnh Đức chi khốn ư Chu Lang giả hồ ? Phương kỳ phá Kinh Châu, hạ Giang Lăng, thuận lưu nhi đông dã, trục lộ thiên lý, tinh kỳ tế không, sái tửu Lâm giang, hoành sáo phú thi, cố nhất thế chi hùng dã, nhi kim an tại tai ? Huống hồ ngô dữ tử, ngư tiều ư giang chử chi thượng, lữ ngư hà nhi hữu mi lộc, giá nhất diệp chi thiên chu, cử bào tôn dĩ tương chúc, ký phù du ư thiên địa, diểu thương hải chi nhất túc, ai ngô sinh chi tu du, tiện Trường Giang chi vô cùng, hiệp phi tiên dĩ ngao du, bão minh nguyệt nhi trường chung. Tri bất khả hồ sậu đắc, thác di hưởng ư bi phong.

Tô tử viết:
- Khách diệc tri phù thuỷ dữ nguyệt hồ ? Thệ giả như tư nhi vị thường vãng dã; doanh hư giả như bi nhi tốt mạc tiêu trưởng dã. Cái tương tự kỳ biến giả nhi quan chi, tắc thiên địa tằng bất năng dĩ nhất thuấn. Tự kỳ bất biến giả nhi quan chi, tắc vật dữ ngã giai vô tận dã, nhi hựu hà tiển hồ ? Thả phù thiên địa chi gian, vật các hữu chủ, cẩu phi ngô chi sở hữu, tuy nhất hào nhi mạc thủ. Duy giang thượng chi thanh phong, dữ sơn gian chi minh nguyệt, nhĩ đắc chi nhi vi thanh, mục ngộ chi nhi thành sắc, thủ chi vô cấm, dụng chi bất kiệt, thị tạo vật giả chi vô tận tàng dã, nhi ngô dữ tử chi sở cộng thích.

Khách hỉ nhi tiếu, tẩy trản cánh chước. Hào hạch ký tận, bôi bàn lang tạ, tương dữ chẩm tạ hồ chu trung, bất tri đông phương chi ký bạch.

Bài phú Tiền Xích Bích (Người dịch:
Phan Kế Bính)

Ngoài rằm tháng bảy mùa thu năm Nhâm Tuất, Tô tử cùng với khách bơi thuyền chơi ở dưới núi Xích Bích. Hây hây gió mát, sóng lặng như tờ, cầm chén rượu lên mời khách, đọc bài thơ Minh Nguyệt và hát một chương Yểu Điệu. Một lát, trăng mọc lên trên núi Đông Sơn, đi lững thững trong khoảng hai sao ngưu, đẩu. Khi đó sương toả trên mặt sông, nước trong tiếp đến chân trời. Tha hồ cho một chiếc thuyền nhỏ đi đâu thì đi, vượt trên mặt nước mênh mông muôn khoảnh. Nhẹ nhàng như cưỡi gió đi trên không, mà không biết là đi đến đâu; hớn hở sung sướng như người quên đời đứng một mình mọc cánh mà bay lên tiên. Vì thế uống rượu vui lắm, rồi gõ vào mạn thuyền mà hát. Hát rằng:
"Thung thăng thuyền quế chèo lan,
Theo vừng trăng tỏ vượt làn nước trong.
Nhớ ai cánh cánh bên lòng,
Nhớ người quân tử ngóng trông bên trời".

Trong bọn khách có một người thổi ống sáo, bèn theo bài ca của ta mà hoạ lại. Tiếng sáo não nùng rên rỉ như sầu như thảm, như khóc như than. Dư âm vẫn còn lanh lảnh, nhỏ tít như sợi tơ chưa dứt, làm cho con giao long ở dưới hang tối cũng phải múa mênh, người đàn bà thủ tiết ở một chiếc thuyền khác cũng phải sụt sùi.

Tô tử buồn rầu sắc mặt, thu vạt áo, ngồi ngay ngắn mà hỏi khách rằng:
- Làm sao lại có tiếng não nùng làm vậy ?

Khách đáp rằng:
- Câu "Minh nguyệt tinh hi, ô thước nam phi" chẳng phải là câu thơ của Tào Mạnh Đức đó ư? Phía tây trông sang Hạ Khẩu, phía đông nhìn sang Vũ Xương sông núi uốn khúc vây nhau, cây cối xanh tươi um tùm; đó chẳng phải là nơi Tào Mạnh Đức bị khốn với Chu Lang ư ? Đương khi Tào công phá đất Kinh Châu, xuống thành Giang Lăng, thuận dòng mà sang mặt đông, thuyền bè muôn dặm, cờ tán rợp trời, rót chén rượu đứng trên mặt sông, cầm ngang ngọn giáo ngâm câu thơ, đó thực là anh hùng một đời mà nay thì ở đâu ? Huống chi tôi với bác đánh cá, kiếm củi ở bến sông này, kết bạn cùng tôm cá, chơi bời với hươu nai, bơi một chiếc thuyền nho nhỏ, nhắc chén rượu để mời nhau, gửi thân phù du ở trong trời đất, nhỏ nhặt như hạt thóc ở trong bể xanh, thương cho sự sống của ta không được bao lâu mà khen cho con sông này dài vô cùng. Vậy mà muốn được dắt tiên bay để vui chơi cho sung sướng, ôm lấy vừng trăng tỏ mà sống mãi ở đời. Tôi không làm sao được như vậy, nên nảy ra tiếng rầu rĩ ở trong cơn gió thoảng!

Tô tử nói:
- Vậy thế thì bác có biết nước và mặt trăng không ? Nước chảy thế kia mà chưa từng đi bao giờ; mặt trăng khi tròn khi khuyết như vậy mà chưa thêm bớt bao giờ. Bởi vì ta tự ở nơi biến đổi mà xem ra thì cuộc trời đất cũng chỉ ở trong một cái chớp mắt; mà nếu tự ở nơi không biến đổi mà ra thì muôn vật cùng với ta, đều không bao giờ hết cả; cần gì phải khen đâu! Vả lại ở trong trời đất, vật nào có chủ ấy, nếu không phải là của ta thì dẫu một li ta cũng không lấy. Chỉ có ngọn gió mát ở trên sông cùng vầng trăng sáng ở trong núi, tai ta nghe nên tiếng, mắt ta trông nên vẻ, lấy không ai cấm, dùng không bao giờ hết, đó là kho vô tận của Tạo Hoá mà là cái vui chung của bác với tôi.

Khách nghe vậy, mừng và cười, rửa chén rót rượu uống một lần nữa. Khi đồ nhắm, hoa quả khan, mâm bát bỏ ngổn ngang, cùng nhau gối đầu ngủ ở trong khoang thuyền, không biết rằng vừng đông đã sáng bạch từ lúc nào.


Hà thượng nhân
dịch Tiền Xích Bích Phú


Thu Nhâm Tuất sau rằm tháng Bảy
Tô Ðông Pha cùng mấy bạn chơi
theo dòng Xích Bích thuyền xuôi
Gió hiu hiu thổi, nước trời mênh mông
Hát ngao ít khúc vừa xong ...
Thoắt thôi trăng mọc xứ Ðông bồi hồi
Móc trăng tỏa, nước trời bát ngát
Mặc con thuyền trôi dạt tự do
lướt trôi trong cõi hư vô
Bao la nào biết bến bờ là đâu ?
Tưởng mọc cánh bay vào tiên giới
Rượu mời nhau vui lại vui thêm
Khi vui say gõ mạn thuyền
Hát rằng: “chèo quế, dầm lan bềnh bồng
Khua sóng nước ngược dòng trăng sáng
Man mác thay là tấm tình thương
Hỡi ơi ! Người đẹp canh trường
Ngóng trông chỉ có một phương trời này.”
Khách thổi sáo theo bài họa lại
Tiếng não nùng sầu tủi triền miên
Dư âm vọng mãi bên thuyền
Khiến thuồng luồng chốn đầm đen vẫy vùng
Lệ gái góa rơi trong lặng lẽ
Tô tử nghe kêu khẽ : “lạ chưa !”
Khách rằng trăng sáng, sao thưa
Quạ bay há chẳng là thơ họ Tào ?
Tây , Hạ khẩu nhìn vào thăm thẳm
Ðông Vũ xương mấy dặm đường đi
Vời trông cây cốii xanh rì
Chốn này Tháo bị khốn vì Chu Lang
Phá Kinh Châu, hạ Giang lăng
Xuôi dòng trống mở, cờ giăng rợp trời
Trước núi sông rót mời chén rượu
Tay cầm ngang ngọn giáo làm thơ
Anh hùng đã mấy ai chưa ?
Mà con người ấy bây giờ ở đâu ?
Tôi cùng bác giăng câu kiếm lá
Kết thân cùng tôm cá hưu nai
Cưỡi con thuyền nhỏ dông dài
Lại nâng chén rượu cùng mời mọc nhau
Chút thân hờ gửi vào trời đất
Nhỏ như là hạt thóc giữa khơi
Khá thương ngắn ngủi cuộc đời
Khen cho sông nước dặm dài vô biên.
Ðã chẳng thể đất tiên bay lượn
Lại khó ôm trăng mượn trường sinh
Biết thôi mình lại với mình
Vang thừa đành gửi chút tình bi thương!
Tô hỏi khách biết chăng trăng nước ?
Nước có trôi nhưng thật không đi !
Trăng dù tròn khuyết từng khi,
Thủy chung cũng vẫn suy vi chút nào
Lấy biến đổi thấp cao mà xét
Thì cuộc đời chớp mắt cũng y
Lấy không biên đổi mà suy
Ta cùng vạn vật có gì mất đâu ?
Vả trong khoảng trời sâu đất rộng
Mọi vật đều có đấng chủ trương.
Nếu không phải của ta chăng ?
Tơ hào ta cũng thưa rằng ta không .
Chỉ gió mát trên sông hây hẩy
Chỉ trăng trong giữa dẫy non cao.
Tai nghe thành tiếng tiêu tao
Mắt trông thành sắc thành màu vui tươi
Lấy ai cấm ? Dùng thời chẳng hết
Kho trời cho không xiết bao la
Cũng là sở thích chúng ta
Vẫy vùng trăng gió mới là thần tiên
Khách hớn hở tay liền rửa chén
Rót rượu thêm, đồ nhắm không còn
Nhìn vào mâm bát ngổn ngang
Gối nhau quên cả phương Ðông sáng rồi

Chiều 24 tháng 5 năm 1985*

 HẬU XÍCH BÍCH PHÚ


後赤壁賦

是歲十月之望,步自雪堂,將歸於臨皋。二客從予,過黃泥之阪。霜露既降,木葉盡脫,人影在地,仰見明月。顧而樂之,行歌相答。

已而歎曰有客無酒,有酒無肴;月白風清,如此良夜何?客曰今者薄暮,舉網得魚,巨口細鱗,狀如松江之鈣顧安所得酒乎?歸而謀諸婦。婦曰我有鬥酒,藏之久矣,以待予不時之需。

於是攜酒與魚,複游於赤壁之下。江流有聲,斷岸千尺。山高月小,水落石出。曾日月之幾何,而江山不可複識矣。予乃攝衣而上,履巉岩,披蒙茸,踞虎豹,登虯龍;攀棲鶻之危巢,俯馮夷之幽宮。蓋二客不能從焉。劃然長嘯,草木震動,山鳴谷應,風起水湧。餘亦悄然而悲肅然而恐,凜乎其不可留也。返而登舟,放乎中流,聽其所止而休焉。時夜將半,四顧寂寥。適有孤鶴,橫江東來,翅如車輪,玄裳縞衣,戛然長鳴,掠予舟而西也。

須臾客去予亦就睡。夢一道士,羽衣蹁躚,過臨皋之下,揖予而言曰:赤壁之遊樂乎問其姓名,俯而不答。嗚呼噫嘻!我知之矣。團昔之夜,飛鳴而過我者,非予也耶?道士顧笑,予亦驚悟。開戶視之,不見其處。

PHIÊN ÂM

HẬU XÍCH BÍCH PHÚ

Thị tuế thập nguyệt chi vọng, bộ tự tuyết đường, tương quy ư lâm cao.  Nhị khách tòng dư, quá hoàng nê chi phản.  Sương lộ kí hàng, mộc diệp tận thoát, nhân ảnh tại địa, ngưỡng kiến minh nguyệt.  Cố nhi nhạc chi, hành ca tương đáp.
Dĩ nhi thán viết :” hữu khách vô tửu, hữu tửu vô hào; nguyệt bạch phong thanh, như thử lương dạ hà ?” khách viết :” kim giả bạc mộ “, cử võng đắc ngư, cự khẩu tế lân, trạng như tùng giang chi cái cố an sở đắc tửu hồ ?” quy nhi mưu chư phụ.  Phụ viết :” ngã hữu đấu tửu, tàng chi cửu hĩ, dĩ đãi dư bất thì chi nhu.”
Ư thị huề tửu dữ ngư, phức du ư xích bích chi hạ.  Giang lưu hữu thanh, đoạn ngạn thiên xích.  San cao nguyệt tiểu, thủy lạc thạch xuất. Tằng nhật nguyệt chi ki hà, nhi giang san bất khả phức thức hĩ. Dư nãi nhiếp y nhi thượng, lí sàm nham, phi mông nhung, cứ hổ báo, đăng cầu long; phàn tê cốt chi nguy sào, phủ phùng di chi u cung. Cái nhị khách bất năng tòng yên. Hoạch nhiên trường khiếu, thảo mộc chấn động , san minh cốc ứng, phong khởi thủy dũng. Dư diệc tiễu nhiên nhi bi túc nhiên nhi khủng, lẫm hồ kì bất khả lưu dã. Phản nhi đăng chu, phóng hồ trung lưu, thính kì sở chỉ nhi hưu yên. Thì dạ tương bán, tứ cố tịch liêu. Thích hữu cô hạc, hoành giang đông lai, sí như xa luân, huyền thường cảo y, kiết nhiên trường minh, lược dư chu nhi tây dã.
Tu du khách khứ dư diệc tựu thụy. Mộng nhất đạo sĩ, vũ y biên tiên, quá lâm cao chi hạ, ấp dư nhi ngôn viết :” Xích Bích chi du nhạc hồ ?” vấn kì tính danh, phủ nhi bất đáp. “ Ô hô y hi ! ngã tri chi hĩ. Đoàn tích chi dạ, phi minh nhi quá ngã giả, phi dư dã da ?” đạo sĩ cố tiếu, dư diệc kinh ngộ. Khai hộ thị chi, bất kiến kì xử
.

DỊCH NGHĨA

Ngày mười rằm tháng mười năm ấy,
Từ nhà Tuyết Đường ra đi,
Để về đình Lâm cao,
Hai người khách theo ta.
Qua giốc Hoàng nê,
Sương móc đã xuống,
Lá cây rụng hết,
Bóng người ở dưới đất,
Ngửa trông lên thấy trăng sáng,
Nhìn nhau vui vẻ,
Vừa đi vừa hát, người hát kẻ hát theo.
Rồi mà than rằng :
Có khách không có rượu,
Có rượu không có nhắm,
Trăng trong gió mát,
Đêm đẹp này biết làm thế nào ?
Khách nói : Buổi chiều hôm nay,
Nhắc lưới được cá,
Miệng lớn vây nhỏ,
Dáng như cá lô sông Tùng giang,
Biết làm sao cho có rượu !
Về nhà bàn với vợ,
Vợ nói : Tôi có một đấu rượu,
Cất đi từ lâu,
Để đợi ông bất thần dùng đến.
Rồi thì mang rượu và cá,
Lại đi chơi dưới núi Xích Bích.
Có tiếng nước sông chẩy,
Cách bờ xa nghìn thước,
Núi như cao, trăng như nhỏ,
Nước cạn đá chìa ra,
Trải ngày tháng chưa bao nhiêu,
Mà non sông (chỗ chơi trước) không nhận ra được nữa.
Ta đành vén áo mà trèo lên,
Bước lên đá lởm chởm, rẽ đám cỏ rậm,
Ngồi lên (tảng đá hình) hổ báo, trèo lên (cành cây vòng như) con rồng,
Với tổ chim cắt chỗ chênh vênh,
Cúi xuống nhìn (Thủy cung) Bằng Di tối om.
Chừng hai người khách không thể theo được,
Quát lên gọi to,
Cây cỏ rung động,
Núi hang vang lên,
Gió nổi nước bắn tung tóe.
Ta cũng nao núng mà buồn,
Nghiêm lặng mà sợ,
Ghê rợn không thể ở lại nữa.
Trở ra mà lên thuyền,
Buông ra giữa dòng sông,
Mong đến chỗ dừng thuyền mà nghỉ ngơi.
Lúc ấy gần nửa đêm,
Bốn bề vắng vẻ,
Chợt có một con hạc,
Bay ngang sông từ phía đông lại.
Cánh xòe như bánh xe,
Xiêm đen áo trắng,
Vụt nhiên kêu lên,
Lướt qua thuyền ta mà đi về hướng tây.
Chốc lát khách ra về,
Ta cũng đi ngủ,
Mơ thấy một Đạo sĩ,
Áo lông (loài chim) phơi phới,
Đi qua dưới đình Lâm cao,
Vái chào ta mà hỏi :
Đi chơi Xích Bích có vui không ?
Ta hỏi tên họ,
Cúi đầu mà không trả lời.
Hỡi ơi ha ha.
Ta đã biết rồi,
Liệu lúc đêm vừa đây,
Bay kêu qua thuyền ta, chẳng phải nhà ngươi đấy ư ?
Đạo sĩ nhìn ta cười,
Ta cũng giật mình tỉnh dậy.
Mở cửa trông ra,
Chẳng thấy đâu cả.

CHÚ THÍCH

1.  Tuyết Đường: Nhà Tuyết Đường. Tác giả dựng nhà Tuyết Đường ở phía nam Hoàng Châu, để cùng bạn hữu ra đọc sách. Từ nhà Đông Pha đến Tuyết Đường đi bộ vừa 430 bước. Nhà lợp cỏ tranh, bốn bề vách đất, chung quanh vách đều vẽ tuyết, nên gọi là Tuyết Đường. Chính tay tác giả viết bốn chữ lớ Đông Pha Tuyết Đường (thêm chữ Hán) treo ở giữa nhà.
Nay di tích nền nhà Tuyết Đường còn ở ngoài phía nam huyện Hoàng Cương, tỉnh Hồ Bắc.

2.  Lâm Cao: Đình Lâm Cao. Khi tác giả mới bị đầy đến Hoàng Châu, tạm trú trong chùa Huệ Thiền. Sư cụ chùa Huệ Thiền mời tác giả ra ở đình Lâm Cao cho tĩnh mịch. Nay đình Lâm Cao vẫn còn, ở phía Nam huyện Hoàng Cương, đi qua đình mới ra bến sông Trường Giang.

3.  Hoàng Nê: Giốc Hoàng Nê ở huyện Hoàng Cương tỉnh Hồ Bắc. Ở đấy có bến sông Hoàng Giang, gọi là bến đò Hoàng Nê.

4.   Tùng Giang chi lư: Cá lô sông Tùng Giang. Sông Tùng Giang ở huyện Tùng Giang, tỉnh Giang Tô, có giống cá lô, mồm to vây nhỏ, có con dài đến 2 thước. Cuối mùa xuân cá lô theo nước thủy triều vào sông, đến mùa thu thì trở về biển nên mùa thu cá lô rất béo. Cá lô là sản phẩm của huyện Tùng Giang, tỉnh Giang Tô.

5   Đẩu tửu : Đấu rượu. Phép đong ngày xưa cứ mười thăng gọi là 1 đấu.

6.  Bằng Di: Tên vị Thủy thần.

7.  Vũ y : Áo bằng lông chim. Sách Thập Di Ký : Đời Chiến Quốc,Yên Chiêu Vương mơ thấy một người mặc xiêm áo cánh loài chim xưng là Vũ nhân (thêm Hán tự) đến cùng vua giảng thuyết tiên thuật. Vì thế đời sau gọi Đạo sĩ là Vũ nhân.

DỊCH THƠ:

BÀI PHÚ HẬU XÍCH BÍCH

Bản dịch của Nguyễn Văn Bình

Ngày mười rằm tháng mười năm ấy
Từ Tuyết Đường đứng dậy ra đi
Lâm Cao thẳng lối đường về
Khách theo qua giốc Hoàng Nê hai người.
Sương tuyết xuống lá tơi bời rụng
Dưới bóng người trên bóng trăng cao
Đoái trông phong cảnh vui sao
Vừa đi vừa hát nghêu ngao mấy bài.
Than thở có khách chơi rượu hiếm
Biết lấy gì chuốc chén vui chung
Rượu mà có, nhắm cũng không
Ðêm nay gió mát trăng trong cũng hoài.
Khách rằng : Lúc vừa rồi nhắc vó
Được cá vào vây nhỏ miệng to
Tùng Giang tựa giống cá lô
Biết sao tìm được một vò rượu đây.
Liền quay lại giãi bầy cùng vợ
Vợ thưa rằng : Nhà có rượu tăm
Rượu này cất đã lâu năm
Dành cho thầy lúc bất thần mua vui.
Rượu với cá tức thời tay xách
Lại theo dòng Xích Bích cùng đi
Sông reo cách bến xưa kia
Núi cao, trăng nhỏ, nước chìa đá ra.
Kể ngày tháng nào xa chi mấy
Mà non sông đã thấy khác nhiều
Ta liền vén áo trèo leo
Với non, vạch cỏ, vờn beo, cưỡi rồng.
Vin tổ cắt, nhòm cung Thủy tế
Khách chậm chân không thể theo cùng
Kêu lên một tiếng hãi hùng
Cỏ cây vang động núi sông ồn ào.
Ta cũng thấy nao nao ghê rợn
Lòng chập chờn không muốn ngồi dai
Xuống thuyền theo nước sông trôi
Nhởn nhơ một lá chèo bơi đi về.
Nửa đêm lúc bốn bề im phắc
Bỗng miền đông chim hạc bay ra
Cánh xòe tựa bánh xe hoa
Xiêm đen áo trắng lướt qua nhẹ nhàng.
Vút đâu tiếng kêu vang vọng xuống
Vượt thuyền ta theo hướng tây đi
Đêm khuya khách trở ra về
Ta vào trong trướng say mê giấc vàng.
Thấy Đạo sĩ xênh sang khăn áo
Đến Lâm Cao bèn dạo qua chơi
Chào ta Đạo sĩ ngỏ lời
Cuộc chơi Xích Bích có vui chăng là.
Hỏi tên họ khách đà lúng túng
Ô là ta biết đúng ngươi rồi
Lúc đêm bay vút ngang trời
Qua thuyền ta chẳng ngươi thời còn ai.
Đạo sĩ mỉm miệng cười không nói
Ta giật mình cũng vội tỉnh ra
Đứng lên mở cửa trông qua
Tuyệt mù nào thấy người đà ở đâu.

 Bản dịch của c Hà Thượng Nhân

Hậu Xích Bích Phú
 
Cùng năm đó, tháng mười, giữa tháng
Từ tuyết đường về ngả lân cao
Có hai ông khách đi theo
Móc sương lã chã, cây đèo xác xơ
Cúi xuống thấy mờ mờ nhân ảnh
Ngẩng lên nhìn vành vạnh trăng cao
Ngắm xem phong cảnh thanh tao
Vừa đi vừa hát vui sao cho cùng !
 Tiếc có khách lại không có rượu
Rượu lại không đồ nhậu, buồn chưa !
 Trăng trong gió mát dang chờ
Khách rằng : ” xẩm tối bất ngờ giăng câu
Tóm ngay được ở đâu chú cá
Giống cá lư dưới chỗ Tùng Giang
Tìm đâu được hũ rượu ngang ?
 Ta bàn với vợ, vợ rằng :”chớ lo”
Tôi vốn có một vò rượu quý
Ðã lâu nay cất kỹ để dành”
Thế rồi rượu cá sắm sanh
Xuôi dòng Xích Bích lại thành cuộc chơi !
 Khúc sông chảy muôn vời sóng nước
Sườn núi cao ngàn thước chênh vênh 
Núi cao trăng sáng mông mênh
Nước ròng, đá núi gập ghềnh phô ra
Ta vén áo dần dà bới cỏ
Ngồi lên trên những chỗ cheo leo
Ngửng trông tổ cắt ngặt nghèo
Cúi nhìn u hiểm thủy triều Bằng ố di
Hai người khách chẳng đi tới được
Tiếng gọi nhau dội ngược cỏ cây
Ta nghe tê tái lòng này
Phập phồng lo sợ ở đây rợn người
Bèn trở lại, thuyền xuôi mặc sóng
Sắp nửa đêm in vắng bốn bề
Chợt nghe chim hạt bay khuya
Lẻ loi, cánh giống bánh xe rộn ràng
Giữa trời rộng kêu vang lảnh lót
Vừa phương Ðông , đã thoát phương Ðoài
Thế rồi khách bỏ mặc ai
Ta lim dim một giấc dài như mơ
Mơ thấy một phơ phơ đạo sĩ
Mặc áo lông từ chỗ lâm cao
Gặp ta người vội vái chào:
“Cuộc chơi Xích Bích thế nao, vui không ?” 
Hỏi họ tên nhưng ông chẳng nói
Ta biết rồi : vừa mới hôm qua
Tiếng kêu trong vắt gần xa
Cái con chim hạc chính là ông thôi !
Lão đạo sĩ chỉ cười lặng lẽ
Ta giật mình mở cửa nhìn ra
Vắng tanh nào thấy đâu là !

 Sài gòn sáng ngày 25 tháng 5 năm 1985

 

Phụ Chú.

Tiểu sử Tô Thức và giá trị hai bài phú Xích Bích.

Tô Thức tự là Tử Chiêm, quê ở huyện My Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, thơ hay chữ tốt, ham đọc văn chương Giả Nghị nhà Hán và Lục Trì nhà Đường. Đời vua Tống Nhân Tông (1010-1063) Tô 21 tuổi, đến kinh sư ứng thí, Chủ khảo Âu Dương Tu xem bài luận Hình thưởng trung hậu chi chí luận (thêm Hán tự) biết là bậc đại tài, bèn lấy đỗ Tiến sĩ thứ hai, thụ chức Quốc sử Bí thư lang. Đời vua Thần Tông (1068-1085), Vương An Thạch lên làm Tể tướng, đặt ra tân pháp, sưu thuế nặng nề, dân tình ta oán. Tô làm thơ công kích tân pháp, bị An Thạch cách chức đầy ra đất Hoàng Châu, tỉnh Hồ Bắc. Tô đến Hoàng Châu làm nhà ở đất Đông Pha ẩn cư, lấy hiệu là Đông Pha Cư sĩ. Ngày 16 tháng 7 năm nhâm tuất là năm Nguyên Phong thứ 5 (1082) đời vua Thần Tông, Tô cùng với bạn là Dương Thế Xương, hiệu Miên Trúc Đạo sĩ (1), đi chơi thuyền trên sông Xích Bích. Lúc ấy đương mùa nước lớn, mặt sông mênh mông, cuộc chơi rất hào hứng. Tô thích chí gõ vào mạn thuyền mà hát, Miên Trúc đạo sĩ thổi sáo họa theo. Hai người đàm luận những chuyện hưng suy kim cổ, cho vạn vật ở trong vũ trụ đều là ngắn ngủi mà lại vĩnh viễn vô cùng. Khi về Tô làm bài phú Tiền Xích Bích để kỷ niệm cuộc đi chơi.

Đến ngày 15 tháng mười năm ấy, Tô lại cùng Miên Trúc Đạo sĩ và Hoàng Lỗ Trực (2) đi chơi sông Xích Bích. Hồi này tiết trời đông ken, nước sông cạn xiết, bờ sông và sườn núi chìa ra, đường lối đã thay đổi, khác hẳn lần đi chơi trước. Khi về bỗng có con chim hạc lướt qua thuyền bay sang phía tây. Đêm khuya Tô chiêm bao thấy một Đạo sĩ đến nói truyện, tỉnh dậy mới biết chim hạc bay qua thuyền là tiên nhân, bèn làm ra bài phú Hậu Xích Bích.
Vua Triết Tông (1086-1099) xem hai bài phú, khen là kỳ tài, vời Tô về triều phong chức Hàn lâm học sĩ, rồi thăng lên Bộ binh Thượng thư.

Hai bài phú Xích Bích, lời mạnh mẽ phóng khoáng, ý sâu xa thần diệu, thực là nghị luận của đại triết gia, tiêu biểu cho phái Khổng học chịu ảnh hưởng của Lão Trang, đời sau đều phục là tuyệt tác.

Thi nhân đời nhà Minh, Lý Phan Long bàn rằng :
Anh hùng như Tào Tháo, sự nghiệp của Chu Du nay còn thấy đâu. Chỉ có bóng trăng đẹp, dòng nước trong và câu văn bất hủ của Tô Đông Pha muôn đời còn mãi.

Sách Quảng dương tạp ký của Lưu Hiến Đình đời Thanh chép :
Sông Xích Bích chỗ Tô Đông Pha cùng bạn đi chơi ngày trước, nay đã bồi thành lục địa, cách sông Trường Giang rất xa : biển xanh biến thành ruộng dâu, thay đổi chóng thế. Nay ở trên núi Xích Bích thuộc huyện Hoàng Cương, tỉnh Hồ Bắc, còn nhô ra một tảng đá lớn sắc đỏ như mũi con voi, vì thế gọi là núi Xích Bích.
Dưới chân núi có đình, trong đình có tượng Đông Pha bằng đá trắng, ở trên treo bức hoành 4 chữ Vạn Cổ Phong Lưu rất lớn do Từ Tử Trinh viết. Phía đông đình có ba gian nhà, trong nhà treo một cái biển sơn thiếp, viết 2 chữ Nhị Phú. Phía nam đình cũng có ba gian nhà, trên vách đề la liệt thơ của danh sĩ, danh nhân các triều đại tán tụng hai bài phú.
Lối đông bắc leo mấy chục bậc đá thì lên gác. Gác này trước bị đổ, đến năm Gia Tĩnh (1523-1567) đời vua Thế Tông nhà Minh được quan Lệnh Hoàng Cương là Mạnh Tân trùng tu lại. Gian giữa gác đề hai chữ Lưu Pha dưới có một tấm bia đá chép nguyên văn hai bài phú Xích Bích do Triệu Tùng Tuyết là danh bút đời nhà nguyên viết. Chung quanh còn đình tạ rất nhiều, đều là chỗ kỷ niệm văn chương sự nghiệp của tác giả hai bài phú, kể ra không thể xiết.

Phụ ghi.

1.   Dương Thế Xương hiệu là Miên Trúc Đạo sĩ, quê ở tỉnh Tứ Xuyên, ẩn cư trong núi Hoàng Cương. Dương là bạn thân với Đông Pha.
2.   Hoàng Đình Cương tự là Lỗ Trực, hiệu Sơn Cốc Đạo nhân, quê ở đất Phần Ninh, đỗ Tiến sĩ, thụ chức Tri Ngạc châu. Hoàng hay thơ, văn chương phóng túng, viết chữ lối thảo rất tốt, cùng với Đông Pha nổi tiếng danh sĩ đương thời. Khi mất học trò tôn tên Thụy  là Văn Tiết Tiên sinh.

Tiền Xích Bích Phú (Tô Thức) – Hành thư Triệu Mạnh Phủ

Thư pháp Triệu Mạnh Phủ với Tiền Xích Bích phú của Tô Thức


 
 
 



 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.