Dec 26, 2024

Tác giả

Trần Thái Tông - 陳太宗, (1218-1277)
Hình ảnh
#1

Tiểu sử tác giả

Trần Thái Tông 陳太宗 (1218-1277) tên thật là Trần Cảnh 陳景, vị vua đầu tiên của triều nhà Trần. Do sự sắp đặt của Trần Thủ Ðộ, Lý Chiêu Hoàng đã lấy Trần Cảnh và sau đó nhường ngôi cho ông (năm 1226). Vì quyền lợi của họ Trần, ông phải chịu những bi kịch trong cuộc đời, để lại trong tâm tư ông một niềm khoắc khoải, day dứt không nguôi. Ông là vị vua có công đất nước từ thời kỳ lộn xộn cuối đời Lý đến bình an và thịnh vượng, đặt nền móng cho việc xây dựng chế độ thi cử để tuyển chọn hiền tài góp phần mở mang việc học. Ông cũng đã đích thân chỉ huy nhiều mặt trận nguy hiểm trong cuộc chống quân xâm lược Mông Cổ lần thứ nhất.


1. (Vô đề) 3. Sơ nhật vô thường kệ
2. Ký Thanh Phong am tăng Ðức Sơn 4. Thử thời vô thường kệ



**************

Một góc Đền Trần ở quê hương Nam Định
Đền Thái ViHành cung Vũ Lâm (Ninh Bình) nơi các vua Trần xuất gia



  Nguồn https://vi.wikipedia.org


Trần Thái Tông (chữ Hán: 陳太宗; tên thật là Trần Cảnh, 16 tháng 6, 1218 – 1 tháng 4, 1277), là vị hoàng đế đầu tiên của nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông ở ngôi hơn 32 năm (1225 - 1258), làm Thái thượng hoàng trong 19 năm.

Sinh ra dưới thời kỳ nhà Lý còn tại vị, Trần Cảnh cùng tuổi với vị Nữ hoàng nhà Lý lúc bấy giờ là Lý Chiêu Hoàng. Ông được Chiêu Hoàng yêu mến, hay gọi vào vui đùa, Trần Cảnh khi ấy không nói năng gì nhưng khi về đều nói lại với chú họ là Trung Vũ đại vương Trần Thủ Độ. Bằng sự sắp xếp của mình, cuối cùng Trần Thủ Độ đưa được Trần Cảnh lên Hoàng vị thông qua việc sắp đặt hôn nhân giữa Trần Cảnh và Lý Chiêu Hoàng. Sự kiện đó xảy ra vào năm 1225, chấm dứt triều đại nhà Lý đã tồn tại hơn 200 năm.

Năm 1237, Trần Thủ Độ ép Trần Cảnh phế Lý hoàng hậu (tức Lý Chiêu Hoàng) vì không sinh được người kế vị, lập chị của Hoàng hậu là Thuận Thiên công chúa lên thay. Công chúa vốn là vợ của anh trưởng Thái Tông là Hoài vương Trần Liễu, khi ấy đang có thai với Trần Liễu 3 tháng. Việc này khiến Trần Liễu làm loạn ở sông Cái, cuối cùng bị thất thế, đổi làm An Sinh vương (安生王) và tập ấm ở vùng đất mà bây giờ là tỉnh Quảng Ninh.

Khoảng năm 1257 - 1258, đội quân Mông Cổ do Ngột Lương Hợp Thai lãnh đạo vào cướp Đại Việt, với ý định mở đường cho Đế quốc Mông Cổ ở vùng phía Nam. Thái Tông hoàng đế cùng Thái sư Trần Thủ Độ đã chỉ huy quân đội Đại Việt, cùng hiệp sức với các thân vương, đánh tan tác quân đội Mông Cổ tại trận Đông Bộ Đầu. Công lao sáng ngời sử sách, Thái Tông hoàng đế được đánh giá là vị Minh quân của nhà Trần.

Thái Tông hoàng đế ngoài thông tuệ chính sự, cũng là một người sùng Phật giáo, thơ văn, với những tác phẩm về thiền như Thiền tông chỉ nam ca, Chú giải Kinh Kim cương Tam muội, Lục thì sám hối khoa nghi. Tất cả đều được ghi lại trong sách Khóa hư lục, một tác phẩm Phật học quan trọng do Trần Cảnh viết vào thời gian ông làm Thái thượng hoàng. Thơ của ông không nhiều, chỉ gói gọn trong Trần Thái Tông thi tập, lời thơ được đánh giá thanh nhã, dùng từ trau chuốt, nhưng nay đã thất lạc.

                                             &&&&&&&&

Thân thế 

Thái Tông hoàng đế nguyên tên thật là Trần Bồ (陳蒲), sau đổi thành Trần Cảnh (陳煚), sinh vào ngày 16 tháng 6 năm Mậu Dần, niên hiệu Kiến Gia thứ 8 triều Lý (tức 10 tháng 7 năm 1218). Con trai thứ 2 của Thái Tổ Chí Hiếu hoàng đế, mẹ là Thuận Từ hoàng hậu Lê thị. Ông có một người anh tức Khâm Minh đại vương Trần Liễu, em trai Khâm Thiên đại vương Trần Nhật Hiệu, em gái là Thụy Bà công chúa (瑞婆公主) và Thiên Thành công chúa.

Tổ phụ là Trần Kinh (陳京), khi dời từ An Sinh (Quảng Ninh) về Tức Mạc (Nam Định) lấy vợ sinh ra Trần Hấp (陳翕). Hấp dời mộ cha sang sinh sống tại Long Hưng (Thái Bình) sinh ra Trần Lý (陳李) và Trần Hoằng Nghi (陳泓宜).[1] Trần Lý sinh ra Thái Tổ hoàng đế Trần Thừa, Kiến Quốc đại vương Trần Tự Khánh và Linh Từ quốc mẫu Trần Thị Dung. Trần Hoằng Nghi sinh được ba người con trai: Trần An Quốc (陳安國), Trần An Bang (陳安幫) và Trung Vũ đại vương Trần Thủ Độ.[2]

Ông được sử cũ mô tả ngoại hình: "mũi cao, mặt rộng, giống như Hán Cao Tổ". Khi mới 8 tuổi, ông làm Chi hậu chính chi ứng cục triều Lý, khi ấy là triều đại của Lý Chiêu Hoàng.

Lên ngôi 

Khi ông sinh ra, họ Trần đã nắm quyền thao túng triều chính nhà Lý. Lúc đó chú họ là Trần Thủ Độ làm Điện tiền chỉ huy sứ, cai quản toàn bộ binh lực triều đình. Trần Cảnh do là họ hàng nên được vào hầu trong cung. Lý Chiêu Hoàng, nữ hoàng nhỏ tuổi của nhà Lý thấy ông thì rất thích.[3]


"...Một hôm, Cảnh lúc ấy mới lên 8 tuổi, phải giữ việc bưng nước rửa, nhân thế vào hầu bên trong. Chiêu Hoàng trông thấy làm ưa, mỗi khi chơi đêm cho gọi Cảnh đến cùng chơi, thấy Cảnh ở chỗ tối thì thân đến trêu chọc, hoặc nắm lấy tóc, hoặc đứng lên bóng. Có một hôm, Cảnh bưng chậu nước hầu, Chiêu Hoàng rửa mặt lấy tay vốc nước té ướt cả mặt Cảnh rồi cười trêu, đến khi Cảnh bưng khăn trầu thì lấy khăn ném cho Cảnh. Cảnh không dám nói gì, về nói ngầm với Thủ Độ. Thủ Độ nói: "Nếu thực như thế thì họ ta thành hoàng tộc hay bị diệt tộc đây?".

Lại một hôm, Chiêu Hoàng lại lấy khăn trầu ném cho Cảnh, Cảnh lạy rồi nói: "Bệ hạ có tha tội cho thần không? Thần xin vâng mệnh". Chiêu Hoàng cười và nói: "Tha tội cho ngươi. Nay ngươi đã biết nói khôn đó". Cảnh lại về nói với Thủ Độ. Thủ độ sợ việc tiết lộ thì bị giết cả, bấy giờ mới tự đem gia thuộc thân thích vào trong cung cấm. Thủ Độ đóng cửa thành và các cửa cung, sai người coi giữ, các quan vào chầu không được vào. Thủ Độ loan báo rằng: "Bệ hạ đã có chồng rồi".
 ”

— Đại Việt Sử ký Toàn thư
 

Ngày 21 tháng 10 năm Ất Dậu (tức 22 tháng 11 năm 1225), Chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho Trần Cảnh. Ngày mồng 1 tháng Chạp năm ấy (tức 31 tháng 12 năm 1225), Chiêu Hoàng bỏ hoàng bào mời Trần Cảnh lên ngôi Hoàng đế ở điện Thiên An, dựng lên nhà Trần, sử gọi là Trần Thái Tông. Chiêu Hoàng được Thái Tông phong làm Hoàng hậu.

Trần Cảnh tức vị Hoàng đế, trở thành người khai lập ra nhà Trần, tự xưng là Thiện Hoàng (善皇), đổi niên hiệu làm Kiến Trung (建中). Ông tôn cha Trần Thừa làm Thái thượng hoàng, chú là Trần Thủ Độ làm Thái sư, gọi là Quốc thượng phụ (国尚父), nắm trong tay quyền hành lớn.

Cai trị             

Sau khi lên ngôi hoàng đế, Thái Tông liền ra lệnh đại xá cho thiên hạ. Bấy giờ Thủ Độ phải chống đỡ với phiến quân ở bên ngoài, lại tự nghĩ rằng mình vốn đã không biết chữ, lại cũng không quen việc trị quốc, nên từ chối và đề nghị mời thượng hoàng tạm coi việc nước. Các quan đều cho là phải, Thái Tông mới mời cha vua là Trần Thừa ra làm nhiếp chính.[4]

Sang tháng Giêng năm sau, Thái Tông phong cho Chiêu Hoàng làm Hoàng hậu, lại cho người đi tuyển con gái đẹp, con nhà lương thiện vào làm cung nhân.[5] Phong cho Trần Thủ Độ làm Thái sư thống quốc hành quân vụ chinh thảo sư. Rồi phế thái thượng hoàng nhà Lý là Lý Huệ Tông, an tọa ở chùa Chân Giáo.

Thái sư nhiếp chính

Bài chi tiết: Trần Thủ Độ

Sau khi Thái thượng hoàng Trần Thừa mất (1234), Trần Thủ Độ trở thành người nhiếp chính cho Thái Tông đến khi ông trưởng thành. Thủ Độ được chép là tuy không có học vấn, nhưng tài lược hơn người, vì thế được nhà nước dựa cậy, quyền át cả vua. Tuy vậy, Thái sư cho đến khi Thái Tông trưởng thành, tự mình cai quản đất nước đều không tâm niệm cướp ngôi, mà trở thành cánh tay đắc lực nhất của Thái Tông.

Trị việc trong nước đều cẩn thận và chu toàn. Về mọi mặt, thời Thái Tông củng cố các vấn đề chính nhất là:
Mở khoa thi Tam giáo (Đạo giáo, Nho giáo, Phật giáo) sau nhiều năm bị gián đoạn do loạn lạc cuối thời Lý. Định đặt luật pháp, soạn ra bộ Quốc triều hình luật gồm 20 quyển để định tội danh trong nước. Đáng tiếc bộ sách này đã bị thất truyền.
Lại mở rộng phía ngoài thành Đại La, bốn cửa thành giao cho quân Tứ sương thay phiên nhau canh giữ. Sửa đổi quan chức các phủ lộ. Đặt 2 viên An phủ sứ và An phủ phó sứ. Trong thành dựng cung, điện, lầu, các và nhà lang vũ ở hai bên phía đông và tây. Bên tả là cung Thánh Từ (nơi Thái thượng hoàng ở), bên hữu là cung Quan Triều (nơi Hoàng đế ở). Chép công việc của quốc triều làm bộ Quốc triều thường lễ, 10 quyển.

Thủy lợi cũng được coi trọng. Năm 1231, sai hoạn quan Nguyễn Bang Cốc chỉ huy binh lính phủ mình đào vét kênh Trầm và kênh Hào[6] từ phủ Thanh Hóa đến địa giới phía nam Diễn Châu. Việc xong, thăng Bang Cốc làm Phụ Quốc thượng hầu.
Bắt đầu định luật hành chính. Chia đất nước làm 12 lộ. Đặt các chức quan cai trị. Làm đơn sổ hộ khẩu, con trai lớn gọi là đại hoàng nam, con trai nhỏ gọi là tiểu hoàng nam, 60 tuổi gọi là lão, già lắm thì gọi là long lão. Nhân đinh có ruộng đất thì nộp tiền thóc, người không có ruộng đất thì miễn cả. Có 1, 2 mẫu ruộng thì nộp 1 quan tiền, có 3, 3 mẫu thì nộp 2 quan tiền, có từ 5 mẫu trở lên thì nộp 3 quan tiền. Tô ruộng mỗi mẫu nộp 100 thăng thóc.

Bắt đầu thông thương nơi biên giới, để có thể giao thương với nhà Tống ở Giang Nam. Khi Nguyên Thái Tông mất, thì cửa ải thường không thông. Nếu có sứ mệnh thì chỉ có hai viên chánh phó sứ và hai bọn người đi theo, còn sản vật tiến cống có bao nhiêu thì gói bọc đưa đến địa đầu biên giới, quan địa phương nhận giữ và chuyển nộp. Sứ thần đến kinh, chỉ dâng biểu tâu thôi, các vật tiến cống không đến nơi cả được. Đến bây giờ, sai tướng chống giữ, đánh chiếm mới thông hiếu được với nước Tống.

Mỗi khi có dịp hạn hán, triều đình thường ban hành luật miễn thuế khóa, mở lương thóc rồi đại xá. Cho nên quốc lực mau chóng khôi phục, Đại Việt lại trở nên phồn thịnh như thời nhà Lý. Trong ĐVSKTT có ghi chép:..Bấy giờ quốc gia vô sự, nhân dân yên vui, người làm quan giữ mãi một chức, người ở quán, các 10 năm mới được xuất thân, người ở sảnh, cục 15 năm mới được xuất thân, chức tể tướng thì chọn người hiền năng trong tôn thất, có đạo đức, tài nghệ, thông hiểu thi thư thì cho làm.

Năm 1252, Thái Tông ông dẫn binh đi đánh Chiêm Thành. Khi nhà Lý suy, Chiêm Thành thường hay xua binh công phá ở vùng Nghệ An, dân chết vô số, nay vua lên ngôi mà không sang thông hiếu nên rất giận, dẫn quân đi đánh và bắt được nhiều thần thiếp, cướp được nhiều của cải. Uy danh Đại Việt đối với Chiêm Thành lại được thiết lập.

Phế lập Hoàng hậu
Bài chi tiết: Lý Chiêu Hoàng


Lý hoàng hậu có thai sinh ra một Hoàng tử cho Thái Tông vào năm 1233, đặt tên là Trần Trịnh (陳鄭), nhưng không may lại chết yểu ngay khi sinh. Thái sư Trần Thủ Độ bèn bàn với Quốc mẫu, lập một người khác làm Hoàng hậu để có con nối dõi cho Thái Tông.

Năm 1237, do sức ép của Trần Thủ Độ, ông ra chỉ phế Lý hoàng hậu xuống làm Chiêu Thánh công chúa (昭聖公主), và lấy Thuận Thiên công chúa, phu nhân của anh trai ông là Hoài vương Trần Liễu, đương có thai 3 tháng, lập làm Kế Hoàng hậu.

Vì thế, Trần Liễu đem quân bản bộ ra sông Cái chống lại. Điều này làm cho Trần Cảnh khó xử và ông đã bỏ kinh đô lên núi Yên Tử, gặp sư Phù Vân vốn là bạn cũ. Thái sư Trần Thủ Độ phải đích thân lên núi mời, cộng với lời khuyên của sư Phù Vân, ông mới quay lại kinh đô. Hai tuần sau, Trần Liễu thế cô, không đối địch được, mới đi thuyền độc mộc giả làm người đánh cá, đến chỗ thuyền ngự của Trần Cảnh mà xin hàng. Trần Thủ Độ định chém Trần Liễu, nhưng Trần Cảnh đã lấy thân mình che đỡ cho Trần Liễu nên Trần Thủ Độ không làm gì được. Sau đó lấy đất Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Hưng, Yên Bang (nay thuộc Quảng Ninh) để ban cho Trần Liễu làm ấp thang mộc. Vì tên đất được phong, mà Trần Liễu có tên hiệu là Yên Sinh vương (安生王).

Vi hành qua Tống

Lúc này, Thái Tông đã trưởng thành, tự mình có thể đảm đương việc đất nước. Năm 1241, ông thân hành cầm quân đi đánh các trại Vĩnh An, Vĩnh Bình của nước Tống phía đường bộ, vượt qua châu Khâm, châu Liêm. Vào địa phận nước Tống, tự xưng là Trai Lang, bỏ thuyền lớn ở trong cõi, chỉ đi bằng các thuyền nhỏ Kim Phụng, Nhật Quang, Nguyệt Quang.

Người châu ấy không biết là ai, đều sợ hãi chạy trốn. Đến sau biết là Hoàng đế Đại Việt, mới chăng xích sắt giữa sông để chặn đường thủy. Khi trở về, ông sai nhổ lấy vài chục cái neo đem về, rồi ung dung đi tiếp đường cũ mà không sợ hãi lúng túng.

Triệu tập Nguyễn Hiền

Bài chi tiết: Nguyễn Hiền

Nguyễn Hiền là trạng nguyên trẻ tuổi nhất trong nền khoa bảng Việt Nam. Ông mồ côi cha từ nhỏ, bà mẹ đã cho ông theo học sư cụ chùa Hà Dương ở làng Dương A. Năm 11 tuổi, Hiền đã nổi tiếng và được mệnh danh là "thần đồng", đã đỗ trạng nguyên tại khoa thi tháng 2 năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 16 (1247) thời vua Trần Thái Tông. Nhưng Thái Tông cho là Hiền còn quá nhỏ, cần về quê để học thêm.

Tương truyền sứ thần Trung Hoa đem một bài thơ ngụ ngôn sang thử nhân tài nước Nam. Bài thơ như sau:

“ Lưỡng nhật bình đầu nhật,
Tứ sơn điên đảo sơn,
Lưỡng vương tranh nhất quốc,
Tứ khẩu tung hoành gian.
 ”

Dịch là:

“ Hai mặt trời bằng đầu,
Bốn trái núi điên đảo,
Hai vua tranh nhau một nước,
Bốn miệng ở trong khoảng dọc ngang.
 ”

Quan gia và các quan trong triều không ai giải nghĩa được là gì. Một viên quan tâu với Thái Tông xin mời trạng nguyên Nguyễn Hiền đến để hỏi nghĩa. Các quan đến quê mời gặp lúc Nguyễn Hiền đang nô đùa với chúng bạn, Nguyễn Hiền nói với các quan:
"Trước đây vua nói ta chưa biết lễ, thì nay chính vua cũng không biết lễ. Không ai đi mời trạng nguyên về kinh lại không có lễ nghĩa.
Quan về tâu lại với vua, rồi đem đồ lễ và xe ngựa đến đón, Nguyễn Hiền mới chịu về kinh.

Về đến kinh đô, Thái Tông đưa bài thơ của sứ Tàu ra, trạng Hiền liền giải thích như sau:
Câu thứ nhất nghĩa là hai chữ "nhật" đều bằng đầu nhau. Câu thứ hai "Tứ sơn điên đảo sơn" là 4 chữ "sơn", ngược xuôi cũng đều là chữ "sơn" cả. Câu thứ ba "Lưỡng vương tranh nhất quốc", nghĩa là chữ "vương" hai vua tranh một nước. Câu thứ tư "Tứ khẩu tung hoành gian", có nghĩa là 4 chữ "khẩu" ngang dọc cũng đều thành chữ "khẩu" cả. Tóm lại tất cả 4 câu thơ chỉ nói đến chữ "Điền".
Nguyễn Hiền được giữ vào triều. Vua tuyển ông vào học tiếp Tam giáo chủ khoa, tức đạo Lão, đạo Phật, đạo Khổng và bổ nhiệm làm quan đến chức Thượng thư bộ Công.

Ngày 14 tháng 8 năm Bính Tý (1255), trạng nguyên Nguyễn Hiền lâm bệnh nặng và qua đời, thọ 21 tuổi. Thái Tông thương tiếc truy phong ông là Đại vương thành hoàng và tôn làm thần ở 32 nơi, trong đó có đình Lại Đà ở xã Đông Hội - huyện Đông Anh, Hà Nội ngày nay.

Chiến tranh với Mông Cổ

Bài chi tiết: Chiến tranh Nguyên Mông-Đại Việt lần 1

Ở phương bắc, Nhà Tống phải rút xuống phía nam trước sự xâm lấn của nước Kim của người Nữ Chân. Phía tây bị nước Tây Hạ chia cắt. Tới đầu thế kỷ 13, người Mông Cổ ở phía bắc nước Kim thống nhất dưới quyền Thành Cát Tư Hãn, trở nên lớn mạnh. Mông Cổ đánh xuống phía nam, tiêu diệt Tây Hạ (1227) và Kim (1234). Mặc dù đã mở rộng bờ cõi bao la sang phía tây, diệt nhiều nước Tây Á và đánh sang châu Âu, người Mông Cổ tiếp tục tiến xuống phía nam để tiêu diệt Nam Tống.

Năm 1254, quân Mông Cổ đánh chiếm nước Đại Lý (Vân Nam ngày nay), muốn đánh chiếm Đại Việt để tạo thế "gọng kìm" bao vây Nam Tống. Các đoàn ngoại giao của Mông Cổ được phái sang Đại Việt đề nghị mở đường cho quân đội Mông Cổ đi qua để lên đất Tống. Nhưng các vua Trần không những từ chối lại còn cho bắt giam các nhà ngoại giao Mông Cổ.

Chiến tranh nổ ra vào năm 1258, khi Ngột Lương Hợp Thai cùng con trai là Aju đem 3 vạn quân Mông Cổ và 1,5 vạn quân Đại Lý tấn công Đại Việt. Quân Mông Cổ mau chóng giành được thắng lợi, chiếm được kinh đô Thăng Long, nhưng rồi cũng mau chóng bị quân Đại Việt đánh bật, đặc biệt tại trận Đông Bộ Đầu. Cuộc chiến này chỉ diễn ra trong vòng khoảng nửa tháng, cuối tháng 1 năm 1258.

Truyền ngôi và qua đời

Ngày 24 tháng 2 năm 1258, ông truyền ngôi cho Thái tử Trần Hoảng, lui về làm Thái thượng hoàng, được tôn làm Hiển Nghiêu Thánh Thọ Thái Thượng Hoàng Đế (顯堯聖壽太上皇帝). Trần Hoảng lên ngôi tức Trần Thánh Tông. Lệ Thái thượng hoàng của nhà Trần từ đây thành truyền thống, thứ nhất tránh việc tranh giành ngôi báu giữa các con do đã sớm được định đoạt, thứ nữa là rèn luyện cho vị Hoàng đế mới cai trị đất nước càng sớm càng tốt.

Ngày mồng 1 tháng 4 năm Đinh Sửu (tức 5 tháng 5 năm 1277), Thái thượng hoàng mất tại Vạn Thọ điện, thọ 58 tuổi, táng tại Chiêu Lăng thuộc phủ Long Hưng (Tiến Đức, Hưng Hà, Thái Bình ngày nay).

Ông được dâng miếu hiệu là Thái Tông (太宗), thụy hiệu là Thống Thiên Ngự Cực Long Công Mậu Đức Hiển Hòa Hựu Thuận Thần Văn Thánh Vũ Nguyên Hiếu hoàng đế (統天御極隆功茂德顯和佑順神文聖武元孝皇帝).

Về việc qua đời của Thái Tông hoàng đế, sử sách ghi lại rằng:

“ Trước đó, Thượng hoàng đến ngự đường, bỗng thấy con rết bò trên áo ngự. Thượng hoàng sợ, lấy tay phủi nó rơi đánh "keng" xuống đất, nhìn xem thì hóa ra cái đinh sắt, đoán là điềm năm Đinh.
Lại có lần đùa sai Minh tự Nguyễn Mặc Lão dùng phép nghiệm quan nghiệm xem điềm lành hay điềm dữ. Hôm sau Mặc lão tâu: "Thấy một chiếc hòm vuông bốn mặt đều có chữ "nguyệt" , trên hòm có một cái kim, một chiếc lược".

Thượng hoàng lại đoán: "Hòm tức là quan tài, chữ " nguyệt" (tháng) ở bốn bên tức là tháng 4, cái kim có thể cắm vào vật gì, tức là nhập vào quan tài, chữ "sơ" là chiếc lược, đồng âm với "sơ" là xa tức là sẽ xa rời các ngươi".

Lại lúc ấy đương có trò múa rối, thường có câu: "Mau đến ngày mồng 1 thay phiên". Thượng hoàng lại đoán: "Thế là ngày mồng 1 ta chết".

Năm trước, có một hôm thượng hoàng chợt bảo tả hữu: "Tháng 4 sang năm ta tất chết". Đến nay quả như vậy.
 ”

— Đại việt sử ký toàn thư

 

Sử thần Ngô Sĩ Liên bàn về việc này như sau:
Điềm lành hay tai họa, chỉ có người thành tâm mới biết trước được. Vì thế, Đại truyện trong kinh dịch có nói: "Hình dung sự vật thì biết được vật thực, chiêm đoán sự vật thì mới biết được tương lai". Nhưng tất là phải sau khi đã suy xét trong lòng, nghiền ngẫm trong óc. Thái Tông biết được việc tương lai là chiêm đoán sự vật đấy. Nhưng nếu không phải là người lý sáng, lòng thành, mà cứ thấy việc là phỏng đoán mò để rồi khẳng định, thì chưa bao giờ không chuốc lấy tai họa về sau. Đó là chỗ khác nhau giữa cái học sấm ký thuật số với cái học thánh hiền chăng?.

Tác phẩm

 Khu di tích đền Trần (Thái Bình)
Tác phẩm của Trần Thái Tông có:
Khóa hư lục (Tập bài giảng về lẽ hư vô).
Thiền tông chỉ nam ca (Bài ca về yếu chỉ của thiền tông), nhưng nay chỉ còn lại bài tựa.
Lục thì sám hối khoa nghi (Nghi thức sám hối vào sáu thời khắc trong một ngày).
Trần Thái Tông ngự tập (1 quyển), được Phan Huy Chú khen là "lời thơ thanh nhã, đáng đọc",[7] nhưng nay đã không còn, chỉ còn lại 2 bài chép trong Việt âm thi tập và Toàn Việt thi lục.

Ngoài ra ông còn đề tựa kinh Kim Cương, viết một số bài bình luận về việc tọa thiền, việc niệm Phật và một bài răn về tửu sắc....[8]

Theo GS. Trần Văn Giáp thì ông còn viết:
Quốc triều thông chế.
Kiến trung thường lễ.[9]

Tôn vinh

Về sau, Dụ Tông Quang Hiếu hoàng đế đã làm bài thơ, so sánh công đức của Trần Thái Tông so sánh với Đường Thái Tông:

裕宗賛太宗詩...唐越開基两太宗,彼稱貞觀我元豐。建成誅死安生在,廟號雖同德不同。 Dụ Tông tán Thái Tông thi...Đường Việt khai cơ lưỡng Thái Tông,Bỉ xưng Trinh Quán, ngã Nguyên Phong.Kiến Thành tru tử, An Sinh tại,Miếu hiệu tuy đồng, đức bất đồng. Thơ tán tụng của Dụ Tông đối với Thái Tông...Sáng nghiệp Đường Việt hai Thái Tông,Kia xưng Trinh Quán, ta Nguyên Phong[10].Kiến Thành bị giết, An Sinh sống[11],Miếu hiệu như nhau, đức chẳng đồng.

Trần Thái Tông hiện được đúc tượng và thờ phụng ở các đền Trần (Thái Bình), đền Trần (Nam Định) và đền Thái Vi ở Ninh Bình. Ngày nay ở nhiều thành phố Việt Nam có tên đường Trần Thái Tông như ở Hà Nội có phố Trần Thái Tông ở quận Cầu Giấy. Các thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đà Lạt, thành phố Thái Bình, thành phố Nam Định, thành phố Hạ Long... đều có đường phố mang tên ông.

Gia quyến

 Một góc Đền Trần ở quê hương Nam Định

 Đền Thái Vi ở Hành cung Vũ Lâm (Ninh Bình) nơi các vua Trần xuất giaCha: Trần Thừa, truy tôn Thái Tổ Chí Hiếu Hoàng đế (太祖至孝皇帝陳承).
Mẹ: Thuận Từ Quốc Thánh Hoàng hậu Lê thị (順慈國聖皇后黎氏; ? - 1230).
Anh chị em:
1.Khâm Minh Đại vương Trần Liễu [欽明大王陳柳], anh trai.
2.Khâm Thiên Đại vương Trần Nhật Hiệu [欽天大王陳日晈], em trai.
3.Hoài Đức Vương Trần Bà Liệt [懷德王陳婆列], em trai.
4.Thụy Bà Công chúa [瑞婆公主], chị gái, mẹ nuôi của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.
5.Thiên Thành Công chúa [天城公主], em gái (?).

Hậu phi:
1.Lý Phế hậu (李廢后; 1218 - 1278), húy Thiên Hinh (天馨), con gái Lý Huệ Tông và Linh Từ Quốc mẫu, sinh ta Hoàng thái tử Trần Trịnh. Năm 1237, bà bị giáng làm Chiêu Thánh công chúa (昭聖公主). Năm 1258, cải giá lấy Lê Phụ Trần.
2.Hiển Từ Thuận Thiên hoàng hậu Lý thị (顯慈順天皇后李氏; 1216 - 1248), húy Oanh (鶯), chị gái Lý Phế hậu. Năm 1237, bà bị ép bỏ Hoài vương Trần Liễu, trở thành Hoàng hậu của Thái Tông thay cho em gái là Lý hoàng hậu vừa bị phế truất. Có con với Trần Liễu là Vũ Thành Vương Trần Doãn, Tĩnh Quốc Đại vương Trần Quốc Khang, với Thái Tông là Trần Thánh Tông, Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải.
3.Lệ Trinh Nguyên phi Lê thị (丽贞元妃黎氏; 1219 - 1290), húy Tuyết (雪)[12]; thuộc gia tộc Thuận Từ hoàng hậu; người xã Mai Sơn (nay là huyện Ý Yên, Nam Định), không con. Năm 1255, bà xin Thái Tông cho dựng hành cung Lan Hoa tại làng Phù Hoa, hành đô Thiên Trường.
4.Huệ Túc Phu nhân Hoàng thị (惠肅夫人黃氏); con gái Tống triều di thần Hoàng Bính.
5.Nhiều phi tần không rõ danh tính, Trần Ích Tắc, Trần Nhật Duật, An Tư công chúa đều sinh ra sau khi Hiển Từ Hoàng hậu qua đời (1248).

Hậu duệ

Sử sách không ghi chép về số Hoàng tử, Hoàng nữ của Trần Thái Tông; một số được đề cập:
1.Hoàng thái tử Trần Trịnh [皇太子陳鄭; 1233],[13], chết yểu, mẹ là Lý Phế hậu.
2.Tĩnh Quốc Đại vương Trần Quốc Khang [靖國大王陳國康],[13] thực tế là con của Khâm Minh đại vương Trần Liễu và Hiển Từ Thuận Thiên hoàng hậu.
3.Hoàng thái tử Trần Hoảng [陳晃], tức Trần Thánh Tông, mẹ là Hiển Từ Thuận Thiên hoàng hậu.
4.Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải [昭明大王陳光啟], mẹ là Hiển Từ Thuận Thiên hoàng hậu.
5.Bình Nguyên Vương Trần Nhật Vĩnh [平原王陳日永].
6.Vũ Uy Vương Trần Duy [武威王陈維].
7.Chiêu Đạo Vương Trần Quang Xưởng [昭道王陈光昶], anh em cùng mẹ với Chiêu Quốc Vương.
8.Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc [昭國王陳益稷].
9.Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật [昭文王陳日燏].
10.Minh Hiến Vương Trần Uất [明宪王陈蔚].[14].
11.Thiều Dương công chúa [韶陽公主; ? - 4/1277], húy là Thúy, lấy Thượng vị Văn Hưng hầu, mất ngay khi Trần Thái Tông qua đời.
12.Thụy Bảo công chúa [瑞寶公主], chị em cùng mẹ với Thiều Dương Công chúa, lấy Uy Văn vương Toại, sau lấy Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng.
13.An Tư công chúa [安姿公主], lấy Trấn Nam Vương Thoát Hoan.

  Nguồn https://vi.wikipedia.org

Tất cả các bài của tác giả Trần Thái Tông - 陳太宗, (1218-1277):

Ký Thanh Phong am tăng Ðức Sơn - Cổ thi Việt Nam - Jun 10, 2008