Ảnh minh họa
Dùng không đúng cách dễ rước họa vào thân
Theo TS Nguyễn Minh Khởi, Viện trưởng Viện Dược liệu cho biết, một nhóm các nhà khoa học của Viện đã tiến hành nghiên cứu về cây lược vàng. Kết quả cho thấy: cây này không có tác dụng chống viêm cấp trên mô hình gây viêm cấp thực nghiệm bằng caragenin, mà còn gây chết súc vật thí nghiệm ở liều uống cao. Theo nhóm nghiên cứu, trên thế giới có rất ít các công bố khoa học về thành phần hóa học và tác dụng sinh học của cây lược vàng. Tại Việt Nam, cây lược vàng chưa được người dân sử dụng lá và thân cây để chữa viêm đường hô hấp, viêm đường tiêu hóa, viêm tiết niệu, viêm khớp, đến các bệnh tim mạch, huyết áp, ung bướu. Tuy nhiên, các kết quả thử tác dụng chống viêm cấp trên thực nghiệm của nhóm nghiên cứu với liều dùng tương đương với 50g dược liệu tươi/kg thể trọng cho thấy cây lược vàng không có tác dụng chống viêm, thậm chí cao chiết cồn 50% từ thân cây lược vàng còn tăng phản ứng viêm. Về khả năng kháng khuẩn, trong 3 chủng vi khuẩn thường gặp, cao chiết của lá và thân lược vàng có tác dụng kháng khuẩn đối với Staphylococus aureus, nhưng phải ở nồng độ rất cao so với kháng sinh tham chiếu là azithromycin. Ngoài ra, kết quả đánh giá độc tính cấp (liều gây chết ngay) cho thấy lược vàng có thể gây chết súc vật thí nghiệm ở liều uống cao.
TS Nguyễn Duy Thuần, Phó Viện trưởng Viện Dược liệu, Bộ Y tế cho biết, không thể có một loại thuốc nào có thể chữa bách bệnh. Trong Đông y, cách sử dụng thuốc cũng không bao giờ giống nhau, việc gia giảm là khác nhau đối với từng thể trạng. Vì vậy, sẽ rất nguy hại nếu người dân chữa bệnh theo lời đồn. Hiện nhóm nghiên cứu chưa thể khẳng định với cách sử dụng như người dân vẫn thường "mách nhau" là 5 - 6 lá/ngày có bị ảnh hưởng đến sức khỏe hay không. Các kết quả nghiên cứu dược lý ban đầu chưa làm sáng tỏ tác dụng chữa bệnh của cây lược vàng nhưng cũng đã cho thấy, cây lược vàng phải chứa các thành phần có hoạt tính sinh học mạnh thì mới có ảnh hưởng rõ rệt đến chuột thực nghiệm. Được biết, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục thực nghiệm về kháng khuẩn, chống viêm trên mô hình khác (gây viêm bằng các tác nhân mới), thử tác dụng hạ đường huyết và tăng khả năng trên hệ miễn dịch xem có dấu hiệu kích thích hệ miễn dịch hay không. Đặc biệt, sẽ tiến hành thử nghiệm trên động vật trong thời gian dài. Sau đó làm xét nghiệm sinh hóa kiểm tra trên tế bào gan, thận, xem có ảnh hưởng đến chức năng sinh lý của cơ thể không.
Đồng quan điểm với TS Thuần, PGS.TS Trần Công Khánh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu cây thuốc Việt Nam cho biết, trong các sách về hệ thực vật cũng như sách về cây thuốc Việt Nam không tìm thấy tên cây lược vàng. Trước những thông tin về cây lược vàng chữa được bách bệnh, Viện Dược liệu (Bộ Y tế) đã đưa ra cảnh báo: Tác dụng chữa bệnh của cây lược vàng chưa được chứng minh và có thể gây độc cho cơ thể nếu sử dụng không đúng cách. Việc người dân, đặc biệt là những bệnh nhân nghèo có niềm tin mù quáng vào khả năng trị được bách bệnh của cây lược vàng cần được tuyên truyền giải thích một cách thấu đáo và cụ thể. Bởi cây lược vàng có thể trị được vài bệnh cảm mạo thông thường, nhưng không có nghĩa là sẽ trị được bệnh nan y. Trong suy nghĩ của một bộ phận không nhỏ người dân thì cây lược vàng được ví như nhân sâm. Song việc điều trị nếu không sử dụng đúng cách đôi khi nhân sâm cũng trở thành độc dược chứ đừng nói là cây lược vàng. Vì thế, trong khi chờ đợi lời giải thích khoa học từ những chuyên gia đầu ngành, những cơ quan có trách nhiệm thì người dân không nên tự mang mình thành "vật thí nghiệm" đối với cây lược vàng.
Tại Bắc Giang từng xảy ra trường hợp quá tin vào khả năng trị bệnh của cây lược vàng nên nằng nặc đòi ra viện để về nhà tự điều trị. Nhưng chỉ một thời gian sau khi điều trị tại gia thì gia đình đã phải đưa bệnh nhân trở lại viện cấp cứu vì bệnh tình trở nên trầm trọng. Do được sơ cứu kịp thời và nhanh chóng chuyển lên tuyến trên để điều trị tích cực bệnh nhân này mới "giữ" được tính mạng. Khi được hỏi về cách "tự" điều trị của mình, bệnh nhân đã thành thật trả lời vì trót nghe theo lời người quen nói về tính năng cũng như công hiệu của cây lược vàng nên anh đã thử dùng, không ngờ lợi bất cập hại. "Không hiểu loại cây đó có lợi đến đâu và có lợi với ai, nhưng tôi chỉ dùng có 3 lần mà cảm thấy không thể chịu nổi, may mà được cấp cứu kịp thời, nếu không thì tôi đã không còn được nhìn mặt vợ, con nữa…", bệnh nhân may mắn thoát chết sau khi sử dụng cây lược vàng hồi tưởng lại. Có thể khẳng định là công dụng của cây lược vàng cần có sự kiểm định, xác minh lại, nếu như đây thực sự là một loại thảo dược quý thì cần có biện pháp nhân giống, chế thành thuốc để chữa bệnh. Còn nếu những tính năng của loại cây này chưa đến mức như những lời đồn thổi thì cũng cần có biện pháp tuyên truyền tới người dân, tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra chỉ vì thiếu kiến thức…
Hà Phú
Theo Pháp Luật & Xã Hội
Thứ Ba, 17/04/2012 12:00
****
B
Một vài dẫn liệu sinh học về cây Lược vàng
Gần đây có quá nhiều thông tin về công dụng chữa bệnh của một loài cây mang tên “Lược vàng”. Các thông tin này thuận nghịch nhiều chiều khiến quần chúng nhân dân không biết tin vào đâu. Một số thông tin dè dặt, những cũng lắm thông tin cho rằng Lược vàng là một loại “Thần dược”, trị được bá bệnh, kể cả những bệnh hiểm nghèo như ung thư. Lướt qua các thông tin đó, chúng ta sẽ thấy độ tin cậy không cao do không kèm theo bất kì một minh chứng y học thực nghiệm nào. Một số lương y và một số phóng viên đã dựa vào thông tin truyền miệng của cộng đồng ở Thanh Hóa để cho rằng Lược vàng trị được hàng loạt bệnh như các chứng bệnh tim mạch, tăng huyết áp, thoái hóa đốt sống cổ, viêm đại tràng mạn tính, viêm gan, táo bón, chảy máu dạ dày, tiểu đường, mỡ máu, thấp khớp, chấn thương trầy xước, bầm tím, viêm họng, viêm mũi, viêm thận, đau răng, loét lợi, eczema, sỏi thận, tai biến mạch máu não, u xơ tuyến tiền liệt, ung thư, đau lưng, bỏng, say rượu… và cả cho những trường hợp hóc xương. Một số bài báo đã dẫn tài liệu của Nga, nơi cây Lược vàng đã được nghiên cứu hơn 20 năm qua, cũng nêu lên tác dụng đối với hàng loạt bệnh, từ viêm nhiễm da, bệnh đường tiêu hóa, bệnh tim mạch, dị ứng, rối loạn chức năng sinh lí và cả ung thư. Chính những nguồn thông tin đó đã gây sự chú ý đặc biệt đối với người dân. Nhưng điều quan trọng tối thiểu là, hầu như chưa có bất kì thông tin về thử nghiệm lâm sàng nào được công bố một cách hệ thống và cụ thể.
Do có kiểu tái sinh sinh dưỡng bằng những cầu sinh dưỡng (stolons), mọc ra từ những nách lá ở đoạn thân gần gốc, trông tựa những vòi của loài mực và bạch tuộc, thân và lá của cây lại hao hao giống một loài địa lan, nên Lược vàng còn có tên Lan vòi, Địa lan vòi, Lan rũ, Bạch tuộc, Trai phất dũ, Giả khóm… Cây có nguồn gốc ở Mexico với nhiều tên gọi khác nhau như Basket plant, Inch plant, Golden tendril, Golden Moustache… và từ khi nó được người Nga nghiên cứu sử dụng trị bệnh thì còn được mang tên Russian holistic medicinal plant, House Ginseng, Family Doctor…
Các tên gọi Lan vòi, Địa lan vòi hay Lan rũ đã khiến không ít người không có chuyên môn cứ tưởng đó là một loài cây trong họ Lan. Từ đó, ở nhiều địa phương, nhiều người tìm giống về trồng trong những chậu treo hay chậu đất với hi vọng sẽ có hoa đẹp như một loài lan bất kì nào đó. Thế nhưng, một số trường hợp do không đáp ứng được điều kiện sinh thái thích hợp, nhiều năm liền cây không ra hoa. Thế là có người thì loại bỏ đi, có người vẫn giữ lại để chơi dáng thế. Từ khi rộ lên những thông tin trị bá bệnh, người ta bắt đầu săn lùng để sở hữu dùng tự chữa bệnh theo các thông tin đã tiếp cận hoặc dự trữ cho khi cần thiết. Do vậy, trong thời gian vừa qua, ở nhiều tỉnh thành Việt Nam, nhu cầu phát triển cây lên rất cao, nhất là ở Hà Nội, giá cây giống cứ tăng dần theo nhu cầu xã hội, từ 10-15 ngàn/ cây lên dần đến cả 40-50 ngàn/ cây.
Về mặt phân loại học, Lan vòi là cây thân thảo một lá mầm, không thuộc họ Lan (Orchidaceae) mà thuộc họ Rau trai, còn gọi là họ Thài lài (Commelinaceae). Vị trí phân loại của nó trong hệ thống phát sinh chủng loại, được xếp theo các bậc phân loại từ cao xuống thấp như sau:
Giới: Thực vật – Plantae
Ngành: Ngọc lan - Magnoliophyta (Hạt kín – Angiospermatophyta)
Lớp: Hành – Liliopsida (Một lá mầm – Monocotyledonae)
Bộ: Rau trai (Thài lài) – Commelinales
Họ: Rau trai (Thài lài) – Commelinaceae
Chi (Giống): Callisia (Spironema)
Loài: Callisia (Spironema) fragrans (Lindl.) Wood.
Lược vàng là loài cây thân thảo đa niên, thân ngắn, tích trữ nhiều nước, thích nghi theo hướng chịu hạn, có nhiều cầu sinh dưỡng, gọi theo kiểu dân giả là vòi. Lá màu xanh lục sáng, hình ngọn giáo, dài 8-12 cm, rộng 4-5 cm, mép hơi gợn sóng, mọc xoắn ốc, tạo thành cái loa hình hoa thị trông tựa một cái phểu ở đỉnh. Lá có thể thay đổi một ít hình dạng và màu sắc khi ở các môi trường khác nhau. Trong điều kiện chiếu sáng toàn phần, cường độ ánh sáng mạnh, ẩm độ không khí và ẩm độ đất thấp thì lá ngắn lại, mép gợn sóng nhiều hơn và có đường viền màu tím, lá cũng mọc chặt hơn. Hoa mọc thành từng cặp xim trên một trục dài 40-50 cm, mỗi cặp xim được ôm bởi 3 lá bắc dài 1-1,5 cm; đài trắng-trong suốt, khô xác, hình trâm, dài 5-6mm; tràng trắng trong, bóng nhẵn, mỏng, rũ vào buổi trưa, hình trứng hẹp, dài 6 mm; nhị 6. Cây chỉ ra hoa trong điều kiện sinh thái tối ưu, đặc biệt là ở nơi có che bóng một phần. Trong điều kiện khô hạn, thời gian chiếu sáng trong ngày dài, cường độ ánh sáng cao, cây không ra hoa (Wagner et al., 1999).
Đây là một loài lạ đối với khu hệ thực vật Việt Nam, chưa được các nhà thực vật học Việt Nam nghiên cứu. Hầu như danh tính của loài này chưa được công bố trong những công trình nghiên cứu khu hệ thực vật trong nước từ trước tới nay. Năm 1993, trong công trình “Cây cỏ Việt Nam, tập III”, Phạm Hoàng Hộ (dưới đây viết tắt PHH) đã công bố họ Commelinaceae gồm 13 chi với 60 loài. Năm 2005, trong công trình “Danh lục các loài thực vật Việt Nam, tập III”, Viện Sinh thái & Tài nguyên Sinh vật thuộc Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam cùng Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên & Môi trường, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (dưới đây viết tắt VST) đã công bố 15 chi, 58 loài. Trong cả hai công trình lớn đó không có loài Lược vàng và cũng không có chi Callisia. Bảng dưới đây thống kê minh họa các chi và số lượng loài trong từng chi theo hai công trình vừa nói:
STT |
Chi |
Số lượng loài |
Tên khoa học |
Tên Tiếng Việt |
Theo PHH |
Theo VST |
1 |
Aclisia |
Thài lài trắng |
0 |
1 |
2 |
Amischolotype |
Lâm trai |
6 |
3 |
3 |
Aneilema |
Cỏ rươi |
2 |
5 |
4 |
Belosynapsis |
Giả tử vạn niên thanh |
1 |
1 |
5 |
Commelina |
Thài lài, Trai |
8 |
8 |
6 |
Cyanotis |
Bích trai |
10 |
8 |
7 |
Dichorisandra |
Lưỡng nhị phân |
0 |
1 |
8 |
Dictyospermum |
Võng tử thảo |
3 |
3 |
9 |
Floscopa |
Cỏ đầu rìu |
3 |
3 |
10 |
Murdannia |
Thủy trúc diệp |
15 |
15 |
11 |
Pollia |
Đỗ nhược |
6 |
4 |
12 |
Rhopalephora |
Lõa trai |
1 |
1 |
13 |
Spatholirion |
Trúc diệp cát dương thảo |
1 |
1 |
14 |
Streptolirion |
Trúc diệp tử |
1 |
1 |
15 |
Tradescantia |
Trai đỏ |
3 |
3 |
Tổng cộng |
60 |
58 |
Trong số những loài được công bố thuộc các chi vừa nêu, một số loài được các tài liệu y dược học trong nước liệt kê, mô tả, nêu công dụng dược học. Từ điển cây thuốc Việt Nam của Võ Văn Chi, 1997 là tài liệu công bố nhiều chi, nhiều loài được dùng làm thuốc nhất. Đó là Murdannia (7 loài), Commelina (4 loài), Tradescantia (3 loài), Cyanotis, Pollia (2 loài), Floscopa, Spatholirion, Streptolirion (1 loài). Hầu hết được dùng chữa trị các bệnh thông thường, bệnh ngoài da, bệnh viêm nhiễm… không thấy trị các bệnh hiểm nghèo như các bài báo trong nước và tạp chí của Nga đã công bố về cây Lược vàng lâu nay.
Một số tài liệu về thực vật học và cây thuốc trên thế giới chỉ công bố rất khiêm tốn về tác dụng của cây Lược vàng. Một số tài liệu cũng cho rằng nó chỉ có khả năng chữa trị một vài bệnh liên quan đến rối loạn chức năng hệ miễn dịch viêm nhiễm ngoài da, thậm chí nó chỉ là một loài cây có giá trị che phủ đất, chống xói mòn.
Tuy nhiên, cũng có một số tài liệu của Canada và Mỹ công bố kết quả nghiên cứu thành phần hóa học của nó. Chẳng hạn như:
- Tạp chí Chemistry of Natural Compounds, số 3, tháng 5 năm 2007, xuất bản ở New York, cho thấy các nhà khoa học Mỹ đã xác định được các lipid trung tính bao gồm cả glycolipid, phospholipid và thành phần acid béo của chúng. Đồng thời cũng đã xác định được hàm lượng acid ascorbic, các acid hữu cơ khác, diệp lục tố (chlorophyll) và sắc tố carotenoid trong các cơ quan khác nhau của Lược vàng.
- Một số công trình khoa học ở Mỹ và Canada đã công bố kết quả nghiên cứu các hoạt chất sinh học trong cây Lược vàng, bao gồm nhóm Flavonid, Steroid, các vitamin C, B2 (riboflavin), B3 (acid nicotinic), B5 (acid pantothenic) và các vi khoáng như đồng, sắt, nicken… Trong số đó, nhóm flavonoid có tác dụng trị bệnh cao hơn cả. Nhóm flavonoid có trong cây Lược vàng bao gồm hoạt chất Quercetin và Kaempferol. Đây là hai hoạt chất đã được phát hiện ở nhiều loài thực vật khác nhau, đã được nghiên cứu tác dụng dược học từ lâu. Dựa vào tính chất hóa học và công dụng của chúng, khi chỉ cần phát hiện nó trong cây Lược vàng, nhiều người cũng khẳng định cây Lược vàng có khả năng điều trị những bệnh mà Quercetin và Kaempferol có được, mặc dù chưa nghiên cứu cụ thể hàm lượng, cũng chưa thử nghiệm y học trên cơ thể người đối với cây Lược vàng.
Quercetin có công thức phân tử là C15H10O7, khối lượng phân tử 302,236g/mol, điểm nóng chảy 316oC.
Kaempferol có công thức phân tử là C15H10O6 (chỉ khác Quercetin 1 phân tử oxy), khối lượng phân tử là 286,23 g/mol, điểm nóng chảy là 276-278oC.
- Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ (The American Cancer Society), Quercetin có khả năng chống bệnh phổ rộng (lây nhiễm, viêm khớp, hen phế quản, dị ứng da và những bệnh màng nhầy, tim mạch, đái tháo đường), bao gồm cả ung thư. Đã có những thí nghiệm trên tế bào ở phòng thí nghiệm về các chuyển chất khác nhau của Quercetin bao gồm chuyển chất chặn đứng ung thư, nhưng những nghiên cứu này chưa tiến hành trên cơ thể động vật và người.
- Trong enzym học (Enzymology), các nghiên cứu đã cho thấy Quercetin hiện hữu dưới nhiều dạng quercetin 2,3-dioxygenase, quercetin 3-O-methyltransferase, quercetin-3-sulfate 3′-sulfotransferase, quercetin-3-sulfate 4′-sulfotransferase, quercetin-3,3′-bissulfate 7-sulfotransferase. Tùy loài thực vật, tùy môi trường sống, tuổi sinh trưởng… sự hiện hữu đó không giống nhau. Điều này cho thấy rằng, những thông tin cho rằng cây Lược vàng trị được ung thư có thể xuất phát từ một sự qui nạp thiếu logic. Chẳng hạn như, theo UCLA (University of California, Los Angeles) khi nghiên cứu bệnh ung thư thấy rằng, thức ăn chưa nhiều flavonoid có thể có khả năng ngăn chặn sự phát triển ung thư phổi. Từ đó có người hiểu rất chung rằng trong cây Lược vàng cũng có flavonoid nên trị được ung thư.
- Cũng theo Hiệp hội Ung thư Mỹ (The American Cancer Society), Kaempferol có tác dụng tăng cường tính thấm, lợi tiểu, được dùng điều trị các bệnh đường tiết niệu, dị ứng.
- Ngoài ra, cũng theo các tài liệu trên, Lược vàng còn chứa beta-sitostirola, có tác dụng giảm lượng cholesterol trong máu, làm sạch và săn chắc thành mạch máu, được dùng điều trị chứng xơ vữa động mạch, bệnh rối loạn biến dưỡng, hệ nội tiết, viêm tiền liệt tuyến.
- Vừa qua, với chức năng bảo vệ sức khỏe cộng đồng, một số nhà khoa học đầu ngành Dược học (Ts Nguyễn Minh Khởi, Ts Nguyễn Duy Thuần, Ts Trịnh Thị Điệp, Ts Trần Công Khánh…) và Viện Dược liệu, thuộc Bộ Y Tế, đã tiến hành nghiên cứu thành phần các hoạt chất của cây, đã khẳng định, chưa thấy hoạt chất trị ung thư, cũng chưa đủ luận cứ khoa học để khẳng định trị hằng loạt bệnh như các bài báo đã từng đăng tải lâu nay. Cuối cùng, Bọ Y tế cũng đã khuyến cáo: “Người dân nên thận trọng, dè dặt khi dùng cây Lược vàng, trong khi chờ đợi các kết quả nghiên cứu tiếp theo. Đồng thời, các nhà khoa học và Bộ Y tế cũng khẳng định lại rằng, chẳng có một loại dược phẩm hay dược thảo nào có khả năng trị tất cả bệnh chứng với một liều chung chung cho mọi dạng cơ thể như các thông tin truyền đi lâu nay“.
Ở Huế, cây Lược vàng đã được nhiều gia đình trồng làm cảnh nhiều năm, nhưng không rầm rộ lắm. Gần đây, khi tiếp cận các thông tin báo chí về khả năng trị bệnh phổ rộng của nó với một tên gọi quá hấp dẫn là “cây Thần dược”, số lượng người săn tìm nguồn giống về trồng trong sân vườn của mình đã tăng lên một cách đáng kể.
Tôi nghĩ, qua những dữ liệu về thành phần hoạt chất đã được các nhà khoa học phương Tây xác định, nhưng chưa thấy kết quả thí nghiệm lâm sàng và cận lâm sàng được công bố. Hơn thế nữa, tài liệu của Hiệp hội Ung thư Mỹ cũng đã cho thấy nghiên cứu tác dụng chữa ung thư chỉ mới dừng lại ở mức tế bào, tiến hành trong phòng thí nghiệm, chưa thử nghiệm trên cở thể động vật và người. Ngay cả ở Nga, nơi đã nghiên cứu tác dụng trị bệnh của cây Lược vàng 20 năm về trước cũng chỉ cho Lựợc vàng là cây thuốc quí, chứ không coi là thần dược. Các công trình khoa học về cây thuốc đáng tin cậy ở trong nước như “Những cây thuốc và vị thuốc” của Đỗ Tất Lợi, “Từ điển cây thuốc Việt Nam” của Võ Văn Chi, “Dược điển Việt Nam” của Bộ Y Tế… cũng chưa từng nhắc tới loài cây này.Vậy trường hợp ở Việt Nam ta, những khuyến cáo của Bộ Y tế mới đây là cơ sở vừa mang tính khoa học, vừa mang tính pháp lí, bất kì ai còn cho rằng sức khỏe của mình là tài sản thiêng liêng, quí báu, rất cần bảo tồn thì nên thận trọng là tốt nhất.
Đối với những ai muốn sử dụng Lược vàng làm cây cảnh quan để tôn tạo không gian tư thất, nên biết thêm, cây sinh trưởng phát triển tốt trong điều kiện đất giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt, đủ ẩm, ẩm độ không khí thấp ở ngưỡng 45-60%, nhiệt độ tối thích 20-25oC. Cây chỉ ra hoa trong điều kiện được che bóng một phần. Có thể nhân giống bằng hạt và cành. Cành chính là vòi như đã nêu trên. Nhân giống bằng cành là con đường ngắn nhất.
Nếu sử dụng Lược vàng làm cây che phủ đất chống xói mòn thì có thể tận dụng tính chịu hạn của nó. Có thể tôi luyện tính chịu hạn cho cây để đưa trồng trên vùng cát nội đồng hay cát ven biển, làm vành đai cố định cát, chống cát bay, cát chuồi, bảo vệ các khu đất sản xuát nông nghiệp. Cũng có thể trồng ven các hồ nước, ao nuôi các loài thủy sản để giữ đất. Bản thân tôi cũng phát hiện được tính chịu hạn rất tốt của Lược vàng. Vừa qua, tôi đã thử nghiệm thả cây trên sàn bê-tông của sân thượng, không đất, không tưới, không chăm bón, mặc cây tận dụng nguồn nước trời, sương và mưa để sống tự nhiên. Thế mà suốt mùa hè nóng bỏng 2008 cho đến nay, chẳng có cây nào chết khô, chúng vẫn sinh trưởng, phát triển, vẫn đâm vòi, sinh cây con, chỉ có hạn chế sinh trưởng vươn dài thân và lá, màu lá hơi ngả vàng, không xanh mướt như trồng trong chậu cảnh có tưới nước thường xuyên và để nơi râm mát. Tôi dự kiến, khi Bộ Y Tế công bố chức năng chữa bệnh của nó, nếu thật sự cần phát triển, sẽ đem những cây đã được tôi luyện chịu hạn đó về vùng cát nội đồng và cát ven biển, nhân giống, trồng thành những đai phòng hộ cho các khu trồng cây nông nghiệp để vừa tận dụng khả năng chắn cát bay, vừa thu sản phẩm y tế. Giờ đây, tôi vẫn tiếp tục theo dõi thử nghiệm của mình. Có lẽ, sau khi trải nghiệm mùa hè thứ hai (năm nay), tôi cũng sẽ triển khai một thí nghiệm nho nhỏ ngoài đồng ở một vùng cát nào đó, dù không vì mục đích phát triển nguồn gen cây dược liệu thì cũng đáp ứng mục tiêu bảo vệ môi trường.