Võ Doãn Nhẫn * đăng lúc 09:35:37 PM, Aug 21, 2008 * Số lần xem: 2226
(Mặc người mưa Sở mây Tần, Những mình nào biết có xuân là gì).
Ngồi trên chiếc ghế nhựa rẻ tiền cạnh chiếc bàn gỗ cũng rẻ tiền, tôi nhâm nhi nửa tách cà phê hòa tan, trầm ngâm nghĩ ngợi. Chưa tới năm giờ sáng, mọi người cạnh gian nhà còn yên giấc ngủ. Lâu lâu, một chiếc xe hơi rồ máy di chuyển chầm chậm, chạy qua rồi mất hút, thiên hạ chuẩn bị đi làm. Lại một tuần lễ đi qua, trôi qua, lạnh lùng, thản nhiên, ngày tiếp nối ngày, đêm tiếp nối đêm, tờ giấy lịch treo trên tường cứ lặng lẽ âm ỉ vơi dần, mỏng dần, ai dám bảo thời gian không hiện hữu? Thời gian lạnh lùng. Thời gian tàn phá. Thời gian phũ phàng. Thời gian càn quét tất cả, không chừa không sót không lọt sổ không thiếu một ai. Hôm nay chủ nhật. Ngày mai là thứ hai. Ngày hôm sau nữa thứ ba, tuần tự tiếp nối cứ thế hết một tuần, tiếp nối cứ thế đến tuần lễ khác. Những vị cao niên âm thầm nhẩm tính thời giờ tuy không phát ngôn không nói thành lời nhưng họ cũng hiểu họ đang nhẩm đếm thời gian. Cách nay hai mươi tám năm, từ lúc gia đình vợ con chúng tôi quyết định nộp đơn ODP xin ra nước ngoài đoàn tụ gia đình, lẽ dĩ nhiên vợ chồng chúng tôi bắt buộc xin nghỉ việc. Lúc bấy giờ chúng tôi cảm thức được ý nghĩa sâu xa của nhàn rỗi. Không biết phải làm công việc hằng ngày những gì để phôi pha ngày tháng. Chủ nhật, thứ hai, lại thứ ba, Tư năm sáu bảy hững hờ qua. Trưa chiều chở vợ bon chen chợ, Sớm tối chăn con quét dọn nhà. Thấp thoáng ngày xuân tàn bóng xế, Ðìu hiu tháng hạ chếch trăng tà. Trăm năm quá nửa đời dang dở. Chạy trốn phồn hoa, vướng cỏ hoa. Gian nhà tôi đang ở nằm trên đường Ulric, thuộc thị trấn Linda Vista, thành phố San Diego, cách nay ước độ hơn một năm. Gian nhà vợ chồng chúng tôi đang ở không phải gian nhà chúng tôi thuê, nhưng chúng tôi được chính phủ cho thuê rẻ tiền, mỗi tháng chúng tôi trả tượng trưng hơn bốn trăm bạc. Nói nào ngay, thực tế chúng tôi housing nhà của chính phủ. Trước mặt nhà chúng tôi là một dãy trường tiểu học thuộc thành phố San Diego, giờ này vào lúc nghỉ hè, nhà trường đâu đãy đều đóng cửa, không một xe school bus vãng lai, Hè sắp chấm dứt, học sinh chuẩn bị tựu trường năm học mới, không thấy phượng vĩ màu máu đỏ, chẳng nghe ra rả ve sầu nơi chốn làng xưa. Trước mặt đường Ulric là một cây phong có lẽ bây giờ cây phong đã lớn hơn mười năm tuổi, cành phong giờ đã vươn cao chĩa ngọn lên trời, một bầy chim ý chừng là bầy chim sẻ không biết phương nào đông tây nam bắc ríu rít líu lo đậu tấp vào khóm cây tranh nhau tìm mồi, tiếng chim con mới tập bay chuyền đáp xuống đất rung rung đôi cánh còn non yếu. Chợt bầy chim vụt bay đi, lẩn trốn trong một bụi cây rậm như thể trốn kín không ai nhìn thấy nhưng sau độ bốn năm mươi giây bầy chim tiếp tục bay sà xuống đất nhảy nhót tung tăng tiếp tục tìm mồi. Cây phong cuối hè tàng lá xanh um thấp thoáng ẩn hiện một vài chiếc lá trổ màu vàng tươi chuẩn bị mùa lá rụng. Thẳng tới đầu đường Ulric là ngôi trường Mongomery Middle school, tiếng Việt gọi trường phổ thông cấp Hai. Người học trò ngày xưa hiện đang cư ngụ tại thị trấn Rosemead, có biếu tôi một cuốn sách nhỏ, nhan đề là”Yêu và Chết”, tôi không nhớ tên tác giả nhưng tôi nhớ tác giả có khuynh hướng hướng về Phật giáo; tôi nghiêng qua lật lại nhan đề “ Yêu và Chết”, Loving and Dying. Tôi có một ý nghĩ thoáng qua rất nhanh”Yêu và Chết”, Loving and Dying, phải nói là” Love and Death” mới đúng chớ. Rồi tôi lại nhớ dịch giả của nguyên tác” Yêu và Chết” là Cao Ðình Bưu, cũng là học trò ngày trước của tôi. Một lúc sau, tôi suy nghĩ thêm: biết đâu người viết nguyên tác” Yêu và Chết”đã chẳng có lý, đã chẳng có nguyên nhân thầm kín? “ Loving and Dying” ở đây không phải là danh từ “Love” và “Death” nữa nhưng là một gerund”Loving”và một”Dying”, được sử dụng như những danh - động từ (participe présent employé comme nom). Có lẽ tác giả sử dụng danh- động từ có một dụng ý (và trường hợp này hữu lý): đang yêu và đang chết. Một chúng sinh hiện đang yêu đồng thời hiện đang chết. Triết gia Martin Heidegger quả hữu lý khi viết “Sein ist sein zum Tode”, hiện hữu là hiện hữu tới cái chết. Mỗi chúng sinh hiện đang sống(sinh), già(lão), đau ốm(bệnh) và đang chết(tử). Sống thực sự là đang đi vào con đường chết. Sau Kant các triết gia tiếp nối dòng tư tưởng củaõPhê bình Lý Trí Thuần Túyõ vàõPhê bình Lý trí Thực Hànhõ là Fichte, Schelling, Hegel, ông tổ triết học duy tâm cuối thế kỷ mười chín. Hegel được nhiều học giả biết đến qua tiến trình biện chứng duy tâm nhờ hủy- thể tính(négativité). Mọi phán đoán, mọi suy luận đều phải thông qua một mâu thuẫn tất yếu nội tại để tiến bộ. Ðó là mâu thuẫn duy tâm biện chứng, idéalisme dialectique. Marx về sau chế biến thành duy vật biện chứng(matérialisme dialectique). Một vật luôn luôn hàm chứa một mâu thuẫn: có sống tất có chết, có trẻ tất có già, có khỏe mạnh tất có ốm đau. Một thân cây đang sống tất phải già phải chết. Tóc ngời mai mốt không đen nữa, tuổi trẻ khô đi, mặt xấu rồi. Tôi sẽ phải già và chắc chắn tôi sẽ phải chết, không một định luật thừa trừ, ngày một ngày hai ông thần có bộ xương và cái đầu lâu tay cầm lưỡi hái chờ đợi hồn vừa lìa khỏi xác lôi đi. Ngoảnh mặt lại, chưa kịp làm công nên chuyện thành tích trò trống gì, đã thấy những bạn bè thân thuộc đã âm thầm lặng lẽ ra đi, tôi chợt thấy mình bồi hồi luyến tiếc. Phải công nhận thời gian trôi quá mau, nhớ lại một kiếp phù sinh một đời ngắn ngủi. “ Nghĩ mình từ ngày nào lọt lòng mẹ, được một tuổi học đi, đôi ba tuổi học nói, bẩy tám tuổi biết cắp sách theo thầy, bây giờ vài gian nhà cỏ ở trong mươi mẫu cô thôn, lần lần ngày nắng đêm trăng, những tưởng đấy đã là trung tâm của trời đất, còn ngoài đó, chân trời góc biển đều là những cảnh đìu hiu”. Nhớ lại những câu ca dao quen thuộc ngày xưa, tôi tự hỏi tại sao mình đã không chịu vui chơi phôi pha ngày tháng,” chơi xuân kẻo hết xuân đi, cái già xồng xộc nó thì đến nơi”; “ cueillez, cueillez votre jeunesse; comme à cette fleur la vieillesse, fera ternir votre beauté”. Theo thời tiết một năm có bất di bất dịch bốn mùa. Mùa đông tàn tạ, mùa đông với bầu trời đen xám làm cho vạn vật tiêu điều buồn bã. Thu đến với tiết thu ủ ấp cho quả mau chín, lá mau vàng để rồi phải lìa cành trong những ngày đông thiên lạnh lẽo, gió bấc mưa dầm. Rồi lửa hạ tiếp theo với phượng vĩ nở, ve sầu ca. Kìa, tiết xuân đầm ấm, trăm hoa khoe sắc, lộc nở trên cành.” Xuân về đây muôn cánh hoa đào tươi... cười trong nắng tiếng ca” “Cuốn ngõ rèm xuân tựa bóng Hồn quê nhuộm ánh tà dương”
Xuân về, nhưng thiếu phụ còn đương xuân lẻ bóng, tựa cửa đứng rèm châu ngó mông ngoài nội, nhìn tà dương thoi thóp hoàng hôn, thẫn thờ ngắm dung nhan đang soi gương ngày một ngày tàn phai nhan sắc. Có khi nào, bao giờ nàng thật sự hưởng thụ một mùa xuân đúng ý nghĩa? Xuân hoan lạc chìm ngập trong ái ân nhục dục, xuân sung mãn ngất ngây trong hoan lạc gối chăn, gần như không có mặt, hầu như vắng bóng. Thúy Kiều chỉ hưởng thụ trong chốc lát phù du với Thúc Kỳ Tâm và gần đây với “ họ Từ tên Hải vốn người Việt Ðông”. Nhục cảm cốt để trả nợ đời, mục đích tối hậu thiêng liêng cao cả là bán mình chuộc cha, nào biết một thú vui của khách làng chơi,rung rỉnh đồng hào dư ăn dư để: “ vui là vui gượng kẻo là, Ai tri âm đó mặn mà với ai” “Xuân, xuân, xuân”, mặc người mưa Sở mây Tần, Những mình nào biết có xuân là gì.
Làm gì có được mùa xuân! Làm sao có được mưa xuân! Dày vò dằn vặt mây mưa để chỉ tổ them nỗi phũ phàng bẽ bàng thấm thía! Sau cuộc truy hoan, khách làng chơi đã bỏ đi, khách hồng nhan nằm trơ một thân một mình trên giuờng gối chăn vung vãi. Một ả giang hồ, một gái làng chơi không hơn không kém. Thời vàng son hoa bướm bạn tình xưa đã sang ngang, pháo hồng tan xác đổ dọc đường, chuyến đò đã tiễn đưa người tình qua sông. Tôi đi tìm lại một mùa xuân dĩ vãng không bao giờ trở lại, liên tưởng tới một bài hát diễm tình của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương: “ Tôi đi tìm lại một mùa xuân Mùa xuân xưa cũ qua mất rồi. Mùa xuân đã rơi vào dĩ vãng Mà xuân nay vẫn còn dư hương.
Tôi đi tìm lại một mùa xuân Gặp nhau khi pháo vang cuối đường. Tay khép áo xanh nhìn không nói Lạc hồn về cõi tiên nào đây.
Nên tôi tìm lại một mùa xuân Người xưa không biết lạc phương nào. Không biết khi xuân về trên áo Màu xanh năm đó còn xanh không.
Ngày xanh niên thiếu qua mất rồi Khi cuối thu mùa đông vẫn rơi Khi áo xanh đã vượt sông dài Khi pháo rơi dưới thuyền hoa rồi Còn xuân này thương nhớ khôn nguôi.
Tôi đi tìm lại một mùa xuân Dù không mong đến chuyện tương phùng Dù tháng năm trôi vào xa vắng Và xuân nay khác biệt xuân xưa.
Tôi đi tìm lại một mùa xuân Mùa xuân năm đó chưa thấy lại Tôi vẫn đi trong chiều xuân tái Tìm để mà tìm như thế thôi.
Tôi nhớ” tôi đi tìm lại một mùa xuân” khi mùa xuân bước sang, khi anh tôi còn sinh tiền thời còn khang kiện, tôi đinh ninh nhạc phẩm ấy là nhạc phẩm của Nguyễn Hiền tôi thường nghe hát, Thanh Bình Ca, Về đây Anh, Tình Trăng Nước, Tìm Ðâu,... hóa ra không phải, Bé cái lầm, râu ông nọ cắm cằm bà kia. Nếu tôi không lầm nhạc phẩm ấy là của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương, giáo sư trường Quốc học Huế, phụ trách môn Triết. Nhạc sĩ họ Phạm tôi có dịp gặp một lần duy nhất trong mùa thí vụ tại hội đồng chấm thi Nha Trang. Nhạc sĩ họ Phạm dáng người tầm thước, đầu hói, mang kính trắng, chuyện trò niềm nở ngoài hành lang. “ Tôi đi tìm lại một mùa xuân” mà như thể tôi đang nhìn ngắm mùa xuân trôi qua, màu nắng chan hòa rực rỡ, rộn ràng chim ca ríu rít trong hàng cây khóm hoa nội cỏ, cảnh vật thiên nhiên bắt đầu ca hát. Tôi đi tìm như thể tìm mùa xuân đã mất, giai nhân giờ này đã ra đi một chuyến đò ngang một chuyến sang sông ôm cầm thuyền khác, lời ca buồn bã thê lương kể lể nỗi niềm tha thiết. “ Tay khép áo xanh nhìn không nói”. Cô dâu về nhà chồng mặc áo thụng xanh, đội khăn vành, một y phục truyền thống đất Thần kinh miền Trung, e lệ khép tà áo thụng nhìn tác giả mà không nói được câu nào lời nào, nhưng im lặng ấy tuy không nói đã chất chứa nhiều ý nghĩa, chẳng khác chi Châu Long vợ ba Dương Lễ bạn chí thiết của Lưu Bình nàng tiên khả ái xinh đẹp đã trốn về trời sau khi Lưu Bình công đã thành, danh đã toại:
“ Giã biệt tiên đi, sầu cũng nhỏ, Trần gian thôi nhớ chuyện trên trời. Bóng hồng vỗ cánh muôn năm trước, Ai biết sầu xưa rộng mấy khơi”.
Nhưng hỡi ôi,” cái hạc bay lên vút tận trời” còn đâu!” Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai”. Cái hạc bay vút tận trời và cả hai con hạc cũng vỗ cánh bay về Bồng Lai. Thôi, thế là hết. Tiên khó hi vọng cầu mong hạc sẽ trở lại hồng trần, để mặc”người ôm mặt khóc giữa vô thường”.
Tái đáo Thiên Thai tìm chẳng thấy. Người tiên mong ngóng mùa xuân ấy. Nửa năm dụi mắt trống thì thùng, Một thoáng canh gà eo óc gáy. Cái hạc lưng trời lãng đãng bay, Dòng sông lượn khúc triền miên chảy. Từ nay đoạn tuyệt bất tương phùng. Một thoáng vàng son thời thuở ấy.
Vĩnh biệt tiên đi sầu cũng nhỏ. Giai nhân quên hết chuyện bên đời. Quỳnh Tiên vỗ cánh bao năm trước Chẳng biết chàng Uyên đợi biển khơi. Tôi đi tìm lại một mùa xuân. Chỉ thấy xuân sang ngát núi rừng; “ Hoa đào nước chảy còn nguyên đó, Chẳng thấy người xưa chuốc chén nồng”./.
Võ Doãn Nhẫn
Ý kiến bạn đọc
Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.