Jan 14, 2025

Tùy bút - Bút ký

Người thầy của nhiều thế hệ
Viết Trọng * đăng lúc 02:22:45 AM, Jan 18, 2016 * Số lần xem: 1798
Hình ảnh
#1

 

Người thầy của nhiều thế hệ
 

Là người đi tiên phong trong việc dạy Anh ngữ tại Đà Lạt từ những năm 1950 cho đến nay, ông đã góp phần đào tạo rất nhiều thế hệ học trò lẫn thầy, cô giáo dạy tiếng Anh tại Lâm Đồng cũng như cho nhiều tỉnh, thành trong nước.

Thầy Tạ Tất Thắng
Thầy Tạ Tất Thắng


Đó là thầy Tạ Tất Thắng, giáo sư Anh văn của rất nhiều ngôi trường nổi tiếng tại Đà Lạt trước năm 1975: Trung học Bùi Thị Xuân, Trung học Trần Hưng Đạo, Trưởng khoa Anh ngữ Viện Đại học Đà Lạt. Sau ngày thống nhất đất nước ông tiếp tục dạy học tại Trung học Chi Lăng, là trưởng bộ môn Anh văn tại Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, dạy tại Đại học Đà Lạt và khi về hưu đến nay ông vẫn dạy ở Đại học Yersin Đà Lạt.

“Tôi người quê gốc Văn Lâm, Hưng Yên nhưng gia đình đã lên Hà Nội từ lâu - thời ông nội tôi, nên cả gia đình coi như gắn bó với Hà Nội nhiều hơn” - bằng một chất giọng của người Hà Nội xưa, ông kể. Sinh năm 1933, từng là học sinh ưu tú của Trường Trung học Chu Văn An nổi tiếng của Hà Nội thời đó, khi tốt nghiệp trung học ông từng vinh dự được nhận phần thưởng dành cho học sinh xuất sắc do thành phố Hà Nội trao tặng tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Vào học Đại học Văn Khoa Sài Gòn, là sinh viên xuất sắc ông được nhận học bổng du học nước ngoài.  

Một quyết định mà ông cho là rất quan trọng lúc đó có ảnh hưởng đến cả cuộc đời của ông sau này chính là việc chọn học tiếng Anh thay vì tiếng Pháp. “Lúc đó ở Việt Nam tiếng Pháp vẫn còn rất thông dụng. Ngay từ nhỏ trong trường phổ thông tôi đã học tiếng Pháp, học bổng đi Pháp cũng có nhiều nhưng tôi chọn tiếng Anh để theo vì xu thế thế giới lúc đó đã khác. Nếu tôi đi học tiếng Pháp chắc sau này thất nghiệp quá” - ông cười. Chính vì vậy khi chọn quốc gia để du học, ông chọn nước Úc, một quốc gia nói tiếng Anh ở Nam Bán cầu. Tại đây, ông theo học khoa Ngôn ngữ Đại học Sydney, một ngôi trường lâu đời có tiếng của bang New South Wales. 

Nghề dạy học theo ông có những “phần thưởng” rất lớn mà chỉ có các bậc cha mẹ và thầy cô giáo mới hiểu được: chứng kiến sự trưởng thành của từng con người mình có cơ hội dạy dỗ. “Tôi đã từng dạy học ở Mỹ, mối quan hệ thầy trò rất lạ. Người Việt chúng ta với nề nếp lễ giáo lâu đời hoàn toàn khác hẳn. Nhiều học trò tôi dạy dù sau này ở cương vị nào trong xã hội nhưng với thầy giáo vẫn bày tỏ sự nể trọng nhất định. Tôi có nhiều học trò quý mình, đó chính là niềm vui rất lớn cho tôi”. Điều làm ông hài lòng nhất trong nghề của mình sau rất nhiều năm đứng lớp là sự tự tin về nghề nghiệp: “Đủ khả năng để làm tròn bổn phận trong công việc giảng dạy được xã hội tin tưởng giao phó cho mình” - ông khiêm tốn.

Năm 1956, khi về nước ông được phân công tác tại Đà Lạt, là giáo sư Anh ngữ tại Trường Trung học Quang Trung, vốn trước đó có tên là Trung học Phương Mai - ngôi trường trung học công lập đầu tiên tại Đà Lạt dành cho người Việt. Trung học Quang Trung trong năm học đó vẫn là trường có cả học sinh nam, nữ. Một năm sau đó, Trung học Quang Trung đổi tên thành Trung học Bùi Thị Xuân, hình thành ngôi trường riêng cho nữ và các thầy giáo nam trong đó có ông được chuyển sang dạy cho Trung học Trần Hưng Đạo, ngôi trường công lập nam sinh ở Đà Lạt. Tiếng Anh tại Đà Lạt cũng như cả miền Nam lúc đó theo ông vẫn là một ngôn ngữ xa lạ, rất ít người dạy, người học. Tại Trường Trần Hưng Đạo lúc đầu chỉ mình ông dạy, các thầy giáo còn lại dạy tiếng Pháp. Chỉ khi tiếng Anh mạnh lên sau đó mới có thêm người dạy.

Năm 1960, ông lại được một học bổng quốc tế đi học tại Mỹ. Lần này ông theo học cử nhân về ngành sư phạm tại Đại học Colombia, New York - một trường đại học rất nổi tiếng của Mỹ. Năm 1962 về nước, ông được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trung học Trần Hưng Đạo. Sau đó 3 năm, năm 1965, cũng bằng một học bổng chính phủ ông quay lại Mỹ để học cao học về ngôn ngữ tại Đại học California, Los Angeles (UCLA). Tại đây, trước khi tốt nghiệp thạc sỹ ông đã học thêm các khoá học sau đại học về phương pháp giảng dạy. Về nước ông dạy tại Viện Đại học Đà Lạt là Trưởng khoa Anh ngữ tại đây.

Sau ngày thống nhất đất nước, ông đi dạy tại Trung học Chi Lăng một vài năm rồi chuyển sang làm Trưởng bộ môn tiếng Anh Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt cùng đi dạy tại Đại học Đà Lạt cho đến khi nghỉ hưu năm 2000.

Năm 2002, theo một chương trình hợp tác giữa Đại học Đà Lạt và Đại học Troy, bang Alabama Mỹ, ông ký một hợp đồng 5 năm để sang Mỹ dạy tại đại học này từ đầu năm 2003 đến 2008. Đi dạy tại đây ông là một trong những giảng viên xuất sắc của trường, được công nhận là “Giảng viên của năm”, đồng thời ông cũng được đề cử đứng đầu một nhóm giảng viên của trường nghiên cứu về ngôn ngữ báo chí sử dụng trên tờ New York Times. “Rất nhiều người cho rằng tôi sang Mỹ dạy tiếng Anh, nhưng thực ra tôi sang đó dạy về ngôn ngữ (Linguistics). Mỹ là một quốc gia đa văn hoá và các trường đại học của họ muốn biết về các trường phái ngôn ngữ học trên thế giới” - ông giải thích.

Ở Mỹ được gần 2 năm ông lại thấy nhớ nhà, nhớ Đà Lạt nên xin phép về nước mặc dù nhà trường cứ nằng nặc mời ông tiếp tục ở lại giảng dạy. Khi về Đà Lạt, trước lời mời thiết tha của Đại học Yersin Đà Lạt, ông đã nhận làm Trưởng khoa tiếng Anh tại đây từ 2005 và đến nay vẫn đi dạy tại đây.

Nhìn lại một quãng đời dạy học rất dài của mình, gần 60 năm, đã có biết bao thế hệ học trò ông từng dạy qua, cuộc đời có những lúc thăng trầm vui buồn nhưng ông luôn cho rằng mình đã chọn đúng nghề: “Ông tôi là giáo viên, bác ruột tôi cũng là giáo viên, tôi đi dạy rồi trong 5 người con tôi đã có 4 chọn nghề đi dạy, có lẽ nghề giáo nằm trong máu của gia đình” - ông cười. Con trai của ông là Phó Giáo sư Tiến sỹ Toán học Tạ Lê Lợi, 2 cô con gái cũng là Thạc sỹ về Hoá và Anh ngữ cùng dạy học tại Đại học Đà Lạt.

Tết này ông 80 tuổi, một cái tuổi mà rất nhiều người đã tính chuyện an nhàn cho mình từ rất lâu trước đó, nhưng với ông, ông vẫn thích được làm việc. Mỗi ngày trong tuần ông vẫn đến giảng đường với sinh viên của mình, ông vẫn dạy ở các trung tâm khi được mời, dạy cho học viên luyện thi quốc tế đi học nước ngoài, bồi dưỡng cho giáo viên dạy ngoại ngữ về phương pháp giảng dạy, dạy cho người nước ngoài đến Việt Nam muốn nghiên cứu tiếng Việt… Không mệt mỏi, hết lòng vì công việc, bất chấp thời gian, ông như cây đại thụ vẫn tiếp tục toả bóng mát cho cuộc đời. Với ông, chừng nào “kiến thức và kinh nghiệm của mình vẫn còn có ích cho nhiều người” thì ông vẫn còn làm việc.

 

 

VIẾT TRỌNG


 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.